Qua hằng trăm di tích đền đài rải rác trên khắp đất nước Căm Bốt ngày nay, nhân loại trong
thế kỷ vừa qua, qua tìm tòi đã biết được có một nền văn minh Khmer rực rỡ hiện hữu cách
đây non một ngàn năm vốn đã chìm sâu trong quá khứ từ hằng mấy thế kỷ. Những kiến trúc
huy hoàng ấy khiến người ta bâng khuâng tự hỏi cuộc sống con người thuở ấy sinh hoạt ra
sao.
Mặc dầu hiện nay chỉ có một số lượng thông tin vừa phải còn tồn tại cho ta biết danh xưng
của các vị vua Kampuchea thời Angkor, những liên quan hệ phả giữa họ, các trận đánh đã
diễn ra qua các triều đại, những đền đài do họ dựng nên; ngoài ra thì không có một tài liệu
nào để lại nhắc đến nền nghệ thuật, khoa học thời đó. Không cả văn kiện viết tay, tranh ảnh,
đồ dùng, tác phẩm nghệ thuật khác hơn những những tượng hoặc hình chạm khắc trên đá
còn lưu lại ở các đền. Do khí hậu ẩm ướt của miền nhiệt đới, bất cứ vật gì làm từ gỗ, da, vải
sợi đều bị tiêu hủy theo thời gian. Trong khi ở Ai Cập, nhờ khí hậu khô, ngay đến giấy làm
từ cây cói, tranh vẽ trên tường, và di vật của mọi thứ vẫn còn tồn tại qua suốt mấy nghìn
năm. Ở Căm Bốt với hằng thế kỷ mưa dầm, cây cỏ miền nhiệt đới trùm phủ, mối mọt, và
nấm đục khoét, thì ngay đến những loại gỗ cứng nhất cũng bị phân rã.
Theo mô tả của Châu Đạt Quan vị đặc sứ Trung Hoa tại kinh đô của Kampuchea vào thời kỳ Angkor thì các
tháp của Angkor Wat và đền Bayon ở Angkor Thom thuở ấy đều được dát vàng. Khu vực chung quanh có
dân cư quần tụ đông đúc trên một diện tích rộng gần bằng Los Angeles ngày nay.
Ngày nay, du khách khi bước qua các cổng dẫn vào thành Angkor Thom và từ đó đi đến
Bayon, trung tâm của kinh đô cổ xưa dài khoảng một cây số rưỡi, họ thấy hai bên dày đặc
cả cây rừng. Những khu rừng đó ngày xưa là phố thị là nơi sinh sống của dân Angkor với
nào là lầu son gác tía, dinh thự, công ốc, quán trọ, trại binh, rạp hát, và cả nhà cửa của hằng
trăm ngàn cư dân lẫn người nô lệ. Vậy mà nay một dấu vết nhỏ nhất của chúng cũng không
còn tồn tại; ngay như khu hoàng cung vì xây bằng gỗ cũng bị xóa mất, còn chăng chỉ là
những nền đá kiến trúc rực rỡ. Tưởng cũng nên nhắc lại là vào thời ấy chỉ các đền thờ mới
được xây theo kiến trúc bằng đá mà thôi.
Chúng ta không thể biết với phương tiện gì mà người Khmer cổ có thể di chuyển các khối
đá từ núi Phnom Koulen xa trên dưới 50 km đến nơi xây dựng đền đài. Hơn nữa, trong tiến
trình xây, những khối đá nặng trung bình là 4 tấn được đưa lên cao bằng phương pháp nào.
Nhờ hệ thống dẫn thủy qui mô còn tồn tại, người ta chỉ suy đoán các khối đá có thể đã được
vận chuyển bằng đường thủy. Không một tài liệu để lại về ngành thiên văn cổ xưa mà nay
người ta biết được các đền hồi đó đều được xây nằm đúng ngay trên trục đông-tây. Chúng ta
cũng không biết cả đến ngành y dược của họ ngoại trừ những câu khắc trên đá lưu lại ở đền
Ta Prohm cho thấy dưới thời vua Jayavarman VII, Kampuchea có đến 102 bệnh viện trong
khi ngày nay chỉ trên dưới hai mươi.
