QUẢNG NGÃI

Diện tích 5177km2, dân số 1.190.006 người (1/4/1999), trong đó người Việt chiếm trên 90%. Phía Bắc giáp Quảng Nam, Nam giáp Bình Định, Tây giáp Kontum, Đông giáp Biển Đông. Chiều dài tỉnh là 98km, 2/3 diện tích toàn tỉnh là rừng, chia làm hai miền rõ rệt: miền thượng du với rừng núi cao nối tiếp nhau, Hòn Thạch Bích mà tục gọi là Đá Vách hay Tồ Sơn cao 1139m. Miền Trung châu với cánh đồng xanh tươi trải dọc theo chân núi phía Tây và bờ biển phía Đông. Bốn con sông chảy từ Tây sang Đông chia cách những cánh đồng ra từng khoảng rộng, bồi bổ phù sa. Đi từ Bắc xuống Nam ta lần lượt đi qua các con sông: Trà Bồng, Trà Khúc, Vệ và Trà Câu. Trong đó sông Trà Khúc là sông dài nhất.
Ngược dòng lịch sử, Quảng Ngãi xưa kia từng là đất của Chiêm Thành, di tích của họ còn sót ở Châu Sa thuộc huyện Sơn Tịch và Cổ Luỹ thuộc huyện Tư Nghĩa. Từ năm 617 - 1402, đất Quảng mang tên Cổ Lũy Đồn, rồi Cổ Luỹ Châu. Năm 1402 Hồ Quý Ly sai quân đi đánh Chiêm Thành. Vua Chiêm dâng đất Chiêm Động- Quảng Nam bây giờ, nhưng Hồ Quý Ly bắt dâng thêm Cổ Lũy, rồi chia làm bốn châu: Thăng Hoa, Tư Nghĩa. Đất Cổ Lũy của Chiêm Thành sát nhập vào nước ta từ đấy. Sau đó đất Cổ Lũy đổi tên thành Tư Nghĩa, đến đời chúa Nguyễn Phúc Chu (xưng vương năm 1674) mới đổi tên thành Quảng Nghĩa. Cuối thế kỷ XIX Quảng Nghĩa đổi thành Quảng Ngãi. Quảng Ngãi có cảng Sa Kỳ và trong tương lai Quảng Ngãi sẽ phát triển nhanh vì chính phủ đang quyết tâm xây dựng nhà máy lọc dầu rất lớn tại Dung Quất, một vịnh lớn được che chắn bởi núi Cô Tô. Một thành phố mới khoảng 50.000 dân sẽ được hình thành. Quảng Ngãi có 12 thắng cảnh nổi tiếng: Long Đầu Hí Thủy, Thiên Ấn Nam Hà, Bút Lãnh Phê Vân, Liên Trì Dục Nguyệt, Vân Sơn Túc Võ, Thạch Bích Từ Dương, Cổ Lũy Cô Thôn, Hà Nhai Vân Độ, La Hà Thạch Trận, An Hải Sa Bàn, Sông Trà, Núi Ấn. Quảng Ngãi còn nổi tiếng với nền văn hóa cổ Sa Huỳnh cũng như những chiến tích Sơn Mỹ, Vạn Tường. Đặc sản là đường, cua Huỳnh Đế và các loại hải sản.
- Về hành chính: Quảng Ngãi là một thị xã cùng tên với tỉnh và các huyện: Trà Bồng, Sơn Hà, Tư Nghĩa, Nghĩa Hành, Minh Long, Ba Tơ, Bình Sơn, Sơn Tịnh, Mộ Đức và Đức Phổ. Khí hậu mang tính nhiệt đới, mùa nắng từ tháng 2 đến tháng 8, mùa mưa từ tháng 9 đến tháng 1 năm sau. Nhiệt độ trung bình là 26oC, cao nhất là 41oC vào tháng 6, 7, nhiệt độ thấp nhất là 13oC vào tháng 12 và tháng giêng.
- Về kinh tế: Quảng Ngãi có hai vùng kinh tế chủ yếu: vùng đồng bằng rộng 151.000ha, là vùng trồng lúa, mía, cây công nghiệp, rau quả, sản xuất đường, rượu, chế biến gỗ, sành sứ… lúa là cây trồng chính trong cơ cấu cây công nghiệp với diện tích trên 91.000ha. Sản lượng đạt 5-7 tấn/ha/năm.Một nghành mũi nhọn của Quảng Ngãi là mía đường khỏang 9000ha.
