Quảng Trường Ba Đình
Hà Nội là trái tim của nước Việt Nam thì Quảng trường Ba Đình là trái tim của Hà Nội, vì tại
đây đã diễn ra những sự kiện trọng đại của Thủ đô và cũng là của nước ta. Nguyên nơi đây vốn
là khu vực Cửa Tây của thành Hà Nội cổ. Đầu thời Pháp thuộc, thực dân phá thành làm một
vườn hoa nhỏ, ở nơi đây gọi là điểm tròn Puginier. Năm 1945 mới có tên gọi là vườn hoa Ba
Đình. Chữ Ba Đình là để gợi nhớ dải đất Ba Đình ở tỉnh Thanh Hoá mới đã nổ ra cuộc khởi
nghĩa chống Pháp kéo dài từ tháng 9/1886 đến tháng 1/1887.
Ngày 2/9/1945, nửa triệu đồng bào Hà Nội và phụ cận đã đổ về quảng trường này để dự lễ Độc
Lập. Lễ đài dựng giữa quảng trường, bốn mặt hình thang phủ vải đỏ, ở giữa có hình nổi ngôi sao
vàng năm cánh.
Ngày 6/9/1969, 6 ngày sau khi Hồ Chủ Tịch qua đời, cũng tại quảng trường này, lễ truy điệu
Người đã được cử hành trọng thể. 100.000 đồng bào Thủ đô và các địa phương cùng 34 đoàn đại
biểu quốc tế đã về đây dự lễ.
Ngày nay, mặt chính của quảng trường - mặt Tây là Lăng Hồ Chủ Tịch, trước Lăng là quảng
trường với 320m chiều dài và 100m bề ngang, đủ chỗ cho 20 vạn người dự mit tinh. Thêm vào
đó là 168 ô cỏ bốn mùa xanh tươi, mỗi ô rộng 81m2, lối đi giữa mỗi ô là 1,4m; ở giữa quảng
trường là cột cờ cao 25m.
Quảng trường Ba Đình đã trở thành không gian thiêng liêng của Thủ Đô Hà Nội .
Tuyên Ngôn Độc Lâp
“Hỡi quốc dân đồng bào cả nước,
“Tất cả mọi người đều sinh ra có quyền bình đẳng. Tạo hoá cho họ những quyền không ai có thể
xâm phạm được; trong những quyền ấy, có quyền được sống, quyền tự do và quyền mưu cầu
hạnh phúc”.
Lời bất hủ ấy ở trong bản Tuyên ngôn độc lập năm 1776 của nước Mỹ. Suy rộng ra, câu ấy có ý
nghĩa là: tất cả các dân tộc trên thế giới đều sinh ra bình đẳng; dân tộc nào cũng có quyền sống,
quyền sung sướng và quyền tự do.
Bản Tuyên ngôn nhân quyền và dân quyền của Cách mạng Pháp 1791 cũng nói: “Người ta sinh
ra tự do và bình đẳng về quyền lợi và phải luôn được tự do và bình đẳng về quyền lợi”.
Đó là những lẽ phải không ai chối cãi được.
Thế mà hơn 80 năm nay, bọn thực dân Pháp lợi dụng lá cờ tự do, bình đẳng, bác ái đến cướp đất
nước ta, áp bức đồng bào ta. Hành động của chúng trái hẳn với nhân đạo và chính nghĩa.
Về chính trị, chúng tuyệt đối không cho nhân dân ta một chút tự do dân chủ nào.
Chúng thi hành những luật pháp dã man. Chúng lập 3 chế độ khác nhau ở Trung, Nam, Bắc để
ngăn cản việc thống nhất nước nhà của ta, để ngăn cản dân tộc ta đoàn kết.
Chúng lập ra nhà tù nhiều hơn trường học. Chúng thẳng tay chém giết những người yêu nước,
thương nòi của chúng ta. Chúng tắm các cuộc khỡi nghĩa của chúng ta trong những bể máu.
Chúng ràng buột dư luận, thi hành chính sách ngu dân.
Chúng dùng thuốc phiện, ruợu cồn để làm cho nòi giống chúng ta suy nhược.
Về kinh tế, chúng bóc lột nhân dân ta đến xương tủy, khiến cho dân ta nghèo nàn, thiếu thốn,
nước ta xơ xác, tiêu điều.
Chúng cướp không ruộng đất, hầm mỏ, nguyên liệu.
Chúng giữ độc quyền in giấy bạc, xuất cảng và nhập cảng.
Chúng đặt ra hàng trăm thứ thuế vô lý, làm cho dân ta, nhất là dân cày và dân buôn trở nên bần
cùng.
Chúng không cho các nhà tư sản của ta ngóc đầu lên. Chúng bóc lột công nhân ta một cách vô
cùng tàn nhẫn.
Mùa thu năm 1940, phát xít Nhật đến xâm lăng Đông Dương để mở thêm căn cứ đánh Đồng
minh, thì bọn thực dân Pháp quỳ gối đầu hàng, mở cửa nước ta rước Nhật. Từ đó dân ta chịu hai
tầng xiềng xích: Pháp và Nhật. Từ đó dân ta càng cực khổ, nghèo nàn. Kết quả là cuối năm ngoái
đầu năm nay, từ Quảng Trị đến Bắc Kỳ hơn hai triệu đồng bào ta bị chết đói.
Ngày 9/3 năm nay, Nhật tước khí giới của quân đội Pháp. Bọn thực dân Pháp hoặc bỏ chạy hoặc
đầu hàng. Thế là, chẳng những chúng không “bảo hộ” được ta, trái lại, trong 5 năm chúng đã bán
nước ta hai lần cho Nhật.
Trước ngày mồng 9/3, biết bao lần Việt Minh đã kêu gọi người Pháp liên minh để chống Nhật.
Bọn thực dân Pháp đã không đáp ứng, lại thẳng tay khủng bố Việt Minh hơn nữa.
Thậm chí đến khi thua chạy chúng còn nhẫn tâm giết nốt số đông tù chính trị ở Yên Bái và Cao
Bằng.
Tuy vậy đối với người Pháp, đồng bào ta vẫn giữ một thái độ khoan hồng và nhân đạo. Sau cuộc
biến động ngày 9/3, Việt Minh đã giúp cho nhiều người Pháp chạy qua biên thuỳ, lại cứu cho
nhiều người Pháp ra khỏi nhà giam Nhật, và bảo vệ tính mạng và tài sản cho họ
Sự thật là từ mùa thu 1940, nước ta đã thành thuộc địa của Nhật, chứ không phải thuộc địa của
Pháp nữa. Khi Nhật hàng Đồng minh thì nhân dân cả nước ta đã nổi dậy giành chính quyền lập
nên nước Việt Nam Dân Chủ Cộng Hoà.
Sự thật là dân ta đã lấy lại nước Việt Nam từ tay Nhật, chứ không phải từ tay Pháp.
Pháp chạy, Nhật hàng, vua Bảo Đại thoái vị. Dân ta đã đánh đổ các xiềng xích thực dân gần 100
năm nay để gầy dựng nên nước Việt Nam độc lập. Dân ta lại đánh đổ chế độ quân chủ mấy mươi
thế kỷ mà lập nên chế độ Dân Chủ Cộng Hoà.
Bởi vì thế cho nên, chúng tôi, Lâm Thời Chính Phủ của nước Việt Nam mới, đại biểu cho toàn
dân Việt Nam, tuyên bố thoát ly hẳn quan hệ thực dân với Pháp, xoá bỏ hết những hiệp ước mà
Pháp đã ký với Việt Nam, xoá bỏ tất cả mọi đặc quyền của Pháp trên đất nước Việt Nam.
Toàn dân Việt Nam trên dưới một lòng, kiên quyết chống lại âm mưu của bọn thực dân Pháp.
Chúng tôi tin rằng các nước Đồng minh đã công nhận những nguyên tắc dân tộc bình đẳng ở các
Hội nghị Teheran và Cựu kim sơn, quyết không thể không công nhận quyền độc lập của dân tộc
Việt Nam.
Một dân tộc đã gan góc chống ách nô lệ của Pháp hơn 80 năm nay, một dân tộc đã gan góc đứng
về phe Đồng minh chống phát xít mấy năm nay, dân tộc đó phải được tự do! Dân tộc đó phải
được độc lập!
Vì những lẽ trên, chúng tôi, Chính phủ Lâm thời của nước Việt Nam Dân Chủ Cộng Hoà, trịnh
trọng tuyên bố với thế giới rằng:
Nước Việt Nam có quyền hưởng tự do và độc lập và sự thật đã trở thành một nước tự do, độc
lập. Toàn thể dân tôc Việt Nam quyết đem tất cả tinh thần và lực lượng, tính mạng và của cải để
giữ vững quyền tự do và độc lập ấy.”
