Nhạc sư, nhạc quan triều Nguyễn Nguyễn Quang Đại (Ba Đợi) đào tạo không biết bao nhiêu thế hệ
nhạc sư, nhạc sĩ nối tiếp kế thừa nhạc Lễ phát triển thành nhạc Tài tử, tạo nên phong trào nhạc Tài
tử rộng khắp, mảnh đất ươm mầm và phát triển sân khấu Cải lương Nam Bộ. Ông là người đúc kết,
sáng tạo nên những bản Tổ được giới chuyên môn đánh giá rất cao, xem như những tác phẩm kinh
điển cho người làm nghệ thuật sân khấu Cải lương sau này. Dù có những đóng góp lớn lao, nhưng
đương thời ông không được nhiều người biết đến, nên ngày mất của ông không được ghi nhớ và
một tấm ảnh chân dung chân thật về ông cũng không có. Hiện nay, giới một điệu Cải lương nhìn
nhận công trạng và ghi ơn ông; tuy muộn màng, nhưng cũng thể hiện được đạo lí “uống nước nhớ
nguồn”.
1. Với quá trình khẩn hoang - định cư, phát triển kinh tế, văn hóa - xã hội dần được khai mở. Ngoài
sự phát triển văn chương[1], giáo dục[2], âm nhạc Tài tử[3] từng bước cũng được hình thành. Trên
bình diện sân khấu, công của các nhạc quan triều Nguyễn và những Nho sĩ xuôi phương Nam là
mở ra một loại hình âm nhạc mới thích hợp với con người và vùng đất để các thế hệ nghệ sĩ, nghệ
nhân tiếp nối hoàn thiện, cải biến hình thành nên loại hình sân khấu Cải lương. Loại hình này đã
đáp ứng được nhu cầu sinh hoạt văn hóa tinh thần của hầu hết công chúng Nam Bộ. Vì vậy, vai trò
mở đầu tiên phong của Nhạc sư Nguyễn Quang Đại (Ba Đợi) càng được công chúng đời sau
ngưỡng mộ và biết ơn.
2. Thực tế lịch sử cho thấy, quá trình hình thành và phát triển sân khấu Cải lương gắn liền với quá
trình khai mở đất phương Nam. Tuy quá trình phát triển Cải lương đến sau quá trình khai mở đất,
chỉ hơn 100 năm so với trên 300 năm mở đất. Dẫu có ít thăng trầm hơn quá trình khai khẩn, nhưng
sự thăng trầm sân khấu không phải là không có, bởi nó tùy thuộc nhiều vào quá trình lao động: “có
thực mới vực được đạo”; có được đời sống ấm no, con người mới có điều kiện vui chơi, giải trí,
chăm lo phát triển văn chương, âm nhạc, sân khấu. Do vậy, quá trình phát triển văn hóa - xã hội,
hình thành sân khấu Cải lương, đi sau quá trình khai khẩn đất Nam Bộ cũng là tất yếu.
