NINH THUẬN

Diện tích 3427km2, dân số khoảng 503.048 người(1/4/1999), tỉnh lỵ là thị xã Phan Rang cách TP.HCM 355km, phía Bắc giáp Khánh Hòa, Tây giáp Lâm Đồng, Nam giáp Bình Thuận và Đông giáp biển Đông. Địa hình Ninh Thuận đa dạng, có đồi núi, đồng bằng và biển cả. Nhiệt độ trung bình năm là 27oC, lượng mưa trung bình gần 1000mm/năm. Vì cánh đồng Phan Rang được tưới tiêu tốt do hệ thống đập Đa Nhim nên các vùng sản xuất chuyên canh nho, tỏi, thuốc lá, bông vải, nuôi trồng thủy sản, chăn nuôi gia súc gia cầm… phát triển tốt. Ninh Thuận có ngư trường lớn nên ngư nghiệp khá phát triển. Đến với Ninh Thuận là đến với Tháp Chàm Po Klong Giarai, bãi biển Ninh Chữ, các vườn chuyên canh nho… Nói đến Ninh Thuận và Bình Thuận người ta nghĩ đến ngay vùng đất cực Nam của vương quốc Chămpa xưa và mối quan hệ giữa người Chăm và người Raglây.
Tỉnh Ninh Thuận ở vị trí địa lý từ 11o18’14” đến 11o09’45” độ vĩ Bắc và từ 108o39’08” đến 108o14’25” độ kinh Đông. Có 3 dạng địa hình: miền núi, đồng bằng và vùng biển. Toàn tỉnh có 3 huyện và một thị xã, có 220.000 lao động. Phan Rang là tỉnh lỵ vơi 134.000 dân nằm trên giao điểm của 3 trục giao thông chiến lược là đường sắt Bắc – Nam, đường QL 1A, QL 27 và nằm sát sân bay Thành Sơn, cách Nha Trang 105km, Đà Lạt 110km và TP.HCM 350km, thủ đô Hà Nội 1382km.
Khí hậu nhiệt đới gió mùa, độ ẩm không khí từ 71% - 75%. Có hai mùa rõ rệt, mùa mưa từ tháng 5 - 11, mùa khô từ tháng 12 - 4. Năng lượng bức xạ lớn, tổng tích ôn 9500 – 10.000oC, không có mùa đông, ít gió bão… thuận lợi cho quá trình quang hợp, tích lũy chất khô và có thể gieo trồng nhiều vụ trong năm cho năng suất cao, phẩm chất tốt.
Trên địa bàn Ninh Thuận đang hình thành nhiều vùng sản xuất chuyên canh như thuốc lá, nho, mía đường, bông vải, hành tỏi, nuôi trồng thủy sản có năng suất khá cao; đang hình thành một số trang trại chăn nuôi bò, dê, cừu. Sản xuất muối công nghiệp có quy mô lớn là những sản phẩm có giá trị kinh tế cao và có nhiều khả năng phát triển. Ngư trường Ninh Thuận là một trong 3 ngư trường lớn có nhiều thủy hải sản quý. Trong lòng đất cũng rất giàu các loại khoáng sản, đặc biệt là đá granit, thạch anh, đá vôi san hô, cát kết vôi, cát trắng… Du lịch Ninh Thuận là một bức tranh hài hòa giữa đồng bằng, đồi núi và biển cả đang được đầu tư xây dựng. Các điểm du lịch Ninh Chữ, Cà Ná, tháp cổ Po Klong Giarai… sẽ đáp ứng các loại hình du lịch: tắm biển, nghỉ dưỡng, du thuyền, leo núi, sắn bắn, tham quan các di tích lịch sử.
Ninh Thuận là mảnh đất có bề dày lịch sử, giàu truyền thống văn hóa mang đậm màu sắc dân tộc, dù trải qua bao biến đổi của lịch sử, đồng bào các dân tộc ở đây vẫn giữ gìn tôn tạo và làm phong phú thêm kho tàng văn hóa nghệ thuật của mình. Các lễ hội người Chàm, Raglay và các tháp Chàm cổ kính mang đậm dấu ấn của một nền văn hóa Chămpa.
