QUAN CHẾ NHÀ NGUYỄN VÀ NGUYỄN TRI PHƯƠNG

Nhân vụ "lùm xùm" gian lận thi cử vừa qua, xin phép nhắc lại câu chuyện ngày xưa về Cao Bá Quát và các quan nhà Nguyễn. Có thể nói, một trong những thành tựu lớn nhất của nhà Nguyễn là quan chế, là chế độ cai trị.
Trước hết, có thể kể đến luật Hồi Tỵ của nhà Nguyễn (đặc biệt phát triển thời Minh Mạng). Luật Hồi tỵ quy định, là những người thân của quan chức, bao gồm anh em, cha con, thầy trò, đồng môn, đồng hương .., thì không được làm quan cùng một địa phương, một nhiệm sở. Luật này cũng cấm quan chức làm quan ở quê mình, cấm lấy vợ ở địa phương mình trị nhậm. Nếu ai gặp những trường hợp nói trên, thì phải tâu báo lên triều đình, để triều đình bố trí chuyển đi trị nhậm nơi khác.
Tiếp theo, một điều đáng nói nữa trong quan chế nhà Nguyễn, là chính sách tuyển chọn người tài (Meritocracy). Thời nhà Nguyễn chế độ tuyển chọn và bổ nhiệm quan chức rất chặt chẽ, minh bạch và nghiêm khắc. Trước hết thể hiện ở việc cấm tuyệt đối quan chức làm giám khảo chầm thi, nếu những người này có anh em, cha con, thầy trò, đồng môn dự các kỳ thi Hương, thi Hội, thi Đình.
Điều này, cũng như thể lệ các cuộc ứng thí khoa bảng, được mô tả rất sinh động trong tác phẩm “Lều chõng” của Ngô Tất Tố. Một trong những trường hợp điển hình lưu danh muôn thủa, là câu chuyện về Cao Bá Quát làm Sơ khảo trong một kỳ thi Hương.
Sách Đại Nam thực lục (tập 23) chép việc này như sau: “Năm Tân Sửu (1841), tháng 8 ... Cao Bá Quát và Phan Nhạ làm Sơ khảo trường thi Thừa Thiên, chữa văn sĩ nhân (dùng muội đèn chữa 09 chữ trong một số quyển thi phạm húy). Bộ Lễ và Viện Đô sát tra xét, nghị tội: Quát và Nhạ phải tội xử tử. Nguyễn Văn Siêu (làm Phân khảo) phải tội trượng đồ (đánh bằng roi). Chủ khảo và Giám khảo bị cách chức, giáng chức.
Về sau vua xét lại, tha cho Quát, Nhạ tội xử tử và chuyển thành giảo giam hậu. Siêu chỉ bị cách chức, tha cho trượng đồ. Chủ khảo Bùi Quỹ và Phó khảo Trương Sĩ Tiến bị cách lưu làm việc. Năm cử nhân có bài được sửa đều phải thi lại cả ba kỳ và đều được lấy đỗ trở lại”.
Trong trường hợp này, hai ông Cao Bá Quát và Phan Nhạ dùng muội đèn và dầu chữa bài, chỉ vì tiếc cho người giỏi, có thể bị đánh hỏng vì những lỗi phạm huý nhỏ. Họ không hề quen biết những người này, và tuyệt đối không thể có chuyện tư lơi.
Tuy nhiên, phép nước dù thế nào cũng vẫn phải nghiêm. Nếu vì bất cứ lý do gì, mà 5 ông cử nhân được họ chữa bài không qua được kỳ thi (khảo hạch) lại. Nghĩa là có dấu hiệu "được/bị" gian lận nâng điểm, thì Cao Bá Quát, Phan Nhạ và thậm chí Nguyễn Văn Siêu chắc chắn đã "xanh cỏ". Còn Chủ khảo Bùi Quỹ và Phó khảo Trương Sĩ Tiến chắc chắn bị cách tuột đi làm lính thú.
Sau gần ba năm bị giam cầm khổ sở, khoảng cuối năm 1843, Cao Bá Quát được triều đình tạm tha, nhưng bị phát phối đi Đà Nẵng, chờ ngày đi "dương trình hiệu lực" (tức đi phục dịch để lấy công chuộc tội). Tháng 12/1843, Phan Nhạ theo Phái đoàn Nguyễn Công Nghĩa xuống thuyền Thần Dao đi hiệu lực sang Tân Gia Ba (Singapore).
Còn Cao Bá Quát theo Phái đoàn Đào Trí Phú xuống tàu Phấn Bằng đi hiệu lực (làm tạp dịch) đến vùng Giang Lưu Ba (Indonesia). Tháng 07/1843, phái đoàn công cán trên thuyền Phấn Bằng về đến Việt Nam. Sau đó, Cao Bá Quát được phục chức ở bộ Lễ.