- Về giao thông: có QL 1A xuyên suốt. QL 24 nối Quảng Ngãi với các tỉnh Tây Nguyên và thông thương với Lào, Campuchia và Đông Bắc Thái Lan. Quảng Ngãi có cảng Dung Quất nằm ở Đông Bắc tỉnh, cách QL1A và đường sắt xuyên Việt 12km, cách thị xã Quảng Ngãi 38km, cách Đà Nẵng 95km, cách sân bay Chu Lai 7km và cách đường hàng hải quốc tế 190km. Cửa vịnh dài 4km, rộng 2km với diện tích 7km2, nước sâu từ 6 - 20m. Vịnh cho phép tàu trên 50.000 tấn ra vào và tàu dầu từ 100.000 đến 150.000 tấn ra vào an toàn kể cả lúc triều thấp. Bờ phía Nam là vùng đất bằng phẳng có nền ổn định thích hợp để xây dựng kho bãi, tổ hợp công nghiệp.
Quảng Ngãi còn có đảo Lý Sơn cách đất liền 25 hải lý, diện tích gần 24km2, trong đó có 500ha có khả năng sản xuất nông lâm nghiệp, còn lại là vùng núi đồi. Toàn huyện có 17.000 dân sinh sống, chủ yếu khai thác thuỷ sản, trồng tỏi hành. Ở đây có chùa Hang xây trong lòng núi. Rõ ràng tiềm năng của Quảng Ngãi còn rất lớn. 
Văn hoá Sa Huỳnh - Bải biển Sa Huỳnh
Là tên gọi của một nền văn hoá cổ được tìm thấy trên một đụn cát cổ ven biển thuộc xã Phổ Thanh, huyện Đức Phổ. Địa danh này có tên gốc là Sa Hoàng có nghĩa là cát vàng, nhưng do kỵ huý tên của chúa Nguyễn Hoàng nên đã được đổi thành Sa Huỳnh. Văn hoá Sa Huỳnh lần đầu tiên được biết đến năm 1909 do một tay cai thầu Pháp là Vinet phát hiện thấy, sau đó nó được thông báo trên niên giám củaTrường Viễn Đông Bác Cổ như sau: Một kho chum khoảng hai trăm chiếc được tìm thấy ở vùng Sa Huỳnh những cái chum bằng đất có chiều cao trung bình 80cm. Các chum có chứa nồi, bình, đồ trang sức bằng thuỷ tinh …
Năm 1923 bà Labarne đã đến Sa Huỳnh khai quật và phát hiện có hai loại chum: một loại hình trứng, có nắp đậy hình lồng bàn úp, loại khác hính trụ,nắp đậy hình thang cân. Ngoài ra còn có nồi, bình, chân đèn, vật trang sức, công cụ sản xuất và vật trang sức bàng đồng, sắt…
Năm 1934, bà Coloni đã đến Sa Huỳnh và cho khai quật một điểm ở xã Long Thạnh đã phát hiện 55 chum. Năm 1939, ông Janse cũng khai quật 6 nhóm mộ chum, mỗi nhóm từ 3-7 cái. Năm 1957, ông Malarette phát hiện nhiều mành gốm vương vải.
Như vậy từ năm 1909-1957 người ta đã phát hiện gần 1000 mộ chum. Người ta còn thấy những dạng mộ chum giống Sa Huỳnh ở Quảng Bình, Phan Thiết, Dầu Giây, Hàng Gòn… Người ta hiện vẫn chưa biết một cách rõ ràng về văn hoá Sa Huỳnh, chỉ biết được nó thuộc vào thời đồ sắt mà chưa tìm thấy di chỉ cư trú của chủ nhân nền văn hoá này, cũng như chưa tìm thấy giai đoạn sớm hơn, muộn hơn của nó. Người ta chỉ suy đoán rằng chủ nhân của nó là những người đi biển, những người này ghé vào đất liền chỉ để chôn các mộ chum. Hay phải chăng nó là tiền thân của nền văn hoá Chămpa? Điều đó còn đợi câu trả lời của các nhà khảo cổ.
Trước khi đến trung tâm huyện Đức Phổ - huyện đầu tiên của Quảng Ngãi, phía bên phải là bãi biển Sa Huỳnh. Đây là một bãi biển đẹp với bãi cát trắng trãi dài nước biển trong xanh.
Sau đó sẽ đến thị trấn Sa Huỳnh – huyện Đức Phổ. Rồi đến huyện Mộ Đức, quê hương của cụ Phạm Văn Đồng. Qua thi trấn Sông Vệ, thị trấn La Hà (huyện Tư Nghĩa), rồi đến nghĩa trang liệt sĩ tỉnh Quảng Ngãi, tiếp theo là qua cầu Trà Khúc, qua khỏi cầu là đến khu chứng tích Sơn Mỹ.
