"Những cái nhất" của triều đại phong kiến cuối cùng trong lịch sử Việt Nam.

Trải qua 387 năm với 9 đời chúa và 13 đời vua, triều đại vua chúa nhà Nguyễn đã trải qua biết bao thăng trầm, biến cố lịch sử. Sau đây là bài tổng hợp về "những cái nhất" của triều đại phong kiến cuối cùng trong lịch sử Việt Nam.

1. Ở ngôi lâu nhất:

Nguyễn Hoàng tức Chúa Tiên (1525 - 1613), là con út của Nguyễn Kim, xưng Chúa năm 1558, băng hà năm 1613, trị vì 55 năm, có 10 con trai và 2 con gái. Ông được truy tôn là Thái Tổ Gia Dũ Hoàng đế.

2. Ở ngôi ngắn nhất:

Vua Dục Đức lên ngôi theo di chiếu của vua Tự Đức. Khi làm lễ đăng cơ, vua đã ra lệnh cho vị quan Trần Tiễn Thành đọc lược bớt di chiếu truyền ngôi (đoạn nói vua Dục Đức có tật ở mắt, có tính hiếu dâm, có tang vẫn mặc áo màu...). Hai vị quan phụ chính trong triều lúc bấy giờ là Tôn Thất Thuyết và Nguyễn Văn Tường biết chuyện đã dâng sớ lên Hoàng Thái hậu Từ Dũ đặt vua khác. Vua Dục Đức ở ngôi được 3 ngày thì bị phế truất, bị bắt giam và chết đói trong ngục.

3. Lên ngôi muộn nhất:

Nguyễn Phúc Nguyên tức Chúa Sãi (1563 - 1635), con trai thứ 6 của Chúa Tiên Nguyễn Hoàng. Kế vị năm 1613 vì các anh đều mất sớm và 1 anh bị Chúa Trịnh giữ tại Đàng Ngoài. Ông có 11 con trai và 4 con gái, ông cũng là người đầu tiên trong dòng họ mang họ Nguyễn Phúc. Ông được truy tôn là Hi Tông Hiếu Văn Hoàng đế.

4. Lên ngôi sớm nhất:

Vua Duy Tân tên thật là Nguyễn Phúc Vĩnh San (1900 - 1945), là con trai thứ 5 của vua Thành Thái và bà Nguyễn Thị Định. Vua lên ngôi năm 1907 khi vừa tròn 7 tuổi, triều đình thấy vua nhỏ tuổi nên mới xin tăng thêm một tuổi thành 8 tuổi.

5. Sống thọ nhất: 

Chúa Tiên Nguyễn Hoàng (1525 - 1613) thọ 88 tuổi, là người khai sinh ra lịch sử nhà Nguyễn gồm 9 chúa 13 vua. Chúa có công mở rộng bờ cõi nước ta về phía Nam, biên cương trong thời chúa trị vì đến tận tỉnh Phú Yên ngày nay.

6. Thọ kém nhất: 

Vua Kiến Phúc tên thật là Nguyễn Phúc Ưng Đăng, là con nuôi thứ 3 của vua Tự Đức. Sau khi lên ngôi được 8 tháng thì vua lâm bệnh nặng và băng hà khi mới 15 tuổi. Có sách nói rằng vua bị ông Nguyễn Văn Tường đầu độc chết vì vua đã phát hiện ông Nguyễn Văn Tường có tư tình với bà phi Nguyễn Thị Hương (vợ của vua Tự Đức).

