THỦ ĐÔ HÀ NỘI (End)

Sân bay Gia Lâm
Đây là sân bay dân sự của thủ đô Hà Nội trước năm 1977.
Sân bay được xây dựng vào thời kỳ Pháp thuộc, 1936, nhằm tăng cường sự kiểm soát của Pháp
tại bán đảo Đông Dương. Khi giải phóng thủ đô 10/10/1954 chúng ta vẫn không làm chủ được
sân bay Gia Lâm do không quen với các trang thiết bị, máy móc mới, ta vẫn phải nhượng bộ cho
các sĩ quan Pháp ở lại sân bay nhằm phục vụ các chuyến bay của Ủy ban bay Quốc tế và cũng để
chúng ta học hỏi cách điều khiển sân bay. Ngày 1/1/1955, chào mừng Bộ Chính trị và Bác Hồ về
tiếp quản thủ đô, các chiến sĩ ta đã hoàn toàn có đủ khả năng kiểm soát sân bay, thủ đô sạch bóng
bọn xâm lược. Ngày nay sân bay Gia Lâm trở thành sân bay trực thăng phục vụ cho du lịch, khảo
sát thiết kế…
Quốc lộ 5
Con đường xuyên suốt nối liền Hà Nội với thành phố cảng Hải Phòng dài 106km được xây dựng
theo phương thức BOT (Building Onigazion Transfer – Xây Dựng Khai Thác Chuyển Giao).
Công trình với vốn đầu tư khoảng 3000 tỉ VNĐ, do Hàn Quốc xây dựng. QL 5 rút ngắn thời gian
Hà Nội – Hải Phòng chỉ còn 1,5 tiếng so với trước đây là 3 tiếng. Là con đường huyết mạch của
hàng hóa Hà Nội và các vùng phụ cận đi nước ngoài. Nhưng bên cạnh đó, một vấn nạn đang
được đặt ra hiện nay cho QL 5 là tình trạng tai nạn giao thông ngày càng tăng, người ta gọi QL 5
là Xa lộ tử thần – nơi có tỉ lệ tai nạn đứng đầu cả nước. Bởi đây là đường cao tốc nhưng lại
không có cầu vượt khi đi ngang các khu dân cư, ý thức chấp hành luật lệ giao thông của người
dân còn yếu hay đi vào những phần đường không dành cho mình nên rất dễ gây tai nạn. Thời
gian khai thác con đường là 10 năm, phương thức hoàn vốn từ việc thu phí cầu đường.
Khu công nghiệp Sài Đồng
Nằm trên làng Sài Đồng huyện Gia Lâm, chuyên sản xuất các linh kiện điện tử cao cấp phục vụ
cho nhu cầu trong nước và xuất khẩu.
KCN rộng khoảng 35ha, 100% vốn trong nước đầu tư: Cty Điện tử Hanel.
Bên cạnh KCN Sài Đồng là KCN Hà Nội – Đài Tư với sự đầu tư vốn 100% của Đài Loan, do
Cty Đài Tư đảm nhiệm.
Đối diện KCN Sài Đồng là KCN Deawoo – Hanel nằm trên phần Đông Nam của sân bay Gia
Lâm, rộng khoảng 27ha là liên doanh giữa cty Điện tử Hanel và Tập đoàn Deawoo Hàn Quốc.
Tính đến tháng 12/1999 đã có 38 dự án được cấp giấy phép đầu tư vào 3 KCN này với số vốn
đăng ký trên 675 triệu USD thu hút khoảng 6000 lao động, nộp thuế khoảng 10 triệu USD.
