LỜI GIỚI THIỆU
Chào các bạn thân mến. Những biến động to lớn trong thế kỷ 20 ở Việt Nam, ảnh hưởng rất lớn đến nếp sống, đến văn hóa người Việt nói chung và văn hóa đô thị nói riêng. Đặc biệt, là những sự kiện 10/10/1954 (tiếp quản Hà Nội) và 30/04/1975 (kết thúc chiến tranh ở Sài Gòn) và quá trình đô thị hóa “bùng nổ” gần đây, đã thay đổi hoàn toàn bộ mặt, văn hóa ứng xử đô thị ở Hà Nội, và ảnh hưởng không nhỏ đến bộ mặt, văn hóa ứng xử đô thị Sài Gòn.
Lâu nay trên các phương tiện truyền thông và các diễn đàn mạng xã hội, có khá nhiều câu chuyện trao đổi về sự khác biệt giữa văn hóa ứng xử của người Hà Nội và người Sài Gòn. Trường hợp văn hóa ứng xử Hà Nội, người ta thường cho rằng, người nhập cư là “thủ phạm” làm văn hóa ứng xử Hà Nội xuống cấp rõ rệt so với trước đây thời bao cấp, và đặc biệt là so với văn hóa ứng xử của người Hà Nội trước 1954.
Trong khi đó ở Sài Gòn, dù người nhập cư thường xuyên rất đông đảo từ tất cả các tỉnh thành Việt Nam (rất nhiều từ Hà Nội), nhưng họ có vẻ lại “thất bại” trong việc áp đặt văn hóa ứng xử của mình, không những trong thời kỳ 1954-1975, mà ngay cả sau 1975 và hiện nay.
Để giải thích sự khác biệt này, người ta thường viện dẫn đến những điều kiện đặc biệt ở Sài Gòn và đồng bằng sông Cửu Long: thiên nhiên ưu đãi, khí hậu ôn hòa, sự đa dạng sắc tộc, văn hóa, tôn giáo, bản tính bao dung, dung nạp và hào sảng di dân khẩn hoang của người Sài Gòn nói riêng và miền Nam nói chung. Tất cả đều đúng, nhưng chưa đủ và theo tôi, có lẽ chưa thực sự chạm đến nguyên nhân cốt lõi của vấn đề. Vì vậy, tôi xin phép thử giải mã hiện tượng này.
Phải nói rằng thái độ tùy tiện, bỗ bã, thô bạo, xô bồ, cửa quyền, khinh bạc, chụp giựt (chặt chém), không có trước sau trong văn hóa giao tiếp ứng xử của một bộ phận không nhỏ người Hà Nội hiện nay, đang gây ức chế và phản cảm ghê gớm đối với rất nhiều người Việt Nam các tỉnh thành khác.
Về lại Hà Nội sau nhiều năm ở nước ngoài, sự xô bồ nhếch nhác hiện nay của Hà Nội đập vào mắt và gây phản cảm, ngỡ ngàng ngay cả với chính tôi, một “người rừng” (sinh ở ATK Việt Bắc) và 10/10/1954 được mẹ bế về tiếp quản Hà Nội trên auto Molotova của Quân đội Việt Nam.


VĂN HÓA ỨNG XỬ CỦA NGƯỜI HÀ NỘI
Cảm nhận này có lẽ là rất mạnh, đến mức nhiều người, đặc biệt là các bạn trẻ tự đặt câu hỏi cho mình và bạn bè, rằng phải chăng danh tiếng “thanh lịch, tinh tế và nền nã Tràng An” liệu từng có thật? Hay đó chỉ là một huyền thoại, do những người Hà Nội gốc mắc hội chứng Narcissism (tự say mê mình) nghĩ ra, và lưu truyền trong những tiểu thuyết của các nhà văn tiền chiến.
Đó cũng là những bức xúc, mà bạn bè cùng lớp cấp 1 trường Ngô Sỹ Liên, và cấp 2 trường Trưng Vương Hà Nội chúng tôi thường nhắc đến mỗi khi gặp gỡ. Đặc biệt, các bạn cấp 1 Ngô Sỹ Liên không bao giờ quên nhắc đến câu chuyện năm lớp 3 (1959), ở lớp chúng tôi bỗng dưng xuất hiện một gã rất to lớn nói giọng miền Đù.