Làng dệt Mỹ Nghiệp
Cách thị xã Phan Rang 7km về phía Nam, từ QL 1A, ngay ngã 3 Mỹ Hiệp thuộc Phước Dân, huyện Ninh Phước, rẽ trái khoảng 3km qua khỏi cánh đồng lúa là đến làng. Làng có đến 90% gia đình làm nghề dệt, người ta dệt theo phương pháp cổ truyền với khung cưởi, con thoi và các sản phẩm là ví tay, giỏ xách, ba lô, khăn, chăn, quần áo… Đây cũng là một nghề truyền thống của người Chăm, họ tin rằng bà Ponagar đã dạy họ dệt vải, ngày xưa họ phải trồng bông, se sợi, nhuộm bằng lá hoặc vỏ cây rừng. Hoa văn chân chó, chân chim cút, hoa mắt gà, hoa sao… thường thấy ở khăn choàng, dây đeo lưng, trang phục nữ. Con chim thần, rồng đất là những hoa văn dành riêng cho các vị chức sắc.
Thị xã Phan Rang
Dân số khoảng 134.000 người, nằm bên bờ sông Cái. Khu vực Phan Rang có nhiều người Chăm sinh sống. Phan Rang có đặc sản nho nổi tiếng. Tại trung tâm thị xã có một ngã 3 rẽ trái 110km là đến Đà Lạt. Đồng bằng Phan Rang trù phú nhờ công trình đập thủy điện Đa Nhim.
Tháp Hòa Lai 
Thuộc xã Tân Hải, huyện Ninh Hải, là một trong những cụm tháp Chăm cổ nhất và đẹp nhất hiện còn. 
Nhưng người Chăm không nhận và cho đó là tháp của người Khmer. Hòa Lai là khu di tích to lớn dài 200m, rộng 125m. Toàn bộ thân tháp là một khối lập phương nhô lên từ một bệ vuông và đỡ một hệ thống các tầng nhỏ dần. Trang trí hoa văn bên ngoài mặt tháp chỉ giới hạn ở vòm cửa, ở trụ ốp, các diềm mái. Cửa vòm uốn cong mạnh về phía trên thành một lớp họa tiết trang trí độc đáo của Chămpa, vành vật Kala trên đỉnh. Các trụ ốp phía ngoài đều có một dãi trang trí lớn hình lá uốn, hình chạm khắc hoa lá. Phía chân tường phía bên các trụ ốp nhô ra những hình kiến trúc thu nhỏ có hình đắp chạm nổi ở trong các ô khám. Phần trên của tường là và bộ diềm mái là một hoa văn tràng hoa chạy dài và các hình thần điểu Garuda đang xòe cánh. Tháp trung tâm chỉ còn một phần thân và một bộ phận tầng thứ nhất.
Bãi biển Ninh Chữ
Cách Phan Rang 7km. Bờ biển thoai thoải, nước trong xanh, bãi cát trắng dài 5km, hàng dương xanh mát. Bãi tắm này trước 1975 dành riêng cho gia đình tổng thống Nguyễn Văn Thiệu, quan khách chế độ cũ và khách quý từ Sài Gòn, vì Ninh Chữ là quê hương của ông.
