PHÚ YÊN

Phú Yên cách Nha Trang 120km. Có diện tích 5278km2. Dân số khoảng 768.972 người (1/4/1999). Phú Yên trước đây là một phần tỉnh Phú Khánh (Phú Yên – Khánh Hòa), được tách ra từ năm 1989, nhưng cơ sở hạ tầng thuộc về Khánh Hòa. Vì thế chính phủ đã đầu tư cho Phú Yên 76 triệu USD để phát triển cơ sở hạ tầng và kinh tế. Các công ty nước ngoài đầu tư vào Phú Yên cũng được ưu tiên như công ty lắp ráp điện tử Hàn Quốc và lắp ráp xe motors Yamaha. Phú Yên có cánh đồng Tuy Hòa 2000ha trồng lúa, 5500ha dừa, 3000ha điều, 1000ha café, 1000ha thuốc lá. Phú Yên hiện có những dự án quan trọng như sân bay dã chiến Đông Tác của Quân đội VN Cộng Hòa sẽ được nâng cấp thành sân bay dân sự, công trình thủy điện sông Hinh với công suất 7000KWh do Nhật Bản viện trợ. Phú Yên đã từng là đất của vương quốc Chămpa, dấu tích còn sót lại là tháp Nhạn. Phú Yên có cầu Đà Rằng dài 1100m, một trong những cầu dài nhất miền Trung. Từ trên cầu, bên phải, trên một ngọn đồi cát là tháp Nhạn.
Sông Đà Rằng
Có diện tích lưu vực là 13.900km2 và chiều dài dòng chính là 388km, là một dòng sông chảy hoàn toàn trong lãnh thổ nước ta. Bắt nguồn từ sườn núi Công Ca Kinh (1761m) và Công Plông (1376m). Sông Đà Rằng thoạt tiên chảy theo hướng Bắc Nam cho đến Cheo Reo là cửa phụ lưu Ay Jun, từ đây sông chảy theo hướng Tây Bắc – Đông Nam cho đến Củng Sơn thì chạy theo hứơng Tây Đông để đổ ra biển ở cửa Đà Diệt (thị xã Tuy Hòa), một cửa sông rất rộng. Sông Đà Rằng có những nhánh sông quan trọng như: Ay Jun dài 175km với diện tích lưu vực 2950km2, sông Krông H’Năng dài 130km với diện tích lưu vực 1840km2 và sông Hinh dài 88km với diện tích lưu vực 1040km2.
Thủy chế Sông Đà Rằng mang tính chất của các sông miền Trung Trung Bộ, là có lũ tiểu mãn và mùa lũ ngắn, chậm. Mùa lũ tiểu mãn vào các tháng 6, 7, còn mùa lũ chính vào các tháng 9, 10, 11, 12. Lượng nước mùa lũ chiếm hơn 70% tổng lượng nước năm và tháng có lưu lượng lớn nhất tháng 11 thì đã chiếm 28,5%, bằng lượng nước 8 tháng mùa khô từ tháng 1-8. Tháng kiệt nhất là tháng 4 có lượng nước chỉ bằng 1,4% tổng lượng. Thủy chế Sông Đà Rằng rất khắc nghiệt, cho nên ngay từ 1928 đã phải xây dựng đập Đồng Cam để lấy nước ngọt tưới cho các cánh đồng ở Phú Yên.
