HƯNG YÊN

Hưng Yên là tỉnh nằm ở trung tâm đồng bằng Bắc bộ, Bắc giáp Bắc Ninh, phía Đông giáp Hải Dương, Đông Nam giáp Thái Bình, Tây và Tây Bắc giáp Hà Tây và Hà Nội, phía Nam và Tây Nam giáp Hà Nam, được thành lập dưới thời vua Minh Mạng (1831). Với diện tích 889km2, dân số khoảng 1.068.705 người (1/4/1999), thủ phủ là thị xã Hưng Yên, được tách từ tỉnh Hải Hưng năm 1995. Hưng Yên có khí hậu nhiệt đới gió mùa, chia làm hai mùa: mùa nóng và mùa lạnh. Nhiệt độ trung bình năm khoảng 23oC. Địa hình của tỉnh tương đối bằng phẳng, nhiều sông hồ, vì vậy mà giao thông đường bộ, đường sông, đường sắt đều thuận lợi.
Hưng Yên có di tích Phố Hiến, một thương cảng sầm uất từ thế kỷ 17 “Nhất Kinh kì, nhì Phố Hiến”. Nhiều di tích lịch sử văn hoá độc đáo như chùa Kim Chung, đình Nam Hiến… đặc biệt có nhãn lồng là loại cây đặc sản nổi tiếng, từng là loại quả quí để tiến vua. Hưng Yên cũng là một trong những địa bàn cư trú của người Việt cổ. Các nhà khảo cổ học đã phát hiện ra mộ thuyền ở Từ Lạc, rìu rồng, trống đồng của người Lạc Việt. Hưng Yên còn là quê hương của nhiều danh nhân văn hóa, anh hùng dân tộc và đây cũng là vùng đất phát sinh và bảo tồn vốn văn hoá dân gian đặc sắc của Việt Nam như: Hát xẩm, Hát ả đào, Hát chèo…

Phố Hiến

Theo sử sách ghi lại, vào cuối thế kỉ 17, nước ta có 12 cửa biển buôn bán với nước ngoài, trong đó ở
miền Bắc có Phố Hiến (Hưng Yên) và miền Nam có Hội An (Quảng Nam) là hai thương cảng sầm uất hơn cả. Hồi đó người ta có câu ngạn ngữ: “Thứ nhất Kinh kỳ, thứ nhì Phố Hiến”.
Thời đó ở Phố Hiến có tới 2000 nhà xây bằng gạch. Nhà cửa, phố xá mọc san sát ở hai bên bờ sông.
Ngoài người Trung Quốc, ở đây còn có người Bồ Đào Nha, người Hà Lan, người Pháp tới lập thương
điếm. Công ty Ấn Độ của người Anh cũng tới đặt chi nhánh ở Phố Hiến. Các mặt hàng xuất nhập khẩu qua Phố Hiến cũng tương tự như ở Hội An. Thời kỳ phồn vinh của Phố Hiến cũng không quá trên dưới một thế kỉ vì thời đó theo sau những thương nhân người châu Âu là các giáo sĩ truyền đạo. Họ vừa truyền đạo vừa dò la tin tức để chuẩn bị cho cuộc xâm lăng, mở rộng thuộc địa. Vì lẽ đó, năm 1696, vua Lê đã đuổi Giám mục ngưởi Pháp và nhiều Linh mục Bồ Đào Nha ra khỏi kinh kỳ. Năm 1700, triều đình ra lệnh trục xuất những người Châu Au ở Phố Hiến. Theo các thư tịch thì Phố Hiến ngày đó được xây dựng ở phía Nam thị xã Hưng Yên ngày nay. Thị xã này mãi tới năm 1831 mới được thành lập, còn Phố Hiến đã có từ thời vua Lê Quang Hưng (1578-1599). Ngày nay Phố Hiến đã đi vào dĩ vãng, không còn để lại những dãy phố cổ, ngôi nhà xưa, ngoài hai ngôi chùa, hai ngôi đền và môt số văn bia, mộ cổ mà vừa qua được Nhà nước công nhận là những di tích lịch sử thuộc vào quần thể Phố Hiến.

Nhãn lồng Hưng Yên

Ở Hưng Yên có một giống nhãn lồng nổi tiếng, quả to gần bằng quả vải thiều hoặc bằng quả táo thiện
phiến, hạt của nó chỉ nhỏ bằng hạt bắp. Cùi nhãn dày, ngọt lịm, cắn vào là ngập răng.
Vì sao có tên là nhãn lồng? Các cụ già ở vùng này giải thích rằng: Những cây nhãn có quả ngon ngọt xưa kia đều bị các quan chức ghi vào sổ và đến mùa thu hoạch (tháng 6 âm lịch), họ sai lính đến hái quả để dâng vua. Nhà nào không bảo quản cẩn thận để dơi ăn mất thì bị trị tội. Do đó, những chùm quả đều được bảo vệ bằng một chiếc lồng, nếu không chỉ cần một đêm là dơi sẽ ăn sạch. Những chiếc lồng này thường làm bằng tre rất công phu, làm sao lồng kín mà lại nhẹ.
Nói là nhãn lồng Hưng Yên, nhưng ngon nhất vẫn là nhãn huyện Tiên Lữ, trong đó nổi tiếng nhất là nhãn Phố Hiến. Nhãn ra quả hàng năm, song có năm mất mùa vì thời tiết. Gặp khi nhãn đang ra hoa mà gặp một cơn mưa lớn thì hoa nhãn bị rụng. Xưa kia vào mùa thu hoạch, lính tráng nhộn nhịp kéo về Tiên Lữ hái nhãn dâng vua. Để cho quả tươi ngon, người ta phải cho ngựa chạy trạm (kiểu chạy tiếp sức) và chỉ cần nửa ngày nhãn đã từ Tiên Lữ về đến Thăng Long. Nghe nói xưa kia, nhãn từ Tiên Lữ còn được ngựa chạy trạm mang tận tới Bắc Kinh. Ngày nay Trung Quốc là nước nhập và tiêu thụ nhãn nhiều nhất của nước ta. Nhãn lồng Hưng Yên là một đặc sản quý hiếm, khắp nước ta không có nơi nào mà nhãn lại ngon ngọt như nhãn lồng Hưng Yên.

