PHẦN I KIẾN THỨC VỀ DI TÍCH – DANH THẮNG CỦA TỈNH KHÁNH HÒA

1: Hòn Hèo nằm ở đâu ? Tại sao có tên gọi Hòn Hèo? Anh (chị ) hãy giới thiệu khái quát
đặc điểm của dãy núi đó.

Hòn Hèo nằm trong dãy núi Phước Hà, ở phía Đông thị trấn Ninh Hòa. Trong dãy núi
Phước Hà có đỉnh Hòn Hèo là cao nhất (819m), cho nên người dân địa phương thường gọi là
núi Hòn Hèo. Tại Hòn Hèo có cây mây bông, tên chữ là Hoa Đằng, cây vừa to vừa thẳng.
Người dân địa phương thường chặt về làm vật dụng, nhất là làm hèo. Do đó, người dân
thường gọi là Hòn Hèo, khách văn chương thì gọi văn vẻ Hoa Đẳng Sơn.
Dãy núi Phước Hà, nằm ở phía Đông thị trấn Ninh Hòa, rộng hàng trăm ki lô mét
vuông, chạy xuyên ra biển theo hướng Đông - Nam tạo thành một bán đảo, thuộc địa phận 4
xã Ninh Phú, Ninh Diêm, Ninh Thủy và Ninh Phước.Dãy núi Phước Hà được Vịnh Vân
Phong và Vịnh Nha Trang bao quanh 3 mặt. Từ trên cao nhìn xuống, hình núi giống như ngón
tay cái của bàn tay mặt úp sấp.
Hình thế núi Phước Hà rất hiểm trở và có hình dạng kỳ thú. Đứng tại Phước Sơn, Xã
Ninh Đa nhìn xuống thì giống hệt mái nhà rêu phong, dáng tuy hiền lành nhưng nghiêm nghị.
Đứng ngoài Phú Thọ, Xã Ninh Diêm ngó vô thì nơi lồi lõm, nơi hốc hác, hình dáng trông rất
xấu xí, dữ tợn. Đứng tại Ninh Tịnh, Xã Ninh Phước trông ngược lên thì thế núi trông rất hiền
hòa, quang cảnh thanh u, kỳ bí. Đứng ở Lệ Cam, Xã Ninh Phú mà nhìn thì phong cảnh thật là
tú mỹ. Đi dọc theo bờ biển ở Vịnh Nha Phu mà nhìn thì đá núi ngổn ngang chồng chất, có
trăm dạng ngàn hình.

2 :Anh (chị ) hãy giới thiệu một cách khái quát về đặc điểm sông ngòi của Khánh Hòa? Ở
Khánh Hòa có hai con sông nào lớn nhất, với tên gọi là gì?

Sông ngòi ở Khánh Hòa nhìn chung ngắn và dốc, cả tỉnh có khoảng 40 con sông dài từ
10km trở lên, tạo thành một mạng lưới sông phân bố khá dày. Hầu hết, các con sông đều bắt
nguồn tại vùng núi phía Tây trong tỉnh và chảy xuống biển phía Đông. Dọc bờ biển, khoảng 5
– 7 km có một cửa sông.
Khánh Hòa có 2 con sông lớn: đó là sông Cái Nha Trang và Sông Cái Ninh Hòa.
Sông Cái Nha Trang (còn có tên gọi là Sông Phú Lộc, Sông Cù) có chiều dài 79km,
phát nguyên từ Hòn Gia Lê, cao 1.8212mét, chảy qua các huyện Khánh Vĩnh, Diên Khánh và
thành phố Nha Trang rồi đổ ra biển ở cửa lớn (Đại Cù Huân ). Sông Cái Nha Trang có 7 phụ
lưu, nhưng lại rất ngắn thường dưới 20km nên độ dốc rất lớn tạo nhiều ghềnh thác ở thượng
lưu.
Sông cái chảy qua Huyện Ninh Hòa ngày nay trong Đại Nam Nhất Thống Chí ghi là
Sông Vĩnh Phú, xưa gọi là Vĩnh An. Con sông chảy ngang qua huyện Ninh Hòa, nên cũng
thường gọi là Sông Ninh Hòa.
Sông chảy qua Vĩnh An, Vĩnh Phú, Vĩnh Hòa cho nên nhân dân đã mượn tên đất nơi
mình ở đặt tên cho con sông.
Sông Cái Ninh Hòa còn có tên gọi là Sông Dinh, vì trong thời gian đầu, khi vùng đất
Khánh Hòa mới hòa nhập vào Đại Việt (thế kỷ XVII), trung tâm hành chính đóng ở Dinh
Bình Khang, cho đến Triều Nguyễn (thế kỷ XIX) mới dời vào Diên Khánh. Dinh quan trấn
thủ đóng trong vùng Ninh Hòa hiện nay. Vì con Sông Cái chảy qua trước Dinh nên người dân
địa phương mới gọi là Sông Dinh.

3 : Bờ biển Khánh Hòa có đặc điểm như thế nào? Khánh Hòa có những vịnh, đầm nào?
Vịnh nào được công nhận là một trong 29 vịnh đẹp nhất thế giới ?

Bờ biển Khánh Hòa dài khoảng 385km. Bờ biển Khánh Hòa thuộc đoạn bờ biển nam
trung bộ, là đoạn bờ biển trẻ, quá trình xâm thực, mài mòn và bồi đắp tự nhiên phát triển
mạnh.
Bờ biển có nhiều dạng khác nhau: bờ biển cát, bờ biển đá, bờ biển vùng vịnh và quanh
các đảo. Dọc bờ biển có nhiều vũng, vịnh, bãi triều, bãi cát trắng, tạo điều kiện thuận lợi để
thiết lập các cảng biển, nuôi trồng thủy sản và phát triển du lịch.
Dọc theo biển từ Đại Lãnh trở vào đến Ghềnh Đá Bạc, Khánh Hòa có 3 vịnh và 1 đầm
lớn. Đó là Vịnh Vân Phong, Vịnh Nha Trang (Cù Huân ), vịnh Cam Ranh và Đầm Nha Phu.
Mỗi vịnh mỗi vẻ khác nhau nhưng vịnh nào cũng đẹp, cũng ẩn chứa tiềm năng về nhiều mặt.
Trong đó có vịnh Cam Ranh với diện tích gần 200km 2 , có núi ngăn cách, được coi là 1 trong 3
hải cảng thiên nhiên tốt nhất thế giới.
Vịnh được công nhận là một trong 29 vịnh đẹp nhất thế giới là vịnh Nha Trang. Đồng
thời Bộ văn hóa và thông tin cũng đưa Vịnh Nha Trang vào danh mục danh thắng cấp quốc
gia vào ngày 23.5.2005.

4 :Anh (chị ) hãy cho biết Vịnh Cam Ranh có đặc điểm như thế nào?

Nằm ở phía Nam tỉnh Khánh Hòa, thuộc địa phận thị xã Cam Ranh, đã từ lâu Vịnh
Cam Ranh được coi là một trong ba cảng biển có điều kiện tự nhiên tốt nhất thế giới, do có đủ
3 yếu tố cơ bản : chiều rộng, độ sâu và được che chắn tốt, lại nằm trong vùng ít bão. Vịnh
được tạo nên do một nhánh của dãy Hoàng Ngưu (núi Đồng Bò) cao hơn 927mét, chạy từ mũi
Cù Hin theo hướng Bắc –Nam vào đến Mũi Điện dài trên 30km, nhấp nhô những đồi núi cát
trắng với những đỉnh cao Cù Hin, Núi Ké, Phụng Hoàng tạo thành một bán đảo, thường gọi là
bán Đảo Cam Ranh, một nhánh của dãy núi chúa từ phía Nam chạy ra, theo Hướng Nam –
Bắc tới mũi Chà Đà thành một bán đảo, thường gọi là bán đảo Mũi Hời tạo thành cửa trong
vịnh Cam Ranh rộng khoảng 1km. Giữa hai bán đảo như hai dãy trường thành thiên nhiên che
chắn sóng gió đại dương. Đảo Bình Ba gồm 2 hòn núi nối liền nhau, Hòn Gò và Hòn Dự nằm
án ngự giữa biển phía nam bán đảo Cam Ranh, tạo thành cửa ngoài của vịnh, cho nên Vịnh
Cam Ranh có 2 cửa: Cửa lớn ở phía nam, rộng khoảng 3,5km và Cửa nhỏ ở phía bắc, rộng
khoảng 250m. Vịnh có chiều ngang khoảng 6km, chiều dài khoảng 20km 2 , lòng vịnh sâu từ
12 -25 mét, diện tích mặt nước cho tàu đậu khoảng 100km 2 , có sức chứa hàng trăm chiếc tàu
cùng lúc, tàu trọng tải 100.000 tấn ra vào vịnh dễ dàng.