Tháp Nhạn
Nằm trên đỉnh Bảo Sơn, phía Đông thị xã Tuy Hòa, người ta gọi là núi Nhạn. Trong số những di tích Chămpa còn sót lại ở tỉnh Phú Yên, tháp Nhạn không chỉ là tháp còn nguyên vẹn nhất mà còn có giá trị nhất cả về mặt lịch sử cũng như nghệ thuật. Tuy nhiên tháp Nhạn cũng bị hư hại khá nhiều. Đặc biệt là vào thế kỷ XIX, khi Pháp mới chiếm nước ta, một tàu chiến Pháp khi đi qua cửa biển Tuy Hòa nhìn thấy tháp Nhạn, thủy quân Pháp tưởng đó là pháo đài của ta nên đã nã pháo vào làm cho đỉnh tháp bị đổ và cổng tháp cũng bị vỡ. Hiện nay cách tháp 20 m là đỉnh tháp bằng đá cao 1,6m, mỗi cạnh rộng 0,9m. Đó là một chỏm đá có chân hình vuông được chạm hình cánh sen phía dưới, đỉnh có bầu nhọn. Tháp Nhạn là một trong những ngôi tháp lớn của Chămpa, mỗi cạnh dài 11m, cao gần 20m thuộc loại tháp tầng hình vuông. Trên các mặt tường của thân tháp được trang trí bằng các cửa giả như mô típ vốn có của tháp… Cửa chính ra vào quay về hướng Đông vẫn còn một trám cửa bằng đá thể hiện hình Shiva đang múa điệu múa vũ trụ. Giống các tháp thuộc phong cách chuyển tiếp giữa phong cách Mỹ Sơn A1 và phong cách của Bình Định, trên mặt từơng của tháp Nhạn không hoa vắn trang trí, các cột đứng song song, khoảng tường giữa các cột ốp chỉ là những khung chữ nhật trơn. Vòm cửa giả hình cung nhọn có hình đầu quái vật Kala trên đỉnh. Các tầng trên là cấu trúc thu nhỏ dần của phần thân tháp. Do hư hại nhiều nên người ta dùng xi măng che kín cả chân tháp nên ta không thể thấy được hình dáng và trang trí ở phần này. Theo các nhà nghiên cứu tháp Nhạn được xây dựng cuối thế kỷ XI đầu thế kỷ XII. Tháp Nhạn cũng liên quan đến truyền thuyết Ponagar, người ta cũng có thờ Bà ở đây. Vì trong truyền thuyết, xứ Tuy Hòa là nơi đầu tiên Bà ghé khi xuống trần và tại đây bà đã giết chết quỷ dữ và khai thông cửa sông Đà Rằng để dân chúng ra vào dễ dàng. Ngay khi qua cầu Đà Rằng và tháp Nhạn là chúng ta đã vào thị xã Tuy Hòa, trung tâm của tỉnh Phú Yên.
Ghềnh Đá Dĩa
Nằm tại xã An Ninh Đông, huyện Tuy An, một ghềnh đá có cấu tạo kỳ lạ gồm nhiều tảng đá lớn dựng đứng xếp đều đặn theo hình ngũ giác. Từ xa đứng nhìn hòn nọ gắn với hòn kia đều đặn như một tổ ong. Bên cạnh Ghềnh Đá Dĩa là khu vực Bãi Bàng, với những tảng đá màu vàng sáng nằm dưới những tán cây bàng rợp mát. Đây là nơi nghỉ ngơi, cắm trại dã ngoại lý tưởng.
Đèo Tam Giang
Dài 2km, thuộc thị trấn Chí Thanh.
Đèo Gành Đỏ
Qua cầu Ngân Sơn (sông Ngân Sơn) và cầu Nhân Mỹ là đèo Gành Đỏ dài 2km, thuộc thị trấn Sông Cầu. Địa danh này lừng danh với nghề làm nước mắm.
Đèo Cù Mông
Dài 9km, là ranh giới giữa tỉnh Phú Yên và Bình Định. Theo truyền thuyết thì “Cù” có nghĩa là “Quái vật”, “Cù Mông” có nghĩa là “Con Rồng Nhỏ”. Chuyện kể rằng: Thuở xưa trong khu rừng này có một con rắn sống rất lâu năm, nó cố tâm tu luyện để được hóa kiếp, nhưng tu mãi nó cũng chỉ là một con rắn. Thất vọng nó đi tìm Phật để hỏi lý do. Trông thấy nó cũng có tâm hướng thiện. Phật bảo nó phải nằm yên một chỗ không cử động để tĩnh tâm. Rắn mừng lắm, nó trở về và quyết tâm làm theo những gì Phật đã dạy nó. Cứ thế năm tháng trôi qua rắn cứ nằm yên như thế đã hàng ngàn năm và chắc đã được toại nguyện nếu không có một ngày kia có một tay thợ săn vào rừng săn thú đã làm hỏng tâm huyết của con rắn đáng thương nọ. Chàng vào rừng săn đã vài hôm và cảm thấy có chút mệt mỏi nên quyết định tìm chỗ nào đó để nghỉ ngơi. Thấy có cành cổ thụ nằm bên đống là rừng, chàng bèn ngồi xuống và nhóm lên một đống lửa để nấu chút gì đó. Nhưng chàng có ngờ đâu khúc cây khô chàng ngồi chính là con rắn đang nằm khổ công tu luyện. Đống lửa chàng đốt ngày càng cháy lớn, nó táp vào da thịt con rắn. Rắn cắn răng chịu đựng vì không nỡ thấy tâm huyết mình ngàn năm nay bỗng chốc bị tiêu hủy. Nhưng cuối cùng rắn cũng không thề chịu nổi, nó vẫy mình thật mạnh và phóng xuống khe núi. Cảm động cho hoàn cảnh con rắn, Phật đã hoá nó thành một con rồng nhỏ.
