Singapore là một đất nước nhỏ bé nhưng lại khá độc đáo. Nó vừa là một quốc gia, vừa là một đảo quốc và cũng là một thành phố. Nhưng với người dân Singapore, nó không phải là một thành phố bình thường, mà là thành phố Sư tử. Cho dù chẳng có con sư tử nào sống ở Singapore, nhưng biểu tượng sư tử biển (Merlion) đã nổi tiếng khắp thế giới và du khách đến Singapore cũng phải tìm mua ít nhất một món quà có hình chú sư tử biển.
Từ truyền thuyết...
Lịch sử Singapore là một sự pha trộn hấp dẫn giữa sự thật và huyền thoại. Vào thế kỷ 13, có một hoàng tử của vương triều Srivijaya tên là Sang Nila Utama đã vượt biển đi tìm vùng đất mới. Theo truyền thuyết, khi cho thuyền ghé vào một hòn đảo để bổ sung lương thực và nước uống, hoàng tử Utama nhìn thấy một con vật lạ. Hoàng tử Utama cho các thủy thủ đi hỏi thăm và họ tâu rằng dân địa phương gọi nó là con Singa (tiếng Phạn nghĩa là con sư tử). Nghĩ rằng đây là một điềm báo tốt lành nên hoàng tử Utama quyết định xây dựng thành phố của mình tại đây và đặt tên cho nó là Singapura, trong tiếng Phạn nghĩa là thành phố Sư tử.
... Đến hiện thực
Singapore cũng đã trải qua những bước thăng trầm trong quá trình lập quốc. Vào ngày 03.06.1959, Anh quốc trao cho Singapore quyền quốc gia tự trị. Ngày 16.09.1963, Singapore tự nguyện gia nhập liên bang Malaysia nhưng chỉ được 2 năm thì tách khỏi liên bang. Đến ngày 09.08.1965, Singapore tuyên bố trở thành một quốc gia độc lập. Trong suốt quá trình này, một trong những yêu cầu cấp bách là xây dựng biểu tượng quốc gia. Nhưng từ trước đến giờ, có ai từng thấy được hình dạng con sư tử biển là như thế nào. Do vậy, vào năm 1964 Ủy ban Xúc tiến du lịch Singapore (STPB) đã tổ chức cuộc thi sáng tác biểu tượng cho đảo quốc Singapore. Người đoạt giải là kiến trúc sư Fraser Brunner, thành viên của Ủy ban Lưu niệm và cũng là quản lý thủy cung Van Kleef. Vào ngày 20.07.1966, Ủy ban Xúc tiến du lịch Singapore đã chính thức đăng ký sử dụng tên Merlion làm tên thương mại với hình ảnh là một con linh vật đầu sư tử mình cá cưỡi lên một làn sóng xanh.
Ý nghĩa của biểu tượng được giải thích như sau: đầu sư tử tượng trưng cho con sư tử trong truyền thuyết mà hoàng tử Utama đã thấy được. Đuôi cá hướng về phía trước tượng trưng cho miền đất đầu tiên của Singapore xưa gọi là Temasek (trong tiếng Java có nghĩa là “biển”) sinh sống bằng nghề biển.
Chuyện về tượng chú sư tử biển tại công viên Merlion
Đối với người dân đảo quốc Singapore, con vật đầu sư tử mình cá cưỡi lên làn sóng xanh cũng quan trọng như tháp Eiffel của Pháp hay tượng nữ thần tự do của Mỹ. Đó là biểu tượng quốc gia, điều được thế giới nhớ đến đầu tiên khi họ nghĩ về đất nước này. Con linh vật từ thế giới huyền thoại đã bước ra đời thường, đứng kiêu hãnh tại cửa sông Singapore lịch sử và chứng kiến sự lớn mạnh từng ngày của đất nước Singapore.