5: Anh (chị ) biết gì về khu bảo tồn biển ? Khu bảo tồn biển đầu tiên của Việt Nam được
lập ở đâu, có tên gọi là gì ?

Khu bảo tồn biển là vùng biển mà đa dạng sinh học cùng các nguồn tài nguyên thiên
nhiên và các đặc điểm lịch sử, văn hóa đi kèm được quản lý, duy trì và bảo vệ theo qui định
của pháp luật. Đây là vùng biển được thành lập nhằm quản lý, bảo vệ tài nguyên thiên nhiên
và cho những mục đích khác không gây tác động xấu đến môi trường.
Khu bảo tồn biển đầu tiên của Việt Nam được lập tại tỉnh Khánh Hòa. Đó là khu bảo
tồn biển Hòn Mun. Ranh giới tạm thời của khu bảo tồn biển Hòn Mun là vùng biển trong đó
có các đảo Hòn Tre, Hòn Miễu, Hòn Tằm, Hòn Một, Hòn Mun, Hòn Cau (Hòn Hố ), Hòn
Vung (Hòn Đụn) và Hòn Nọc. Tổng diện tích khu bảo tồn biển Hòn Mun là 160km 2 , trong đó
diện tích các đảo là 38km 2 và vùng nước quanh các đảo là 122km 2 .

6: Hãy trình bày nghệ thuật kiến trúc của Tháp Bà – Nha Trang.

Khu di tích tháp bà Ponagar là một trong những di tích lịch sử và văn hóa đã được nhà
nước xếp hạng, là di tích kiến trúc nghệ thuật cấp quốc gia từ năm 1979. Khu di tích gồm có
một quần thể tháp được xây dựng và tu bổ qua nhiều thời kỳ.Từ thế kỷ VII đến thế kỷ XII trên
khu vực núi cù lao, nằm sát tả ngạn sông cái nha trang, kề bên quốc lộ 1A, thuộc địa phận
phường Vĩnh Phước, thành phố Nha Trang.
Từ dưới chân núi ngay sát quốc lộ, theo những bậc đá dẫn lên cao dần, khách sẽ gặp
một khu đất bằng phẳng khoảng 200mét vuông, có 10 trụ gạch lớn cao trên 5 mét xếp thành 4
hàng trên nền gạch rộng. Tiếp tục theo các bậc đá lên cao mãi đến đỉnh núi là một nền đất
phẳng rộng khoảng 500m vuông. Quần thể kiến trúc ở đây hiện còn 4 ngôi tháp. Hai ngôi tháp
lớn, một là tháp đông nam cao 18mét, hai là tháp đông bắc cao 22,48 mét, đây là hai công
trình đáng lưu ý nhất. Các tháp đều được xây dựng bằng gạch nung nhiều cỡ và nhiều loại, kết
thành hình tứ giác với chất kết dính đặc biệt. Tháp lớn ( tháp đông bắc) được xây thành 4
tầng, mỗi tầng đều có cửa giả, tượng thần và hình thú bằng đá. Ở 4 góc có 4 tháp nhỏ như một
quần thể kiến trúc riêng, tạo những nét hết sức độc đáo.
Nhìn chung công trình đã qua hơn 1000 năm, tuy không còn nguyên vẹn như xưa
nhưng vẫn giữ được cốt cách ban đầu của nó, một nền văn minh phát triển, một nét thẩm mỹ
đặc sắc về kiến trúc, điêu khắc của dân tộc Chăm, anh em trong đại gia đình các dân tộc Việt
Nam.

7: Lăng Bà Vú nằm ở đâu, được xây dựng vào thời gian nào và có nghệ thuật kiến trúc
như thế nào?

Lăng Bà Vú được xây dựng trên một gò đất cao, giữa một cánh đông thuộc thôn 3, thị
Trấn Ninh Hòa, Huyện Diên Khánh. Theo truyền thuyết của nhân dân trong vùng và một số
sử sách đều cho rằng, lăng mộ này là của một người phụ nữ đã giúp Nguyễn Anh thoát khỏi
sự truy tìm của quân Tây Sơn khi hai bên đánh nhau. Để tỏ lòng biết ơn người phụ nữ đã cứu
giúp mình lúc hoạn nạn, sau khi lên ngôi vua, Nguyễn Ánh cho xây dựng một ngôi lăng mộ.
Lăng được xây trong 2 năm, đến năm 1804 thì hoàn thành.
Đây là một công trình lăng mộ được xây dựng vào đầu triều Nguyễn hiện còn lại duy
nhất và khá nguyên vẹn ở Khánh Hòa. Công trình được xây dựng bởi những người thợ tài giỏi
trong nước vào đầu thế kỷ 19, chứa đựng nhiều yếu tố nghệ thuật tiêu biểu về giai đoạn này.
Tổng thể lăng được xây dựng theo hình chữ quốc, mặt xoay về hướng Đông-Nam, ngoài kiến
trúc của lăng còn có cái sân gạch khá rộng dùng khi làm lễ, tiếp đó là một hồ sen hình chữ
nhật. Lăng chính được xây cao hơn các công trình xung quanh, lăng có 3 lớp thành ngoài,
được xây bằng vôi, cát gạch. Thành ngoài dài 20 mét, rộng 14 mét, cao 1,5mét tạo thành một
khuôn viên bao bọc cho toàn bộ khu lăng. Đi vào bên trong lăng có một cửa nhỏ, hai bên có
hai con sư tử. Trên mặt tường trong của thành ngoài, có hình đắp nổi các sự tích liên quan đến
đạo Nho, Lão rất tiêu biểu như Trúc Lâm Thất Hiền, Ngư tiểu canh mục, Bát Tiên, Chiêu
Quân Cống Hồ…có tính nhân văn cao. Vào tiếp trung tâm, có một án phong cao 2 mét, bệ án
cao 0,8mét, dài 2,30mét dùng để che ngắn ngôi mộ. Khu thành nội bao bọc ngôi mộ được
trang trí với nhiều kiểu hoa văn khác nhau, có gía trị cao về mặt kiến trúc, nghệ thuật điêu
khắc. Lăng bà Vú được xếp hạng di tích kiến trúc nghệ thuật vào ngày 12 tháng 2 năm 1999.

8: Thành cổ Diên Khánh có từ khi nào? Cấu trúc của thành được xây dựng ra sao?

Thành cổ Diên Khánh là một trong những di tích lịch sử, văn hóa đã được nhà nước
xếp hạng nằm cách Nha Trang hơn mười cây số về phía Tây, bên phải quốc lộ 1.

