MỘ HÀN MẶC TỬ Ở ĐÂU ?
Hôm mình đăng về cuộc đời Hàn Mặc Tử thông qua các người yêu có bạn đã hỏi về mộ của thi sĩ ở Ghềnh Ráng là giả nên mình xin trả lời bạn đó là mộ thật nhé .Đây là bài đăng hoàn chỉnh về giáo xứ Quy Hòa và việc cải táng mộ Hàn Mặc Tử từ Quy Hòa về ghềnh ráng .Nguyên nhân cải táng theo mình tìm hiểu từ hội văn học nghệ thuật Bình Định là do nguyện ước của ông lúc sống là được chôn tại đồi thi nhân ,nơi các thi sĩ bình định
tìm nguồn cảm hứng trong thi ca.
GIÁO XỨ QUY HÒA VÀ MỘ HÀN MẶC TỬ
- Nằm cách thành phố Quy Nhơn khoảng 5km về hướng tây nam, giáo xứ Quy Hòa do cha Paul Maheu, một linh mục dòng Thừa Sai người Pháp và bác sĩ Le Moine, người đứng đầu ngành y tế Quy Nhơn, thành lập vào năm 1929.
tìm nguồn cảm hứng trong thi ca.
GIÁO XỨ QUY HÒA VÀ MỘ HÀN MẶC TỬ
- Nằm cách thành phố Quy Nhơn khoảng 5km về hướng tây nam, giáo xứ Quy Hòa do cha Paul Maheu, một linh mục dòng Thừa Sai người Pháp và bác sĩ Le Moine, người đứng đầu ngành y tế Quy Nhơn, thành lập vào năm 1929.
Kiến trúc độc đáo, phong cảnh hữu tình
Hơn 80 năm trước, linh mục Paul Maheu (1869-1931) đã tìm ra thung lũng Quy Hòa và có một tâm niệm: tạo lập một không gian gián cách với thế giới bên ngoài để xây dựng khu điều trị bệnh phong. Ngày nay, nhà thờ Quy Hòa cùng thung lũng tuyệt đẹp này đã trở thành một quần thể kiến trúc tâm linh độc đáo.
Bệnh viện Laproserie de Quy Hòa là một điểm nhấn đặc biệt trong quần thể kiến trúc này. Ban đầu nó chỉ gồm vài căn nhà xây để làm nơi điều trị, nơi ở của các xơ. Vào năm 1932, một trận bão rất lớn đã cuốn phăng tất cả. Nhân đó, người ta đã xây dựng lại bệnh viện và nhà ở kiên cố cho người bệnh phong. Nữ tu Ozithe vốn là một kiến trúc sư nên bà đã quy hoạch lại toàn bộ bệnh viện và khu nhà ở của bệnh nhân.
Trong khoảng từ năm 1932-1958, quần thể nhà thờ và hàng trăm ngôi nhà lần lượt được xây dựng như một công viên khổng lồ. Nhà thờ Quy Hòa có kiến trúc đơn giản nhưng tạo cảm giác yên bình về một nơi trú ẩn tinh thần của người phong. Bên cạnh nhà thờ còn có tháp chuông, sân khấu ngoài trời, công viên, chợ và những gian hàng lưu niệm.
Quy Hòa hiện nay có khoảng 300 ngôi nhà nhỏ với kiểu dáng kiến trúc xinh đẹp. Nhà của bệnh nhân phong đều là nhà trệt, tạo điều kiện để bệnh nhân sống thoải mái. Hàng hiên trước bằng gạch bông, đá xanh, không có hàng rào... Bất cứ nhà nào cũng có một vườn hoa nhỏ trước nhà. Công viên có gần 40 tượng danh nhân y học, từ Hipocrate đến Hải Thượng Lãn Ông và cả các danh y hiện đại. Mặc cho bom đạn chiến tranh tàn phá, Quy Hòa vẫn bảo tồn được phần lớn kiến trúc hồi đầu thế kỷ 20.
Đến với giáo xứ Quy Hòa, ai cũng muốn được ghé thăm căn phòng của nhà thơ Hàn Mặc Tử. Ngày 29-9-1940, bệnh nhân phong Nguyễn Trọng Trí nhập viện Quy Hòa. Ở đây, chàng chỉ biết đi nhà thờ, đọc kinh cầu nguyện Đức Mẹ Maria ân phước. Sự tuyệt vọng đã đẩy thi nhân lại gần với Chúa để giải tỏa những ẩn ức và khát vọng. Chàng đã tìm thấy trong Kinh Thánh những lời hóa giải cho những đau thương. Chúa là nguồn động viên lớn nhất với chàng: “Cho tôi dâng lời cảm tạ phò nguy/ Cơn lâm nguy vừa trải qua dưới thế.../ Tôi van lơn thầm nguyện Chúa Giêsu/ Ban ơn xuống cho mùa xuân hôn phối”...
Hàn Mặc Tử trút hơi thở cuối cùng vào ngày 11-11-1940. Mộ nhà thơ được đặt ở chân núi Quy Hòa. 19 năm sau, mộ Hàn Mặc Tử ở Quy Hòa được cải táng ra Ghềnh Ráng ngày 13-2-1959, đặt trên đồi Thi Nhân. Trên đầu bia mộ, tượng Đức Mẹ Maria hai tay dang rộng, mắt hiền từ như nhìn xuống một thể xác tàn tạ vì bệnh tật, một linh hồn đớn đau xin cứu rỗi. Dưới chân tượng khắc dòng chữ: "Nơi đây yên nghỉ trong tay mẹ Maria Hàn Mặc Tử tức Phêrôphanxico Nguyễn Trọng Trí, thứ nam của Nguyễn Duy Toan và Nguyễn Thị Duy. Sinh ngày 22-9-1912 tại Lệ Mỹ, Quảng Bình, tử ngày 11-11-1940 tại Quy Hòa, Quy Nhơn".
Năm 1991, trên mộ cũ của Hàn ở Quy Hòa, người ta đã xây dựng một đài tưởng niệm. Bệ lớn dưới chân tượng đài thể hiện Hàn Mặc Tử là người góp phần đặt nền móng cho thơ ca Việt Nam hiện đại. Trên bệ là hình cuốn sách lật ngửa, như trang đời và trang thơ của Hàn Mặc Tử còn dở dang. Phần trên đỉnh vừa tượng trưng cho hình ảnh bút nghiên của thi sĩ vừa là hình cây thánh giá. Bờ tường trước đài thể hiện hình ảnh vầng trăng luôn ẩn hiện trong thơ Hàn. "Ta bay lên, ta bay lên!/ Gió tiễn đưa ta với nguyệt thiềm/ Ta ở cõi cao nhìn trở xuống/ Lâng lâng mây khói quyện trăng đêm".
Quy Hòa là một nơi được nhiều tổ chức y tế quốc tế đánh giá cao bởi thành tích xóa dần nỗi e ngại, lấp dần hố sâu ngăn cách giữa thế giới người phong với xã hội bên ngoài. Từ nhiệm vụ chữa trị và nghiên cứu bệnh phong, Quy Hòa đã thành điểm du lịch sinh thái và văn hóa hấp dẫn du khách yêu mến thơ Hàn Mặc Tử.