Dân tộc Chăm
Về mặt chủng tộc, người Chăm (cùng với một số người dân tộc Tây Nguyên) thuộc nhóm ngữ hệ Nam Đảo, là một bộ phận của nhóm Indonésien, xưa kia cư trú rải rác từ Nam đèo Ngang đến Bình Thuận. Theo các sử liệu Trung Quốc, sau cuộc khởi nghĩa có quy mô lớn nhưng bị đàn áp đẫm máu của Hai Bà Trưng, vào năm 192, lợi dụng lúc nhà Hậu Hán suy yếu, một viên chức quận Tượng Lâm (phía Nam Thừa Thiên ngày nay) là Khu Liên đã lãnh đạo người Chăm nổi lên khởi nghĩa thắng lợi, lập nên vương quốc Lâm Ấp (Xứ rừng). Quốc hiệu Chămpa xuất hiện từ bao giờ không rõ, chỉ biết rằng bia ký sớm nhất có nhắc đến tên này được khắc vào cuối thế kỷ VI. Lâu nay thường cho rằng quốc hiệu này xuất hiện vào thế kỷ IX, sau một cuộc dời đô. Chămpa là tên một loài hoa, miền Bắc gọi là hoa Đại, miền Nam gọi là hoa Sứ. Dạng rút gọn của nó là Chăm, biến âm lá Chàm. Âm Hán Việt là Chiêm Thành, rút gọn là Chiêm. Trong người Việt còn có tên gọi là Hời. Giữa hai thời kỳ Lâm Ấp và Chămpa còn có tên gọi là Hoàn Vương.
Vương quốc Chămpa tồn tại từ thế kỷ II đến đều thế kỷ XVII, lãnh thổ kéo dài từ Quảng Bình đến Ninh Thuận. Số còn lại cư trú ở An Giang, Phú Yên, TP.HCM, Bình Định, Tây Ninh, Đồng Nai. Theo kết quả điều tra dân số thì tính đến ngày 1/4/1989, dân tộc Chăm có 98.971 người, đứng thứ 14 trong số 54 dân tộc Việt. Người Chăm ở Ninh Thuận, Bình Thuận theo hai tôn giáo: Bà La Môn (Bà Chăm) và Hồi giáo (Bà Ni). Tại 4 làng Xuân Quang, Xuân Hộ, Tuân Giáo, Tuân Mục ở huyện Bắc Bình có nhóm người “Kinh Cựu” ảnh hưởng phong tục Việt. Người Chăm ở An Giang theo Hồi giáo mới khoảng 15.000 người. Ơ Châu Đốc còn có một nhóm được gọi là “Chà Và Kur” ở huyện Phú Châu. Họ là người mang hai dòng máu lai giữa người Mã Lai và người Khmer. Do sống gần người Chăm và có cùng tôn giáo nên họ hòa nhập cộng đồng tốt. Vào thế kỷ XV, sau những lần giao tranh với Đại Việt thất bại, một bộ phận chạy sang Campuchia. Đến thế kỷ XVII họ lai xuôi theo dòng Mekong trở về. Vào những năm 1940 do chiến tranh, một số di chuyển lên sống và định cư ở TP.HCM, khu Nancy, khu Nguyễn Văn Trỗi khoảng 5000 người.
Người Chăm thuộc ngôn ngữ hệ Mã Lai Đa Đảo. Họ có hai bộ lạc Cau và Dừa. Giữa hai bộ lạc này thường xảy ra tranh chấp cho đến thế kỷ II sau CN, một thủ lĩnh tên Khu Liên lãnh đạo khởi nghĩa chống lại ách đô hộ của nhà Hán và lên làm vua bộ lạc Dừa mà sử gọi là Lâm Ấp. Sau đó cháu là Phạm Phật đã thống nhất được hai bộ lạc lại thành nước Chămpa. Kinh đô lúc đó là Trà Kiệu cách Đà Nẵng 70 km về phía Tây Nam sử gọi là Sinhapura – thành phố Sư tử – nằm bên bờ sông Thu Bồn, nay thuộc xã Duy Sơn, huyện Duy Xuyên, Quảng Nam. Vào giữa thế kỷ VIII, phía Bắc Chămpa có nhiều biến động nên kinh đô chuyển vào Khánh Hòa ngày nay, trung tâm là vùng tháp Chăm Ponagar, xây dựng vương