Duy chỉ hệ thống dẫn thủy là còn lưu vết tích, trong đó gồm luôn hai hồ chứa nước nhân tạo
khổng lồ mà một trong hai có kích thước bề một và bề hai cây số mà bây giờ vẫn còn được
sử dụng làm hệ thống dẫn thủy nhập điền mới do Mỹ trợ giúp.
Cảnh rước kiệu của vua Khmer ra khỏi kinh đô Angkor
May thay, một tài liệu viết tay miêu tả khá tỉ mỉ về kinh đô Khmer cổ xưa được Châu Đạt
Quan (Chou Ta-Kuan) để lại. Năm 1295, ông ta đến Angkor làm đặc sứ cho Timur Khan,
một hoàng đế Mông Cổ thống trị nước Trung Hoa. Cha của Timur là Hốt Tất Liệt (Khublai
Khan), người đã đánh bại Miến và giúp Thái giành lại độc lập từ Kampuchea. Ông ta từng
khuyến khích Đại Việt gây chiến với Kampuchea và Chiêm Thành, và năm 1283 ông cho
gởi một đội quân đến Căm Bốt buộc vua ở Angkor phải thần phục. Nhưng theo lời của Châu
Đạt Quan thì đội quân ấy đã không hề đến; do vậy, tòa sứ của Trung Quốc lãnh nhiệm vụ
thuyết phục Kampuchea chịu làm chư hầu của mình thay vì phải dùng vũ lực. Nhờ thời gian
thương thảo kéo dài, Châu Đạt Quan mới có cơ hội lâu đến một năm để quan sát đời sống
của kinh đô Angkor.
Vào thời ấy, Jayavarman VII, vị vua hùng mạnh cuối cùng của dân Khmer đã chết từ trăm
năm trước. Thời cực thịnh của Angkor không còn nữa và vương quốc này đang độ tiệm tiến
suy tàn. Dầu nhiều nước chư hầu đã tách khỏi ách thống trị nhưng lãnh thổ mênh mông của
đất nước Kampuchea vẫn còn nguyên vẹn; và mặc dầu không còn xây dựng thêm đền đài
mới nhưng dân Khmer vẫn vui hưởng những gì của nền văn minh Angkor để lại. Với
khuynh hướng bảo thủ, cách sống của họ vẫn hệt như của cha ông họ thuở trước. Do vậy,
bài thuật của Châu Đạt Quan tuy viết vào thời này nhưng vẫn có thể xem như miêu tả đời
sống của Angkor thời Jayavarman VII hay vài thế hệ sau.
Châu Đạt Quan tả cho thấy các tháp bốn mặt trên cổng vào thành Angkor Thom cũng tựa
như ta thấy ngày nay, chỉ khác là tháp trung tâm của mỗi cổng được dát vàng. Ở trung tâm
của kinh đô có một tháp vàng với hai mươi tháp đá vây chung quanh (có thể ông ta muốn
nói đây là đền Bayon). Bên phía đông của đền này có một cây cầu dát vàng, hai bên có hai
tượng sư tử bằng vàng, và tám pho tượng phật cũng bằng vàng mỗi tượng ngồi trong một
ngôi miếu nhỏ bằng đá. Cung điện cũng như nhà của các vương tôn hoặc các quan lại đều
quay mặt về hướng đông, tất cả đều làm bằng gỗ và mái nhà bằng ngói có màu vàng của đất
nung. Ở điện nơi vua thường đến thiết triều các cửa sổ đều có khung cửa bằng vàng. Châu
Đạt Quan nghe nói bên trong cung vua rất huy hoàng, tráng lệ nhưng canh gác rất nghiêm
ngặt, không ai được phép vào.
Quân Khmer khi lâm trận với voi và quân lính chạy theo hai bên tựa như ngày nay có thiết giáp và
đơn vị bộ binh tùng thiết.
