TRONG 13 VỊ VUA NGUYỄN THÌ MỖI MỘT VỊ VUA SẼ CÓ MỘT TÍNH CÁCH RIÊNG VÀ ĐỂ LẠI MỘT DẤU ẤN RIÊNG.

- Vua Gia Long (1762-1820) là vị vua đầu tiên của triều Nguyễn, thống nhất Việt Nam sau nhiều thế kỷ nội chiến. Để làm được điều như vậy, vua Gia Long đã phải chiến đấu suốt 25 năm ròng rã với nhà Tây Sơn, trải qua biết bao nhiêu gian khổ, cay đắng cuộc đời, nếm mật nằm gai, để khôi phục lại cơ nghiệp của dòng tộc đã mất.

- Vua Minh Mạng (1791 - 1841) là một vị vua năng động và quyết đoán, trong thời gian trị vì (1820-1841), vua Minh Mạng đã đề xuất hàng loạt cải cách từ nội trị đến ngoại giao; cho lập thêm Nội các và Cơ mật viện ở kinh đô Huế, bãi bỏ chức tổng trấn Bắc thành và Gia Định thành để tránh tập trung quyền lực vào một vị quan, đổi trấn thành tỉnh (vào thời điểm đó nước ta có 30 tỉnh và 1 phủ).

- Vua Tự Đức (1829 - 1883) là vị vua trị vì lâu nhất (36 năm; 1847 - 1883), ông là vị vua hay chữ nhất triều Nguyễn, hiểu biết nhiều và yêu thơ văn, đặc biệt ông là vị vua rất hiếu thảo: ệ thường cứ ngày chẵn thì chầu cung, ngày lẻ thì ngự triều: trong một tháng chầu cung 15 lần và ngự triều cũng 15 lần, trừ khi đi vắng và lâm bệnh. Trong suốt 36 năm thường vẫn như thế, không sai chút nào. Ngoài ra những lời dạy, lời răn của mẹ - Thái hậu Từ Dũ luôn được vua ghi chép cẩn thận vào một cuốn sách, đặt tên là Từ huấn lục.

- Vua Dục Đức (1852 - 1883) tên khai sinh là Nguyễn Phúc Ưng Ái sau này khi được vua Tự Đức chọn làm con nuôi thì vua đổi tên Ưng Ái thành Ưng Chân vì ông là con của thân vương Nguyễn Phúc Hồng Y nên tên Ưng Ái không có bộ thị (mặc dù vẫn có chữ Ưng). Vì vậy, vua Tự Đức khi nhận ông làm con đã đổi thành là Nguyễn Phúc Ưng Chân, tên này có bộ thị để hợp với Đế hệ thi của vua Minh Mạng. Ông là vị vua trị vì ngắn nhất (3 ngày). Vua bị truất ngôi vì mắc bốn tội lớn: muốn sửa di chiếu của vua cha; có đại tang mà mặc áo màu; tự tiện đưa một giáo sĩ vào Hoàng thành; thông dâm với nhiều cung nữ của vua cha. Ngày 23 tháng 7 năm 1883, vua mất ngôi và bị giam vào ngục, bị bỏ đói cho tới chết. Dục Đức lấy từ tên nơi vua ở trong Hoàng cung khi được vua Tự Đức nhận làm con nuôi - Dục Đức Đường, vì thời gian trị vì quá ngắn vua không kịp đặt niên hiệu.

- Vua Hiệp Hòa (1847 - 1883) là vị vua có cái chết vô cùng bi thảm, vua bị ép uống thuốc độc để chết.

- Vua Kiến Phúc (1869 - 1884) là vị vua yểu mệnh bậc nhất của triều Nguyễn, tại vị 11/1883 - 7/1884, khi mất vua chỉ mới 15 tuổi. Cái chết của vua Kiến Phúc chỉ vì vua lỡ lời hay thật sự bệnh vua trở nặng,.. đến nay vẫn còn là một bí ẩn chưa có lời giải thoả đáng.

- Vua Hàm Nghi (1871 - 1943), vua Thành Thái (1879 - 1954), vua Duy Tân (1900 - 1945) là ba vị vua yêu nước, bộc lộ tinh thần chống Pháp quyết liệt.

- Vua Đồng Khánh (1864 - 1889) là vị vua thân Pháp, thích tiếp xúc với nền văn minh phương Tây.

- Vua Khải Định (1885 - 1925) là vị vua đầu tiên đi công du nước ngoài (Pháp - 1922). Bước lên ngai vàng ở tuổi 31, vua say xưa vào việc cho xây dựng các công trình cung điện, dinh thự,... đồ sộ, nguy nga với kết hợp hài hoà giữa lối kiến trúc phương Tây và phương Đông. Tuy nhiên, để có tiền xây dựng vua đã cho tăng thuế gây bất bình trong dân chúng. Nhưng dù gì đi nữa, các công trình kiến trúc ấy cho đến ngày nay vẫn mang một giá trị sâu sắc, có tính nghệ thuật cao, cần được giữ gìn, bảo tồn và phát huy giá trị của những di tích này. Bên cạnh đó, cũng nên nhìn nhận vua Khải Định với cái nhìn tích cực hơn.

- Vua Bảo Đại (1913 - 1997) là vị vua cuối cùng của triều Nguyễn. Cuộc đời ông gắn liền với những thăng trầm và biến động. Lên ngôi năm 13 tuổi và trị vị được 20 cho đến ngày ông chấp nhận yêu cầu thoái vị của chính quyền cách mạng.


- Page Khám phá Huế và tìm hiểu về triều Nguyễn -