2.1. Khái quát tiến trình Cải lương, ở thời điểm nửa cuối thế kỉ XIX, tại Nam Bộ, bên cạnh sự phát
triển mạnh mẽ nông nghiệp, thương mại; công nghiệp cũng bước đầu phát triển và đặc biệt là sự
phát triển giáo dục, văn hóa, xã hội theo hướng tiếp cận với phương Tây, chữ Quốc ngữ. Hát bội và
những sinh hoạt văn hóa tinh thần của quần chúng lao động là câu hò, điệu lý mang chất nhạc dân
gian, cùng những bài bản nhạc Lễ, Nhã nhạc từ cung đình Huế theo các quan nhạc[4] được phổ
biến, cải tiến và có xu hướng công diễn. Loại hình âm nhạc kết hợp bác học và dân gian bắt đầu
xuất hiện ở các cuộc gặp gỡ, giao lưu có cả vui lẫn buồn, nhằm phục vụ cho nhu cầu “quan, hôn,
tang, tế”[5], đặc biệt là các dịp Kỳ Yên[6]. Chính nhờ môi trường thông thoáng diễn xuất, tiếp nhận,
giao lưu, cải biên… và nhu cầu diễn ra công chúng, nhiều hơn là gói gọn phục vụ cho sinh hoạt triều
đình hoặc cho nội bộ mà dần hình thành nên một loại nhạc gần gũi với người bình dân, phục vụ cho
giới bình dân gọi là nhạc Tài tử. Tuy nhiên nhạc Tài tử lúc đầu ít bài bản cũng như hơi điệu, chỉ có
hai điệu Bắc và Nam cùng một số bài bản hơi Ngự của ca nhạc Huế.[7] Thời gian luân chuyển, đờn
ca Tài tử Nam Bộ dần dà xuất hiện rộng rãi hơn, quy tụ nghệ nhân thành những ban đờn ca Tài tử
địa phương để đến những năm cuối thế kỉ XIX, đầu thế kỉ XX, nhạc Tài tử bắt đầu phát triển mạnh ở
cả hai miền Nam Bộ.
Nhưng để có được phong trào nhạc Lễ kết hợp âm nhạc dân gian phát triển thành nhạc Tài tử, giới
chuyên môn[8] ghi nhận đóng góp của hai tên tuổi lớn là ông Nguyễn Quang Đại[9] (Ba Đợi) và ông
Trần Quang Quờn[10] (Kinh lịch Quờn). Chính từ sự truyền dạy của hai ông mà hình thành 2 nhóm
nhạc Tài tử trên cơ sở thu nạp đệ tử và thi đua sáng tác bài bản mới. Rồi từ những nhóm này,
nhanh chóng phát triển thành những nhóm khác ở các tỉnh Nam Bộ. Cũng theo giới chuyên môn,
trong quá trình phát triển ca Tài tử, có 3 tên tuồi tiêu biểu có đóng góp lớn cho việc hình thành lối
trình diễn ca ra bộ[11], được cho là tiền thân của sân khấu Cải lương.
2.2. Về nhạc Tài tử, các công trình nghiên cứu đều tập trung nói về sự phát triển nhạc Tài tử ở Nam
Bộ cuối thế kỉ XIX trên cả hai miền Nam Bộ: miền Đông và miền Tây Nam Bộ. Ở miền Đông có công
đóng góp lớn của ông Nguyễn Quang Đại (Ba Đợi), nhạc quan triều Nguyễn và ở miền Tây có công
đóng góp của Kinh lịch Trần Quang Quờn (thầy kí Quờn). Nhìn chung, hai ông có công truyền bá,
cải biên Nhã nhạc kết hợp với nhạc dân gian để tạo nên dòng nhạc Tài tử, phù hợp với hoàn cảnh
và con người đất phương Nam; Đồng thời, các ông còn đào tạo ra hàng loạt những thế hệ môn sinh
là những người thầy kế tục cho sự phát triển nền âm nhạc cổ truyền. Bên cạnh, cũng có thể kể đến
vai trò của hậu tổ Lê Tài Khí (nhạc Khị), người đã có công phát triển nhạc Tài tử ở vùng đất Bạc
Liêu - Cần Thơ, quê hương nhạc Tài tử của các tỉnh miền Tây sông Hậu trên cả hai phương diện
sáng tác và đào tạo người đam mê kế tục.
2.3. Sự phát triển nhạc Tài tử ở miền Đông và Nam Bộ, đặc biệt là vùng miền Đông đều có lớp môn
sinh của ông Nguyễn Quang Đại. Ở huyện Cần Đước, tỉnh Long An, người dân rất tự hào bởi nơi
đây tuy không là nơi sinh của nhạc sư Nguyễn Quang Đại; nhưng nơi này đã từng là chốn dừng
chân sinh sống, truyền dạy nhiều thế hệ đệ tử và nghiên cứu sáng tác âm nhạc của ông. Bởi đó,
người ta xem vùng đất này là đất Tổ, đất đã khai sáng bộ môn đờn ca Tài tử và nhạc Lễ Nam Bộ.