Giọng nói miền Đù (sinh ở rừng U Minh), thân hình to lớn, đầu óc sáng sủa và hành xử không giống ai, làm gã lập tức trở thành tâm điểm “cá biệt” luôn khiến cả lớp e dè. Gã thường tỏ lòng ái mộ các cô gái Hà Nội bé nhỏ xinh xắn bằng cách cho các nàng thoải mái chép bài, và thỉnh thoảng lén túm tóc các nàng mà ... giật. Phản ứng lại, các nàng chỉ nhẹ nhàng mỉm cười và khéo léo né tránh bàn tay hộ pháp của gã.
Nhưng mãi rồi gã cũng gặp hạn. Ấy là hôm gã định giật tóc nàng KMT học giỏi nhất lớp, một cô bé xinh xắn có bố mẹ gốc Hà Nội, nhưng sinh ra ở môi trường công nông binh ATK Việt Bắc (như tôi). Khi vừa chạm đến tóc nàng, gã lập tức được “ăn” nguyên một lọ mực tím vào vạt trước áo.
Những ánh mắt hình viên đạn của 3 chàng trai Hà Nội đã chặn đứng ý định “đen tối” (hành hung) của gã. Không dừng ở đó, vào giờ ra chơi gã lập tức bị chặn lại ở sân trường, và phải chấp nhận một “cái hẹn” của các chàng trai Hà Nội, tan học ra phố Nguyễn Chế Nghĩa cạnh trường nói chuyện phải quấy.
Cuộc nói chuyện buổi chiều ở phố Nguyễn Chế Nghĩa, diễn ra y hệt những cuộc thách đấu của các Ngự lâm Pháo thủ trong tiểu thuyết Alexander Duma. Các chàng trai Hà Nội bé nhỏ nhất quyết lần lượt “đơn đả độc đấu” với gã Kinh Kong miền Đù trong im lặng, theo đúng tinh thần thượng võ Hà Nội ngày đó. Cuộc đấu kết thúc không hận thù và về sau họ đã thành bạn.
Gã miền Đù hiện nay vẫn sống ở Hà Nội, và đã trở thành một quí ông giáo sư khả kính, một chuyên gia danh tiếng trong lĩnh vực Hải dương học. Ông này hiện có một gia đình con cháu đầy đàn thành đạt, một cuộc hôn nhân viên mãn với một phụ nữ Hà Nội xinh đẹp học thức. Và ơn Trời (phu nhân và văn hóa Hà Nội), ông hiện có một phong thái ứng xử không quá lệch chuẩn, trừ sự khiêm nhường.
Như vậy, tôi xin phép nói ngay, là văn hóa thanh lịch Tràng An của Hà Nội ngày xưa là có thực, rất thực. Nếu không tôi và bạn bè Hà Nội, sẽ không bao giờ hoài niệm đến thế. Trước hết, tôi xin phép trao đổi về nơi cất giữ “hồn cốt” của văn hóa thanh lịch Tràng An ngày xưa.
Về phân vùng, có thể nói rằng ngày xưa, ít nhiều nét thanh lịch Tràng An lan tỏa ra khắp Hà Nôi. Tuy nhiên, khu vực chủ yếu nơi cất giữ “hồn cốt” đích thực của văn hóa Tràng An Hà Nội, thì nhỏ hơn nhiều. Cụ thể, đó là một khu vực bao gồm các phố Phan Châu Trinh, Ngô Quyền, đầu các phố Trần Hưng Đạo, Lý Thường Kiệt, Hai Bà Trưng.
Rồi đến các phố Hàng Chuối, Tăng Bạt Hổ, Hàn Thuyên, Phạm Đình Hồ, Phan Huy Chú, Hàm Long, Lê Văn Hưu, Trần Xuân Soạn, Thi Sách, Hòa Mã, Phù Đổng Thiên Vương, Phùng Khắc Khoan, Ngô Thì Nhậm, Trần Nhân Tông, Mai Hắc Đế, Triệu Việt Vương, Bùi Thị Xuân, …
Tiếp theo là các phố Bà Triệu, Quang Trung, Xóm Hà Hồi, Tuệ Tĩnh, Trần Quốc Toản, Nguyễn Gia Thiều, Hồ Xuân Hương, Nguyễn Đình Chiểu, Nguyễn Thượng Hiền và các phố lân cận về phía hồ Thuyền Quang. Khu vực này, là nơi cư trú truyền thống của tầng lớp trung lưu và trung lưu lớp trên Hà Nội, bao gồm công tư chức trung cao cấp, trí thức khoa bảng và thêm một số thị dân giàu có khá giả. Điều đặc biệt chính của khu vực này, là có một bộ mặt, một phong cách kiến trúc riêng, đặc trưng cho quan niệm về “nơi ăn chốn ở” trong văn hóa thanh lịch Tràng An.