Biển Đông
Nhiệt độ nước biển: Do nằm trong vùng nhiệt đới gió mùa nên nhiệt độ trung bình năm của tầng nước mặt biển Đông thường cao trên 23oC. Tuy nhiên nhiệt độ của tầng nước mặt biển đổi theo mùa, theo khu vực và theo độ sâu của biển. Trong mùa đông, nhiệt độ của tầng nước mặt dao động từ 19oC đến 27oC với xu thế chung là càng dịch về phía Nam nhiệt độ càng tăng. Vào mùa Hạ, nhiệt độ của tầng nước mặt ít thay đổi hơn, trị số trung bình là 29oC. Ở một số vùng biển ven bờ, nhiệt độ của tầng nước mặt tăng do ảnh hưởng nhiệt của các khối nước lục địa đổ ra biển. Nhiệt độ nước biển giảm theo độ sâu của đáy biển. Tại các vịnh nông nhiệt độ giảm chậm. Ở Vịnh Bắc Bộ, nhiệt độ tầng nước đáy thấp hơn nhiệt độ tầng nước mặt từ 1 đến 2oC. ngoài khơi, nhất là ở vùng biển sâu, độ chênh lệch càng lớn. Tại điểm có tọa độ 12oB đến 113oĐ, từ tầng nước mặt đến độ sâu 88m, nhiệt độ giảm từ 27,8oC xuống còn 26,3oC, nghĩa là khoảng 1,5oC/100m, tới độ sâu 404m, nhiệt độ chỉ còn khoảng 9oC, như vậy từ độ sâu 88m nhiệt độ giảm trung bình 4oC/100m. Tại độ sâu 2500m, nhiệt độ đo được là 1,94oC.
Gió biển: Là một biển kín nên tốc độ gió trong biển Đông không lớn, tốc độ trung bình năm khoảng 3,2m/s. Tuy nhiên, do nằm trong khu vực gió mùa Đông Bắc nên vào mùa Đông, ở vùng phía Bắc biển Đông tốc độ có thể đạt 10-15m/s và vào mùa Hạ khi có bão tốc độ gió đạt 30m/s. Các vùng có gió mạnh là Bạch Long Vĩ, Phú Quý, Trừơng Sa, tốc độ gió trung bình năm khoảng 6-7m/s, gió mùa tây nam có ảnh hưởng tới phần phía Nam của biển Đông song tốc độ gió nhỏ hơn nhiều, ít khi vựơt 10m/s. Riêng ở Vịnh Thái Lan hướng gió không ổn định. Từ tháng hai đến thang ba thịnh hành hứơng gió Tây Bắc – Đông Nam, riêng phần trung tâm vịnh thịnh hành gió Nam và Tây Nam. Vùng ven bờ chủ yếu là gió đất – gió biển hoạt động. Đến hết tháng năm mới có gió nam thay thế. Tốc độ gió nhỏ, ít khi vượt qjá 8m/s.
Độ muối trong nước biển: Tuy là một biển kín song có nhiều đường thông với Thái Bình Dương, gần vơi dòng biển lớn Kưrô Siô nên độ muối trung bình của biển Đông ít chênh lệch với độ muối trung bình của các đại dương – biển Đông mang tính đại dương rõ nét hơn so với nhiều vùng biển khác trên thế giới. Theo tài liệu của các nhà nghiên cứu, biển Đông có 3 khối nước có nồng độ muối khác nhau. Khối nước mặt có độ muối nhỏ hơn 32%o phân bố ở phần phía Tây vịnh Bắc Bộ, kéo dài xuống vùng biển Hà Tĩnh và bao quanh vùng biển Tây Nam Bộ. Khối nước có độ muối 32%o phân bố ở trung tâm và phía Đông vịnh Bắc Bộ, chạy dọc vùng biển miền Trung rồi bao quanh khối nước trên ở vịnh Thái Lan. Khối nước có nồng độ muối cao hơn 32%o phân bố ở Bắc và Nam biển Đông. Dưới tầng nước sâu, khối nước này tạo nên một nền rộng lớn ở lòng chảo vịnh Bắc Bộ, tiến sát vùng nước sâu bờ biển miền Trung và trung tâm của vịnh Thái Lan. Ở các vùng nước ven bờ biển nước ta, độ muối thay đổi theo mùa. Về mùa đông do lượng mưa nhỏ, lượng bốc hơi lớn và do ảnh hưởng của dòng biển mang nước từ Thái Bình Dương vào nên độ muối tăng thêm 0,7%o và giảm dần từ phía Bắc xuống phía Nam. Vào mùa hạ, độ muối lại giảm do lượng nước mưa tăng.