Nói về gia thế của nhạc sư, rất tiếc đến nay không có tư liệu nào ghi rõ, đầy đủ lai lịch của ông. Địa
chí Long An[12] cho biết rằng, thời phong trào Cần Vương chống Pháp nửa cuối thế kỷ XIX nổ ra,
nhạc quan Nguyễn Quang Đại của triều đình Huế từ bỏ cung đình vào đất phương Nam tham gia
kháng chiến. Trong thời gian này, ông là người cách tân nhạc Lễ cung đình kết hợp với dân nhạc
miền Trung để tạo ra dòng nhạc mang đậm màu sắc phương Nam mà ngày nay chúng ta gọi là
nhạc Tài tử Nam Bộ. Nhạc sư Nguyễn Quang Đại lúc cuối đời đến sống ở Cần Đước - Cần Giuộc,
từng trú ngụ tại chùa Tôn Thạnh vì yêu áng hùng văn “Văn tế nghĩa sĩ Cần Giuộc” của nhà thơ mù
Nguyễn Đình Chiểu, đồng hương xứ Huế với ông. Sau đó, ông về sống ở nhà một người dân tại
vùng chợ Trạm (Cần Đước) dạy nhạc Lễ, Tài tử cho bà con trong vùng. Danh tiếng ông vang xa:
học trò nhiều nơi ở miền Tây Nam Bộ đến học ca, học đàn tranh, đàn kìm, đàn nhị…
Do vậy, người đời chỉ biết đại lược thì Đức nghệ nhân Nguyễn Quang Đại vốn là một quan nhạc của
triều đình nhà Nguyễn. Vào cuối thế kỷ XIX, hưởng ứng phong trào Cần Vương chống Pháp, ông đã
vô Nam truyền dạy nhạc Tài tử và nhạc Lễ[13] Nhưng để nhớ ơn ông, hàng năm, vào ngày 19 tháng
Giêng âm lịch, người dân Cần Đước nói riêng, người dân Nam Bộ nói chung quy tụ về địa phương
này để cung kính làm lễ húy kỵ cho nghệ nhân Nguyễn Quang Đại. Trong dịp này, nhiều đoàn ca
nhạc Tài tử từ khắp nơi trong cả nước cũng về đình Vạn Phước, xã Mỹ Lệ, huyện Cần Đước để thờ
phượng, dự lễ, giao lưu, ca hát để hâm nóng truyền thống trăm năm đờn ca: nhạc Tài tử - ca ra bộ -
sân khấu Cải lương của Nam Bộ. Có thể xem đây là ngày giỗ Tổ của ngành.
(Linh vị nhạc sư Nguyễn Quang Đại được thờ tại đình Vạn Phước, huyện Cần Đước, tỉnh Long An.
Nguồn: www.vietlandmarks.com)
Về công nghiệp của nhạc sư Nguyễn Quang Đại, giới chuyên môn và công chúng ghi nhận 2 mảng
sự nghiệp lớn của ông: 1. Đào tạo các thế hệ nghệ sĩ, nghệ nhân kế tiếp; 2. Sáng tác, cải biên và hệ
thống hóa các bài bản nhạc Tài tử.
