Phải nói rằng ấn tượng đầu tiên của tôi đối với Hoàng Cung (Preah Barom Reachea Veang Chaktomuk) Campuchia là sự chỉn chu trong công tác quản lý của những người có trách nhiệm, sự tôn trọng và kính ngưỡng của người dân đối với Hoàng Gia. Phải chăng nhờ sự chuyên nghiệp của các nhà quản lý và ý thức tự giác cao của người dân, mà Hoàng Cung vẫn được bảo tồn tốt, dù đã trải qua rất nhiều biến cố lịch sử kinh hoàng.
![]() |
Điện Khánh tiết. |
Tuy hầu như toàn bộ Hoàng Cung (Phòng Khánh tiết, Sân khấu Chanchhaya, Hor Samran Phirun, Hor Samrith Phimean, Điện Napoleon III, Điện Phochani, Danak Chan, Chùa Bạc và Vườn hoa) từ lâu đã mở cửa đối với khách thăm quan du lịch. Nhưng bên trong và cả bên ngoài khu vực Hoàng Cung, tôi không thấy bất cứ dấu vết nào của sự cẩu thả, tùy tiện, làm cho có từ phía những người quản lý, cũng như sự ăn theo xô bồ, chen lấn chèo kéo du khách từ phía người dân.
![]() |
Vườn hoa phía trước Điện Khánh tiết. |
Ngược lại, mọi hoạt động thăm viếng diễn ra một cách trật tự, các công trình được giữ gìn sạch sẽ, ngăn nắp. Du khách được hướng dẫn đầy đủ, chi tiết, rõ ràng, chu đáo và khoa học. Tóm lại, chuẩn du lịch quốc tế của một Hoàng Cung văn minh thế kỷ 21.
Ấn tượng thứ hai, là về phong cách kiến trúc và kỹ thuật xây dựng. Có thể nói Hoàng Cung là một sự kết hợp khéo léo một mặt, truyền thống Ankor Wat và Đền Bayon (chịu ảnh hưởng phong cách Ấn Độ), và mặt khác, với sự khai phóng (đáng ngạc nhiên) của các vua Norodom trong việc mở cửa tiếp nhận văn hóa Châu Âu.
![]() |
Sân khấu Chanchhaya. |
Kết quả là sự kết hợp khéo léo và tiếp nối kế thừa xứng đáng truyền thống Ankor này, đã tạo cho Hoàng Cung một bản sắc riêng. Một kiến trúc Hoàng Cung tráng lệ, không lặp lại nguyên bản kiến trúc Khmer truyền thống, và cũng không giống kiến trúc cung điện cả Ấn Độ lẫn Châu Âu. Lại càng không hề là phiên bản thu nhỏ của một Hoàng Cung một nước lân bang nào đó.
![]() |
Tượng bán thân các Quốc Vương Campuchia trong Điện Khánh tiết. |
Hoàng Cung được bắt đầu xây dựng từ 1866, sau khi Quốc Vương Norodom (1834-1904) rời đô từ Oudon về Pnom Penh, và hoàn thành vào năm 1871-1873. Hoàng Cung ngày nay được thiết kế bởi kiến trúc sư Neak Okhna Tepnimith Mak và được xây dựng bởi sự bảo trợ của nước Pháp.
Quốc vương Sisowath (1904-1927) tiếp tục hoàn thiện và cho xây dựng thêm rất nhiều công trình khác như Điện Phochani năm 1907, khánh thành năm 1912. Ông tiếp tục cho mở rộng Điện Chanchaya và Phòng Khánh tiết vào năm 1913 - 1919. Các công trình do Siowath xây dựng trong thời gian này mang đậm phong cách kiến trúc của người Khmer, kết hợp với phong cách kiến trúc Tây Âu, thể hiện rõ nét ở Điện Khánh tiết.
Dù không quá to lớn về chiều kích như Hoàng Cung China, Nga hay một số nước Châu Âu, nhưng Hoàng Cung Campuchia cũng đủ gây ấn tượng mạnh, vì vẻ tráng lệ, tinh xảo và nguy nga rộng lớn của mình. Đồng thời, là một bằng chứng về thái độ tôn trọng của người Pháp đối với Vương triều Norodom và quốc gia Camphuchia. Người Pháp tuy tài trợ việc xây dựng Hoàng Cung, nhưng không áp đặt giải pháp kiến trúc kỹ thuật của mình. Còn kiến trúc sư Neak OkhnaTepnimith Mak hẳn là một nhà qui hoạch, tổng công trình sư tầm cỡ.
Ngoài ra, Hoàng Cung đặc biệt Chùa Bạc với 160 món đồ bằng vàng, bạc, kim cương và đá quý, có bức tượng Phật bằng ngọc lục bảo, tượng Phật Di Lặc bằng vàng ròng nặng 90kg, gắn 2.086 viên kim cương, còn sàn nhà được lát bằng 5.329 viên gạch bạc, mỗi viên nặng 1,125kg, là một bằng chứng về sự giàu có, khả năng tập trung nhân tài vật lực của đất nước Campuchia. Cũng như đức tin Phật Giáo sâu sắc và mãnh liệt của người dân xứ Chùa Tháp (nhiều người dân Campuchia sẵn sàng hiến tặng phần lớn thu nhập và tài sản cho nhà chùa).
![]() |
Chùa Bạc. |
PS. Tôi sẽ tiếp tục câu chuyện về Campuchia. Ở đây, tôi xin phép có một nhận xét nhỏ, gián tiếp cho thấy sự hấp dẫn của các công trình kiến trúc lịch sử Camphuchia. Đó là đẳng cấp của người du lịch China, và thái độ của người du lịch Việt Nam, Phương Tây và các nước khác khi đi thăm Ankor và Hoàng Cung Camphuchia.
Thứ nhất, ở việc ăn mặc đẹp và lịch sự của du khách nói chung, kể cả nữ du khách Việt Nam. Thứ hai, tôi nhìn thấy rất nhiều du khách là các cô gái và phụ nữ China trẻ dẹp ở các khu vực nói trên. Một điều tôi không thấy chung quanh Chùa Một Cột Hà Nội (nơi tôi thường xuyên có mặt từ sáng sớm), ở Hội An và thậm chí ngay cả ở Hoàng Thành Huế, nơi tôi có dịp thăm viếng cách đây ít lâu.
Một nhận xét nhỏ khác. Quảng trường Độc lập ở Phnom Penh (bên cạnh Hoàng Cung), là nơi diễn ra các sự kiện, lễ kỷ niệm trọng thể bậc nhất của đất nước Campuchia. Nhưng phải nói rằng, ngày thường khu vực trang nghiêm này hoàn toàn không hề “kín cổng cao tường”. Ngược lại, luôn rộng mở và rất thân thiện gần gũi.
Ảnh dưới là quang cảnh lễ kỷ niệm 65 năm ngày Pháp trao trả độc lập cho Campuchia (09/11/1953-09/11/2018), vừa diễn ra cuối 2018.

Theo FB Tam Tran