NHỮNG ĐIỀU CHƯA BIẾT VỀ CHÚA TIÊN NGUYỄN HOÀNG

NHỮNG ĐIỀU CHƯA BIẾT VỀ CHÚA TIÊN NGUYỄN HOÀNG
Sau khi được người anh rể đầy mưu toan là Trịnh Kiểm đồng tình trong việc Nguyễn Hoàng xin đi trấn nhậm ở phương Nam và được vua Lê Anh Tông chấp thuận, Nguyễn Hoàng đã cùng với người cậu (em ruột mẹ) là Thái Phó Uy Quốc Công Nguyễn Ư Dĩ (có tài liệu nói là Nguyễn Ư Kỷ) bàn tính phương cách để sớm lên đường.
Sau này, nhiều tài liệu nghiên cứu lịch sử đã viết lại rằng, trong đoàn quân hùng hậu Nam tiến vào tháng 10 năm Mậu Ngọ (1558) ấy, Nguyễn Hoàng đã mang theo gia quyến cùng những tướng sĩ thân tín như: Thạch Xuyên, Văn Nham, Tường Trung, Tường Lộc… hai gia tướng của cha mình là Vũ Thì An, Vũ Thì Trung cùng với hàng nghìn đồng hương ở huyện Tống Sơn và đương nhiên là có cả gia quyến của Thái phó Nguyễn Ư Dĩ.
Điểm dừng chân đầu tiên của đoàn quân Nam tiến ấy là cửa Việt Yên (nay là Cửa Việt). Tại đó, Nguyễn Hoàng đã cho quân binh của mình đóng trại ở Gò Phù Sa, xã Ái Tử, huyện Đăng Xương (hay còn gọi là Vũ Xương) thuộc huyện Triệu Phong của tỉnh Quảng Trị ngày nay.
Lúc bấy giờ, Lưu thủ Thuận Hóa là Tống Phướng Trị người ở Tống Sơn, Thanh Hóa đã tìm đến để vái chào Nguyễn Hoàng đồng thời dâng lên cho Nguyễn Hoàng bản đồ và sổ sách trong xứ và xin được một lòng phò tá. Người dân địa phương cũng hết sức vui mừng khi hay tin triều đình nhà Lê đã cử một vị quan lớn vào trấn nhậm xứ sở của mình nên đã đón tiếp quan Trấn thủ vô cùng trọng thể, đồng thời tôn xưng Nguyễn Hoàng là nhà Chúa. Nhân dịp này, những bô lão trong xứ đã mang đến dâng lên nhà Chúa 7 vò nước tinh khiết.
Quan Thái phó Nguyễn Ư Dĩ nhìn thấy việc làm đó của nhân dân đã nói với Nguyễn Hoàng rằng: "Cháu mới đến trấm nhậm đất này mà được người dân dâng nước cho, ấy là điềm được nước vậy". Nguyễn Hoàng mừng vui khôn xiết và xem đó như là một điềm đại cát cho mình, đặc biệt là khi ông nhớ lại câu khuyên bảo của Trạng Trình Nguyễn Bỉnh Khiêm: "Hoành sơn nhất đái, vạn đại dung thân".