Ngoài ra, điều quan trong nhất, là các Chúa và Vua nhà Nguyễn không chỉ biết tuyển dụng người tài, sử dụng và trân trọng họ, mà còn biết truyền cho họ cảm hứng về trách nhiệm “đặc biệt” của nhân tài đối với quốc gia. Cũng như biết đòi hỏi họ, những nhân tài phải có đạo đức và hành xử chuẩn mực
Điều này khá giống cách đối xử với tầng lớp tinh hoa (tổng thống, quan chức cao cấp, doanh nhân giàu có thành đạt, ngôi sao showbiz … ) của xã hội Phương Tây hiện nay. Vừa qua ở Mỹ có vụ gian lận thi cử, liên quan đến 50 nhân vật thuộc giới elite (thượng lưu) kinh doanh và showbiz. So với những người bình thường phạm tội này, họ bị xã hội lên án nặng nề hơn hẳn, chính là vì lý do như vậy.
Tóm lại, thời nhà Nguyễn câu “quốc gia hưng vong, thất phu hữu trách” không hề là một sáo ngữ. Khi nghe tin Pháp đánh Đà Nẵng (1858), Nguyễn Công Trứ lúc đó đã 70 tuổi vẫn xin đầu quân đánh Pháp. Còn những vị quan nhà Nguyễn khác khởi đầu là Võ Tánh và Ngô Tùng Châu, tiếp tục là Hoàng Diệu, Nguyễn Tri Phương, Phan Thanh Giản … đều đã tử tiết để bảo toàn danh dự vì không giữ được thành trì, không hoàn thành nhiệm vụ.
Mặt khác chúng ta biết rằng, những nhân vật này đều là người tài, đều là trọng thần nhà Nguyễn. Họ đều đã từng nhiều lần “lên voi xuống chó”, bị giáng chức (thậm chí xuống làm lính hầu) khi phạm lỗi. Bởi vì so với thứ dân, hình phạt dành cho họ, những người có học và hiểu việc, nhất định phải nặng hơn.
Nhưng đồng thời, sau khi đã chấp hành đủ án phạt, tất cả những vị này đều được phục chức, đều được quay lại những chức vụ đại thần rất cao. Vì nhà nước không thể bỏ phí nhân tài, cũng như chẳng có nhóm lợi ích và tư duy nhiệm kỳ nào cản trở được họ quay lại bộ máy chính quyền..
Điều này là minh chứng cho nguyên tắc Thưởng Phạt Công Minh, một nguyên tắc quan trọng đáng nể khác trong quan chế nhà Nguyễn. Tất cả những đặc điểm nói trên của quan chế nhà Nguyễn, đã giúp nhà Nguyễn chống được tham nhũng hiệu quả hơn hẳn thời Lê Trịnh mua quan bán tước.
Đơn giản là vì thực tế, những quan chức có tài bao giờ cũng tư duy độc lập, tự trọng và có nhiều khả năng buông bỏ tất cả để "đi chỗ khác chơi”, mà vẫn đóng góp được cho đời. Kết quả là nền quan chế nhà Nguyễn đã sinh ra rất nhiều vị quan xuất sắc. Tiêu biểu nhất trong số này, là Lê Văn Duyệt và Nguyễn Tri Phương.
Nguyễn Tri Phương, tên thật là Nguyễn Văn Chương, tự Hàm Trinh, hiệu Đường Xuyên, sinh ngày 21/07/1800 ở làng Ðường Long (Chí Long), tổng Chánh Lộc, huyện Phong Ðiền, tỉnh Thừa Thiên Huế (nay là Phong Chương, Phong Ðiền). Nguyễn Tri Phương làm quan dưới các triều Vua Minh Mạng, Thiệu Trị, Tự Ðức, giữ nhiều chức vụ quan trọng trong triều đình.
Trong sự nghiệp dài lâu của một đại thần danh tiếng nhà Nguyễn, Nguyễn Tri Phương có nhiều công lao. Trước hết, là cùng với Phan Thanh Giản chủ trì việc khẩn hoang một khối lượng rất lớn ruộng đất ở Nam Kỳ. Sau nữa là đánh thực dân Pháp xâm lược ở Đà Nẵng 1858 và ở Đại đồn Chí Hòa Nam Kỳ 1861.
Ngày 19/11/1873, Nguyễn Tri Phương bị thương nặng trong trận quân Pháp đánh chiếm thành Hà Nội. Sau đó ông tuyệt thực và mất ngày 20/12/1873, thọ 73 tuổi. Vua Tự Ðức cho đem thi hài ông về an táng tại quê nhà (làng Chí Long, xã Phong Chương, huyện Phong Điền) Thừa Thiên Huế. Tự Đức đã cho xây dựng nhà thờ Nguyễn Tri Phương chung với em trai là Nguyễn Duy và con là Nguyễn Lâm, đều là những người có công và hy sinh khi đánh Pháp.
