Hồ Con Rùa không phải là hồ tự nhiên, và giờ cũng không thấy con rùa nào. Hãy tìm hiểu lịch sử hình thành, gắn liền với sự thịnh suy của các “triều đại” cũ đất Sài thành.
- Trước 1836: là cổng thành
Trước năm 1790, vị trí này là cổng thành Bát Quái (tiền thân của thành Gia Định) do Gia Long xây dựng. Sau năm 1833, Lê Văn Khôi, con nuôi Lê Văn Duyệt chiếm thành, chống lại triều đình. Đến năm 1836, quân triều đình lấy lại thành và phá bỏ để xây thành mới là Gia Định. Lúc này, cổng thành Bát Quái cũ trở thành nằm bên ngoài thành, trên đường xuống bến sông.
- Thời Pháp: là tháp nước
Người Pháp chiếm được thành Gia Định, san phẳng vào năm 1859 và tiến hành quy hoạch lại Thành phố. Vị trí Hồ Con Rùa hiện nay nằm ngay cuối con đường dẫn ra bến sông được đánh số 16. Trên con đường này, dinh Thống đốc đầu tiên được xây dựng. Năm1865, Thống đốc Nam Kỳ đặt tên con đường số 16 là đường Catinat. Một tháp nước cũng được xây dựng ở vị trí Hồ Con Rùa để cung cấp nước cho dân cư.
Đến năm 1921 thì tháp nước bị phá bỏ do không đủ sức đáp ứng nhu cầu phát triển.
- Sau 1921: là giao lộ
1921, con đường Catinat được mở rộng nối dài đến đường Mayer (đường Võ Thị Sáu). Từ đó vị trí này trở thành giao lộ như ngày nay, với tên gọi là Công trường Maréchal Joffre. Cắt giao lộ là đường Testard (Võ Văn Tần bây giờ) và đường Larclauze (Trần Cao Vân).
Tại vị trí này, người Pháp đã cho xây dựng một tượng đài ba binh sĩ Pháp, người dân ở đây thường gọi là Công trường ba hình. Đến năm 1956 thì bị người Việt phá bỏ, chỉ còn lại hồ nước nhỏ trong quần thể tượng đài và được đổi tên thành Công trường Chiến sĩ.
- Tổng thống Thiệu: xây Hồ Con Rùa để “ghìm” đuôi Rồng
Sự kiện xây Hồ con Rùa lại gắn liền với một công trình quan trọng khác của chế độ Việt Nam Cộng hòa: Dinh Độc Lập.
Ngô Đình Diệm đang xây Dinh Độc Lập thì bị ám sát năm 1963. Theo thuật phong thủy, vị trí xây dựng của Dinh Độc Lập nằm trên đầu của Long mạch, nên nơi đây còn có tên gọi khác là Phủ Đầu Rồng. Vị trí đuôi rồng thì nằm ở khu vực Hồ Con Rùa.
Rút kinh nghiệm từ kết quả thảm khốc của Ngô Đình Diệm, Nguyễn Văn Thiệu đã cho mời thầy phong thủy về nghiên cứu kỹ lại Long mạch. Long mạch này có thế của một con rồng đang nằm ngủ. Đuôi rồng nằm cách đó gần 1km, rơi vào vị trí Công trường Chiến Sĩ. Mỗi khi rồng thức dậy, sẽ quẫy đuôi, và những gì xây dựng trên Long mạch này sẽ sụp đổ.
Vì lý do đó, Nguyễn Văn Thiệu đã cho xây dựng Hồ Con Rùa ở vị trí đuôi rồng với hy vọng con rùa nặng nề là một trong tứ linh (Long, Lân, Quy, Phụng) có khả năng trấn giữ đuôi rồng, không cho rồng vùng vẫy khi thức dậy!