Tuyệt đại đã số nhà ở khu vực nói trên, có thể coi là những biệt thự liền kề 2, 3 tầng (theo ngôn ngữ ngày nay), và không có cửa hàng. Để vào nhà thường có lối đi riêng, trong nhà luôn có khoảng sân vườn nhỏ có bể nước, chậu cây, bể cá và vườn hoa (hoặc ở trước nhà, hoặc ngay đằng sau khu nhà chính).
Phía sau sân nhà, bể nước là khu nhà bếp, nhà kho, phòng cho osin, nhà vệ sinh, thường là 2 tầng. Tóm lại, đó là ngôi nhà khá rộng rãi, đầy đủ tiện ích dành cho một gia đình (có thể khá đông người). Trong đó, nơi ăn, ngủ, sinh hoạt được phân định công năng rõ ràng, bài trí sáng sủa, khoa học và hợp phong thủy.
Phong cách kiến trúc và sinh hoạt này, hoàn toàn khác với kiến trúc nhà ống thuần túy ở khu “Hà Nội 36 phố phường” ngày xưa, nơi mà hiện nay thường được gọi là Phố “Cổ”. Trước kia và hiện nay toàn bộ khu này, luôn bao gồm những ngôi nhà ống hẹp, sâu với đặc điểm chung chủ yếu, là ngay ở tầng một mọi nhà đều có cửa hàng buôn bán. Và để vào nhà, hầu hết thường phải đi qua cửa hàng.
Có thể nói rất nhiều về nét văn hóa thanh lịch tinh tế Tràng An, nhưng tôi xin phép chỉ điểm qua một vài nét chính. Ngoài truyền thống chỉn chu trong sự xếp đặt nơi ăn chốn ở, như đã trình bầy ở trên, người Hà Nội gốc thường rất chú ý đến việc ăn mặc. Chúng ta có thể đặc trưng cho phong cách ăn mặc thanh lịch Tràng An bằng ba từ thời trang, tươm tất và nền nã.
Về sự cầu kỳ tinh tế trong phong cách ẩm thực của người Tràng An có lẽ cũng không cần nói nhiều. Sự thăng hoa sáng tạo và tinh tế của phong cách này, thể hiện khá đặc trưng qua món bún thang. Một sự kết hợp hài hòa của những hương vị đối lập không tưởng.
Ngoài ra, người Hà Nội gốc thường rất tinh tế trong việc lựa chọn hàng hóa, đồ ăn thức uống. Cũng như cầu toàn trong việc chế tác sản phẩm, trong sáng tác nghệ thuật và trong các thú chơi. Họ cũng thường cầu toàn trong việc chọn bạn, chọn đối tác làm ăn và quan hệ xã hội. Lý do chính, là vì trong văn hóa thanh lịch Tràng An truyền thống, người ta luôn đề cao sự nhẹ nhàng, mực thước, ý tứ, khiêm nhường, tự trọng, biết điều và có trước có sau.
Trong ứng xử đời thường, người Hà Nội gốc thường cố gắng giữ nề nếp gia phong, khiêm cung với người trên, nhường nhịn trong quan hệ gia tộc, có trước có sau, tôn trọng đời sống nội tâm, sự kín đáo và riêng tư. Phong thái ứng xử chuẩn mực trong gia đình, là đi thưa về gửi, ăn nói chậm rãi, ý tứ trong ăn mặc, nói năng, và khi ăn uống, đi nhẹ, nói khẽ, cười duyên. Khi ra ngoài xã hội thì phải nhẹ nhàng, lịch sự, và tuyệt đối không được phép tỏ ra tham sân si, bon chen, hiếu thắng tranh đua.
Tuy nhiên cũng phải nói rằng, nét văn hóa thanh lịch Tràng An có một vài nhược điểm, mặt trái và hạn chế cơ bản. Thứ nhất, là nét văn hóa này chỉ đặc trưng cho một tầng lớp rất mỏng quan chức trung cao cấp, trí thức khoa bảng và thị dân giàu có khá giả ở Hà Nội (một thành phố tương đối nhỏ vào tháng 10/1954, theo Wiki, Hà Nội chỉ có 53.000 dân kể cả 4 huyện ngoại thành). Vì vậy, nét văn hóa này rất mong manh.