Trong thời gian lưu lại Angkor, ông Châu được chứng kiến cảnh vua ra khỏi cung bốn đến
năm lần nên ông cho ta thấy một số hình ảnh lý thú về những dịp quan trọng đó. Vì sợ bị ám
sát nên không lần nào rời cung mà vua không mang giáp, đầu đội vương miện bằng vàng
hoặc một vành kết hoa có mùi thơm như mùi hoa nhài. Quanh cổ là những dây ngọc trai
nặng chừng hơn một kí. Cổ tay, cổ chân mang dây chuyền vàng, và các ngón tay có những
nhẫn vàng. Ông ta đi chân trần không mang giày, ở gót và lòng bàn tay nhuộm đỏ. Tay cầm
cây kiếm vàng Preah Khan (ngày nay vẫn còn dùng như biểu trưng quyền uy của vương
quốc Căm Bốt). Đi dẫn đầu là một đoàn thiếu nữ tay cầm các đồ dùng bằng vàng hoặc bằng
bạc, tiếp đến là đoàn xe dê hoặc ngựa kéo mà tất cả đồ trang trí đều bằng vàng. Khoảng hơn
một trăm cây lọng cũng được điểm tô bằng vàng, và ngay cán cầm cũng bằng vàng. Tiếp
theo là vua tay cầm kiếm vàng đứng trên một con voi lớn mà hai ngà đều bọc toàn vàng.
Bảo vệ quanh vua là vệ quân gồm các nữ binh tay cầm giáo và khiêng, cùng những kỵ binh
cỡi ngựa hoặc voi. Các vương tôn công tử, các đại thần, các nhà chiêm tinh được rước kiệu
có điểm vàng theo sau, mỗi kiệu có bốn lọng với cán bằng vàng che hai bên, trong khi quan
nhỏ chỉ được che với lọng có cán bạc. Các nhà sư đầu cạo nhẵn, mặc cà sa vàng để hở trần
bên vai phải. Họ cũng được che lọng với cán vàng hoặc bạc tùy theo chức sắc.
Các nhà sư mỗi ngày chỉ dùng bữa một lần. Họ tụng nhiều kinh khác nhau, kinh được viết
trên lá kè bằng chữ đen nhưng vì người Khmer không dùng viết hoặc mực nên Châu Đạt
Quan không đoán được họ viết chữ bằng gì. Các vua quan thường thỉnh ý họ mỗi có việc
quốc gia đại sự.
Đội quân nhạc gồm kèn, trống, phèn la để khích động tinh thần chiến đấu vừa uy hiếp tinh thần đối
phương.
Vấn đề hình phạt đối với kẻ có tội tựa như Châu Âu thời trung cổ gồm phạt tiền, đánh roi
hoặc đòn, chặt tay chân, và chôn sống.
Triều đại Angkor có một tập tục kỳ lạ là hằng năm có lệ thu mật từ gan người để dâng vua.
Mật sẽ được hòa uống với rượu với niềm tin rằng uống vào sẽ làm con người bạo dạn hơn.
Điều ghê rợn là mật phải lấy từ gan của người sống cho nên vào đêm của ngày thu gom mật,
xui cho kẻ nào ra đường vào ban đêm.
Về ngành thiên văn thì Châu Đạt Quan cung cấp rất ít thông tin ngoại trừ cho biết rằng các
nhà chiêm tinh có thể tính được khi nào có nguyệt hay nhật thực.
Châu Đạt Quan mô tả Kampuchea như là một miền đất vừa núi vừa bình nguyên mà hầu
hết đều bị rừng hoang phủ lấp, ở đó đầy dẫy cọp, voi, hưu, gấu, khỉ, tê giác. Có điều là ở
đây cũng như các nước khác ở Đông Nam Á không có sự hiện diện của sư tử mặc dù ta thấy
nhiều trên các huy hiệu, đồ trang trí hoặc được tạc thành những tượng đá ở các đền mặc dù
không một người Khmer nào đã từng được thấy sư tử bằng xương bằng thịt. Chim muông
gồm công, két đuôi dài, ưng, trĩ, gà rừng, và nhiều loại khác nữa. Vịt trời, chim cốc, thiên
nga thường xuyên lui tới các hồ lớn cạnh bên Angkor; trong khi ở Biển Hồ có nhiều loại cá,
tôm khổng lồ, rùa, cá sấu; riêng cá sấu, theo Châu Đạt Quan thì rất lớn.
Trên các vùng đồi núi có trâu bò rừng, ngựa hoang, và người rừng. Về các người rừng này
Châu tả như sau: ‘Họ không sống trong nhà nhưng cùng gia đình di chuyển qua các vùng
núi non, đầu đội chậu đất sét. Khi gặp thú hoang, họ dùng cung hoặc giáo để giết rồi dùng
đá để đánh lửa nấu nướng… Lối sống man rợ, và họ có thứ chất độc rất nguy hiểm.’ Những
người rừng này bị săn bắt đem về phố bán làm nô lệ với giá rẽ, họ được xem tựa súc vật.