Kiến trúc hồ con Rùa có 5 cột trụ tụ lại thành hình cái tháp, khu trung tâm là một con rùa bằng kim loại, trên lưng có đội 1 bia đá. Hình dáng tháp cao này giống như hình một thanh gươm (hoặc cây đinh), đóng xuống hồ nước để giữ chặt đuôi rồng.
Dù “trấn yểm” kỹ càng như vậy, nhưng năm 1975, Việt Nam Cộng hòa vẫn sụp đổ. Năm 1978, một nhóm người đã đặt bom phá hủy con rùa với ý đồ phá hoại Long mạch. Họ bị bắt giữ, nhưng con rùa kim loại cũng đã bị phá hủy.
Vụ án này đã được dựng thành phim “Vụ án Hồ con rùa” do nhà báo công an Huỳnh Bá Thành chấp bút, NSND Trần Phương đạo diễn.
Tuy nhiên, dù mất con rùa, thì “Hồ con Rùa” vẫn còn đó, nằm giữa trung tâm Sài Gòn hoa lệ như một chứng nhân của lịch sử.
Ngã tư Bảy Hiền
Là một điền chủ giàu có và thương người, luôn ra tay cứu giúp người nghèo khổ, khi về thế giới bên kia, tên ông được người đời nhớ mãi và đặt thành địa danh ‘ngã tư Bảy Hiền’.
Ngã tư Bảy Hiền, giao lộ nổi tiếng của TP.HCM gắn với các trục đường Trường Chinh – Cách Mạng Tháng Tám – Hoàng Văn Thụ - Lý Thường Kiệt (P.3, Q.Tân Bình). Hằng ngày, khi đi qua đây nhiều người vẫn hay nhắc với tên Bảy Hiền. Tuy nhiên, ông là ai? Đối với một số người vẫn là một điều bí ẩn.
Ông Bảy Hiền nổi danh giàu và thương người
Để giải mã địa danh này, những ngày qua Thanh Niên đã tìm hiểu và gặp được một người là cháu đời thứ 3 của ông, đó là ông Trần Văn Đức (80 tuổi, ngụ số 4 Trường Chinh, P.3, Q.Tân Bình). Ông Đức cho biết: “Sinh ra và sống ngay ngã tư Bảy Hiền từ xưa đến nay. Ông Bảy Hiền tên thật là Trần Văn Hiền, ông bác của tui. Ông nội tui là Trần Văn Nghĩa với ông Hiền là hai anh em ruột”.
Theo ông Đức, ông Bảy Hiền trước đây là điền chủ nổi tiếng giàu có và thương người. Ông ở trong một biệt thự lớn ở ngay góc ngã tư sát Trung tâm văn hóa Q.Tân Bình bây giờ. Khi đó, con đường ở ngã tư này rất nhỏ, nhà ông ngăn cách với đường bằng hàng rào cây kiểng được cắt bằng rất đẹp. Nhà có đất rộng và thuê nhiều người làm. Đất dọc theo đường Hoàng Văn Thụ hướng lên đường Cộng Hòa và ngang theo đường Hoàng Hoa Thám bây giờ đều là ruộng lúa, hoa màu của ổng.
Nổi tiếng là người giàu có nhưng ông Hiền rất thương người. Khi xưa, vào ngày rằm hàng tháng, ông đăng báo thông tin thí bạc giúp đỡ người nghèo. Những đồng bạc xu điếu đựng đầy hai thúng được người nhà để trước cổng và phân phát.
Sở dĩ ngã tư có tên như ngày nay là vì ông bác tui tên Hiền, sinh thứ bảy gọi là Bảy Hiền. Khi mất thì ngã tư này cũng được người đời nhớ ơn và đặt theo tên ổng. Khi ổng mất, thì được chôn ở khu vực Lăng Cha Cả.
Tuy nhiên vào một hôm mọi người tập trung chen lấn đông quá khiến hai đứa trẻ đi theo chết ngạt. Sự việc diễn ra, ổng rất đau buồn và kể từ đó không đăng báo phát tiền nữa mà hễ ai có khó khăn thì đến ngã tư vào nhà trình bày hoàn cảnh khó khăn ông sẽ giúp đỡ.
