Chào các bạn thân mến. Gần nhà tôi ở Hà Nội có một gia đình chuyên làm bánh bao đã 19-20 năm nay. Họ có một xưởng bánh bao qui mô vừa phải. Từ nhiều năm nay, bánh bao họ làm đã trở thành nổi tiếng Hà Nội. Nhưng có lẽ vì không có nhu cầu “quyết liệt” làm giàu và làm giàu bằng mọi giá, nên không thấy họ “pha loãng” chất lượng, nâng giá hoặc bán thương hiệu.
Bánh bao của gia đình này có trọng lượng chuẩn khoảng 150gr, làm từ bột mỳ chất lượng cao, ít ngọt hơn bánh bao Trung Quốc hoặc miền Nam, thịt đầy đặn và giá từ 2000-8000 đồng.
Giá bánh chay là 2000 đồng, bánh mặn hai trứng cút là 6000 và bánh lạp xường, trứng mặn là 7000 đồng tương ứng. Nhiều dịp bánh bao của gia đình này đã trở thành món quà tôi mời bạn bè trong ngoài nước. Tất cả đều rất thích.
Gia đình này thường mở cửa bán hàng từ 5.30 đến 21.30, bán lẻ và bán buôn đồng giá. Theo quan sát của tôi, có khoảng vài chục người là khách mua buôn (hàng trăm chiếc trở lên) của họ. Nghĩa là gia đình này đã gián tiếp tạo công ăn việc làm cho hàng trăm người khác, vì giá bán lẻ bánh bao ở Hà Nội phổ biến là khoảng 10-12.000 VN đồng.
Tôi chưa bao giờ nghe điều tiếng gì về chất lượng bánh bao của họ, về quan hệ với bà con trong phố, với chính quyền và phòng thuế.
Có thể nói gia đình làm bánh bao này, là một chuẩn mực về đạo đức nghề nghiệp, về tư cách công dân. Việc họ giữ được ổn định giá bán trong một thời gian rất dài, trải qua hàng chục vụ dịch tả lợn và thất thu lúa mỳ toàn cầu, là một đóng góp cho xã hội đáng nể trọng và ngưỡng mộ.
Đồng thời chắc chắn họ đã phải thường xuyên cố gắng cải tiến qui trình, tăng năng suất, ổn định chi phí đầu vào. Những điều chưa nhiều người Việt Nam làm được. Mà hình như càng những người có học thức và địa vị xã hội cao, lại càng khó làm.
Chẳng hạn, điều này có thể nhận biết qua việc đào tạo ThS và TS, ngày càng trở thành đại trà ở Việt Nam. Có hẳn những địa chỉ “danh tiếng” như Học viện Khoa học Xã hội, một “lồng ấp”với công suất một TS/ngày.
Đồng thời trong những năm gần đây, hình như nhiều đại học ở các địa phương cũng đã hoàn tất quy trình “lồng ấp” TS khép kín của mình, nên không còn thường xuyên cần đến sự tham gia của các nhà khoa học Hà Nội và Sài Gòn nữa.
Theo các thồng kê chính thức. Số lượng công bố ISI của các ngành Khoa học Xã hội Việt Nam trong năm 2018 (tính đến ngày 28/10/2018) là 487 bài (xếp thứ 49 trên thế giới). Số lượng này kém hơn Singapore 3.58 lần với 1.746 bài (đứng thứ 30 trên thế giới). Malaysia với 1.038 công bố (xếp thứ 37 thế giới). Thái Lan xếp trên Việt Nam 4 bậc ( thứ 45 thế giới) (Bảng 1). Nếu xét đến con số 95 triệu dân, kết quả của Việt Nam rất khiêm tốn.
Cũng theo công bố này từ 2015 đến nay, số lượt trích dẫn các công bố ISI thuộc danh mục khoa học xã hội, Việt Nam có xu hướng giảm dần. Cụ thể, nếu năm 2015 có tới 6.800 trích dẫn thì năm 2016 chỉ có 3.769, năm 2017 chỉ còn là 1425 (thấp hơn Singapore, Malaysia, Indonesia).