Hiện nay ở Việt Nam, ngoài đền thờ do nhà Nguyễn xây dựng ở Huế, Nguyễn Tri Phương (cùng với Hoàng Diệu) còn được thờ ở Đền Trung Liệt (Đống Đa) và Vọng Lâu Cửa Bắc Hoàng Thành Hà Nội (Hình 😎, những đền thờ do nhân dân xây dựng. Nhân dân cũng xây đền thờ Nguyễn Tri Phương (từ 1873 khi nghe tin ông tuẫn tiết) ở ấp Tân Mỹ, phường Bửu Hòa, Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai, trên cơ sở trùng tu ngôi đình làng Mỹ Khánh có từ trước. Đền được gọi là Đền Tam Công, vì ngoài Nguyễn Tri Phương còn thờ cả Nguyễn Duy em và Nguyễn Lâm con ông
Từ lâu người dân địa phương thờ ông như một vị phúc thần. Hàng năm Đền Tam Công tổ chức lễ hội Kỳ Yên trong ba ngày từ sáng 16/10 Âm lịch. Lễ hội diễn ra với những nghi thức tiến thần, diễn hành lễ bộ, tống phong… rất độc đáo và đẹp mắt. Nhân dân địa phương và các vùng lân cận đến dự đông đảo.
PS. Trong dịp về thăm Huế vừa qua, tôi có dịp thăm lăng mộ và đền thờ ông ở làng Chí Long, xã Phong Chương, huyện Phong Điền.
Mộ ông tọa lạc trên một gò đất cao giữa cánh đồng làng Chí Long trong một khuôn viên chỉ khoảng hơn 20m2 và trông khá xuống cấp. Tôi cũng đến thắp hương ở đền Trung Liệt thờ Nguyễn Tri Phương, Nguyễn Duy và Nguyễn Lâm
Trong hình ảnh có thể có: cây, bầu trời, thực vật, cỏ, ngoài trời và thiên nhiên
Mộ Nguyễn Tri Phương ở làng Chí Long nằm giữa cánh đồng.
Cách đi: từ trung tâm thành phố Huế, theo Quốc lộ 1A (hướng Bắc 30km đến thị trấn Phong Thu, huyện Phong Điền) rẽ phải theo tỉnh lộ 6 khoảng 15km là đến di tích. Phải nói rằng chúng tôi hỏi đường rất dễ dàng, vì ở địa phương, từ người già đến các cháu học sinh ai cũng đều biết và chỉ dẫn nhiệt tình.
Huế đất thần kinh là đất phát tích và nơi lập thân, lập nghiệp của rất nhiều danh nhân văn hóa lịch sử Việt Nam. Huế cũng là nơi người dân có nếp sống cần kiệm, ít phô trương bon chen, khá bảo thủ khép kín.
Đồng thời người Huế rất nội tâm kín đáo và có đức tin tôn giáo mạnh mẽ. Người Huế cũng rất coi trọng âm phần, đời sống tâm linh và việc thờ cúng nói chung. Để có được sự công nhận và giành được một chỗ đứng trong tâm khảm người Huế là việc không hề dễ dàng.
Cuối tháng 11/2018, trên các phương tiện truyền thông và mạng xã hội xuất hiện thông tin về việc khởi công xây dựng Khu lưu niệm Tố Hữu ở huyện Quảng Điền, Thừa Thiên Huế. Dự kiến sẽ sử dụng 26 tỷ VN đồng tiền ngân sách nhà nước.
Trong hình ảnh có thể có: bầu trời, đám mây và ngoài trời
Đài tưởng niệm ở Đền Trung Liệt thờ Nguyễn Tri Phương, Nguyễn Duy
 và Nguyễn Lâm Mg ở làng Chí Long.

Tôi rất tán thành ý kiến sau của một FBooker “Ai mê thơ Tố Hữu thì góp tiền mà xây, ngân sách nhà nước không mất 26 tỷ. Thơ Tố Hữu hiện nay phổ biến ở Việt Nam, ở miền Bắc thì càng nhiều người thuộc, chắc số người đóng góp không ít đâu. Như thế là công bằng, dân đỡ kêu các bác nhỉ”.
Tức là nên xây dựng Khu lưu niệm Tố Hữu theo cách mà các TT Mỹ thường xây dựng thư viện mang tên mình. Chúng được xây bằng kinh phí do những người hâm mộ đóng góp, không phải bằng tiền ngân sách. Theo tôi đây là một ý kiến xác đáng, đặc biệt nếu xét đến bối cảnh đất Huế “dày đặc danh nhân” và tính cách người Huế.
Nguồn: FB Tam Tran