Hội trường Ba Đình
Đối diện với lăng Bác, đây là hội trường quan trọng nhất Việt Nam với 1200 chỗ ngồi, có cả
những phòng để họp tổ hay tiểu ban. Sân khấu rộng 125m2 dành cho Chủ tịch đoàn trong các hội
nghị do hai kiến trúc sư lão thành Nguyễn Cao Luyện và Trần Hữu Tiềm thiết kế. Hiện nay
chính phủ ta đang có quyết định xây mới một khu Hành chánh - Lễ tân mới cho Quốc Gia vì Hội
trường Ba Đình đã lạc hậu với các yêu cầu mới của đất nước. Hội trường cũ vẫn để lại làm di
tích lịch sử.
Phủ Chủ tịch –Nhà sàn Bác Hồ
Phủ Chủ Tịch là toà nhà 4 tầng màu vàng nhạt nhìn ra đường Hùng Vương được xây dựng từ
nắm 1900 đến 1902. Thời Pháp thuộc, đây là nơi ở và làm việc của viên Toàn quyền Đông
Dương, do đó còn có tên là Phủ toàn quyền. Sau khi tiếp quản Hà Nội, Bộ Chính trị đã đề nghị
Bác ở lại khu nhà này. Nhưng Bác nói: “Dân hiện nay còn đang đói khổ nhiều lắm mà Bác ở
trong ngôi nhà sang trọng, quá lớn thế này là lỗi đạo với dân” và Bác yêu cầu được ở lại trong
căn nhà của anh thợ điện cũ từng làm việc cho viên Toàn quyền Pháp. Cũng chính tại cầu thang
trước Phủ Chủ Tịch, chiều thứ bảy nào Bác cũng cho các cháu thiếu nhi vào đây vui chơi, ca hát
để Bác cho kẹo và kể chuyện cho các cháu nghe. Bác còn tự tay uốn nắn các vòng tròn bằng rễ
cây để cho các cháu thiếu nhi vui đùa.
Ngày nay Phủ Chủ Tịch là nơi hội họp và tiếp đón các vị nguyên thủ quốc gia, các vị khách quý
đến thăm và làm việc tại nước ta. Đây cũng là nơi đại sứ các nước trình Quốc thư. Kỳ họp thứ tư
Quốc Hội khóa I (3/1955) đã họp tại đây và Bác Hồ cũng đã chủ trì nhiều cuộc họp Hội Đồng
Chính Phủ.
Ngày 19/5/1975, Phủ Chủ Tịch đã được Nhà nước công nhận là một trong những khu lưu niệm
về Chủ Tịch Hồ Chí Minh.
Đầu hè 1958, khi tiến hành sửa chữa ngôi nhà chính của Phủ Chủ Tịch, nhà sàn của Bác mới
được xây dựng. Bác bảo: “Nhà mới sẽ làm theo kiểu nhà sàn mà Bác đã ở tại Việt Bắc”. Trong
khi xây dựng Bác lại bận đi công tác xa nên không theo dõi tiến độ thực hiện công trình. Khi Bác
trở về thì nhà đã xây xong. Bác khen anh em làm nhanh nhưng lại phê bình rằng tốn kém hơn khi
Bác vẽ ra. Mọi người đã nhận khuyết điểm đó vì ai cũng muốn tô điểm chỗ ở của Bác thêm đẹp.
Ngôi nhà sàn nhỏ hai gian thoáng dựng trên cột gỗ. Tầng dưới có 12 chiếc ghế quanh chiếc bàn
rộng là nơi Bác hay họp với Bộ Chính trị. Hiện nay, các vật dụng làm việc của Bác vẫn còn
nguyên vẹn như: 3 chiếc điện thoại 3 màu khác nhau là phương tiện chính để Bác liên lạc với Bộ
Chính trị, Cục tác chiến, Cục phòng không… block lịch vẫn là ngày 17/8/1969- đó là ngày Bác
ngưng không làm việc nữa tại ngôi nhà sàn này. Trên bàn chiếc đồng hồ của Bác vẫn chạy, tuy
Bác đã mất nhưng người ta muốn để chiếc đồng hồ vẫn chạy với ngụ ý rằng Bác vẫn luôn hiện
diện nơi đây, luôn làm việc và vui đùa với các cháu thiếu nhi yêu thương. Xung quanh tầng dưới
là những bệ ximăng Bác cho xây dựng để các cháu thiếu nhi đến chơi có chỗ để ngồi.
Tham quan tầng trên của nhà sàn, phòng ngủ du khách sẽ càng cảm nhận rõ hơn sự giản dị của
Bác qua các vật dụng, mọi thứ đều bình thường đến khó tin. Dưới chân cầu thang có chiếc
chuông đồng nhỏ sẵn sàng báo cho Bác biết khi có khách đến thăm!
Đến thăm ngôi nhà sàn của Bác du khách sẽ được tham quan ao cá, nơi mà hàng ngày Bác vẫn tự
tay thả thức ăn và chăm sóc những đàn cá như một phần cuộc sống của mình. Cây vú sửa do
đồng bào miền Nam gởi ra biếu Bác năm 1954, được Bác trồng trứơc cổng nhà như là niềm thôi
thúc trong lòng mong thống nhất đất nước, “Miền Nam mong Bác nỗi mong Cha!”. Ngoài ra
trong khu vực này du khách sẽ thấy hai cây dừa rất đặc biệt. Một cây do đồng bào ta ở Thái Lan
biếu Bác, còn một cây do đồng bào Vĩnh Phú gởi biếu.
Chùa Một Cột
Chùa này ở phía Tây thủ đô, thuộc thôn Ngọc Thanh, khu Ngọc Hà. Nơi đó nguyên có một cái
hồ hình vuông, giữa hồ có một cột đá, cao chừng hai trượng, chu vi chín thước, đầu trụ đặt một
tòa chùa ngói nhỏ, hình như một đoá hoa sen dưới nước mọc lên, người ta gọi là chùa Nhất Trụ
hay là chùa Một Cột.
Chùa xây từ năm 1049, tức là năm đầu tiên hiệu Sùng Hưng Đại bảo vua Thái Tông nhà Lý. Tục
truyền khi ấy vua Thái Tông tuổi đã cao mà chưa có con trai, thường đến cầu tự ở các chùa. Một
đêm nằm chiêm bao thấy đức Phật Quan Âm hiện trên đài hoa sen trong một cái hồ vuông ở phía
Tây thành, tay bế một đứa con trai đưa cho nhà vua. Sau đó nhà vua quả sinh được con trai. Nhà
vua liền sai lập chùa Một Cột để thờ phật Quan Âm. Khi chùa làm xong, nhà vua triệu tập hàng
ngàn tăng ni đứng chầu chung quanh, tụng kinh suốt bảy ngày đêm và lập thêm một ngôi chùa
lớn ở ngay bên cạnh để thờ chư Phật, gọi là chùa Diên Hựu.
Năm 1105, vua Nhân Tông nhà Lý cho sửa lại chùa, dựng lên một cây tháp bằng đá trắng gọi là
tháp bạch tuyết, cao 13 trượng ở trước chùa Diên Hựu. Từ tháp Bạch Tuyết vào chùa Một Cột, đi
bằng một hành lang cầu vồng. Mỗi tháng hai ngày rằm, mồng một nhà vua các hậu phi, cung tần
và cận thần tới chùa lễ Phật. Đặc biệt là hàng năm cứ đến ngày 8/4 là ngày Phật sinh, nhà vua lại
ngự ra chùa trước một đêm, giữ mình chay sạch, ngày hôm sau làm lễ tắm Phật. Rất đông tăng ni
và nhân dân các nơi tới dự, làm nên ngày hội lớn hằng năm ở thủ đô. Ngày ấy trước chùa lại có
một lễ lớn gọi là lễ phóng sinh. Lễ tắm Phật xong rồi, nhà vua đứng lên đài cao, tay cầm một con
chim thả cho bay đi, rồi các tăng ni và các nam nữ thiện tín, đua nhau mỗi người thả một con,
bóng bay rợp trời.
Năm 1922, trường Viễn Đông Bác Cổ có sửa chữa lại giữ theo đúng như quy chế cũ.
Đêm ngày 11/9/ 1954, tay sai của thực dân Pháp, trước khi giao trả thủ đô cho chính phủ và nhân
dân ta, đã có ý đặt mìn để phá hoại chùa Một Cột. Ngay sau khi tiếp quản thủ đô, chính phủ ta đã
cho chiếu theo đồ dạng cũ, sửa chữa lại ngay. Tháng 4/1955, chùa Một Cột lại được hoàn nguyên
như cũ.
Từ đầu năm 1958, cây bồ đề của đất Phật Ấn Độ kính tặng Hồ Chủ Tịch nhân dịp Người đi thăm
Ấn Độ được đem trồng trong chùa.
Nói đến Chùa Một Cột này, có một việc cần phải nói rõ là: chúng ta đọc sử về đời Lý – Trần, vẫn
thấy nói đến “An Nam tứ khí” nghĩa là bốn thứ kiến trúc lớn ở nước Nam, mà quả chuông Quy
Điền (quả chuông ở ruộng rùa) tức là quả chuông ở trước chùa Một Cột là một.