“Sở dĩ ngã tư có tên như ngày nay là vì ông bác tui tên Hiền, sinh thứ bảy gọi là Bảy Hiền. Khi mất thì ngã tư này cũng được người đời nhớ ơn và đặt theo tên ổng. Khi ổng mất, thì được chôn ở khu vực Lăng Cha Cả. Đến năm 1945, người dân ở miền ngoài di cư vào Sài Gòn sinh sống, làm nhà lấn vào khu vực Lăng Cha Cả. Thấy vậy, chính quyền chế độ cũ mới ra luật nhà nào lấn vào khu vực lăng bao nhiêu mét thì hàng tháng phải trả bấy nhiêu tiền (khi đó 100 tiền/ thước)”, ông Đức cho biết.

Theo ông Đức, sau khi thống nhất, khu vực Lăng Cha Cả được giải tỏa, người cháu nội của ổng khai quật mộ lên và đem hài cốt vào chùa thờ. Ruộng đất để lại, con cháu cũng dần bán đi và vào sống ở trung tâm thành phố. Còn mảnh đất gia đình tui đang ở là do ông cố để lại và ở đến bây giờ.
“Tuy nổi tiếng giàu có nhưng ông Bảy Hiền chỉ có một vợ, sau khi chết hai vợ chồng mai táng cạnh nhau. Cháu nội ông Bảy Hiền hiện vẫn còn sống, đã ngoài 80 tuổi ở khu vực ngoài Chợ Lớn nhưng tôi không rõ địa chỉ”, ông Đức kể.
Ngã tư Bảy Hiền qua bao đổi thay
Chỉ tay về khu vực BV Thống Nhất, ông Đức cho biết những năm 1940 khi Nhật Bản tiến hành xâm lược Đông Dương đã cho lập ở khu vực này một đồn bốt quân sự rất cao. Phía dưới đồn có một căn hầm rộng dùng chứa bom đạn.
Sau này chính quyền chế độ cũ đặt mìn nổ phá đồn này và xây bệnh viện Vì Dân, sau giải phóng đổi tên lại là BV Thống Nhất.
Dưới thời Nhật Bản đưa quân vào Sài Gòn, ngã ba giữa Lý Thường Kiệt – Hoàng Văn Thụ - Lạc Long Quân bây giờ bị cô lập và trồng một rừng cao su rộng lớn kéo dài đến tận khám Chí Hòa. Nhật cô lập vì không muốn thông đường từ ngã tư Bảy Hiền xuống thẳng Chợ Lớn để bảo đảm an toàn kho vũ khí, kho xăng. Trong rừng cao su cũng có rất nhiều mồ mả từ đời xưa để lại, sau này chính phủ chế độ cũ khai quật lên thì phát hiện nhiều đồ cổ bằng vàng có giá trị.
Chưa biết ông Bảy Hiền là ai?
Trong khi đó, theo tài liệu để lại từ Nhà văn Sơn Nam, Bảy Hiền là tên một ông chủ giàu có chuyên bán cỏ cho ngựa kéo xe ở ngã tư vào khoảng năm 1930 và chưa rõ lai lịch.
Đến khi Mĩ đưa quân vào xâm lược, toàn bộ rừng cao su khu vực được phá bỏ hoàn toàn, mồ mả được khai quật lên và xây nhiều căn nhà cho lính Mĩ và lính chế độ cũ ở. Từ đó, chợ Tân Bình cũng được xây dựng phục vụ kinh doanh và gọi là khu Phú Thọ.
Con đường ở ngã tư Bảy Hiền những năm 1960 cũng được Mỹ tráng nhựa nhưng hư hỏng và rất nhỏ. Đường Cách Mạng Tháng Tám bây giờ thời Pháp tên Verdun, sau đổi thành QL1 chạy thẳng miết tận Tây Ninh, đến chế độ cũ đổi thành Lê Văn Duyệt.
