LÝ CHIÊU HOÀNG - VỊ VUA NỮ DUY NHẤT CỦA CHẾ ĐỘ PHONG KIẾN VIỆT NAM

LÝ CHIÊU HOÀNG - VỊ VUA NỮ DUY NHẤT CỦA CHẾ ĐỘ PHONG KIẾN VIỆT NAM
Lý Chiêu Hoàng (Chiêu Thánh công chúa) còn có tên là Phật Kim, sinh vào tháng 9 Mậu Dần (1218). Bà là con gái thứ hai của vua Lý Huệ Tông và Hoàng hậu Trần Thị Dung. Lý Huệ Tông vào cuối đời thường hay rượu chè, lại bị lâm bệnh, có lúc gần như điên loạn, không thể cáng đáng nổi việc triều chính.
Vào thời Lý Huệ Tông, có một nhân vật nổi tiếng họ Trần tên là Trần Thủ Độ. Ông ta làm quan đến chức Điện tiền chỉ huy sứ, nắm giữ mọi việc về quân sự. Thủ Độ có quyền hành rất lớn, có tài năng, nhưng cũng là con người đầy mưu mô, xảo quyệt. Từ lâu, Trần Thủ Độ đã có ý đồ lật đổ nhà Lý, đưa nhà Trần lên thay. Lợi dụng tình trạng của Lý Huệ Tông như vậy, ông ta đã ép nhà vua phải từ bỏ ngôi báu để đi tu ở Chùa Chân Giáo và xuống chiếu lập Chiêu Thánh làm Hoàng Thái tử rồi nhường ngôi cho con vào tháng 10 năm Giáp Thân (1224).
Chiêu Thánh lên ngôi đổi niên hiệu là Thiên Chương Hữu Đạo. Ngồi ở ngôi báu khi mới 7 tuổi, còn rất non nớt, chưa biết gì, vì vậy trên thực tế Trần Thủ Độ giữ quyền nhiếp chính. Thật ra, khi đó trong hoàng tộc nhà Lý vẫn còn những nhân vật kiệt xuất như Lý Long Tường, Lý Quang Bật… nhưng thế lực của các ông này rất mỏng, không đủ sức đối đầu với thế lực của Trần Thủ Độ.
Theo kịch bản đã chuẩn bị sẵn, Thủ Độ đưa Trần Cảnh, cháu họ của mình vào cung giữ chức chánh thủ, chuyên lo công việc hầu hạ Lý Chiêu Hoàng. Trần Cảnh rất biết giữ lễ vua tôi. Khi nói với Chiêu Hoàng đều “tâu Bệ Hạ” và xưng thần. Cùng tuổi (cả Trần Cảnh và Chiêu Hoàng đều sinh năm 1218), lại đẹp trai, tư chất thông minh, tính tình rất dễ chịu, nên ngay từ buổi đầu Lý Chiêu Hoàng đã có cảm tình với Trần Cảnh, thậm chí rất quý mến (có một số nhà nghiên cứu cho rằng Lý Chiêu Hoàng đã yêu Trần Cảnh từ lúc đó).
Thấy thời cơ đã đến, Trần Thủ Độ lập tức tiến tới một bước ngoặt quyết định: Thuyết phục (thực chất là ép) Lý Chiêu Hoàng lấy Trần Cảnh và lập tức nhường ngôi cho chồng. Thế là ngày 11 tháng 12 năm Ất Dậu (tức tháng 1-1225 dương lịch) Trần Cảnh chính thức lên ngôi vua, lấy miếu hiệu là Trần Thái Tông và lập Lý Chiêu Hoàng làm Hoàng hậu. Để trả công Trần Thủ Độ đã đưa mình lên ngôi vua, Trần Thái Tông phong cho Thủ Độ làm Thái sư (chức quan cao nhất trong triều đình phong kiến).
Thế là từ đó Thủ Độ trở thành nhân vật có quyền lực tuyệt đối, đến nỗi vua còn phải gọi là Thượng phụ.