Theo sử cũ chép: cũng về đời vua Nhân Tôn nhà Lý, vào năm Long Phù thứ tám (1108) nhà vua
cho xuất kho một vạn hai ngàn cân đồng để đúc một quả chuông lớn gọi là Giác Thế chung (quả
chuông thức tỉnh người đời) để treo ở chùa Diên Hựu, định mỗi khi đánh một tiếng chuông, tiếng
sẽ vang đi mấy dặm. Xây một toà phương đình toàn bằng đá xanh, cao 8 trượng, trên nóc đình
bắc những dõng sắt to để treo chuông. Xây đình và đúc chuông, hơn một năm mới xong, hàng
ngày các nơi phải thay nhau đưa dân phu đến phục dịch. Thân hình quả chuông không biết to lớn
thế nào, chỉ biết khi đúc xong không thể nào treo chuông lên được, đành cứ phải để chuông đứng
sát mặt đất, nên đánh không kêu. Rồi bao nhiêu lần dồn ép hàng ngàn người xúm vào ra sức vần
xoay, kết quả chỉ vật ngã được quả chuông lăn kềnh trên mặt ruộng. Lúc đầu người ta còn làm
mái che chuông, lâu ngày chẳng ai đoái hoài, mặc cho chuông nằm phơi mưa gió. Nơi chuông
nằm lại vốn là một ruộng nước, lòng chuông trở thành cái tổ êm ấm cho từng đàn rùa chui ra
chui vào. Vì vậy chuông được mang cái tên là chuông ruộng rùa.
Chuông bị dãi dầu như thế đến hơn 300 năm. Năm 1427, bọn phong kiến nhà Minh sang xâm
chiếm nước ta đã hai mươi năm, bị dân quân ta do Bình Định vương lãnh đạo kháng chiến anh
dũng, phải rút về cố thủ ở thành Đông Quan (tức Hà Nội), rồi bị quân ta vây hãm hơn hai tháng,
lương thực bị thiếu thốn, khí giới đạn dược cũng hao mòn, chúng phải vơ vét hết các đồ đồng ở
dân gian, rồi đến cả phần thân trên bằng đồng của tháp Báo Thiên và quả chuông ruộng rùa này
để đúc súng đạn, nhưng kết cục chúng cũng phải đầu hàng quân ta, cuốn giáp về nước.
Bài thơ “Vịnh chuông Quy Điền” của một nhà thơ đời cuối Trần đã phê bình việc làm của vua
Lý chỉ là vô ích mà lại có hại. Bài thơ thuật theo đại ý như sau:
Hơn vạn cân đồng tốn của kho
Bày trò vua Lý đúc chuông to
Lợi cho giặc nước gây tai vạ
Phúc được bao nhiêu tội mấy bồ?
Về sự tích chùa Một Cột này lại có một truyền thuyết nói rằng: Bà Linh Nhân thái hậu vợ vua
Thái Tông nhà Lý, không sinh đẻ, tính lại cả ghen, bà sai thái giám bắt giam 72 cung nữ có nhan
sắc, thường được chầu hầu nhà vua, giam vào phòng tối ở cung Thượng Dương, tới khi vua Thái
Tông mất, bà lại bắt 72 người ấy phải chịu chôn sống để chết theo vua. Sau bà hối hận, dựng 72
ngôi chùa để siêu độ các oan hồn. Chùa Một Cột này là một trong 72 ngôi chùa ấy.
Trong thực tế, chùa Một Cột đã qua nhiều lần trùng tu. Một dấu mốc đáng tiếc cho chùa là ngày
11/9/1954, trước khi rút khỏi Hà Nội, thực dân Pháp đã cho nổ mìn phá hủy Liên Hoa đài. Khi
chính phủ ta tiếp quản thủ đô Hà Nội đã cho xây dựng lại như lúc đầu. Tháng 4/1955 thì công
trình hoàn tất, nhưng phần nào đã mất đi những đường nét kiến trúc cổ của chùa.
Cây Bồ Đề trước chùa là nhân chứng cho mối quan hệ hữu nghị thắm thiết giữa hai dân tộc Việt
Nam – Ấn Độ. Cây Bồ Đề này do Tổng thống Ấn Độ Prasat tặng Bác năm 1958 trong dịp Bác
thăm Ấn Độ. Cây Bồ Đề này được chiết nhánh từ cây Bồ Đề tương truyền rằng là nơi Phật Thích
Ca thành Phật cách đây 25 thế kỷ. Có thể nói rằng chùa Một Cột là một trong những ngôi chùa
nổi tiếng nhất Việt Nam, tuy quy mô không lớn nhưng chúng ta có thể tự hào về lối kiến trúc cổ
độc đáo và mang đậm những dấu ấn lịch sử dân tộc.
Viện bảo tàng Hồ Chí Minh
Tọa lạc tại số 3 Ngọc Hà, Hà Nội, trong khuôn viên quảng trường Ba Đình, cạnh lăng Bác. Được
khởi công ngày 31/8/1985 khánh thành ngày 19/5/1990 nhân dịp kỷ niệm 100 năm ngày sinh của
Chủ Tịch Hồ Chí Minh. Bảo tàng Hồ Chí Minh là một trong những bảo tàng tốt nhất, đẹp nhất,
hiện đại nhất ở nước ta. Bảo tàng cao 20,5m gồm 4 tầng với tổng diện tích sử dụng là 13.000m2.
Công trình được thiết kế như một hoa sen nở tượng trưng cho phẩm chất thanh cao trong sáng
của Hồ Chủ Tịch. Bảo tàng trưng bày các hiện vật, hình ảnh tái hiện cuộc đời của Người từ Làng
Sen – Nam Đàn, thời niên thiếu của Bác, đến thời thanh niên Bác ra đi tìm đường cứu nước, đến
những năm bôn ba ở hải ngoại, rồi về Pắc Pó xây dựng cơ sở bí mật lãnh đạo khởi nghĩa và cuộc
kháng chiến chống Pháp – Mỹ cứu nước.
Hồ Tây
Một tên tuổi rất nổi tiếng trong thơ văn, âm nhạc ca ngợi về Thủ đô. Hồ Tây nằm ở phía Bắc Hà
Nội, rộng 466ha, đường vòng quanh hồ dài 17km, chỗ sâu nhất ở làng Xuân Tảo khoảng từ 3
–4m, xung quanh hồ có rất nhiều đền chùa. Các nhà địa lí học đều thống nhất rằng Hồ Tây chính
là một phần của con sông Hồng còn sót lại sau khi đã đổi dòng chảy. Hồ luôn lộng gió, bàng bạc
những con sóng lăn tăn nên ngày xưa Hồ Tây còn có một tên gọi khác rất gợi hình, rất nên thơ “
Hồ Lãng Bạc”. Theo truyền thuyết xưa kia, Hồ Tây chính là một quả núi có một con yêu tinh 9
đuôi và có nhiều phép thuật thường dụ dỗ trai gái về đó để hãm hại. Long Vương thấy thế cho
dâng nước lên trừ yêu tinh, núi sụp thànnh hồ. Chắc do Hồ Tây đã gắn liền với nhiều bước thăng
trầm của lịch sử nên nó cũng có rất nhiều giai thoại liên quan đến nguồn gốc của hồ. Vào năm
1125, một vị cao tăng là Nguyễn Chí Thành tức Khổng Minh Không đã sang Trung Quốc chữa
cho hoàng tử nhà Tống khỏi bệnh nặng. Vua Tống tạ ơn cho phép Khổng Minh Không vào kho
muốn lấy thứ gì thì lấy và lấy bao nhiêu cũng được. Khổng Minh Không mở kho chứa đồng đen
trút hết vào bao rồi ra bờ biển thả nón hoá phép thành thuyền về nước. Khổng Minh Không dâng
vua Lý Nhân Tông số đồng đen đó. Vua cho đúc một quả chuông, khi đánh thử, bên Trung Quốc
có con trâu bằng vàng nghe tiếng chạy sang Việt Nam tới một khu rừng phía Bắc thành Thăng
Long thì chuông dứt tiếng, trâu vàng lồng lộn tìm kiếm dẫm nát cả một khu rừng tụt xuống thành
hồ. Nhà Vua thấy vậy sai ném chuông đồng xuống hồ cho trâu khỏi kêu. Tương truyền rằng ai
sinh được 10 người con trai thì đến Hồ Tây kéo chuông đồng lên được.
Hồ Tây cũng là một trung tâm ăn uống của hà Nội với rất nhiều địa danh nổi tiếng như: bánh tôm
Hồ Tây, thịt cầy Nhật Tân (người dân thường hay nói đùa là Liên Hiệp Các Xí Nghiệp Thịt Cầy
Hà Nội), ốc tần thuốc bắc, hấp sả ớt Quảng Bá, kem nhà Thuyền, chân gà nướng đường Thanh
Niên… Du khách đã cất công đi hàng kilomet đến Hà Nội mà chưa một lần thưởng thức các món
ăn nổi tiếng tại đây là một thiếu sót rất lớn, muốn khám phá nghệ thuật ẩm thực Hà Nội thì chắc
chắn Hồ Tây là một địa chỉ không thể bỏ qua.
