Nha Trang - Những mốc lịch sử
So với
lịch sử mở đất hơn 350 năm của Khánh Hòa, Nha Trang vẫn là vùng đất non trẻ. Từ
năm 1653 đến giữa thế kỷ XIX, Nha Trang là khu vực hoang vu nhiều thú dữ thuộc
phủ Diên Khánh. Nhưng từ đầu thế kỷ XX, bộ mặt Nha Trang đã thay đổi nhanh
chóng.
Tới năm 1924, Nha Trang trở thành một thị trấn được nâng lên từ các làng
cổ Xương Huân, Phương Câu, Vạn Thạnh, Phương Sài, Phước Hải. Thời Pháp thuộc,
các cơ quan chuyên môn của chính quyền thuộc địa như Tòa Công sứ, Giám binh,
Bưu điện… đều được đặt tại Nha Trang, tuy nhiên, các cơ quan Nam triều vẫn đóng
ở Thành Diên Khánh (cách Nha Trang 10km về phía Tây Nam và nằm trên đường Thiên
lý Bắc - Nam).
Năm 1937 Nha Trang được nâng lên
thị xã.
Ngày 27/1/1958, chính quyền Ngô Đình Diệm ban hành Nghị định 18-BNV bãi
bỏ quy chế thị xã, chia Nha Trang thành 2 xã là Nha Trang Đông và Nha Trang Tây
thuộc quận Vĩnh Xương.
Năm 1970, thị xã Nha Trang được tái lập, đóng vai trò là tỉnh lỵ tỉnh
Khánh Hòa, gồm 2 quận: quận 1 và quận 2.
Năm 1971, thị xã Nha Trang được chia thành 11 khu phố, trong đó, quận 1
có các khu phố Vĩnh Hải, Vĩnh Phước, Ngọc Hiệp, Vạn Thạnh, Duy Tân; quận 2 có
các khu phố Vĩnh Nguyên, Vĩnh Trường, Phương Sài, Tân Phước, Tân Lập, Phước
Hải. Đến tháng 8/1972, các khu phố này được đổi thành phường.
Ngày 2/4/1975, Nha Trang hoàn
toàn giải phóng.
Tháng 9/1975, quận 1 và quận 2
được hợp nhất thành thị xã Nha Trang.
Ngày 30/3/1977, thị xã Nha Trang được nâng lên cấp thành phố trực thuộc
tỉnh và là tỉnh lỵ tỉnh Phú Khánh (bao gồm hai tỉnh Phú Yên và Khánh Hòa hiện
nay). Phần đất 7 xã của huyện Vĩnh Xương cũ trước đây là Vĩnh Thái, Vĩnh Ngọc,
Vĩnh Hiệp, Vĩnh Lương, Vĩnh Trung, Vĩnh Thạnh, Vĩnh Phương được cắt ra khỏi
huyện Khánh Xương sáp nhập vào Nha Trang. Năm 1978, thành lập xã Phước Đồng
thuộc Nha Trang.
Ngày 1/7/1989, tái lập tỉnh Khánh Hòa từ tỉnh Phú Khánh cũ, Nha Trang là
tỉnh lỵ tỉnh Khánh Hòa.
Ngày 22/4/1999, Thủ tướng Chính phủ ban hành quyết định công nhận Nha
Trang là đô thị loại 2.
Ngày 22/4/2009, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng đã ký quyết định
công nhận thành phố Nha Trang là đô thị loại 1.
Hòn Tằm
Hòn Tằm nằm
ở phía Nam vịnh Nha Trang thuộc thành pho Nha Trang, tỉnh Khánh Hòa. Hòn Tằm là
một điểm du lịch sinh thái biển đảo hấp dẫn, nơi đây vẫn còn lưu lại vẻ hoang
sơ của thiên nhiên với thảm rừng nhiệt đới xanh mướt, bờ cát dài lãng mạn.