Còn đường Hoàng Văn Thụ trước kia tên Võ Tánh (đường Lý Thường Kiệt trước kia tên Nguyễn Văn Thoại), kéo dài từ sân bay Tân Sơn Nhất đến chợ Tân Bình. Khu vực chợ Tân Bình khi đó rất sầm uất, đêm đến lính Mỹ từ sân bay Tân Sơn Nhất rủ nhau chạy xe máy ào ào về chợ Tân Bình nhậu nhẹt.
Còn theo ông Lương Văn Tòng (65 tuổi, ngụ đường Võ Thành Trang, Q.Tân Bình), trước chế độ cũ đã có ngã tư Bảy Hiền. Chỉ nghe người xưa kể lại ở khu vực này có một sở cao su, BV Thống Nhất bây giờ trước kia là BV Vì Dân do vợ tổng thống Nguyễn Văn Thiệu xây dựng.
Theo ông Tòng, lấy tên BV Vì Dân nhưng thực chất là chữa bệnh cho tầng lớp sĩ quan. Sau này mới có thêm dịch vụ khám bệnh cho người dân và mọi chi phí khám bệnh cho người nghèo đều được miễn phí. Đến những năm 1966 – 1975, người Quảng Nam di cư đông vào khu vực này ở và lập nên làng dệt cũng lấy tên Bảy Hiền rất nổi tiếng, hoạt động mãi cho đến bây giờ.
Trường đua Phú Thọ
Được người Pháp xây năm 1932, Phú Thọ từng là trường đua ngựa lớn nhất nhì châu Á mà giới ăn chơi thượng lưu vùng Nam kỳ Lục tỉnh thường xuyên lui tới.
Năm 1893, nhóm người Pháp lập "Hội đua ngựa Sài Gòn" và xây trường đua nhỏ (Vườn Bà Lớn) ở góc ngã tư đường Verdun với Le grand de la Liraye (nay là đường Cách Mạng Tháng Tám - Điện Biên Phủ, quận 3, TP HCM). Vào ngày cuối tuần, các sĩ quan và binh lính Pháp thường tổ chức những đợt tập dượt mã quân với sự tham gia của đội kèn để thúc nhịp.
Năm 1906, thương gia người Pháp Jean Duclos đem loại hình đua ngựa từ quê nhà sang kinh doanh. Ông mang 8 con ngựa giống Ả-rập tốt mã, lớn con, chạy đua giỏi đến vùng đất Sài Gòn - Chợ Lớn, tổ chức đua. Giới ăn chơi thượng lưu ở Sài Gòn bắt đầu làm quen với môn chơi quý tộc này rồi say mê theo kiểu cờ bạc. Trò đua ngựa của Duclos đã tạo cơn sốt khi có gần 200 cuộc đua chỉ trong vòng nửa năm, mang về cho thương gia này rất nhiều tiền.
Khi xảy ra chiến tranh Thế giới lần I (1914-1918), trường đua ngựa tạm ngưng hoạt động cho đến năm 1920. Dù nhiều người đã tán gia bại sản do ham hố đua ngựa, song cơn sốt trường đua không vì thế mà suy giảm.

Năm 1932, thấy người Việt ở Nam kỳ Lục tỉnh rất "máu me" môn thể thao quý tộc này, Hội đua ngựa Sài Gòn mua khu đất rộng hơn 44 hecta tại khu vực Phú Thọ (thuộc các tuyến đường Lê Đại Hành, Lý Thường Kiệt, quận 11 ngày nay) để xây dựng trường đua mới. Đây là khu đất nghĩa địa, sau khi mua xong, hội cho bốc dỡ hài cốt đem cải táng nơi khác. 4 năm sau trường đua mới hoàn thành và trở thành địa điểm lui tới quen thuộc của dân Sài Gòn và Nam kỳ Lục tỉnh.