Thời vua Jayavarman VII, nô lệ được bắt đem về từ các nước chư hầu nhưng đến lúc này
nguồn ấy đã cạn kiệt. Văn hóa xã hội Khmer dựa vào lao động nô lệ, Châu viết: ‘Một số
người làm chủ đến hơn một trăm nô lệ, chỉ ai quá nghèo mới không nuôi nổi tôi tớ.’
Vùng làng mạc của các nông dân ở chung quanh Angkor với hệ thống dẫn thủy chằng chịt khắp nơi.
Dân miền núi săn bắt sản vật rừng như mật ong, nhựa cây, mây, tre, nứa, ngà voi, sừng tê
giác, lông chim, trái rừng về phố đổi chát lấy những thứ cần thiết cho nhu cầu đơn giản của
họ. Tập tục này ngày nay vẫn còn thấy ở các quốc gia như Lào, Căm Bốt, Việt Nam, Miến,
Borneo.
Khu vực bình nguyên rộng lớn quanh Angkor được dùng để khai khẩn nông nghiệp. Những
trận lụt hằng năm làm dâng nước Đại Hồ, và hệ thống dẫn thủy tuyệt vời cùng những hồ
chứa nước nhân tạo mang phù sa màu mỡ cho đất canh tác. Giữa những cánh đồng là các
làng mạc của nông dân, họ dùng lưỡi cày, cuốc, liềm để làm việc đồng áng. Họ thu hoạch ba
bốn vụ mùa mỗi năm, ngoài ra họ còn gieo trồng thêm hoa màu, mía, và cây ăn trái. Có lẽ
họ dùng trâu để cày bừa, nuôi heo, cừu, dê, gia súc, ngựa, ngổng, và gà vịt để lấy thịt. Muối
lấy từ các ruộng lúa ven biển. Họ tuy chưa biết kỹ thuật gây men từ ngủ cốc nhưng cũng
biết làm rượu từ mía, mật, gạo và lá cây rừng.
Châu Đạt Quan, lẽ tự nhiên coi các dân không phải người Hoa đều là man di, miêu tả người
Khmer thô kệch, có màu da rất sậm, nhưng nhấn mạnh rằng ‘ở các lâu đài, cung đìện nơi
không bị ánh nắng thiêu đốt, nhiều phụ nữ có màu da trắng như ngọc.’ Nắng nhiệt đới quả
tình rất gay gắt, đàn ông, đàn bà chỉ vấn che phần dưới rốn một tấm vải hoặc lụa (tùy theo
đẳng cấp hay giàu nghèo), ngoài ra thì để trần phía trên và đi chân đất. Đầu búi, không đồ
trang sức nhưng chỉ mang vòng và dây chuyền vàng. Ngay đàn bà lao động cũng mang đồ
nữ trang rẽ tiền. Đàn ông, đàn bà như nhau, họ đều xức xạ hương hoặc các thứ dầu thơm
khác.
Chợ ở phố cũng nhỏ và tồi tàn như chợ làng, chỉ toàn đàn bà buôn bán nhỏ. Họ không có
hàng quán cố định, ngày ngày trải chiếu trên đất bên vệ đường bày hàng hóa ra bán. Họ ngồi
chồm hỗm, miệng nhai trầu và tán gẫu với người cạnh bên. Một hình ảnh quen thuộc vẫn
còn thấy ở các nước Đông Nam Á. Mua bán nhỏ họ trả bằng gạo, ngủ cốc, hoặc đại loại
tương tự, nhưng đồ giá trị hơn thì được trao đổi bằng vàng hay bạc.
Hoa thương thì khắp nơi, họ thích đến đây làm ăn sinh sống vì theo họ đây là nơi dễ buôn dễ
bán, gạo cơm dư thừa, đàn bà dễ kiếm, nhà cửa, đồ đạc gia dụng rẽ rúng. Vào thời này, hàng
hóa các thứ từ Trung Hoa thường xuyên được mang đến bằng thuyền biển hoặc lạc đà. Họ
mang đến những thứ mà dân Khmer ưa chuộng như lụa màu, khay cẩn, đồ men sứ trắng
xanh, dù, lược, thức ăn, kim loại quí và những vật liệu tiện ích khác. Trong nhà của giới
thượng lưu, đồ sứ của Tàu được thay cho bát tô bằng đất sét, ngay đến bàn thấp từ Trung
Hoa cũng trở nên món trang trí nội thất thời thượng. Giường kiểu Tàu cũng được nhà giàu
ưa chuộng, trong khi các giới khác vẫn ngủ giường tre.