Cảnh đẹp của Hồ Tây đã được rất nhiều các thi nhân cảm hứng, có lẽ một trong những bài thơ
đặc sắc về Hồ Tây là bài phú : “Lạ thay cảnh Tây Hồ” của Nguyễn Huy Lượng rất lý thú, vừa có
thể đọc xuôi, vừa có thể đọc ngược:
Đọc xuôi: Đọc ngược:
Đây vui thật lạ cảnh Tây Hồ So đâu dễ ấy giá Hồ Tây
Trước bở khôn thiên khéo vẽ đồ Đủ nước non tiên chốn chốn vầy
Mây lẫn nước xanh màu trúc ngọc To nhỏ nhịp tàu cầm vẫy sóng
Nguyệt lồng hoa thắm vẻ in châu Thấp cao tầng rợp tán lá cây
Cây lá tán rợp tầng cao thấp Chân in vẻ thắm hoa lồng nguyệt
Sóng gẫy cầm tàu nhịp nhỏ to Ngọc trúc màu xanh nước lẫn mây
Vây chốn chốn tiên non nước đủ Đồ vẽ khéo thiên thôn bởi nước
Tây Hồ giá ấy dễ đâu so Hồ Tây cảnh lạ thật vui đây.
Nghề đúc đồng
Sách Lĩnh Nam Chích Quái và sách Thiền Uyển Tập Anh đều có chép sự tích của một bậc danh
tăng, đó là Dương Không Lộ, tu hành tại chùa Nghiêm Quang, chùa này sau đổi gọi là Thần
Quang, toạ lạc tại huyện Vũ Thư, tỉnh Thái Bình ngày nay. Trong dân gian, chùa Nghiêm Quang
hay chùa Thần Quang được gọi là chùa Keo. Dương Không Lộ vừa là một danh tăng lại cũng
vừa là bậc được dân địa phương tôn làm tổ sư của nghành đúc đồng. Ông người làng Hải Thanh
(nay thuộc Nam Định) sinh vào năm nào chưa rõ, chỉ biết rằng ông sống vào khoảng đời vua Lý
Nhân Tông (1072 – 1137), mất vào ngày mồng 3 tháng 6 năm 1119.
Sách Đại Việt sử kí toàn thư chép chuyện danh tăng Khổng Minh Không, tên thật là Nguyễn Chí
Thành, người làn Đàm Xá (nay thuộc Ninh Bình), sinh năm 1065, mất năm 1141. Khổng Minh
Không nổi tiếng nhờ công chữa lành bạo bệnh cho vua Lý Thần Tông (1128 –1138), cho nên
được tôn là Lý Quốc Sư. Trong dân gian, Lý Quốc Sư cũng được coi là một trong những bậc tổ
sư của nghề đúc đồng.
Dương Không Lộ và Khổng Minh Không đều được tôn là tổ sư của nghề đúc đồng có lẽ vì cả hai
bậc danh tăng đều có công đức chuông đồng và để lại cho đời những kinh nghiệm quý về nghệ
thuật đúc chuông. Tuy nhiên, nếu xét ở góc độ tu hành, tên tuổi Dương Không Lộ và Khổng
Minh Không được đời đời biết đến, thì ở góc độ cống hiến cho nghề luyện, đúc đồng, cả hai đều
chỉ mới là tổ sư của từng khu vực nhất định mà thôi.
Bậc tổ sư của nghề đúc đồng được dân gian biết đến nhiều nhất vẫn là Sư Khổng Lộ – một nhà
sư chỉ có trong kho tàng truyện cổ tích nước ta. Khổng Lộ vừa có dáng dấp của một nhà sư lại
cũng vừa có hành trang của một đạo sĩ. Chuyện Sư Khổng Lộ tóm lược như sau:
Sư Khổng Lộ là một bậc chân tu, có nhiều phép thần thông kì lạ. Nhà sư cũng là người có tài trị
bệnh của đời. Một hôm, Sư Khổng Lộ quyết định đi khắp bốn phương, quyên giáo đồ đồng trong
thiên hạ về để đúc chuông. Thế rồi nhà sư đến Trung Quốc. Bấy giờ, Thái Tử của Hoàng Đế
Trung Quốc chẳng may lâm bệnh nặng, bao bậc danh y được gọi tới để chữa trị rốt cuộc vẫn phải
bó tay: nghe tiếng Sư Khổng Lộ, Hoàng đế liền sai người đến mời. Lạ thay, Sư Khổng Lộ chỉ
mới cho uống vài thang thuốc, bệnh của Thái Tử đã khỏi hẳn. Hoàng đế Trung Quốc ra lệnh lấy
thật nhiều vàng bạc ban thưởng cho Sư Khổng Lộ, nhưng nhà sư một mực từ chối, chỉ nói: “Nếu
bệ hạ có lòng, xin hãy cho kẻ tu hành này một túi đầy đồng”. Sư Khổng Lộ chìa ra một cái túi
chỉ dài đúng ba gang. Hoàng đế Trung Quốc cười và nói rằng “Chỉ một túi ấy không thôi ư? Ta
cho phép người vào tất cả mười kho đồng của ta, muốn lấy bao nhiêu cứ lấy”. Sư Khổng Lộ vào,
trút hết cả mười kho đồng lớn mà cái túi ba gang vẫn chưa đầy. Xong, nhà sư vác túi lên vai, ung
dung về nước. Mỗi lần qua sông, không một chiếc thuyền nào có thể chịu nổi sức nặng của cái
túi ba gang, bởi vậy, Sư Khổng Lộ phải ngửa cái nón tu lờ (nón của các nhà sư - NKT) mà mình
đang đội để làm thuyền vượt sông. Về nước, nhà sư đã đem số đồng ấy đúc thành Tứ đại khí (tức
là chuông lớn, tượng lớn, tháp lớn và vạc lớn). Chuông lớn vừa đúc xong, chỉ mới thỉnh nhẹ một
tiếng mà âm thanh đã vang sang đến tận Trung Quốc. Tiếng ngân kì lạ của chuông lớn khiến cho
những con trâu bằng vàng để trong kho báu của Hoàng đế Trung Quốc tưởng là tiếng trâu mẹ
gọi, liền chạy lồng sang nước ta. Chúng chạy quanh mãi ở Thăng Long mà tìm vẫn không thấy
mẹ và dấu vết những bước chân của đàn trâu vàng đi tìm mẹ ấy chính là Hồ Tây ở Hà Nội ngày
nay.
Tác giả của Tứ đại khí – Sư Khổng Lộ – được tôn là tổ sư của nghề đúc đồng nước ta. Nhân vật
của truyền thuyết dân gian này đã được lịch sử hoá. Thi thoảng đây đó cũng có một số tấm văn
bia để ở một số chùa chiền đã gộp sự tích của Dương Không Lộ, Khổng Minh Không và Sư
Khổng Lộ vào làm một. Thực ra, Tứ đại khí ở nước ta được chế tạo ở những niên đại rất khác
nhau. Đại để, xin tóm lược như sau:
Đại khí thứ nhất là chuông lớn, tức là chuông Quy Điền. Chuông này được đúc vào năm 1101,
đời nhà Lý Nhân Tông. Chuông đúc xong, đánh không kêu, vì thế, bị bỏ ở một thửa ruộng nằm
cạnh chùa Một Cột (Hà Nội). Thửa ruộng này rất lắm rùa, nên mới có tên chữ là Quy Điền.
Chuông bỏ ở ruộng Quy Điền nên mới có tên là chuông Quy Điền.
Đại khí thứ hai là tượng lớn. Tượng này để ở chùa Quỳnh Lâm (thuộc Quảng Ninh). Theo văn
bia của chính chùa này thì tượng được đúc vào cuối thời Lý, tượng cao đến sáu trượng (khoảng
20m). Nếu văn bia chép đúng thì rõ ràng, tượng chùa Quỳnh Lâm thuộc vào hàng lớn nhất của
thế giới về tượng đồng.
Đại khí thứ ba là tháp lớn, đó là tháp Báo Thiên, xây vào năm 1057, đời vua Lý Thánh Tông.
Tháp này cao 20 trượng (tức khoảng 70m) và những tầng trên của tháp đều được đúc bằng đồng.
Tháp Báo Thiên có tên gọi đầy đủ là Đại Thắng Tư Thiên Bảo Tháp, nằm trong khuôn viên của
chùa Sùng Khánh (thuộc Thăng Long).
Đại khí thứ tư là vạc lớn. Vạc này để ở chùa Phổ Minh (nay thuộc Nam Định) nên vẫn thường
được gọi là vạc Phổ Minh, được đúc vào thời Trần Nhân Tông. Truyền thuyết kể rằng, miệng
vạc rộng đến nỗi, hai người có thể chạy nhảy và đuổi nhau ở trên đó.
Trong suốt hai mươi năm đầu thế kỷ thứ 15 (từ năm 1407 đến năm 1427), nước ta bị quân Minh
đô hộ. Một trong những tội ác không thể nào dung tha của giặc lúc này là đã đem tứ đại khí nấu
chảy để lấy đồng đúc vũ khí đi đàn áp nhân dân ta.