Năm 1793, sau khi vua Quang Trung mất, nhà Tây Sơn suy yếu dần, Nguyễn Anh
cùng Võ Tánh và Nguyễn Văn Trương đem quân tiến đánh Diên Khánh. Sau khi đẩy lùi được
nghĩa quân Tây Sơn, thấy nơi đây là một địa bàn chiến lược quan trọng lâu dài, Nguyễn Anh
quyết định xây dựng Diên Khánh thành căn cứ chiến lược với vai trò là một bàn đạp vững
chắc, một vành đai phòng ngự kiên cố từ xa để tiếp tục chiếm ra phía bắc. Thành Diên Khánh
chính thức ra đời từ đó.
Thành Diên Khánh là một quần thể kiến trúc quân sự theo kiểu Vauban, một hình mẫu
thành quách thời trung cổ phổ biến vào thế kỷ XVII, XVIII ở Tây Au.Thành có diện tích
khoảng 36.000mét vuông. Tường thành hình lục giác 6 cạnh không đều nhau, dài 2.693mét
đắp bằng đất. Trên mỗi cạnh, tường thành lại chia ra nhiều đoạn nhỏ, uốn lượn nên các góc
thành không nhô hẳn ra mà vẫn đảm bảo quan sát được hai bên. Tường thành cao khoảng 3
mét 50. Mặt ngoài tường thành gần như dựng đứng. Mặt trong có độ thoải và được đắp thành
hai bậc, tạo đường vận chuyển thuận lợi ven thành. Các góc thành phía trong có bãi đất rộng
làm nơi trú quân. Trên tường thành được trồng tre gai ken dày và các loại cây có gai khác vừa
giữ độ bền của tường thành vừa tăng chướng ngại cho đối phương. Bên ngoài thành có hào
nước sâu từ 3 đến 5 mét bao quanh. Bề ngoài của thành cũng là đường để tuần tra, vận chuyển
gọi là đường quan phòng.
Khi xây dựng xong, Thành Diên Khánh có 6 cửa, 6 cạnh tường thành, nay chỉ còn lại
4 cửa: Đông, Tây, tiền (Nam ), Hậu (Bắc). Năm 1823 cửa Tả và cửa Hữu đã bị lấp, tới nay
không còn dấu vết gì.
Cổng thành là một công trình kiến trúc khối vuông vững chãi, xây bằng gạch nung cỡ
4,5cm x 1,38cm gồm 2 tầng. Nhìn tổng thể cổng thành mang dáng vẻ kiến trúc Á đông thời
ấy, nay chỉ có 2 cổng Đông và Tây còn gần như nguyên vẹn. Theo các tư liệu cũ, bên trong
thành có nhiều kiến trúc độc đáo như Hoàng cung, cột cờ, dinh tuần vũ, dinh án sát, nhà kho.
Sau khi xây xong thành Diên Khánh do Hoàng Tử Cảnh và Bá Đa Lộc chỉ huy trấn giữ.
Thành Diên Khánh đã từng là tổng hành dinh của Nghĩa quân Cần vương Khánh Hòa
chống thực dân pháp xâm lược trong những năm 1885 -1886.

9: Hãy giới thiệu về Văn Miếu Diên Khánh

Văn Miếu Diên Khánh còn có tên gọi là Văn Thánh. Văn Miếu là nơi để thờ Đức
Khổng Tử, vốn được mệnh danh là Vạn Thế Sư Biểu. Đây là một truyền thuyết tốt đẹp của
dân tộc ta, nhằm ghi nhận công lao to lớn của những người có tài học hành, đỗ đạt và giúp ích
cho đời. Di tích Văn Miếu Diên Khánh ngày nay thuộc Thôn Phú Lộc, thị Trấn Diên Khánh,
Huyện Diên Khánh.
Theo Đại Nam Thống Nhất Chí : Năm Gia Long thứ hai (1803 ), vua có chỉ dụ lập
Văn Miếu ở xã Phú Lộc, huyện Hoa Châu, thuộc Trấn Bình Hòa. Nhưng cho đến nay, ta
không còn biết được qui mô và kiến trúc thuở ban đầu, được khởi công và hòan thành vào
thời gian cụ thể nào? Hiện nay, dựa vào bản văn khắc trên bia đá hiện còn cho biết Văn Miếu
được tạo lập vào năm Tự Đức thứ 11, tức năm 1858. Qua những ghi chép còn lại nơi đây, cho
biết cụ thể danh sách 7 vị cử nhân, 17 vị tú tài và 24 học sinh là người Khánh Hòa đã qua học
tập và đỗ đạt. Văn Miếu Diên Khánh được xếp hạng di tích văn hóa cấp quốc gia vào ngày 15
tháng 10 năm 1998.

10: Phủ Đường Ninh Hòa gắn liền với những sự kiện lịch sử gì ?

Di tích Phủ Đường Ninh Hòa nằm trong một khu đất rộng khoảng 2 ha, thuộc thôn 1,
thị trấn Ninh Hòa, huyện Ninh Hòa. Hiện nay là trụ sở của UBND huyện Ninh Hòa, tỉnh
Khánh Hòa.

Phủ đường Ninh Hòa lỵ sở của huyện Tân Định trong hơn 100 năm trước đây, sau đó
trở thành phủ đường của phủ Ninh Hòa từ năm 1931 đến năm 1945, khi nhân dân ta tiến hành
tổng khởi nghĩa dành thắng lợi trong cách mạng tháng 8 năm 1945. Di tích phủ đường Ninh
Hòa gắn liền với những sự kiện lịch sử quan trọng và có tính chất tiêu biểu nhất của phong
trào đấu tranh cách mạng của Đảng bộ và nhân dân huyện Ninh Hòa nói riêng và Khánh Hòa
nói chung. Nơi đây đã chứng kiến những thắng lợi quan trọng của nhân dân huyện Tân Định
(huyện Ninh Hòa ngày nay) trong cuộc biểu tình ngày 16.7.1930. Sau khi thành lập, Đảng bộ
Đảng Cộng Sản Việt Nam tỉnh Khánh Hòa đã nghiêm túc thực hiện chỉ thị của Trung ương
Đảng phát động nhân dân tổ chức một cuộc biểu tình với qui mô và hình thức khá lớn, nhằm
ủng hộ phong trào đấu tranh của nhân dân hai tỉnh Nghệ An và Hà Tỉnh. Thắng lợi của cuộc
biểu tình có tiếng vang rất lớn trong tỉnh và các tỉnh lân cận. Sự kiện này đã chứng minh sự
lớn mạnh của phong trào yêu nước ở Khánh Hòa về vai trò và uy tín to lớn của Đảng bộ tỉnh
Khánh Hòa ngay sau khi mới thành lập. Nơi đây cũng đã từng chứng kiến những thắng lợi to
lớn của Đảng bộ và nhân dân huyện Ninh Hòa trong cuộc tổng khởi nghĩa cách mạng tháng 8
năm 1945, giành chính quyền về tay nhân dân; chứng kiến thắng lợi vĩ đại của nhân dân ta
trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước vào mùa xuân năm 1975.
Sau chiến thắng lịch sử mùa xuân năm 1975, cùng với nhân dân cả nước, nhân dân
huyện Ninh Hòa bắt tay vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ tổ quốc xã hội chủ nghĩa. Khu vực
của phủ đường Ninh Hòa trước đây, nay trở thành trụ sở của Ủy ban nhân dân huyện Ninh
Hòa.

11: Bạn biết gì về di tích liên quan đến bác sĩ Yersin?

Đối với người Việt Nam nói chung, người dân Nha Trang Khánh Hòa nói riêng, tên
tuổi nhà bác học Yersin từ lâu đã trở nên quen thuộc và luôn được nhắc tới, với một niềm trân
trọng, kính yêu vô hạn.
Căn cứ vào cống hiến của ông cho nhân loại cũng như giá trị và ý nghĩa của những di
tích lưu niệm về Yersin ở Khánh Hòa, nhà nước ta đã có quyết định số 993 –QĐ ngày 28 -9 -
1990 của bộ VHTT –TT-DL công nhận di tích lịch sử lưu niệm nhà bác học Alexandre Yersin
bao gồm : Phòng lưu niệm tại Viện Pasteur Nha Trang, Chùa Linh Sơn xã Suối Cát và mộ
Yersin tại Suối Dầu – Diên Khánh .
Phòng di tích lưu niệm và thư viện của Yersin tại viện Pasteur Nha Trang nằm trên
đường Trần Phú, thành phố Nha Trang, hiện còn giữ được nhiều tài liệu và hiện vật gắn liền
với cuộc đời và họat động khoa học của Yersin cũng như tình cảm của những người dân ở đây
đối với ông.
Chùa Linh Sơn thuộc xã Suối Cát là nơi Yersin đã nghỉ và làm việc trong thời gian
ông làm việc tại trại chăn nuôi – thực nghiệm ở Suối Dầu, sau khi ông qua đời, nhân dân ở
đây đã lưu giữ căn nhà và sửa thành ngôi chùa để ghi nhớ công đức của ông.
Mộ Yersin nằm trên một ngọn đồi nhỏ cách đó không xa, nằm trong trại chăn nuôi –
thực nghiệm Suối Dầu, có miếu thờ, có những hàng cây xanh bao bọc, và luôn có hương hoa
của khách thập phương đến viếng thăm.
Ngày nay đến thăm Nha Trang, ai cũng muốn đến thăm các di tích gắn liền với 50
năm họat động khoa học của A.Yersin ở Nha Trang.

