NINH BÌNH

Là tỉnh nằm phía Nam của vùng đồng bằng Bắc Bộ, nơi tiếp giáp và ngăn cách miền Trung và miền Bắc bởi dãy núi Tam Điệp hùng dũng. Phía Bắc-Đông Bắc giáp tỉnh Hòa Bình và Hà Nam, phía Nam giáp tỉnh Thanh Hóa và biển Đông, phía Đông giáp Nam Định, phía Tây giáp Thanh Hóa. Với diện tích 1.399km2, dân số khoảng 884.080 người (1/4/1999), thời tiết trong năm chia làm hai mùa rõ rệt, nhiệt độ trung bình năm khoảng 23,4oC. Là một tỉnh có địa hình phân bổ phức tạp, đồi núi đồng bằng xen kẽ.
Về kinh tế: Ninh Bình có điều kiện phát triển một ngành công nghiệp đa dạng, có thế mạnh về trồng các loại cây công nghiệp, cây ăn quả, trồng rừng, chăn nuôi gia súc.
Ninh Bình được tách ra từ tỉnh Hà Nam Ninh từ năm 1992 với thủ phủ là thị xã Ninh Bình và 6 huyện. Dân cư chủ yếu là người Việt chiếm khoảng 96,7% và theo đạo Thiên chúa, còn lại là người Mường, Thái, Hoa, H’Mông…
Cộng đồng các dân tộc sinh sống trong tỉnh gồm có nhiều dân tộc ít người nhưng các dân tộc ở đây chịu ảnh hưởng sâu sắc của phong tục tập quán và truyền thống văn hóa của người Việt. Trong các dân tộc ít người cư trú ở đây, dân tộc Mường định cư khá lâu đời ở các huyện miền núi, vì vậy các phong tục tập quán, sinh hoạt truyền thống văn hóa mang những nét giống nhau như cộng đồng dân tộc Mường của Việt Nam.
Đèo Tam Điệp
Tam Điệp, còn gọi là đèo Ba Dội, là một dãy núi với 3 ngọn chính kế tiếp nhau thuộc các huyện Tam Điệp (Ninh Bình) và Trung Sơn (Thanh Hóa). Dãy núi này bắt nguồn từ vùng núi Hòa Bình chạy mãi đến giáp cửa Thần Phù.
Thuở xưa, con đường thiên lý từ Bắc vào Nam có vị trí hơi khác đường số I bây giờ và phải vượt qua đèo Ba Dội (nay thuộc xã Hà Lam, huyện Trung Sơn, Thanh Hóa). Đây chính là ngọn cao nhất của dãy Tam Điệp, cùng với ngọn núi tiền tiêu phía trước và ngọn phía sau hợp thành thế liên hoàn như 3 cứ điểm hiểm yếu, kiểm soát hoàn toàn đường bộ từ Bắc vào Nam.
Có thể so sánh vị trí xung yếu của đèo Tam Điệp ở phía Nam với vị trí xung yếu của Ải Chi Lăng ở phía Bắc. Phan Huy Chú đã mô tả địa thế Tam Điệp: “Núi non cao chất ngất, cỏ cây xanh tốt, đứng trên đỉnh núi trông thấy biển cả. Núi ở xung quanh, đường ải ở giữa trông về hai bên tả hữu núi như chậu úp một loạt chỗ, gần hết núi thì hai bên như bức vách thẳng đứng lên”.
Trong thơ văn viết về Tam Điệp, người ta thường nhắc đến bài thơ Nôm của Hồ Xuân Hương có phong cách đùa cợt, mà có người cho là sàm sỡ:
Một đèo, một đèo, lại một đèo
Khen ai khéo vẽ cảnh cheo leo
Ưa son đỏ loét tùm hum nóc
Hòn đá xanh rì lún phún rêu.
Mùa đông năm 1788, tên bán nước Lê Chiêu Thống rước 20 vạn quân Thanh do Tôn Sĩ Nghị chỉ huy kéo vào giày xéo nước ta. Thế giặc hung hăng, Ngô Thì Nhậm, người quân sư mưu lược, khuyên Đại Tư Mã Ngô Văn Sở cho quân Tây Sơn lui về giữ Tam Điệp, thủy quân thì dong buồn vào đảo Biện Sơn. Tôn Sĩ Nghị chiếm được Thăng Long. Nhưng, như lời Ngô Thì Nhậm: “Chẳng qua là ta cho chúng ngủ trọ một đêm”. Số phận kẻ xâm lược đã được định đoạt. Kế hoạch rút lui chiến lược để bảo toàn lực lượng của Ngô Thì Nhậm đã được Nguyễn Huệ đánh giá rất cao: “Chịu nhịn để tránh sức ban đầu của chúng… rút về giữ chỗ hiểm yếu, trong thì khiến cho lòng quân kích thích, ngoài thì khiến cho lòng giặc kiêu căng, đó là một kế rất hay” (Hoàng Lê nhất thống chí).
Trước ngày 15/1/1789, Nguyễn Huệ cùng đạo quân thần tốc của ông có mặt ở Tam Điệp, hợp với quân của Ngô Văn Sở. Quang Trung truyền hịch đi khắp nơi kể tội ác bọn xâm lược, kêu gọi nhân dân giết giặc cứu nước. Ngày 15/1/1789, sau khi mở tiệc khao quân, các chiến sĩ Tây Sơn xuất phát từ Tam Điệp chia làm 5 đạo tiến thẳng ra Thăng Long. Chỉ sau 5 ngày đội quân ấy đã đánh tan tác 20 vạn quân Thanh, đè bẹp ý đồ xâm lược của bọn phong kiến phương Bắc.
Tam Cốc
Tam Cốc là gì? Tam Cốc nghĩa là ba hang: Hang Cả, Hang Hai và Hang Ba thuộc xã Ninh Hải, huyện Hoa Lư. Tam Cốc chỉ có một con đường thủy duy nhất với bến Văn Lâm là bến chính đưa khách vào tham quan. Tại bến Văn Lâm, du khách sẽ nhìn thấy rất nhiều thuyền nhỏ tựa như những chiếc lá tre khổng lồ – đó chính là những chiếc thuyền sẽ đưa du khách tham quan Tam Cốc. Một chiếc thuyền như vậy có thể chở được từ 4-5 người. Đường vào Tam Cốc tựa đường vào chốn thần tiên, cảnh trời mây sông nước, núi non rất nồng nàn thi vị, trong giang sơn cẩm tú. Du khách sẽ thấy có cảm giác như tất cả những vẻ đẹp, sự giao thoa của trời đất đã hội tụ về đây. Hai bên dòng sông là cánh đồng lúa xanh biếc, tiếp đó là hai dãy núi cao thấp dựng đứng, những làn sương mỏng bao phủ cả núi non, phong cảnh ảo ảo thực thực như đưa chúng ta vào cõi tiên. Ngồi trên thuyền nhìn các dãy núi đá hai bên và cửa hang chúng ta thấy các vết lõm sâu và rỗng hình hộp ngang đều như nhau có vết kẽ, du khách sẽ nhận ra rằng nơi đây ngày xưa chính là biển cả mênh mông, sóng biển vỗ không ngừng hàng triệu năm, bào mòn khoét sâu núi đá tạo nên những kỳ công tuyệt tác như vậy.
Cả hai hang dài 127m, đây là hang có nhiều nhũ đá tuyệt đẹp buông xuống. Đi thuyền sâu khoảng 1km sẽ đến được hang Hai, hang Hai dài 60m, trần hang có nhiều nhũ đá uốn lượn như mây trời, cứ mỗi nhịp chèo thì du khách lại phát hiện ra những điều mới lạ và kỳ bí bởi lẽ nó đẹp không bao giờ tả hết được.
Nếu đi 100m nữa thì sẽ tới Hang Ba, hang dài 50m. So với hang Cả, hang Hai thì đây là hang mát nhất vì hang có trần thấp hơn, ánh sáng trong thuyền trở nên huyền dịu, mờ ảo khiến cho du khách sửng sốt như đang ở ranh giới giữa đất và trời. Không những thế trên đường vào Tam Cốc ta có thể dừng lại đây đó để ngâm mình trong dòng nước trong xanh và mát lạnh của dòng sông Ngô Đồng. Để được nghe bản hòa tấu của thiên nhiên, chim ca, vượn hót, dê kêu… và cả “núi thở”.
Động Thiên Hương
Khách thăm Tam Cốc xong ngồi thuyền lướt ra bến Thánh còn gọi là Bến Sính do Trần Thái Tông làm để vào am Thái Vi bằng đường thuỷ, lên bờ đi bộ khoảng 50m men theo đường chân núi bên tay trái là đền Thiên Hương Động (Động trời toả ngát hương) ở núi Đồng Vỡ. Chân núi Đồng Vỡ trước đây bị sóng biển xô đẩy liếm mòn, khoét sâu hóm vào thẳng đều. Đây là những kỳ công hàng triệu năm đẽo gọt tuyệt vời của nước biển.
Động Thiên Hương ở lưng chừng núi có độ cao so với mặt đất khoảng 15m đi hai lối tả hữu bước lên cao 30 bậc. Diện tích nền động bằng phẳng khoảng 800m2 với bề ngang 20m bề dọc 40m, chiều cao của động hơn 60m. Điều độc đáo của động là phía sau động có lối lên thẳng đứng đến tận đỉnh núi. Đỉnh núi rỗng, lộ thiên tròn có đường kính khoảng 6m. Nằm gọn trong động là ngôi miếu thờ bà Trần Thị Dung là con ông Trần Lý ở thôn Lưu Gia nay là xã Lưu Xá, huyện Hưng Nhân, tỉnh Thái Bình. Là con Vua Lý Thái Tông, thái tử Sảm mới 25 tuổi, chạy loạn về đây đã lấy Trần Thị Dung. Trần Lý đã mộ quân các xã xung quanh phò vua Lý Cao Tông về chiếm lại Thăng Long. Cuối năm 1.209, quân họ Trần rước vua Lý Cao Tông về kinh. Năm 1.210, vua Lý Cao Tông qua đời. Năm 1.211, thái tử Sảm 17 tuổi lên ngôi là vua Lý Huệ Tông lập bà Trần Thị Dung làm nguyên phi. Năm 1.216 bà Trần Thị Dung sinh con gái đầu lòng là công chúa Thuận Thiên. Hai năm sau (1.218) bà sinh con gái thứ hai là công chúa Chiêu Thánh. Bà Trần Thị Dung được tôn làm hoàng hậu. Năm 1.226, vua Lý Huệ Tông mất ở chùa Chân Giáo do Trần Thủ Độ ép tử. Thời gian sau, bà lấy thái sư Trần Thủ Độ. Bà có công lao lớn trong việc giải hoà Trần Liễu và Trần Cảnh (Trần Liễu và Trần Cảnh là con của Trần Thừa, Trần Thừa lại là anh ruột của Trần Thị Dung. Trần Liễu lấy công Chúa Thuận Thiên. Trần Cảnh lấy công chúa Chiêu Thánh ).