2.4. Về sự nghiệp đào tạo, nhạc sư Nguyễn Quang Đại đã có công lớn đào tạo được nhiều thế hệ
nghệ sĩ kế thừa, nhất là thế hệ đầu tàu. Thế hệ này sau khi lĩnh hội được những bài bản của thầy
truyền dạy đã mang vốn kiến thức âm nhạc ấy về truyền dạy lại cho lớp đàn em. Theo Trương Quốc
Phong, có nhiều nơi mà nhạc sư Nguyễn Quang Đại đã từng mở lớp truyền dạy và có đệ tử chân
truyền, gồm: “Tại Đa Kao (Sài Gòn), xóm hàng dừa trước cổng Lăng Ông Bà Chiểu, quận Bình
Thạnh, ông đào tạo các nhạc sĩ lừng danh lúc bấy giờ là Sáu Thới và Tám Hạnh. Ông Sáu Thới (tức
Lại Văn Thới) sau đó tiếp tục truyền dạy cho các học trò của mình là Giáo Thinh (tức Nguyễn Văn
Thinh), rồi Tư Nghị, Năm Cần... Tại Cần Đước, Cần Giuộc (Long An), nhạc sư Nguyễn Quang Đợi
truyền dạy và đào tạo được các nhạc sĩ tài ba như: nhạc Láo, nhạc Thời, Hai Bầu, Hai Tò Le, Ba
Đống, Năm Khiết, Năm Quýnh, Năm Tịnh, Năm Xem, Sáu Giỏi, Sáu Thoàn, Bảy Lung, Chín Chiêu,
Mười Hai Dương, xã Năm... Tại Đồng Nai, ông cũng có những môn đệ như Văn Kiên (kèn), Võ Phải
(trống) lừng danh trong giới nhạc Lễ. Ở Sông Bé (Bình Dương) có Sư Dung, Út Búng, Út Lăng...”
[14]. Ngoài ra, cũng có ý kiến cho rằng, tại Bến Tre và một số tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long cũng
có nhiều truyền nhân của nhạc sư Nguyễn Quang Đại.
2.5. Về sự nghiệp nghiên cứu, ngoài sự nghiệp truyền nghề, nhạc sư Nguyễn Quang Đợi còn là
người có công chỉnh sửa 7 bài nhạc Lễ. Theo nhạc sĩ Minh Lời: “7 bài nhạc Lễ này cùng hệ thống
với điệu thức Bắc nhưng dùng chữ nhạc “Xề - Ú” làm âm chủ. 7 bài nhạc Lễ có cấu trúc chữ đờn đối
nghịch với hơi điệu Bắc và nhất là phải lên dây nhạc hay đờn theo hơi nhạc Lễ thì mới có được hơi
Hạ.”[15]. Ông còn là người chỉnh sửa 4 bản Bắc: “Bình bản, Cổ bản, Lưu thủy, Phú lục” của ca nhạc
Huế thành những bản đờn mang hơi điệu phong cách Tài tử Nam Bộ. Mặt khác, ông cũng là tác giả
của các bản: “Hồ lan, Kim tiền bản, Ngự giá, Song phi hồ điệp, Vạn liên” được giới chuyên môn gọi
là bộ Ngũ châu và đặc biệt là việc “sáng tác 8 bản Ngự để giới thiệu với khác mộ điệu nhân dịp cung
nghinh vua Thành Thái vào Sài Gòn (1898-1899), gồm: “Đường Thái Tôn, Vọng phu, Chiêu Quân,
Ái tử kê, Bát man tấn công (có hơi Bắc Ngự), Tương tư, Duyên kì ngộ (có hơi Ai Ngự), Quả phụ
hàm oan (có hơi Ai-Oán Ngự).” [16]. Theo Trương Quốc Phong, ông Ba Đợi còn là người đã có
công hệ thống hơi điệu Tài tử thành bốn điệu Bắc, Nam, Hạ, Oán (20 bài bản tổ) và cải biên nhạc
cung đình, sáng tạo ra nhạc Lễ miền Nam. Với vai trò là trưởng nhóm nhạc Tài tử miền Đông, ông
đã cùng với ông Kinh Lịch Trần Quang Quờn ở miền Tây đã làm cho kho tàng bài bản Tài tử thêm
phong phú.”[17].