triều Panduranga kéo dài một thế kỷ. Từ giữa thế kỷ IX kinh đô lại chuyển ra phía Bắc tại làng Đồng Dương nằm bên bờ sông Ly Ly, là một nhánh của sông Thu Bồn cách cố đô Trà Kiệu 25 km về phía Nam, có tên là Indrapura – thành phố Ánh Sáng. Vương triều còn gọi là Vương triều Phật giáo trong giai đoạn này phát triển thành Quốc giáo, lấn áp Ấn giáo. Đồng Dương là nơi tập hợp cung điện và đền chùa chứ không tách ra như những vương triều trước. Thời kỳ này sử Trung Quốc gọi là Chiêm Thành, phiên âm từ chữ Phạn Champapuru. Vào thế kỷ X, kinh đô Đồng Dương bị tấn công nhiều lần nên vào những năm 1000 thì dời về Đồ Bàn với trung tâm được đánh dấu bằng tháp Cánh Tiên. Thành Đồ Bàn được xây dựng trên một gò đá ong thuộc huyện An Nhơn, Bình Định, nằm giữa cánh đồng mà 3 mặt Bắc, Tây, Nam đều có núi án ngữ, phía Đông thông ra cửa biển Thị Nại. Vương triều này kéo dài 5 thế kỷ, với nhiều biến động và lãnh thổ bắt đầu bị thu hẹp dần. Trong thời kỳ này có một sự kiện nổi bật là vua Trần Nhân Tông gả con gái là công chúa Huyền Trân cho Chế Mân (năm 1306). Vua Chế Mân đem hai châu Ô, Lý (3/5 lãnh thổ) dân cho Đại Việt làm quà sính lễ. Hai châu này được đổi thành Thuận Châu và Hóa Châu. Người dân gọi chung là Thuận Hóa. Sau khi thành Đồ Bàn thất thủ, vương quốc Chămpa bước vào giai đoạn cuối cùng của mình. Biên giới phía Bắc lùi vào tận đèo Cù Mông, kinh đô dời vào Khánh Hòa, đến thế kỷ XVII chuyển về vùng Phan Rang. Khi nhà Nguyễn chiếm được Phan Thiết thì Chămpa mất hẳn độc lập. Từ thế kỳ XIX, nhất là vào thời Minh Mạng, người Chăm trở thành một thành phần dân tộc trong cộng đồng các dân tộc Việt Nam.
Làng của người Chăm gọi là Plây, xung quanh không có cây cối hoặc chỉ có vài cây me vì họ cho rằng ma quỷ trú ngụ trên những cây to. Nhà được xây về hướng Nam – hướng của người sống. Một gia đình sống trong một khuôn viên có hàng rào cây khô. Người Chăm theo chế độ mẫu hệ. Một gia đình thoạt đầu xây dựng một căn nhà lớn cho cả nhà gọi là Thang Yơ. Đến khi con gái lớn lấy chồng mọi người nhường căn nhà đó cho cô và cất một căn nhà khác cạnh bên gọi là Thang Mưyân. Đến khi cô con gái thứ hai lấy chồng, cô thứ nhất phải ra ở cạnh bên để nhường lại nhà cho cô em. Cô gái Út được hưởng căn nhà đó. Cô gái út phải có nhiệm vụ giữ Chiek Atâu để cúng giỗ cho gia đình. Chiek Atâu là một cái giỏ tre trong đó đựng một vật quý của gia đình.
Ăn uống
Người Chăm ở Bình Thuận, Ninh Thuận ăn bằng đũa. Người Chăm theo đạo Bà la môn không ăn thịt bò vì bò là vật linh thiêng (Bò Namđin). Người Chăm Hồi giáo không ăn thịt heo vì heo là con vật dơ bẩn. Họ có món canh vabai nấu bằng lá rừng trộn thịt, bột gạo rồi khuấy đều. Món cháo chua, bánh tét nhân chuối, bột nếp nặn hình củ gừng chiên. Thức uống là rượu đế. Người Chăm ở Châu Đốc có món cá ri nước dừa.
