Tôi nên bắt đầu từ đâu? Việc chọn thời điểm để viết hết sức quan trọng, có bạn cho rằng nên viết từ thời họ Mạc tiếm xưng nhà Lê và khởi phát chiến tranh Nam – Bắc triều, nhưng giai đoạn này page đã viết lúc trước rồi, thêm nữa, nếu viết sẽ kéo dài thêm gần 100 năm, sẽ làm loãng chủ đề, huống hồ họ Mạc không can dự nhiều lắm vào thời kỳ nội chiến tưng bừng khói lửa nhất ở Việt Nam. Chúng tôi sẽ đi từ cái gốc của sự bất ổn của cả 2 bên Đàng Trong – Đàng Ngoài để lý giải vì sao phong trào Tây Sơn bùng nổ sau này và vì sao họ có thể thống nhất hai miền Nam Bắc.
Đại Việt thời Trịnh-Nguyễn phân tranh |
PHẦN MỘT: SỰ BẤT ỔN CỦA CHÍNH QUYỀN ĐÀNG TRONG – ĐÀNG NGOÀI
A. ĐÀNG NGOÀI
I. KHI LÊ KHÔNG CÒN “TỒN” THÌ TRỊNH CŨNG CHUẨN BỊ “BẠI”
1.Trịnh Cương.
Lê tồn Trịnh tại, hay “có công thờ phật, giữ chùa thì được ăn oản” – câu sấm nổi tiếng của Trạng Trình Nguyễn Bỉnh Khiêm về mối tương quan giữa vua Lê và họ Trịnh, đồng thời là một trong những nguyên tắc mà các đời chúa Trịnh buộc phải theo. Vua Lê vẫn là quân chủ của xứ Đại Việt, nhà Chúa chỉ là bồi thần cho vua, vị trí cao hơn hết thảy, được phong tước vương nhưng vẫn phải đứng sau vua một bậc (có thể xem như giống như Mạc Phủ ở Nhật). Thật ra thì Trịnh Tùng, con trai Trịnh Kiểm từng ... mần thịt hết 2 ông vua nhà Lê rồi, nhưng đó là vì các ông vua nhà Lê khi đó hãy còn "cứng" quá. Sau này, khi đã nhận được lời sấm Trạng Trình và các vua Lê "biết điều" hơn thì Trịnh Tùng và những đời chúa sau này tương đối thả lỏng vua Lê hơn. Trải qua 5 đời chúa Trịnh, năm 1686, Trịnh Cương lên ngôi chúa, là vị Chúa Trịnh đời thứ 5. Công bằng mà nói, thời Trịnh Cương thiên hạ thái bình, không có chiến tranh nhiều, triều chính ổn định. Chúa Nguyễn ở Đàng Trong khi ấy là Nguyễn Phúc Chu đã tính cử binh Bắc Phạt nhưng thám tử về báo lại rằng: "Trong triều cường thịnh, tướng văn, tướng vũ đều là người giỏi, binh lương đầy đủ, quân bộ, quân thủy đã nhiều lại tinh nhuệ.". Chúa Nguyễn Phúc Chu phải bỏ mộng thâu tóm Bắc Hà, hai bên Trịnh, Nguyễn tiếp tục chăm lo củng cố cho tới khi cuộc chiến cuối cùng nổ ra năm 1774.
