Ngày xưa, câu đối Tết luôn phải là chữ Hán, có ngữ điệu, có đăng đối. Chẳng hạn như: "Thiên hữu tứ thời xuân tại thủ, Nhân sinh bá hạnh hiếu vi tiên", nghĩa là: Trời có bốn mùa thì mùa xuân đứng đầu, Người có một trăm đức hạnh thì đứng đầu là chữ hiếu".
Sau đó, từ đầu thế kỷ 19, Nguyễn Công Trứ có cặp câu đối dành cho dân nghèo rất nổi tiếng làm bằng chữ Nôm: "Chiều ba mươi, nợ réo tít mù, co cẳng đạp thằng bần ra cửa. Sáng mồng một, rượu say lúy túy, giơ tay bồng ông phúc vào nhà".
Đến những năm đầu thế kỷ 20, Tản Đà đã làm cặp câu đối bằng chữ quốc ngữ tặng cho cô gái ở đầu phố Khâm Thiên (Hà Nội): "Ai đẻ mãi ra xuân, xuân ấy đi, xuân khác về, năm nay, năm ngoái xuân hơn, kém. Nhà lại sắp có khách, khách quen vào, khách lạ đến, năm ngoái năm nay khách vắng, đông".
Ngày nay, khi đất nước mở cửa, đâu đó trên đất nước Việt Nam thời hội nhập đã xuất hiện những cặp câu đối bằng cả tiếng ... Anh nữa.

Về nguyên tắc, chơi câu đối là một phong tục. Mà phong tục vốn được nhiều người làm theo nên khó thay đổi. Thế nhưng qua các ví dụ, chúng ta thầy cuối cùng phong tục vẫn có những thay đổi để phù hợp với hơi thở của thời đại vậy!
