VĨNH PHÚC

Vĩnh Phúc là tỉnh thuộc miền núi Trung du Bắc bộ, cách thủ đô Hà Nội 60km về phía Bắc, tiếp giáp các tỉnh Tuyên Quang và Thái Nguyên ở Phía Bắc, phía Đông- Đông Nam giáp Hà Nội, phía Tây giáp tỉnh Phú Thọ, phía Nam - Tây Nam giáp tỉnh Hà Tây, được tách ra khỏi tỉnh Vĩnh Phú năm 1997.
Với diện tích 1362km2, bao gồm thị xã Vĩnh Yên (thành lập từ năm 1899 - cao 350m so với mực nước biển) và 5 huyện. Địa hình chủ yếu của tỉnh là trung du và đồng bằng, đồi núi thấp. Nhiệt độ trung bình hằng năm khoảng 21oC, là một nơi nghỉ ngơi lý tưởng của miền Bắc. Nền kinh tế của tỉnh vào những năm gần đây dần đi vào ổn định. Năng suất cây trồng khá, chăn nuôi gia súc, thuỷ sản phát triển chủ yếu ở hầu hết các địa phương của tỉnh. Dân số cho đến 1/4/1999 là 1.091.973 người. Dân tộc sinh sống chủ yếu là Việt, Mường, Dao…
Hệ thống giao thông của tỉnh tương đối đa dạng và phát triển. Tỉnh Vĩnh Phúc nằm gần kề ngay sân bay quốc tế Nội Bài, là điều kiện thuận lợi cho việc phát triển kinh tế đối ngoại.
Vĩnh Phúc là tỉnh nằm trong khu vực du lịch Bắc Bộ, thiên nhiên đã tạo cho Vĩnh Phúc nhiều cảnh quan kỳ thú như Tam Đảo, Tây Thiên, Hồ Đại Lải… Nhiều di tích lịch sử của tỉnh được Bộ VH-TT xếp hạng.
Vĩnh Phúc là tỉnh thuộc vùng đất cổ của Việt Nam, nơi có nền văn hoá lâu đời đậm đà bản sắc dân tộc. Tỉnh cũng là nơi cư trú của nhiều dân tộc ít người, nhiều lễ hội truyền thống được phục hồi và phát triển. Dân tộc Mường ở Vĩnh Phúc có nền văn hoá dân gian khá phong phú. Các truyện thơ, ca dao, tục ngữ Mường phản ánh cuộc đấu tranh của con người với thiên nhiên, của nhân dân lao động đối với bọn áp bức thống trị, ca ngợi lao động, tình yêu lứa đôi. Người Mường rất hay hát, thậm chí cả lúc thờ cúng, ma chay. Hát “xéc bùa” là điệu hát rất được ưa chuộng, cứ xong một bài hát lại có một đoạn nhạc cồng chiêng đánh theo một giai điệu nhất định. Ngoài ra dân tộc Mường còn có hát ví, hát đúm
Ngưới Việt có hát chèo, hát xoan, nhiều điệu múa dân gian của vùng đồng bằng trung du Bắc bộ. Người Dao có vốn văn nghệ dân gian phong phú, nhiều truyện cổ, bài hát, thơ ca. Phụ nữ Dao mặc y phục rất sặc sỡ. Các loại hoa văn của người Dao độc đáo. Họ in hoa văn trên vải bằng sáp ong. Phong tục cưới xin, ma chay mang đậm màu sắc tôn giáo.
Tam Đảo
Ai cũng biết “đảo” là một danh từ địa lý để chỉ một vùng đất có biển bao bọc 4 bề. Nhưng đây là vùng núi, tại sao lại mang tên “đảo”? Vì 3 ngọn núi này ở độ cao trên nghìn mét so với mặt biển, luôn có mây trắng bao quanh, đứng ở xa ngước trông nó giống như 3 hòn đảo nhô lên mặt sóng nước muôn trùng. Do đó người ta đặt tên cho 3 ngọn núi này là Tam Đảo.