Về đối ngoại thì thời gian này Đại Việt có va chạm với Đại Thanh về vấn đề biên giới, bấy giờ ở các tỉnh phía bắc Đại Việt có nhiều mỏ vàng, mỏ bạc, nhưng quyền lợi từ các mỏ phần lớn rơi vào tay người Tàu. Người Tàu mang phu phen sang khai mỏ, theo thời gian cứ đông dần rồi hất cẳng luôn dân địa phương. Năm 1726, các phu khai mỏ này cáo buộc lên quan viên Đại Thanh, cho rằng Đại Việt lấn sang đất Trung Quốc, triều đình gửi thư sang biện hộ. Mãn Thanh phái quan lại triều đình kết hợp với quan viên Đại Việt đi kinh lý, cuối cùng quyết định cắm mốc ở núi Xưởng Chi, 120 dặm đất hai châu Vị Xuyên và Thủy Vĩ của thổ ty phủ Khai Hóa nay người Thanh trả 80 dặm, còn 40 dặm về phía bắc thì vẫn thuộc Mãn Thanh, trên đất này có một cái mỏ đồng tên là Tụ Long, nhiều lần Đại Việt và Mãn Thanh xảy ra tranh chấp ở cái mỏ này. Năm 1728, Thanh Thế Tông – Ung Chính sai Ngạc Nhĩ Thái, tổng đốc Vân Quý đến khám xét, Ngạc Nhĩ Thái tâu rằng Đại Việt lấn đất Khai Hóa, vua Thanh nghe theo, buộc Đại Việt giao trả. Ngạc Nhĩ Thái sai người đưa thư đến địa đầu biên giới Tuyên Quang, nhưng thổ mục Hoàng Văn Lâu của Đại Việt không chịu tiếp thư. Ngạc Nhĩ Thái ngờ vực Đại Việt, liền gửi thư nói tỉnh Quảng Tây chia quân phòng bị biên giới. Ngạc Nhĩ Thái còn tâu lên Thanh Thế Tông xin huy động binh mã 3 tỉnh dọc theo biên giới, nhưng hoàng đế không nghe. Sau đó Thanh Thế Tông sai Tả đô ngự sử Hàng Dịch Lộc, Nội các học sĩ Nhậm Lan Chi sai sứ sang Đại Việt ban chỉ hiểu dụ. Hai quan Thanh chưa vào Đại Việt thì quốc thư Trịnh Cương gửi vua Thanh từ trước đến Bắc Kinh, trong quốc thư ghi: "lòng thành thờ nước lớn, sợ mệnh trời". Thanh Thế Tông vui mừng, mới thảo sắc văn khác giao cho phái bộ Dịch Lộc. Trong sắc thư này vua Thanh đồng ý trả lại 40 dặm đất có mỏ đồng. Lúc ấy, quân Thanh đóng giữ biên giới nghiêm ngặt, các quan Đại Việt nghi ngờ, nhưng Trịnh Cương cho rằng người Thanh chỉ uy hiếp vậy thôi, nên lệnh các quan vùng biên không hành động càn rỡ. Tháng 6 âm lịch năm 1728, Dịch Lộc đến Thăng Long, tuyên bố trả 40 dặm đất cho Đại Việt.
Nhưng sang năm 1729 thì lại phát sinh biến cố: Bấy giờ con trưởng của vua Lê Dụ Tông là Lê Duy Tường tuổi đã lớn, đã ở Đông cung hơn 10 năm, tuy chưa được phong thái tử nhưng ai cũng hiểu Duy Tường sẽ là người nối ngôi. Nhưng Trịnh Cương vì lẽ chị họ của mình có con là Duy Phường, nên muốn lấy ngôi thái tử về cho cháu. Từ năm 1727, Trịnh Cương bức Lê Dụ Tông phế bỏ Trưởng hoàng tử Duy Tường, lập con trai của chính cung Trịnh thị là Duy Phường làm Hoàng thái tử. Từ đó, vua Lê Dụ Tông cảm thấy oán hận (éo oán mới lạ), có viên quan là Bùi Sĩ Tiêm thấy thái độ như thế, bèn tấu lên Trịnh Giang rằng: “Tôi thường thấy lúc tiên đế trị vì, khí sắc bực tức bất bình thổ lộ ra trong câu văn hoặc lời nói!” - Tháng 4 năm 1729, Trịnh Cương ép hoàng đế Lê Dụ Tông nhường ngôi cho Lê Duy Phường. Dụ Tông lên làm Thượng hoàng.