Hòn Tằm là một trong những điểm đến hấp dẫn nhất của tỉnh Khánh Hòa. Bàn
tay con người đã làm cho vẻ đẹp hoang sơ ấy càng trở nên hấp dẫn hơn.
Có một con đường nhỏ bao quanh đảo, giúp cho du khách thích đi dạo sẽ có
dịp ngắm nhìn trời mây non nước... Những chòi lá e lệ nằm dọc bờ cát trắng mịn
cùng những tòa nhà thấp thoáng trong rặng cây khiến du khách vô cùng thích thú,
và mong muốn được ngả mình nghỉ ngơi dưới bóng mát của những chòi lá ấy. Và
trong làn nước biển trong xanh, khách có thể ngắm nhìn đàn cá bơi lội tung tăng,
gần đến nỗi tưởng như chỉ đưa tay xuống nước là có thể bắt được.
Đến hòn
Tằm, du khách được lặn thám hiểm biển, chiêm ngưỡng vẻ đẹp của hòn Tằm từ trên
cao trên những chiếc dù bay hoặc có thể đua tốc độ cùng với những con sóng trên
chiếc
Jestki...có thể chơi bóng chuyền
bãi biển, đua xuồng Kayak, leo núi...hoặc nằm dài trên
những chiếc ghế ngắm mây trời và sóng biển. Sẽ chẳng có gì thú vị hơn
khi được ngả người trên bãi cát ngắm hoàng hôn đỏ rực ráng chiều trên đảo mãi
đến khi chúng chìm vào bóng tối.
Hơn thế nữa, hòn Tằm đã có những dịch vụ chuyên nghiệp và cao cấp, những
phòng ngủ sang trọng có truyền hình vệ tinh, điện thoại. Phòng hội nghị có thể
tổ chức được các cuộc họp khoảng 100 khách. Những trò chơi mới lạ, hấp dẫn luôn
được khám phá, tìm tòi để đổi mới và đổi mới liên tục, đáp ứng yêu cầu của du
khách.
Ở hòn Tằm có dịch vụ lửa trại dành cho du khách muốn nghỉ đêm trên đảo.
Khu dã ngoại này có 200 chiếc lều rực rỡ xinh xắn. Tham gia đêm lửa trại, du
khách sẽ được uống rượu cần, ăn đồ nướng, và hát hò suốt đêm.
Suối nước nóng Trường Xuân
Khánh Hòa có nhiều suối khoáng nóng nằm dọc theo bờ biển: Tu Bông, Vạn
Giã, Ninh Hoà, Nha Trang, Đảnh Thạnh, Cam Ranh. Nơi nào cũng có thể xây viện
điều dưỡng làm phong phú loại hình du lịch nghỉ mát, du lịch nghỉ dưỡng. Nằm ở
Dục Mỹ, xã Ninh Tây, huyện Ninh Hòa, cách Nha Trang khoảng 50 km về phía Tây
Bắc. Suối nước nóng Trường Xuân có độ nóng tới 760C và khá tinh khiết, chứa các
khoáng chất rất cần cho cơ thể con người, lại là nơi phong cảnh hữu tình, rất gần
với quốc lộ. Du khách đến thăm nguồn nước khoáng có thể đi dạo cảnh, tìm hiểu
phong tục, tập quán và sinh hoạt của đồng bào hai dân tộc Êđê và RắcLây, dân cư
chính ở đây.
Truyền thuyết
Về tên
gọi Trường Xuân, tương truyền rằng có nguồn gốc từ câu chuyện tình của một đôi
trai gái Buôn Đung. Cô gái tên Hà Xuân, chàng trai tên Y Trường. Hai người yêu
nhau tha thiết, nhưng chẳng may cô gái mang chứng bệnh ngoài da rất nặng mà
chẳng có thuốc gì để chữa. Họ hẹn nhau đến dòng suối này để nguyên sinh. May
mắn thay đã được cứu sống và điều kỳ lạ đã xảy ra, dòng nước suối đã làm da cô
lành bệnh. Họ lấy nhau và sống hạnh phúc. Từ đó suối có tên gọi Trường Xuân.