Vậy ông tổ đích thực của nghề luyện và đúc đồng của ta là ai? Những phát hiện khảo cổ học suốt
mấy chục năm qua cho thấy rõ ràng nghề luyện và đúc đồng của nước ta đã xuất hiện cách đây
khoảng 4000 năm. Những cục đồng và đặc biệt là xỉ đồng tìm thấy trong văn hoá Phùng Nguyên,
tự nó đã nói lên điều đó. Sau Phùng Nguyên, các nền văn hoá tiêu biểu khác như Đồng Đậu, Gò
Mun và nhất là Đông Sơn đã chứng tỏ khả năng luyện và đúc đồng tài hoa của người Việt cổ.
Trống đồng Đông Sơn là niềm tự hào của mỗi người Việt chúng ta. Áng sử thi dân gian của
người Mường ở nước ta là Đẻ Đất, Đẻ Nước đã góp phần phản ánh khá độc đáo về quá trình khai
thác quặng đồng, đúc trống đồng và vận chuyển trống đồng đi trao đổi khắp đó đây của người
thời tiền sử.
Hàng chục thế kỷ trước Dương Không Lộ, Khổng Minh Không và Sư Khổng Lộ, tổ tiên ta đã
biết đúc đồng với trình độ rất cao. Nhưng tiếc thay, các sáng tạo kỹ thuật lại đi trước ngành sử
học một bước quá xa,cho nên, hiện tại vẫn chưa ai có thể tìm ra được tổ sư đích thực của nghề
luyện và đúc đồng cổ… lý lịch rõ ràng và đầy đủ. Thôi thì đành trông cậy vào thế hệ sau.
Chùa Trấn Quốc
Chùa Trấn Quốc toạ lạc trên một hòn đảo nhỏ giữa Hồ Tây. Cảnh đẹp lâu đời này đã được truyền
tục qua ca dao:
Gió đưa cành trúc la đà
Tiếng chuông Trấn Vũ, canh gà Thọ Xương
Mịt mù khói toả ngàn sương
Nhịp chày Yên Thái , mặt gương Tây Hồ.
“Tiếng chuông Trấn Vũ”- tương truyền đây là nơi ngày xưa treo chiếc chuông đồng của Khổng
Minh Không – tiếng âm vang xa ngàn dặm. Trong miền Trung thì người ta đọc “Tiếng chuông
Thiên Mụ”. Còn Yên Thái là một địa danh nằm gần phủ Tây Hồ, nơi dân ngày xưa luôn nghe
vang tiếng chày giã cói để là giấy đó, một loại giấy đặc biệt để viết và vẽ các loại văn thư chiếu
chỉ.
Chùa này nguyên ở trên bờ sông thuộc bãi Yên Phụ, lập lên từ đời Lý Nam Đế (năm 544 – 548)
gọi là chùa Khai Quốc. Đến thời Đại Bảo vua Thái Tôn nhà Lê (1440 – 1442) đổi gọi là chùa An
Quốc. Đến thời Hoằng Định vua Kính Tôn nhà Lê (1600 – 1618), bãi Yên Phụ lở gần sát nền
chùa, dân làng dời vào địa điểm bây giờ, là một khu đất có hình thể đẹp nhất ở Hồ Tây, các cụ
ngày xưa gọi là kiểu đất “Phượng hoàng xà cánh uống nước”. Đời Chính Hoà vua Hi Tôn nhà Lê
đổi gọi là Chùa Trấn Quốc. Năm 1842 vua nhà Nguyễn là Thiệu Trị ra Bắc Tuần, có tới thăm
chùa, đổi gọi là chùa Trấn Bắc, nhưng trong nhân dân vẫn cứ theo cũ gọi là chùa Trấn Quốc cho
tới ngày nay.
Địa điểm nơi đây, xưa nay như một hòn đảo ở Tây Hồ, cách hẳn với đất liền, năm Vĩnh Tô thứ
hai, đời vua Thần Tôn nhà Lê, sau khi dân hai làng Yên Phụ và Yên Quang đắp đê Cổ Ngư để
chắn ngang hồ, một số nhà thiện tín trong các phường nhân đó đã góp tiền thuê thợ đóng cọc rồi
đổ dấu đất làm thành con đường từ ngoài đê đi vào cổng chùa.
Chùa ở vào nơi phong cảnh đẹp, đáng có giá trị một danh lam, nhưng ngay sau khi ở ngoài bãi
dời vào đây, nó đã bị bọn chúa phong kiến mượn tiếng “mến cửa Phật” chiếm hẳn làm của riêng,
đặt thành hành cung (nơi ở của bọn vua chúa trong những lúc đi chơi). Nhất là hai đời chúa
Trịnh Giang (1729 - 1740) và chúa Trịnh Sâm (1767 - 1782) là hai tên chúa dâm ác, đã biến hẳn
nơi cửa không này làm nơi hành lạc túng dục của chúng.
Đã thành một cung viện của bọn chúa Trịnh, đáng lẽ chùa cũng bị hoá kiếp trong trận lửa thù
tháng Chạp năm Bính Ngọ (1786) nhưng nhờ có công bảo hộ của nhân dân các phường và các
làng quanh đó đã chặn được bàn tay phũ phàng của Lê Chiêu Thống và bảo tồn được đến ngày
nay. Về việc này trong Long Thành Dật Sự có ghi lại như sau:
Năm Bính Ngọ tức đời Cảnh Hưng 47, vua Hiển Tôn nhà Lê, Chiêu Thống sau khi nhờ Cống
Chỉnh đem quân ở Nghệ An ra đánh đuổi được đồ đảng họ Trịnh rồi, muốn một phen trừ hết căn
cứ của kẻ thù. Ngày tám tháng Chạp năm ấy, Chiêu Thống ra lệnh đốt hết phủ đệ và tất cả những
nơi nào có dính líu đến họ Trịnh. Chùa Trấn Quốc này cũng bị đoàn quân “phóng hoả” rầm rập
kéo đến chực châm mồi. Nhưng vì biết trước, nhân dân đã kéo đến hàng ngàn người, đứng chắn
giữ chung quanh chùa, đồng thanh nói chùa là của công của nhân dân, không phải là của riêng họ
Trịnh. Kết cục nhân dân đã hoàn toàn bảo vệ được ngôi chùa, chỉ riêng có mấy chục lâu phòng
dựng trên nhưng bè nổi chung quanh chùa, do chúa Trịnh làm ra cho bọn hoạn quan và các cung
nữ ở là bị đốt hết mà thôi.
Sau đó, chùa Trấn Quốc trở lại một cảnh thiền lâm thanh tịnh, nhiều du khách qua thăm đã có
những thơ văn cảm hoài, nhưng đều làm bằng Hán văn và cũng một giọng thương tiếc vẫn vơ
cho một tàn tích của giai cấp phong kiến đã bị thời gian xoá nhòa, cũng như bài thơ quốc văn
“Trấn Bắc Hành Cung” của nữ thi sĩ Thanh Quan vẫn được nhiều người truyền tụng:
Mấy toà sen rớt hơi hương ngự
Năm thức mây phong nếp áo chầu
Sóng lớp phế hưng coi đã nhộn
Chuông hồi kim cổ lắng càng mau
Khác hẳn với giọng tiếc thương ấy, bài “Sư đàm kể chuyện” của thi sĩ Ngô Ngọc Du làm năm
Quang Trung thứ 3 (1790), cho ta thấy rõ thân thế của một phụ nữ ở thời đại phong kiến đã bị
vùi dập như thế nào và một phần nào đã phơi bày tội ác của bọn vua chúa ở đó. Bài nguyên bằng
Hán văn như sau:
Đàm ni thân thế khẩu thuật Dịch: Trần thế nhân gian truyền miệng rằng
Bạo phong quá hậu lai kinh kỳ Kinh kỳ sau cơn bão táp qua
Phóng Trấn Quốc tự ngộ lão ni Thăm chùa Trấn Quốc gặp sư bà
Hình dung khô cảo phát ban bạch Thân thể hom hem, đầu đốm bạc
Hoan nghênh vấn tấn như hữu kỳ Miệng cười đon đả cười như hoa
Tân chủ phân toạ tức vấn chi Chia ngôi chủ, khách liền hỏi thăm
Dĩ kỷ đa niên thử trứ trì Người trụ trì đây đã mấy năm
Lão ni cải dung trầm mặc tọa Sư già đang vui bỗng im lặng
Như hữu u hoài nan ngữ thủy Lòng riêng như động thương tâm
Trầm tư bán hướng ni thủy ngôn Ngẫm nghĩ hồi lâu sư mới nói
Khách dĩ hưu tâm lai ôn tồn Đã lòng biết đến, đã thăm hỏi
Bạc vi sổ ngữ tạ hảo ý Mấy lời thưa qua để tạ lòng
Lão tàn bán sinh thiên địa hôn Thân tôi nửa đời bị u tối!