Hơn 10 năm chung sống bên Trần Cảnh (vua Trần Thái Tông) hoàng hậu Chiêu Thánh vẫn không sinh nở gì, nên Trần Thủ Độ ép vua Trần Thái Tông bỏ hoàng hậu Chiêu Thánh lấy Thuận Thiên làm hoàng hậu vì Thuận Thiên đang có mang. Đó là năm 1.237. Vì Vậy, Trần Liễu (là bố Trần Hưng Đạo) chống lại vua Trần Thái Tông và làm loạn. Nhờ có bà Trần Thị Dung, Trần Liễu và Trần Cảnh đã hoà thuận. Bà giữ cho cơ nghiệp của nhà Trần được yên ổn. Mùa xuân năm 1259, bà Trần Thị Dung qua đời. Vua Trần đã phong bà là: “Linh Từ quốc mẫu”. Nhà sử học Ngô Sỹ Liên trong “Đại Việt sử ký toàn thư” có viết ca ngợi bà: “Giúp đỡ nội trị cho nhà Trần, Linh Từ có nhiều công to thế mới biết trời sinh ra Linh Từ là để mở Nhà Trần”.
Đền Thái Vi
Xuống động Thiên Hương du khách đi bộ khoảng 50m nữa thì đến đền Thái Vi (Thái Vi từ). Theo sách “Thái Vi quốc tế ngọc ký”, sau cuộc kháng chiến chống quân Nguyên Mông lần thứ nhất (1.258), vua Trần Thái Tông tròn 40 tuổi, nhường ngôi cho con là thái tử Hoàng, lên làm Thái Thương Hoàng về vùng núi Vũ Lâm tu hành dựng Hành cung Vũ Lâm, lập am Thái Vi ở giữa động Vũ Lâm (một thung lũng rộng chừng 20 mẫu ở phía Tây thôn Văn Lâm, xã Ninh Hải ngày nay). Khi ở đây Trần Thái Tông đã biến khu rừng rậm và vùng đất hoang hóa thành nơi dân cư đông đúc. Nhà vua chiêu dân lập ra làng Văn Lâm, khuyên nhân dân khẩn hoang được 155 mẫu ruộng. Đó là căn cứ chỉ đạo cuộc kháng chiến chống quân Nguyên-Mông lần thứ hai (1.285). Công lao của Trần Thái Tông rất lớn, vì vậy khi ông mất, nhân dân đã xây dựng đền thờ Trần Thái Tông, Hiển Từ Thái Hậu (tức hoàng hậu Thuận Thiên) và Trần Thánh Tông, tên là “Thái Vi Từ”. Gọi là Thái Vi vì nó là nơi Hoàng đế nhà Trần xuất gia. Thái Vi Từ được xây dựng theo kiểu “nội công ngoại quốc”. 
Điều đặc biệt ở đền Thái Vi là tất cả các cột đá đều làm bằng đá xanh nguyên khối được chạm khắc rất công phu, tỉ mỉ, đường nét uyển chuyển tao nhã như chạm gỗ và có phần còn sắc sảo tinh tuý hơn thế nữa. Những người thợ đá ở đây đã làm cho các cột đá như có hồn, mang tính nghệ thuật cao.
“Nam Thiên Đệ Nhị Động” – Bích Động
Bích Động là một trong những thắng cảnh nổi tiếng nhất của Ninh Bình được mệnh danh là “Nam Thiên đệ nhị động” (động đẹp thứ hai trời Nam), sau động Hương Tích ở Hà Tây. Bích Động là “Động Xanh”. Cụ Nguyễn Nghiễm (thân sinh của nhà thơ lớn Nguyễn Du) được triều đình giao cho việc phụ trách đắp đê Hồng Lĩnh ở phía nam huyện Yên Mô, có đến thăm chùa và đặt tên động vào năm 1.773, triều vua Lê Hiến Tông, niên hiệu Cảnh Hưng. Bích Động ở địa phận thôn Đăng Khê, xã Ninh Hải, Bích Động gắn liền với tên chùa Bích Động được xây dựng theo kiểu chữ Tam-Tam Cốc dọc theo sườn núi từ thấp lên cao: Hạ-Trung-Thượng.
Chùa Bích Động có thể có từ lâu. Theo Đại Nam Nhất Thống Chí, đến đời vua Lê Diệu Tông niên hiệu Vĩnh Thịnh (1705-1719) hai nhà sư là sư Chí Kiên và sư Chí Thế mới xây dựng lại ba ngôi chùa Hạ-Trung-Thượng như ngày nay đã được trùng tu nhiều lần liên tiếp. Phỏng đoán hai ngôi chùa đó được xây dựng từ năm 1705. Vì đến năm 1707 hai nhà sư Chí Kiên và Chí Thế làm bài minh vào tháng 8 cho khắc vào bia đá. Hiện nay bài minh này vẫn còn ở chùa Bích Động. Nhìn lên những dãy núi cao vút bao quanh chùa Bích Động du khách thấy có 5 ngọn núi đứng xung quanh gọi là Ngũ Nhạc Sơn trong giống như năm cánh hoa sen. Hai ngọn núi tả hữu dựng đứng nhô cao như hai cột đồng trụ. Tương truyền ở Bích Động trước đây có một lòai hoa cúc màu vàng nhỏ xíu gọi là Sơn Kim Cúc, loại cúc này chỉ có ở đây và núi Dục Thúy, lấy hoa đem pha với trà uống mắt sẽ sáng lên. Bích Động quả là một vẻ đẹp hoàn hảo và vĩnh hằng.
Nhà thờ đá Kim Sơn – Phát Diệm
Nhà thờ đá Phát Diệm là một quần thể kiến trúc kiểu Phương Đông gồm nhiều nhà thờ với diện tích khoảng 22ha trung tâm xây tường bao bọc ở thị trấn Phát Diệm huyện Kim Sơn. Đây là một kỳ quan kiến trúc độc đáo nổi tiếng xây dựng chủ yếu bằng đá khởi công từ 1875 đến năm 1899 thì hoàn thành. Huyện Kim Sơn là một miền đất trẻ nhưng đến đời vua Tự Đức, nhà thờ đã được tiến hành xây dựng ở đây. Hàng nghìn tấn đá có nhiều phiến đá lớn nặng trên dưới 20 tấn, hàng trăm cây gỗ lim to nặng trên dưới 10 tấn và những nguyên vật liệu khác được chuyển về Phát Diệm.
Phương Đình dài 24m, rộng 17m, cao 25m có 3 tầng xây toàn bằng đá phiến. Tầng dưới lớn nhất xây đá xanh vuôn vắn chia thành 3 lồng. Các vòm cửa ở đây lắp ghép đá rất tinh xảo khiến những phiến đá hình hộp chữ nhật nặng hàng tấn vẫn dính với nhau bền chặt tạo thành các đường cong uyển chuyển mềm mại tài tình.
Nhà thờ chính được xây dựng năm 1891 gồm 5 lối đi vào bằng đá chạm trổ đẹp như ngoài Phương Đình. Ở trên là ba tháp mái cong. Nhà thờ chính dài 74m, rộng 21m, cao 15m có 4 mái. Trong nhà thờ có 6 hàng cột bằng gỗ lim trong đó có hai hàng cột giữa cao 11m chu vi mỗi cột là 2,35m nặng khoảng 10 tấn. Tất cả các cột ở đây được làm bằng nguyên một thân cây lim, không có cột nào ghép. Gian thượng của Thánh đường có bàn thờ đá lớn là một phiến đá nặng khoảng 20 tấn, dài 3m, rộng 0,9m, cao 0,8m được đẽo gọt vuông thành sắc cạnh ba mặt tiền và hai bên đều được chạm trổ hoa lá bốn mùa trông như được trải bằng một khăn hoa màu thạch sáng. Toàn bộ bức vách phía sau bàn thờ là gỗ cũng được chạm trổ tinh vi sơn son thếp vàng rực rỡ như các bức câu đối hoặc bàn thờ ở các ngôi chùa cổ. Toàn cảnh nhà thờ đá Phát Diệm là sáu nhà thờ, một công trình kiến trúc đồ sộ chất liệu xây dựng bằng gạch, gỗ chủ yếu bằng đá. Tất cả hiện lên nguy nga tráng lệ hài hòa với cây xanh cảnh vật, phản ánh một nền nghệ thuật kiến trúc điêu khắc, đặc biệt là điêu khắc đá, tài năng thông minh và sức sáng tạo của dân tộc Việt Nam mang phong cách dân tộc, phong cách Á Đông.
Rừng quốc gia Cúc Phương
Rừng Cúc Phương nằm giáp giới 3 tỉnh Ninh Bình, Hòa Bình, Thanh Hóa cách Hà Nội khoảng 100km đường xe hơi. Đây là một khu rừng nguyên sinh hiếm có, tìm thấy ở miền Bắc năm 1961.
Vào tháng 7/1962, chính phủ giao cho Tổng cục Lâm nghiệp quản lý rừng Cúc Phương, xây dựng thành một cơ sở nghiên cứu khoa học và tham quan du lịch. Đầu năm 1966, rừng Cúc Phương được quy định ranh giới với diện tích 25.000ha và được chính thức mang tên “Vườn Quốc Gia”.
Vườn Quốc gia Cúc Phương rất quý, vì nó có giá trị về nhiều mặt. Đứng về mặt khoa học, khu rừng nguyên sinh rộng lớn này chứa đựng trong lòng nó một kho tàng phong phú về thực vật và động vật, là cơ sở nghiên cứu quý báu cho các nhà khoa học tự nhiên (thực vật học, sinh vật học, côn trùng học) nước ta, và cho các nước XHCN anh em, vì trong số các nước XHCN hiện nay chỉ có Việt Nam là có rừng nhiệt đới.