Thứ hai, nét văn hóa thanh lịch Tràng An của Hà Nội ngày xưa bao hàm tính đẳng cấp rõ rệt. Quy tắc ứng xử thanh lịch này, chỉ được áp dụng cho người cùng giai tầng, cùng đẳng cấp. Vì vậy, có tính khép kín cao. Người không cùng đẳng cấp dễ bị chê một cách khéo léo (hoặc thẳng thừng) là “đồ nhà quê” và nên đi chỗ khác chơi, kể cả nếu anh/chị ta nhiều tiền. Thường là người ta sẽ chỉ “ban phát” ứng xử thanh lịch này, cho người khác đẳng cấp khi có hứng hoặc rất có lợi.
Thứ ba, phải nói rằng, nếp văn hóa thanh lịch Tràng An từ tốn, chậm rãi, kiêu kỳ, cảnh vẻ, đài các và có phần đãi bôi, khinh bạc của xã hội Hà Nội truyền thống, rất khó phù hợp với xã hội đô thị công nghiệp hiện đại. Tuy nhiên, vì là hàng xịn có thương hiệu, nên nét văn hóa này dễ tích cực bị nhái (fake).
Chẳng hạn, khi mới về Hà Nội, cậu bé “người rừng” là tôi đã vô cùng bất mãn, khi chứng kiến cảnh một cô gái Hà Nội ngồi “ngâm nga” khoảng 30 phút, một bát phở ít bánh, thịt và ít nước, để rồi bỏ lại 1/2. Có lẽ cô cho rằng, phải hành xử như vậy mới chứng tỏ đẳng cấp cảnh vẻ, kiêu kỳ, đài các và “thanh lịch” của mình.
Thứ tư, từ thủa xa xưa nét thanh lịch tinh tế Tràng An mang vẻ quan cách, cao sang, cửa quyền, cách biệt này, thường gây phản cảm mạnh mẽ cho xã hội tiểu nông “chân lấm tay bùn” miền Bắc còn lại. Một mặt xã hội tiểu nông rất dị ứng, thù địch và đố kỵ đối với lề thói kiêu kỳ cảnh vẻ của tầng lớp “ăn trắng mặc trơn” (nhiều khi lại là fake) này. Mặt khác, họ cũng lại luôn thầm ao ước, là một ngày nào đó may mắn bước được vào tầng lớp này.
CCRĐ ở miền Bắc và Cải tạo Công thương nghiệp Tư bản tư doanh ở Hà Nội, Hải Phòng, Nam Định và các thành phố khác, chính là dịp vô cùng thích hợp, để giới tiểu nông và dân nghèo thành thị chính thức “có quyền” trực tiếp, thẳng thừng bầy tỏ tình cảm của mình. Và tất nhiên, đó là một thái độ không chấp nhận, không khoan nhượng và triệt để lên án, bài xích những lề thói “thanh lịch rỏm” Hà Nội, mang đầy màu sắc và mùi vị tư sản, địa chủ.
Từ 1951 ở miền Bắc, phong trào công nông binh hóa xã hội xuất phát từ Liên Xô, qua phiên bản Trung Quốc bắt đầu được khuyến khích, đồng nghĩa với việc tác phong nếp sổng tiểu tư sản bị phê phán, bài trừ. Đặc biệt từ sau 1954, khi văn hóa công nông binh được đề cao và trở thành văn hóa chuẩn mực cho cả xã hội, thì Hà Nội và các đô thị miền Bắc bị “nông thôn hóa” tích cực. Nét văn hóa thanh lịch tinh tế Tràng An đã bị đẩy lùi vào “hậu trường lịch sử”. Và vì vậy, nó chỉ còn là truyền thống của từng gia đình, nếp sống của từng cá nhân.
Như chúng ta biết, ngày xưa Hà Nội thường được xem như nơi tập trung những tinh hoa văn hóa của miền Bắc và cả Bắc Trung Bộ. Trong hàng ngàn năm, vị trí kinh đô khiến Hà Nội này trở thành nơi quy tụ của những nhân vật ưu tú, những thương nhân, những nghệ nhân, những thợ thủ công lành nghề. Môi trường cạnh tranh của đất kinh thành khiến những thương nhân, thợ thủ công trụ vững lại Hà Nội phải là những người tài năng, xuất sắc.
Đồng thời những người dân tứ xứ khi về định cư tại Thăng Long, các phong tục tập quán mà họ mang theo cũng dần thay đổi, tạo nên nét văn hóa của Hà Nội, và Hà Nội trở thành mảnh đất tiêu biểu cho nền văn hóa của cả miền Bắc Việt Nam.