Khách sạn Hà Nội Deawoo
Tọa lạc trên đường Kim Mã cạnh công viên Thủ Lệ là khu khách sạn 5 sao HaNoi Deawoo và
khu văn phòng cao cấp Deaha. Deawoo là một trong những khách sạn lớn nhất tại Việt Nam hiện
nay, có tất cả 411 phòng, khu thể thao, massage, phòng hội nghị đạt tiêu chuẩn quốc tế… Vốn
đầu tư 177 triệu USd, cao 18 tầng. Giá trung bình từ 150 đến 200 USD và phòng suite là 1300
USD cho một đêm. Chính tại khách sạn này đã từng chứng kiến rất nhiều các Hội nghị thượng
đỉnh được tổ chức tại Việt Nam như: Hội Nghị Thượng Đỉnh Các Nước Nói Tiếng Pháp, Hội
Nghị Thượng Đỉnh ASEAN… Khu văn phòng cao cấp Deaha gồm hai dãy, 5 tầng, 193 phòng
chiếm diện tích khoảng 45.000m2.
Công viên Thủ Lệ
Được khởi công xây dựng ngày 19/5/1975. Toạ lạc ở phía Tây thành phố trên một khu đất rộng
20ha thuộc một làng cổ tên Thủ Lệ có từ thời nhà Lý thế kỷ XI. Nhân dân thủ đô đã đóng góp

hàng chục vạn ngày công để đào đắp và xây nên hồ Thủ Lệ. Trong công viên hiện nay có nuôi
rất nhiều loài động vật quý hiếm của Việt Nam và thế giới. Ngoài ra trong công viên còn có đền
thờ voi phục được lập từ thời vua Lý Thái Tông (1028 – 1054) thờ thần Linh Lang Đại Vương.
Công viên Thủ Lệ Hà Nội đã là thành viên của Hiệp hội Vườn thú Đông Nam Á (SEAZA) và có
quan hệ với trên 30 vườn thú và tổ chức bảo tồn động vật thế giới.
Sông Tô Lịch
Năm đầu đời Thành Thái (1889), thực dân Pháp cho thầu lấp sông Tô Lịch ở nội thành, các giới
nhân dân thủ đô đều tỏ ý bất bình. Tháng hai năm ấy, nhân tiết xuân, một số nhà văn mở cuộc thi
văn tập Kiều, đầu đề là “Ức Tô Giang” nghĩa là “Nhớ sông Tô”, ngụ ý nói sông Tô vẫn là một
thắng cảnh làm cho thủ đô tươi đẹp. Trải qua bao cơn biến đổi, hình ảnh của nó dần bị xóa nhoà,
gọi cho lòng người biết bao thương nhớ.
Tiếc sông Tô, nhớ sông Tô, vì với thủ đô, nó đã có hàng ngàn năm lịch sử và đã từng đóng góp
công vào việc xây dựng nên đất nước ngàn năm văn vật này. Lịch sử sông Tô, vốn không có sử
sách biên chép rõ ràng, chỉ từ những truyền thuyết từ xưa ở dân gian nói sông này xưa gọi là Bắc
Giang, vì nó là một chi nhánh của sông Hồng, từ phía Đông chảy dọc theo phía Bắc. Lại có
truyền thuyết nói sông này nguyên tên gọi là sông Lương Bài, nhưng không có căn cứ gì xác
thực đáng tin. Còn gọi là sông Tô Lịch là theo một câu chuyện xưa nói rằng: Xưa kia tại làng
Long Đỗ có người họ Tô tên Lịch, nhà ở ngay trên bờ Bắc Giang. Có 3 anh em trai đều ở chung
ăn chung, làm chung, không có gì riêng cả và đều thân yêu quý mến nhau. Đời thuộc Tấn được
cử làm hiếu liêm, rồi được cờ biểu, nêu rõ họ tên và đức hạnh ở trước nhà. Sau khi mất, dân làng
lấy tên đặt tên làng để tỏ lòng kính mến…
Đời thuộc Đường, Tiết độ sứ là Cao Biền đắp thành Đại La ở phía Tây sông lớn, chu vi 30 dặm.
Sông lớn có một ngành chảy tạt vào phía Bắc, rồi đổ xuống phía Nam, lại chảy vào sông lớn.