Trong tác phẩm Ở theo thời viết năm 1935, nhà văn Hồ Biểu Chánh đã miêu tả rất rõ cảnh nhộn nhịp xem đua ngựa ở Phú Thọ xưa: "Khi ra gần tới trường đua thì gặp xe hơi, xe ngựa, xe máy chật đường, rồi tới cửa thì thấy thiên hạ chen nhau mua giấy mà vô nườm nượp. Trong số người đi coi ở đây, phần đông là người An-nam, chẳng những là đông bên hạng đứng ngoài trời mà thôi, mà bên hạng ngồi trên khán đài, người An-nam cũng đông thập phần, lại đờn bà số gần phân nửa".
Nói về cảnh cá cược ở trường đua, ông mô tả: "Khi mới vô, tưởng thiên hạ vì muốn coi ngựa chạy đua nên chịu tốn tiền cũng như coi hát, hay là coi đá banh. Té ra ngồi một lát, dòm coi thiên hạ bàn bàn luận luận, đi coi ngựa, hỏi tên nài, rồi chen nhau mua giấy, kẻ con ngựa số 1 năm mười đồng, người cá con ngựa số khác năm ba chục, có người lại dám cá tới năm ba trăm".
Ngựa đua theo các cự ly 800 m, 1.000 m, 1.200 m, 1.700 m, 2.400 m và dài nhất là 3.000 m. "Đờn bà cũng mua giấy cá bạc chục như đờn ông, người cá về nhất, người cá về nhì, về ba, kẻ khen ngựa hồng hôm dượt chạy hay, kẻ chê ngựa đậm bị chở nặng. Chừng ngựa về tới mức, người trúng thì vỗ tay nhảy nhót chạy đi lãnh tiền, còn kẻ thua thì mặt mày buồn hiu lấy chương trình ra ngồi tính coi độ kế phải đánh con nào mà gỡ", nhà văn Hồ Biểu Chánh viết.
Lúc bấy giờ Phú Thọ được xếp hạng là một trong những trường đua lớn nhất nhì châu Á. Vào những ngày tổ chức thi tài, người ta nô nức đến xem nghẹt cứng khán đài. Đến năm 1954, chính quyền Việt Nam Cộng Hòa quản lý trường đua và giao cho ông Bùi Duy Tiên quản lý.
Dân cá cược ở trường đua được gọi là "tuyệt phích" (tức “turfiste”: tiếng Pháp, nghĩa là dân cá ngựa). Họ cá theo hai kiểu: Cá cặp, tức là cá con nhất con nhì; cá chiếc, tức là cá một con nào đó về nhất.
Trước khi cuộc đua bắt đầu, các "nài lang" dắt ngựa vài vòng chào khán giả, cho dân cá cược so chân. Nài ngựa không được nặng quá 40 kg, mặc đồng phục như kỵ sĩ, đội nón kết. Nài ngựa phải có tính can đảm, gan lì và kinh nghiệm trận mạc. Khi lượt đua bắt đầu, nài oai phong với áo màu, quần trắng... cầm roi quất liên tục giục ngựa lao về trước. Chỉ trong vòng hơn một phút, ngựa cán đích. Nài chiến thắng được tung hô. Dân "tuyệt phích", chủ ngựa săn đón nài như một ngôi sao.
Các tờ thông tin số trận tham gia, thành tích của ngựa được bán nhan nhản cho dân "tuyệt phích" ở lối vào trường đua, nhằm lựa chọn con mà mình ưng ý để cược. Thế nhưng để thắng không là chuyện đơn giản.