Phải chăng các vấn đề mọi mặt của Việt Nam như một "mảnh đất chưa cày xới” có giá trị thông tin tư liệu lớn đối với thế giới, một “kho” nguyên liệu để các khoa học xã hội Việt Nam “chế biến” đã cạn dần. Còn các vẫn đề chung của thế giới thì chưa đủ tầm với, nên gần đây dù tay nghề “bếp núc” của các nhà khoa học xã hội Việt Nam có lên, nhưng vẫn hụt hơi. Đồng thời Việt Nam cũng chưa có tạp chí khoa học xã hội nào đạt chuẩn ISI hoặc Scopus.
Vì vậy, tiếng nói của khoa học xã hội Việt Nam rất kém trọng lượng trong nhiều vấn đề chính trị xã hội quốc tế. Chẳng hạn, như đề tài Biển Đông. Theo một khảo sát của TS Phạm Văn Phúc, phần lớn (90%) các tạp chí đạt chuẩn Scopus công bố nhiều về đề tài này có xuất xứ Trung Quốc.
Cụ thể, top 3 các nước có nhiều công bố khoa học quốc tế nhất về đề tài Biển Đông, bao gồm Trung Quốc có 8.647 bài, Mỹ có 2139 bài và Đài Loan 1070 bài. Về đề tài này, trong top 10 về số lượng công bố quốc tế, không có Việt Nam.
Ngoài ra, Trung Quốc còn những cơ sở nghiên cứu khoa học xã hội hàng đầu thế giới như Đại học Bắc Kinh hay Viện Khoa học xã hội Trung Quốc (Chinese Academy of Social Sciences), được tạp chí Mỹ Foreign Policy đánh giá là Think Tanks số một Châu Á.
Trong thực tế cuộc sống ở Việt Nam, có vô số vấn đề, mà khoa học xã hội Việt Nam chưa có đáp án tương xứng. Chẳng hạn, để chống thất thu thuế, hiện đang có chủ trương “đôn” đại trà các hộ kinh doanh cá thể lên thành doanh nghiệp tư nhân, Tuy nhiên liệu có những nghiên cứu kinh tế xã hội nghiêm túc nào làm cơ sở cho chủ trương này không? Hay đó chỉ là những quyết định hành chính thể hiện ý chí chính trị.
Theo ông Lê Duy Bình Giám đốc Economica Viet Nam, hiện nay, có hơn 5 triệu hộ kinh doanh (bao gồm 1,6 triệu hộ kinh doanh có đăng ký) đang hoạt động yên ổn với việc việc đăng ký tại cấp huyện. Việc buộc các hộ kinh doanh phải đăng ký theo Luật Doanh nghiệp sẽ khiến hàng triệu hộ phải đi đến trung tâm tỉnh, thành phố để đăng ký lại. Các hộ kinh doanh sẽ mất hàng ngàn tỷ đông chi phí và vô số ngày công, mà chưa rõ lợi ích.
Ở Việt Nam cũng như tất cả các nơi khác trên thế giới, sở dĩ người dân ưa thích mô hình hộ kinh doanh cá thể, vì đăng ký dễ dàng, thủ tục đơn giản và có thể đăng ký ngay tại cơ quan chính quyền cấp huyện, thị xã. Các quy định về chế độ kế toán, sổ sách hết sức đơn giản. Hộ kinh doanh không bị ràng buộc chặt chẽ bởi các quy định và yêu cầu về bảo hiểm xã hội, ngành nghề kinh doanh có điều kiện, …
Đối với các hộ kinh doanh cá thể việc áp dụng thuế khoán và mức thuế tương đối thấp, là điều rất quan trọng. Đối với họ, hình thức quản lý kinh doanh này có ích lợi rõ ràng, dễ thấy. Đồng thời, đây cũng là hình thức kinh doanh với chi phí thấp và thuận tiện nhất đối với người khởi nghiệp kinh doanh.