12: Hãy nêu những thành tựu khoa học của Yersin trong thời gian ông sống tại Khánh

Hòa?

Yersin sinh ngày 22/9/1863 tại thụy sĩ. Thân phụ ông là người Thụy Sĩ, thân mẫu là
người Thụy Sĩ gốc pháp, làm việc ở viện Pasteur Paris, và là học trò xuất sắc của Pasteur.

Năm 1891 ông rời Paris, làm thầy thuốc trên tàu biển của hãng Companic Messageries
Maritimes của Pháp và sau đó đến Nha Trang, sống và làm việc ở đây cho đến trọn đời.Ông
đã hoàn thành 55 công trình nghiên cứu, phần lớn về y học, trong đó có 50 công trình thực
hiện tại Nha Trang. Ông là người sáng lập ra viện Pasteur Nha Trang (1895 ) là tổng giám đốc
Viện Pasteur Đà Lạt (1936), Viện vi trùng học Huế. Ông cũng là người lập ra Trường Đại
Học Y Khoa Hà Nội, là người thám hiểm và phát hiện ra cao nguyên Langbiang, Đà Lạt, là
người trồng và thuần hóa cây cao su, cây Canhkina (quinquina) đầu tiên ở Việt Nam. Ông
phát hiện cho nhân loại vi trùng dịch hạch được mang tên khoa học là Yersinia Pestis, và tìm,
điều chế Vacxin và Sesrum chữa các bệnh dịch hạch, bạch cầu, dịch tả, uốn ván, sốt rét…

13: Bạn hãy giới thiệu về việc Hải Dương Học Nha Trang?

Viện Hải Dương học được thành lập năm 1923 là một trong những cơ sở nghiên cứu
khoa học được ra đời sớm nhất ở Việt Nam. Viện nằm trên một vùng đất dưới cạnh chân núi
Cảnh Long, kề ngay cảng Cầu Đá, cách trung tâm thành phố Nha Trang khoảng 6km, về
hướng Đông –Nam. Đây là một vị trí tối ưu để xây dựng một viện nghiên cứu biển nhiệt đới,
bởi vùng biển Nha Trang thuộc loại sâu nhất, rất gần với đại dương, lại là nơi gặp gỡ của hai
dòng hải lưu nóng và lạnh ngoài khơi, nơi hội tụ phong phú đa dạng các quần thể sinh vật
biển vùng Đông Nam Á, ít có nơi nào sánh bằng. Với hơn 70 năm họat động, dẫu qua nhiều
biến đổi lịch sử, tên gọi ban đầu là Viện Hải Dương Học. Viện Hải Dương Học đã có nhiều
đóng góp đáng kể cho nền khoa học biển của Việt Nam và khu vực, đặc biệt trong thời kỳ
phát triển mới hiện nay. Tại Viện Hải Dương Học hiện nay có bảo tàng sinh vật biển với trên
20.000 mẫu vật của hơn 4.000 loài sinh vật biển và nước ngọt đã được nuôi thả trong các bể
kính. Nơi đây còn có bộ xương cá voi khổng lồ dài tơí gần 26mét, cao 3 mét với 48 đốt xương
sống được phục chế đầy đủ, phục vụ cho việc nghiên cứu khoa học và khách tham quan.

14 : Bạn hãy giới thiệu về thắng cảnh Chùa Long Sơn –một trong những thắng cảnh nổi
tiếng của thành phố Nha Trang?

Số 22 đường 23/10 là ngôi chùa có quy mô lớn nhất số hơn 20 ngôi chùa ở Nha Trang,
Chùa nằm ngay trong nội thành Nha Trang, dưới chân đồi Trại Thủy, ngọn đồi này còn có 4
ngôi chùa khác là chùa Hải Đức, chùa Đông Điền ở phía tây; chùa Bửu Phong (Linh Phong )ở
phía nam; chùa Sư Nữ ở phía Đông. Đây là một trong những thắng cảnh nổi tiếng của thành
phố Nha Trang. Chùa bằng tranh tre được khai sơn vào cuối thế kỷ XIX, sau đó được nhóm
trí thức cao cấp ở Nha Trang đóng góp tiền của xây dựng bằng gạch ngói vào năm 1940. Đến
năm 1974 chùa được đại trùng tu với liệu xi măng cốt thép, song nghệ thuật kiến trúc, điêu
khắc vẫn giữ được dáng vẻ Việt Nam thanh thoát, nhẹ nhàng, tĩnh mịch, huyền bí nơi cửa
Phật. Trên đỉnh núi là tượng kim thân Phật tổ cao 24 mét, xây dựng năm 1964 -1965. Du
khách có thể đứng trên đỉnh núi ngắm bao quát toàn cảnh Nha Trang.

15 : Bạn hãy giới thiệu nhà thờ Chánh Tòa Nha Trang

Nhà thờ Chánh Tòa Nha Trang khởi công xây dựng vào ngày 3 tháng 9 năm 1928,
linh mục Louis Vallet đã cho nổ 500 quả mìn để san bằng đỉnh núi tạo một diện tích 4,500mét
vuông cho công trình (Bởi vậy dân gian quen gọi là nhà thờ Núi ). Đến tháng 3 năm 1934,
những tấm kính màu xanh đỏ được lắp vào các cửa vòm nơi cung thánh và giáo đường, kết
thúc hơn mười hạng mục công trình xây dựng. Ba quả chuông (do hãng danh tiếng Bourdons
Carillans thành lập năm 1786 chế tạo ) được một giáo dân mua về cung tiến. Qủa chuông lớn
được làm phép vào tháng 7 năm 1934, hai quả vừa và nhỏ được làm phép vào tháng 10 năm
1939. Đồng hồ lớn trên tháp chuông khánh thành tháng 12 năm 1935.

Nhà thờ được xây dựng bằng bêtông cốt thép, tường xây bằng gạch Tableau xi măng
mác cao. Nhìn tổng thể công trình có bố cục chắc, khỏe bằng những khối lập thể nhỏ dần, từ
trên cao xuống thấp. Điểm cao nhất là nơi đặt thánh giá trên đỉnh tháp chuông cao 38 mét tính
từ mặt đường. Tuy đã xây dựng từ hơn 75 năm qua nhưng qui mô bề thế và kiểu kiến trúc độc
đáo vẫn còn nguyên giá trị.

16: Hiện nay, tỉnh Khánh Hòa có bao nhiêu di tích danh thắng được xếp hạng cấp quốc
gia, đó là những di tích danh thắng nào?