Tuy nhiên, trong giai đoạn sau 1954, cùng với việc đề cao văn hóa công nông binh, và việc trong một thời gian ngắn bằng ý chí chính trị, dịch chuyển một khối lượng lớn nông dân từ các tỉnh miền Bắc và Bắc Trung Bộ lên Hà Nội, đã phá vỡ truyền thống chọn lọc tinh hoa, có từ ngàn xưa nói trên của Hà Nội. Điều này làm thay đổi cơ bản, hạ thấp trình độ sống nói chung và văn hóa ứng xử Hà Nội nói riêng.
Việc “xẻ thịt” không thương tiếc các biệt thự, cơi nới tuỳ tiện, làm chuồng cọp “treo” tuỳ hứng ở các chung cư, lấn chiếm vỉa hè, xả rác bừa bãi, chen lấn tranh cướp khi tham gia giao thông, buôn bán ở mọi nơi, mọi chỗ và ăn nói sỗ sàng, bỗ bã là những biểu hiện đặc trưng.
Kết quả của quá trình này và việc văn hóa tiểu nông trở thành chuẩn mực xã hội, đã tạo ra một phong cách ứng xử “mới” ở Hà Nội. Đó là việc trong xã hội, thái độ độ tùy tiện, bỗ bã, thô bạo, xô bồ, cửa quyền, khinh bạc, chụp giựt (chặt chém), không có trước sau trong giao tiếp ứng xử, một thái độ đặc trưng cho những người mất gốc, đã lên ngôi.
Đúng hơn, đó là thái độ ứng xử giao tiếp của những người đã rời khỏi làng, nơi có một nề nếp ứng xử chuẩn mực riêng, nhưng chưa thực sự đến được phố thị, chưa thực sự tiếp nhận các chuẩn mực ứng xử văn minh đô thị mang tính cộng đồng cao.
Ngoài những yếu tố nói trên, Hà Nội còn phải chịu một sức ép bùng nổ dân số cơ học khủng khiếp. Theo Wiki năm 1950, dân số Hà Nội là 145.000 người, nhưng đến thời điểm tiếp quan thủ đô tháng 10/1954, chỉ còn lại 53.000 dân trên diện tích 150km2 (kể cả 4 huyện ngoại thành Gia Lâm, Thanh Trì, Từ Liêm và Đông Anh), do rất nhiều người Hà Nội di cư vào Sài Gòn.
Nghĩa là năm 1954, dân số nội thành Hà Nội chỉ khoảng trên dưới 30.000 người. Trong khi đó, năm 1980, trên diện tích 4 quận nội thành 35km2, dân số là gần 1 triệu (trong tổng số hơn 2.5 triệu dân số nội ngoại thành Hà Nội). Đến năm 2018, chỉ tính riêng 12 quận nội thành Hà Nội trên diện tích 310km2, dân số đã hơn 3.5 triệu (trong tổng số hơn 7.7 triệu dân số nội ngoại thành Hà Nội). Trên thế giới hiện nay chỉ có Thẩm Quyến (với quy hoạch tuyệt vời), là có tốc độ bùng nổ dân số tương tự.
Tóm lại, nếu sự mong manh của văn hóa thanh lịch Tràng An kiêu kỳ, cảnh vẻ, quan cách và cửa quyền truyền thống (số lượng truyền nhân quá nhỏ bé), cùng với văn hóa thương mại dịch vụ đô thị đích thực Hà Nội chậm phát triển là những điều kiên cần.
Thì việc lên ngôi của văn hóa ứng xử “mới” kiểu tiểu nông của người nhập cư, việc bùng nổ dân số cơ học khủng khiếp, qui hoạch đô thị nhôm nhoam chắp vá và giao thông hỗn loạn ở Hà Nội, là những điều kiện đủ, để nét văn hóa thanh lịch Tràng An truyền thống Hà Nội bị đẩy lùi vào “hậu trường lịch sử”, bị đè bẹp, bị pha loãng và hòa tan đến mức “mất cả dấu vết lẫn mùi vị”.
Đó là một điều tất yếu dễ hiểu, ngược lại mới lạ. Và như vậy rõ ràng ở Hà Nội, việc “xuống cấp” của văn hóa ứng xử nói chung, không thể đổ hết cho người nhập cư. Phải nói là tiến đề cho quá trình này đã có sẵn, việc thể chế hóa văn hóa tiểu nông nhập cư, việc bùng nổ dân số cơ học, qui hoạch đô thị nhôm nhoam chắp vá và giao thông hỗn loạn chỉ làm quá trình này diễn ra dễ dàng và nhanh hơn mà thôi.
Nguồn: FB Tam Tran