Một năm vào hồi tháng 6, nước hai sông đều lên to, Biền cưỡi một chiếc thuyền nhẹ, theo dòng
sông con đi lên, bỗng thấy một cụ già râu tóc bạc phơ, thân thể cao lớn, đang bơi lội ở giữa dòng
sông, cười nói tự nhiên, dường như không biết bên mình có ai. Cao Biền lấy làm lạ, hỏi tên và
quê quán, ông lão trả lời là họ Tô tên Lịch, nhà ở ngay trong dòng sông này. Nói rồi đập tay
xuống sông, nước tung tóe lên cao hàng trượng rồi biến mất. Cao Biền sợ hãi, biết đó là một vị
thần sông, nên lấy tên thần đặt tên sông là Tô Lịch.
Đến cuối đời nhà Trần, bọn phong kiến nhà Minh sang xâm chiếm nước ta.
Năm 1406, chúng chiếm cứ thành Thăng Long, đổi tên là thành Đông Quan, tướng Minh là
Hoàng Phúc lại đổi tên sông Tô Lịch thành sông Lai Tô. Hai chữ “Lai Tô” có nghĩa là thương
xót nhân dân loạn ly khổ sở nên đem lại cho sự yên ổn và nghỉ ngơi. Sau khi Lê Lợi khôi phục
lại đất nước, thành Đông Quan trở lại tên Thăng Long cũ, sông Lai Tô cũng lấy lại tên Tô Lịch
như xưa.
Theo một bản đồ thủ đô vẽ đời Hồng Đức nhà Lê, thì sông Tô Lịch là một nhánh của sông Hồng
chảy vào trong lòng thủ đô, ở chỗ gần chợ Gạo và đầu Hàng Buồm ngày nay (Hàng Buồm ngày
xưa gọi là phường Hà Khẩu, nghĩa là phố Cửa Sông), đi từ Đông sang Tây, qua các phố Ngõ
Gạch, Hàng Đường, Hàng Cá, Hàng Rươi, Cống chéo Hàng Lược, đường Phùng Hưng ngày nay.
Đến đó, nó ngược lên phía Bắc, thông với Hồ Tây và từ Hồ Tây đi thẳng lên Bưởi. Tới đó, lại
chia ra hai nhánh, một nhánh ngược lên hợp với sông Thiên Phù, một nhánh của sông Đáy, và
một ngành chảy xuôi theo phía Tây đến địa phận làng Hà Liễu (Thanh Trì) nhập vào sông Nhuệ.
Nhánh phía Tây này đến nửa chừng lại tách ra một nhánh chảy vào một sông con gọi là Ngưu
Giang, chảy ngoặt xuống phía Nam, có một ngách con chảy vào hồ Hoàn Kiếm. Ở đó, do một cái
ngòi nhỏ đổ ra sông Hồng. Vì sông hồ chạy quanh co ôm bọc như thế nên người ta đã ví thủ đô

xưa kia như một hòn đảo, có hình thế hiểm yếu, là một điểm quan trọng (long bàn: rồng ấp) mà
Lý Thái Tổ đã chọn là quốc đô.
Với thủ đô xưa, sông Tô Lịch là một cảnh sầm uất trên bến dưới thuyền. Thuyền bè từ mạn trên
về xếp đầy lâm thổ sản từ sông Cái vào đỗ ngay bên cạnh cầu Đông (Hàng Đường). Thuyền lớn
từ Thanh, Nghệ hay từ xa hơn nữa ra Bắc không đỗ ngoài sông Cái, không vào cửa sông chợ
Gạo, thì qua sông Đáy ở Phủ Lý, rồi ngược theo sông Nhuệ vào sông Tô Lịch, đỗ ở các bến phía
Tây và Tây bắc kinh kỳ.
Nhiều bài thơ vịnh hay dân ca còn truyền tụng đã mô tả những tình cảm bên cảnh sông tấp nập
ấy. Như:
Sông Tô nước chảy quanh co
Cầu Đông sương sớm, quán Dò trăng khuya
Buồn tình vừa lúc phân chia,
Tiếng ai như đã bên kia hẹn hò
Nước sông Tô vừa trong vừa mát
Em ghé thuyền đỗ sát thuyền anh
Dừng chèo muốn tỏ tâm tình
Sông bao nhiêu nước thương mình bấy nhiêu
Mỗi năm đến kỳ nước lớn, phù sa theo dòng sông Hồng chảy vào, thường làm cho dòng sông Tô
nông cạn, nên muốn bảo vệ đê La Thành khỏi bị tràn ngập, đến mùa nước cạn người ta thường
khơi vét lòng sông. Mặt khác dân cư ở hai bên bờ sông đông đúc, hàng ngày rác rưởi quăng vứt
cả xuống đó, nên phần sông ở thủ đô thường bị ứ tắc, nên cứ mấy năm lại phải một lần vét sông.