Như vậy, Trịnh Cương đã bắt đầu ép vua, đe dọa đến ngôi báu của nhà Lê, trước đây Trịnh Tùng, Trịnh Tráng cùng lắm chỉ là đem các hoàng tử nhỏ vào phủ chúa để "nuôi nấng, dạy dỗ" và có ép vua thì cũng chỉ ép vua thân chinh ra trận đánh phía nam để tăng sĩ khí. Chuyện phế lập, nhà chúa Trịnh cũng phải "vuốt mặt nể mũi", nhưng nay thì đã hết. Cái tiếng "Phù Lê" đến bây giờ đã bị hoen ố, sau này con thứ của Lê Dụ Tông là Lê Duy Mật sẽ vì thù này mà dấy binh chống họ Trịnh, nhưng đó là chuyện về sau.
2.Trịnh Giang.
Trịnh Giang sinh năm 1711, tài năng duy nhất của Trịnh Giang chính là ... biết đầu thai, khi sinh ra là con trưởng của chúa Trịnh Cương. Là con trưởng nên lẽ đương nhiên Trịnh Giang được lập làm thế tử (con vua thì gọi là thái tử, con chúa thì gọi chệch đi là thế tử). Năm 1729, khi đó Trịnh Giang 18 tuổi, theo lệ xưa sẽ được tập cho quen dần với việc triều chính để mai sau kế thừa cơ nghiệp. Nhưng thầy học của Giang là Nguyễn Công Hãng trong quá trình dạy học đã nhận ra ko thể giao cả cơ đồ vào tay thằng học trò này của mình, bèn mật tấu lên chúa Trịnh Cương rằng: "Trịnh Giang là người ươn hèn không thể gánh vác được ngôi chúa."
Xui một cái là tháng 10 năm đó, Trịnh Cương trên đường đi chơi về thì trúng cảm rồi chết, tờ mật tấu kia còn chưa kịp xem xét đến, gần đây có ý kiến cho rằng Nguyễn Công Hãng làm lộ tờ tấu nên người ủng hộ Trịnh Giang dò biết được, đã nhân cơ hội hạ độc luôn Trịnh Cương trước khi ông xem xét tờ tấu. Cái này cũng không hẳn không có cơ sở, vì năm đó Trịnh Cương mới 43 tuổi và ko hề có bệnh tật gì...
Năm 1731, Trịnh Giang hoán đổi hết các tướng trấn thủ các miền biên viễn, lại lập sổ sách theo dõi thu chi các việc lớn nhỏ gây nên chút xáo trộn ở Đàng Ngoài. Giang lại học theo thánh hiền xưa, xuống chiếu ra lệnh cho quan viên cứ can gián thẳng thắn. Có viên quan tên Bùi Sĩ Tiêm dâng sớ trình bày 10 điều, đại khái là về việc tiên chúa (Trịnh Cương) can thiệp vào việc truyền ngôi nhà Lê khi trước và việc chấn hưng nho học, lại chỉ trích những sự tệ hại lúc bấy giờ. Thế là ... Tiêm dính ngay đòn uýnh hội đồng của các quan lại khác, chúng ra sức phản bác Bùi Sĩ Tiêm, cuối cùng Trịnh Giang cách chức, đuổi Tiêm về quê. Từ đó chả còn ma nào dâng sớ nói thẳng, nói thật với Giang nữa.
![]() |
Phủ chúa Trịnh thế kỷ XVII. |
Tuy nhiên, Trịnh Giang tiếp thu lời khuyên của Tiêm về việc truyền ngôi của nhà Lê, Giang muốn trả lại ngôi vua cho Lê Duy Tường - con trưởng hoàng đế Lê Dụ Tông, nhưng cách làm của Giang thì ... đê tiện. Tháng 8 âm lịch năm 1732, Trịnh Giang vu cho Lê Duy Phường tư thông với phi tần của cha mình, rồi chỉ đạo cho quần thần cùng dâng sớ đề nghị phế vua. Trịnh Giang lấy tiếng thuận theo bá quan phế Lê Duy Phường xuống làm Hôn Đức Công rồi đuổi ra khỏi cung cấm, sống ở một căn nhà trong kinh thành. Sau đó, Giang cho gọi các con của vua Lê Dụ Tông (đã chết năm 1731) vào phủ chúa để ... xem mặt. Người được chọn lên nối ngôi nhà Lê lại là ... Lê Duy Tường, người trước kia đã bị Trịnh Cương phế, nói cách khác Trịnh Giang đã lật ngược tất cả những gì cha mình đã sắp đặt trước kia. Lê Duy Tường lên ngôi, lấy hiệu là Lê Thuần Tông, trị vì được 3 năm thì ngủm củ đèo, Trịnh Giang vẫn thù dai, dứt khoát không gọi Duy Phường về kế vị mà lại lập em Duy Phường là Duy Thận lên làm vua, tức là Lê Ý Tông. Tháng 9 năm 1735, để trừ hậu họa, Trịnh Giang cho người thắt cổ Lê Duy Phường.