Núi Thiên Ấn
Được xem là Đệ nhất thắng cảnh của Quảng Ngãi. Du khách từ trong ra hay ngoài vào, dừng chân bên cầu Trà Khúc, đi dọc theo tả ngạn sông Trà chừng 1000m sẽ đến núi Thiên Ấn. Núi nằm ở phía Đông huyện Sơn Tịnh, thế núi rộng, chu vi độ 5 dặm, cao 105 thước. Đỉnh núi bằng phẳng rộng chừng 10ha, 4 mặt vuông có hình dạng như một cái ấn. Năm Minh Mạng thứ 11, hình núi Thiên Ấn được chạm vào Di đỉnh. Từ trên núi Thiên Ấn nhìn về phía Đông thấy một màu xanh của đại dương như một đường mây liếm chân trời bao la, nhìn về phía tây thấy dãy Trường Sơn như bức thành cao vút. Nhìn về phía Nam là sông Trà hiền hoà uốn lượn ôm trọn thị xã Quảng Ngãi. Trên đỉnh Thiên Ấn có một ngôi chùa cũ xây dựng từ thời nhà Lê (1716), làm nơi chiêm bái cho Phật tử toàn tỉnh.
Khu chiến tích Sơn Mỹ
Từ thị xã Quảng Ngãi theo QL 1A, qua khỏi cầu Trà Khúc đến ngã 3 có biển đề “Khu chiến tích Sơn Mỹ”, rẽ phải vào 12km là đến Bảo tàng Sơn Mỹ, phía trái là bệnh viện do cựu chiến binh Mỹ xây dựng.
Sơn Mỹ thuộc xã Tịnh Khê, huyện Sơn Tịnh gồm 4 thôn: Trường Định, Cổ Lũy, Mỹ Lai, Tư Cung. Khu chiến tích Sơn Mỹ gồm một tượng đài kỷ niệm lớn và một nhà bảo tàng trưng bày mua lại từ các phóng viên người Mỹ. 504 đồng bào không vũ khí, không phản kháng đã bị thảm sát trong 4 giờ vào buổi sáng kinh hoàng ngày 16/3/1969.
Tượng đài: Được xây dựng năm 1992, do Châu Đình Du vẽ kiểu, Hồ Thu điêu khắc, anh là chồng của chị Võ Thị Liên, một trong những người còn sống sót sau vụ thảm sát Sơn Mỹ. Thông qua tác phẩm điêu khắc này, Hồ Thu muốn nói lên hai ý nghĩa lớn:
+Hình ảnh người dân Sơn Mỹ bị tàn sát vào ngày 16/3/1969, diễn tả sự chết chóc chồng chất: con gái ôm xác cha, mẹ ôm xác con, anh ôm xác em… Họ là những người già, phụ nữ, trẻ con không vũ khí và phản kháng.
+Dù cận kề cái chết, họ vẫn muốn bảo vệ cho nhau và trên từng gương mặt lộ ra nét phẫn uất vô hạn.
Bên phải tượng đài người ta xây dựng 11 bia đá nằm rải rác trong khuôn viên rộng 23ha. 11 bia đá này xây dựng trên nền 11 ngôi nhà cũ của 11 gia đình bị thảm sát mà nay họ hầu như không còn thân nhân nào. Tượng trưng cho 274 ngôi nhà cháy, 24 ngôi nhà bị tuyệt tôn tuyệt tự. Trên những tấm bia này người ta ghi tên tuổi những người đã chết trong nhà. Trong khuôn viên còn hai hầm tránh pháo được phục chế năm 1993 nhưng hoàn toàn không giống hầm của những người dân trước kia vốn chỉ là hầm chữ A dã chiến để tránh mảnh bom. Nơi đây ta thấy một con rạch nhỏ nơi lính Mỹ đã dồn dân xuống và bắn chết hàng loạt.