Rừng Cúc Phương còn có khả năng phục vụ cho các nhà nghiên cứu khoa học xã hội thuộc các bộ môn: khảo cổ học, dân tộc học, cổ nhân học,… thông qua các di chỉ đã khai quật và sẽ tìm thấy. Hiện nay Viện khảo cổ đã tìm thấy ở hang Đằng Đẳng, được đặt cho cái tên “Động người xưa”, những di vật bằng đá gồm những chiếc chày, rìu, bàn nghiền… Qua sự phân tích các di vật tìm thấy trên đây và ba di cốt tìm thấy trong ba ngôi mộ cùng với chày đá, vỏ trai, sò. Viện khảo cổ xếp di chỉ này thuộc vào nền văn hóa Hòa Bình, cách đây trên dưới một vạn năm. Động người xưa được khai quật trước. Trong rừng Cúc Phương còn nhiều hang động rải rác ở các lèn đá vôi to gấp nhiều lần, chắc chắn công tác khai quật sẽ còn phát hiện nhiều điều thú vị mới. Nhưng nói đến rừng chủ yếu là nói về thực vật. Qua một số vùng đã điều tra, các nhà khoa học xếp loại gần 200 họ, gồm khoảng 2.000 thứ cây cỏ khác nhau. Điều đáng mừng là đa số thuộc loại cây to, gỗ quý: lát hoa, chò chỉ, vàng tâm, kim giao… Ngoài gỗ quý, còn tìm thấy nhiều cây thuốc quý như sa nhân, mã tiền… Bạn nào thích chơi cây cảnh vào đây chắc sẽ toại nguyện. Bạn sẽ tùy thích mà đi tìm màu sắc ưa chuộng của đủ các loại phong lan, địa lan, thạch lan.
Cố đô Hoa Lư
Sử cũ cho biết năm 968 sau khi dẹp xong loạn 12 sứ quân thống nhất đất nước, Đinh Tiên Hoàng lên ngôi Hoàng đế, đặt tên nước là Đại Cồ Việt đóng đô ở Hoa Lư “đắp thành đào hào, làm cung điện đặt triều nghi”. Đến năm 984, Lê Hoàn lại “dựng nhiều cung điện, làm điện Bách bảo Thiên tuế ở núi Đại Vân, cột điện dát vàng, bạc làm nơi coi chầu, bên Đông là điện Phong Lưu, bên Tây là điện Tứ Hoa, bên tả là điện Bồng Lai, bên hữu là điện Cực Lạc, rồi làm lầu Đại Vân, rồi lại dựng điện Trường Xuân làm nơi vua ngủ, bên cạnh điện Trừơng Xuân, lại dựng điện Long Lộc lợp bằng ngói bạc”.
1000 năm đã trôi qua, những cung điện dát vàng, bạc thời tiền Lê không còn nữa, chỉ còn lại di tích của một tòa thành rộng 300ha, nằm trọn vẹn trong xã Trường Yên, huyện Hoa Lư, tỉnh Ninh Bình ngày nay. Thành Hoa Lư được chia thành hai khu vực: Thành Nội và Thành Ngoại. Tương truyền khu Thành Ngoại là nơi dựng cung điện chính. Thành Nội gọi là Khố Nhi xã, hay Thư Nhi xã là nơi ở và làm kho. Hiện nay, ở thang Nghè có địa danh nền Cung và nền Kho.
Khu thành Ngoại ở phía Đông rộng 140ha, bao gồm các thôn Yên Thượng, Yên Trung, Yên Hạ, Yên Thành xã Trường Yên. Khu Thành Nội ở phía Tây rộng tương đương khu Thành Ngoại, là địa phận thôn Chi Phong xã Trường Yên. Hai thành này được ngăn cách với nhau bằng một lối đi hiểm trở là Quèn Vông.
Xây dựng kinh đô Hoa Lư, Đinh Bộ Lĩnh đã khéo lợi dụng địa thế tự nhiên hiểm trở ở đây để xây thành đắp lũy. Thành Hoa Lư nằm trong một khoảng đất khá bẳng phẳng trong dãy núi đá vôi của huyện Hoa Lư. Dãy núi đá vôi bao bọc xung quanh tạo thành một bức tường thành thiên nhiên vô cùng kiên cố, chỉ có một số mặt nào đó là không có núi che kín. Giữa các khoảng trống, giữa các quả núi, Đinh Bộ Lĩnh cho đắp những dãy thành đất, tạo thành một bình diện gần tròn. Đinh Bộ Lĩnh đã triệt để lợi dụng địa thế thiên nhiên để xây thành đắp lũy, không câu nệ vào hình dáng không vuông vức cân đối mà cốt ở tính chất hiểm yếu. Đây là những đặc điểm của cấu trúc thành lũy cổ của người Việt, khác với đồn lũy nhỏ hẹp của bọn phong kiến phương Bắc được xây dựng trên đất nước ta, cũng khác với kiểu thành quách du nhập từ phương Tây vào nước ta ở thế kỷ mới đây. Thành Hoa Lư mang tính chất là một thành trì quân sự, một “quân thành”, nhưng nó vẫn là một kinh đô của cả nước với ý nghĩa là một trung tâm chính trị, kinh tế và văn hóa.
Thành Hoa Lư ở vào một ngã ba đường, phía Đông có đường Thiên Lý ra Bắc vào Nam, phía Tây có đường Trường Đạo vào Thanh Hóa, phía Bắc có sông Hoàng Long chảy ra sông Đáy. Đóng đô ở đây Đinh Bộ Lĩnh có lợi về địa thế và có lợi về lòng dân. Đây là nơi gần quê hương của Đinh Bộ Lĩnh, nơi ông được nhân dân ngưỡng mộ nhiều nhất, từ đây lại có thể nhanh chóng tiến ra vùng đồng bằng ven biển hay rút theo đường núi vào Thanh Hóa xuống phía Nam.
Hiện nay ở xã Trường Yên còn một số địa danh và dấu vết của các tường thành thời Đinh – Lê. Thành Ngoại có sáu tường thành, tường thành thứ nhất từ núi Đầm sang núi Thanh Lâu gọi là thành Đông; tường thành thứ hai cùng tuyến với tường thành thứ nhất, nối từ núi Thanh Lâu ra núi Cột Cờ; tường thành thứ ba từ núi Cột Cờ sang núi Chẽ, gọi là thành Đông Bắc; tường thành thứ tư từ núi Chẽ sang núi Chợ chắn ở phía Bắc; tường thành thứ năm có hai đoạn chắn ở phía Nam gọi là thành Vầu, đoạn thứ nhất từ núi Lung Vang sang núi Mã Yên, đoạn thứ hai từ núi Mã Yên chỗ Cô Đuôi Hồ sang núi Dù; tường thành thứ sáu chỗ ngòi Chẹm, có thể nối từ núi Phi Vân sang núi Hang Quàn, chắn mặt Bắc của tử cấm thành Hoa Lư.
Thành Nội có năm tường thành, tường thành thứ nhất nối từ núi Hàm Sà sang núi Cánh Hàn, gọi là thành Dền; tường thành thứ hai nối từ núi Cánh Hàn sang núi Nghẽn; tường thành thứ ba nối từ núi Chùa Thủ sang núi Thanh Lâu gọi là thành Vầu; tường thành thứ tư nối từ núi Mang Sơn sang núi Cổ Tượng, gọi là thành Bồ; tường thành thứ năm từ núi Mang Sơn sang núi Đầu Giải, gọi là thành Bim.
Cùng với các tường thành, còn có một số di tích có liên quan đến thời Đinh – Lê. Động Am Viên là một động khá lớn ở lưng chừng núi trong một thung lũng hẻo lánh ở phía Đông Nam khu Thành Ngoại, tương truyền là nơi vua Đinh nhốt hổ báo để trừng trị kẻ có tội. Ao Giải ở chân núi Chợ là nơi vua Đinh nuôi Giải. Ghềnh Thấp ở phía Đông Nam khu Thành Ngoại là một mỏm núi thấp nhô ra sát bờ sông hang Luồn, tương truyền là nơi vua Đinh đứng duyệt thủy binh. Núi Cột Cờ ở phía Đông Bắc khu Thành Ngoại tương truyền là nơi vua Đinh cắm cờ. Thung núi Hang Quàn là “đấu đóng quân” với ý nghĩa như một nơi đóng quân của vua Đinh. Hang Muối, Hang Tiên là nơi vua Đinh để muối, để tiền.
Đền vua Đinh, đền vua Lê thờ vua Đinh và vua Lê, tương truyền được xây dựng trên nền cung điện xưa. Trước cửa đền vua Đinh trên đỉnh núi Mã Yên, một ngọn núi có hình chiếc yên ngựa, có lăng vua Đinh. Dưới chân núi Mã Yên, ở phía Nam có lăng vua Lê.
Chùa Nhất Trụ ở giữa thôn Yên Thành là một ngôi chùa đã được khởi dựng từ thời Tiền Lê. Hiện nay trước cửa chùa còn có một cột kinh Phật bằng đá hình trụ tám cạnh, cao hơn 3m được khắc bài kinh Lăng Nghiêm và có dòng chữ: “Đại thắng Minh hoàng đế Lê tổ tự thừa thiên mệnh đại đình sơn hà, thập lục niên” cho biết cột kinh có thể dựng vào năm Lê Đại Hành thứ 16 (995). Chùa Bà Ngô ở ven sông Hoàng Long tương truyền là một ngôi chùa có từ thời Đinh - Lê, chùa Tháp cũng ở ven sông Hoàng Long có tháp Báo Thiên nổi tiếng đã bị thực dân Pháp phá hủy.
Phủ Bà Chúa thờ Công chúa Phất Kim con gái vua Đinh. Sử cũ cho biết vua Đinh đánh sứ quân Ngô Nhật Khánh, lập mẹ của Ngô Nhật Khánh làm Hoàng hậu, lấy em gái Ngô Nhật Khánh gả cho con trai mình là Đinh Liễn. Để cho Ngô Nhật Khánh khỏi oán hận, vua Đinh gả công chúa Phất Kim cho Khánh. Bên ngoài, Ngô Nhật Khánh rất vui vẻ, nhưng bên trong lại oán hận. Khi vua Đinh mất (979), Ngô Nhật Khánh chạy ra biển theo Chiêm Thành. Khi ra đến bờ biển, Ngô Nhật Khánh lấy kiếm vạch vào má vợ mà nói rằng: “Cha mày ức hiếp mẹ con ta, ta lại vì mày mà quên tội cha mày sao?” rồi đuổi vợ về. Về đến kinh đô Hoa Lư, uất ức quá công chúa Phất Kim đã nhảy xuống giếng tự vẫn để bảo toàn khí tiết của mình. Thương tiếc công chúa, nhân dân đã lập đền thờ ở bên cạnh giếng đó và ghi bài vị là: “Thục tiết công chúa” (Công chúa giữ tiết hạnh).