Theo tính toán của ông Lê Duy Bình và cộng sự, một hộ kinh doanh cá thể có khoảng 10 lao động, khi đăng ký theo Luật Doanh nghiệp, họ lập tức sẽ phải chi trả chi phí tuân thủ chính thức là 183 triệu/năm, kể cả khi theo hình thức doanh nghiệp tư nhân (doanh nghiệp một chủ).
Điểm bất cập của Luật doanh nghiệp hiện nay, là đang bắt buộc các doanh nghiệp tư nhân (một chủ) phải tuân thủ tất cả các quy định về chế độ báo cáo, thủ tục nộp thuế, thủ tục bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế... giống hệt như công ty cổ phần hay công ty trách nhiệm hữu hạn có hàng chục, hàng trăm lao động.
Do phải hình thành bộ máy quản trị, kế toán như các công ty chính thức, chi phí phát sinh rất lớn, mà hiệu quả lại thấp. Thực tiễn kinh doanh ở Nga cho thấy, cách làm như vậy của chính quyền, có thể lập tức đẩy hơn 50% hộ kinh doanh cá thể, vào khu vực hoạt động kinh doanh chui (đen) hoặc lậu (xám). Trên mảnh đất "màu mỡ" này, "hoa" tham nhũng hối lộ nở rộ (đặc biệt trong hàng ngũ cảnh sát, thuế vụ, quan chức địa phương). Kết quả là nhà nước tiền mất (càng thất thu thuế hơn), và quốc gia tật mang.
Ông Lê Duy Bình cho biết “Phải tuân thủ nguyên tắc thị trường, tôn trọng quyền tự do kinh doanh, tự do lựa chọn hình thức kinh doanh của người dân. Với vai trò kiến tạo, Nhà nước nên lựa chọn các giải pháp chính sách phù hợp với thị trường, với thông lệ quốc tế để điều chỉnh hành vi của doanh nghiệp, của người dân. Hơn là đưa ra các quyết định mang tính bắt buộc, cưỡng ép và có thể gây tổn hại tới hoạt động bình thường của hàng triệu cơ sở kinh doanh và hàng triệu người lao động ở khu vực hộ kinh doanh cá thể”.
Vừa qua 04/04/2019, Phòng Thương mại và công nghiệp Việt Nam (VCCI) đã tổ chức Toạ đàm nghiên cứu khuôn khổ pháp lý cho hộ kinh doanh theo Luật doanh nghiệp. Cuộc bàn thảo, tranh luận vẫn đang tiếp diễn chưa có hồi kết. Rõ ràng điều này cho thấy, đằng sau chủ trương “doanh nghiệp hóa” đại trà các hộ kinh doanh cá thể, chưa có những nghiên cứu kinh tế xã hội định lượng đầy đủ nghiêm túc. Hy vọng là ý kiến của các chuyên gia sẽ được lắng nghe, để có một khung pháp lý phù hợp cho các hộ kinh doanh cá thể.
Đồng thời, về quan hệ nhà nước và thị trường, không thể không tán thành ý kiến của TS Nguyễn Đình Cung "Nhà nước không làm thay thị trường và không làm thay người dân trong quan hệ dân sự. Nhà nước không bao cấp rủi ro cho doanh nghiệp, nhưng cũng không tạo ra những rủi ro cho doanh nghiệp bằng các quyết định hành chính của mình”.
Tôi xin phép trao đổi về một trường hợp điển hình khác, của ý chí chính trị áp đảo và sự bất cập của khoa học xã hội. Đó là kế hoạch Việt Nam trở thành quốc gia công nghiệp hóa (CNH) vào năm 2020. Một kế hoạch mà ngay từ đầu, đã có thể thấy là không khả thi, căn cứ vào mô hình phân tầng xã hội ở Việt Nam. Trong trường hợp này, có vẻ ý kiến chuyên gia đã không được lắng nghe. Kết quả là nguồn lực quốc gia bị phân tán, thất thoát (Vinashin, Vinaline và nhiều dự án, nhiều DNNN khác đang là “gánh nợ” quốc gia).