Nhà bảo tàng: tại đây người ta trưng bày một số hình ảnh và hiện vật liên quan đến vụ thảm sát Sơn Mỹ ngày 16/3/1969. Vụ thảm sát xảy ra tại thôn Tư Cung hay còn gọi là làng Hồng (Pinkvillle). Người Mỹ gọi là Mỹ Lai 4. Lúc 7h sáng lính Mỹ ồ ạt đổ vào ấp Mỹ Lai 4. Vụ thảm sát chủ yếu xảy ra tại cái chấm nhỏ trên bản đồ, tức xóm Thuận Yên, thôn Tư Cung. Kẻ trực tiếp nhúng tay vào chính là lực lượng đặc nhiệm Barker. Lực lượng này gồm 3 đại đội: Đại đội Alpha (kí hiệu là A), thuộc tiểu đoàn 3 trung đoàn 1; đại đội Bravo (kí hiệu B) thuộc tiểu đoàn 4 trung đoàn 3; đại đội Charlie (kí hiệu C) thuộc tiểu đoàn 1 trung đoàn 20 thuộc Sư đoàn bộ binh Americal và một đơn vị pháo binh. Tất cả đều thuộc lữ đoàn 11. Trong đó đại đội Charlie là đại đội chủ công của vụ tàn sát đẫm máu ở Sơn Mỹ, thực hiện là trung đội 1. Chỉ huy trưởng đại đội Charlie là đại uý Ernest Medina, sinh 1936 tại bang New Mexico, chỉ huy trung đội 1 là trung uý William Calley.
Tảng sáng ngày 16/3/1969 như thường lệ người dân Sơn Mỹ dậy sớm lo cơm nước cho một ngày lao động mới. Khoảnh khắc bình yên bỗng chốc bị phá vỡ, 5h30 sáng, các tràng pháo đủ cỡ từ núi Răm, Bình Liên, Bình Sơn, chi khu Sơn Tịnh và tiểu khu Quảng Ngãi nhất mực dội vào 4 thôn của xã Sơn Mỹ. Đợt pháo kéo dài 30 phút vừa dứt thì hai chiếc trực thăng HU.IA bay đến và đảo nhiều vòng nhả đạn Rocket và đại liên vào các tụ điểm dân cư của hai thôn Tư Cung và Cổ Luỹ. Kế đó một tốp trực thăng gồm 9 chiếc từ Chu Lai (hướng Bắc) bay vào, đổ quân xuóng vạt ruộng phía Tây thôn Tư Cung. Một tốp trực thăng khác gồm 11 chiếc đổ quân xuống bãi đất trống gần xóm Gò thôn Cổ Lũy. Mục đích của họ là tìm dịêt Sư đoàn 48 quân Cách Mạng. Khu vực Tư Cung là vùng đất nhỏ khoảng 2,3ha. Khu vực này nằm sát đồi 85, nơi quân đội Mỹ chiếm đóng gọi là đồi Đồng Hoang. Đối diện với tượng đài là núi Đầu Voi, có quân đội Việt Nam Cộng Hoà đóng giữ. Lính Mỹ đã xông vào nhà đốt phá, mặc sức bắn giết. Tất cả phụ nữ bị gom lại, bị hãm hiếp và bị giết chết. Chỉ trong chốc lát, tất cả người già, phụ nữ, trẻ em đều bị giết. Tổn thất duy nhất của lính Mỹ hôm đó là anh lính da đen Harbert Carter, người không chịu đựng nổi cảnh giết chóc man rợ đã tự bắn vào chân mình để khỏi tham gia vào hành động tội ác. Những hành động tội ác này được trung sĩ Ronald Haeberle, nhiếp ảnh viên quân đội Mỹ chụp được. Những bức ảnh này, sau đó được đưa ra ánh sáng để tố cáo tội ác này lên chính quyền Mỹ. Kết quả cuộc thản sát có 504 người bị giết, chỉ có một số ít may mắn thoát chết nhờ những xác người chết ngã gục đè lên họ hoặc đã kịp chạy thoát trước đó. Những người chết gồm 182 phụ nữ (17 người đang mang thai), 173 trẻ em (56 em dưới 5 tháng tuổi), 60 cụ già trên 60 tuổi, 89 trung niên. Riêng ở con mương cuối xóm Thuận Yên,lính Mỹ tàn sát tập thể 170 người. Riêng ở thôn Tư Cung, trong buổi sáng hôm ấy, lính Mỹ đã tàn sát 407 người, chủ yếu là người già phụ nữ trẻ em. Có 24 gia đình bị giết sạch. Về của cải, có 247 căn nhà bị thiêu huỷ, hàng ngàn trâu bò, gia súc bị giết. Và hiện nay vẫn còn rất nhiều người mang vết thương khó chữa lành về thể chất lẫn tinh thần. Vụ thảm sát được ém tới tháng 9 /1969, mặc dù trước đó theo báo cáo của họ chỉ nói diệt được 90 VC, có một lính Mỹ bị thương. Đối với báo cáo này các tướng Mỹ đã nghi ngờ nên cho máy bay khảo sát và thấy nhiều xác chết phụ nữ, trẻ em nằm rãi rác đây đó. Nhưng sự vụ đã bị ém cho tới khi có một lính Mỹ đã khai ra và phía Mỹ đã lập uỷ ban điều tra. Sau khi điều tra, 35 người bị khiển trách, 16 người bị đề nghị truy tố, ra trước toà án binh, nhưng cuối cùng chỉ có một người bị tội, trở về và bị gọi là quân giết trẻ em. Ngày nay Sơn Mỹ đã hồi sinh nhưng vẫn cần một thời gian nữa để gắn vết thưong cho lòng người dân vô tội.