Phủ Vườn Thiên thờ Kình Thiên đại vương là con vua Lê, phủ Đông Vương thờ Đông Thành đại vương cũng là con vua Lê. Ngoài ra một số phủ đã mất cũng thờ một số tướng của vua Đinh và vua Lê. Phủ Đông Thành, phủ Đầu Tường thờ ông giữ thành cửa Đông. Ngày nay ở đây còn có xóm Đông Môn (cửa Đông), phủ làng Thong thờ Vận Dần đại vương coi về thủy quân, giữ cửa tây. Trước kia trong phủ có chiếc thuyền thờ dài hơn 1m. Cứ vào ngày tế ông mồng 2 tháng Chạp hàng năm, dân làng lại đem chiếc thuyền ra bến làng Thong, chèo đi chèo lại để thương nhớ vị tướng coi thủy quân của vua Đinh.
Phủ Bến Đò thờ Đông Thái đại vương coi cửa Bắc. Phủ Cửa Đền thờ Ngũ Đạo đại vương phụ trách năm đạo quân. Phủ Vật thờ Cầm Trà đại vương phụ trách tuyển quân. Hàng năm cứ đến ngày 6 tháng Giêng dân làng lại tổ chức hội vật ở phủ để tưởng nhớ ông “tuyển quân bộ”. Phủ Chợ thờ Ngũ Lầu đại vương phụ trách ca hát. Xưa kia ở phủ có bức đại tự: “Thái bình âm” (Tiếng ca thái bình). Hàng năm vào mùng Một Tết Nguyên đán, trong lúc tế ông, dân làng lại hát ca trù để tưởng nhớ công việc của ông. Phủ Đường Xẻo hay Tùng Xẻo thở ông xử tội cực hình, tương truyền cứ “tùng” một tiếng trống lại xẻo một nhát cho đến khi phạm nhân chết. Hệ thống phủ thờ là tư liệu quý về cách bố phòng của kinh đô Hoa Lư.
Ở phía ngoài Cố đô Hoa Lư có một số di tích và địa danh lịch sử. Quèn Ổi tương truyền là cửa ngõ của kinh đô Hoa Lư. Áng Ngũ là một trạm kiểm soát trước khi vào kinh đô. Đền Hành Khiển hay phủ Thành Hoàng thờ Tả bộc xạ Hành khiển Quang Lộc đại vương, tương truyền là ông tướng trấn giữ ở đây. Đình Áng Ngũ thờ Nguyễn Bặc. Động Hoa Sơn tương truyền là nơi nuôi ấu chúa. Làng Ánh Ngũ có một số cánh đồng mang địa danh lịch sử như Mã Giêng (Bến tắm ngựa), Mã Trạch (Chuồng ngựa), Mã Cỏ (Bãi cỏ cho ngựa ăn), Mã Hồ (hồ tắm ngựa), các thôn Thanh Khê, Ngô Khê tương truyền là nơi đặt hành dinh của Nguyễn Bặc. Thôn Quán Vinh cũng có một số trạm của Kinh đô Hoa Lư. Đường vào Hoa Lư gọi là đường Thiên Ngự, chùa Quán Vinh gọi là chùa Thiên Ngự với ý nghĩa là vua Đinh thường “ngự” ở đây. Động Thiên Tôn, núi Thuyền Rồng, núi Côn Lĩnh như một bức tường thành thiên nhiên án ngữ phía ngoài, hai bên đường Tiến Yết, tương truyền là tiền đồn của kinh đô Hoa Lư.
Trước kia ở đền Hạ dưới chân núi Côn Lĩnh có câu đối:
Côn Lĩnh tiền đồn Đinh triều thủy Nghĩ a là Núi Côn Linh là tiền đồn triều Đinh
Văn cú Quang Trung Quý Sửu tân Làng có tên Văn Cú thời Quang Trung năm 
Quý Sửu
Ở ven sông Đáy, làng La Mai là kho tàng của nhà Đinh. Tương truyền Kim Khố và Chính Khố hay Kho Trong, Kho Ngoài là kho mắm, kho muối của vua Đinh.
Núi Non Nước cũng là tiền đồn của kinh đô Hoa Lư về đường thủy, bên sông Vân Sàng có điện Vân Sàng là nôi Dương Vân Nga đón Lê Hoàn thắng Tống trở về. Trước kia ở đây có đền Thượng thờ Đinh Tiên Hoàng, Lê Hoàn và Dương Vân Nga. Trong đền thờ Lê Hoàn có đôi câu đối:
Khước Tống khải ca lưu thử địa Nghĩa là:
Tiếp Đinh chính thống thụ vu thiên
Khúc ca thắng Tống còn lưu truyền ở vùng đất này
Nối tiếp nền chính thống của nhà Đinh hợp với mệnh trời
Làng Thiện Trạo là dinh thủy quân của nhà Đinh. Nơi đây còn có các địa danh lịch sử như bến Dinh là bến đóng thủy quân, vườn Quan là nơi các quan ở, cung Đường là nơi cung quán, mả Voi là . nơi nuôi voi v.v… Trong hệ thống đồn thủy cùng với Thiện Trạo có đồn Yên Khoái xưa gọi là Yên Bạc, do Cao Lịch, Cao Khiển trấn giữ. Nhân dân địa phương còn lưu truyền “Yên Bạc cựu đồn, Yên Khoái thượng miếu”. Thôn Yên Phúc bên cạnh cũng là một “cung sở” do hai tướng Cao Sơn và Cao Các trấn giữ.
Ở phía Tây, trên con đường nối với đường Thượng Đạo cũng có một số di tích tương truyền là đồn luỹ bảo vệ phía Tây Kinh đô như núi Mã Can thuộc thôn Đông Thịnh là một nơi Đinh Bộ Lĩnh tập trận cờ lau thời thơ ấu về sau là đồn trấn giữ ở phía Tây Kinh đô Hoa Lư. Hiện nay còn có thành đất gọi là “Thành Hèo”, các thôn Đông Thịnh, Me, Lược đều thờ Đinh Tiên Hoàng, thôn Kho có đền thờ Lê Du, Lê Chương là các vị tướng của vua Đinh trấn giữ ở đây. Xã Văn Phương có “đấu đong quân” với ý nghĩa là một đồn luỹ của vua Đinh.
Trên con đường ven sườn núi ở phía Nam Kinh đô Hoa Lư, song song với con đường thuỷ là sông Hang Luồn hay Sào Khê, có Máng Nước tương truyền là Thành Nam và quèn Ba Cửa, quèn Thụ Mộc là những cửa ải bảo vệ phía Nam. Như vậy là từ các phía nối với các con đường chiến lược xưa như: Thiên Lý, Thượng Đạo dều có các đồn luỹ trấn giữ. 
Cùng với các di tích trên mặt đất, lòng đất Hoa Lư cũng cho chúng ta nhiếu tài liệu quý. Trong nhiều năm, các cán bộ khảo cổ học đã nghiên cứu toàn diện về Cố đô Hoa Lư.
Qua mô tả của sử sách, chúng ta thấy khu cung điện chính thời Tiền Lê khá rộng gồm có tám cung điện chính trong một tổng thể khá cân đối, quy tụ vào tâm điểm. Như vậy nghệ thuật kiến trúc quy tụ vào tâm điểm có thể đã được hình thành ở Kinh đô Hoa Lư và trở thành một đặc điểm kiến trúc ở thời Lý - Trần. Tương truyền đền vua Đinh và đền vua Lê được xây dựng trên nền cung điện xưa. Kết quả khai quật khảo cổ học cho thấy các công trình tưởng niệm thường được xây dựng trên nền cung điện xưa như đền Kiếp Bạc (Hải Dương), đền Trần, chùa Đệ Tứ (Nam Định)… khu vực đền vua Đinh và đền vua Lê cũng là khu vực khá bằng phẳng cao ráo so với toàn bộ khu thành Hoa Lư, ở sau đền vua Đinh và đền vua Lê có dãy núi Phi Vân, có thể là dấu tích địa danh của lầu Đại Vân xưa, ở lưng chừng núi có một hang nhỏ gọi là “Chẽ Vua“ với truyền thuyết là nơi vua nghỉ. Trong đền vua Lê có một tấm biển sơn son thép vàng lộng lẫy ghi rõ: “Trường Xuân linh tích“ (dấu tích linh thiêng của điện Trường Xuân). Cánh đồng ở phía Nam hai đền gọi là xứ Hậu Đường, vậy khu vực đền vua Đinh và đền vua Lê phải là tiền đường. Hướng tìm khu trung tâm của kinh đô Hoa lư hay khu tử cấm thành là ở khu vực này.
Trong đợt khai quật năm 1977 của Bảo tàng tỉnh, ở hố khai quật cạnh bờ tường phía Nam đền vua Lê, ở độ sâu 0,95m phát hiện hai mảng sân gạch hoa (4,2x1,8m) được lát bằng những viên gạch vuông (34x34x7cm) trang trí hoa sen và đôi phượng vờn nhau. Gạch có hoa văn trang trí đẹp, nhiều viên hoa văn còn rõ nét, chứng tỏ đây là sân triều trong cung điện, ít đi lại, nếu không hoa văn sẽ mờ hết, hai bên nền gạch có nhiều viên hình chữ nhật, một số mảnh có chữ “Đại Việt quốc quân thành chuyên”.
Ở độ sâu 0,95m có một mảng nền gạch bị phá nghiêm trọng, chỉ còn lại 12m2 gạch lát không đều, không có hàng lối nhất định, nhiều chỗ bị lún, được lát bằng gạch có dòng chữ: “Đại Việt quốc quân thành chuyên” và lẫn một số viên “Giang tây quân”. Gạch Giang tây quân là gạch thời Đường đã được sử dụng lại. Còn gạch “Đại Việt quốc quân thành chuyên” thì cách giải thích của đồng chí Phạm Văn Kỉnh và Nguyễn Ngọc Chương trong báo cáo khai quật tuyến thành Đông và Đông Bắc Hoa Lư năm 1970 là hợp lý. Nhưng chúng ta đã biết quốc hiệu Đại Việt được đặt từ năm 1054 dưới triều Lý Thánh Tông. Quốc hiệu thời Đinh – Lê là Đại Cồ Việt. Chữ “Đại”trong chữ Hán là to, lớn; chữ “Cồ” là chữ Nôm cũng có nghĩa tương tự. Cho nên, nếu viết cả chữ “Đại” và “Cồ” liền nhau thì không chỉnh, nên trong văn viết người xưa đã bỏ chữ “Cồ” chỉ viết là “Đại Việt” mà thôi, cho nên mảng sân gạch này là mảng sân triều trong cung điện thời Đinh – Lê.