Bức tượng sư tử biển đầu tiên với đầu sư tử, mình cá, cưỡi trên làn sóng xanh có chiều cao 8,6m và nặng 70 tấn được ông Lim Nang Seng, một nghệ nhân của Singapore chế tác với kinh phí xây dựng vào thời điểm 1972 lên đến 165.000 đô la Singapore. Thân tượng được đúc bằng xi măng Fondue, lớp vảy bên ngoài được làm từ những chiếc đĩa bằng sứ và đôi mắt của Merlion là hai tách trà nhỏ màu đỏ. Một bức tượng nhỏ hơn (Merlion cub) cao 2m và nặng 3 tấn cũng được ông Lim Nang Seng xây dựng và được đặt gần đó, trong khuôn viên của khách sạn Fullerton.
Nơi đặt tượng sư tử biển là công viên Merlion, hiện nay là một điểm tham quan nổi tiếng của Singapore, thu hút số lượng du khách khá lớn. Ông Lý Quang Diệu, cựu thủ tướng Singapore, đã làm lễ khánh thành công viên vào ngày 15.09.1972. Một bảng kim loại bằng đồng được gắn lên với dòng chữ: “Merlion là biểu tượng đặc trưng của Singapore để chào mừng tất cả du khách
đến với Singapore”. Hai tượng này lúc đầu được đặt ở khu vực gần cầu Anderson, cách vị trí hiện nay chừng 120m (theo truyền thuyết là nơi mà hoàng tử Utama bắt gặp con Singa). Tuy nhiên vào năm 1997 khi xây dựng cây cầu Esplanade, có chiều dài 280m nối liền hai bờ gần cửa sông Singapore, các kiến trúc sư đã “quên” mất là cây cầu cũng sẽ che chắn mất tượng Merlion.
Theo quan niệm “phong thủy” vốn rất phổ biến ở đảo quốc này thì điều này cực kỳ không tốt vì tượng Merlion là biểu tượng của quốc gia, tọa lạc ngay cửa sông để đón “nguyên khí” từ ngoài biển thổi vào mà lại bị chiếc cầu án ngữ. Do đó, việc khẩn cấp là phải di dời ngay cả 2 bức tượng lớn và nhỏ sang phía bên kia cây cầu Esplanade. Sau khi chọn được vị trí đặt tượng và hoàn tất các khâu chuẩn bị, công việc di dời được thực hiện từ ngày 23.04 đến 25.04.2002. Quá trình di dời gồm những công đoạn như sau: dùng cần cẩu để cẩu tượng vào sà lan lớn, lái sà lan đến chân cầu Esplanade, cẩu tượng qua khỏi cầu và đặt lại vào sà lan, lái sà lan đến vị trí hiện nay và cẩu tượng đặt vào vị trí này.
Sau đó họ tiến hành việc tu bổ lại tượng sau gần 30 năm phơi nắng mưa, sương gió. Công việc tu bổ bao gồm chà rửa và cạo bỏ lớp sơn cũ. Tượng Merlion con được loại bỏ lớp sứ cũ hư hỏng, thay
bằng những mãnh đĩa, chén, thìa và gạt tàn bằng sứ mới do khách sạn Fullerton hiến tặng. Lớp sóng biển màu xanh với chất liệu bằng thủy tinh cao cấp được làm mới dưới chân hai bức tượng.
Những ngọn sóng này được chiếu sáng bằng hệ thống đèn trang trí. Một hệ thống máy bơm mới cũng được lắp đặt để Merlion có thể phun nước suốt ngày đêm. Nó gồm 2 bộ phận bơm nước được thiết kế đặc biệt để bơm nước biển. Các máy bơm làm việc luân phiên và luôn luôn có máy dự phòng. Ngoài việc phun nước, cả hai tượng Merlion đều có thác nước chảy tràn từ bệ sóng. Chi phí cho việc di dời đến địa điểm mới và tu bổ tượng là 7,5 triệu đô la Singapore.