Cảnh quan
Cảnh quan
nơi đây rất đẹp. Dòng suối chảy tràn trên những phiến đá được xếp nối tiếp nhau
mỗi chiều dài khoảng 30m, ngay chính giữa có một phiến đá trông giống như con
rùa, tại đầu rùa có một lỗ trủng giống như cái thau, tại nơi đây nước nóng từ
75 ºC đến 80 ºC cứ trào lên liên tục bốc hơi trắng xóa và có mùi diêm sinh
thoang thoảng. Tại đây, du khách luộc trứng gà, nhưng vì không đủ 100 ºC nên
trứng gà chỉ chín lòng trắng mà không chín được lòng đỏ.
Năm 1960, Tổng Thống Ngô Đình Diệm cho xây tại Suối Nước Nóng một Khu Du
lịch và Điều dưỡng Trị bệnh bằng phương pháp thiên nhiên, có nhà trọ, phòng tắm,
hệ thống dẫn nước tối tân, nhưng sau năm 1963 chiến tranh lan tràn du khách dần
dần vắng bóng, rồi theo thời gian cả một công trình xây dựng chỉ còn là đóng
gạch vụn. Ngày nay, Suối Nước Nóng
Trường Xuân Dục Mỹ là một Trung tâm Du lịch của tỉnh Khánh Hòa đã thu
hút một số lượng du khách đáng kể ở trong và ngoài nước.
Thác Tà Gụ
Thác Tà Gụ với vẻ đẹp hoang sơ đầy quyến rũ, là
điểm du lịch dã ngoại tuyệt vời trong quần thể du lịch sinh thái Khánh Hòa. Tuy
nằm trong không gian hùng vĩ nhưng dòng nước không ồn ào, gào thét mà trầm lắng
kín đáo.
Từ trung tâm huyện Khánh Sơn đi ngược về hướng Tây Nam khoảng 15 km
đường bộ là đến địa phận xã Sơn Hiệp. Nơi đây du khách dễ dàng nhận ra cảnh núi
non hùng vĩ ở độ cao khoảng 1.300 mét so với mặt biển, có không khí trong lành
hòa quyện trong vùng rừng núi với các loại cây nhiều tầng, nhiều tán.
Xét về mặt địa lý, vẫn có thể coi Khánh Sơn là một cao nguyên rộng lớn
của tỉnh Khánh Hòa. Do có vị trí lân cận với Lâm Đồng nên khí hậu nơi đây cũng
có hai mùa rõ rệt: mùa mưa và mùa khô. Quá trình tái tạo của vỏ trái đất đã tạo
ra những cơn địa chấn cách ngày nay hàng tỷ tỷ năm làm cho điều kiện tự nhiên
của vùng núi Sơn Hiệp này có cấu hình khác biệt so với các nơi khác. Chính nơi
đây thiên nhiên đã ban tặng cho vùng núi non hùng vĩ Sơn Hiệp dòng thác Tà Gụ.
Thác Tà Gụ có thể được coi là một trong những thác đẹp nhất hiện nay đã
tìm thấy ở Khánh Hòa. Từ ngọn núi Chalo đã tích tụ được những giọt nước xanh
mát lạnh tạo thành một dòng chảy êm dịu, nhẹ nhàng đầy quyến rũ. Trước đây thác
Tà Gụ được người dân bản địa gọi là thác Ngà. Bởi lẽ, từ xa nhìn thác như một
chiếc ngà voi dài buông thõng xuống. Do dòng thác chảy vào suối Tà Gụ nên về
sau nó được gọi là thác Tà Gụ.