7. Vị vua hiếu thảo nhất:

Vua Tự Đức là vị vua hiếu đạo bậc nhất triều Nguyễn. Mẫu hậu là bà Từ Dũ được vua săn sóc, tôn kính, vâng lời hết mực. Bà truyền bảo điều gì đáng lưu tâm thì nhà vua liền ghi ngay vào trong cuốn sách "Từ huấn lục" (sách chép lời Mẹ dạy) để nghiền ngẫm. Bà từng đề nghị giảm thuế cho dân mỗi khi gặp thiên tai, mất mùa, đói kém vua liền nghe theo. Có lần mải mê săn bắt, vua gặp lụt mắc kẹt ở ngoại thành, bà phải sai Nguyễn Tri Phương đi rước. Lúc hồi cung, vua biết tội đã dâng roi cho Mẹ và nằm xuống chờ quở phạt. Xem thế đủ biết vua Tự Đức thờ Mẹ rất chí hiếu.

8. Vua có nhiều bài thơ nhất:

Vua Tự Đức là người uyên thâm nhất về nền học vấn phương Đông, nhất là Nho học và là một người rất sính thơ.
Vua đã để lại cho đời 4000 bài thơ chữ Hán, 100 bài thơ chữ Nôm và 600 bài văn.

9. Người duy nhất không làm vua nhưng có nhiều con trai làm vua nhất:

Kiên Thái Vương Nguyễn Phúc Hồng Cai là em trai của vua Tự Đức, mặc dù không được lên làm vua nhưng ông đã sinh ra được 3 vị vua triều Nguyễn gắn liền với 3 số phận khác nhau: vua Kiến Phúc bị đầu độc chết; vua Hàm Nghi bị bắt đi lưu đày còn vua Đồng Khánh thì ngoan ngoãn làm tay sai cho Pháp. Người dân Huế có câu ca:
"Một nhà sinh được ba vua
Vua còn, vua mất, vua thua chạy dài".

10. Cai trị lãnh thổ rộng nhất:

Vua Minh Mạng tên thật là Nguyễn Phúc Đảm, trị vì đất nước trong 21 năm (1820 - 1840). Dưới thời vua Minh Mạng, triều đình nhà Nguyễn còn cai trị một phần đất phía Đông của nước Lào (Sầm Nưa, Xavannakhet, Kham Keut, Mương Lam, Sam Teu...), lại bỏ việc "bảo hộ" Campuchia đổi thành Trấn Tây thành, nhập vào lãnh thổ nước Đại Nam.

11. Vua có nhiều vợ mà không có con:

Vua Tự Đức có hơn 300 bà vợ nhưng không có một người con nào cả.

12. Có nhiều con nhất:

Nếu tính theo vua thì vua Minh Mạng là người có nhiều con nhất với 142 người con bao gồm 78 hoàng tử và 64 công chúa.
Nếu tính theo chúa thì chúa Nguyễn Phúc Chu là người có nhiều con nhất với 146 người con bao gồm 38 con trai và 108 con gái.

13. Người duy nhất vừa làm chúa, vừa đi tu:

Chúa Nguyễn Phúc Chu (1675 - 1725), tự xưng là Quốc Chúa, sùng bái đạo Phật, lên chùa quy y với pháp danh là Thiên Túng đạo nhân. Trong 34 năm cầm quyền, ông cho quan quân mở đất suốt vùng Ninh Thuận, Bình Thuận và cả Nam Bộ ngày nay.

14. Triều đại có nhiều vị vua bị đày ra nước ngoài nhất:

Nhà Nguyễn có 3 vị vua bị lưu đày nơi đất khách xứ người:
Vua Hàm Nghi tên thật là Nguyễn Phúc Ưng Lịch (1872 - 1943), vua bị đày đi Algeria 47 năm cho đến khi qua đời.
Vua Thành Thái tên thật là Nguyễn Phúc Bửu Lân (1879 - 1954), vua bị đày sang đảo Réunion bên châu Phi trong 31 năm rồi sau đó bị quản thúc tại Sài Gòn cho đến khi mất mà chỉ có 1 lần duy nhất được về thăm Huế.
Vua Duy Tân tên thật là Nguyễn Phúc Vĩnh San (1900 - 1945), vua bị đày sang đảo Réunion từ năm 1916 đến khi chết trong một vụ "tai nạn" máy bay rất đáng ngờ vào năm 1945.