Mối tình giữa Trần Cảnh và Lý Chiêu Hoàng lúc đầu rất đẹp. Họ rất thương yêu nhau. Nhưng 12 năm chung sống với Trần Cảnh, Chiêu Hoàng (Hoàng hậu Chiêu Thánh) vẫn chưa sinh được một người con nào. Thủ Độ sợ họ Trần tuyệt tự, không có người nối dõi nên đã ép Trần Cảnh phải phế ngôi Hoàng hậu của Chiêu Thánh và lấy Thuận Thiên (chị ruột của Chiêu Thánh) làm vợ rồi lập làm Hoàng hậu. Lúc này Thuận Thiên đã có chồng và đã có thai ba tháng (chồng của Thuận Thiên là Trần Liễu, anh ruột Trần Cảnh). Trước sức ép đó cả hai anh em Trần Liễu-Trần Cảnh đều phản ứng khá quyết liệt. Trần Liễu nổi loạn nhưng bị Thủ Độ dẹp ngay; còn Trần Cảnh bất mãn rời kinh thành, trốn lên chùa Phù Vân ở núi Yên Tử nhưng Thủ Độ cũng đưa quân lính đến “rước”, thực chất là áp giải về kinh.
Mất ngôi vua vào năm 1225, thì một năm sau (1226) Chiêu Hoàng lại mất cha, cũng do một tay Trần Thủ Độ đạo diễn. Thủ Độ đã ép Lý Huệ Tông phải tự vẫn. Ngay sau khi Lý Huệ Tông chết, Thủ Độ lập tức cưới Trần Thị Dung (vợ vua Lý Huệ Tông và là mẹ đẻ của Thuận Thiên, Chiêu Thánh) làm vợ. Thế là chỉ trong vòng mười hai năm, Chiêu Hoàng đã phải trải qua những bi kịch quá lớn: mất ngôi vua, sau đó mất cả ngôi Hoàng hậu để chị ruột thế chỗ của mình; mất cha; phải chứng kiến cuộc hôn nhân đầy tai tiếng của mẹ ruột với kẻ thù (Trần Thủ Độ). Ôi! hỏi còn nỗi đau nào lớn hơn thế nữa?!
Liên tiếp trải qua những nỗi đau, Chiêu Thánh ẩn mình trong cung sâu, toan dứt nợ trần tục. Nhưng may thay, 20 năm sau, khi tròn 40 tuổi hạnh phúc lại đến với Bà. Buộc phải phế ngôi Hoàng hậu của Chiêu Thánh nên vua Trần Thái Tông rất thương người vợ cũ. Cho nên đúng vào ngày mùng một Tết năm Mậu Ngọ (1258), sau khi đánh tan quân Nguyên, vua Thái Tông đặt đại lễ ở chính điện, ban lệnh gả Chiêu Hoàng cho Lê Phụ Trần, một đại tướng có công lớn trong cuộc kháng chiến vừa qua. Lần này Chiêu Hoàng tìm thấy hạnh phúc thật sự. Bà và Lê Phụ Trần sinh được hai người con. Lê Tông, con đầu còn có tên khác là Lê Phụ Hiền. Lê Tông cũng thông minh, tài giỏi lại được Chiêu Thánh dạy bảo rất tốt nên cũng trở thành một nhân vật xuất chúng. Ông được phong tước Thượng vị hầu, sau đó được ban quốc tính, mang họ Trần và đổi tên là Trần Bình Trọng (Sách Đại việt sử ký toàn thư ghi tên là Thượng vị hầu Tông). Chiêu Hoàng và Lê Phụ Trần còn có người con thứ hai là Ngọc Khê, sau cũng được phong là Ứng Thụy Công chúa.