Quán sự Sơn tây Phượng cách hương Quê ở tỉnh Đoài làng Phụng Cách
Cầm ca gia học thiếu chuyên trường Sớm học nghề nhà đàn sênh phách
Niên thủy cập kê thượng vị tự Tuổi xuân vừa tới độ đào tơ
Danh sĩ liệt tịch tiến cung mang Tiến cung bị liệt vào danh sách
Thất niên u cấm tại phàn lung Bảy năm đằng đẳng kiếp chim lồng
Hậu đắc điếu lai thị hành cung Rồi ra chầu chực tại hành cung
Thừa cân phụng trật tì thiếp phận Khăn đón quạt hầu phận thần thiếp
Cảm vọng ân ba lại cửu trùng Mong đâu mưa móc ở cửu trùng
Nhất tịch vương thượng hô lai tiền Một hôm nhà chúa gọi lại gần
Hoan nhan tiếu vấn ý triền miên Miệng cười vui vẻ hỏi ân cần
Bất ý thuyên phi tự viễn kiến Hay đâu bà Gióng xa trông thấy
Sấn lai thế tự hung thần nhiên Hầm hầm sấn đến như hung thần
Vô tâm tích ngọc dự liên hương Thương gì đến hoa tiếc gì ngọc
Độc đả liên hồi nộ vị thường Sau trận đòn ghen vẫn hằn học
Đình tiền khấn phước sử trường quy Trói chặt hai tay quỳ trước sân
Vân phát vô tình nhất tiễn quang Lưỡi kéo vô tình gọt hết tóc
Ám thất tàng thân bất kiến thiên Buồng tối giam thân chịu đọa đày
Hư đó kỷ hà nhật nguyệt niên Âm thầm chẳng biết bao tháng ngày
Nhất triệu môn khai quang xạ nhập Một hôm cửa mở loè ánh sáng
Đa nhân tẩu lai tranh thủ khiên Bao người xúm lại cùng dắt tay
Thả hành thả ngôn dĩ chuyền thế Vừa đi vừa bảo đời đổi rồi
Trịnh dĩ luân vong Lê diệc thế Trịnh chẳng còn đâu, Lê cũng thôi
Đoạn trường nghiệt trái tòng kim tiêu Hết kiếp đoạn trường từ đây nhé
Cửu biệt cố hương dục hồi để Quê cũ còn không muồn phản hồi
Kinh hỷ ngô thân đắc tái sinh Mừng tủi đời tôi được tái sinh
Phật tiền nhất bái nguyện trần tình Trước Phật thành tâm tỏ sự tình
Tàn sinh tòng thử quy y Phật Sống tàn cửa Phật vui nhờ bóng
Hỗn thế vô tâm lợi dữ danh Trần tục xin từ bỏ lợi danh.
Trong khuôn viên chùa còn có cây bồ đề trên 40 năm tuổi xum xê cành lá đành dấu sự hợp tác
hữu nghị giữa Việt Nam và Ấn Độ. Năm 1959 trong một lần viếng thăm Việt Nam tổng thống
Ấn Độ Prasat đã tặng nhân dân ta.
Tượng trên điện Phật
Cho tới nay, chúng ta chưa tìm được dấu tích một ngôi chùa nào ở thời kỳ Bắc thuộc và mới hiểu
được một chút về Phật điện thời Lý. Qua các tư liệu khảo cổ, chúng ta biết chùa thời Lý có quy
mô lớn, dấu tích tạo hình còn lại có một số tượng tròn và chạm đá, ít thôi. Song đều là những tác
phẩm nghệ thuật tạo hình xuất sắc thuộc loại cổ điển với vẻ đẹp chuẩn mực.
Tượng Phật thời Lý chắc chắn nhất hiện chỉ còn một pho ở chùa Phật Tích (Bắc Ninh) có thể là
tượng đức Giáo chủ Thích Ca (hay tượng A Di Đà?), ở thế ngồi tỉnh toạ kiết già vẫn còn cao hơn
1,8m. Tuy tạc theo công thức tượng Phật, song nghệ sĩ xưa đã nữ hoá Phật với những vẻ đẹp quý
phái lý tưởng, mặt trái xoan, mày thanh cong, mắt mơ màng, mũi dọc dừa thanh tú, miệng mỉm
cười tế nhị, cổ cao ba ngấn, thân hình thon thả, cổ tay tròn lẳn, ngón tay thon dài… Tượng ngồi
thẳng lưng trên toà sen để các huyệt khai mở, giúp cho sự giác ngộ nhằm cứu độ chúng sinh.
Toàn thân tượng toát ra vẻ đẹp thanh cao, cả ở hình hài và tâm tư. Chiếc áo khoác với những gân
lá sen cứ toả vào không gian, trôi chảy chơi vơi. Tượng ngồi bất động trên bệ bát giác, song cứ
như nhúc nhích, thấu rọi nội tâm từng người đến chiêm bái. Chiếc bệ với đài sen chỉ phù hợp với
một pho tượng. Một số chùa khác chưa thấy tượng song cũng có những bệ tương tự, chứng tỏ
Phật điện thời Lý còn vắng vẻ.
Trong chùa còn các tượng Kim Cương, Hộ Pháp, Người Chim, các con thú như sư tử, voi, tê
giác, trâu, ngựa vừa có cái đẹp sắc sảo vừa kết hợp nhuần nhuyễn tính trang trí. Tượng sư tử đội
tòa sen còn được gọi là “Ông Sấm” gắn với việc cầu mưa của cư dân trồng cây lúa.
Tham gia đắc lực vào việc tạo hình thời Lý phải kể đến hình trang trí bệ tượng, tảng kê chân cột,
trang trí bia và lan can thành bậc cửa… với các đề tài phổ biến là nhạc công, vũ nữ, rồng,
phượng, hoa, lá và sông… phản ảnh một xã hội phồn thịnh và ổn định. Sáng tạo đặc biệt ở đây là
phải kể đến hình rồng mà chính đương thời đã gọi tên chữ là “Long Xà”, tức rồng rắn. Nó lấy
thân hình rồng rắn uốn lượn thoăn thoắt thêm vào chân chim, bờm ngựa, mào lửa và các văn
xoắn nguồn nước để biểu hiện tập trung về mây mưa, cũng gợi lại cội nguồn con rồng cháu tiên
của dân tộc. Tất cả những hình chạm nổi trang trí trên đá rắn mà các chi tiết dù nhỏ tí vẫn tỉ mỉ
chính xác như chạm bạc, trau chuốt đến óng ả.
Từ thời Trần, Phật giáo dần để lại những Phật điện khá nguyên với toà Thượng điện ở các chùa
Thái Lạc (Hưng Yên), Bối Khê (Hà Tây) và Dâu (Bắc Ninh). Chúng ta tìm thấy nhiều bệ đá hoa
sen khối hộp như chiếc án thờ song hầu như chưa tìm được pho tượng nào ở chùa - ngoại trừ một
số tượng rồng, sấu bậc cửa, nhưng lại tìm thấy không ít hình chạm nổi trang trí trên gỗ thuộc nội
thất chùa và một số bia chùa nữa. Những hình chạm này vẫn tập trung vào đề tài nhạc công, vũ
nữ và rồng, phượng, song nó “thực hơn”, mập khoẻ hơn, gần cuộc sống làng xã hơn. Phật giáo
thời Trần với quan niệm “vô chấp” không nệ vào hoàn cảnh xã hội, coi “Phật ở nơi tâm” nên
chùa là nơi đàm đạo Phật pháp của sư tăng và Phật tử, thờ Phật mà không cần cả tượng Phật, có
thể chỉ cần chữ “Phật” viết to như ở mặt bia của chùa Thị Đức (Hải Dương)?
Thời Lê sơ Phật giáo bị hạn chế, chùa không được chăm sóc, nhưng đôi nơi còn tìm được bia
chùa, hình trang trí chạm nổi cũng đơn sơ, có nơi rồng chầu chữ Phật, có nơi rồng chầu mặt trời,
kỹ thuật khắc rạch với thủ pháp nhanh và vì thế lại hoạt. Tượng tròn ở chùa mới tìm được một
tượng Quan Âm Nam Hải ở chùa Cung Kiệm (Bắc Ninh) tạc năm 1949 rất gần gũi người
thường,
Phải từ thời Mạc trở đi chúng ta mới có cái hiểu đầy đủ dần về Phật điện. Lúc này cùng với sự
khủng hoảng của Nho giáo là chiến tranh quý tộc Nam - Bắc triều kéo dài, người ta tìm đến cửa
Phật để cầm mong được che chở, lại do kinh tế nông nghiệp ổn định, kinh tế hàng hoá phát triển
mà chùa làng được xây dựng nhiều dần. Giờ đây với cách thờ Phật theo lối “thế gian trụ trì Phật
pháp” đòi hỏi phải có hình ảnh cụ thể với thế giới nhà Phật, nên Phật điện đã khá đông đúc về cả
số lượng và chủng loại mà tuỳ từng chùa chúng ta đã tìm thấy bộ ba tượng Tam Thế, một số
tượng Quan Âm Nam Hải, có cả tượng Thích Ca sơ sinh, cả các thần Mây – Mưa – Sấm – Chớp
đã được Phật hoá thành bộ Tứ Pháp cũng được thể hiện thành tượng và chiếm vị trí trang trọng
trong chùa. Đôi khi cả Ngọc Hoàng vốn là tối thượng thần cảm đạo giáo cũng hội nhập vào chùa
và có trên Phật điện. Trong chùa còn tìm thấy không ít tượng Hậu là các vị hoàng hậu, đức vua
và công chúa thuộc hoàng tộc nhà Mạc, là những người thật đã có công cụ thể về việc phục hưng
chùa. Do số lượng tượng trong chùa đông nên Tam bảo được mở rộng.