Hiện nay, tỉnh Khánh Hòa đã có 13 di tích lịch sử danh thắng được xếp hạng cấp quốc
gia. Đó là những di tích danh thắng sau:
1.Khu di tích Tháp Bà (Nha Trang ) được xếp hạng vào ngày 29.4.1979
2. Khu di tích Yersin được xếp hạng vào ngày 28.9.1990
3. Miếu thờ Trịnh Phong được xếp hạng vào ngày 30.8.1991
4. Miếu thờ Trần Quí Cáp được xếp hạng vào ngày 30.8.1991
5. Văn Miếu Diên Khánh được xếp hạng vào ngày 15.10.1998
6. Đình Phú Cang (Vạn Ninh ) được xếp hạng vào ngày 15.10.1998
7. Hòn Chồng ( Nha Trang ) được xếp hạngvào ngày 15.10.1998
8. Thành Cổ Diên Khánh được xếp hạng vào ngày 16.10.1998
9. Lăng Bà Vú (Ninh Hòa ) được xếp hạng vào ngày 12.2.1999
10. Am Chúa (Diên Khánh ) được xếp hạng vào ngày 12.2.1999
11. Phủ Đường Ninh Hòa được xếp hạng vào ngày 21.8.2000
12. Vịnh Nha Trang được xếp hạng vào ngày 23.5.2005
13.Mũi Đôi Hòn Đầu (Vạn Thạnh –Vạn Ninh ) được xếp hạng vào ngày 23.5.2005

17: Đàn đá Khánh Sơn được tìm thấy từ khi nào? Bộ đàn đá có bao nhiêu thanh, được
xếp vào loại nhạc cụ gì ? Cùng với việc phát hiện ra Đàn đá, các nhà nghiên cứu còn phát
hiện được điều gì ?

Khánh Sơn là một huyện miền núi của Khánh Hòa, vùng đất có nhiều câu chuyện cổ
tích và huyền thoại phong phú. Đáng chú ý là truyền thuyết về tảng đá kêu, có liên quan đến
nguồn gốc dân tộc Rắc-Lây và sự ra đời của đàn đá.
Đàn đá Khánh Sơn là một trong những loại nhạc cụ thuộc loại cổ sơ của loài người.
Bộ đàn đá đầu tiên được tìm thấy ở Việt Nam từ tháng 2 năm 1949 ở Tây Nguyên do một
người Pháp, nhà dân tộc học G.Condominas phát hiện và đã đem về Pháp, hiện để tại Viện
Bảo Tàng Con Người ở Paris.
Bộ đàn Đá Khánh Sơn được công bố lần đầu vào năm 1979, gồm 12 thanh đá được
đẻo gọt với độ lớn, nhỏ, dài, ngắn khác nhau, tạo nên những âm thanh khác nhau do công Bo
Bo Ren, người dân tộc Raglai ở Khánh Sơn đào được và cất giấu trong hang đá hàng chục
năm, sau đó đem dâng hiến cho nhà nước. Ông Bo Bo Ren tự xếp 12 thanh đá này làm 2 bộ,
mỗi bộ gồm 6 thanh bộ A có thanh nặng nhất là 9kilôgam, thanh nhẹ nhát là 5kilôgam. Bộ B
thanh nặng nhất 28, 100kilôgam, thanh nhẹ nhất 10,5kilôgam. Tổng trọng lượng của bộ A
50,5 kilôgam và tổng trọng lượng của bộ B lên tới 110, 8kilôgam. Về niên đại, qua bước đầu
nghiên cứu về dân tộc học, địa chất, khảo cổ học, dự toán bộ đàn này đã được chế tác ít nhất
cũng cách nay khoảng từ 2.000 đến 2.500 năm.
Các nhà nghiên cứu về âm nhạc, nhạc khí đã xếp đàn đá Khánh Sơn vào loại nhạc cụ
“roi”, tức là loại nhạc cụ tự rung như cồng, chiêng, đàn tơ –rưng… và bộ đàn kết thành một

nhạc khí tổng hợp nhiều “ roi” theo một thang âm cố định, rất phù hợp với bộ đàn đá Ndút
Liêng Krak đang cất giữ ở Paris, đã được phát hiện từ năm 1949 ở Đắclắc.
Cùng với việc phát hiện ra bộ đàn đá này , các nhà nghiên cứu, sau khi khai quật và
khảo sát tại đỉnh núi Dốc Gạo, thuộc địa phận thị trấn Tô Hạp còn tìm ra nhiều dấu tích chứng
tỏ người xưa đã chế tác đàn đá tại đây, với nhiều khối đá và mảnh vụn thuộc loại đá để chế tác
đàn đá chế tác đàn đá Khánh Sơn. Sau bộ đàn đá của ông BoBo Ren, những năm sau này,
nhiều nơi ở Tây nguyên và ngay tại Khánh Sơn các nhà nghiên cứu văn hóa còn tiếp tục tìm
được nhiều bộ đàn đá khác.

18 : Những sản vật và cảnh đẹp nổi tiếng nào của tỉnh Khánh Hoà được khắc trên cửu
đỉnh của triều đình nhà Nguyễn ?

Từ cuối năm 1835 đến đầu năm 1837, triều đình nhà Nguyễn cho đúc 9 cái đỉnh đặt
giữa trước sân Thế Miếu trong Hoàng Thành. Đó là Cao đỉnh (đặt ở vị trí chính giữa) rồi tiếp
đến hai bên trái, phải là Nhân đỉnh, Chương đỉnh, Anh đỉnh, Nghị đỉnh, Thuần đỉnh, Tuyên
đỉnh, Dụ đỉnh, Huyền đỉnh. Tên đỉnh cũng chính là tên Thụy của các vua nối tiếp nhau, sau
khi mất được được đưa vào thờ tại Thế Miếu. Những sản vật, cảnh đẹp nổi tiếng của Khánh
Hòa mà được khắc trên cửu đỉnh đó là Trầm Hương được khắc trên Cao đỉnh, kỳ nam được
khắc trên Nhân đỉnh (được ghi chú : cây ở vùng rừng núi Khánh Hòa, ruột lõi rất thơm) sản
vật Tô Hạp của huyện Khánh Sơn (được ghi chú : dầu Tô Hạp ở tỉnh Khánh Hòa dùng để
chữa bệnh viêm phổi và chứng đờm dãi) được khắc trên Anh đỉnh; cảnh biển Đại Lãnh được
khắc trên Tuyên Đỉnh. Điều đó cho thấy, ở Khánh Hòa có nhiều sản vật tiêu biểu được ghi
nhận và lựa chọn để khắc ghi vào Cửu đỉnh, nhằm truyền lại cho muôn đời con cháu mai sau,
không chỉ để biết mà còn để tự hào.

19 : Vì sao mọi người còn gọi là Khánh Hòa là Xứ Trầm Hương ?

Khánh Hòa còn được gọi là Xứ Trầm Hương là vì ở vùng đất này có một loại lâm sản
rất quý, đó là trầm hương. Trầm hương không phải chỉ riêng ở Khánh Hòa mới có, mà ở các
núi cao, rừng rậm như Phú Yên, Bình Định…….đều có, nhưng không nhiều và không tốt
bằng Trầm Hương ở vùng rừng núi Khánh Hòa. Cho nên, xưa kia hễ nói đến Trầm Hương là
nói đến Khánh Hòa, mà nói đến Khánh Hòa là nói đến Trầm Hương.
Khánh Hòa là xứ Trầm Hương.
Non cao biển rộng người thương đi về
Trầm Hương là thứ tinh dầu được kết tinh trong cây gió, được chi là 2 loại : Kỳ Nam
và Trầm Hương. Trầm và Kỳ được phân biệt ở hình chất và Khí vị. Trầm chất cứng và nặng,
vị đắng. Kỳ nhẹ và mềm, vị lại đủ chua cay ngọt đắng. Trầm có mùi ngát, kỳ có mùi thanh.
Khói của trầm bay vòng quanh rồi tan ra, khói của kỳ bay thẳng và cao vút. Trầm kỳ là một
loại dược liệu rất quý, có giá trị cao trong nghành bào chế dược phẩm chữa bệnh.

20 : Vì sao vùng đất Nha Trang được ví là nơi “Tứ thủy triều quy, tứ thú tụ”

Vùng đất Nha Trang được ví là “Tứ thủy triều quy, tứ thú tụ” nơi ví mặt của vùng đất Nha Trang có nước bao quanh. Hai phía Nam và Bắc của con sông Nha Trang, phía chảy vào cửa Bé, phía chảy xuống cửa lớn, ôm choàng lấy vùng đất Nha Trang và phía đông là Biển Đông.
Tứ thú tụ là mượn 4 hòn núi tượng hình 4 con thú trong thành phố tụ tập lại.