Để làm rõ hơn vấn đề, tôi xin phép giới thiệu một vài số liệu điều tra xã hội học, trích từ tác phẩm “Phân tầng xã hội và di động xã hội ở Việt Nam hiện nay” của TS Đỗ Thiên Kính vừa ra mắt bạn đọc 08/2018. Những số liệu này cho phép dễ hình dung hơn, hiện trạng phân tầng xã hội ở một vài khu vực và tỉnh thành Việt Nam.
Năm 2014, tỷ lệ phần trăm (%) dân số các tấng lớp xã hội ở Sài Gòn, Hà Nội, Đông Nam Bộ (ĐNB) và trung bình ở cả Việt Nam như sau:
-Lãnh đạo: Sài Gòn (0,1), Hà Nội (1,3), ĐNB (0,3), trung bình ở Việt Nam (0,6).
-Doanh nhân: Sài Gòn (2,1), Hà Nội (1,3), ĐNB (1,3), trung bình ở Việt Nam (0,6).
-Chuyên môn cao: Sài Gòn (18,2), Hà Nội (17,1), ĐNB (10,5), trung bình ở Việt Nam (5,4).
-Nhân viên: Sài Gòn (10,9), Hà Nội (6,4), ĐNB (8,3), trung bình ở Việt Nam (5,1).
-Công nhân: Sài Gòn (18,6), Hà Nội (5,8), ĐNB (13,8), trung bình ở Việt Nam (5,8).
-Buôn bán dịch vụ: Sài Gòn (26,1), Hà Nội (17,6), ĐNB (19,4), trung bình ở Việt Nam (13.6).
-Tiểu thủ công nghiệp: Sài Gòn (13,6), Nội (20,5), ĐNB (13,7), trung bình ở Việt Nam (13.6).
- Lao động giản đơn: Sài Gòn (8,3), Hà Nội (6,8), ĐNB (12,5), trung bình ở Việt Nam (9,7).
- Nông dân: Sài Gòn (2,5), Hà Nội (23,2), ĐNB (20,8), trung bình ở Việt Nam (45,6).
-Lãnh đạo: Sài Gòn (0,1), Hà Nội (1,3), ĐNB (0,3), trung bình ở Việt Nam (0,6).
-Doanh nhân: Sài Gòn (2,1), Hà Nội (1,3), ĐNB (1,3), trung bình ở Việt Nam (0,6).
-Chuyên môn cao: Sài Gòn (18,2), Hà Nội (17,1), ĐNB (10,5), trung bình ở Việt Nam (5,4).
-Nhân viên: Sài Gòn (10,9), Hà Nội (6,4), ĐNB (8,3), trung bình ở Việt Nam (5,1).
-Công nhân: Sài Gòn (18,6), Hà Nội (5,8), ĐNB (13,8), trung bình ở Việt Nam (5,8).
-Buôn bán dịch vụ: Sài Gòn (26,1), Hà Nội (17,6), ĐNB (19,4), trung bình ở Việt Nam (13.6).
-Tiểu thủ công nghiệp: Sài Gòn (13,6), Nội (20,5), ĐNB (13,7), trung bình ở Việt Nam (13.6).
- Lao động giản đơn: Sài Gòn (8,3), Hà Nội (6,8), ĐNB (12,5), trung bình ở Việt Nam (9,7).
- Nông dân: Sài Gòn (2,5), Hà Nội (23,2), ĐNB (20,8), trung bình ở Việt Nam (45,6).
Những số liệu thống kê xã hội học này, trực tiếp chỉ cho chúng ta thấy tương lai công nghiệp hóa (CNH), tương lai đô thị hóa, và biến thiên của tỷ lệ tầng lớp trung lưu Việt Nam.
Theo phân loại của nhà xã hội học Mỹ H. Chenery, mức độ CNH của một quốc gia phụ thuộc chủ yếu vào tỷ lệ nông dân trong xã hội. Giai đoạn tiền CNH, tỷ lệ này là trên 60%, khởi đầu CNH là 60-45%, phát triển CNH là 45-30%, hoàn thiện CNH là 30-10% và hậu CNH là dưới 10%.