Chùa là trung tâm văn hoá của làng xã thì tượng cũng bình dân hơn. Các tượng thuộc thế giới
nhà Phật bày ở trung tâm Phật điện, tuy bị quy định tư thế theo công thức nhưng thẩm mỹ thời
đại vẫn mang lại những sáng tạo làm cho các cá nhân bình dị hơn, dáng người lao động bụ bẫm,
tính tình đôn hậu, vẻ đẹp phóng khoáng. Các tượng Hậu dù là ông Hoàng bà Chúa cũng được tạc
ở thế ngồi thoải mái, phá đi sự gò bó nghiêm trang.
Ngoài ra, ở chùa thời Mạc còn phải kể đến loại hình chạm khắc trang trí trên đá, gỗ và đất nung.
Những hình chạm này tuy với con người còn khoác áo thần tiên, song đó chỉ là cái vỏ để đưa
người bình dân vào nơi thờ cúng thâm nghiêm, còn rất phổ biến vẫn là các hình rồng, phượng
nhưng mộc mạc, dễ chan hoà với tất cả các loại con thú và hoa lá vẫn gặp trong ngày thường, nó
nổi khối, vênh cao với chất điêu khắc rõ ràng.
Ở nửa đầu thế kỷ XVII với sự tham gia của quí tộc Lê - Trịnh và sự du nhập của các phái Lâm
Tế và Tào Động từ Trung Hoa sang, nhiều ngôi chùa “trăm gian”, “trăm cửa” được xây dựng,
tương ứng với việc mở rộng Phật điện là sự tăng tiến của các loại tượng Phật. Trong chùa, ngoài
các loại tượng như ở thời Mạc còn thêm các bộ tượng Di Đà tam tôn (A Di Đà ở giữa, Quan Thế
Âm Bồ Tát bên trái và Đại thế Chí bên phải), Hoa Nghiêm tam thánh (Phật Thích Ca ở giữa, Văn
Thù Bồ Tát bên trái và Phổ Hiền Bồ tát bên phải), Tuyết Sơn… Như vậy, một Phật điện với
trung tâm là gian giữa đã được sắp xếp đầy đủ. Tuyết Sơn chưa thành Phật, được sắp đặt ở gian
bên phải và đối lại ở gian bên trái là tượng Quan Thế Âm Thiên Thủ Thiên Nhãn, như vậy cho
gần đời, sát chúng sinh hơn. Các tượng Hậu Phật đã có vẫn được phát triển và có thể đạt tới độ
viên mãn hoàn mỹ như các bà Hoàng Ngọc Trúc, Ngọc Cơ, Ngọc Duyên ở chùa Bút Tháp (Bắc
Ninh). Ngoài ra một số cao tăng có công khai sáng cảnh chùa sau khi tịch cũng được nhân dân
tạc tượng thờ gọi là tượng Tổ được thờ trong nhà tổ, nhiều pho tượng xem là tượng chân dung
khá giống và đặc biệt là rất sống động như các Tổ Chuyết Chuyết và Minh Hành ở chùa Bút
Tháp. Cũng có những cao tăng của quá khứ được truyền thuyết hoá với nhiều phép màu, giở đây
được truy tôn là “Đức Thánh” linh thiêng, tạc tượng thờ trong cung cấm thâm nghiêm.
Chính loạt tượng ở các chùa được tạc ở thế kỷ 17 do có sự chủ đạo của thẩm mỹ quí tộc, dưới
bàn tay tinh khéo của các nghệ nhân, nhiều pho tượng đã trở thành những kiệt tác nghệ thuật cổ
dân tộc mà tiêu biểu là ở chùa Bút Tháp với đủ các loại tượng Phật, tượng Bồ tát, tượng Hậu,
tượng Tổ… cho đến cả Tuyết Sơn đang tìm chân lí và các Thị giả hầu cận cũng đều thanh thoát,
tinh tế, đẹp từ chi tiết đến tổng thể.
Tượng đẹp nên nội thất không cần đến sự trang trí công phu trên các mặt gỗ kiến trúc, song với
ngoại thất được xây dựng bằng chất liệu đá như lan can thượng điện, lan can tháp và thành cầu
chùa Bút Tháp và bia đá ở khá nhiều chùa, đều được chạm trang trí nổi cao với nhiều hình tươi
mát, vui mắt, đề tài khi theo tích truyện, khi là cảnh quen thuộc mà mới lạ, tạo ra chốn thần tiên
cao sang để trong đó tàng chứa những báu tượng.
Chuyển qua thế kỷ XVIII, trong sự rối loạn của chiến tranh nông dân, chùa không được phát
triển thì tượng Phật giáo cũng chững lại, có bổ sung song không phát triển. Thế rồi khi phong
trào Tây Sơn thắng lợi, một nhà nước quân chủ tiến bộ được xác lập, thì chỉ một thời gian ngắn
cùng với sự làm lại một số chùa như chùa Tây Phương (Hà Tây), chùa Kim Liên (Hà Nội)…
thành các kiệt tác kiến trúc, thì Phật điện được bổ sung nhiều tượng mới cũng là những kiệt tác
điêu khắc. Loạt tượng thời Tây Sơn ở chùa Tây Phương được đánh giá đạt đỉnh cao của nghệ
thuật tạc tượng cổ truyền, là của báu tạo hình mà Việt Nam góp vào bảng giá trị văn hoá dân tộc
và nhân loại. Chúng ta gặp ở đây một hệ thống tượng Phật bao cả không gian và thời gian, cả
Phật đã thành và Phật sắp thành: A Di Đà, Tuyết Sơn, Di Lặc; đầy đủ các loại Bồ tát: Quan thế
Âm, Đại Thế Chí, Văn Thù, Phổ Hiền, trọn vẹn Bát bộ Kim Cương và nhất là Lịch đại Tổ từ, vị
tổ thứ nhất Ca Diếp đến vị tổ thứ 20 Đồ Dạ Đa (bỏ đi hai vị Tổ thứ 11 và 15 có thể vì lí do tế
nhị). Nếu các tượng Phật và Bồ tát mang vẻ đẹp của những mẫu người lí tưởng đã chuẩn hóa, thì
các tượng Kim Cương và tượng Tổ lại rất gần người, đầy cá tính khiến người xem – như nhà thơ
Huy Cận, phải đặt câu hỏi:
Nào đâu, bác thợ cả xưa đâu?
Sống lại cho tôi hỏi một câu
Bác tạc bao nhiêu hình khổ hạnh
Thật chăng chuyện Phật kể cho nhau?
Hay bấy nhiêu hồn trong gió bão,
Bấy nhiêu tâm sự, bấy nhiêu đời
Là cha ông đó, bằng xương máu
Đã khổ không yên cả đứng ngồi
(Các vị La hán Chùa Tây Phương)
Theo Phật thoại các nhân vật này đều là người gốc Ấn Độ, sách Tam Tài đồ hộ của Vương Kỳ
(Trung Quốc) viết ở thế kỷ 16 có hình vẽ các vị tổ, các nghệ sĩ Việt Nam ở cuối thế kỷ 18 đã
được gợi ý bố cục rồi thể hiện thành tác phẩm tượng tròn của mình với sự Việt hoá hoàn toàn,
bám sát tiểu sử nhân vât để phó cho một tâm hồn riêng sắc nét.
Đường Cổ Ngư
Vào thế kỉ 17 khi dân làng Yên Hoa (nay là Yên Phụ) đắp đê ngăn góc Đông Nam Hồ Tây để bắt
cá và từ đấy đã tạo nên hai hồ tách biệt đó là Hồ Tây và Hồ Trúc Bạch. Con đường Cổ Ngư (xưa
là đườg Cố Ngư) cũng dần dần được hình thành. Ngày nay là đường Thanh Niên (992m). Đây là
con đường đầy thơ mộng, hai bên sông nước, ven bờ rợp bóng cây và êm êm những thảm cỏ
xanh mượt đã là chứng nhân cho bao trai thanh gái lịch đất Hà thành này. Vào những buổi chiều
cuối thu, trong cái se se lạnh của đất trời, các đôi trai gái tay trong tay, vai bên vai dìu nhau trên
con đường Cổ Ngư thơ mộng, để cùng tận hưởng những giây phút bên nhau, được hít thở bầu
không khí trong lành, trao nhau những hơi ấm của cõi lòng và để rồi tiếng sóng lòng cùng rộn
ràng, cùng thổn thức và cùng hoà nhịp với tiếng sóng Hồ Tây. Như nhà thơ Bùi Thanh Tuấn đã
viết lên một bài thơ và được nhạc sĩ Trương Quý Hải phổ nhạc rất nổi tiếng năm 1997:
“Hà Nội mùa này vắng những cơn mưa
Cái rét đầu đông khăn em bay hiu hiu gió lạnh
Hoa sửa thôi rơi, ta bên nhau một chiều tan lớp
Đường Cổ Ngư xưa, chầm chậm bước ta về
Hà Nội mùa này trời không buông nắng
Phố vắng nghiêng nghiêng cành cây khô
Quán cóc liêu xiêu môt câu thơ
Hồ Tây, Hồ Tây tím mờ
Hà Nội mùa này lòng bao nỗi nhớ
Ta nhớ đêm nao lạnh đôi vai
Hơi ấm em trao tuổi thơ ngây
Tưởng như, tưởng như còn đây”
(Hà Nội mùa vắng những cơn mưa)
Đền Quán Thánh
Đền Quan Thánh nhưng tên chính của nó là Quán Thánh. Vì “Quán” là danh từ để chỉ nơi thờ
các vị thiên thần trong hệ thống đạo Lão (cũng như “tự” để chỉ nơi thờ Phật) nhưng người ta đã
đọc trại thành Quan Thánh và trở thành quen thuộc như ngày nay.
