Chiều hôm qua tôi đi thắp hương mộ Võ Tánh, hiện toạ lạc tại Khu di tích Thành Hoàng Đế cũ, nay thuộc thị trấn Đập Đá, thị xã An Nhơn Bình Định.

Thành Hoàng Đế vốn có tên gọi là thành Qui Nhơn, được các Chúa Nguyễn xây dựng trên nền cũ của thành Đồ Bàn Chiêm Thành.
Sau khi chia ba sơn hà Đại Việt với Bắc Bình Vương Nguyễn Huệ (từ Phú Xuân ra Bắc Hà) và Đông Định Vương Nguyễn Lữ (Nam Hà), Nguyễn Nhạc tự xưng là Trung Ương Hoàng Đế. Ông cho cải tạo thành Qui Nhơn làm nơi đóng đô và đổi tên thành này ra thành Hoàng Đế.
Dưới thời Cảnh Thịnh Tây Sơn, do bị quân Nguyễn Vương Ánh nhiều lần tấn công, Nguyễn Nhạc già yếu không chống đỡ nổi, ông đã phải cầu cứu Cảnh Thịnh.
Sau khi cho quân vào giúp Nguyễn Nhạc đánh đuổi quân Nguyễn Ánh thành công, Cảnh Thịnh đã “giải phóng” luôn Nguyễn Nhạc khỏi tước vị Hoàng Đế và thu giang sơn về một mối Tây Sơn.

Từ đó thành Hoàng Đế được đổi tên trở lại là thành Qui Nhơn. Còn “hoàng thái tử” thừa kế ngôi vị Hoàng Đế nay chỉ được thừa kế chức Tri phủ. Nguyễn Nhạc uất ức ốm chết.
Tôi xin phép không nhắc lại những chuyện còn buồn hơn, liên quan đến thành Hoàng Đế. Đó là cuộc huynh đệ tương tàn khốc liệt giữa Nguyễn Nhạc và Nguyễn Huệ dưới chân thành Hoàng Đế.
Năm 1799, quân Nguyễn Ánh do Võ Tánh thống lĩnh đã hạ được thành Qui Nhơn. Nguyễn Ánh đổi tên thành này ra thành Bình Định và giao cho Võ Tánh, Ngô Tùng Châu trấn giữ.
Vì Qui Nhơn là đất phát tích của Tây Sơn, Cảnh Thịnh đã sai Thiếu phó Trần Quang Diệu mang bộ binh và Đại Tư Đồ Vũ Văn Dũng mang quân thuỷ binh, tổng cộng gần 70.000 quân vào chiếm lại.
Toàn bộ cuộc chiến bi hùng kéo dài hơn 14 tháng, cũng như việc Võ Tánh “cầm chân” thành công đạo binh Tây Sơn hùng hậu này, có ý nghĩa thế nào với cuộc chiến Tây Sơn - Nguyễn Ánh, tôi đã trình bầy trong các bài “Tinh thần quí tộc Việt Nam” và “Đầm Thị Nại”.
Chung cuộc, là sau khi biết tin Nguyễn Ánh đã chiếm được Phú Xuân, Võ Tánh quyết định giao thành cho Trần Quang Diệu. Võ Tánh viết thư cho Trần Quang Diệu thông báo sẽ giao thành Qui
Nhơn. Ông cũng thỉnh cầu Trần Quang Diệu không giết hại quân dân Qui Nhơn khi vào thành.
Nhơn. Ông cũng thỉnh cầu Trần Quang Diệu không giết hại quân dân Qui Nhơn khi vào thành.
Sau khi biết chắc Trần Quang Diệu đã nhận được thư, ông lên Lầu Bát Giác sai quân chất củi khô xung quanh, rắc thuốc súng. Võ Tánh bình thản ngồi châm lửa tự vẫn để bảo toàn khí tiết. Năm đó ông 33 tuổi, đó là ngày 27/05 âm lịch năm 1801. Trước đó Ngô Tùng Châu cũng uống thuốc độc tự vẫn.
Khi vào thành Qui Nhơn, Trần Quang Diệu đã tỏ ra vô cùng xúc động trước cái chết dũng liệt của hai ông. Trần Quang Diệu cho người khâm liệm di cốt và mai táng hai ông tử tế. Ông cũng đã thuận theo thỉnh cầu của Võ Tánh đã thả tự do tất cả quân dân Qui Nhơn.
Sau khi thống nhất sơn hà, Nguyễn Ánh đã cho xây lại khuôn viên mộ Võ Tánh và Ngô Tùng Châu, cũng như phục dựng Lầu Bát Giác làm nơi thờ cúng.

Từ đó đến nay, trải nhiều thăng trầm lịch sử người dân Bình Định vẫn đời này sang đời khác luôn hương khói thờ cúng và chăm sóc chu đáo phần mộ hai ông. Thật là đáng kính nể, trân trọng và khâm phục.
PS. Khuôn viên lăng mộ Võ Tánh và Ngô Tùng Châu hình bát giác, rộng tổng cộng khoảng 100m2, nằm đối diện với Lầu Bát Giác nơi thờ cúng hai ông.
Trong chuyến hành trình về mộ Võ Tánh, tôi có một phát hiện thú vị, đáng mừng đôi với tôi. Người trẻ Qui Nhơn trên dưới 30 có vẻ biết ông là ai và lăng mộ của ông hiện ở đâu, nhiều hơn so với người Qui Nhơn và Bình Định độ tuổi 50-60.
Nguồn: FB Tam Tran