HỒ QUÝ LY - CƠN CUỒNG PHONG, NGƯỜI GÁNH VÁC SƠN HÀ

Ngày cha con Hồ Quý Ly bị bắt và giải về Yên Kinh, cuộc kháng chiến chống quân Minh xâm lược thất bại. Con người bây giờ mới kinh hoàng nhận ra những gì mình đã làm. Lịch sử Việt Nam đã chịu một vết chém ngang trái. Ở Đại Việt, có một nền văn minh đã bị thiêu rụi. Trước Hồ Quý Ly là hận thù, còn sau ông là cả một giai đoạn đau thương…

1. CƠN CUỒNG PHONG

Hồ Quý Ly là một cơn bão giữa thời Trần mạt. Nét bạo liệt đó là đòn bẩy để Nghệ Tông trọng dụng ông, là nguồn cơn cho sự thù hận của các vương hầu dành cho ông, là nguyên cớ để các sử gia phong kiến nói rằng “Quý Ly là kẻ loạn thần tặc tử”. Tuy nhiên, đã là cuồng phong thì cứ mạnh mẽ đi tới; kể cả việc tiến quá sâu vào lục địa có thể làm cơn bão suy yếu rồi tan biến hoàn toàn.
Vào những năm 1370 – 1371, Nghệ Tông chiến thắng trước Dương Nhật Lễ giành lại ngôi vua cho họ Trần. Tại lúc đó Nghệ hoàng cần một người cộng sự, bởi nhà vua ôm ấp ý tưởng trung hưng đất nước trước họa ngoại xâm đang đến gần; tuy nhiên vương hầu họ Trần không một ai bước lên lãnh nhận trách nhiệm cả, chỉ có Quý Ly.
Nội bộ nhà Trần hiện thời có hai phái, một là tôn sùng hoàng tộc, chỉ cho những người trong họ giữ các chức vụ trọng yếu, còn hai là tận dụng những nho sĩ thông tuệ, giao cho họ các chức vụ phù hợp trong bộ máy quản lí. Hồ Quý Ly đứng ngoài cả hai. Lý do: ông là một đại quý tộc, ngoại thích, nhưng lại có quan hệ bên họ ngoại của vua; bên cạnh đó ông còn là một học trò của Nho giáo nhưng cũng đôi điều hoài nghi về Khổng Tử, lại một ngoại lệ, ông đề bạt vây cánh, nhưng nếu họ không có thực tài thì dù là cùng họ cũng như không. Xét về mọi mặt, Quý Ly đứng giữa lằn ranh của tranh chấp, một vị trí hoàn toàn cô độc.
Trước kia nếu được hỏi ai là người để nhà Trần sẵn sàng đánh đổi cả tính mạng của người trong họ, thì câu trả lời là không, nhất định không. Nhưng kể từ khi Quý Ly xuất hiện, Nghệ Tông sẵn sàng phá vỡ mọi luật lệ, từ gả công chúa cho ngoại tộc, đề bạt ông lên chức cao và cho giữ binh quyền; thậm chí, Nghệ hoàng còn tiến thêm một bước nữa khi thanh trừng cả vua Phế Đế và Thái úy Ngạc vì họ đe dọa Quý Ly.
Một Nghệ hoàng phá lệ đã trọng dụng một con người phá cách. Quý Ly là nhân vật đầu tiên trong nhà Trần đề nghị bãi bỏ chế độ tôn thất chỉ huy sứ, tức là giao binh quyền cho người trong họ ở các lộ (đơn vị hành chính thời Trần), thay vào đó là đề bạt những con người có thực tài, sẵn sàng vào sinh ra tử để thống lĩnh và rèn luyện quân đội. Đến cuối năm 1378 thì toàn bộ 16 lộ trung ương đều thay đổi nhân sự chỉ huy, trong đó có 12 lộ không phải tôn thất nhà Trần nắm giữ.
Rất hoang mang! Quý Ly sẵn sàng cải cách toàn diện về cơ cấu tổ chức quân sự, nhưng cũng giữ lại những tôn thất có tài để nắm quyền. Đây là một nét rất rạch ròi nhưng đồng thời cũng rất thiếu triệt để nơi ông.
Giai đoạn 1370 – 1400 là một giai đoạn bão táp của họ Trần. Bên cạnh những cải cách gây nhiều tranh cãi của Quý Ly thì các cuộc giao phong với người Chiêm ở phía Nam cũng làm các vua đau đầu không thôi. Trong 7 lần đối đầu ở thập niên 70 của thế kỉ XIV, họ Trần toàn thua. Thậm chí vua Duệ Tông cũng vong mạng trên đất địch. Thăng Long trở thành một địa điểm để Chế Bồng Nga (vua Chiêm) vào ra cướp bóc đến tận 4 lần. Bước sang năm 1380, Nghệ hoàng quyết định kéo Quý Ly từ quyền tổ chức quân đội sang quyền trực tiếp chỉ huy chiến trận. Và Nghệ hoàng đã không phải chờ lâu để chứng minh mình đúng. Quý Ly trong 3 lần cầm quân đánh Chiêm đã có 2 lần giành được thắng lợi. Nhưng cũng chính ở đây, hình tượng của Quý Ly bắt đầu rạn nứt.