Trong hố khai quật có mảng sân gạch hoa, khi mở rộng ở độ sâu 1,6 - 2m gặp nhiều gỗ lá mục, mảnh gốm, xương động vật, võ nhuyễn thể, có 28 vò sáu núm còn nguyên vẹn. Loại vò sáu núm này thường thấy trong các mộ cổ đời Đường. Cùng mặt bằng chứa gốm này, còn có 59 cọc gỗ nhỏ và 3 dấu tích cọc gỗ lớn cùng nhiều thanh gỗ, cọc gỗ lớn đường kính 0,5m, phần trên có ngàm đỡ xà ngang. Đây có thể là dấu tích của một công trình kiến trúc kiểu nhà sàn ở trên vùng đất trũng.
Trong đợt khai quật năm 1977, Bảo tàng tỉnh cũng thám sát ở dốc phía Đông nhà Khải Thánh đền vua Đinh, ở độ sâu 1,6m phát hiện một lối lên xuống, được lát bằng gạch Giang tây quân, cứ một hàng lát ngang là một hàng lát đứng theo từng bậc từ thấp lên cao theo hứơng Bắc-Nam, cuối cùng là 5 đến 6 hàng gạch lát nghiêng. Không có chất kết dính, ở phía Đông và phía Tây lối lên xuống này có hai hàng gạch đối xứng được cấu tạo bằng hai ba hàng gạch xếp chồng lên nhau phát triển lên phía Bắc của hố. Như vậy lối lên xuống này có thể được xây dựng từ thời Bắc thuộc hoặc thời Đinh-Lê sử dụng lại gạch Giang tây quân đời Đường, Ở độ sâu 2,2 - 2,5m gặp một số bình vò 6 núm có phong cách gốm thời Đường, nhưng cũng có thể được sử dụng lại thời Đinh-Lê.
Đầu tháng 5/1991, trong khi đào giếng ở cạnh ao đền vua Lê, ở độ sâu từ 60cm đến 1,6m, có một lớp đất đen và nhiều mảnh gỗ mục xen lẫn với các mảnh gạch hoa sen và các mảnh vò sáu núm. Cũng trong tháng 5/1991, Bảo tàng tỉnh đã khai quật ở mảnh ruộng phía Bắc chùa núi Dù, sau đền vua Đinh ở độ sâu 41cm đến 110cm thấy có nhiều cọc gỗ lim đường kính từ 12 đến 20cm đóng theo chiều Bắc – Nam và một số cụm cọc gồm 4 đến 5 chiếc. Đây có thể là cọc đóng móng của một số công trình kiến trúc. Cùng với cọc gỗ, còn một số mảnh gạch “Đại Việt quốc quân thành chuyên” và “Giang tây quân”. Một số lượng lớn gạch hoa sen và đôi phượng vờn nhau, nhiều mảnh ngói ống, vò sáu núm, tháp đất nung và vịt đất nung, đặc biệt có một pho tượng bằng đất nung. Pho tượng cao 8cm, mặt vuông, tai lớn, cằm bạnh, mặc áo giáp có đai lưng đeo kiếm, có phong cách của một pho tượng Kim Cương ở chùa. Có thể đây là di tích của một ngôi chùa thời Đinh – Lê. Ở phía Bắc núi Dù là cánh đồng Cây Khế có nhiều mảnh gạch hoa sen và đôi phượng vờn nhau.
Ở phía Bắc chân núi Mã Yên, trong khi đào ao, nhân dân đã tìm thấy 3 con vịt đất nung, một số viên gạch hình chữ nhật có phong cách như gạch “Đại Việt quốc quân thành chuyên” và nhiều mảnh gạch hoa sen và đôi phượng vờn nhau. Ở sát bờ sông Hang Luồn, cũng nhiều mảnh gạch hoa sen lẫn trong lớp đất canh tác. Ở dưới nước còn một bãi cọc, phải chăng là cọc chống lún của một công trình kiến trúc. Ở bên tả sông Hang Luồn, dưới chân núi Hang Son, trong khi đào ao nhân dân địa phương cũng tìm thấy một cột kinh bằng đá mờ hết chữ, hai cọc gỗ lớn có đường kính 40cm có ngàm, là dấu tích của một công trình kiến trúc cổ.
Cuối năm 1997 đầu năm 1998, Viện khảo cổ học kết hợp với Ban quản lý khu di tích Cố đô Hoa Lư khai quật 300m2 và thám sát nhiều hố nhỏ cạnh tường phía Nam đền vua Lê, đã tìm thấy sáu vị trí có gạch lát nền được trang trí hoa sen và chim phượng, trong đó có một vị trí trùng với nền gạch tìm thấy năm 1977.
Trong hai hố khai quật mở rộng đã xác định được ba vị trí kiến trúc lớn. Hai vị trí có gạch lát nền được trang trí hoa sen và chim phượng cỡ trung bình 34x34cm như đã biết, một vị trí được lát bằng những viên gạch hoa sen cỡ lớn, mỗi chiều 47x47cm. Đáng chú ý có hai viên gạch chữ nhật cỡ lớn, một viên 47x64cm, một viên 47x74cm, trên mặt gạch có trang trí hai hoa sen tám cánh mập. Đáng chú ý có mặt bằng kiến trúc cao hơn hẳn các nền móng đã biết, chứng tỏ có nhiều kiến trúc khác nhau.
Cuộc khai quật lần này cũng tìm thấy nhiều hiện vật quý như gạch ngói, đầu ngói ống trang trí hoa sen, đầu rồng bằng đất nung, tượng vịt, đài sen, ngói lát cho thấy các cung điện thời Đinh-Lê khá to lớn, trang trí đẹp.
Phong phú nhất là các hiện vật gốm men và đồ sành như vò, lọ, bát, đĩa, chân đèn, đĩa đèn phản ánh đời sống sinh hoạt của các tầng lớp nhân dân ở kinh đô Hoa Lư thế kỷ X. Những di vật đó mang đm bản sắc dân tộc Việt chứng tỏ sức sống bền bỉ của văn hóa Việt Nam từ thời văn hóa Đông Sơn. Nhiều mẫu hình trang trí của văn minh Đại Việt thời Lý – Trần như rồng, phượng, vịt, hoa sen… đã được bắt đầu từ đây. Một số hiện vật chứng tỏ thời Đinh – Lê có sự giao lưu văn hóa khá mạnh với các nước láng giềng như Trung Quốc, ChămPa. Các hiện vật tìm thấy trong đợt khai quật này chứng tỏ ý chí tự lực, tự cường của dân tộc ta sau một nghìn năm Bắc thuộc, là nền móng cho sự phát triển văn hóa dân tộc ở các thế kỷ sau.
Như vậy khu vực từ đền vua Đinh sang đền vua Lê, bao gồm cánh đồng Cây Khế ở phía Tây đền và cánh Vườn Thổ ở phía Đông đền, sát sông Hang Luồn là khu tử cấm thành của kinh đô Hoa Lư. Có thể các công trình kiến trúc cung điện còn được phân bố sang cả bên tả ngạn sông Hang Luồn tại chân núi Hang Son và núi Ngọn Đèn.
Khu tử cấm thành Hoa Lư được bao bọc bởi dãy núi Phi Vân ở phía Tây và dãy núi Hang Luồn phía Đông đồng thời được bảo vệ giữa hai tường thành, tường thành phía Nam là thành Vầu, từơng thành phía Bắc là thành Chẹm. Đợt khai quật khảo cổ học tháng 5/1991 đã chứng minh điều đó. Tháng 5/1991 dựa vào dấu gạch lộ thiên, bảo tàng tỉnh đã khai quật dọc ngòi Chẹm cách dãy núi Phi Vân 74,3m, ở độ sâu 40cm phát hiện một tường gạch dày 60cm, cao 50cm gồm 13 hàng gạch chữ nhật (30x20x3,5m), dọc theo hướng Đông Tây có nền gạch được ghi chữ “Đại Việt quốc quân thành chuyên”, rõ ràng đây là loại gạch xây thành đã phát hiện ở thành Đông Bắc Hoa Lư năm 1970. Tường gạch được xây trên một bè móng bằng gỗ lim có lớp đệm bên trên là lớp tre nứa ken dày, móng bè gỗ lim còn lại dài 20,6m gồm hơn 108 cây gỗ ken dày vào nhau theo hướng Bắc Nam. Có cây dài tới 5m đường kính từ 20 – 25cm, có cây nguyên, có cây được đẽo vuông, hình lòng máng hoặc được trang trí ở đầu có mộng, đây là phế liệu của một công trình kiến trúc từ trước đó đã được sử dụng lại. Đè lên lớp gỗ này còn có một lớp gỗ dọc theo chiều Bắc – Nam, gồm có 22 cây gỗ lim cho vững lớp gỗ bên dưới. Tường gạch phía trên đầu cuối ở phía Nam của lớp móng bè gỗ, có thể đây là lớp tường gạch xây ốp mặt trong của tường thành để chống xói lở như ở tường thành Đông Bắc Hoa Lư khai quật năm 1970.
Tháng 5/1992, trong khi đào đất làm nhà, cách cống Chém khoảng 20m ở độ sâu 0,5m, nhân dân địa phương cũng phát hiện nhiều thân cây mục, các mảnh gạch lẫn vào trong lớp đất đen sâu tới 1m. Rõ ràng thành Chẹm đã kéo dài tới cống Chém ngày nay và có thể còn kéo dài sáng dãy núi Hang Quàn, chặn ngang phía Bắc của tử cấm thành Hoa Lư.
Với các hiện vật thời Bắc thuộc và khu mộ táng cùng thời cạnh chùa Bà Ngô có thể kết luận rằng trước khi trở thành Kinh đô Hoa Lư khu vực này đã là trị sở của phong kiến phương Bắc.
Sách Đại Nam Nhất thống chí đã viết về vùng đất Ninh Bình: “Đời Tần thuộc Tượng quận, đời Hán thuộc quận Giao Chỉ, từ đời Ngô, đời Tấn về sau thuộc châu Giao, cuối đời Lương là châu Trường Yên, nhà Đinh đóng đô ở Hoa Lư tức là đất này”. Sách Sử học bị khảo cho biết Trường Châu có bốn huyện là Văn Giàng, Đông Thái, Trừơng Sơn, Kỳ Sơn. Huyện Văn Giàng thuộc huyện Gia Viễn. Sách Thái Bình hoàn vũ ký cũng ghi Trường Châu ở huyện Văn Giàng (nay là huyện Gia Viên, Ninh Bình). Sách Đại Việt Sử ký toàn thư cho biết năm 990, sứ Tống là Tống Cảo sang nước ta, đến trạm Nại Chính ở Trường Châu, vua (Lê) ra ngoài Giao để đón. Như vậy là trạm Nại Chính ở Trường Châu rất gần Kinh đô Hoa Lư. Có thể trước thời Đinh – Lê, Kinh đô Hoa Lư đã là trị sở của Trường Châu đời Đường. 