2.6. Nhận định về những đóng góp to lớn của nhạc sư Nguyễn Quang Đại trong nghiên cứu âm
nhạc, đặc biệt là sự cải biến ở 20 bài bản Tổ, nghệ nhân Nguyễn Tấn Nhì, nhận định: “Điệu Nam
gồm có 3 bản: Nam xuân, Nam ai và Nam đảo (Đảo ngũ cung) cấu trúc bằng 5 âm chánh: Hò, Xự,
Xang, Xê, Cống, nhưng nhấn và rung ở những chữ: Xừ, Xang, Xê, Cống. Những láy đờn thường
gói gọn trong một ngũ cung. Ba bản nhạc này có 3 âm sắc khác nhau: 1. Nam xuân, trong ca Huế,
Nam xuân là biến thể của Nam bình. Ở nhạc Tài tử, ông Ba Đợi cải biên, thêm câu, sửa nhịp, đã trở
thành bản mới, được chọn làm tiêu biểu cho hơi xuân với tính chất ung dung, nhẹ nhàng, man mác
vì chỉ nhấn và rung nhẹ ở chữ Xừ, Xang, Xê. Âm chủ của hơi xuân là Xàng Xang. 2. Nam ai được
ông Ba Đợi cải biên từ bản Nam ai của ca nhạc Huế. Nhấn và rung mạnh ở chữ Xự, Xang và qua
Lớp Mái nhấn và rung mạnh chữ Cộng, nên điệu nhạc nghe buồn thảm, tỉ tê, bi lụy và nức nở vì có
những nhịp đảo phách trong lòng câu. 3. Nam Đảo (Đảo Ngũ Cung), được ông Ba Đợi viết mới. Cấu
tạo bởi 2 hơi Xuân và Bắc cùng hơi Dựng. Nam Đảo hình thành trên thang âm Hò, Xự, Xang, Xê,
Cống và cấu trúc câu đều có sự đảo lộn trên 5 cung, lại xen lẫn với điệp khúc Xề Ú Liu Phan, nghe
như có sự đảo cung từ hơi dây này sang hơi dây kia. Từ bản Nam ai chuyển sang bản Đảo ngũ
cung, dòng nhạc biến đổi tính chất khẩn trương, quyết liệt.” [18].
Với 4 bản điệu Oán, một điệu đặc thù được sáng tạo tại đất Nam Bộ, gồm: Tứ Đại Oán, Phụng
Hoàng Cầu, Cửu Khúc Giang Nam và Phụng Cầu Hoàng Duyên, thì công của nhạc sư Nguyễn
Quang Đại không nhỏ. Nguyễn Tấn Nhì có ý kiến như sau: “Ông Ba Đợi chuyển hơi, chuyển cung
và phát triển bản Tứ đại cảnh của ca nhạc Huế từ hơi Bắc dựng thành hơi Oán. Giai đoạn đầu,
khoảng cuối thế kỷ 19, bài bản Tài tử có thêm một bản có hơi Oán và đó là bản Tứ đại vắn cũng còn
gọi là bản Tứ đại cảnh Nam phần nhịp tư. Tiếp theo, đầu thế kỷ 20, bản Tứ đại vắn được phát triển
từ nhịp tư sang nhịp 8, được phân câu, phân lớp, nhịp nội, nhịp ngoại, gỏ mô, đờn chầu thì hơi điệu
Oán mới xứng danh là một điệu riêng biệt với hơi Ai của điệu Nam. Điệu Oán có cấu trúc các láy
đờn thường đi từ 2 ngũ cung và một điểm đặc thù của điệu này là nhiều câu trong các lớp thường
xuyên có mặt chữ Oan (chữ Phan nhấn và rung mạnh) nên nghe buồn nhưng kiểu buồn bi hùng.”
[19]. Những ý kiến trên rõ ràng đã nêu bật được tài năng và đóng góp lớn lao của nhạc sư Nguyễn
Quang Đại.