So với thác Đatanla hay thác Hang Cọp ở Đà Lạt thì
thác Tà Gụ có nhiều điểm ưu việt hơn, tuy nằm trong không gian hùng vĩ nhưng
dòng nước không ồn ào, gào thét mà trầm lắng kín đáo trong mọi hoàn cảnh nhờ sự
đồng cảm, chia sẽ dòng nước mát lạnh của lòng hồ nằm ôm lấy chân thác. Nước hồ
trong xanh, mặt hồ rộng gần 200 m2 nên du khách có thể bơi lội thỏa thích. Nằm
về phía bên phải dòng thác khoảng 70 mét, một mỏm núi tách đôi lộ ra một dòng
thác phụ đầy vẻ quyến rũ, hùng vĩ và huyền bí.
Dòng thác Tà Gụ cũng là nơi cung cấp nguồn nước tưới tiêu cho khu vực
Tây Nam huyện Khánh Sơn. Dòng nước trải dài từ lòng hồ về xuôi tạo ra một con
suối tuyệt đẹp. Dọc theo hai bờ suối gần 1 km đều có chỗ lý tưởng cho du khách
dừng chân hoặc dựng trại trước khi tiến lên chinh phục đỉnh thác.
Du khách đến Khánh Sơn không chỉ khám phá vẻ đẹp
của thác Tà Gụ mà còn được tiếp xúc, tìm hiểu về đời sống vật chất, tinh thần
của dân tộc Ra Glai, một dân tộc sống mộc mạc, thật thà mà kín đáo.
Truyền thuyết
Hạp 100 tuổi. Một buổi sáng mùa
khô, trời mát mẻ, một bầy trăn từ dưới chân núi bò lên
đỉnh kiếm mồi, chúng gặp một con
voi lạc mẹ đứng ngơ ngác, một con trăn đầu đàn to khỏe
lao tới quật ngã con voi. Cả hai
con vật vùng vẫy làm gãy nát cây cối, cuối cùng cả hai rớt
xuống vực thẳm, thân hình nát
vụn. Voi mẹ mất con đi tìm nhìn thấy con mình đã chết nằm
dưới vực sâu, voi mẹ thương tiếc
con đứng trên đỉnh núi cao khóc than suốt đêm ngày rồi
bỗng dưng hóa đá. Hai dòng nước
mắt của voi mẹ hóa thành hai dòng thác.
Truyền
thuyết khác kể rằng, từ thời xa xưa Tà Gụ là một dòng suối trong, tinh khiết,
hàng năm vào mùa xuân cây cối xanh tốt nở đầy hoa trái, chim muông tụ hội về
hót vang rừng, khí trời ấm áp. Các tiên nữ ở trên trời bay xuống tắm dưới suối
Tà Gụ rồi lên đỉnh núi cao xõa tóc dài hóng gió. Một lần có một tiên nữ xuống
tắm rồi lên đỉnh núi chải tóc, bầy chim muông thấy tiên nữ đẹp quá rủ nhau bay
tới múa hát líu lo. Nàng tiên thích thú vui đùa với chim muông quên mất thời
hạn thiên đình cho phép xuống trần. Khi nhớ ra vội bay về trời thì cổng trời đã
khép. Nàng tiên nọ đành trở lại, sống mãi dưới trần gian, rồi hóa thành thác Tà
Gụ. Mái tóc nàng là hai dòng nước chảy. Từ đó thác Tà Gụ còn có tên là thác
Nàng Tiên.
Cảnh quan
Nếu đứng ở chân thác nhìn lên thấy 2 dòng nước
trắng xóa đổ xuống giống như một thiếu nữ đang đứng cúi đầu xõa mái tóc dài
hóng gió. Còn từ trên đỉnh nhìn xuống, thác Tà Gụ giống như hai chiếc ngà voi
to, khỏe, trắng muốt trút dài xuống lòng suối.
Dưới chân thác là hồ nước trong xanh, rộng gần 200m2 nên du khách có thể
bơi lội thỏa thích. Nằm về phía bên phải dòng thác khoảng 70m, một mỏm núi tách
đôi lộ ra một dòng thác phụ đầy vẻ quyến rũ, hùng vĩ và huyền bí.