Tam Đảo cùng với SaPa, Đà Lạt là 3 vùng núi có khí hậu ôn đới dùng làm nơi nghỉ mát rất tốt. Khi mặt trời mùa hạ trút ánh nắng chói chang nóng như thiêu như đốt trên vùng đồng bằng thì ở đây nhiệt kế không nhích lên quá 27oC. Ở Tam Đảo một ngày chia làm 4 mùa: Buổi sáng trời dịu mát như mùa xuân, trưa nắng ấm có thể tắm nước suối, chiều se lạnh giống thời tiết mùa thu, tối đến hơi rét như đầu đông, ngủ phải đắp chăn dạ.
Tam Đảo không đẹp, nổi tiếng bằng SaPa, Đà Lạt. Nhưng nó được người Hà Nội ưa chuộng vì ở cách Hà Nội không xa (87km) cũng như Vũng Tàu đối với người Sài Gòn vậy. Dãy núi Tam Đảo thuộc vùng trung du tỉnh Vĩnh Phúc, dài khoảng 50km, vươn lên hướng Bắc với độ cao trung bình khoảng trên 1000m, tiếp giáp với núi rừng Việt Bắc. Bộ phận phía Nam dài khoảng 10km, thấp dần xuống rồi lặn vào đồng bằng hai huyện Kim Anh, Đa Phúc.
Vùng núi Tam Đảo có nhiều cảnh đẹp đáng để vịnh ngâm thơ như vậy, nhưng trước kia khi nước ta còn bị thực dân Pháp cai trị, người dân ở đây không dám bén mảng tới. Từ đầu thế kỷ XX (1901), thực dân Pháp đã đuổi dân làng vùng này, xây nên một khu cấm địa để dành riêng cho chúng đến ăn chơi, dưỡng sức. Những cái tên khu Toàn Quyền, khu Bảo Đại… ngày xưa còn nhắc đến thời kỳ vàng son của bọn Tây cai trị và bọn vua quan phong kiến tay sai đã sụp đổ. Chúng đã đày tù chính trị và bắt phu lên phá rừng mở đường, bạt núi. Xây xong khu nghỉ mát này, hàng ngàn người đã ngã xuống vì bệnh tật, vì đòn roi. Chúng đem vùi xác chết trên sườn đồi thành nghĩa địa
Từ sau ngày miền Bắc giải phóng, Tam Đảo được mở rộng. Những ngôi nhà sàn xây dựng theo phong cách dân tộc mọc lên san sát bên sườn đồi, tiếp đón cán bộ và nhân dân lao động khi ngày hè đến. Vào một ngày tốt trời, mời bạn leo lên tham quan 3 ngọn núi mang tên là “đảo“ này. Đó là ngọn núi Phú Nghĩa, Thạch Bàn, Thiên Thị, kể theo thứ tự từ hướng Bắc xuống hướng Nam.
Phú Nghĩa là đỉnh cao nhất, khoảng 1500m. Ở đây có hai ngọn núi gọi là Hồi Hương và Quế Phụ, vì trên hai ngọn núi này mọc nhiều cây hồi và quế. Đến mùa, hồi ra hoa toả hương thơm ngát. Trong rừng ríu rít những đàn chim lông cánh có nhiều màu sắc rất đẹp. Dưới chân núi có dòng suối tuôn nước vàng hoe, vì vậy được đặt tên là Suối Vàng, còn có tên chữ Kim Tuyền. Đứng ở đây, những ngày trời quang mây tạnh, nhìn về miền ngược, núi rừng Việt Bắc hiện lên một màu xanh nhấp nhô trùng điệp. Nhìn sang phía Hà Tây, ngọn Tản Viên của dãy núi Ba Vì vươn cao sừng sửng. Nhìn về xuôi, ruộng đồng bát ngát, sông ngòi uốn khúc lượn quanh. Khi trời nhiều mây, nhìn về tứ hướng một màu trắng đục sương mù bao phủ. Lúc ấy ta có cảm giác như đứng trên một hòn đảo giữa đại dương, chỉ còn thấy đỉnh Tản Viên nổi lên bồng bềnh như một hòn đảo cách xa.
Cảnh đẹp thiên nhiên của Tam Đảo nay được bàn tay lao động tô điểm thêm lộng lẫy. Tam Đảo là một vườn rau tươi tốt bốn mùa. Ở đây có vườn cây thuốc trồng đủ loại, hương bay ngào ngạt. Những đồi chè, những cánh đồng bông, thuốc lá của nông trường Tam Đảo ngày càng mở rộng diện tích, đóng góp tài nguyên làm giàu cho đất nước.