Văn hóa Chăm
Từ Ấn Độ, người Chăm đã tiếp thu nhiều tôn giáo như Phật giáo, Bà La Môn giáo và Hồi giáo. Nhưng ở chính quốc thì thế kỷ thứ V, Phật giáo bị Bà La Môn giáo tấn công và dần dần đi đến tàn lụi. Còn Hồi giáo tuy đã có từ thề kỷ X nhưng mãi đến thế kỷ XV mới có nhiều người Chăm theo. Chính vì vậy mà nói đến ảnh hưởng của Ấn Độ trong việc hình thành văn hóa Chăm thì Bà La Môn đóng vai trò quan trọng nhất. Bà La Môn giáo (Brahmanism) là tôn giáo hình thành trên cơ sở kinh Vecđa do người Aryen từ Tây Bắc đưa vào. Đạo Bà La Môn tôn thờ Brahma (nghĩa là “Đại Hồn”), một ý niệm trừu tượng của kinh Vecđa, Brahma là chúa tể các vị thần, nguồn gốc của vũ trụ, có quyền năng vô biên. Ngài hiện ở 3 ngôi như thể thống nhất của 3 vị thần tượng trưng cho 3 giai đoạn của sự sống: Brahma (thần sáng tạo), Visnu (thần bảo tồn) và Siva (thần phá hủy). Sau khi đạo Phật lụi tàn trên đất Ấn Độ, Bà La Môn được cải biên thành Ấn Độ Giáo (Hinduism). Nguồn ảnh hưởng Ấn Độ, tuy đóng vai trò quan trọng trong sự hình thành văn hóa Chăm nhưng nó không phải là tất cả. Kế thừa di sản của văn hóa Sa Huỳnh. Văn hóa Chăm tất yếu còn là sản phẩm tổng hòa của các nguồn ảnh hưởng khu vực và nguồn bản địa. Người Chăm sống trên bãi đất hẹp miền Trung. Giữa một bên là dãy Trường Sơn cao vút và bên kia là biển Đông sâu thẳm. Sự đối chọi đó của thiên nhiên đã tạo ra những sản vật đặc biệt như trầm hương, vàng… nhưng đồng thời sự thiếu hài hòa đó của tự nhiên cũng tạo ra một nền khí hậu khắc nghiệt, bao nhiêu nước mưa rơi xuống núi dều chảy tuột ra biển cả khiến cho đất đai miền Trung nên hết sức khô cằn. Sống trong khung cảnh đó, con người phải một mặt vật lộn với thiên nhiên và mặt khác, giành giật với các láng giềng xung quanh. Suốt dãy đất miền Trung còn để lại nhiều dấu tích của những công trình trị thủy mang lại màu xanh cho cây cối như các hệ thống dẫn nước hình kỷ hà, các đập nước, hồ chứa nước… Người Chăm đã thuần dưỡng được giống lúa không cần nhiều nước được gọi là “lúa Chiêm”; người Chăm vươn ra chiếm lĩnh biển khơi với nghề đánh cá. Trong quá trình tồn tại của vương quốc mình, người Chăm cũng từng nhiều lần cướp bóc các buôn, sóc Khmer ở phía Nam, đánh lên vùng Tây Nguyên của người Thượng và vùng vẫy tiến ra Bắc, lấn chiếm vùng đất phía Đèo Ngang của Giao Châu (sau này là Đại Việt). Chính cuộc sống như vậy đã rèn luyện cho người Chăm trong lịch sử một tính cách cứng rắn, cương nghị, thượng võ và có phần hiếu chiến.