Thác Tà Gụ là điểm du lịch lý
tưởng dành cho tất cả mọi người. Người lớn tuổi, lên Tà Gụ sẽ
thấy thư giãn, ngồi trên những
tảng đá lớn bằng phẳng bên dòng suối ngắm những cây Tô
Hạp to khỏe, cao vút; nghe tiếng
chim hót líu lo và uống ruợu cần vịnh thơ thì tuyệt vời. Còn
đối với tuổi trẻ thích ấn tượng
mạnh thì leo lên đỉnh thác thả hồn theo mây gió trong không
khí mát lạnh ở độ cao hơn 500m so
với mặt biển thì hẳn có nhiều điều thú vị. Ngoài ra, du
khách đến Khánh Sơn không chỉ
khám phá vẻ đẹp của thác Tà Gụ mà còn được tiếp xúc, tìm
hiểu về đời sống vật chất, tinh
thần của dân tộc Raklai, một dân tộc sống mộc mạc, thật thà
mà kín đáo.
TRUYỀN THUYẾT SUỐI HOA LAN
Nói đến
suối Hoa Lan là người ta nói đến chiến khu Hòn Hèo - căn cứ địa cách mạng ở
chiến trường Nam Trung bộ trong hai cuộc chống Pháp và chống Mỹ mà ngày
16-7-1930 đã đi vào lịch sử đấu tranh cách mạng của Đảng bộ và nhân dân Khánh
Hòa một cách oai hùng và âm hưởng của nó vẫn còn vọng mãi đến mai sau…
Suối Hoa Lan nằm trong dãy núi Hòn Hèo, cách Nha Trang khoảng 18km về
phía Bắc. Suối dài khoảng 6km, được hình thành từ nhiều suối nhỏ của những ngọn
núi trong dãy Hòn Hèo. Dọc suối có đủ loại cây rừng mọc quấn quýt bên nhau
thành tầng thành lớp. Đặc biệt, suối có
rất nhiều hoa phong lan. Sau khi chảy qua những ghềnh thác cheo leo,
suối Hoa Lan đổ nước trực tiếp vào đầm Nha Phu. Nối đầm Nha Phu với dãy Hòn Hèo
là một khoảng đất bằng, diện tích khoảng 20 ha, nghĩa là chỉ trong một khoảng
không gian không rộng lắm nhưng KDL suối Hoa Lan đã trải mình qua cả 3 hình
thế: núi cao, đồng bằng và biển cả.
Chuyện kể rằng cách đây rất lâu, lâu lắm rồi bên đầm Nha Phu có một đôi
trai gái yêu nhau say đắm, nhưng không thể nào tiến tới hôn nhân được chỉ vì lý
do duy nhất là chàng trai quá nghèo. Cha mẹ cô gái ra điều kiện bất cứ ai muốn
cưới con mình về làm vợ thì trước hết phải có năm chục ký yến sào và một trăm
ký trầm hương để làm vật sính lễ. Không còn sự lựa chọn nào khác, cô - cậu đều
hạ quyết tâm bí mật dắt nhau lên núi Hòn Hèo tìm trầm hương rồi sau đó tiến ra
biển để hái yến sào. Như bị lạc vào nơi ốc đảo “không một dấu chân người”, họ
cứ đi đi mãi mà vẫn không thấy trầm hương đâu - cho đến khi màn đêm buông xuống
lúc nào không hay. Vừa mệt, vừa đói lại vừa khát nước, cả hai thiếp đi trong
giấc ngủ. Khi tỉnh dậy thì không còn thấy người yêu đâu cả, cô gái đau đớn lần
theo dấu vết từng giọt máu, nhưng bóng dáng người bạn trai thân yêu của mình
vẫn “biệt vô âm tín”. Và tiếng khóc của người con gái cũng lịm dần đi trong sự