Tương Bần

Còn gọi là tương Bắc, là loại tương truyền thống và đặc sắc của miền Bắc, tại khu vực Phố Nối, Hưng Yên.
Tương làm bằng đậu nành, nên chay mặn đều dùng được. Cách làm: Đậu nành được đem rang khô, sau đó đem ủ cùng với các gia vị: đường, muối, lá cây thơm trong vòng khoảng một tháng. Sau đó được đem ra trộn với thính (gạo rang vàng xay nhuyễn) để khô. Cuối cùng trộn với nước tỏi tươi trong vòng 15
ngày thì dùng được.
Tương bần thường được dùng với rau muống, thịt dê tái, chân bò. Ngày nay khu vực này bán tương khá nhiều nhưng theo các nhà chuyên môn, tương ở đây đã bị mất gốc, một loại gia vị ngon bị thất truyền.

Đậu tương và lạc

Ở nước ta, hai loại cây công nghiệp ngắn ngày là đậu tương và lạc có tốc độ phát triển chậm so với nhiều loại cây trồng khác. Các vùng sản xuất lạc tương đối tập trung ở nước ta là: Khu Bốn cũ, Đông Nam bộ, trung du và miền núi phía Bắc, và các vùng trồng đậu tương tập trung là: Đồng Nai, Đồng Tháp, An Giang, Cao Bằng, Bắc Giang… Trong 10 năm, tuy diện tích dừng lại ở 210.000ha lạc và 120.000ha đậu tương, nhưng sản lượng có xu hướng tăng từ 144.000 tấn lạc (1985) lên gần 260.000 tấn (1995), từ 69.000 tấn đậu tương (1985) lên 112.000 tấn (1995), chủ yếu là do tăng năng suất lạc từ 9,2 tạ/ha lên gần 12 tạ/ha và đậu tương từ 7,4 tạ/ha lên 9 tạ/ha.
Để tạo điều kiện đẩy mạnh sản xuất lạc và đậu tương, ngoài các chính sách chuyển đổi cơ cấu cây trồng cũng như chủ trương chuyển đổi cơ cấu mùa vụ, Nhà nước đã đầu tư và cho thực hiện đề tài cấp Nhà nước mang mã số KN01 – 06 trong chương trình KN01 “Phát triển cây lương thực và cây thực phẩm”.
Qua 5 năm thực hiện (1991 – 1995), đề tài đã thu thập 2442 mẫu giống lạc, đậu tương và các loại đỗ
khác để chọn giống và lai tạo giống mới có triển vọng về năng suất và chất lượng: chọn lọc lai tạo, gây đột biến và đưa ra sản xuất 39 giống đậu, trong đó có 10 giống được công nhận là giống quốc gia, 16 giống được phép khu vực hóa và 18 giống tiếp tục khảo nghiệm.
Hiện nay nước ta đã có những giống lạc mới cho năng suất cao, phẩm chất tốt là V79, 4329, 1660, BG78, JI, LVT và các dòng D329, D332; các giống đậu tương đáng chú ý: ĐT80, AK05, VX9-2, ĐT84, AK04, V48, ĐT93, TL57, ĐT90, AG314.

Đền Chử Đồng Tử 

Còn gọi là đến Đa Hòa thờ Đức thánh Chử Đồng Tử được tôn vinh là một trong Tứ Bất Tử của Thần linh Việt cùng phu nhân là Tiên Dung công chúa, con gái vua Hùng thứ 18. Đền thuộc xã Bình Minh, huyện Châu Giang. Đền nằm trên một khu đất cao, rộng, bằng phẳng hình chữ nhất có diện tích 18.729m2, mặt quay hướng chính Tây nhìn thẳng sang bãi Tự Nhiên.
Ngọ Môn gồm 3 cửa. Cửa chính là tòa nhà 3 gian cao rộng, trên đỉnh nóc đắp Lưỡng long chầu nguyệt (chỉ mở vào ngày đại lễ). Hai cửa bên để đón khách gần xa. Qua sân Đại là đến Đại Tế, tòa Thiên hương, cung Đệ Nhị, cung Đệ Tam và cuối cùng là Hậu Cung. Tòa Thiên Hương có kiến trúc cao, thoáng, trang nghiêm. Các đầu đao, bờ nóc chạm trổ tinh vi, đắp gọt tỉ mỉ, màu sắc rực rỡ cùng nhiều hình trang trí khác như rồng, sư tử… Cửa võng ở cung Đệ Nhị đều được chạm hình chim phượng, hoa cúc mãn khai,các hoa quả được sơn son thếp vàng lộng lẫy. Đặc biệt các pho tượng đức thánh Chử Đồng Tử và phu nhân được đúc bằng đồng rất đẹp. Hiện nay đền Chử Đồng Tử còn bảo tồn được nhiều di vật quý hiếm, trong đó có đôi lọ Bách Thọ (một trăm chữ thọ không chữ nào giống chữ nào, khắc trên thành lọ bằng gốm), một cổ vật vô giá của dân tộc.