Có lẽ vì làm chuyện phế lập dễ quá nên Trịnh Giang bắt đầu đâm ra khinh mạn và buông lơi triều chính. Giang hướng sự chú ý vào xây cất chùa chiền, hành cung và văn thơ, về mặt chữ nghĩa thì Trịnh Giang cũng là người rất yêu thơ ca văn học, ông cho sưu tầm thơ ca tản mát trong dân gian, những buổi không có triều hội, ông thường mời các quan đến cùng ngâm tụng thơ ca, bình luận văn sách và các lối viết chữ; ra đề tại chỗ cho mọi người cùng làm thi và có thưởng. Tuy nhiên việc xây cất từ đường hành cung ngày một quá đà, bắt dân khơi đường sông để việc vận tải được lưu thông, dân phải kéo gỗ, xe đá, thường có hàng vạn người làm, ngày đêm không được nghỉ ngơi. Đây chính là nguyên nhân dẫn đến khởi nghĩa nông dân Đàng Ngoài, vui hơn nữa là nhờ những con sông được khơi rộng, kênh rạch được nối để vận chuyển bè gỗ từ thời Trịnh Giang mà loạn quân dễ dàng dùng thuyền lớn kéo về uy hiếp Thăng Long, khi bất lợi thì lại … thẳng đường dong ra biển, vô cùng tiện lợi.
Thường thì hôn quân phải có loạn thần, Trịnh Giang tin dùng một thái giám tên là Hoàng Công Phụ. Phụ có một hệ thống thông tin riêng rất lợi hại chuyên dò xét, điều tra các tướng lĩnh bất mãn với Trịnh Giang. Nhưng chủ yếu là Phụ nhìn mặt chủ mà làm việc, có nghĩa là thấy Trịnh Giang sẵn không ưa ai thì Phụ sai tay chân ngụy tạo chứng cứ rồi tâu lên chúa. Sẵn đang ghét nên Trịnh Giang xử rốp rẻng ngay vì thế Hoàng Công Phụ ngày càng cậy thế nắm quyền, chức tước lên như diều. Đỉnh điểm là Trịnh Giang cho thành lập thêm Giám Ban do Phụ đứng đầu, tề danh với hai ban văn – võ, từ đây bọn ái nam ái nữ chính thức đứng ngang hàng với bá quan văn võ. Trong số các nạn nhân dưới tay Phụ có Lê Anh Tuấn (1734), Đỗ Bá Phẩm (1734), rồi Trương Nhung (1736) nhưng đặc biệt nhất là ông thầy cũ Nguyễn Công Hãng của Trịnh Giang vì Phụ phát hiện ra bản mật tấu của Hãng gửi tiên chúa lúc trước. Phải mở ngoặc để nói các bạn về Nguyễn Công Hãng: Không những là người chủ trương giảm tô, thuế, định ra phép cân đong đo đếm mà Hãng còn là một nhà ngoại giao xuất sắc: Khi Lê Thái Tổ khởi nghĩa đuổi giặc Minh ra khỏi Đại Việt, quân Lam Sơn chém bay mẹ đầu lâu của một tướng nhà Minh tên là Liễu Thăng, sau đó vì nể thể diện của “thiên triều”, Lê Lợi sai đúc tượng người vàng ngồi quỳ, đầu tóc rũ rượi như thằng tù, tức là tỏ ý hối lỗi, rồi đem cống cho nhà Minh. Đến đời con Lê lợi là Lê Thái Tông thì đổi thành người bạc, rồi thôi. Tới khi nhà Mạc tiếm ngôi nhà Lê, khi quân Minh kéo đến biên giới, Mạc Đăng Dung ngoài tự trói mình thì lại tiếp tục nộp người vàng, ý là tỏ cho nhà Minh biết mình kế thừa nhà Lê vậy. Đến thời Lê Trung Hưng thì vua Lê biết