Thời ấy, giới cá cược người Hoa ở Chợ Lớn được cho là thắng thế ở trường đua Phú Thọ. Bí quyết của họ là "Phóng tài hóa, thu nhân tâm", nghĩa là hào phóng ban phát tiền bạc và hàng hóa để chinh phục lòng người. Với họ, chinh phục giới nài và chủ ngựa là một trong những bí quyết để thắng lớn mỗi khi đến trường đua.
Theo thống kê, những năm 60, trường đua Phú Thọ có khoảng 200 ngựa đua chính hiệu với nhiều lượt đua, nhưng vẫn không đáp ứng được nhu cầu của dân "tuyệt phích". Để duy trì hoạt động hàng tuần, người ta phải thuê thêm ngựa cỏ kéo xe ở các nơi để tổ chức cho đủ 10-12 ngựa mỗi đợt.
Vòng xoay Lăng Cha Cả
Những chuyến xe buýt đi trên đường Hoàng Văn Thụ thường hay nghe, "Đến Lăng Cha Cả có ai xuống không?" mỗi khi xe gần đến vòng xoay cầu vượt. Người xuống xe tại đây không dưới 1 lần thắc mắc, ở đây có cái lăng nào đâu mà gọi là lăng Cha Cả...?
Họ thắc mắc là đúng vì bây giờ nơi đây là một giao lộ. Đường Hoàng Văn Thụ giao với Cọng Hòa, Trần Quốc Hoàn và Lê Văn Sĩ (P. 2 Quận Tân Bình TP.HCM). Ở giữa vòng xoay còn có một hồ nước trong đó một quả địa cầu xoay liên tục. Ngoài ra một cây cầu vượt đi trên vòng xoay giúp giảm bớt lưu lượng xe qua vòng xoay.
Nếu vậy thì tại sao có địa danh Lăng Cha Cả? Vào những năm trước 1975, nếu đi từ ngã tư Phú Nhuận đến ngã tư Bảy Hiền thế nào cũng đi ngang qua Lăng Cha Cả. Thời bấy giờ Lăng Cha Cả nằm trên đường Võ Tánh (Hoàng Văn Thụ bây giờ) gần nơi giao với đường Trương Minh Ký (đường Lê Văn Sỹ hiện nay).
Đường Cộng Hòa và đường Trần Quốc Hoàn chưa có. Nơi giao với đường Cộng hòa ngày xưa là cổng Phi Long vào căn cứ không đoàn 33 (Tân Sơn Nhất).
Lăng Cha Cả nằm ngay vị trí bây giờ là hồ nước có quả địa cầu. Lăng Cha Cả có diện tích 2000m2. Ngoài ngôi mộ chính là Cha Cả tức giám mục Bá Đa Lộc còn có nhiều ngôi mộ của các nhà truyền giáo người Pháp. Kết cấu lăng gồm một nhà lợp ngói, cột và vách bằng gỗ quý, ở trước có bia đá lớn.
Vòng xoay Lăng Cha Cả (phường 4, quận Tân Bình, TP HCM) là nút giao thông quan trọng của TP HCM. Đây là điểm giao cắt của các trục đường lớn như Cộng Hòa, Hoàng Văn Thụ, Trần Quốc Hoàn, Lê Văn Sỹ, Bùi Thị Xuân. Vòng xoay nổi bật với quả địa cầu hai màu xanh, đỏ, đường kính khoảng 2 mét.
Đây là khu vực duy nhất còn sót lại của khu lăng mộ rộng hơn 2.000 m2, nơi chôn cất và thờ cúng giám mục Bá Đa Lộc, người xưa gọi là "Cha Cả". Ông quốc tịch Pháp, sinh năm 1741, tên là Pierre Pigneaux. Sau khi được sắc phong linh mục năm 1765, ông qua Việt Nam truyền giáo và phò tá Nguyễn Ánh đánh nhà Tây Sơn.

Theo nhiều nghiên cứu, Nguyễn Ánh và Bá Đa Lộc có mối giao tình sâu nặng. Sau nhiều lần gom quân đánh nhà Tây Sơn thất bại, vua đầu tiên của nhà Nguyễn nhờ Bá Đa Lộc về nước cầu viện chính phủ Pháp.