3. Trong quá trình phát triển loại hình văn hóa sân khấu Cải Lương, tuy ngắn chỉ khoảng hơn 100
năm so với trên 300 năm phát triển vùng đất Nam Bộ, nhưng cư dân Nam Bộ đã tạo ra một sản
phẩm văn hóa độc đáo, phù hợp với tính cách và con người Nam Bộ, góp phần vào kho tàng văn
hóa chung của Việt Nam và thế giới. Có được thành quả này là nhờ sự đóng góp của bao thế hệ
thầy đờn, thầy tuồng và nhiều thế hệ nghệ sĩ, nhệ nhân. Những bậc tiền hiền, hậu hiền có công khai
mở như các ông Nguyễn Quang Đại, Trần Quang Quờn, Lê Tài Khí, Tống Phước Định… cần được
tôn vinh. Trong đó, nhạc quan Nguyễn Quang Đại được xem là ông tổ của nhạc Tài tử Nam Bộ và
Cải lương ngày nay. Bài vị của ông được nhân dân làng Mỹ Lộc rước vào thờ tại ngôi đình Vạn
Phước. Và hàng năm, lễ giỗ ông cũng là lễ cúng Kỳ yên tại ngôi đình này. Trong phần hội của lễ
cúng Kỳ yên không thể thiếu hoạt động đàn ca Tài tử, như một sự tri ân ông.
Chú thích:
[1] Văn chương dân gian là kho tàng văn chương truyền miệng được mang theo và phát triển. Văn
chương bác học được thể hiện rõ qua 3 Tao đàn: Chiêu Anh Các (Hà Tiên-1736), Bình Dương thi
xã (Gia Định-cuối thế kỉ 18), Bạch Mai thi xã (Gia Định-nửa sau thế kỉ 19)được hình thành và phát
triển. Xem Huỳnh Công Tín, Ba tổ chức văn chương Nam Bộ, Ấn tượng văn hóa đồng bằng Nam
Bộ, NXB CTQG-ST, 2012, tr. 47-58.
[2] Giáo dục phát triển nhờ công khai mở của những bậc thầy như thầy Võ Trường Toản, Xem
Huỳnh Công Tín, Văn chương miền sông nước Nam Bộ, NXB CTQG-ST, 2012, tr. 9-17.
[3] Những người có công đầu như nhạc sư Nguyễn Quang Đại (Ba Đợi), Kinh lịch Trần Quang
Quờn (thầy kí Quờn)…
[4] Có ý kiến cho rằng, ngoài đóng góp của Nguyễn Quang Đại, Trần Quang Quờn, còn có đóng góp
của các ông Phạm Đăng Đàng, Nguyễn Liên Phong, Nguyễn Tòng Bá cùng một số sĩ tử ra kinh đô
Huế học mang về, theo Minh Lời, Bài bản sân khấu Cải lương và Tài tử Nam Bộ, Sở VH-TT tỉnh
Bến Tre năm 2001, tr. 143.
[5] “quan (đăng quan, tấn phong) hôn (thành hôn, đính hôn) tang (tang chế, tang ma) tế (cúng tế, tế
tự)
[6] Những dịp cúng tế định kì hằng năm đề cầu cho quốc thái dân an.
[7] Theo Minh Lời, Bài bản sân khấu Cải lương và Tài tử Nam Bộ, Sở VH-TT tỉnh Bến Tre, 2001, tr.
143.
[8] Theo NLH - disanthegioi.info, http://vhnthcm.edu.vn/nghe-thuat-don-ca-tai-tu-nam-bo-cua-…/,
“Đờn ca Tài tử được du nhập vào miền Nam từ cuối thế kỷ XIX do ba nhạc sư gốc Trung Bộ là
Nguyễn Quang Đại (Ba Đợi - nhạc quan triều đình nhà Nguyễn), Trần Quang Quờn ( thầy ký Quờn)
và Lê Tài Khị (biệt danh nhạc Khị) sáng tạo nên. Đầu tiên ba nhạc sư sáng tạo nghệ thuật này chỉ
để phục vụ việc giải trí nghe chơi với nhau trong một cộng đồng nhỏ. Sau đó, nghệ thuật này ngày
càng lan rộng và thu hút thêm nhiều đối tượng khác tham gia hơn. Ban đầu chỉ có đờn, về sau này
mới xuất hiện thêm hình thức ca dần dần gọi thành đờn ca.”.