Khu công nghiệp nhà máy lọc dầu Dung Quất 
Dung Quất, nơi cách đây 500 năm trong một chuyến chinh Nam, vua Lê Thánh Tôn đã dừng chân để thưởng thức một phong cảnh hoang sơ đầy thi vị của một bãi biển xanh ngắt, lộng gió, là một vịnh sâu và rộng. Xung quanh là một vùng đất rộng lớn bằng phẳng. Bao thế kỷ trôi qua Dung Quất vẫn ngủ yên với thời gian! Đến ngày 2/8/1995 cựu thủ tướng Võ Văn Kiệt đã phê duyệt “Quy hoạch tổng thể kinh tế trọng điểm miền Trung” bao gồm hai cụm công nghiệp - du lịch - dịch vụ lớn ở Liên Chiểu (Đà Nẵng) và Dung Quất (Quảng Ngãi). Dung Quất đã thức dậy. Sau một thời gian khảo sát nghiên cứu, Ban quản lý KCN Dung Quất đã hoàn chỉnh Quy hoạch tổng thể có tính khả thi để xây dựng Cụm CN này gồm:
-KCN lọc dầu và chế biến các sản phẩm dầu mỏ.
-KCN chế biến các phụ kiện và lắp ráp các giàn khoan dầu khi, ống dẫn dầu và dầu khí.
-Khu đóng và sửa chữa tàu biển.
-KCN chế biến quặng và cán thép.
-Khu chế biến nông, lâm, hải sản.
-Cảng container cho xuất nhập khẩu và trung chuyển với công suất khoảng 3 triệu container/năm.
-Khu dân cư dịch vụ và đô thị.
Tháng 2/1996 đã khởi công xây dựng nhà máy lọc dầu số I. Cảng Dung Quất được xây dựng sẽ là một hải cảng quốc tế lớn và hiện đại vào bậc nhất nước, thuận tiện cho việc thông thương, giao lưu kinh tế – văn hóa với các khu vực trong nước và các nước trên TG. Tổng giá trị xây dựng khu lọc dầu Dung Quất lên đến 1,3 tỷ USD, dự định hoàn thành nhà máy lọc dầu số I vào cuối năm 2001 với công suất 6,5 triệu tấn dầu thô/năm, tạo công ăn việc làm cho 100.000 lao động, ngân sách nhà nước tăng khoảng 6 tỷ USD. Cùng với sự hình thành cảng và các KCN, nơi đây sẽ xuất hiện thành phố Vạn Tường với quy mô 45.000 dân vào năm 2000 và 120.000 dân vào năm 2010.
Cảng Dung Quất
Dung Quất có tên gọi từ Vũng Quýt mà ra. Dung Quất là cách đọc của người Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ, về mặt lịch sử vùng này là một địa danh gắn liền với nhiều sự kiện trọng đại của thế kỷ 15 đến thời kỳ chống Mỹ cứu nước. Ở bốn xã của vùng đông Bình Sơn, dấu tích cuộc hành quân chinh phạt Chiêm Thành (1471) của vua Lê Thánh Tông. Vua đã sai tướng Lê Duy Các dẫn binh sĩ cùng thuyền theo vịnh nhỏ ban đêm đánh chiếm cửa Sa Kỳ và bán đảo Phước Thiện chặn đường rút lui của quân địch, còn nhà vua đem đại quân đến cửa Tân Cáp, cả hai cánh quân dựng cờ thiên tử khiến quân Chiêm Thành hoảng sợ tháo chạy, quân Đại Việt chiếm toàn bộ khu vực nay là Dung Quất – xưa là thành Châu Sa (thành đất kiên cố nằm ở phía Bắc sông Trà Khúc). Sau đó vượt qua sông Trà Khúc phá tan hệ thống phòng thành ở Cổ Lũy (nam sông Trà Khúc) làm chủ hai vùng Châu Tư, Châu Nghĩa (dưới thời Chiêm Thành có tên là Cổ Lũy Động) tức vùng đất Quảng Ngãi.