Đền Quan Thánh thờ Huyền Thiên Trấn Vũ Chơn Quân. Là hình tượng kết hợp giữa một nhân
vật huyền thoại Việt Nam – Ông Thánh giúp An Dương Vương trừ ma quấy rối khi xây dựng
thành Cổ Loa và nhân vật thần thoại Trung Quốc, tương truyền rằng Ông là vị thần được trời sai
xuống trấn giữ phương Bắc có pháp thuật cao cường trừ yêu quái. Đền Quan Thánh được xây
dựng từ thời vua Lý Thái Tổ (1010-1028). Năm 1893, đền Quán Thánh được sửa sang và trùng
tu lại. Đặc biệt có pho tượng thánh Trấn Vũ bằng đồng đen đúc 1677. Tượng nặng 3600kg, cao
3,96m, chu vi 3,48m. Tượng mặt vuông nhìn thẳng, râu dài đen nhánh, quần áo màu đen như thể
hiện ý chí và nguyện vọng của nhân dân ta luôn đề cao cái đẹp và lòng chính trực. Có thể nói
rằng, với những dụng cụ thô sơ vào thế kỉ 17, việc đúc thành công một pho tượng lớn như vậy
chứng tỏ nghệ thuật tạo hình của nhân dân ta đạt đến một trình độ khá cao.
Cho đến nay tượng đồng Thánh Trấn Vũ là một trong những pho tượng đồng to lớn và cổ xưa
nhất còn sót lại một cách hiếm hoi. Nhưng tiếc rằng tác giả của tác phẩm này đã không để lại tên
tuổi của mình cho hậu thế chiêm ngưỡng. Trong truyền thuyết dân gian cho rằng người đúc
tượng là thợ cả tên Trùm Trọng. Không biết cái tên mà người đời ghi công có đúng hay không?
Nhưng phía ngoài cửa đền có một cái am, trong đó có một pho tượng bằng đá cỡ nhỏ. Người ta
nói đó là do học trò của ông Trùm Trọng tạc lại để ghi công ơn thầy và xin được thờ nơi đây.
Văn Miếu – Quốc Tử Giám – Khuê Văn Các
Văn Miếu được lập ở Hà Nội, bấy giờ là Thăng Long, năm 1070, cách đây hơn 9 thế kỷ. Sự việc
đó phải chăng báo hiệu sự thâm nhập của Nho giáo ở nước ta? Không. Sự thâm nhập này chỉ xảy
ra bốn thế kỷ sau đó từ đời Lê Thánh Tông. Năm 1070, triều Lý vẫn “Tam giáo đồng tôn” và đạo
Phật trong ba đạo: Phật giáo, Lão giáo, Nho giáo vẫn còn giữ nguyên ưu thế tuyệt đối.
Ý nghĩa chính của việc lập Văn Miếu được Đại Việt Sử Kí Toàn Thư nêu rõ bằng một chi tiết cụ
thể: “Hoàng Thái Tử đến đấy học”. Như vậy ngay từ ngày đầu xây dựng Văn Miếu Hà Nội đã có
thêm chức năng một nhà Quốc học khác với Văn Miếu của một số nước như Trung Quốc, Triều
Tiên, chỉ là nơi thờ cúng các vị tổ đạo Nho.
Năm 1076, vua Lý Nhân Tông thành lập Quốc Tử Giám ở bên cạnh Văn Miếu. Nhà Quốc học
chính thức đầu tiên của lịch sử giáo dục Việt Nam ra đời từ đó. Nhà vua đã: “Chọn quan viên
văn chức người nào biết chữ cho vào Quốc Tử Giám”.
Việc lập Văn Miếu là một bước tiến của đạo Khổng. Quốc Tử Giám đánh dấumột bước phát
triển của nền giáo dục nước ta. Tuy rằng giáo dục mới dừng lại ở tầng lớp trên trước hết, nhưng
một số học sinh ưu tú trong dân gian cũng được tuyển vào học ở đó.
Ý nghĩa của việc lập Văn Miếu năm 1070 và lập Quốc Tử Giám năm 1076 không đóng khung
trong địa hạt văn hoá. Trong nhân dân vừa dành được quyền tự chủ sau hơn 1000 năm đô hộ,
đang dâng lên một sức sống phi thường: ý thức giữ gìn và củng cố độc lập, khẳng định bản lĩnh,
là tư tưởng chỉ đạo của mọi hoạt động tổ chức, quân sự, văn hoá, đều hướng tới phục vụ sự
nghiệp tự cường của dân tộc. Năm 968, họ Đinh xưng đế, năm 1010 họ Lý định đô nơi “Rồng”
báođiềm lành. Năm 1076, trước binh hùng tướng mạnh Bắc triều, Lý Thường Kiệt cho “thần”
ngâm bài thơ lẫy lừng sông Như Nguyệt: “Nam quốc sơn hà Nam đế cư…”
Việc lập Văn Miếu Quốc Tử Giám như vậy là nhằm đào tạo lớp quan trị nước, nằm trong
phương hướng vươn lên của thời đại.
Năm 1253, vua thứ hai của nhà Trần là Trần Thánh Tông đổi Quốc Tử Giám thành Quốc Học
Viện làm nơi giảng dạy cho con em vua quan và những người học giỏi trong nước. Chức năng
của một trường Quốc học ngày càng nổi bật hơn chức năng của một nơi tế lễ, làm cho giá trị lịch
sử Quốc Tử Giám-Văn Miếu ngày càng được nâng cao. Trường Quốc học được nâng dần lên tới
mức Đại học và chính thức được đặt tên Thái Học Viện. Suốt hơn ba thế kỷ triều Lê trường Quốc
học không hề đổi chỗ. Quốc Tử Giám năm năm đón học sinh khắp nơi vào học và cứ mỗi khoa
thi, cửa nhà Thái Học lại treo bảng ghi tên những Tiến sĩ trúng tuyển, dân chúng đất “Trường
An” (Thăng Long) lại một lần lũ lượt tới xem. Cảnh nhộn nhịp tưng bừng thật không sao tả xiết.
Năm 1484 (Hồng Đức năm thứ 15), Lê Thánh Tông chủ trương ghi tên lên bia đá tên tuổi những
nhà khoa học xuất sắc từ khoa thi Tiến sĩ đầu tiên của triều Lê, năm 1442 trở đi, (chủ trương đã
đề ra năm này nhưng chưa thực hiện). Mỗi khoa, một tấm bia đặt trên lưng rùa. Tới năm đó, nhà
Lê đã tổ chức được 12 khoa thi cao cấp, và riêng trong thời gian hơn 30 năm làm vua (1460-
1497), Lê Thánh Tông đã tổ chức đều đặn cứ ba năm một lần đứng 12 khoa thi.
Nhà bia được dựng lần lượt tiếp nhận những tấm bia “đề danh” của từng khoa thi. Thật ra chẳng
bao lâu sau thời thịnh trị của những niên hiệu Quang Thuận – Hồng Đức, không phải khoa thi
nào tiến hành xong đều được khắc bia ngay và không phải bia đã dựng thì vĩnh tồn, không hư
hỏng, không mất mát. Từng thời có những đợt dựng lại lớn, như năm 1653 (Thịnh Đức năm thứ
I), năm 1717 (Vĩnh Thịnh năm thứ 13).
Cuối triều Lê, thời Cảnh Hưng, bia vẫn được khắc đều đặn. Dù không còn giữ được đủ bia, nhà
bia trường Giám cũng đã lưu lại về sau rất nhiều những công trình điêu khắc giá trị và tư liệu lịch
sử quý báu.
Tới thời Nguyễn, các vua nhà Nguyễn đóng đô ở Huế, nhà Quốc học cũng được dời vào Huế.
Trường Giám được đổi tên làm Văn Miếu với một chức năng duy nhất là nơi thờ tự “thánh hiền”
mà thôi. Tên Quốc Tử Giám không còn được chính thức gọi nữa, nhưng giá trị lịch sử của di tích
Quốc Tử Giám chẳng lu mờ. Tên Giám nôm na vẫn được đặt cho phố, cho chợ và tồn tại cho đến
hôm nay.