Núi Cảnh Long ở Chụt là con rồng. Núi chạy dài từ cả Bé ra Cầu Đá dọc theo mé biển
và đến Cầu đá núi lại chạy thẳng ra biển, nên gọi là “Thanh long hí thủy” nghĩa là “Rồng xanh
giỡn nước”.
Hòn Sinh Trung là ở Hà Ra là con voi. Núi đứng cạnh đầm Xương Huân (xưa kia là
vũng đầm, năm 1969 đã được san lấp để xây chợ Đầm tròn) nên gọi là “Bạch tượng quyện
hồ” nghĩa là “Voi trắng cuốn hồ”
Hòn Trại Thủy là con dơi . Trước núi, tại phần “đầu con dơi” có một bầu nước hình
tròn như mặt trăng, nên gọi là “Ngọc Bức Hàm Hoàn”, nghĩa là “Dơi Ngọc ngậm vòng”
Hòn Hoa Sơn còn gọi là Núi Một (Khu ngã sáu đường Phước Hải xưa kia, nay là đoạn
đầu đường Nguyễn Trãi) là con rùa. Trên núi có ngọn cổ tháp nên gọi là “Kim quy đới tháp”
nghĩa là “Rùa vàng đội tháp”.

21:Vì sao người ta lại ví yến sào là một loại “ vàng trắng” của Khánh Hòa?

Yến Sào là sản phẩm quý hiếm của nước ta và trên thế giới, yến sào là món ăn ngon,
bổ dưỡng làm tăng thêm sức khỏe cho cơ thể nhất là những người yếu và người cao tuổi đồng
thời còn là một dược phẩm dùng để chữa trị nhiều loại bệnh nan y. Yến Sào đều có ở các
vùng biển, đảo của Việt Nam nhưng so với cả nước, Yến sào của Khánh Hòa có chất lượng
tốt hơn và sản lượng thu hoạch hằng năm cao hơn nhiều so với các tỉnh. Hiện nay ở Khánh
Hòa sản lượng yến sào khai thác được trung bình hằng năm vào khoảng 3 tấn. Phần lớn,
lượng yến sào này đều được xuất khẩu sang các nước Đông Nam Á và Châu Au. Hàng năm
yến sào là một trong những nguồn thu ngoại tệ mạnh của tỉnh. Vì thế, người ta thường ví yến
sào là “ Vàng trắng” của Khánh Hòa.

22: Bạn hãy giới thiệu thắng cảnh Hòn Chồng và truyền thuyết Hòn Chồng?

Hòn Chồng thuộc Phường Vĩnh Thọ, Thành Phố Nha Trang. Đây là một di tích được
hình thành do sự kiến tạo của tự nhiên, chúng được tạo ra bởi quần thể những khối đá tự nhiên
lớn nhỏ xếp chồng lên nhau nhiều tầng, nhiều lớp. Phía biển là những bãi tắm tự nhiên rất đẹp
và kín gió.
Nhóm đá phía Bắc nửa chìm nửa nổi là Hòn Chồng, nhóm đá nhỏ và thấp hơn ở phía
Đông là Hòn Vợ, thắng cảnh Hòn Chồng –Hòn Vợ gắn liền với truyền thuyết dân gian “Có
một đôi vợ chồng ngư dân rất nghèo. Vào một ngày sóng to gío lớn đã làm thuyền họ trôi dạt
vào đây. Sóng xô thuyền vào vách đá vỡ tan tành. Sóng cuốn người vợ ra xa. Người chồng
không để mất vợ, một tay ôm chặt người vợ, một tay bắm chặt vào vách đá, nhưng sóng ào ạt,
dữ dội đã nhấn chìm hai vợ chồng, và họ đã chết bên nhau”. Ngày nay vẫn còn dấu bàn tay
năm ngón của người chồng in hằn trên vách đá như muốn nói cho đời sau hiểu về mối tình
thủy chung của họ.
Còn một truyền thuyết khác liên quan giữa hai thắng cảnh Hòn Chồng và Suối Tiên
được Quách Tuấn ghi trong Xứ Trầm Hương : “ Trong thời kỳ chư tiên còn đến chơi Suối
Tiên, một hôm ông Khổng Lồ ở Bình Định đi vào nam, nghe danh Suối Tiên liền tìm đến.
Quang cảnh đẹp mắt làm cho ông đãng trí không điều khiển được bước chân. Ông bước lên
hòn đá rong rêu, lơ đễnh bị trượt chân. Ông giật mình một chân bám vào đá, một tay nám vào
vách để cho khỏi ngã. Ông chống mạnh quá đến nỗi bàn tay ông lún vào đá và một khoảnh
vách vỡ văng tận mé biển cù lao hóa thành Hòn Chồng Đực và Hòn Chồng Cái (Hòn Chồng
Và Hòn Vợ ). Chân ông cũng bấm mạnh quá nên dấu còn để nơi suối tiên….dấu si tình của
ông khổng lồ một nửa là bàn chân để nơi Suối Tiên, một nửa là bàn tay nơi Hòn Chồng.
Thắng cảnh Hòn Chồng được Bộ Văn Hóa – Thông Tin xếp hạng là danh thắng cấp
quốc gia năm 1999.

23:Bạn hãy mô tả sơ lược về vịnh Vân Phong, tiềm năng du lịch của vịnh, hiện nay
trong khu vực vịnh Vân Phong có các khu du lịch nào?

Vịnh Vân Phong nằm ở phía Bắc Tỉnh Khánh Hòa, rộng nhưng rất kín. Được hình
thành bởi phía Bắc là bán đảo hòn gốm dài gần 30 km, chạy từ đèo Cổ Mã theo hướng Đông
Nam, phía Nam là Bán đảo Phước Hà dài trên 20 km cùng chạy theo hướng đông nam, trong
vịnh có Vũng Trâu Nằm, vùng Gội, vùng Cổ Cò, Vùng Nai, . vịnh có hai cửa biển là cửa
Lớn và cửa Bé. Trong bán đảo hòn gốm có Hòn Cỏ Ông, chân của hòn núi này có mỏm Mũi
Dôi Hòn Đầu nhô ra biển và là điểm cực đông trên đất liền của nước ta. Địa điểm này đã được
bộ Văn Hóa và Thông Tin xếp hạng di tích quốc gia vào ngày 23.5.2005
Vùng vịnh Vân Phong cùng với bãi biển Đại Lãnh, vùng núi Sơn Tập- Trại Thơm, bãi
biển Dốc Lếch là nơi có tiềm năng tổng hợp du lịch biển- rừng- núi lớn nhất tỉnh Khánh Hòa
và cả nước, do nơi có sự kết hợp hài hòa giữa trời mây, sóng nước, đảo rừng núi với những
bãi cát trắng phau và là nơi có mực độ ô nhiễm môi trường còn rất thấp.
Hiện nay vùng này có các khu du lịch Đại Lãnh, Dốc Lếch, Đầm Môn, Hòn Ông, Con
đường du lịch Đầm Môn được mở rộng trải bê tông nhựa đã thông tuyến và sẽ là cơ sở cho
các hoạt động du lịch phát triển nhanh chóng.

