An Nam là tên mà người Trung Quốc thường dùng để gọi Việt Nam trước đây, bất kể quốc hiệu là gì. Đối với người phương Tây, tên đầu tiên mà họ dùng để gọi Việt Nam lại là Cochinchina. Những nhà buôn Bồ Đào Nha khi thám hiểm vùng Malaysia đã nghe nói tới một vùng đất mà người Malay gọi là “Cauchy” (Giao Chỉ). Chữ “Cauchy” này trùng với một vùng đất ở Ấn Độ, cho nên họ gọi là “Cauchy-china”, ý là “vùng Cauchy ở cạnh Trung Quốc”.
Người phương Tây bắt đầu tiếp xúc với Việt Nam nhiều hơn vào thời Trịnh-Nguyễn chia đôi đất nước. Vùng đất của chúa Nguyễn là nơi tàu thuyền phương Tây thường xuyên đến buôn bán, nên vẫn được gọi là “Cochinchina”. Vùng đất của chúa Trịnh thì được đặt tên theo thủ đô Đông Kinh, phiên âm ra tiếng Latin là “Tonkin”. Người Tây lại học theo Trung Quốc, gọi toàn nước Việt Nam là “Annam”. Alexander de Rhodes (người tạo ra chữ quốc ngữ) đã viết về nước “Annam” gồm có hai vùng “Tunquin” (Đàng Ngoài) và “Cochinchine” (Đàng Trong). Như vậy trong thời này thì “Annam” là khái niệm bao quát, bao gồm hai thực thể “Đàng Ngoài” và “Đàng Trong”.Chùm ảnh: 3 miền Việt Nam thời Tonkin - Annam - Cochinchine
Từ giữa thế kỉ 19, thực dân Pháp xâm lược, nhà Nguyễn phải cắt đất cầu hòa. 6 tỉnh Nam Kỳ bị cắt cho Pháp được đặt tên là Cochinchina. Như vậy “Cochinchina” của thời thuộc Pháp (chỉ bao gồm vùng Nam Bộ) nhỏ hơn rất nhiều so với “Cochinchina” thời Trịnh-Nguyễn (từ sông Gianh trở xuống). Tương tự, sau khi chiếm được Bắc Kỳ, người Pháp đặt tên là Tonkin, nhỏ hơn rất nhiều so với “Tonkin” của chúa Trịnh. Vùng đất còn lại vẫn thuộc nhà Nguyễn vẫn trực tiếp cai quản (cho dù phải chịu sự chi phối của Toàn quyền Pháp) được gọi là Annam.
Cho dù đã chia địa giới hành chính như vậy, nhưng về dân tộc, thì người Pháp vẫn gọi dân Việt ở cả 3 kỳ là “Annamite” (người An Nam)
Vì sao người Pháp gọi người Việt là An-nam-mít? | VIETNAM GLOBAL NETWORK
Theo FB Văn Hoá Việt Nam