Chỉ có từ hồi Pháp thuộc, bọn thực dân lấy cớ mở rộng phạm vi căn cứ và tránh nạn nước lụt đã
bắt đầu cho lấp hẳn dòng sông Tô từ ven sông Hồng đến vườn Bách thảo. Ngoài cái biển tên phố
“Sông Tô Lịch” thay cho tên phố cũ “Cống chéo Hàng Lược” tại nội thành, nay không còn chút
gì là dấu vết sông Tô nữa. Còn số phận khúc sông Tô ở ngoại thành, cũng chẳng còn đẹp đẽ gì,
32 cây số dài từ Thụy Khê qua các cánh đồng làng Láng, làng Mọc, Thanh Xuân, Quang, Tó, dù
không bị lấp, cũng chỉ còn là những lạch nhỏ chứa đầy những nước đen xì bẩn thỉu, làm tổ cho
ruồi muỗi.
Từ ngày tiếp quản thủ đô, chính quyền ta quan tâm đến đời sống nhân dân, khúc sông Tô Lịch
còn lại mới được trông nom, khơi vét để lấy nước Hồ Tây chống hạn cho các cánh đồng ngoại
thành. Sông Tô lại được người ta nhắc nhở đến và được sửa sang để phục vụ nhân dân nhiều
hơn.
Đường cao tốc Thăng Long – Nội Bài
Đây là một trong những con đường đẹp nhất Việt Nam hiện nay.
Con đường có chiều dài khoảng 35km nối liền sân bay Nội Bài với trung tâm thủ đô Hà Nội.
Cầu Thăng Long
Đây là một trong những cây cầu lớn nhất Đông Nam Á, được xây dựng vào ngày 26/11/1974
nhưng phía đối tác Trung Quốc đã hủy bỏ hợp đồng. Sau đó ta tiếp tục hợp tác với Liên Xô (nay
là Cộng Hòa Liên Bang Nga) để tiếp tục xây dựng cây cầu hữu nghị này. 19/5/1985 cây cầu đã
hoàn tất sau 11 năm xây dựng. Cầu dành cho đường bộ dài 3115m với 4 làn xe, cầu dành cho
đường sắt dài 5553m, hai tầng cầu này cách nhau 10m, tầng xe lửa cách mặt nước 14m. Ngoài ra
có cầu thô sơ dài 2650m. Tại miền Nam cầu Mỹ Thuận mới xây dựng được xem là cầu dài nhất
miền Nam cũng chỉ dài 1535m, dự kiến cầu Cần Thơ sẽ xây dựng dài 2750m.
KCN Bắc Thăng Long
Rộng khoảng 200ha ở phía Bắc cầu Thăng Long, là liên doanh giữa Tập đoàn Sumitomo Japan
và Công ty Cơ khí Đông Anh. Khởi công xây dựng vào tháng 3/1996, hiện nay có khoảng 87

doanh nghiệp đang thuê đất. KCN sản xuất, phân phối, vận chuyển hàng hóa song song với sự
phát triển các KCN tại Hà Nội.
Thành Cổ Loa
Ai về qua huyện Đông Anh
Ghé xem phong cảnh Loa Thành Thục Vương
Cổ Loa hình ốc khác thường
Trải bao năm tháng dấu thành còn đây
Bên dòng sông Hoàng Giang, soi bóng tòa thành cổ vào bậc nhất Việt Nam. Thành khởi dựng
hơn hai thế kỷ trước Thiên Chúa giáng sinh làm thủ đô Âu Lạc. Rồi không ngừng được sửa sang
qua những năm tháng lịch sử, cũng như không ngừng bị bào mòn bởi thời gian, để ngày nay trở
thành khu di tích. Chấp nối và suy đoán từ những gì còn lại, ta hiểu được đôi phần về một thành
tựu xuất sắc về quốc phòng của tổ tiên ta.