Gần 5 thế kỷ sau khu vực Dung Quất đã đập tan “Chiến tranh đặc biệt”, “Chiến tranh cục bộ” của Mỹ. Vào năm 1964 Mỹ cho xây dựng khu căn cứ Chu Lai lớn nhất vùng Đông Dương, vùng Dung Quất trở thành nơi hoạt động của ta và của địch. Ngày 28/8/1965 Trung đoàn 1 (mật danh Trung đoàn thép Quân khu 5) đã cùng phối hợp với quân dân Quảng Ngãi đập tan cuộc hành quân Starlight: Đây là cuộc hành quân hỗn hợp với sự tham gia của 8000 quân Mỹ và chư hầu, lập nên một kỳ tích oai hùng trong thời kỳ kháng chiến chống Mỹ. Ngày nay chúng ta vẫn thấy được vết tích của thiết giáp, trực thăng… mang nhãn USA nằm phơi giữa nắng mưa và gió biển.
Khu quy hoạch Dung Quất có hai ranh giới nằm trong hai huyện Bình Sơn (Quảng Ngãi) và Núi Thành (Quảng Nam) diện tích toàn bộ mặt đất và vùng biển là 16.000ha. Khu này có nhiều điều kiện thuận lợi và non nước hữu tình. Đặc biệt dọc theo bờ biển phía Đông từ Vạn Tường đến An Thành có nhiều bãi cát rộng và đồi thoai thoải thích hợp xây dựng khu dân cư cũng như các khu du lịch. Sân bay Chu Lai xây dựng thời chiến có đường băng dài 3,25km còn nhiều đất trống có thể cải tạo lại làm sân bay Quốc tế và nơi sưa chữa máy bay, vùng đất lân cận có thể trở thành một khu công nghiệp điện tử, công nghệ thông tin… Phía Tây cảng khoảng 10 km là QL 1A và tuyến đường sắt Bắc Nam giúp cho việc lưu thông được dễ dàng thuận tiện. Ngày nay cảng Dung Quất với địa thế thuận lợi có rất nhiều dự án về phát triển kinh tế chắc chắn sẽ là bàn đạp đưa miền Trung phát triển.
Công nghiệp dầu khí
1. Công nghiệp khai thác dầu:
Dầu khí là một ngành công 16/3/1969 nghiệp mũi nhọn góp phần quan trọng vào kim ngạch xuất khẩu. Tiềm năng dầu khí Việt Nam được dự báo ở mức khá cao qua việc đánh giá các bể trầm tích. Bể trầm tích sông Hồng có tiềm năng dự báo khoảng 1 tỷ tấn dầu quy đổi, hiện nay đang có một số phát hiện khí đốt, trong đó có mỏ khí Tiền Hải (Thái Bình) đang được khái thác. Bể trầm tích Cửu Long có tiềm năng dự báo khoảng 2 tỷ tấn dầu quy đổi, hiện nay ở đây đang có các mỏ dầu khí: Bạch Hổ, Hàm Rồng đang được khai thác. Bể trầm tích Thổ Chu – Mã Lai có tiềm năng dự báo khoảng vài trăm triệu tấn dầu quy đổi. Trữ lượng khí đốt ở các mỏ lên đến khoảng 2000 tỷ m3.
Năm 1994 nhiều công ty thăm dò dầu khí đã phát hiện thấy dầu và khí với trữ lượng đáng kể: Mitsubishi thấy dầu ở lô I5-2, AEDC thấy dầu ở lô O5-3, FEDCO thấy dầu ở lô II-1, BP (Anh), Statoil (Na Uy), ONGC (Ấn Độ) phát hiện mỏ khí lớn tại lô O6 có trữ lượng gần 60 tỷ m3. Từ năm 1998 sẽ khai thác thương mại với sản lượng ước tính 3 tỷ m3/năm. 
Về trữ lượng, theo Petrovietnam, trữ lượng dầu khí đến 5, 6 tỷ tấn. Riêng về khí theo đánh giá của tập đoàn BP, trữ lượng khí thiên nhiên ở Việt Nam có thể đến 300, 400 tỷ m3.
Năm 1994, mỏ Bạch Hổ do Xí nghiệp liên doanh Vietsovpetro khai thác cho sản lượng 7 triệu tấn. Ngày 14/10/1994, mỏ Đại Hùng được chính thức khai thác bởi tổ hợp các công ty BHP (Úc), Petronas (Malaysia), Total (Pháp), Sumitomo (Nhật Bản) và Petrovietnam.
Đến năm 1995, nước ta đã ký kết được 27 hợp đồng tìm kiếm, thăm dò, khai thác dầu khí với các công ty nước ngoài, trong đó 20 hợp đồng đang được triển khai thực hiện. Những phát hiện mới về những mỏ dầu, khí ở thềm lục địa Việt Nam được các công ty dầu khí tuyên bố liên tục, đang trong giai đọan xác định trữ lượng để đầu tư khai thác theo hợp đồng phân chia sản phẩm với Petrovietnam.
