Ý NGHĨA CỦA MỘT SỐ ĐỊA DANH Ở SÀI GÒN - Phần 2

Lăng Ông Bà Chiểu 
Lăng Ông Bà Chiểu hay còn gọi là Lăng Ông, là cách gọi phổ biến của người dân địa phương đối với miếu Thượng Công, nơi thờ Đức Thượng Công, danh xưng dân gian phong cho Tả quân Lê Văn Duyệt.

Lăng nằm ngay khu vực ngã ba Bà Chiểu, xưa thuộc làng Hoà Bình, tỉnh Gia Định, nên nhắc đến Lăng Ông thường đi đôi với địa danh Bà Chiểu. Ngày nay, khu lăng mộ với diện tích còn lại khoảng 18.500 m2 toạ lạc uy nghi giữa giao điểm của bốn con đường thuộc khu vực quận Bình Thạnh, Tp. Hồ Chí Minh. Xung quanh có thêm khuôn viên thoáng đãng, xanh mát mở ra một không gian sinh hoạt công cộng lí tưởng dành cho người dân.

Cổng lăng trổ ra bốn hướng, phía Nam là cổng lớn Tam Quan nổi tiếng với 4 chữ Hán “Thượng Công Miếu” khắc nổi ở bên trên. Cổng lớn này một thời được chọn làm hình ảnh biểu tượng của đất Sài Gòn - Gia Định.

Trong hình ảnh có thể có: ngoài trời và văn bản

Lăng nằm trên một gò đất cao hình lưng rùa, được cho là vị thế “đắc địa”. Theo quan niệm địa lí Đông phương học, nơi được chọn đặt âm phần của quan Tổng trấn nằm vào long mạch, hợp với “địa linh nhân kiệt”, vì thế sẽ mang lại tài lộc, sự an lạc đời đời cho dân chúng cư ngụ trong vùng.

Lăng Tả quân Lê Văn Duyệt được xây cất vào năm 1832 ngay sau khi ông qua đời. Năm Tự Đức thứ 2 (1849), nhà vua cho thực hiện một cuộc trùng tu lớn, lập thêm miếu thờ, cấp đất tu sửa cả khu hoàn chỉnh như ngày nay.

Gần hai thế kỉ trôi qua với nhiều lần tu sửa và tôn tạo, quần thể Lăng Ông được gìn giữ bao gồm cả miếu thờ Ông lẫn lăng mộ, nơi mà bá tánh quen gọi là mộ “song hồn”, vì bên cạnh mộ ông có thêm mộ bà Đỗ Thị Phận, vị chánh thất phu nhân của Tả quân. Cách xa nơi ông bà nằm vẫn còn mộ hai cô hầu cũng được liệt vào hàng cổ tích. Ngôi mộ song hồn xây theo hình nửa quả trứng lật úp nằm trên hai tấm liếp, đây là phần kiến trúc cổ kính nhất của toàn cảnh Lăng Ông.

Khu miếu thờ thoạt nhìn giống một ngôi chùa Trung Hoa, nhưng thực tế miếu được dựng theo cấu trúc đình Nam Bộ, khung nhà ba gian bao gồm tiền điện, trung điện và chánh điện, mỗi gian điện thờ cách nhau bằng một sân thiên tỉnh (giếng trời). Đối xứng hai bên trục nhà chính là hai dãy Đông lang và Tây lang. Công trình mang dấu ấn của kiến trúc triều đình Nguyễn ở Huế với những vật liệu như gỗ gạch, vôi vữa… Vật liệu cũng như kĩ thuật kết cấu đều kế thừa kiến trúc cổ truyền Việt Nam, đồng thời có sự cách tân tạo nên độ vững vàng, hài hoà, thích ứng với khí hậu nhiệt đới phương Nam.

Từ lâu hình tượng Tả quân Lê Văn Duyệt đã đi vào tâm thức của người dân Gia Định và miền Nam nước Việt. Dân gian coi ông như một vị thần nên các nghi thức tưởng nhớ ông đã trở thành hoạt động tín ngưỡng dân gian. Vì thế, hàng năm, dân chúng vẫn thường tổ chức ngày lễ giỗ Đức Thượng Công và lễ khai ấn đầu năm để tưởng nhớ đến công lao của ông.

Cho đến nay, lịch sử tuy vẫn có những góc nhìn khác nhau về cuộc đời Lê Văn Duyệt, nhưng công lao của ông trong việc tạo dựng nên một vùng thành Gia Định tấp nập và hưng thịnh thuở xưa thì ai ai cũng phải kính nể. Trải qua bao nhiêu thăng trầm của thời cuộc, “Thượng Công miếu” vẫn sừng sững uy nghiêm minh chứng cho một thời kì mở cõi hào hùng của dân tộc.


Thủ Thiêm
Thủ Thiêm xưa là khu vực phường Thủ Thiêm, quận 2 hiện nay. Địa hình vùng này trũng nên giao thông đường bộ không thuận lợi mà chỉ phát triển giao thông đường thủy. Vì thế từ lâu đã có câu hát:

Bắp non mà nướng nửa lò
Đố ai ve được con đò Thủ Thiêm


Địa hình trũng cũng là môi trường thuận lợi cho bàng, năn, lác … phát triển. Bàng là nguyên liệu quan trọng cho nghề đươn đệm, đặc biệt là đươn đệm buồn dùng cho ghe trên sông. Ở khu vực quận 1 nay, vào thời chúa Nguyễn có một xóm Đệm Buồm, vì thế mà có câu hát:

Ngõ lên trên chợ Thủ Thiêm
Thấy em đươn đệm giắt ghim trên đầu

Nhưng tại sao có tên Thủ Thiêm? Ở Nam Bộ có nhiều địa danh được cấu tạo theo công thức: thủ + tên người, như Thủ Thừa là ông thủ ngự tên Mai Tự Thừa (Long An), Thủ Đức là ông thủ ngự tên Đức. Thủ Thiêm là ông quan tên Thiêm làm chức thủ ngự.

