Lễ hội truyền thống - nguồn lực quan trọng để phát triển du lịch hành hương

Mỗi dân tộc, mỗi vùng, miền có những lễ hội truyền thống chứa đựng nét tinh hoa văn hóa của mỗi cộng đồng dân tộc, là “tài nguyên” vô giá đối với sự phát triển du lịch. Tuy nhiên, hiện nay do nhiều nguyên nhân nên không phải lễ hội truyền thống nào cũng có sức thu hút đối với du khách.
Lễ hội và du lịch luôn gắn bó chặt chẽ với nhau vì lễ hội truyền thống là một dạng hoạt động văn hóa đặc thù có sức thu hút du khách rất lớn. Hiện nay, xu hướng du lịch tìm hiểu, khám phá các giá trị văn hóa vật chất, tinh thần của từng địa phương, của cộng đồng dân cư đang ngày càng thu hút du khách. Sự gắn kết của hai loại hình này đã dẫn đến sự hình thành các loại hình du lịch phong phú, như: Du lịch văn hóa, du lịch cộng đồng, du lịch khám phá, du lịch trải nghiệm, du lịch về nguồn..., trong đó du lịch lễ hội là loại hình thu hút đông đảo khách du lịch đến hành hương.
Trong hình ảnh có thể có: một hoặc nhiều người, đám đông và ngoài trời
Những năm qua, ngành văn hóa thể thao và du lịch chú trọng khai thác các lễ hội văn hóa truyền thống, các di tích văn hóa lịch sử, danh lam thắng cảnh trên địa bàn để xây dựng các sản phẩm du lịch, như: du lịch văn hóa, du lịch tâm linh, du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, du lịch cộng đồng… nhằm đa dạng hóa các sản phẩm du lịch. Trong đó, một số lễ hội văn hóa truyền thống đang từng bước trở thành sản phẩm du lịch để du khách tìm hiểu, khám phá và trải nghiệm. Khi khách du lịch đến với lễ hội sẽ kéo theo một số nhu cầu thiết yếu như đi lại, lưu trú, nghĩ dưỡng, ăn uống, mua sắm, giải trí…
Vì vậy, đây là nền tảng để phát triển các ngành dịch vụ tour, dịch vụ di chuyển, lưu trú, ẩm thực, mua sắm, nghỉ dưỡng, vui chơi, giải trí… Thông qua các lễ hội văn hóa truyền thống, góp phần quảng bá hình ảnh quê hương, con người và những món ẩm thực phong phú, đa dạng, hấp dẫn của từng địa phương. Qua hoạt động lễ hội, nâng cao ý thức, trách nhiệm của người dân trong việc bảo tồn các giá trị văn hóa của dân tộc, của địa phương; ý thức thực hiện nếp sống văn minh trong lễ hội và phát huy các di sản mà cha ông để lại, nhất là trong thời kỳ hội nhập.
Riêng ở miền Nam, hằng năm, Lễ hội du lịch Miếu Bà Chúa Xứ núi Sam Châu Đốc (An Giang) được tổ chức nhằm giới thiệu, quảng bá hình ảnh quê hương, vùng đất, con người Châu Đốc – An Giang, đặc biệt là quảng bá danh thắng núi Sam, những nét văn hóa đặc sắc của nhân dân các dân tộc Việt, Hoa, Khmer đến với bạn bè trong nước, quốc tế. Qua đó, thu hút nhiều du khách đến với Châu Đốc – An Giang và thúc đẩy kinh tế - xã hội địa phương phát triển, hợp tác đầu tư, đẩy mạnh hoạt động du lịch, thương mại biên giới. Lễ hội du lịch Miếu Bà Chúa Xứ núi Sam Châu Đốc (An Giang) là lễ hội duy nhất của tỉnh được tổ chức quy mô, có chiến lược, mục tiêu cụ thể gắn với phát triển du lịch.
Tuy nhiên, hiện nay, phần lớn các lễ hội khác trên địa bàn chưa hỗ trợ đắc lực cho sự tăng trưởng của ngành du lịch. Qua tìm hiểu một số công ty, doanh nghiệp lữ hành đang làm tour du lịch của tỉnh, các đoàn khách du lịch trong nước và quốc tế khi đến Châu Đốc – An Giang thường gắn kết chương trình du lịch lễ hội với các điểm du lịch cố định từ trước và coi đây là yếu tố kết hợp cho chương trình thêm đa dạng chứ chưa có tour cụ thể khai thác du lịch lễ hội tại tỉnh.
Trong hàng trăm lễ hội diễn ra trên địa bàn Nam Bộ, có trên 80% lễ hội quy mô vừa và nhỏ chỉ thu hút sự tham gia của cộng đồng dân cư quanh vùng ở phạm vi hẹp. Bên cạnh Lễ hội Miếu Bà Chúa Xứ núi Sam Châu Đốc (An Giang), có thể kể thêm Lễ hội núi Bà Đen (Tây Ninh), Lễ giỗ anh hung Nguyễn Trung Trực (Rạch Giá, Kiên Giang) có sức thu hút đáng kể du khách hành hương. Còn lại các lễ hội truyền thống khác hầu như chưa tạo được sức hút, chưa phát huy tiềm năng và phát triển du lịch hiệu quả. Hay nói cách khác, nguồn “tài nguyên” vô giá từ các lễ hội truyền thống chưa gắn với phát triển du lịch của từng tỉnh.
Có nhiều nguyên nhân khách quan và chủ quan khiến các lễ hội trên địa bàn từng tỉnh ở Nam Bộ chưa phát huy hiệu quả trong phát triển du lịch, như: Số lượng lễ hội đa dạng, song các lễ hội đang mất dần tính đặc trưng, độc đáo nên chưa tạo được sức hút đối với du khách; lễ hội còn tổ chức theo khuôn mẫu, trình tự, kịch bản gần như nhau nên đơn điệu, kém hấp dẫn...
Muốn đưa các lễ hội trở thành sản phẩm du lịch có sức hút và trở thành nguồn lực phát triển du lịch, các cấp, ngành, địa phương cần đồng bộ từ khâu tổ chức đến cách thức quảng bá. Lựa chọn lễ hội đảm bảo những giá trị nguyên gốc, không bị lai căng, sân khấu hóa; đầu tư có trọng điểm, chọn lọc một số lễ hội đặc sắc, ấn tượng để xây dựng, quảng bá thành sản phẩm du lịch; chuẩn hóa thông tin, xây dựng kịch bản phù hợp với từng lễ hội vừa mang tính truyền thống đặc sắc vừa bảo đảm tính khoa học, thẩm mỹ trong công tác tổ chức.
Đầu tư, nâng cấp cơ sở hạ tầng; tạo ra những sản phẩm truyền thống mang nét đặc trưng vùng miền, địa phương để phục vụ du khách… Qua đó, góp phần bảo tồn, khôi phục và phát huy giá trị các lễ hội gắn với phát triển du lịch, thúc đẩy kinh tế - xã hội của từng tỉnh ở Nam Bộ phát triển.
Theo FB Văn Hoá Việt Nam