DẤU CHÂN NGUYỄN HOÀNG (Phần 3)

Theo Việt Nam sử lược năm 1572, Trịnh Kiểm chết. Các con là Trịnh Cối và Trịnh Tùng đánh nhau giành quyền bính. Họ Mạc lợi dụng thời cơ đem quân vây đánh Thanh Hoá. Một mặt vua Mạc sai tướng Lập Bạo đem 60 chiến thuyền vào đóng tại các làng Hồ Xá, Lạng Uyển (huyện Vĩnh Linh ngày nay) Quảng Trị chuẩn bị đánh Nguyễn Hoàng. Nguyễn Hoàng dùng mỹ nhân kế và của cải hối lộ để giết được Lập Bạo trên sông Ái Tử, đánh tan quân Mạc.
Nguyễn Hoàng không những đã không giết hàng binh nhà Mạc người miền Bắc, mà còn cho họ quyền được ở lại Thuận Hóa và khai phá vùng đất mới. Đó là vùng đất Cồn Tiên (tức tổng Bái Ân bây giờ) đặt làm 36 phường. Ngoài ra, ông còn cấp cho họ phương tiện làm ăn.
Cảm kích trước ân nghĩa của Nguyễn Hoàng, về sau thế hệ con cháu của những người gốc Bắc ở các phường An Định Nha, An Hướng và Phương Xuân đất Cồn Tiên đã dựng miếu thờ Nguyễn Hoàng ở An Định Nha (nay là làng An Nha, xã Gio An, huyện Gio Linh, tỉnh Quảng Trị).
Không có mô tả ảnh.
Làng An Nha.
Theo Đại Nam thực lục năm 1695, Chúa Nguyễn Phúc Chu cho: “Đặt chức từ thừa ở miếu phường An Định Nha (thuộc huyện Minh (Gio) Linh, Quảng Trị”. Dân ba phường An Định Nha, An Hướng và Phương Xuân thuộc tổng Bái Ân cảm nhớ công ơn Thái Tổ Nguyễn Hoàng, dựng miếu thờ ở An Định Nha. Chúa nghe khen ngợi, sai đem những mũ và áo bào thần ngự bày ở miếu, lại sai đặt chức từ thừa để trông coi và ban cho bằng khoán son.
Năm 1823, Minh Mệnh theo lời tâu và giải trình bàn thảo của triều thần cho rằng việc thờ cúng Nguyễn Hoàng trong dân gian là nhảm nhí, việc thờ cúng Đức Thái Tổ nên được tập trung về Huế, đã ra lệnh cấm. Minh Mệnh bắt người An Nha đổi dựng miếu làm chùa “cấp trước cho 100 lạng bạc, khi làm xong cho 300 quan tiền, trừ tô thuế hơn 70 mẫu ruộng đất công để dùng vào việc thờ cúng, đặt 3 người tự phu”. Từ đó, miếu thờ Nguyễn Hoàng đã đổi thành chùa Long Phước.
Chúng tôi đến làng An Nha vào buổi sáng để tìm dấu tích Nguyễn Hoàng qua chùa Long Phước. Hỏi qua khắp làng không ai biết chùa Long Phước ở đâu, họ chỉ biết những chùa mới như chùa Gio An và các chùa khác. Rất may gặp được mấy chị người làng nói giọng Bắc rất nhiệt tình, họ khuyên chúng tôi đến gặp trưởng thôn Nguyễn Đăng Khóa. Không gặp được trưởng thôn Nguyễn Đăng Khóa, nhưng chúng tôi còn may hơn là được phu nhân trưởng thôn đi thăm đồng đưa chúng tôi ra tận Giếng Chăm cổ gần chùa Long Phước. Chị cũng cho biết là hồi đầu năm 2018, cũng có người từ Hà Nội vào đi tìm chùa Long Phước như chúng tôi.
Tuy đã tìm hiểu trước về chùa Long Phước, một phế tích được xếp hạng di tích lịch sử cấp tỉnh, nhưng chúng tôi đã khá thất vọng khi nhìn thấy khu phế tích là một gò đất cao cây cỏ mọc um tùm, rộng khoảng 1000m2 có một cây bàng cổ cao to bên rìa. Theo sự hướng dẫn của một người dân địa phương đi làm đồng, cuối cùng chúng tôi cũng tìm được lối vào nền cũ chùa Long Phước qua các bậc đá.
Không có mô tả ảnh.