Tuy nhiên, vào ngày 28.02.2009, một trận mưa cực lớn kèm theo sấm chớp đã đánh trúng vào tượng Merlion lớn, làm vỡ một phần lớn đỉnh đầu và mất nguyên vành tai bên phải. Sự kiện này đã làm cho người dân đảo quốc xôn xao với vô số lời đồn đoán, báo chí tốn khá nhiều giấy mực và Singapore phải mất gần hai năm để phục chế lại tượng Merlion mà chúng ta đang thấy ngày nay.
Bức tượng Merlion thứ hai
Sự nổi tiếng của bức tượng Merlion đầu tiên đã là nguồn động viên lớn lao cho chính phủ Singapore
quyết định dựng tiếp bức tượng thứ hai trên đảo Sentosa vào năm 1996. Và, bức tượng này cũng trở nên nổi tiếng không kém người anh của nó. Với chiều cao 37m, là một trong những bức tượng
cao nhất châu Á, con mãnh sư đứng đó như bảo vật trấn quốc của đất nước Singapore.
Việc xây dựng bức tượng này là một minh chứng cho thấy trình độ và kỹ thuật xây dựng tuyệt vời
của các kỹ sư Singapore. Bởi vì phần trên của bức tượng lại lớn hơn phần dưới, điều này đi ngược lại quy tắc xây dựng là phần chân đế phải lớn hơn và càng lên cao thì phải nhỏ lại. Ngoài ra,
do xây dựng trên một hòn đảo ngoài biển khơi quanh năm lộng gió và không có gì che chắn nên
việc giữ cho bức tượng vững vàng lại càng khó khăn hơn. Họ phải áp dụng nhiều biện pháp kỹ thuật rất sáng tạo để làm giảm tới mức tối đa độ dao động, bảo đảm độ ổn định cho bức tượng. Các kỹ sư cũng mất nhiều công sức để tìm những loại vật liệu và màu sắc làm chất liệu phù hợp cho lớp phủ ngoài. Có thể nói họ đã thành công khi làm cho bức tượng có một hình dáng và màu sắc rất sống động. Về đêm, bức tượng còn được một hệ thống đèn chiếu sáng hết sức hiện đại làm tăng thêm vẻ thần thoại.
Tượng sư tử biển thứ hai này là nơi thu hút rất nhiều du khách. Bạn có thể dùng thang máy lên tầng 9 hoặc sân thượng ở tầng 12 để phóng tầm mắt nhìn khắp 60 hòn đảo nhỏ nằm rải rác quanh Singapore. Bên trong tháp khá rộng, có đủ chổ cho 180 du khách hiện diện cùng lúc. Ngay bên cạnh bức tượng này nhà hát Amphitheatre nổi tiếng, cả hai kết hợp thành một quần thể kiến trúc mang đậm màu sắc Singapore.
Nếu chui vào trong lòng tượng sư tử biển khổng lồ, bạn sẽ khám phá thế giới cuả những con quỷ biển huyền thoại, xem những thước phim về truyền thuyết cuả sư tử biển. Bạn hãy thả đồng tiền cuả bạn vào miệng sư tử con để cầu xin vận may.
Có bao nhiêu tượng sư tử biển tại Singapore?
Hiện tại, Singapore chính thức có 5 tượng sư tử biển:
- Tượng sư tử biển đầu tiên đặt tại công viên Merlion có chiều cao 8,6 m.
- Tượng sư tử biển con, đặt phía sau tượng sư tử biển đầu tiên, cách khoảng 20m, có
chiều cao 2 m.
- Tượng sư tử biển xây dựng trên hòn đảo du lịch Sentosa có chiều cao 37 m.
- Tượng sư tử biển trên núi Faber (Faber mountain) có chiều cao 3 m.
- Tượng sư tử biển đặt tại khu vực Sở Du lịch Singapore có chiều cao 3m.
NGUYỄN TUẤN QUYỀN
(Đăng trên Tạp chí Kiến thức ngày nay, 20/02/2015)