Nói đến văn hóa Chăm không thể không nói đến các tháp Chăm. Từ những thế kỷ V-VI, sử sách Trung Hoa đã phải công nhận người Chăm là bậc thầy trong nghệ thuật kiến trúc và điêu khắc gạch. Việc các tháp Chăm được làm từ những viên gạch đỏ chồng khít lên nhau không thấy mạch hồ khiến hình thành nên huyền thoại cho rằng người Chăm xây tháp bằng gạch mộc, đẽo gọt lên đó, rồi nung khối tháp trong một ngọn lửa khổng lồ. Các chuyên gia Ba Lan khẳng định rằng người Chăm đã dùng gạch nung sẵn gắn với nhau bằng vữa đất sét rồi sau đó toàn bộ tháp được nung lại. Một số nhà nghiên cứu thì nêu ra giả thiết cho rằng người Chăm đã dùng keo chiết từ thực vật (nhựa xương rồng + mật mía, hoặc nhựa cây dầu rái) để dán những viên gạch lại với nhau. Những nghiên cứu gần đây cho thấy người Chăm đã sử dụng kết hợp một số biện pháp kỹ thuật khác nhau để xây tháp: Dùng những viên gạch có độ lõm ở mặt tiếp xúc, nên khi xây, nhìn từ phía ngoài và trong đều không thấy vữa giữa các viên gạch, còn ở giữa thì có lớp vữa dày; mài các viên gạch trong nước cho thật khít vào nhau rồi xếp lại để cho bột gạch ở giữa tự kết dính dưới sức nặng trọng lực của phần trên tháp; dùng các viên gạch có hình dáng góc khuyết góc lồi theo kiểu âm dương để khi xếp vào tự thân chúng đã tạo nên sự liên kết với nhau. Sự tinh tế của các tháp Chăm còn thể hiện ở vô số những hình chạm khắc tỉ mỉ, trau chuốt do nghệ nhân đục đẽo trực tiếp lên tường tháp. Việc đục đẽo phải được thực hiện sao cho làm tới đâu chính xác tới đó; tường gạch đã xây sẵn không thể vì một sai sót mà đi xây lại. Hoàn toàn có lý. H.Parmentier nhận xét rằng người Chăm chạm gạch như chạm gỗ, đẽo đá như đẽo gỗ.
Trong âm nhạc người Chăm có những bài hát giao duyên với những giai điệu mềm mại thướt tha giống như “Lý con sáo” của người Nam bộ. Những bài dân ca u hoài sâu lắng của họ có thể bắt gặp trong hơi hướm của những điệu vọng cổ Nam bộ hoặc hò mái nhì, hò mái đẩy miền Trung. Nghệ thuật Chăm còn nổi tiếng thông qua những hoa văn, họa tiết trên nền vải thổ cẩm và nghề làm gốm thủ công. Về văn học dân gian, dân tộc Chăm còn được biết đến với những trường ca làm say mê lòng ngừơi. Múa Chăm cũng rất đặc biệt với các kiểu múa đội nước, múa quạt, múa trống, múa đạp lửa. Họ có nhiều nhạc cụ như đàn Kanhi, trống Đanai, kèn Saranai (loại kèn có loa to, dài, bằng gỗ). Trai, gái tỏ tình với nhau thường dùng kèn Saranai. Đối với nhiều người Chăm âm nhạc và múa là linh hồn cuộc sống.
Lễ cưới của người Chăm
Chủ động là con gái, thường họ tổ chức những buổi lễ hát ban đêm. Nếu người con gái chọn người con trai, cô sẽ mời anh ở lại hoặc là ngày hôm sau quay lại. Sau khi đồng ý, họ nhờ mai mối để tính tới chuyện thành hôn. Trong đoàn mai mối phải có ông cậu và ông mai mối đến nhà đàng trai để hỏi cưới xin (lễ trầu cau). Sau đó họ chọn ngày làm lễ hỏi. Ngày đó thường là ngày tốt đầu tháng. Sau đó nhà gái mang quà sính lễ đến. Lúc này họ mới định ra lễ cưới, thường là khoảng 3 tháng sau. Trước ngày lễ chính thức, nhà gái tổ chức lễ đón rể và nhà trai tổ chức lễ đưa trai. Đêm đó hai người ngồi bên nhau, giữa là ngọn đèn dầu. Hôm sau họ mới được ra khỏi phòng để dự tiệc và tiếp đãi bạn bè. Đối với người Chăm việc ly dị cũng không khó khăn lắm và nhà gái có quyền đòi lại những gì họ đi cưới.