Ngoài khu vực cung điện chính còn có các công trình kiến trúc dinh thự khác nữa ở xứ Hậu Đường phía Nam đền vua Đinh ở núi Rùa, núi Đông Lâm, ở phía Đông Bắc khu Thành Ngoại. Tại các khu vực này có một khối lượng các mảnh gạch có trang trí hoa sen và đôi phượng vờn nhau.
Để tìm hiểu các tường thành, cuối năm 1969, đầu 1970, Bảo tàng Lịch sử Việt Nam đã khai quật tường thành Đông và Đông Bắc Hoa Lư. Móng tường thành Đông Bắc được xếp bằng những lớp đất và những lớp lá cây, cành cây xen kẽ nhau, hết lớp này đến lớp khác để chống lún. Trên lớp đất và lớp lá cây là những cọc gỗ lớn cắm sâu cho thêm vững. Thân tường thành, mặt phía trong là một tường gạch xây theo chiều dọc để bó tường thành và chống xói lở. Gạch xây là loại chữ nhật (30x16x4cm) làm bằng một thứ đất sét mịn màu đỏ. Ở hàng gạch nằm dưới cùng, có viên được in dòng chữ “Đại Việt quốc quân thành chuyên” rải rác có những viên được in dòng chữ “Giang tây quân”.
Ở tường thành Đông, dưới độ sâu 1,6m phát hiện một nền gạch hình chữ nhật (8,6x4,5m) được lát bằng những viên gạch vuông (34x34x7cm), xung quanh chạy đường triện, ở giữa được trang trí hoa sen, bốn góc có bốn con bướm cách điệu hoặc ở giữa là đôi phượng vờn nhau trong một khung tròn, bốn góc có hình một thứ hoa cách điệu. 1000 năm đã trôi qua mà nền gạch vẫn còn đỏ tươi, hoa văn vẫn còn rõ chứng tỏ đây là một công trình ít người đi lại chỉ được dùng trong những trường hợp cần thiết hoặc là một bộ phận kiến trúc có liên quan đến việc đồn trú, bảo vệ mặt thành này.
Để tìm hiểu các công trình kiến trúc tôn giáo cũng trong đợt khai quật tháng 5/1991, Bảo tàng tỉnh đã khai quật cạnh dốc phía Nam chùa Nhất Trụ, phía trước nhà tổ, ở độ sâu 60cm phát hiện hai móng đá hình vuông (130x130cm) cách nhau 150cm, dày 1m. Dưới lớp móng đá là móng bè gỗ lim gồm bốn lớp phiến lim gần vuông, dày từ 25-30cm xếp chồng lên nhau theo hướng Bắc – Nam và Đông – Tây. Cùng với móng đá là những mảnh gạch có trang trí hoa sen và đôi phượng vờn nhau, cành cây mục và vò sáu núm… đây là loại móng đá khá dày và cấu trúc công phu, rõ ràng công trình kiến trúc phải rất to lớn, có thể đây là móng của một kiến trúc tháp của chùa Nhất Trụ thời Tiền Lê.
Năm 1963, tại công trường đắp đê sông Hoàng Long phía Bắc thành Hoa Lư đã phát hiện di tích của một ngôi chùa cổ. Trong khi đào đất đắp đê, nhân dân địa phương đã phát hiện nhiều đồ gốm, xương voi, xương ngựa, nhiều tảng thóc cháy từ núi Nghẽn đến gò Gốc Vựng. Đặc biệt ở khu vực gò Cò Nành đã thấy một số cột đá hình trụ tám cạnh dài khoảng 80cm, trên tám mặt có khắc kinh Phật; đó là bài Phật đỉnh tôn thắng Đàlani. Bên cạnh có dòng lạc khoản “Đệ tứ tĩnh hải quân tiết độ sứ, Nam Việt vương Đinh Liễn kinh tạo bảo tràng nhất bách tòa, Quý Dậu tuế” (nghĩa là: Người theo đạo Phật là Nam Việt vương Đinh Liễn kính dâng lên 100 cột kinh Phật năm 973). Tháng 12/1986, trong khi đào đất đắp đê nhân dân địa phương lại phát hiện ở đây 14 cột kinh Phật nữa cùng với nhiều bệ và búp sen đá. Những cột kinh Phật này về cơ bản có nội dung giống nhau. Theo giáo sư Hà Văn Tấn thì cột kinh có nội dung khá rõ là: Có một ông vua tên là Thiện Trú, sống xa xỉ hưởng lạc, một đêm nọ nghe có tiếng nói trong không trung báo cho biết 7 ngày nữa ông sẽ chết, sau đó hóa kiếp 7 lần thành các thú vật (lợn, chó, cáo, khỉ, rắn độc, chim khiếu, quạ) rồi phải chịu khổ hình dưới địa ngục, có thành người cũng mù hai mắt. Thiện Trú hoảng sợ phải cầu cứu đến Đế Thích, Đế Thích kêu xin với đức Phật. Sau khi tỏa ánh hào quang, đức Phật cười nói với Đế Thích rằng: Có một thần chú gọi là Phật đỉnh tôn thắng Đàlani có thể trừ được mọi khổ não, mọi ác nghiệp truyền kiếp và mọi khổ hình địa ngục. Niệm kinh Phật Đàlani còn được tăng tuổi thọ, được các thiên thần bảo vệ và các bồ tát phù hộ… sau đó Phật đã đọc bài chú cho Đế Thích để ông ta truyền lại cho Thiên Trú và các chúng sinh. Cột kinh Phật thứ nhất cho biết những câu “kệ” cũng được giải thích là biểu hiện của tinh thần học thuyết Đại thừa và sự giải thích là tất cả điều đó có thể trở thành Phật. Trong số 14 cột kinh Phật đó, một cột kinh có dòng lạc khoản: “Đệ tử tiết độ sứ, đặc tiến kiểm hiệu thái sư vạn hộ thục ấp Nam Việt vương Đinh Khuông Liễn nhân vì em mình là đại đức Đinh nô Tăng nô, không thuộc theo lòng trung hiếu phụng thờ thượng phụ và anh cả, lại còn sinh lòng ác, phản nghịch. Nếu như yêu quý khoan dung, thì người anh hư hỏng có thể bảo vệ được. Nếu như cho người giết hại tính mạng đại đức Đinh nô Tăng nô là vì muốn cho việc trong nhà giữ được muôn phong. Người xưa có câu: “Tranh giành nhau chức vị, không ai nhưởng ai cả, nhanh tay ắt thắng người”, nay nguyện xây dựng 100 tòa kinh báu (dâng lên Phật cầu cho người em đã mất và vong linh gia tiên cùng được giải thoát khỏibị bắt bớ dưới cõi minh. Đầu tiên kính chúc Đại Thắng Minh Hoàng đế mãi mãi trấn giữ trời Nam, thứ đến (bản thân) Đinh Liễn thường được vững vàng, tước lộc vị…”
Qua lời chú, có thể Đinh nô Tăng nô là Đinh Hạng Lang, con số 100 tòa kinh Phật chỉ làcon số ước lệ và Đinh Liễn đã làm từ năm 973 cho đến khi mất (979). Nhưng rõ ràng đây là lời giải thích của Đinh Liễn về việc mình giết em để tranh ngôi Thái tử là “muốn cho việc trong nhà giữ được muôn phong và làm bài kinh cầu, kêu cho linh hồn người em tha việc ác cho mình”. Qua các cột kinh Phật, bệ búp sen… chứng tỏ các cột kinh Phật thời Đinh – Lê có 6 bộ phận: Táng, đế, thân, đấu hình bát giác, bệ sen và búp sen giống như cột kinh Phật ở chùa Nhất Trụ hiện nay.
Như vậy ở ven sông Hoàng Long khu vực gò Cò Nành ngày nay, thời Đinh – Lê có một ngôi chùa khá lớn. Ngày nay ở khu vực chùa Tháp xưa có những chân tảng lòng khoát tới 70cm, còn khu vực từ gò Gốc Vựng tới núi Nghẽn là khu vực kho thóc và dân cư ở ngoại thành.
Việc khai quật khảo cổ học tiếp theo sẽ giúp cho chúng ta hiểu thêm các khu vực của Cố đô Hoa Lư. Cố đô Hoa Lư có giá trị của một khu di tích lịch sử, khảo cổ và kiến trúc nghệ thuật.
Đền vua Đinh
<Xem thông tin trên ảnh>
Đền vua Lê
Đền vua Lê về kiến trúc đại thể cũng như đền vua Đinh, nhưng có khác về chi tiết. Ngoài cùng là một sập đá, rồi đến Nghi môn ngoại. Bên trong Nghi môn ngoại, phía phải đền là Từ Vũ của làng Yên Hạ, thờ Khổng Tử. Trước cửa Từ Vũ có hòn non bộ bằng đá xanh nguyên khối khá lớn có thế “Phượng vũ” (phượng múa) nếu nhìn từ phía Bắc, có dáng sư tử nếu nhìn từ phía Tây Nam, chân núi được tạo dáng “TỨ linh” rất đẹp. Bên trái đền là ao. Theo đường chính đạo, vào phía trong là Nghi môn nội, hai bên là hai “Nhà Vọng”, nơi xưa kia các cụ bàn việc tế lễ. Ở phía trước hai “Nhà vọng” cũng có hai hòn non bộ có dáng “phượng vũ” và “phượng ấp” khá đẹp. Giáp với hai nhà Vọng là hai nhà bia. Qua hai cột đồng trụ là sân rồng, giữa s6n rồng cũng có sập long sàng bằng đá tượng trưng cho nơi vua ngự triều. Xung quanh sập long sàng cũng có các hàng lỗ cột để cắm cờ bát bửu, vũ khí trong các ngày hội, tượng trưng cho thứ bậc của các quan văn võ. Đền có 3 tòa: Bái Đường, Thiêu Hương và Chính Cung. Toà ngoài Bái Đưởng thờ công đồng. Cũng như đền vua Đinh, ở đền vua Lê, cửa đền được lui vào tận hàng cột cái và đền được bao tường kín xung quanh nên lòng đền khá tối. Ánh sáng mờ ảo tạo cho các đồ thờ và nghi trượng như có một sức mạnh huyền bí. Ở ngoài Bái Đường có đôi “Xà ngà voi” giống như đôi “Xà cổ ngỗng” ở đền vua Đinh, giữa Bái Đường có một tấm biển sơn son thiếp vàng lộng lẫy đề 4 chữ: “Trường Xuân linh tích” (dấu tích thiêng điện Trường Xuân). Tấm biển gian bên trái đền có 3 chữ: “Xuất Thánh minh” (xuất hiện bậc thánh minh). Tấm biển gian bên phải đền có 3 chữ “Dương thần vũ” (biểu dương thần vũ). Ở đây có đôi câu đối ca ngợi sự nghiệp “kháng Tống, bình Chiêm” của Lê Hoàn.