Đầu năm 1278, Chiêu Hoàng về thăm lại làng quê xưa (làng Đình Bảng, Từ Sơn, Bắc Ninh-khi đó gọi là làng Cổ Pháp hay làng Báng). Rồi tháng 3 năm đó bà mất, thọ 61 tuổi. Bà không được chôn cùng tôn thất nhà Lý mà phải chịu cảnh đìu hiu một mình ở góc phía Tây khu rừng Báng. Khi đền Đô được xây dựng, bà cũng không được thờ ở đó. Đền Đô chỉ thờ tám vị vua nhà Lý, từ vị vua đầu là Lý Thái Tổ đến vị vua thứ tám là Lý Huệ Tông. Còn bà-vị vua thứ chín của nhà Lý thì người ta thờ ở ngôi đền có tên là Long miếu điện (thường gọi là đền Rồng) thuộc thôn Long Vĩ, phường Đình Bảng, Từ Sơn, Bắc Ninh ngày nay. Cả Đền Đô và đền Rồng đều được xây dựng ở Đình Bảng nhưng người ta chỉ biết đến Đền Đô, còn Đên Rồng thì hầu như bị lãng quên vì nó quá nhỏ bé, ọp ẹp, bạc phếch mầu thời gian và hương lạnh, khói tàn.
Tại sao Đền Đô không thờ Lý Chiêu Hoàng? Người ta thường đưa ra mấy lý do: Một là, bà đã để nhà Trần cướp ngôi nhà Lý. Hai là, sau khi bị phế ngôi Hoàng hậu, bà lại tái giá, lấy chồng. Như vậy bà không còn là người của tôn thất họ Lý nữa.
Theo tôi, cả hai lý do trên đều thiếu tính thuyết phục. Bởi vì, từ vị vua thứ bảy là Lý Cao Tông, nhà Lý đã bắt đầu suy vong. Nhà Lý sụp đổ là tất yếu khách quan. Nếu họ Trần không thay thế thì cũng sẽ có một lực lượng khác thay thế. Vả lại, nếu Lý Chiêu Hoàng không chịu lấy Trần Cảnh và nhường ngôi cho chồng thì tất yếu sẽ xảy ra một cuộc đảo chính đẫm máu. Vậy thì không nên đổ lỗi cho Lý Chiêu Hoàng. Còn việc bà lấy chồng khác cũng là lẽ thường tình. Vả lại, đây vừa là ý muốn, vừa là quyết định của vua Trần Thái Tông. Sau khi tái giá, bà đã sinh hạ được một người con xuất chúng mà sử sách còn lưu danh đó là Trần Bình Trọng. Vậy việc bà tái giá sao có thể gọi là tội lỗi?! Gần đây, tiến sỹ Phật học Thích Đức Thiện nêu ra lý do Chiêu Hoàng không được thờ ở Đền Đô chỉ vì tư tưởng trọng nam khinh nữ của chế độ phong kiến. Quan điểm này được rất nhiều người, kể cả các sử gia có tên tuổi đồng tình. Tôi-tác giả bài viết này cũng tán thành. Nếu nói về tội thì ông nội bà là Lý Cao Tông (vị vua thứ bảy) và cha đẻ của bà là Lý Huệ Tông (vị vua thứ tám) còn có tội lớn hơn nhiều. Vậy sao hai vị vua này cũng được thờ ở Đền Đô?!
Mỗi lần về quê, tôi đều đến thăm Đền Đô và Đên Rồng. Trong tôi nảy sinh sự so sánh và cảm thấy chạnh lòng, ứa lệ. Ôi! vị vua bà duy nhất trong lịch sử các triều đại phong kiến Việt Nam, không có tội gì, thậm chí còn có công. Trần Thái Tông đã từng nói với Lý Chiêu Hoàng: “Ái khanh đã hy sinh rất lớn cho đất nước, cho cơ nghiệp nhà Trần và cho sự nghiệp của Trẫm”. Có công như vậy, thế mà cho đến tận ngày nay, Chiêu Hoàng vẫn phải chịu cảnh hẩm hiu như vậy sao?!
Nếu nhận định, đánh giá lịch sử thật khách quan, công bằng thì rất nên đưa Lý Chiêu Hoàng về Đền Đô thờ chung với tám vị vua đã nêu của Vương triều Lý.
(Tiến Hải)