24: Bạn biết gì về Hòn Bà ( thuộc địa phận Suối cát. Huyện Diên khánh, Tỉnh
Khánh Hòa)

Hòn Bà là ngọn núi chính trong dãy núi Bích Sơn, Hòn Bà thuộc địa phận xã Suối Cát,
huyện Diên Khánh. Hòn Bà cách Thành Phố Nha Trang khoảng 60km, cách Suối Cát khoảng
30 km. Hòn Bà có độ cao khoảng 1.500m, khí hậu trong lành , mát không kém Đà Lạt, phong
cảnh hùng vĩ, trữ tình, có nhiều loài phong lan đặc biệt là loài thông hai lá dẹt hiếm thấy hiện
nay.
Vì vậy, ngay từ năm 1914 Bác sĩ Yersin đã tìm lên đỉnh Hòn Bà khảo sát, đến năm
1917 một con đường nhỏ từ Suối Cát lên đến chân núi, rồi lên đỉnh Hòn Bà được hoàn thành
Bác sĩ Yersin trồng thí nghiệm cây Quinquina, nhưng sau đó do nhiều lý do công trình trồng
Quinquina trên đỉnh Hòn Bà bị bỏ dở, hiện nay vẫn còn di tích về một số công trình do Bác sĩ
Yersin xây dựng trên đỉnh Hòn Bà .
Hiện nay, con đường bê tông nhựa vừa xây dựng xong từ xã Suối Cát đến đỉnh Hòn
Bà dài 36km. Dọc đường này còn có Hồ chứa nước Suối Dầu, Suối Đá Giăng là những thắng
cảnh rất đẹp.
Như vậy, Hòn Bà và thắng cảnh lân cận chứa đựng tiềm năng du lịch rất lớn, và như
vậy Khu du lịch sinh thái Hòn Bà sẽ được triển khai phục vụ du khách.

25: Trong bài vè
Mây Hòn Hèo
Heo Đất Đỏ
Mưa Đồng Cọ
Gió Tu Bông
Cọp O Gà
Ma Đồng Lớn
Những địa danh trong bài vè nằm ở những địa phận nào của tỉnh Khánh Hòa? Vì sao
có sự tuyên truyền như thế?

Bài vè dân gian trên nêu những địa danh và đặc điểm tương truyền xưa kia ở một số
địa phận trong Tỉnh Khánh Hòa.

Hòn Hèo nằm trong dãy Phước Hà Sơn, thuộc địa phận huyện Ninh Hòa, vì hòn hèo
có nhiều mây nên người dân địa phương có cây “Mây Hòn Hèo”.
Địa danh Đất Đỏ là vùng núi đất phía tây núi Ổ Gà, thuộc địa phận huyện Ninh Hòa.
Heo rừng đất đỏ nhiều và thịt lại ngon nên nổi tiếng là “ Heo Đất Đỏ”.
Địa danh Đồng Cọ là tên tục của núi Phú Mỹ, mượn tên của cánh đồng nằm dưới chân
núi Thôn Mỹ Lộc, Xã Diên Lộc, Huyện Diên Khánh. Núi ở đây thường lúc nào cũng có mấy
vần và mùa nào cũng có mưa và mưa lại nhiều nên mới có câu “ Mưa Đồng Cọ”.
Địa danh Tu Hoa là núi phía tây Tu Bông thuộc xã Vạn Khánh, huyện Vạn Ninh.
Vùng Tu Bông ở phía tây và Tây Bắc có đôi nơi núi hạ thấp tạo thành thung lũng. Do đó, gió
Lào và gió bấc lọt qua được. Gío Lào thổi qua Hòn Tu Hoa vào mùa Hạ. Gío Bấc thổi vào
mùa Thu và mùa Đông và thổi qua thung lũng phía Tây Bắc, nơi gọi là Eo Gió, gió thổi suốt
ngày, suốt tháng.
Địa danh Ổ Gà là tên khác của núi Phú Như, nằm ở phía bắc thị trấn Ninh Hòa. Núi
không cao nhưng rậm rạp, nên có rất nhiều cọp, xưa kia cọp ở Ổ Gà nhiều hơn các vùng khác
của Khánh Hòa.
Địa danh Đồng Lớn là Núi Đồng Lớn, còn có tên là Núi Đại Đồng, gần Núi Đồng Cọ
thuộc Xã Diên Phước, Huyện Diên Khánh. Theo sách Đại Nam Nhất Thống Chí: Vùng này
xưa kia là chiến trường có nhiều người chết, oan khí không tên, kết thành ma, hay quấy phá
mọi người, ít ai dám qua lại một mình.

26: Tại sao có tên gọi là Nha Trang?

Theo nhiều nhà nghiên cứu, tên Nha Trang bắt nguồn từ tiếng Chăm. Đó là Ea Tran
hay Yjatran, Ea hay Yja : sông, tran là lau lách (Sông Lau ). Gọi như vậy vì xưa kia lau lách
mọc đầy hai bên bờ sông Cái đổ ra cửa biển Cù Huân (Nha Trang ngày nay).

27: Hiện nay có bao nhiêu dân tộc đang sinh sống trên địa bàn tỉnh Khánh Hòa.

Trong các dân tộc thiểu số đang sinh sống trên địa bàn Khánh Hòa dân tộc nào có số
người đông nhất, địa bàn cư trú ở đâu?
Hiện nay có 32 dân tộc đang sinh sống trên địa bàn Khánh Hòa, trong đó dân tộc Kinh
chiếm 95%, dân tộc Rắc –Lây chiếm 3,4% dân tộc hoa chiếm 0,86% dân tộc Cơ-Ho chiếm
0,34%, dân tộc Ê –Đê chiếm 0,25%....ngoài ra còn có các dân tộc Tày, Nùng, Mường,
Chàm,T’ring….cùng sinh sống trên địa bàn tỉnh Khánh Hòa.
Trong các dân tộc thiểu số sinh sống trên địa bàn tỉnh Khánh Hòa, dân tộc thiểu số
Raglai có số người đông nhất chủ yếu tập trung ở 2 huyện Khánh Sơn, Khánh Vĩnh.
28: Bạn biết gì về Lầu Bảo Đại (trên ngọn Núi Chụt –Nha Trang )
Lầu Bảo Đại (nay còn gọi là Biệt Thự Cầu Đá ) được tiến sĩ hải dương học người Pháp
(gốc Đức )A.Grem chỉ huy xây dựng vào năm 1923 trên ngọn Núi Chụt (phía Đông Nam
Thành Phố Nha Trang ). Khu biệt thự bao gồm 5 biệt thự và 3 ngôi nhà làm việc và nghiên
cứu khoa học hoàn chỉnh hiện đại ở Việt Nam thời bấy giờ.
Sau khi hoàn thành, người Pháp đã đặt tên cho các ngôi biệt thự theo thứ tự từ phía
biển tính vào.
- Biệt thự Xương Rồng
- Biệt thự Bông Sứ
- Biệt thự Bông Giấy
- Biệt thự Phượng Vỹ
- Biệt thự Cây Bàng

Năm 1926, khi Bảo Đại lên ngôi, người Pháp giao cho Bảo Đại hai biệt thự Xương
Rồng và Bông Sứ (về sau được gọi là Nghinh Phong, Vọng Nguyệt ). Từ đó quần thể kiến
trúc này có tên là Lầu Bảo Đại. Đây là nơi nghỉ mát của nhà vua và hoàng hậu mỗi khi tuần
thú phương Nam.
Di tích Lầu Bảo Đại là sự két hợp hài hòa giữa một quần thể núi non trời biển do thiên
nhiên tạo ra cùng với những công trình kiến trúc sáng tạo con người. Từ một ngọn núi hoang
sơ, qua bàn tay khéo léo và bộ óc tinh tế của một số nhà khoa học Pháp, khu vực cảng Cầu Đá
và ngọn núi Chụt (núi Cảnh Long) đã biến thành một di tích thắng cảnh nổi tiếng được nhiều
người trong nước và quốc tế biết đến.

29: Miếu Thờ Trịnh Phong hiện nay ở đâu, còn có tên gọi là gì, được xây dựng vào
thời gian nào?