Vị trí: Cổ Loa nằm giữa trung tâm đất nước Âu Lạc, Hoàng Giang bao bọc ở phía Nam. Sông ấy
xưa to rộng, trên nhận nước Nhị Hà, dưới đổ nước vào sông Cầu, chảy qua năm huyện Yên
Lãng, Kim Anh, Đông Ngàn, Tiên Du, Yên Phong. Nét nổi bật: giao thông thuận lợi. Ai cũng
biết: Người Việt Cổ lừng danh “lặn giỏi, bơi tài, thạo thủy chiến, giỏi chèo thuyền”.
Địa hình: Cổ Loa là “đất đồng đường”, đất cao ráo. Trong 23 xã của Đông Anh, Cổ Loa – tên
dân gian là Kẻ Chủ – cao nhất. Vua Thục và triều đình Âu Lạc khéo chọn Cổ Loa làm đất định
đô: cao ráo, giữa đất nước, giao thông thuận lợi.
Kỹ thuật xây thành: Ngày ấy đã có nồi niêu bát đĩa bằng sành, nhưng chưa có gạch ngói. Đây là
một tòa thành bằng đất. Nét nổi bật đầu tiên: thành đắp ven sông, thành của những người làm
ruộng đã biết đắp bờ vùng, bờ thửa, đắp đê… nên vòng ngoài cùng của lũy thành cũng đồng thời
là đê. Đê bao quanh và dài hơn 8km, làm giới hạn cho kinh thành Âu Lạc (so với đê La Thành
Thăng Long dài hơn 30km). Lũy thành đắp uốn lượn theo địa hình tự nhiên của vùng Kẻ Chủ.
Hiện còn lại 3 vòng lũy đất.
+Thành Ngoài: 8km.
+Thành Giữa: 6,5km
+Thành Trong: 1,6km
Lũy cao trung bình 4-5m có chỗ cao 8-12m hoặc hơn. Nếu ta tính đến sự xâm thực bào mòn của
mưa gió, chân lũy bề thế, vững chãi: 20-30m, mặt luỹ cũng rộng 6-12m.
Hào được đào gắn liền với đắp lũy, ngoài là hào, trong là lũy. Hào sâu rộng, thuyền đinh đi lại
được. Hào lại nối với sông và với miền Đầm Cả rộng mênh mông, bảo đảm quanh năm hào có
nước. Lũy cao, với khối lượng đất đắp ước lượng khoảng 2,2 triệu m3. Với năng suất và dụng cụ
đào đắp thô sơ ngày xưa, phải tốn bao nhiêu ngày công ? ít ra cũng vài triệu ngày công, mà dân
số Âu Lạc khi ấy theo thống kê khoảng 400.000. Một công trình lao động khổng lồ!
Thành cũng là một công trình quốc phòng, được đắp nhằm mục đích quân sự. Ấy là thời của
gươm đao, giáo mác, cung nỏ… Chưa có súng, Cổ Loa nói gì với các nhà quân sự?
Thứ nhất: với vị trí ấy, Cổ Loa vừa là căn cứ phòng ngự vừa là căn cứ có thể xuất phát tiến công.
Tiên công bằng chiến thuyền, ngược Tây Bắc xuôi Đông Nam. Tiến công bằng bộ binh, dựa lưng
vào núi rừng Việt Bắc, hiên ngang tiến ra vùng biển cả.
Thứ hai: Cổ Loa vừa là căn cứ thủy quân vừa là căn cứ bộ binh. Chiến thuyền dàn trên Hoàng
Giang cũng có thể triển khai khắp nước, cũng có thể ẩn náu trong các quân cảng của kinh thành,
cũng có thể triển khai khắp 3 vòng hào phối hợp cùng bộ binh đánh địch.