việc tiến cống của nhà Mạc nên cũng cống người vàng lại, nhưng hình dáng có khác lúc trước: Người vàng “mặc áo chầu, đội mũ chầu, đứng tự do, mặt ngửa lên như là hình dạng của vua Lê cầu ơn ở thượng quốc”, nhưng nhà Minh cho rằng như vậy là có ý “kiêu ngạo” nên bắt phải đổi về hình dạng cũ. Tuy nhiên, nhà Lê Trung hưng cho rằng không thể đồng nhất người vàng của họ Lê với họ Mạc được (một bên là chính thống, một bên là tiếm nghịch). Cuối cùng, hai bên đồng ý ở hình trạng “đứng tự do, … hơi cúi đầu”. Mãi đến năm 1718, Nguyễn Công Hãng đi sứ nhà Thanh, khi sang Trung Quốc, các quan thiên triều xét đồ cống thấy thiếu tượng người vàng, vặn hỏi thì ông cười trả lời: - Liễu Thăng là tên bại tướng của nhà Minh. Triều Thanh ta nay bao gồm cả muôn nước mà lại cứ khư khư đi đòi món "của đút" của kẻ thua trận để trả thù cho người xưa, sao đủ để làm gương cho đời sau? – Cuối cùng vua Khang Hy chấp thuận chấm dứt việc bỏ cống người vàng.
Quay lại chuyện của Phụ, hắn tìm cách lôi thêm vây cánh bằng cách xúi Trịnh Giang mở khoa thi ngay trong phủ Chúa vào năm 1736, theo lệ cũ, mở khoa thi phải do vua chủ trì, xuống chiếu. Khoa thi này chủ yếu lấy riêng Trịnh Tuệ, một người trong họ, ra đỗ trạng nguyên, rồi bốc một nhát cơ cấu luôn thành … tể tướng (tôi chê các anh/chị nhà báo chỉ chăm chăm ca ngợi ông cha ta ngày xưa thi cử nghiêm túc như thế nào mà cố tình lờ đi mấy chuyện như thế này, việc chạy điểm, chạy chức nó có từ thời nảo rồi… chúng ta chỉ là đi sau tổ tiên thôi, hehe, đừng đổ tại chế độ) . Thế rồi “Kẻ trong người ngoài xướng hoạ với nhau”, tạo mối liên kết văn, giám ban, lũng đoạn triều cương. Năm 1740, Trịnh Giang bỗng nhiên bị sét đánh xém chết, từ đó sinh ra sợ sấm sét, Hoàng Công Phụ bày kế cho chúa đào hành cung dười đất mà trốn, sấm sét không làm gì được. Nhân đó các hoạn quan hạ lệnh đào đất, làm hầm cho chúa, gọi là cung Thưởng Trì. Từ đó Trịnh Giang ở hẳn dưới hầm, không hề ra ngoài. Công Phụ càng có điều kiện để lộng quyền. Ngoài ra để có tiền chi xài, Trịnh Giang đẩy mạnh việc buôn bán quan tước. Năm 1736, chúa ra lệnh: Quan và dân đều cho phép nộp tiền, sẽ được cất nhắc trao cho chức phẩm: Các viên quan trong triều ban từ lục phẩm trở xuống, ai nộp 600 quan tiền sẽ được thăng chức một bậc; nhân dân, ai nộp 2.800 quan được bổ thụ tri phủ, nộp 1.800 quan được bổ thụ tri huyện. Đã bỏ tiền ra làm quan thì phải … gỡ, thế là bọn quan lại mua bằng tiền này ra sức hút máu dân để gỡ và kiếm lời, làm cho dân chúng bị bần cùng, thế rồi không hẹn mà gặp, dân khổ ở các trấn nhất tề “rũ bùn đứng dậy sáng lòa”, tức là làm khởi nghĩa, hay nói khó nghe một chút là … đi làm giặc.