Thủy triều: Thủy triều của biển Đông phức tạp với 4 chế độ triều khác nhau:
a) Nhật triều: Là chế độ triều mỗi ngày có một lần nước lên và xuống. Kiểu này phân bố ở phía Đông Bắc biển Đông (vùng biển bờ Tây và Tây Bắc Philippines), vịnh Bắc Bộ (từ bán đảo Lôi Châu qua Móng Cái đến Cửa Hội), vịnh Thái Lan và kéo dài một phần Tây Nam biển Đông.
b) Nhật triều không đều: Là chế độ triều có ngày một lần nước lên và xuống, có ngày hai lần nước lên và xuống. Kiểu này phân bố dọc theo bờ đông của vòng cung đảo (từ Bắc Borneo kéo dài tới Philippines), dọc theo bờ Tây biển Đông (từ Cửa Hội đến Quảng Bình, từ Đà Nẵng đến mũi Ba Kiệm, từ Cà Mau đến Hà Tiên) và một phần vùng biển Malaysia.
c) Bán nhật triều: Là chế độ triều một ngày chỉ có một lần nước lên hoặc xuống. Kiểu này chỉ thấy ở khu vực eo biển Đài Loan.
d) Bán nhật triều không đều: Là chế độ triều có số ngày bán nhật triều chiếm đa số. Kiểu này phân bố ở vùng biển Quảng Châu, một phần vùng biển phía Nam Đài Loan và Philippines, một phần nhỏ vùng biển Thừa Thiên, vùng biển từ mũi Ba Kiệm đến sát mũi Cà Mau, một phần vùng biển Malaysia và vùng biển phía Nam của đảo Borneo.
Dòng chảy trên biển: Là một biển kín nên các dòng chảy trên biển Đông là các dòng chảy địa phương, phát sinh chủ yếu do gió mùa và chịu ảnh hưởng của địa hình đường bờ biển. Sự có mặt của các dòng biển từ phía Bắc xuống và từ Thái Bình Dương qua các eo biển vào càng làm rõ nét các dòng chảy trên.
a) Dòng chảy trên biển Đông: Vào đầu mùa đông, gió mùa đông bắc tạo nên một dòng nước lạnh chảy theo hướng Đông Bắc – Tây Nam, chạy dọc theo bờ biển miền Trung tới vùng biển Java. Tốc độ trung bình của dòng biển đạt 1 hải lý/h (khoảng 60-70cm/s) và đạt cực đại 3 hải lý/h (khoảng 180-200cm/s) vào giữa mùa đông, khoảng tháng 12. Tới mùa hạ, gió mùa Tây Nam hình thành dòng biển chảy theo hướng Tây Nam - Đông Bắc. Dòng biển này từ eo Karimata men theo bờ biển Nam Bộ và Nam Trung Bộ rồi lệch về hướng Đông để nhập vào dòng biển lớn Kưrô Siô. Tốc độ trung bình của dòng biển là 30cm/s, cực đại là 60cm/s. Trong tháng chuyển mùa (tháng 4) cả hai dòng trên đều suy yếu nên đã hình thành hai dòng chảy xoáy tròn: phía Bắc phân bố ở cửa vịnh Bắc Bộ và vùng quần đảo Hoàng Sa. Phía Nam phân bố ở vùng biển Nam Trung Bộ và Nam Bộ.
b) Dòng chảy trên các vịnh:
+Ờ vịnh Bắc Bộ, vào mùa đông có một nhánh nhỏ của dòng lạnh phía Bắc chảy qua eo biển Lôi Châu, men theo bờ Tây của vịnh với tốc độ 20-30cm/s rồi nhập vào dòng chính ở vùng biển Đà Nẵng. Sang mùa hạ, một dòng nước ấm tách khỏi dòng chính men theo bờ Tây đi vào vịnh Bắc Bộ.
+Ở vịnh Thái Lan, vào mùa Đông hình thành một dòng chảy tròn ngược chiều kim đồng hồ. Vì vậy mà dọc bờ biển Cà Mau - Kiên Giang xuất hiện dòng biển chảy theo hướng Đông Nam-Tây Bắc với tốc độ 15-20cm/s. Sang mùa Hạ, khi có gió Tây Nam lại hình thành dòng chảy theo hướng thuận chiều kim đồng hồ nên xuất hiện dòng chảy ở vùng biển Cà Mau - Kiên Giang theo hướng Tây Bắc-Đông Nam với tốc độ từ 10-15cm/s.