Thần vũ thiệp tứ lân, thịnh Tống cường Chiêm thủ nhật
Tinh linh tồn thiên cổ, Long giang Mã trục chi gian
Nghĩa là:
Thần vũ động bốn bên, trong lúc Chiêm cường Tống thịnh
Thiêng liêng còn muôn thuở, trong vùng núi Mã sông Long
Và đôi câu đối ca ngợi Lê Hoàn cày ruộng tịch điền:
Thụy vân cam vũ thiên hưu ngưỡng Nghĩa là Mây lành mưa ngọt ơn tiên đế
Tạc tỉnh canh điền đế lực chi Đào giếng và cày ruộng là sức của nhà vua
Tòa giữa là Thiêu Hương thờ các quan, những công thần của nhà Lê. Ở đây cũng có một nhang án khá đẹp ở thế kỷ XVII. Trong cùng là Chính Cung thờ vua Lê, Hoàng hậu Dương Vân Nga và Lê Ngọa Triều. Ở giữa Chính cung có tượng Lê Hoàn, đầu đội mũ Bình Thiên có chữ “Vương” nghĩa là Vua. Bên trái tượng Lê Hoàn là tượng Dương Vân Nga, còn gọi là Bảo Quang Hoàng Thái hậu. Bên phải là tượng Lê Long Đĩnh (Lê Ngọa Triều), con thứ 5 của lê Hoàn và là vua thứ 3 của triều Tiền Lê.
Tương truyền xưa kia tượng bà Dương Vân Nga ở đền vua Đinh. Đến thời hậu Lê, một vị quan hạch là: “Xuất giá tòng phu” (Lấy chồng phải theo chồng), mới rước bà sang đền vua Lê. Khi rước bà ra ngoài sân, bà sợ toát mồ hôi. Để tượng bà ở đền vua Lê rồi, nhưng người ta vẫn để bà quay mặt về phía đền vua Đinh với ý nghĩa là bà vẫn còn có tình nghĩa với nhà Đinh. Cũng với ý nghĩa đó, trong dân gian có truyền thuyết: Khi mới sinh ra Dương Vân Nga “khóc dạ đề” 3 tháng, dỗ mãi không khỏi, một ông đạo sĩ đã ru: “Nín, nín đi thôi! Một vai gánh vác cả đôi sơn hà” là nín ngay. Như vậy nhân dân ta đã đánh giá Dương Vân Nga gánh vác giang sơn của hai triều đại, là hoàng hậu của cả vua Đinh và vua Lê.
Nhân dân ta cũng đánh giá cao Dương Vân Nga bằng cách tạc riêng tượng bà trong số 5 bà hoàng hậu của vua Đinh, cũng như 5 bà hoàng hậu của vua Lê. Đây là một pho tượng nữ đẹp với khuôn mặt bầu, nước da hồng, đôi mắt bồ câu. Tuy khuôn mặt có tính ước lệ của những khuôn mặt Phật, nhưng vẫn có nét sinh động của một người phụ nữ thanh tú.
Đền vua Lê tuy không khang trang bằng đền vua Đinh vì ít được tu sửa hơn, nhưng cũng vì thế mà đền vua Lê còn giữ được nhiều mảng điêu khắc thời Hậu Lê hơn đền vua Đinh. Các mảng chồng giường ở ngoài Bái Đường là nơi là nơi hội tụ với sự thao diễn nghệ thuật chạm khắc gỗ khá rậm rạp. Để cho đền thêm lộng lẫy, người nghệ sĩ dân gian đã thể hiện 6 chiếc bảy thành 6 con rồng. Do khéo bố trí đầu rồng quay lên sát với xà ngang tạo thành các đề tài “Long hổ hội ngộ” (Rồng hổ gặp nhau), rồng phun lửa, rồng đớp ngọc mà viên ngọc được trang trí thành một hoa cúc mãn khai v.v… 4 đầu dư cũng được chạm thành 4 đầu rồng, râu toé tua tủa ở phía sau làm cho 4 con rồng như muốn vươn khỏi đám mây. Nghệ thuật chạm lộng ở đây đã đạt tới trình độ cao.
Con người được thể hiện ở đền vua Lê 4 lần, ở sàn ván bưng trên xà giữa của Nghi môn nội người nghệ sĩ dân gian chạm cảnh hai cô tiên đang cưỡi rồng. Hai cô tiên tóc búi ngược,hoa tai trễ xuống, một tay ôm cổ rồng, một tay dang ra như múa. Trong hai lỗ thông phong hình vuông, mỗi chiều chỉ 25cm ở trước cửa gian phía phải đền có hình chạm thủng cảnh “tiên cưỡi rồng”, “tiên đứng bên rồng”. Con rồng mồm há to như đang phun lửa, râu tóc đao mác bay ngược lên. Cô tiên búi tóc mặc yếm, dáng khỏe mạnh đang cưỡi rồng, tay nắm bờm rồng, mặt quay ra phía ngoài, môi hơi mím lại như đang thúc rồng lao về phía trước.
Hổ được thể hiện 9 lần: Có con đang ngồi chầu như những con lân linh thiêng, ngồi kiểm soát linh hồn khách hành hương. Hai con khác ngồi châu đầu vào nhau, có con lại như đang bước đi trong rừng, có con đang vờn với rồng…
Ao sen được thể hiện 3 lần trên các trục dấu trong 3 cảnh khác nhau. Một ao sen bình thường, không có cá. Một ao sen có con cá rô đang nhảy lên khỏi mặt nước đớp lá sen, cây sen đang xòe cánh, nụ còn chúm chím. Đẹp nhất là một ao sen mà trong đó bông sen đã nở rộ trông rõ cả từng gân lá, cạnh đó là hai bông chớm nở, dưới nước có hai con cá rô, một con đang bơi lững lờ, một co nhô đầu ra ngoài như đang bơi tới.
Cũng là đề tài “Cá hóa long” thường thấy, nhưng ở đây cá chép đã được địa phương hóa, biến dạng thành cá rô. Đầu cá đã biến thành đầu rồng, mà thân vẫn là thân cá, vảy lấp lánh, đuôi vắt lên. Có lẽ người nghệ sĩ dân gian cố chạm thân cá rõ hình cá rô để nhấn mạnh “đặc sản” địa phương ở đây. Xưa kia vùng đất Trường Yên là đồng chiêm trũng, lại là vùng núi đá vôi có nhiều hang động, nên có rất nhiều cá; nhất là cá rô to và béo, đầu đen bóng. Ca dao xưa đã ca ngợi:
Đi thì nhớ cậu cùng cô
Khi về lại nhớ cá rô tổng Trường
“Cá rô tổng Trường” đã là niềm gợi cảm ở người nghệ sĩ dân gian thể hiện đề tài “cá hóa rồng”. Trúc được thể hiện hai lần với đề tài “trúc hóa long”. Cây trúc xương gà được nhấn mạnh các đốt phồng to khá đẹp.
Các mảng chạm này đã tô điểm cho đền thêm đẹp nhưng nó còn có ý nghĩa hơn khi gắn liền với truyền thuyết ca ngợi Lê Hoàn. Truyền thuyết đó đã được ghi lại trên bức hoành phi ở trước cửa đền:
Nhất mộng liên hoa sinh
Vạn cổ lưu hương Tràng Xuân điện Nghĩa là
Bán dạ Hoàng Long ủng
Ức niên di ảnh Đại Vân lâu
Nhân mơ thấy hoa sen mà sinh ra (Lê Hoàn)
Từ vạn cổ tiếng thơm còn lưu mãi điện Trường Xuân
Nửa đêm rồng vàng xuất hiện
Ngàn năm hình ảnh cũ còn lưu lại trên lầu Đại Vân
Truyền thuyết kể rằng bà mẹ mơ thấy hoa sen mà sinh ra Lê Hoàn trong lúc đi cấy ở cạnh ao sen. Bà đã ủ Lê Hoàn trong khóm trúc hóa rồng kia và được con hổ chúa rừng xanh ấp ủ. Sau lời cầu xin của bà mẹ, hổ lững thững bỏ đi. Khi còn bé, Lê Hoàn đứng bên rồng và khi lớn lên thì cưỡi rồng với tư thế hùng dũng của khí thế “Kháng Tống, bình Chiêm”. Như vậy cả điêu khắc gỗ dân gian lẫn truyền thuyết cũng thống nhất đề tài ca ngợi Lê Hoàn. Đây là một điểm sáng trong kiến trúc và điêu khắc gỗ dân gian Việt Nam.
Hoàng hậu Dương Vân Nga
Trên thế giới đã có rất nhiều hoàng hậu nổi tiếng tài ba nhưng chỉ làm vợ của một ông vua. Còn bà Dương Vân Nga đã làm vợ vua Đinh Tiên Hoàng và còn làm vợ vua Lê Đại Hành. Điều đó khẳng định bà rất xinh đẹp, có sức quyến rũ, thông minh nên mới có được vinh dự ấy. Công lao lớn nhất của bà là lượng sức mình không đảm đương được việc nước, bà đã quyết định ngôi báu lại cho Lê Hoàn, tức là truất bỏ cơ nghiệp của nhà Đinh, xây dựng nhà Tiền Lê. Đây là việc làm phù hợp với lòng trời, lòng dân. Bà là người phụ nữ thức thời yêu nước, nghĩ đến vận mệnh đất nước là trên hết, bỏ ngoài tai lời bàn tán, phản đối, thậm chí cả những dư luận rất xấu của triều đình lúc bấy giờ. Và một lần nữa, vượt trên những người phụ nữ đương thời dám tự quyết đoán tình cảm riêng tư theo tiếng gọi của con tim, bà chia sẻ hạnh phúc với Lê Hoàn, góp phần xây dựng đất nước sau chiến thắng. Bà qua đời năm 1000. Dương Vân Nga chính là người phụ nữ nổi tiếng vô tiền khoáng hậu trong lịch sử dân tộc Việt Nam. Trong lịch sử nước ta cũng có hoàng hậu hai vua, đó là công chúa Lê Ngọc Bình – em của công chúa Lê Ngọc Hân, nhưng về tài đức thì không thể nào so sánh với Dương Vân Nga.