Năm 1992, khi Việt Nam ở thời ký đầu đổi mới, tỷ lệ nông dân trong xã hội Việt Nam còn là 70%. Sau 30 năm đổi mới (1986-2014), Việt Nam mới đang bước vào cuối kỳ của giai đoạn khởi đầu CNH (tỷ lệ nông dân vẫn là 45%). Hiện nay, ở Việt Nam nói chung, tốc độ giảm tỷ lệ nông dân là 1%/năm. Theo dự đoán của TS Đỗ Thiên Kính và các cộng sự, nhiều phần là Việt Nam sẽ chỉ hoàn thiện CNH vào khoảng 2040.
Đồng thời, cũng có thể thấy rằng, mô hình phân tầng xã hội hiện có ở miền Đông Nam Bộ và Hà Nội, có thể sẽ chính là mô hình phân tầng xã hội và mức độ CNH của cả Việt Nam trong tương lai năm 2040. Còn về phương diện này, Sài Gòn như chúng ta thấy, hiện nay đã tiến rất xa nhiều năm về tương lai phía trước.
Rõ ràng qua một thông số kinh tế xã hội cụ thể nhưng tổng hợp, có thể thấy là việc tập trung đầu tư hạ tầng cơ sở cho Sài Gòn và Đông Nam Bộ, đồng bằng sông Cửu Long, bằng mức của Hà Nội và đồng bằng sông Hồng, có thể tạo đột phá tăng trưởng kinh tế cho cả nước Việt nam.
PS. Phải chăng sự bất hợp lý trong phân bố nguồn lực xã hội, khi nguồn lực xã hội không được tập trung vào những khu vực có tiềm năng sử dụng hiệu quả nhất, như khu vực kinh tế tư nhân, khu vực Sài Gòn, Đông Nam Bộ, các trường dậy nghề (để nâng cao chất lượng lao động hiện đang rất thấp), … là một trong những nguyên nhân chính dẫn đến việc Việt Nam khó phát triển bền vững và tụt hậu.
Mô hình đào tạo nhân lực hình tháp ngược, dẫn đến việc cử nhân thất nghiệp hàng loạt, “thừa thầy, thiếu thợ”. Đào tạo ThS, TS khoa học xã hội đại trà tuy rất tốn kém (tiền cá nhân cũng thuộc nguồn lực chung xã hội), nhưng chỉ có giá trị nội địa Việt Nam và ở khu vực nhà nước. Hiện nay, lực lượng này cũng không có khả năng góp phần đáng kể vào tăng năng suất lao động và năng lực cạnh tranh quốc gia.
Qua kinh nghiệm thực tế và quan sát cá nhân, tôi thấy trong quá trình hội nhập và trở thành công dân toàn cầu, thành viên hộ kinh doanh cá thể làm bánh bao mà tôi kể ở trên, những người có nghề nghiệp tinh thông và đạo đức nghề nghiệp vững vàng, chắc chắn có nhiều ưu thế hơn hẳn, so với phần lớn (tất nhiên không phải tất cả) các bạn từ các “lò ấp” ThS, TS ở Việt Nam.
Đồng thời, so với Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan, Singapore trước đây, Trung Quốc gần đây và thậm chí cả Lào hiện nay, Việt Nam kém hơn nhiều về khả năng tận dụng ưu thế NGƯỜI ĐI SAU. Mong tất cả các bạn cùng trao đổi thêm. Rất cảm ơn.
PS. Dưới đây là một vài số liệu (2018) của tạp chí Nature về công bố khoa học quốc tế (tất cả các loại) chuẩn ISI và Scopus của các cường quốc khoa học hàng đầu (Biểu đồ 1) và tốc độ tăng trưởng công bố khoa học quốc tế của những quốc gia tiến bộ nhanh nhất (Biểu đồ 2).