[9] Nguyễn Quang Đại (Ba Đợi), quê Cần Đước, Long An, không rõ năm sinh, mất.
[10] Trần Quang Quờn (Huờn), Kinh lịch Quờn, quê Thiềng Đức, Vĩnh Long (1875-1946)
[11] “Ca ra bộ” là hình thức diễn xuất khi ca thì ra bộ điệu cho vai hát thêm sinh động. Ca ra bộ
được nhận định ra đời khoảng năm 1915-1916. Ba người có công cho hình thức diễn xướng này,
được ghi nhận là do thầy Phó Mười Hai Tống Hữu Định, ông Trương Duy Toản và ông Nguyễn
Tống Triều.
[12] Thạch Phương, Lưu Quang Tuyến, Địa Chí Long An, NXB Long An 1989.
[13] Theo những tài liệu còn ghi lại của Câu lạc bộ đờn ca Tài tử quận 8, (TP.HCM)
[14]Trương Quốc Phong, Nghệ nhân Nguyễn Quang Đại - người khai sáng bộ môn đờn ca Tài tử và
nhạc Lễ Nam Bộ, theo http://tranquanghai.info
[15] Theo Minh Lời, Bài bản sân khấu Cải lương và Tài tử Nam Bộ, Sở VH-TT tỉnh Bến Tre, 2001, tr.
144.
[16] Theo Minh Lời, Bài bản sân khấu Cải lương và Tài tử Nam Bộ, Sở VH-TT tỉnh Bến Tre, 2001, tr.
143-144.
[17] Trương Quốc Phong, http://ak091261.violet.vn/…/show/c…/1701437/entry_id/1773047
[18] Theo Nguyễn Tấn Nhì, Hệ thống bài bản đờn ca Tài tử, https://sites.google.com/…/bien-
kh…/hethongbaibandhoncataitu.
[19] Theo Nguyễn Tấn Nhì, Hệ thống bài bản đờn ca Tài tử, https://sites.google.com/…/bien-
kh…/hethongbaibandhoncataitu.
Tài liệu tham khảo:
1.NLH: Châu Á: Việt Nam - Đờn ca Tài tử Nam Bộ (2013)
- disanthegioi.info, http://vhnthcm.edu.vn/nghe-thuat-don-ca-tai-tu-nam-bo-cua-…/
2.Minh Lời, Bài bản sân khấu Cải lương và Tài tử Nam Bộ, Sở VH-TT tỉnh Bến Tre năm 2001, tr.
143.
3. Nguyễn Tấn Nhì, Hệ thống bài bản đờn ca Tài tử, https://sites.google.com/…/bien-
kh…/hethongbaibandhoncataitu.
4. Trương Quốc Phong, Nghệ nhân Nguyễn Quang Đại - người khai sáng bộ môn đờn ca Tài tử và
nhạc Lễ Nam Bộ, theo http://tranquanghai.info
5. Thạch Phương, Lưu Q Tuyến, Địa Chí Long An, NXB Long An 1989.
6. Huỳnh Công Tín, Ba tổ chức văn chương Nam Bộ, Ấn tượng văn hóa đồng bằng Nam Bộ, NXB
CTQG-ST, 2012, tr. 47-58.
7. Huỳnh Công Tín, Văn chương miền sông nước Nam Bộ, NXB CTQG-ST, 2012, tr. 9-17.
Nguồn: Tạp chí Xưa & Nay, số tháng 8/2015.
TS. Huỳnh Công Tín