Lễ tang
Người Chăm Bà Chăm khi chết sẽ đem thiêu. Người ta để người chết dưới đất trong một cái chòi cách biệt và quàng người chết ở đó. Người thân cùng cúng kiếng với những ông thầy cả. Người ta đem những quần áo chuẩn bị sẵn để mặc cho người chết, số lượng quần áo càng nhiều chứng tỏ địa vị của người đó càng cao. Sau đó làm lễ cho người chết ăn cơm rồi chọn ngày thiêu. Khi thiêu, xác của người không được bỏ vào hòm. Lễ thiêu thường bắt đầu lúc sáng sớm. Người thân chứng kiến lễ thiêu và cũng là người châm lửa. Sau khi đã thiêu xong, tu sĩ sẽ đập cái sọ người chết và lấy 7 miếng xương trán, rửa bằng nước dừa rồi cho vào một cái hộp gọi là Klong. Kut là nghĩa địa chôn xương trán người chết, là một khuôn viên rộng khoảng 4 m2. Con cái thuộc họ mẹ sẽ được chôn chung một Kut. Lễ đưa xương vào Kut cách nhau một khoảng thời gian nhất định. Những người chết được người thân cất xương trán ở đâu đó chờ ngày nhập Kut. Trong làng có bao nhiêu dòng họ thì có bấy nhiêu Kut. Có những làng không có Kut vì những làng đó là làng nô lệ không được tu sĩ làm phép nhập Kut. Đối với những người chết ngoài đường, chết không toàn thây hoặc trẻ em dưới một tuổi cũng không được nhập Kut. Những người trong dòng họ tổ chức một tang lễ chung cho tất cả những người chết trong dòng họ vào một ngày trong năm.
Người Chăm Bà Ni khi chết được chôn trong nghĩa địa gọi là Ghur khá xa làng và trên một đồi cát. Vì họ cho rằng xác người chết phân hủy càng nhanh càng tốt, do đó người chết không có quan tài, chỉ đặt xác trên một tấm ván rồi bỏ xuống huyệt. Xác người chết chỉ có thể để được một ngày rồi chôn ngay. Xác của những người chết được đặt san sát nhau trong Ghur, sau khi lấp cát lên, người ta đặt một viên đá ở đầu và ở chân người chết. Có thể chôn xác con chồng lên xác mẹ, nhưng tại vị trí đó phải đặt thêm một hòn đá mới cho người vừa chôn.
Tháp Poklong Giarai
Từ thị xã Phan Rang Tháp Chàm đi tới khoảng 7 km nhìn phía phải trên đồi cao thấy một tháp chàm, đó là Poklong Giarai, thuộc phường Lưu Vinh, Phan Rang. Theo truyền thuyết thì tháp này đặt dưới sự chỉ huy của chính bản thân vua Poklong Giarai, trong trận thi tài xây tháp với đại thần PoDam, kẻ không phục vua lúc đó. Về sau người dân tạc tượng Ngài và thờ trong ngôi tháp này, từ đó tháp mang tên là Tháp Poklong Giarai.
Poklong Giarai (1151 – 1205) là vị vua có công trong phát triển nông nghiệp và thủy lợi (Đập Nha Trinh, Mương Chàm hiện nay ở Ninh Phước). Đây là ông vua gần gũi với nhân dân và được thần thánh hóa. Ong vốn là đứa trẻ mồ côi thuở nhỏ chăn bò mình đầy ghẻ lác, bẩn thỉu với tên gọi là Pô Ông, nhưng thần Rồng đã phù hộ ông và đưa ông trở thành một vị vua đầy tài năng và công đức của vương quốc Chămpa trong lịch sử.
Tháp được xây dựng vào thế kỷ 13, gồm một tháp chính và nhiều tháp phụ chung quanh. Hiện nay tháp này là tháp chính thờ phượng của người Chăm, linh hồn thần thánh của người Chăm được tôn sùng ở đây. Hằng năm ở đây tổ chức lễ hội Katê (như ngày Tết của người Chăm). Tháp Poklong Giarai đã được Nhà nước kết hợp với chuyên gia Ba Lan trùng tu năm 1985, hiện nay là điểm du lịch lý thú của du khách khắp nơi.
