VÌ SAO CÁC CUNG ĐIỆN NGÀY XƯA VÀ NGAI VÀNG CỦA CÁC VỊ VUA ĐỀU QUAY VỀ HƯỚNG NAM (PHƯƠNG NAM).

Tư tưởng này đóng vai trò rất quan trọng trong việc hình thành cả một hệ tư tưởng “hướng nam” của các triều đình Khổng giáo. Nhưng nó không chỉ đơn thuần là làm theo một cách mù quáng mà còn dựa trên những yếu tố địa lý ngoài thực địa. Trung Quốc, cũng như Việt Nam nằm ở phía Bắc Bán Cầu, ai cũng biết rằng mỗi ngày mặt trời mọc ở đằng Đông, lặn ở đằng Tây nhưng thường bỏ qua mất chi tiết sau khi mọc, trước khi lặn thì nguồn ánh sáng khổng lồ ấy ở đâu? Đó là hướng Nam (nhiều người nghĩ đơn giản rằng lộ trình Đông-Nam-Tây là chuyện đương nhiên. nhưng nếu bạn sống ở Nam Bán Cầu, như Úc chẳng hạn, mặt trời sẽ đi theo đường Đông-Bắc-Tây). Vì vậy mà giữa trưa, khoảng thời gian nhận nhiều ánh sáng và nhiệt nhất, mặt trời ở hướng chính Nam, hay còn gọi là chính Ngọ (ngày xưa hay chém đầu tử tù vào giờ này). Nói cách khác hướng về phương Nam là hướng về nguồn sáng, nơi nhiều năng lượng nhất. Phần lý luận về mặt trời này không biết Đức Khổng Tử có rõ không vì theo như truyện dưới đây thì dường như trình độ thiên văn thời bấy giờ chưa đủ để lý giải sự quay của trái đất quanh mặt trời và sự quay quanh trục của chính nó:
Khổng Tử đi chơi ra phía đông, thấy hai đứa bé cãi nhau,hỏi tại làm sao, thì một đứa nói rằng: “Tôi thì tôi cho mặt trời, lúc mới mọc, ở gần ta hơn, về buổi trưa, ở xa ta hơn.”
Còn một đứa nói: “Tôi thì tôi cho mặt trời lúc mới mọc ở xa ta hơn, về buổi trưa, ở gần ta hơn,”
Ðứa trước cãi: “Mặt trời lúc mới mọc to như cái bánh xe, đến giữa trưa, nhỏ như cái bát ăn, thế chẳng phải tại xa ta mới nhỏ, gần ta mới to là gì?”
Ðứa sau cãi: “Lúc mặt trời mới mọc, thì mát mẻ, đến giữa trưa thì nóng nực, thế chẳng phải tại gần ta mới nóng, xa ta mới mát là gì?”
Khổng Tử nghe nói, không giải quyết được ra làm sao.Hai đứa bé cười bảo: ” Thế thì cho ông là người học rộng hiểu nhiều thế nào được!”
(Tác giả: Liệt Tử)
Mặt khác, Trung Quốc và Việt Nam đều chịu ảnh hưởng của các khối áp cao phía Bắc trong đó có áp cao Siberia nên gió lạnh mùa đông thổi từ phía Bắc xuống mà ở miền Bắc nước ta hay gọi là gió mùa Đông Bắc, mùa hè gió nóng đem theo hơi ẩm lại thổi từ biển vào theo hướng Đông Nam. Nói một cách đơn giản hơn, phương Bắc thì lạnh mà phương Nam thì nóng. Vì thế mà đại diện cho phương Nam là thần Chu Tước – con phượng hoàng màu đỏ tượng trưng cho hành hỏa. Phương Bắc lạnh tượng trưng cho âm, phương Nam nóng tượng trưng cho dương, mà gia chủ muốn vượng thì đương nhiên phải hướng dương rồi. Cho nên xây nhà lưng chắn hướng Bắc để ngăn gió lạnh mùa đông, cửa mở hướng Nam đón hơi mát mùa hè là hợp lý. Dân gian Việt Nam có câu: “Lấy vợ hiền hòa, làm nhà hướng Nam” .