3. Trịnh Doanh.
Trịnh Giang có đứa em ruột cùng mẹ tên là Trịnh Doanh, sinh năm 1720, từ khi còn nhỏ Trịnh Doanh đã nổi tiếng thông minh đĩnh ngộ, kiêm tài văn võ. Năm 15 tuổi (1735) Trịnh Giang phong cho Trịnh Doanh làm Tiết chế quân thủy bộ các xứ, chức Thái úy, tước Ân quốc công, mở phủ Lượng quốc, nắm hết binh quyền Đàng Ngoài. Trịnh Doanh mỗi tháng ba lần tiếp kiến trăm quan ở trạch các, để nghe trình bày công việc. Trịnh Doanh là người sáng suốt, quả quyết, có tài, rất được lòng người, Nhưng bị Hoàng Công Phụ ngăn trở nên chẳng nắm được quyền hành. Trước tình hình đó, vào đầu năm 1740, bà Trịnh thái phi Vũ thị tức mẹ của hai an hem Trịnh Giang – Trịnh Doanh cho triệu Bồi tụng Hữu tư giảng Nguyễn Quý Cảnh, nhờ đến khuyên Trịnh Doanh lên thay Trịnh Giang. Quý Cảnh đem việc ấy nói với bồi tụng Nguyễn Công Thái và các đại thần Trịnh Đạc, Vũ Tất Thận, Nguyễn Đinh Hoàn, họ đều đồng tình.
Lúc đó Hoàng Công Phụ đã đem quân đánh loạn dân ở Ninh Xá, thành Thăng Long bỏ trống. Quý Cảnh bèn mang quân của mình chia ra giữ các cung điện và các ngỏ ngách trong thành, rồi vào ngày khai bảo (nôm na là ngày công sở, cơ quan hành chính làm việc lại sau tết), nhân các quan lại tập hợp đầy đủ, đồng lòng phò lập Trịnh Doanh lên làm chúa. Bọn hoạn quan ở cung Thưởng Trì được tin, vội tập hợp lực lượng định đi đánh Nguyễn Quý Cảnh và tôn Trịnh Giang làm chúa như cũ, nhưng Quý Cảnh đã nhanh chóng mang quân vào cung đánh bại và giết sạch bọn hoạn quan. Trăm quan cùng đem nhau đến lạy mừng. Trịnh Doanh tự tiến phong Nguyên soái, tổng quốc chính, Minh Đô vương, tôn Trịnh Giang làm Thái thượng vương. Kể từ đó đến khi chết, ông bị giam lỏng luôn ở cung Thưởng Trì do chính mình dựng nên.
![]() |
Tranh vẽ đám rước chúa Trịnh xuất hành, thế kỷ 17 |
Trịnh Giang ở ngôi được 11 nǎm (1730 - 1740) rồi lánh ở cung Thưởng Trì thêm 20 nǎm nữa mới mất (tháng 12 âm lịch năm 1761, tức đầu năm 1762), thọ 51 tuổi, được tôn là Dụ Tổ Thuận vương. Về sau, khi cháu nội Trịnh Doanh là Trịnh Tông bị Tây Sơn tiêu diệt (1786), con Trịnh Giang là Trịnh Bồng được lập lên ngôi chúa, tức là Án Đô vương, chúa Trịnh cuối cùng trong lịch sử Việt Nam. Trịnh Giang tùy tiện làm chuyện phế lập, lại ăn chơi phung phí, lũng đoạn triều chính gây oán thán trong dân chúng, tuy Trịnh Doanh đã ra nắm đại quyền và chấn chỉnh lại triều cương nhưng lúc ấy thiên hạ đã đại loạn, Trịnh Doanh sau này phải dùng cả thời gian cầm quyền 27 năm của mình để lo đánh dẹp các cuộc nổi dậy, thậm chí đến khi Trịnh Sâm lên nối ngôi chúa cũng chưa giải quyết xong. Có thể nói họ Trịnh bắt đầu lung lay là tội bắt đầu ở Trịnh Giang vậy.
Chuyện Đông - Chuyện Tây