Công ty dầu khí Nhật–Việt (JVPC) tuyên bố phát hiện vỉa dầu lớn có chất lượng tốt ở lô I5-2, liên minh BP - Statoil - ONGC công bố tìm được mỏ khí khổng lồ ở lô O6 phía Nam Côn Sơn. Liên minh BP – Statoil cũng tìm thấy dầu và khí ở độ sâu 3000 m tại lô O5-2. BP tìm thấy dầu ở lô 9-2, tổng hợp MJC do Mobil Hoa Kỳ điều hành đã tìm thấy những dấu hiệu khả quan về dầu khí tại lô O5-1B.
Ngày 12/10/1997, Xí nghiệp Liên doanh Vietsovpetro đã hoàn thành khai thác tấn dầu thô thứ 50 triệu kể từ ngày tìm thấy mạch dầu đầu tiên tại mỏ Bạch Hổ (6/1986), VSP hiện có trên 5000 kỹ sư công nhân Việt Nam, 1000 chuyên gia, kỹ sư, công nhân Nga làm việc ở 11 giàn khoan cố định và 6 giàn khoan nhẹ BK tại hai mỏ Bạch Hổ và Hàm Rồng. VSP còn có căn cứ dịch vụ tổng hợp trên bờ, hai giàn nén khí lớn nhỏ, 3 tàu chứa dầu Chi Lăng, Chí Linh, Ba Vì. Đây là những cơ sở vật chất kỹ thuật quan trọng, góp phần đưa sản lượng khai thác dàu của VSP từ 20.000 tấn/ ngày đêm (1986) lên 27.000 tấn/ngày đêm (10/1997) và cung cấp từ 1,5 đến 2 triệu m3 khí đồng hành/ngày.
2. Công nghiệp khai thác khí đốt và khí đồng hành
Ngoài dầu khí là sản phẩm chính được khai thác từ mỏ, có giá trị cao trong thương mại tạo ra nhiều loại sản phẩm sau khi đưa vào chế biến, còn có khí đồng hành là sản phẩm phụ được khai thác, chế biến thành phân bón, gas (khí hóa lỏng ) hoặc xử lý thành khí đốt chạy tuabin máy phát điện.
Tính trung bình cứ khai thác dược một tấn dầu thô thì có khoảng 150m3 khí đồng hành thoát ra. Hiện nay 3 mỏ Bạch Hổ, Hàm Rồng do liên doanh VSP khai thác, Đại Hùng do liên doanh BHP, Petrovietnam, Petronas, Total, Đại Hùng Oil Development (Nhật) khai thác với sản lượng tổng cộng 20.000 tấn dầu thô/ngày, phải đốt bỏ đến 3 triệu m3 khí đồng hành (khoảng gần 1,1 tỷ m3/năm)
Mỗi m3 khí đồng hành được xử lý đưa vào chạy máy phát điện cho 3kW điện với giá thành chỉ bằng 30% so với dùng dầu DO. Khai thác chế biến và sử dụng khí đồng hành ở nước ta là một chương trình lớn đang được khẩn trương triển khai, chắc chắn sẽ mang lại hiệu quả kinh tế.
Bước đầu của chương trình này là công trình đưa nhanh khí từ mỏ Bạch Hổ vào bờ, cung cấp 1 triệu m3 khí/ngày cho nhà máy điện tuabin khí Bà Rịa để sản xuất 3 triệu kW điện. Giai đoạn một của công trình dẫn khí vào bờ được khẩn trương hoàn tất để sử dụng trong quý 2/1995. Giai đoạn hai là đưa khí về nhà máy điện Thủ Đức được triển khai cùng với việc chuẩn bị xây dựng nhà máy chế biến khí hoá lỏng tại Long Hải, cảng và kho chứa gas. Vốn đầu tư cho chương trình dẫn khí, sử dụng và chế biến khí đồng hành là rất lớn, cần đến hàng tỷ USD với sự hợp tác của nhiều bên. Giữa năm 1994, dự án trị giá 400 triệu USD đã dược ký kết giữa Petrovietnam và British Gaz (Anh), Mitsui (Nhật),Tranh Canada Pipeline (Canada).
