Văn hóa do con người sáng tạo để phục vụ cho cuộc sống của chính con người. Là sản phẩm của con người cho nên văn hóa mang đậm dấu ấn của chủ thể đã sáng tạo nên nó.
Chẳng hạn như người H'Mông ở Việt Nam có dân số thấp, cho nên luôn có nhu cầu gia tăng dân số để bảo tồn và phát triển nòi giống. Chính nhu cầu tăng dân số đã tạo nên sinh hoạt "chợ tình" khá nổi tiếng. Theo đó, nam nữ tham dự chợ tình được tự do trao đổi tình cảm mà không sợ phải có ... con!
![]() |
Ảnh minh hoạ |
Giống như vậy, người Hoa là một dân tộc có tư chất kinh doanh giỏi để làn giàu, đúng như câu mà họ vẫn thường nói: "Phi thương bất phú!" nghĩa là không kinh doanh thì không thể giàu. Từ bản chất này, từ lâu, người Hoa đã sáng tạo nên "bàn tính" rất khoa học mà bất cứ ai cũng phải nể phục!

Còn người Ê Đê theo chế độ mẫu hệ, cho nên văn hóa "cầu thang" lên nhà sàn của họ rất rạch ròi. Cầu thang Cái đặt trước nhà dành cho khách và con trai sử dụng để lên nhà sàn dài (nhà dài), vì con trai chỉ là khách ở tạm trong nhà, chờ "vợ" bắt sang nhà đàng gái. Còn cầu thang Đưc dựng sau nhà dành cho nữ giới và những đán ông sống theo vợ. Khi gia đình giàu lên, có khả năng nuôi cả bản trong 7 ngày thì họ dựng thêm 1 cầu thang cái trước nhà, trên đầu cầu thang chạm hình cặp vú phụ nữ biểu tượng cho sự giàu có của gia đình!

Còn người Chăm Islam sống ở Châu Đốc (An Giang), mặc dầu theo đạo Islam (tức Hồi Giáo) coi trọng nam giới, nhưng lễ cưới của họ không có "rước dâu" mà chỉ có "đưa rể" sang nhà gái, nơi đó cô dâu đang đợi nơi phòng hoa chúc trang hoàng lộng lẫy... Bởi vì người Chăm vốn gốc gác là một dân tộc theo chế độ mẫu hệ.

Tóm lại, văn hóa mang dấu ấn của người sáng tạo ra nó, cho nên văn hóa trở thành tài nguyên du lịch, là thỏi nam châm thu hút khách du lịch, bởi văn hóa của mỗi tộc người thường không giống nhau và chính điều đó đã thúc đẩy du khách đi du lịch để thẩm nhận gia trị văn hóa của tộc người sống nơi họ đến du lịch.
Theo FB Văn Hoá Việt Nam