Miếu thờ Trịnh Phong hiện nay ở địa phận thôn Phú An Nam, Xã Diên An, Huyện
Diên Khánh, miếu nằm sát đường 23 /10, cách ngã 3 cải lộ tuyến khoảng 100 mét. Xưa kia
đây là một ngôi miếu nhỏ, được xây dựng dưới gốc cây dầu đôi, một cây cổ thụ kỳ lạ có hai
nhánh lớn tách ra từ sát gốc ở Diên Khánh. Ban đầu miếu được xây dựng đơn giản, nhà tranh,
vách đất để thờ thần cây Dầu Đôi nên nhân dân trong vùng gọi là “ Miếu Cây Dầu Đôi”, trải
qua thời gian miếu bị hư hại nhiều, qua nhiều lần trùng tu, sữa chữa miếu được xây dựng lại
như hiện nay. Sau khi Trịnh Phong bị giặc Pháp xử chém năm 1885, đến năm 1956 nhân dân
thương tiếc, tưởng nhớ thờ Ông trong miếu. Miếu từ đó được gọi là Miếu Trịnh Phong. Miếu
đã được nhà nước xếp hạng di tích lịch sử cấp quốc gia vào ngày 30.8.1991.

30: Ở Khánh Hòa có một ngôi đền thờ Hùng Vương, ngôi đền đó ở đâu, được xây
dựng vào thời gian nào?

Ở Khánh Hòa có một ngôi đền thờ Hùng Vương, tọa lạc tại 173 đường Ngô Gia Tự,
Phường Tân Lập, Thành Phố Nha Trang. Ngôi đền được xây dựng vào năm 1971, do cụ cử
nhân Nguyễn Tạo khởi xướng và được sự đóng góp nhiệt tình của các tầng lớp nhân dân tỉnh
Khánh Hòa và các tỉnh lân cận. Hàng năm đến ngày giỗ tổ Hùng Vương mùng 10 tháng 3 âm
lịch, chính quyền tỉnh thành phố nha Trang và Phường Tân Lập cùng ban quản lý Đền Hùng
đều tổ chức lễ kỷ niệm trang nghiêm long trọng.

31: Bạn hãy giới thiệu về Bãi Trũ ?

Bãi Trũ nằm ở phía Tây Bắc trên đảo Hòn Tre, ngay trước mặt thành phố Nha Trang.
Từ trong đất liền nhìn ra ta thấy Hòn Tre hay còn gọi là Hòn Lớn, đứng sừng sững như hình
con cá sấu khổng lồ đang bò xuống biển, ít ai có thể hình dung nơi đây lại có một bãi tắm
thiên nhiên đẹp và nên thơ đến thế đó là Bãi Trũ hay còn là Đầm Mông. Đặc biệt của bãi tắm
là độ tinh khiết của nước biển và môi trường chung quanh. Cát ở đây trắng và mịn lạ lùng,
dưới làn nước trong xanh có thể nhìn suốt tận đáy, bờ cát thoai thoải dần khi ra xa, nhưng vẫn
êm mịn và chắc. Bãi tắm ở ngay trên đảo ba mặt có núi bao bọc nên sóng thường không lớn
nhất là phía sau là Hòn Tre, như bức tường thành che chắn gió từ đại dương thổi vào.
Khu du lịch Hòn Ngọc Việt nổi tiếng đã được xây dựng tại đây và đã được Tổng Cục
Du Lịch xếp hạng 5 sao.

32: Bạn hãy giới thiệu về Hòn Mun?

Phía Đông Nam của Đảo Bồng Nguyên (nơi có hồ cá Trí Nguyên ) có hòn đảo nhỏ
đứng dăng hàng với những hình dáng rất khác nhau. Đó là Hòn Tằm, Hòn Một và Hòn Mun
thuộc địa phận Phường Vĩnh Nguyên, thành phố Nha Trang. Gọi là Hòn Mun vì vách đá ở
đây đen tuyền như gỗ Mun, rất hiếm thấy ở những nơi khác. Xung quanh Hòn Mun cũng là
tâm điểm của khu bảo tồn sinh thái biển cấp quốc gia đầu tiên của Việt Nam.

33: Bạn hãy mô tả khái quát về cảnh đẹp của Suối Tiên (một danh thắng thuộc địa
phận xã Suối Tiên, Huyện Diên Khánh)

Suối Tiên cách thành phố Nha Trang khoảng 25 km về phía nam thuộc địa phận xã
Suối Tiên, Huyện Diên Khánh.
Cảnh đẹp đầu tiên mà ta gặp là Hồ Tiên. Câu chuyện xưa về những nàng tiên trốn khỏi
thiên đình xuống hạ giới tắm mát và vui chơi, chính là ở hồ này. Hồ nằm ngay dưới chân đập
đá thiên nhiên, nước trong vắt, mát lành. Từ Hồ Tiên dọc theo bờ đá đi lên mỗi lúc càng đi
sâu vào “Tiên cảnh” với dòng suối nước trong như ngọc khi ẩn, khi hiện trong đá núi cây rừng
hai bên bờ và ngay giữa lòng suối là những khối những tảng, những hòn đá với đủ hình, đủ cỡ
chỗ bày biện như bàn thờ với những khối đá hình quân cờ, với những vết mờ như những chữ
được khắc từ thuở nguyên sơ, có chỗ đá xếp thành hang động ngay dưới những thác nước nhỏ
có cây rừng trang điểm chung quanh, trong hang có đá đứng, đá ngồi có những phiến đá bằng
phẳng có thể nằm nghỉ ngơi được gọi là động tiên.

34 : Bạn hãy giới thiệu về Thác Tà Gụ (thuộc địa phận huyện Khánh Sơn, tỉnh
Khánh Hòa).

Thác Tà Gụ cách thị trấn Tô Hạp huyện Khánh Sơn 15km về hướng Tây Nam, nằm
trên địa bàn xã Sơn Hiệp, huyện Khánh Sơn, Thác Tà Gụ bắt nguồn từ ngọn nuíc Cha-lo, chảy
vòng quanh trong khung cảnh núi rừng hùng vĩ, có các loại cây nhiều tầng, nhiều tán, ở độ
cao khoảng 1.300m so với mặt nước biển, không khí rất trong lành. Trước đây Thác Tà Gụ
được người dân địa phương gọi thác Tà Gụ là thác Ngà, bởi từ xưa nhìn dòng thác như chiếc
ngà voi dài buông thõng, do dòng nước của thác chảy vào suối Tà Gụ nên gọi thác là thác Tà
Gụ. Đứng dưới chân thác nhìn lên độ cao 40m, ngay giữa vòm trời trong xanh, nằm chắn
ngang một khối núi đá khổng lồ, ở giữa lại hiện ra một dòng nước trắng xóa, đổ xuống tưởng
như rồng thiên đang cuộn mình phun nước. Dòng nước mát đổ xuống một hồ nước rộng
200m 2 , du khách có thể bơi lội thỏa thích.
Hiện nay, thác Tà Gụ có thể được coi là một trong những thác thiên nhiên đẹp nhất đã
được tìm thấy ở Khánh Hòa.

35 : Thác Yangbay nằm ở đâu, bạn hãy mô tả khái quát ?

Thác Yangbay nằm cách thành phố Nha Trang khoảng 30km, thuộc địa phận xã Diên
Phú, huyện Khánh Vĩnh. Thác Yangbay là một thắng cảnh nổi tiếng bởi vẻ đẹp hoang sơ,
hùng vĩ. Thác bắt nguồn từ dãy núi Yachalo, chảy qua những núi chập chùng, trước khi đổ
nước vào Sông Cầu, để nhập vào thượng lưu chính của sông Cái Nha Trang chảy ra biển
Đông, dòng suối gặp địa hình dốc cao, với những dốc đá dựng đứng, tạo thành những thác
nước hùng vĩ. Khi đến nơi này du khách có thể leo núi tắm mát dưỡi những dòng thác hoặc
tắm nước nóng tự nhiên bên dòng suối Oso. Hai bên các dòng thác là những cánh rừng còn vẻ
hoang sơ, tạo thành những bức tranh thiên nhiên tuyệt vời giữa đất trời mênh mông.
Tại đây, Tổng công ty Khánh Việt tiến hành xây dựng và đã đưa vào sử dụng khu du
lịch sinh thái tổng hợp có quy mô lớn có sức thu hút khách du lịch đến từ nhiều nơi.