Dự án khai thác khí đồng hành từ mỏ Bạch Hổ đưa vào bờ để sản xuất điện tại nhà máy điện Bà Rịa và nhà máy điện Phú Mỹ I đã tăng sản lượng khí sử dụng từ 280 triệu m3 năm 1996 lên 600 triệu m3 năm 1997. Một giàn nén khí trung tâm có công suất 5,8 triệu m3/ ngày tại mỏ Bạch Hổ do tổ hợp SamSung NTT (Hàn Quốc) và Bouygess (Pháp) có một nửa công suất giàn nén khí được sử dụng bơm tăng áp suất vỉa để tăng sản lượng khai thác dầu, phần công suất còn lại sử dụng đưa khí vào bờ để tăng sản lượng khí cho các nhà máy điện từ 1 tỷ m3 đến 1,4 tỷ m3 trong năm 1998.
Dự kiến đến năm 2000, khi các mỏ Bạch Hổ, Rồng, Đại Hùng được tăng cường khai thác và một số mỏ dầu, khí khác được đưa vào khai thác sẽ cho sản lượng 20 triệu tấn dầu thô/năm, sản lượng khí đồng hành đạt đến 3 tỷ m3/năm. Cùng với khai thác, chế biến dầu mỏ, công nghiệp khai thác, chế biến và sử dụng khí ở Việt Nam sẽ phát triển mạnh.
3. Công nghiệp lọc dầu:
Hiện nay, nước ta nhập khẩu gần như toàn bộ các sản phẩm xăng dầu cần thiết, trong khi đó là xuất khẩu toàn bộ dầu thô sản xuất ra. Sau một thời gian nghiên cứu các dự án đầu tư vào công nghiệp lọc dầu, chính phủ quyết định chủ động đầu tư xây dựng nhà máy lọc dầu số I Dung Quất.
Nhà máy này có quy mô lớn, công suất 6,5 triệu tấn/năm, với vốn đầu tư 1,5 tỷ USD và được xây dựng theo phương thức nước ta đầu tư và vay vốn một phần của nước ngoài. Dự kiến đến năm 2001 nhà máy lọc dầu số I sẽ đi vào hoạt động, trực tiếp cung cấp cho thị trường Việt Nam các chủng loại sản phẩm propilene, khí hóa lỏng, xăng ô tô không pha chì, nhiên liệu phản lực, dầu hỏa dân dụng, diesel động cơ, diesel công nghiệp, nhiên liệu FO… thay thế hàng ngoại nhập. Nguyên liệu cho nhà máy được cung cấp từ các mỏ Bạch Hổ, Rồng, Đại Hùng và các mỏ khác ở thềm lục địa Việt Nam. Nhà máy lọc dầu số I Dung Quất sẽ thu hút hàng vạn lao động tại địa phương và khu vực, sẽ đóng góp 1 tỷ USD vào GDP của đất nước mỗi năm.
Kẹo Gương
Tại thị xã Quảng Ngãi có đủ các loại đường ngon nổi tiếng như: đường phổi, đường phèn, mạch nha.
Nhưng ngọt ngào thi vị mang màu sắc Quảng Ngãi khó quên nhất có lẽ là món kẹo Gương:
Chim mía Xuân Phổ
Cá Bống sông Trà
Kẹo Gương Thu Xà
Mạch nha Mộ Đức
Kẹo Gương xuất xứ từ thị trấn Thu Xà cách thị xã Quảng Ngãi chừng 10km về hướng Đông. Có người bảo tên thật của loại kẹo Gương nổi tiếng này có nguồn gốc bên Triều Châu được du nhập vào Thu Xà từ thế kỷ 17 gọi là “Kia Thứng” hay “Pô lí thứng”. Kẹo Gương từng được vua Lê Trang Tông, thời nhà Lê Trung Hưng dùng Kẹo Gương làm món tráng miệng trong triều nội. Tại Quảng Ngãi, nghề làm Kẹo Gương được phổ biến khắp nơi, nhưng chỉ có kẹo Gương Thu Xà mới có giá trị đặc biệt và đã đi vào ca dao Quảng Ngãi như một thứ đặc sản tiêu biểu cho địa phương. Kẹo được làm từ đường cát trắng, mạch nha, mỡ heo, mè và đậu phộng… Thông thường để có 10kg kẹo thì phải dùng đến 3kg đường cát, 3kg đậu phộng, 200g mạch nha, 19g mỡ heo và một trái chanh tươi. Kẹo Gương tuy rẻ tiền nhưng rất có giá trị. Miếng kẹo trong suốt như pha lê, giòn, có vị ngọt thanh lẫn vị béo. Ăn kẹo gương dùng với nước trà thì rất thú vị! Tuy ngon nhưng kẹo gương không để lâu được. Nếu để quá 10 ngày kẹo sẽ có vị chua và mất đi hương vị thơm ban đầu.