Từ thành Cổ Loa chứa đựng cả một bi kịch gia đình, bi kịch tình duyên và hơn tất cả là bi kịch

mất nước. Phải chăng từ Cổ Loa xưa ánh lên một chân lý: nước vững không chỉ có thành cao,
hào sâu, nước mạnh, vũ khí sắc bén mà cốt yếu là lòng dân. Xây thành trong lòng dân là vững
vàng nhất. Mất dân là mất nước.
Ngày nay thành bị hư hại nhiều do sự tàn phá của thiên nhiên, nhưng hư hại nhiều nhất lại từ con
người: phá thành lấy đất làm ruộng, làm ao… Đêm 26/12/1972 cùng với Khâm Thiên, Cổ Loa
cũng không thoát khỏi sự phá hủy của bom đạn B52 Mỹ.
An Dương Vương
Có rất nhiều giả thuyết về sự kiện An Dương Vương thành lập nước Âu Lạc. Theo một số sách
sử như Đại Việt Sử Ký Toàn Thư (Ngô Sĩ Liên), Việt Sử Tiêu Án (Ngô Thời Sĩ) thì An Dương
Vương là thủ lĩnh của xứ Thục (hiện nay chưa xác định xứ Thục ở đâu). Vào năm 257 trước
Công nguyên, Thục Phán đem quân đánh Vua Hùng thứ 18. Hùng Vương ỷ có binh hùng tướng
mạnh, không lo phòng vị, chỉ ngày đêm uống rượu, đàn hát. Khi quân Thục Phán tấn công bất
ngờ, Hùng Vương không chống chọi được, phải nhảy xuống giếng tự tử.
Có giả thuyết khác cho rằng Thục Phán là thủ lĩnh người Tây Âu, cư trú trên địa bàn phía Bắc
nước Văn Lang. Vào năm 214 TCN, Tần Thủy Hoàng sai tướng là Đồ Thư sang đánh đất Bắc
Việt. Người Tây Âu và người Lạc Việt cùng nhau đứng lên chống quân Tần. Sau khi thành công
trong công cuộc đánh đuổi quân xâm lăng, Hùng Vương thứ 18 nhường ngôi vua cho Thục Phán.
Dù có nhiều giả thuyết cho tình huống lên ngôi của Thục Phán nhưng tất cả đều công nhận việc
Thục Phán hợp nhất vùng đất của mình vào nước Văn Lang mà lập nên nước Âu Lạc.
Truyền thuyết về thất bại của An Dương Vương trước Triệu Đà là chuyện thần Kim Quy và
chiếc nỏ thần. Chuyện kể rằng An Dương Vương được thần Kim Quy tặng cho nỏ thần để giữ
gìn đất nước. Triệu Đà cho con trai là Trọng Thủy sang kết hôn với Mỵ Châu, con gái An Dương
Vương. Trọng Thủy tráo nỏ thần, nhờ thế Triệu Đà đánh thắng được An Dương Vương. An
Dương Vương thua, chém chết Mỵ Châu và nhảy xuống biển tự tử.
KCN Nội Bài - Sân bay Nội Bài
Với diện tích 300ha sau phát triển thành 1000ha, là liên doanh giữa Cty Renong Malaysia và Cty
xây dựng Công nghiệp Hà Nội với tổng số vốn khoảng 80 triệu USD. Đây là KCN dành cho các
ngành công nghiệp sạch, hiện đại: điện tử, công viên phần mềm…
Là một trong những sân bay quốc tế lớn nhất Việt Nam hiện nay. Sân bay được xây dựng vào
năm 1977 thay cho sân bay Gia Lâm đã quá chật hẹp không đủ điều kiện phát triển đất nước. Sân
bay có diện tích khoảng 450ha với hai đường băng lên xuống dài 3,65km có thể đáp ứng nhu cầu
đáp và cất cánh các loại máy bay lớn và hiện đại như: Boeing, Airbus… Công suất tiếp đón hàng
năm của sân bay Nội Bài hiện nay khoảng 2,5 triệu lượt khách/năm.