tuyệt vọng, chỉ có nước mắt là vẫn chảy, chảy mãi theo các khe đá như dòng nước
trong lành - hễ nước mắt thấm vào đâu là chỗ có vết máu của chàng trai lại hiện
lên những chùm phong lan rực rỡ sắc màu, đung đưa trong gió…
Không biết cái tên “suối Hoa Lan” ra đời có giống như câu chuyện tình
đầy nước mắt vậy không? Nhưng dù sao cũng “khen ai đã khéo đặt tên” - vừa thực,
vừa mộng, vừa có ấn tượng về một vùng đất huyền thoại. Nó góp thêm vào bộ sưu
tập “suối” của tỉnh Khánh Hòa càng thêm phong phú. Đó là suối Đổ, suối Ngỗ,
suối Ồ Ồ, suối Ba Hồ, suối Đá Xẻ, suối Cát và suối… Hoa Lan. Có thể nói, ở
duyên hải miền Trung chưa có một hòn đảo hay bán đảo nào có dòng nước ngọt
tuyệt vời hơn suối Hoa Lan. Có lẽ bán đảo Hòn Hèo (suối Hoa Lan) giống như một
con khủng long rúc đầu vào núi và duỗi cái đuôi ra biển. Nhờ vậy mà hệ thống
mạch ngầm từ dãy Trường Sơn dồn về tắm mát quanh năm, tạo độ ẩm cho các loài
thực vật phát triển. Nơi đây là thế giới của lan rừng. Ngày trước lan rừng
nhiều lắm - là nơi hội tụ của nhiều giống phong lan như: từ vũ nữ, phượng
hoàng, tai trâu, đuôi sóc, đuôi chồn, đuôi gà, tiên nữ, quế hương…. Nó mọc ra
từ thân cây cổ thụ hoặc bám vào vách đá, đến đây
lúc nào cũng gặp hoa nở, cùng với tiếng chim rừng vang hót líu lo. Người
ta còn tận dụng nguồn nước ngọt trời cho này để xây bể nuôi hàng nghìn con cá
sấu. Những chú voi con từ bản Đôn đưa về đây còn tinh nghịch thập thò cái vòi
bé bỏng ra câu nhử cá sấu làm trò vui cho du khách.
Sự tích về hòn đảo màu đen (Hòn Mun)
Ấn tượng đầu tiên về Hòn Mun là sự tương phản sắc màu giữa biển và đảo.
Nổi bật giữa màu xanh rất lạ của nước biển là màu đen của hòn đảo, trông chẳng
giống đảo chút nào. Có gì mà ở đây lại thu hút nhiều du khách thế nhỉ?!
Hòn Mun cách thành phố Nha Trang
1giờ 30 phút đi bằng canô
Đây từng là ngọn núi lửa phun phún thạch. Theo thời gian, bề mặt đổi
màu, tạo thành hòn đảo với chiếc áo đen. Địa danh này càng trở nên đặc biệt khi
được thổi vào hơi thở của những câu chuyện cổ xưa.
Tương truyền, có ông tiên nhìn trộm các nàng tiên tắm. Không may, ông bị
phát hiện. Tức giận, các tiên nữ về tâu ngọc hoàng. Ông tiên nọ bị đày xuống
trần, chỗ Hòn Mun bây giờ, làm công việc đẽo đá. Ông bắt đầu đẽo từ hướng Đông
và Đông Nam, bổ rìu từ trên đỉnh xuống, lấy rẻo đá quẳng sang phía Tây, tạo nên
hình dáng đảo bây giờ: hướng Đông là vách đá dựng đứng, còn phía Tây toàn là đá
tảng.
Sau một thời gian, thấy ông tiên làm việc chăm chỉ, các tiên nữ động
lòng, xin ngọc hoàng xóa lệnh phạt, cho "người trót dại" về nhà trời.