15. Triều đại có nhiều vụ khước từ, trốn tránh làm vua nhất:

Năm 1883, sau khi vua Dục Đức bị truất phế, các quan đi đón hoàng tử Nguyễn Phúc Hồng Dật (1846 - 1883) lên ngai vàng. Ông này vội chối từ: "Tôi tư chất tầm thường, không đảm đương nổi việc nước".
Cuối năm 1883, lính mang võng rước hoàng tử Nguyễn Phúc Ưng Đăng về nhận ngai vàng, ông này run rẩy thưa:
"Ta còn bé, sợ không gánh vác nổi";.
Sáu năm sau, các quan lại đi tìm bắt hoàng tử Nguyễn Phúc Bửu Lân về làm vua, ông này hét lên sợ hãi: "Các ông mần chi rứa? Bắt tui à? Các ông đợi Mẹ tui về đã!". Lát sau Mẹ hoàng tử Bửu Lân về, bà òa lên khóc, gào thét: "Lạy các quan! Xin các quan tha cho mẹ con tui!".

16. Vua duy nhất bắt kiêng tên con dâu:

Thường thì các vua bắt kiêng tên của mình, riêng vua Nguyễn Ánh bắt kiêng thêm tên Hoa của cô con dâu 16 tuổi (tức Hồ Thị Hoa, vợ đầu của Nguyễn Phúc Đảm, sau này lên ngôi lấy hiệu là Minh Mạng). Do đó, chợ Đông Hoa (Huế) phải đổi thành chợ Đông Ba, cầu Hoa (Gia Định) phải đổi thành cầu Bông, trấn Thanh Hoa phải đổi thành tỉnh Thanh Hóa, ngay cả đến vai tuồng Phàn Lê Hoa cũng bị đổi là Phàn Lê Huê.

17. Vua sống nhiều năm ở nước ngoài nhất:

Vua Bảo Đại tên thật là Nguyễn Phúc Vĩnh Thụy (1913 - 1997), là người giữ kỷ lục sống nhiều năm ở nước ngoài nhất. Thuở bé ở Pháp 15 năm, về nước lên ngôi vua rồi tiếp tục sang Pháp học thêm 7 năm; năm 1938 bị bắn gãy chân phải sang Pháp chữa trị 1 năm; năm 1945 thoái vị rồi sang Hồng Kông lánh đời 3 năm. Ông làm Quốc trưởng cho Pháp (1950 - 1954) rồi bị Ngô Đình Diệm truất phế. Sau đó ông tiếp tục sang Pháp sinh sống thêm 43 năm nữa.
Tổng cộng vua Bảo Đại sinh sống ở nước ngoài 69 năm.

18. Vị vua thân Tây và nịnh Tây nhất:

Vua Đồng Khánh tên thật là Nguyễn Phúc Ưng Đường, lúc 2 tuổi được vua Tự Đức nhận làm con nuôi, 21 tuổi lên ngôi vua. Việc đầu tiên là ông ra ngay 3 đạo dụ phong cho 3 quan Tây làm "Bảo hộ quân vương"; "Bảo hộ công" và "Dực quốc công". Mọi sự lớn nhỏ đều nhất nhất nghe theo lệnh Tây, đích thân ông ra lệnh trong cung vứt hết rượu ta, chỉ uống rượu Tây, ăn pho mát. Ông ở ngôi được 3 năm thì lâm trọng bệnh rồi băng hà.

19. Vị vua bị vu oan nhất:

Vua Thành Thái lên ngôi đúng vào ngày mồng 1 Tết Âm lịch (Dương lịch là ngày 31/01/1889). Ông là vua duy nhất bị Pháp vu cáo là "điên rồ" khi cho huấn luyện bí mật một đội quân nữ binh trong Hoàng thành. Ông bị Pháp bắt đi đày ở châu Phi và chết trong nghèo khổ tại Sài Gòn.


.......sưu tầm.......