Trước 1975, người Sài Gòn, buổi sáng thường uống một ly cà phê. Cà phê trong các ‘tiệm nước’ được pha bằng cái vợt đen (có người gọi là cà phê vớ, cà phê bít tất đều là nó) thùi lùi, đổ vào siêu sắc thuốc - mà vợt càng đen thì cà phê càng ngon vì đã thấm tất cả các tinh chất cà phê vào thớ vải.

Cái vợt nầy chỉ được giặt bằng nước lạnh, không được dùng xà bông để giặt vì sẽ làm mất mùi, chất cà phê. Khi có khách gọi cà phê, người bán sẽ rót cà phê đen, cà phê sữa, cà phê nhiều sữa (bạc xỉu) nóng từ cái siêu sắc thuốc vào cái ly ‘xây chừng’- một loại ly thủy tinh nhỏ, không quai, rồi bưng ra cho khách.

Người khách, đa phần là dân lao động: chạy xích lô, thợ hồ, thợ mộc… đôi lúc cũng có cả những thầy chú, thầy giáo - nói chung là những người buổi sáng không có thời gian nhiều để ngồi ‘tám’. Vì vậy, những tiệm nước ở Sài Gòn thời những năm 1970 đố ai tìm ra được bóng dáng cái phin cà phê. Dân lao động không có thời gian để ngồi đếm từng ‘giọt thời gian rơi trên đáy cốc’.
Họ ăn sáng, uống cà phê như là một cách nạp năng lượng cho một ngày làm việc cực nhọc. Ăn cái gì đó là để no bụng, có chất bổ. Uống cà phê để tỉnh ngủ. Cà phê đối với họ chỉ là chất làm cho tỉnh ngủ! Uống riết trở thành ghiền hồi nào không hay.

Nhưng ngày xưa đó có hai cách uống cà phê: một là uống cá phê trong tách và hai uống cà phê bằng dĩa. Người bình dân Sài Gòn thường uống cá phê theo cách thứ hai. Khách uống cà phê sáng hồi đó thích uống cà phê dĩa, cà phê dĩa là một ly “xây chừng” nóng bốc khói được pha bằng vợt hay vớ. Mấy ông khách “bình dân” ngồi rút hai chân trên ghế theo kiểu “nước lụt”, họ thường hay rót cà phê vào dĩa, rồi thổi phù phù, xong đưa lên mũi hít hít rồi húp cái rột, le lưỡi liếm mép, chép chép cái miệng, trông thật “ngon mắt” và mùi cà phê nóng bay thơm lựng trong không gian ngôi quán luôn ồn ào đủ mọi thứ chuyện trên trời dưới đất của các thực khách đủ mọi thành phần.
Tại sao người ta uống cá phê bằng dĩa? Họ không có thời gian chờ cà phê nguội và họ không thể cầm ly cà phê nóng, không quai trên tay, đưa ly lên miệng chiêu từng ngụm cà phê nóng. Cà phê nóng rót ra dĩa mau nguội hơn trong tách, vì miệng dĩa rộng hơn, hơi nóng bốc lên nhanh làm cho cà phê mau đỡ nóng hơn trong tách. Nhờ mau nguội hơn, cho nên khi uống cà phê dĩa, họ có thể cầm trên tay và đưa vào miệng uống cái rột. Uống lè lẹ để còn đi ‘mần ăn’ nữa chứ.
Tất nhiên, cũng có những thành phần thực khách vào tiệm nước uống cà phê không bằng dĩa. Họ nhẩn nha chờ cho ly cà phê nguội dần, để có thể cầm trên tay. Đây là những người thuộc loại nhàn nhã, có công việc mà họ không phải lệ thuộc vào ai. Cũng có thể là thực khách của những buổi sáng chủ nhật, ngày lễ mà thời gian không là vấn đề cấp bách. Uống từng ngụm cà phê đề nói chuyện hàng xóm, thời cuộc, cơm áo hàng ngày.
Uống cà phê dĩa như đối diện mặt phẳng của một đời sống đầy sóng ngầm. Uống cà phê dĩa như một triết lý sống của người lao động trong một cuộc sống chưa vui, chưa đầy đủ của một kiếp người chen chúc. Uống cà phê dĩa như uống thời gian không được chậm.
Những người cố cựu ở Sài Gòn trước năm 1975 đều nhớ hương vị của cà phê dĩa. Nó giống như một thứ hồn vía của ẩm thực, không, một thứ hồn vía của kỷ niệm đối với ngõ ngách Sài Gòn xưa đã mất tăm trong đời sống bộn bề mà hình bóng cũ ấy không thể tìm lại được, nó chỉ dậy lên thành nỗi nhớ da diết khi ta hồi tưởng lại mà thôi.
Uống cà phê dĩa là uống loại cà phê chế bằng siêu sắc thuốc bắc, trong đó để một cái vợt pha cà phê. Ngày nay, ở các quận nội thành của thành phố Hồ Chí Minh, còn một vài quán pha cà phê vợt. Trước hết là quán cà phê Cheo Leo ở đường Nguyễn Thiện Thuật, ở căn nhà số 109/36, đường Nguyễn Thiện Thuật, quận 3. Quán Cheo Leo hình thành từ năm 1938, đến nay, quán tròn 78 năm tuổi. Vì ngày xưa, quán này được mở ra ở một khu đất rất hoang vu, nên chủ quán đặt tên là Cheo Leo có nghĩa như cô đơn quạnh quẻ.
Một quán cà phê vợt khác trong hẻm 313 đường Tân Phước, phường 6, quận 11 do một chủ quán người Hoa còn sót lại và một quán cá phê vợt của người Việt ở đầu hẻm 330/2 đường Phan Đình Phùng quận Phú Nhuận. Tuy nhiên, ở những quán này, khách chỉ uống cà phê bằng ly, chứ không còn thầy uống bằng dĩa nữa.
Tuy nhiên, cũng xin nhắn nhủ các bạn muốn uống thử cà phê vợt một cầu: Nếu bạn đã quen với cá phê phin thì khi uống cá phê vợt, tuy thấy mùi hương thơm lan tỏa khắp quán, nhưng vị cà phê hình như không được ...hấp dẫn với những khách đã quen với cà phê phin !
Theo FB Văn Hoá Việt Nam