Cây ruối cổ lối vào chùa.
Theo chúng tôi phỏng đoán, chùa Long Phước đã từng tọa lạc trong một khuôn viên rộng chừng 1000m2, được bao bọc bởi một tường thành xây bằng đá hộc (Ảnh 6,9), một loại đá rất sẵn thường được xếp thành đống trên các cánh đồng ở Cồn Tiên. Trong khuôn viên này có chừng 30 chân cột đá (Ảnh 7,8) đường kính chừng 3 gang tay (60cm). Tính theo chiều ngang của công trình, khoảng các giữa hai hàng cột trong chính điện là 10 gang tay (2m), còn khoảng cách cột gian chính điện và cột bên ngoài của gian chái là 7 gang tay (1.4m).
Trong hình ảnh có thể có: thực vật, cây và ngoài trời

Bậc đá vào chùa
Tóm lại dựa vào các tảng đá chân cột, chùa Long Phước đã từng là một công trình kiến trúc tương đối quy mô được xây bằng gạch, khung mái bằng gỗ, mái lợp bằng ngói âm dương. Theo các tài liệu cũ, chùa Long Phước có qui hoạch khá bề thế, bao gồm tam quan và chính điện theo kiểu nhà rường 3 gian 2 chái.
Trong hình ảnh có thể có: thực vật, thiên nhiên và ngoài trời
Chân cột đá của chùa.
Không có mô tả ảnh.
Tường thành bao quanh chùa Long Phước cũ.
Theo người làng, trước 1945 chùa Long Phước vừa thờ phật vừa thờ thần. Theo lệ cũ, dân các làng quanh chùa Long Phước hàng năm vẫn tổ chức tế lễ Nguyễn Hoàng ở tại chùa vào ngày 28/8 âm lịch. Đặc biệt là lễ được tổ chức vào ban đêm. Ngoài ra, chùa Long Phước còn thờ một vỏ trấu bằng vàng to bằng bàn tay (tượng trưng cho hạt lúa) và nơi đây từng diễn ra lễ cầu mưa của ba làng (phường) An Nha, An Hướng và Phương Xuân. Do chiến tranh và thiên tai lũ lụt, chùa Long Phước bắt đầu suy tàn từ trước 1980. Mong rằng khu di tích chùa Long Phước sớm được phục dựng.
Không có mô tả ảnh.
Dấu vết tường thành bao quanh chùa.

PS. An Nha là một làng quê đất đỏ khá đẹp, ngoài lúa ở An Nha còn có nhiều vườn hồ tiêu, vườn cao su. Ngoài di tích chùa Long Phước, ở An Nha còn có Giếng Chăm cổ tuyệt đẹp mà chúng tôi sẽ trình bầy kỹ hơn trong một bài khác.
Trong hình ảnh có thể có: đám mây, bầu trời, cây, thực vật, ngoài trời và thiên nhiên
An Nha Cồn Tiên đất đỏ.
Một điều may mắn là nhiều gia đình ở An Nha, An Hướng và Phương Xuân đất Cồn Tiên còn giữ được gia phả bằng chữ Hán. Trong đó, những sự tích, những câu chuyện lịch sử về công đức của Chúa Tiên Nguyễn Hoàng được ghi chép đầy đủ. Nhưng tiếc rằng, một thời gian khá lâu không ai quan tâm vì không đọc được.
Một chuyên gia Hán Nôm nổi tiếng làm việc ở Đại học Khoa học Huế đã giúp người dân địa phương dịch thuật và đọc được gia phả của dòng họ mình. Cũng chính ông đã gián tiếp gợi ý cho chúng tôi thực hiện cuộc hành trình theo “dấu chân Nguyễn Hoàng” này.
Theo FB Tam Tran