Hồ Đại Lải
Là một hồ nước nhân tạo thuộc địa phận huyện Mê Linh cách Hà Nội 50km. Hồ rộng 500ha, trên hồ có đảo chim rộng 3ha, chỗ cao nhất trên 23m. Phía Tây và Tây Nam hồ là núi Thằn Lằn. Đứng trên đỉnh núi có thể quan sát được toàn cảnh khu vực hồ. Mặt hồ trong xanh, nhiều bãi tắm nhân tạo đẹp và bằng phẳng chạy theo những chân đồi lúp xúp. Đại Lải là điểm du lịch nghỉ ngơi và an dưỡng của tỉnh Vĩnh Phúc và cũng như các vùng phụ cận. Khí hậu ở đây mùa hè mát mẻ, mùa đông ấm áp, phong cảnh thiên nhiên nên thơ hữu tình. Rừng Ngọc Thanh ở khu vực hồ có 500ha rừng tự nhiên và 300 ha rừng mới trồng với hệ động thực vật phong phú. Đại Lải là một điểm du lịch rất thích hợp cho loại hình du lịch cuối tuần và ngày càng đang hấp dẫn du khách.
Đền Hạ Lôi - Mê Linh
Đền Hạ Lôi nằm trên huyện Mê Linh nơi đóng đô của Hai Bà Trưng trong thời kỳ Hai Bà khởi nghĩa đánh quân Đông Hán. Mỗi năm vào ngày 4-6 tháng Giêng âm lịch tại đền Hạ Lôi người dân huyện Mê Linh lại tổ chức lễ hội ghi nhớ công ơn Hai Bà Trưng và ôngThi Sách.
Cuộc khởi nghĩa của Hai Bà Trưng chống quân Đông Hán xảy ra vào năm 40 tại Hát Môn, Mê Linh. Hai Bà là con gái Lạc tướng huyện Mê Linh. Tương truyền rằng bà Man Thiện, mẹ của Trưng Trắc và Trưng Nhị vốn là dòng dõi Hùng Vương. Hai bà mồ côi cha sớm, được mẹ nuôi nấng và dạy cho nghề trồng dâu nuôi tằm cùng rèn luyện võ nghệ. Chồng bà Trưng Trắc là Thi Sách, con trai Lạc tướng huyện Chu Diên. Lúc bấy giờ nhà Đông Hán đang cai trị hà khắc nước Việt, viên Thái thú Tô Định là người bạo ngược, tham lam. Hai Bà Trưng cùng Thi Sách chiêu mộ nghĩa quân chuẩn bị khỡi nghĩa, nhưng Thi Sách bị Tô Định giết chết.
Cuộc khởi nghĩa được sự hưỡng ứng khắp nơi và mọi giới, đáng kể là có rất nhiều nhân vật phụ nữ như: Lê Chân, Thánh Thiên, Bát Nàng… Chỉ trong một thời gian ngắn, hai Bà thâu phục toàn bộ đất nước, lên làm vua đóng đô tại Mê Linh. Năm 42 nhà Hán cử Phục Ba Tướng quân Mã Viện đem quân sang đánh. Hai Bà cùng nhân dân cầm cự trong một năm thì bị bại trận. Hai Bà chạy về Hát Môn, gieo mình xuống dòng sông Hát tự vẫn năm 43.
Sau khi đàn áp thành công cuộc khỡi nghĩa Hai Bà Trưng, Mã Viện đem đất Giao Chỉ về lệ thuộc nhà Đông Hán như cũ, đóng phủ trị tại Long Biên. Để đàn áp tinh thần quật khỡi của dân Việt, Mã Viện cho dựng cột đồng chỗ phân địa giới. Trên cột đồng có khắc 6 chữ “Đồng trụ chết, Giao Chỉ diệt” có nghĩa là nếu đồng trụ này đổ thì dân Giao Chỉ bị diệt vong. Có thuyết rằng do dân Việt cứ mỗi lần đi ngang, đều bỏ vào chân cột một hòn đá, vì thế trụ đồng bị lấp dần đi. Về sau không còn biết vị trí của trụ đồng này nữa là vậy.
<Tư liệu chưa thực sự đầy đủ, rất mong sự đóng góp của a/c và các bạn để bài viết được hoàn thiện hơn>