Trong hình ảnh có thể có: đêm và văn bản

Theo Đại Nam Quốc Âm Tự Vị của Huỳnh Tịnh Của thì trại thủ là trại của làng lập ra để giữ trên bộ, còn phần thủ thì canh giữ đường sông. Vậy đây chính là phần thủ canh giữ đường sông Bến Nghé.


Bến Nghé
Địa danh Bến Nghé xuất hiện khá sớm, ban đầu là tên của một bến nước, sau chỉ một con rạch, cuối cùng dùng chỉ một địa phương (vùng trung tâm thành phố Hồ Chí Minh hiện nay).
Có 2 cách hiểu địa danh này:
- Theo phó bảng Nguyễn Văn Siêu trong cuốn Phương đình dư địa chí (1882). “Tục truyền sông này nhiều cá sấu, từng đàn đuổi nhau kêu gầm như tiếng trâu kêu, cho nên gọi là Ngưu Hống (Ngưu là trâu, hống là rống).
- Nhà địa danh học Lê Trung Hoa lại cho Bến Nghé là cái bến mà “người ta thường cho trâu, bò ra tắm” vì có nhiều địa danh cấu tạo bằng “bến + tên thú” như rạch Bến Nghé (Nhà Bè), rạch Bến Tượng (Sông Bé) … (Địa danh thành phố Hồ Chí Minh – Nhà xuất bản Khoa học xã hội, Hà Nội, 1991, trang 62). Bến Nghé có lúc còn được gọi là Bến Trâu (trong bài Gia Định thất thủ vịnh).

Trong hình ảnh có thể có: văn bản

Ngã tư Bảy Hiền
Nút giao thông với tên gọi thân quen thuộc phường 4 (quận Tân Bình, TP. HCM). Đây là điểm giao thông nối các tuyến đường Cách Mạng Tháng Tám, Trường Chinh, Lý Thường Kiệt và Hoàng Văn Thụ. 
Trong hình ảnh có thể có: văn bản và ngoài trời

Tên gọi Bảy Hiền được đặt cho ngã tư này từ một nhân vật sống lâu năm ở đây. Theo sách "Người Quảng Nam" tại khu vực ngã tư này có ông già chuyên bán cà phê "cóc" tên là Hiền, là con thứ Bảy trong gia đình, nên người ta hay gọi xã giao thường ngày là Bảy Hiền. Được biết, người này từng cai quản các đồn điền cao su của Nam Phương hoàng hậu (hoàng hậu của vua Bảo Đại).
Theo tư liệu cũ, vào khoảng năm 1940 người Sài Gòn xưa vẫn hay gọi "ngã tư ông Bảy Hiền" để cho dễ nhớ mỗi khi muốn đi qua đây. Về sau, cái tên quá dài nên dần dần từ "ông" mất chỉ còn "ngã tư Bảy Hiền". Sau này, nguyên khu vực quanh ngã tư được gọi thành "Bảy Hiền".

Trước năm 1954, khu vực này vẫn còn là vùng ngoại ô của Sài Gòn, bao gồm một đồn điền cao su và những cánh đồng lúa chạy kéo dài lên tận Tây Ninh. Sau năm 1954, người dân Quảng Nam vào đây lập nghiệp ngày càng nhiều hơn với nghề dệt và từ đó phát triển đến bây giờ.


Kênh Tàu Hủ
Với tổng chiều dài 22km, vắt ngang giữa TP.HCM và trải dài trên địa bàn 8 quận huyện, kênh Tàu Hủ khiến không ít người thắc mắc về nguồn gốc cái tên “nghe thôi đã thèm” trong khi quanh khu vực này không hề có truyền thống làm tàu hủ?
Theo học giả Trương Vĩnh Ký (viết năm 1885) và Huỳnh Tịnh Của (viết cuối thế kỷ 19), thì đoạn phố đi ngang qua rạch Chợ Lớn được gọi là Tàu Khậu, đó là cách người Triều Châu phát âm từ “thổ khố” (khu nhà gạch), sau trại âm thành Tàu Hủ. Tuy nhiên, cũng có ý kiến cho rằng, nhìn kinh nước đen và những “món phụ gia” trôi nổi trên ấy, rất hôi thối, mà người dân liên tưởng đến tương chao, tàu hủ cho có phần… thi vị, nên gọi như vậy.

Trong hình ảnh có thể có: văn bản, ngoài trời và thiên nhiên

Kênh Tàu Hủ chưa bao giờ mang vẻ đẹp thơ mộng làm say đắm người nhìn, nhưng nó vẫn nằm sâu trong tiềm thức của người Sài Gòn với hình ảnh thuyền lớn thuyến nhỏ buôn bán tấp nập và cả một giai đoạn lịch sử đặc biệt .

Nguồn Facebook Minh Ho