Nam Thiên Đệ Tam Động – Địch Lộng
Động đẹp thứ 3 trời Nam nằm ở xã Gia Thanh, huyện Gia Viễn. Động có từ lâu lắm rồi, nhưng tương truyền người dân nơi đây đi kiếm củi đã phát hiện ra động năm 1739. vào trong động có rất nhiều nhũ đá tuyệt đẹp, đặc biệt một nhũ đá có hình giống tượng Phật nên họ đã lập bàn thờ Phật ngay từ đó. Theo văn bia để lại thì mãi đến năm Canh Thân triều vua Lê Hiển Tông niên hiệu Cảnh Hưng thứ nhất (1740) động mới được biến thành chùa để thờ Phật. Muốn lên chùa Địch Lộng phải leo lên 105 bậc đá mới tới nơi, vì động ở lưng chừng một quả núi hùng vĩ. Do ở độ cao, động dài, nhũ đá lại thắt ở giữa nên gió thổi vào động phát ra âm thanh của đá nghe như tiếng sáo, động chính là cây sáo khổng lồ bằng đá do sự sắp đặt tài tình của thiên nhiên giữa đất trời mênh mông bao la. Tên Địch Lộng có nghĩa là thế (Địch là sáo, Lộng là gió).
Theo tấm bia tạc năm Tự Đức thứ 7 (1854) ở chùa Địch Lộng vào năm 1821, trong chuyến ra Bắc Hà khi trở về kinh đô, vua Minh Mạng nghe tiếng đồn Địch Lộng đẹp nên đã ghé thăm. Nhà vua ngự thuyền sắp phải chui qua Kẽm Trống thì có một viên cận thần ngồi chung thuyền đọc cho vua nghe bài thơ Nôm “Kẽm Trống “ của bà chúa thơ Nôm Hồ Xuân Hương:
Hai bên thì núi, giữa thì sông
Có phải đây là Kẽm Trống không?
Gió giật sườn non khua lắc cắc
Sóng dồn mặt nước vỗ long bong
Ở trong hang núi còn hơi hẹp
Ra khỏi đầu non đã rộng thùng
Qua cửa mình ơi nên ngắm lại
Nào ai có biết nỗi vân bồng
Vua nghe xong mặt đỏ bừng tức giận, liền hạ lệnh dừng thuyền, cho đòi viên quan địa phương đến truyền bắt đốc thúc ngay nhân dân huyện Gia Viễn phải đào một con sông khác vòng qua núi Kẽm Trống để ngự thuyền tham quan Địch Lộng. Khi sông đào xong, vua Minh Mạng ngự thuyền đến thăm Địch Lộng mới thấy quả là một cảnh đẹp diệu kỳ. Nhà vua liền tặng cho 5 chữ: “Nam Thiên Đệ Tam Động”.
Đạo Thiên Chúa – Quá Trình Du Nhập Đạo Thiên Chúa Vào Việt Nam
Đạo Thiên Chúa (Catholique – còn gọi là Công giáo Gia tô giáo) thờ chúa Jésu, một biến thể (một nhánh) của đạo Kitô (còn gọi là đạo Cơ đốc hay Cơ đốc giáo).
Đạo Kitô ra đời vào nửa cuối thế kỷ I trong các tỉnh phía Đông của đế chế La Mã, với tính cách là tôn giáo của những người nô lệ và những người cần lao bị áp bức. Với thời gian, nó chuyển thành tôn giáo của những giai cấp thống trị và được chấp nhận là Quốc giáo. Vào khoảng năm 974 đến 1054, đạo Kitô phân liệt, ra đời hai khuynh hướng (nhánh) là: Công giáo (Catholique – nghĩa là chung cho toàn thế giới), ra đời ở phía Tây La Mã, lấy Rome làm trung tâm nên còn được gọi là Công giáo La Mã hay La Mã giáo) và Chính thống giáo (Orthodoxie – Byzance làm trung tâm – nên còn được gọi là Đông Chính giáo). Đến năm 1520, từ khối Công giáo La Mã (Đạo Thiên Chúa) đã tách ra một dòng mới là đạo Tin Lành (Proteslatisme). Học thuyết cơ bản của đạo Kitô là học thuyết về chúa Jésu là con của đức Chúa Trời – đức Chúa Giáng Thế, chịu đau khổ rồi chết, sau đó hồi sinh để chuộc tội tổ tông cho con người. Cuộc đời trần thế, theo đạo Kitô, là một chỗ dừng tạm thời đối với con người, là sự chuẩn bị để bước sang cuộc sống vĩnh viễn sau khi chết (thiên đàng). Giáo lý của đạo Kitô chứa đựng trong hai cuốn kinh Cựu Ước và Tân Ước. Những điểm cơ bản của giáo lý Đạo Thiên Chúa là: khẳng định Chúa Ba Ngôi (Đức Chúa Cha/Trời – Đức Chúa Con/Chúa Jésu – Thánh Thần); giáo lý về 10 điều răn, 7 phép bí tích; về địa vị tối cao và tuyệt đối của Giáo Hoàng La Mã với tư cách người thay mặt chúa Jésu và về sự không thể sai lầm của Giáo Hoàng trong công việc tín ngưỡng; giáo sĩ không được kết hôn, làm lễ phải bằng tiếng Latin, việc thờ Đức Mẹ Maria đặc biệt phát triển v.v…
Co quan đầu não đồng thời là trụ sở của người đứng đầu và các cơ quan của Giáo hội Thiên Chúa là Tòa thánh Vatican (một thành phố – quốc gia nằm giữa thủ đô Rome của Italy, có diện tích 0,44km2). Theo Hiệp ước đã ký giữa Giáo Hoàng Pi XI và chính phủ của Mutsolini ngày 11/2/1929, lãnh thổ Tòa thánh Vatican được công nhận là một quốc gia riêng, có đội vệ quân, có đồng tiền, ký hiệu bưu điện, đài phát thanh, báo chí và nhà tù riêng. Từ đó, Vatican vừa là cơ quan Trung Ương của Giáo hội Đạo Thiên Chúa vừa là một quốc gia độc lập dưới sự điều hành của Giáo Hoàng.
Hệ thống tổ chức dưới quyền giáo triều Vatican gồm có Cơ quan Giáo hội ở các quốc gia, giáo phận, giáo xứ. Giáo Hoàng do Hồng Y đoàn bầu ra và giữ chức vụ cho đến hết đời. Hỗ trợ cho Giáo Hoàng về mọi mặt là Giám mục đoàn. Khi cần quyết định những vấn đề lớn của Giáo hội Thiên chúa, Giáo Hoàng có thể triệu tập đại hội gọi là Cộng đồng, gồm tất cả các Giám mục trên thế giới, bề trên các dòng tu và một số tu sĩ cao cấp (Lịch sử của Giáo hội đã qua 21 Đại hội cộng đồng). Bên cạnh các tổ chức mang tính chất hoàn chỉnh trên, trong Đạo Thiên Chúa còn có hệ thống các Dòng Tu. Đó là những cộng đồng tín hữu từ bỏ cuộc sống trần thế để cống hiến trọn đời cho việc đạo để góp phần xây dựng Giáo hội và “cứu rỗi cho nhân loại”. Trên thế giới hiện có trên 400 Dòng Tu.
Trong mấy thập kỷ gần đây, Đạo Thiên Chúa có xu hướng hiện đại hóa giáo lý và sự thờ cúng, cho phép được làm lễ bằng tiếng địa phương, đào tạo giáo sĩ người địa phương… Nhằm củng cố vị trí của đạo trong quần chúng. Người ta gọi đó là “đường lối thích nghi thời đại” của Đạo Thiên Chúa.
Hiện nay, Đạo Thiên Chúa là tôn giáo lớn nhất thế giới, có mặt ở hầu hết các châu lục. Theo thống kê vào năm 1988, Đạo Thiên Chúa có 902 triệu tín đồ.
Đạo Thiên Chúa được truyền vào Việt Nam từ những thập niên đầu của thế kỷ XVI. Sách Khâm Định Việt sử Thông giám cương mục chép rằng “năm Nguyên Hòa, đời vua Lê Trang Tông (năm 1533) có một thương nhân tên là Inekhu (Ignatio) đi đường biển lén vào giảng đạo Gia tô ở Ninh Cường, Quần Anh thuộc huyện Nam Chấn và làng Trà Lũ thuộc huyện Giao Thủy” (Nay thuộc tỉnh Nam Định). Thời kỳ từ 1533 đến 1614, chủ yếu là các giáo sĩ dòng Phanxitô Bồ Đào Nha và dòng Đa Minh Tây Ban Nha theo những thuyền buôn vào nước ta truyền giáo. Khi Đạo Thiên Chúa đã phát triển ở Việt Nam, năm 1645, giáo sĩ Alexandre De Rhodes (giáo dân quen gọi là cha Đắc Lộ), là giáo sĩ người Pháp đầu tiên được cử sang Việt Nam. Thái độ của các vương triều phong kiến Việt Nam đối với Đạo Thiên Chúa qua các thời kỳ có khác nhau. Trong thế kỷ XVII, chính quyền Trịnh – Nguyễn nhiều lần ra lệnh cấm đạo, trục xuất giáo sĩ. Tuy vậy, nhiều giáo sĩ vẫn lén lút hoạt động, trong đó có một số giáo sĩ hoạt chuẩn bị cơ sở cho những hoạt động xâm lược của thực dân Pháp. Chính sách với Đạo Thiên Chúa của nhà Nguyễn lúc thì cho phép, lúc thì cấm đoán ngặt nghèo.
Trải qua quá trình lịch sử, Đạo Thiên Chúa ở Việt Nam đã tồn tại với tư cách là một tôn giáo lớn trong đời sống tư tưởng văn hóa. Với đường lối thích nghi thời đại của mình, Giáo hội Thiên Chúa cho phép giáo dân Việt Nam theo đạo nhưng vẫn được thờ cúng tổ tiên. Đảng và Nhà nước ta luôn luôn tôn trọng tự do tín ngưỡng của nhân dân, động viên giúp đỡ các giáo dân hoạt động theo tinh thần “Kính Chúa Yêu Nước”, “Tốt Đạo Đẹp Đời”. Một số nhà thờ Đạo Thiên Chúa đã được xếp hạng là Di tích nghệ thuật kiến trúc, điển hình là Nhà thờ đá Phát Diệm (Ninh Bình).