Để làm tin, Nguyễn Ánh còn gửi chiếc ấn và con trai Nguyễn Phúc Cảnh mới năm tuổi theo giám mục về Pháp. Một thỏa ước tiếp viện được ký kết, nhưng sau đó lại không được thực hiện nên Cha Cả tự lập lực lượng để cứu viện Nguyễn Ánh.
Trong trận vây thành Quy Nhơn – Thị Nại năm 1799, Bá Đa Lộc qua đời, ông được đưa về an táng ở gần nhà cũ thuộc thành Gia Định, nằm khu Vườn Xoài - Tân Sơn Nhất, phía Tây Bắc Sài Gòn.
Do được trọng vọng, coi như bậc công thần nên Nguyễn Ánh cho xây khu lăng mộ Bá Đa Lộc bề thế. Dù ông này người Pháp nhưng kiến trúc mộ được xây lại theo kiểu truyền thống người Việt, kín như kiểu một cái đình với bình phong, nơi bái đường và hậu cung.
Tổng thể Lăng Cha Cả gồm nhà lợp ngói, cột, vách bằng gỗ quý, ở trước có bia đá lớn ghi công đức của giám mục. Chính mộ là cái sập đá to, xung quanh đặt các cửa gỗ bao kín.
Theo nhà nghiên cứu Lý Nhân Phan Thứ Lang, lúc mất Bá Đa Lộc có thể được chôn cất tại Nha Trang (Khánh Hòa). Khi người Pháp vào Việt Nam, họ mang hài cốt giám mục về lăng tại Sài Gòn, năm 1925. Nhà nghiên cứu này cho rằng, việc làm lăng giả ở Gia Định là cách để ngụy trang nơi chôn cất chính để tránh kẻ thù trong thời loạn lạc.
Sang thế kỷ 20, khu vực quanh Lăng Cha Cả dần phát triển, nhà được xây cất nhiều, khu trung tâm Sài Gòn mở rộng ra ngoại vi. Gần đó, sân bay quốc tế Tân Sơn Nhất, các bến xe dần mọc lên. Vị trí này cũng là nơi đóng đại bản doanh Bộ Tổng tham mưu của chính quyền Sài Gòn cũ nên dân cư tăng dần, đường xá được mở rộng. Khu lăng mộ vì thế bị thu hẹp lại thành điểm tròn nằm giữa đường.
Ngoài công việc là nhà truyền giáo, theo vua Gia Long, giám mục Bá Đa Lộc còn biên soạn cuốn tự điển tiếng Việt mang tên Dictionarium Anamitico Latinum, hiện còn giữ ở Thư khố Hội Truyền giáo Ngoại quốc tại Paris (Pháp).
Sau năm 1975, lăng được giải tỏa để mở rộng lối đi, phục vụ phát triển đất nước. Đến năm 1983, việc cải táng hoàn tất, di cốt của giám mục Bá Đa Lộc được giao lại cho Tổng Lãnh sự Pháp đưa về nước. Khu lăng mộ biến mất nhường chỗ cho đường giao thông nên chỉ còn vòng xoay Lăng Cha Cả như ngày nay. Đầu năm 2013, TP HCM khánh thành cầu vượt bằng thép ở đây nhằm giải tỏa sức ép do lượng xe qua lại quá đông.
Lăng Cha Cả không còn tồn tại nhưng địa danh Lăng Cha Cả vẫn còn lưu truyền. Hiện vòng xoay Lăng Cha Cả ngày đêm đón nhận hàng ngàn lượt xe các loại ngang qua. Với nhịp độ này, một ngày nào đó, vòng xoay Lăng Cha Cả sẽ là nút giao thông cực kỳ quan trọng trên bản đồ giao thông thành phố.
Nguồn Facebook Minh Ho