Ngày nay Hòn Mun là khu bảo tồn biển quốc gia, nơi bạn có thể lặn ngắm
hàng nghìn sinh vật biển cả ngày không chán
Chùa Hang và Giếng Phật
Trong các cuốn cẩm nang du lịch, du khách sẽ không tìm thấy tên của chùa
Hang (TP.Nha Trang). Nhưng, có thử một lần tận mắt ngắm nhìn từng tảng đá khóm
hoa, và tận tai nghe kể về những câu chuyện kỳ ảo của ngôi chùa này từ ngày
khai sơn lập tự đến nay, du khách mới thấy ra đây quả là một chốn thiền môn
huyền diệu của xứ trầm hương.
Đi theo con đường chạy bọc phía sau lưng Tháp Bà, sừng sững trên triền
núi xanh, chùa Hải Ấn nổi bật lên với tường màu vàng nhạt và những vòm mái cong
cong màu đỏ. Dân quanh vùng cũng thường gọi bằng hai tiếng thân quen đầy cung
kính: Chùa Hang. Trong chùa có một cái hang ăn sâu lên trên đỉnh núi, dân kể
rằng xưa đó là một "hổ huyệt". Trong chiến tranh chống Mỹ, quân đội
Đại Hàn đến chiếm đóng đã san bít đường từ hang lên đỉnh núi. Vào năm 1968, ni
sư Chánh Lượng đến đây lập một am thờ Phật ngay trong hang, ở suốt trong hai
năm liền, "nhất bộ nhất bái" (mỗi bước một lạy) trì kinh Pháp Hoa để
cầu nguyện được lập nên một ngôi chùa. Chùa được xây phía bên ngoài cạnh hang
động, đến năm 1971 thì hoàn thành.
Hang động
nay vẫn còn đó, nép bên chánh điện nguy nga, hai bên cửa hang có bộ tượng
"Khuyến Thiện - Trừng Ác" trấn giữ, vào bên trong hang không khí khác
hẳn, im ắng, chừng như nghe được tiếng thì thầm của những tảng đá trắng nhám
sần sùi vô tri. Trong hang nay có thờ những tượng Phật, Bồ Tát, và tổ khai sơn.
Từ khi ni sư khai sơn viên tịch, chùa vẫn được tu bổ xây dựng thêm rất nhiều
công trình tạo nên một chốn thiền môn đầy hoa sắc, rộng rãi hơn, tráng lệ
hơn...
Đặc biệt là giếng nước trong
chùa. Giếng nằm bên ngoài phía trước dãy nhà trù, trên một
tảng đá xanh rì. Xưa, ni sư khai sơn đã cho đào thử nhiều giếng nước,
nhưng nước bị nhiễm mặn nên không sử dụng được như tất cả các giếng nước quanh
vùng vì ở gần cửa biển. Không đầu hàng, ni sư phát nguyện trì kinh "Ngũ
Bách Danh" (năm danh hiệu Phật, cứ mỗi lần xưng tán một danh hiệu Phật thì
phải đành lễ một lạy), để cầu tìm nguồn nước ngọt cho chùa, cũng như cho dân
trong vùng.
Rồi ngày nọ, ni sư đã chỉ cho đám thợ khoan giếng địa điểm để lấy nguồn
nước: Ngay bên trên tảng đá khổng lồ. Ban đầu, thợ khoan giếng không dám nhận
công việc này, vì họ sợ làm hao tài tốn của nhà chùa mà sẽ không được gì, nhưng
sự quả quyết của ni sư đã thuyết phục được họ, vậy là họ khoan xuống tảng đá
xanh cứng. Thật kỳ diệu, khoan sâu xuống lòng đá hơn mười mét thì gặp trúng
mạch nước ngọt mát lạnh và trong vắt. Giếng nước ngọt được tìm thấy, nguồn nước
tràn trề quanh năm, người dân quanh khu vực ngày đêm quẩy gánh xách thùng đến
xin nước về dùng từ đó đến nay, và dân chúng nghiêng mình cung kính gọi đó là
giếng Phật.