Cùng với những gì mà bản thân Nguyễn Hoàng đã nhìn thấy, ông chắc rằng lòng dân nơi đây đã thần phục, vì lẽ đó mà ngay từ những ngày đầu tiên đến dựng nghiệp ở vùng đất mới, Nguyễn Hoàng đã tự hứa với lòng mình là sẽ bằng mọi cách để biến vùng đất nghèo nàn, khắc khổ này thành một vùng đất trù phú để làm đất "dung thân" cho mình và con cháu về sau. Tuy nhiên, tận trong sâu thẳm lòng mình, Nguyễn Hoàng vẫn không khỏi e dè không những vì đây là một vùng đất chướng khí mà còn là vùng đất giặc giã như rươi. Ngoài việc quân nhà Mạc, Chiêm Thành, Chân Lạp thường xuyên đánh phá thì bên trong vẫn tồn tại bọn cướp biển, giặc cỏ nổi lên càn quấy…
Cũng xin được nói thêm rằng: Thuận Hóa là địa phận của hai châu Ô, Lý mà xưa kia là quận Ulik của Chiêm Thành. Mảnh đất rộng lớn này là quà sính lễ của Vua Chiêm Thành, Chế Mân Shimhavarman Đệ tam dâng lên Vua Trần Anh Tông để cưới Công chúa Huyền Trân về làm vợ. Ngày Chế Mân chết, theo tục lệ của Chiêm Thành thời ấy thì Hoàng hậu phải lên giàn hỏa thiêu theo xác vua. Nhưng Thượng tướng nhà Trần là Trần Khắc Chung vì si tình người đẹp mà đã âm thầm vượt biển vào đất Chiêm Thành để giải cứu Huyền Trân mang về nước. Từ đó, người Chiêm Thành nổi giận nên đã nhiều lần kéo quân ra đánh Bắc Hà. Mãi hơn một thế kỷ sau, Vua Lê Thái Tông mới đánh thắng Chiêm Thành để làm chủ hẳn đất Ulik. Tuy nhiên, vì mối hận xưa nên thỉnh thoảng quân Chiêm Thành cũng tràn sang đánh phá.
Có thể nói rằng, đất Thuận Hóa thời Nguyễn Hoàng mới đến trấn nhậm là một mảnh đất rộng lớn bao la, hầu như là chưa có bàn tay của con người đến khai phá. Dân tình lúc ấy chủ yếu kéo nhau đến lập làng ở những vùng gần sông suối, họ chỉ khai phá những vùng đất màu mỡ để trồng trọt lúa, ngô, khoai, đậu để phục vụ cuộc sống qua ngày. Vì vậy mà Nguyễn Hoàng đã cho dân tự do khai hoang lập hóa. Ai có sức khai hoang được bao nhiêu thì được quyền làm chủ đất ấy, và cũng chính nhờ vào chính sách khuyến khích cùng với sự giúp đỡ của chính quyền trong việc khai hóa đất đai mà lãnh thổ cứ ngày một được nới rộng.
Như một lẽ thường tình trong cuộc sống, cứ vùng đất nào màu mỡ, trù phú thì người dân lại kéo nhau về sinh sống, rồi họ lập nên chợ để giao thương, họ đào thêm kênh mương để tưới tiêu và rút ngắn hệ thống giao thông nội địa… Chẳng mấy chốc, vùng đất vốn được xem là "khỉ ho cò gáy" khi Nguyễn Hoàng mới đến để lập dinh trại nay đã là một miền đất hứa cho dân chúng ở vùng Thanh - Nghệ di cư vào định cư.
Những ngày đầu dựng nghiệp ở đất phương Nam, Nguyễn Hoàng đã rất quan tâm đến việc thu phục lòng người. Với sự giúp sức tận tình của Thái phó Nguyễn Ư Dĩ, Nguyễn Hoàng đã có rất nhiều việc làm khiến lòng dân hoan hỉ như việc ông cho bố cáo chiêu hiền đãi sĩ, ông ra lệnh giảm thuế cho dân, việc sai dịch cũng được giảm tối đa, chỉ trừ những trường hợp quá ư cần thiết… Ông lo cho dân chúng trong xứ sở ông trấn nhậm được an cư lạc nghiệp ngay sau khi di trú đến vùng đất mới, hành trình ấy đã phải trải qua không biết bao nhiêu gian khó, nhưng nhờ ông là một con người có đầu óc tổ chức tốt nên mọi khó khăn cũng được hóa giải.
Bên cạnh việc lo cho dân có một đời sống sung túc, ông còn cùng với những cận thần thân tín của mình tổ chức nên một lực lượng quân đội hùng mạnh. Có như vậy ông mới đủ sức để chống lại giặc ngoại xâm, đủ sức để đương đầu với quân nhà Mạc, với bọn cướp biển manh động quấy phá cả một vùng lãnh hải rộng lớn…