Các đơn vị làng xã luôn luôn có một hồ lớn để trong làng có thể ra đó tắm giặt chung, ngoài ra còn
có một đền nhỏ xây bằng đá tiện cho việc cầu tự.
Giới quan quyền, học thức sống tập trung ở những trung tâm lớn. Nhà cửa họ ở lớn nhỏ, xây
bằng vật liệu gì được cho phép tùy theo đẳng cấp. Chỉ người có chức quyền cao mới được ở
nhà lợp ngói, ngoài ra thì toàn mái tranh. Nhưng dù giàu hay nghèo, ngày nay không nhà
nào còn tồn tại.
Mỗi nhà không có hệ thống nước cũng như cống rảnh. Người ta ra tắm nơi công cộng mà hồ
và kênh đào có khắp mọi nơi. Về vấn đề vệ sinh, họ đào nhiều lỗ trong sân nhà rồi tạm lấy
cỏ lấp lại sau mỗi lần dùng đến, sau khi đại tiện xong họ xuống rửa ráy ở ao bằng tay trái,
tay phải được chừa lại để bốc đồ ăn. Khi họ thấy người Tàu dùng giấy để làm vệ sinh họ
làm điệu chọc quê và khép cửa lại. Châu Đạt Quan còn thêm: ‘Nhiều đàn bà đái đứng trông
thật kỳ cục.’
Một tập quán lạ lùng khác là tục khai hoa (chen-t’an: deflowering) con gái mới lớn ở độ
tuổi từ 7 đến 9 cho con nhà khá giả, hoặc trước 11 cho con nhà nghèo; mà người làm việc
này là một ông sư hoặc một tu sĩ bà la môn. Mỗi năm quan chức chọn một ngày vào khoảng
tháng tư âm lịch và thông báo cho cả nước rõ. Nhà nào có bé gái trong độ tuổi cần được
khai hoa thì phải khai báo với quan, quan gởi cho nhà ấy một cây đèn cầy trên có khắc một
vạch. Vào đêm được chỉ định, đèn cầy ấy được đốt lên, khi đèn cháy tới vạch khắc thì coi
như thời điểm đã đến. Đồ biếu cho sư tùy theo khả năng gồm rượu, gạo, vải vóc, lụa là, cau
trầu, các đồ dùng bằng bạc… Mỗi vị sư chỉ khai hoa một bé gái một lần mỗi năm.
Người Thái xâm lăng Căm Bốt năm 1350, mặc dù chưa lấy được Angkor nhưng cũng bắt
theo nhiều tù binh. Đến năm 1431 Angkor mới thật sự rơi vào tay Thái và họ mang về nước
vô số tượng và đồ quí. Vua Xiêm đặt con trai của mình lên ngôi ở Angkor nhưng chỉ được
một thời gian thì bị ám sát chết. Ponha Yat, kẻ kế vị của vương triều Kampuchea lên thay.
Có lẽ chính vào trong thời kỳ rối ren này mà vị vua đã quyết định dời đô khỏi Angkor.
Sau những bài miêu tả của Châu Đạt Quan về Angkor, không còn chứng tích gì để lại nhắc
nhở đến đời sống của kinh đô ấy. Một màn u minh đã dần dần phủ xuống xóa mờ đi Angkor
và cả nền văn minh Khmer.
Tất cả những bài viết trong loạt bài Quần Thể Đền Angkor đều tham khảo từ những sách
vở, tài liệu ghi rõ dưới đây:
1. Ancient Angkor by Michael Freeman & Claude Jacques
2. Angkor by Malcolm MacDonald
3. The Khmers of Cambodia, the Story of a Mysterious People by I. G. Edmonds
4. A Short History of Cambodia by Martin F. Herz
5. A Guide to the Angkor Monuments by Maurice Glaize
6. Angkor, an Introduction by George Coedès
7. The Art of Southeast Asia by Philip Rawson
8. National Geographic of May 1982, Aug 2000, Oct 1964.