Ni sư trụ trì chùa hiện nay đang có dự định xây dựng những dãy bậc cáp
tận phía trên đỉnh núi cho hợp với nghĩa "du sơn", cả ngọn núi phía
sau lưng chùa sẽ mọc lên những tượng đài, gác chuông... tạo nên một cảnh quan
kỳ thú...
Khu du lịch sinh thái Tiếng Đá
Để góp một tiếng nói tôn vinh đàn đá, ông Mà Dá A,
dân tộc T'ring, Khánh Vĩnh, Khánh Hòa đã có sáng kiến tổ chức du lịch sinh thái
tại xã Gianh Ly. Địa chỉ này cách thành phố Nha Trang hơn 40km.
Là huyện miền núi phía tây tỉnh Khánh Hoà, Khánh Vĩnh được thiên nhiên
ban tặng một nguồn tài nguyên với thảm thực vật rất phong phú. Nơi đây lại có
nhiều dân tộc chung sống như: Kinh, Rag Lai, Ê Đê, T'ring, Tày... trong đó dân
tộc Rag Lai chiếm đến 50%.
Đồng bào các dân tộc Khánh Vĩnh có những sinh hoạt văn hoá phong phú
mang tính cộng đồng như lễ mừng lúa mới, lễ bỏ mả, lễ đâm trâu... Đặc biệt, họ
là chủ nhân của một loại nhạc cụ độc đáo - đàn đá. Họ còn chế tạo ra các dàn đá
bên cạnh nguồn nước suối phát ra tiếng kêu để đuổi thú rừng mà giữ nương rẫy.
Hằng ngày, tiếng đàn đá hoà cùng tiếng suối tạo nên khúc nhạc trầm bổng, độc
đáo của núi rừng, điểm tô thêm cho đời sống văn hoá của đồng bào...
Đến nay, trên địa bàn huyện Khánh Sơn và Khánh Vĩnh tỉnh Khánh Hoà người
ta đã tìm được hàng chục bộ đàn đá có niên đại cách ngày nay khoảng trên 2.000
năm. Để góp một tiếng nói tôn vinh loại nhạc cụ độc đáo của núi rừng, ông Mà Dá
A, dân tộc T'ring, nguyên Chủ tịch xã Giang Ly, Khánh Vĩnh đã có sáng kiến tổ
chức du lịch sinh thái núi - rừng - suối
-
đá tại xã Gianh Ly (cách trung
tâm thị trấn huyện Khánh Vĩnh 14 km về phía tây và cách thành phố Nha Trang
trên 40 km). Điểm du lịch này cũng chính là nương rẫy của gia đình ông, nằm
cạnh một con suối, giữa một khu rừng có nhiều tán cây râm mát, nhiều tảng đá
lớn và đẹp.
Ông Mà Dá A đã lên tận huyện miền
núi Khánh Sơn, quê hương của những bộ đàn đá nổi
tiếng, tìm về 7 thanh đá có 7 thanh âm khác nhau để thiết kế một bộ đàn
đá như bộ đồng bào miền núi vẫn dùng làm công cụ để đuổi thú rừng, chim chóc.
Ông treo các thanh đá theo thứ tự từ thanh trầm đến thanh cao dần rồi lợi dụng
sức nước chảy gõ lên các thanh đá phát lên những âm thanh trầm bổng, dồn dập.
"Dàn nhạc đá" này thực sự là một loại đàn tự động của thiên nhiên,
tạo ra những bản nhạc vui tai suốt ngày đêm, đem đến cho khách du lịch niềm vui
không dứt.
Khu du lịch của ông mới hoạt động được hơn một năm nay. Mọi thứ vẫn mang
vẻ nguyên sơ với những túp lều mái tranh, vách lồ ô làm nơi cho khách nghỉ qua
đêm. Đến đây du khách sẽ được thưởng thức những sản vật của đồng bào miền núi:
các món gà nướng, luộc, gà nấu canh chua lá giang hoặc cơm gạo lúa rẫy cùng với
những ché rượu cần nồng say.