Lễ hội Katê
Hàng năm cứ đến ngày 1/7 theo lịch Chăm (khoảng tháng 10 dương lịch), đồng bào người Chăm và các vùng lân cận như: Phú Nhuận, Thành Tín, Phước Hồng, Hiếu Lễ, Hòa Trung, Như Ngọc… với những bộ trang phục đẹp, chỉnh tề mang lễ vật, mâm quả lên Tháp tạ ơn ngài.
Ngoài ra cứ 7 năm một lần, người Chăm còn tổ chức hai hình thức tạ ơn gọi là Payak và Puik. Ở Phan Rang, đồng bào người Chăm, Kinh và ở đập Nha Trinh tổ chức lễ chém trâu tại đập. Ở huyện Tuy Phong, Bình Thuận thì người Chăm tổ chức lễ cúng ở cửa biển Liên Hương.
Cây nho
Là cây trồng theo kiểu dây leo trên giàn. Đầu tiên người ta làm giàn bằng gỗ cao khoảng 1,6 – 1,8 m (nếu lấy gỗ làm 1ha giàn nho thì phải phá 4 ha rừng), chính điều đó gây nạn phá rừng trà lan. Nhà nước đã có kế hoạch ngăn chặn vấn đề này. Và những nhánh nho được trồng cho bám leo lên giàn, hơn một năm (18 tháng) nho sẽ cho trái. Tuổi thọ nho khoảng từ 7 – 10 năm. Một năm có 3 mùa thu hoạch, trung bình 2,5 tấn/mùa/ha. Trung bình 1ha nho lợi nhuận thu được gấp 10 lần trồng lúa hiện nay. Chúng ta đang liên doanh với Anh để sản xuất rượu nho “Thiên Thai”. Diện tích trồng nho ở Phan Rang là 1350ha. Đang nghiên cứu lai tạo những giống nho không hột.
Cây thuốc lá
Năm 1996, nước ta có khoảng 40.000 ha trồng thuốc lá các loại, trong đó có 4.384 ha trồng thuốc lá vàng Virginia là loại nguyên liệu cho các nhà máy nội địa, có nhu cầu lớn và thị trường xuất khẩu rộng. So với các cây trồng khác, thuốc lá có ưu thế là thị trường tiêu thụ cũng như giá cả mặt hàng này rất ổn định, thời gian trồng và thu hoạch chỉ trong vòng 4 tháng mùa khô, lại là thời điểm không thích hợp với nhiều loại cây trồng khác. Cây thuốc lá mỗi năm chỉ trồng được một vụ. Nhiệt độ thích hợp cho cây thuốc lá vàng phát triển là 25 – 28oC, độ ẩm của không khí 65 – 70%, độ pH 5,5 – 6… Ở phía Nam, các tỉnh có vùng đất thích hợp với cây thuốc lá là Ninh Thuận, Bình Thuận, Tây Ninh, Bình Định, Phú Yên, Gia Lai, Lâm Đồng… Ở phía Bắc là các tỉnh Lạng Sơn, Bắc Giang, Thanh Hóa…
Để sản xuất được 2,4 tỷ bao thuốc lá năm 95, 17 đơn vị thuộc Hiệp hội thuốc lá VN tiêu thụ không ít hơn 35.000 tấn thuốc lá nguyên liệu. Trong khi đó, nguồn nguyên liệu thuốc lá trồng trong nước chỉ cung cấp khoảng 25.000 tấn/năm. Hàng năm nước ta phải bỏ ra hàng chục triệu USD để nhập khẩu 8000 tấn thuốc lá vàng sấy để duy trì sự hoạt động của các nhà máy. Công ty nguyên liệu thuốc lá phía Nam có kế hoạch đưa diện tích trồng cây thuốc lá vàng ở phía Nam từ 2760 ha năm 1995 lên 10.550 ha vào năm 2000, với sản lượng tương đương 20.260 tấn thuốc lá sấy.