2. KIM ÂU BỊ KHUYẾT

Trong lần giao phong cuối cùng với Chế Bồng Nga vào năm 1398, Quý Ly vì quá khích mà trúng kế giặc. Kết quả là hàng trăm tướng hi sinh trong cuộc rút lui năm ấy. Quá bế tắc, ông để lại binh quyền cho hai tướng Phạm Khả Vĩnh và Nguyễn Đa Phương rồi thân trốn về kinh thành để xin viện binh. Tuy nhiên Nghệ Tông từ chối. Làm thế nào mà một người rất tin tưởng Quý Ly lại không trao cho ông viện binh để tiếp tục ra trận?
Câu trả lời: Nghệ Tông có thể bị lịch sử đánh giá là người muốn rũ áo trị quốc nên dùng nhầm người, nhưng thực tiễn thời đại đã chứng minh điều ngược lại, Thượng hoàng rất biết cách dùng người, thậm chí ông còn cao tay hơn Quý Ly ở chỗ chọn người không chỉ vì thực tài mà còn vì mục đích chính trị. Trần Khát Chân là lựa chọn của Nghệ hoàng.
Có hai nguyên nhân đằng sau quyết định này. Về mặt chính trị, vương hầu nhà Trần dẫu có khoanh tay hưởng lạc đến thế nào thì cũng nhất định lao ra bảo vệ vương vị cho dòng họ, chọn Khát Chân là vì ông mang họ Trần, một quyết định đưa vương hầu quý tộc trở lại chiến địa để vận động tài lực từ họ. Hai là vì con người, Quý Ly đúng là có hai lần đánh thắng quân Chiêm, nhưng về căn bản ông không thể hiện được sự đặc sắc trong chỉ đạo chiến lược. Cả hai lần cầm quân ông đều dùng đúng chiến bài cắm cọc dọc sông Ngu (sông Lạch Trường ngày nay) để chặn bước tiến của giặc, đến khi cần thì nhổ cọc ra đánh. Bây giờ chiến lược ấy đã thất bại, Hồ Quý Ly chỉ xin thêm viện binh nhưng căn bản kế đánh giặc không có nhiều đột phá, không thể triệt tiêu thế giặc. Chính vì vậy Nghệ hoàng không thể đánh liều nước đi cuối cùng cho Quý Ly, dù rất trọng dụng ông.
Đến đây thì họ Hồ quyết định xin thôi không cầm quân nữa, hoặc bạn đọc cũng có thể nghi vấn rằng Nghệ hoàng đã nhìn thấy khuyết điểm của Quý Ly nên không cho ông cầm quân nữa. Và lịch sử đã trả lời cho lựa chọn của Nghệ Tông.

3. VAI TẬT GÁNH CẢ SƠN HÀ

Trước khi qua đời Nghệ Tông có căn dặn Quý Ly mấy lời: “Nay thế nước suy yếu, trẫm thì già nua. Sau khi trẫm chết, quan gia nếu giúp được thì giúp, nếu hèn kém ngu muội thì khanh cứ tự nhận lấy làm vua”. Câu này không khỏi làm người ta liên tưởng đến những lời trăn trối cuối cùng của Lưu Bị cho Khổng Minh: “Tài thừa tướng gấp mười Tào Phi, tất yên định được nhà nước, làm nên việc lớn. Đối với con trẫm, nếu có thể giúp được thì giúp, nếu nó bất tài, hãy tự thay đi!”
Tuy nhiên mục đích của hai ông vua này lại hoàn toàn khác nhau. Nếu Lưu Bị nói mấy lời trên là vừa phó thác vừa răn đe Khổng Minh thì Nghệ Tông có khi lại nói thật. Nhìn lại chặng đường gần 30 năm cầm quyền của Nghệ hoàng, ta thấy ông đã nhiều lần bảo vệ Quý Lý. Phế Đế, Thái úy Ngạc mưu giết họ Hồ? Giết! Nguyễn Đa Phương tỏ ý coi thường Quý Ly? Giết! Tôn thất họ Trần không đồng tình với các cải cách của Quý Ly? Nghệ Tông đứng ra đảm bảo. Có thể thấy Nghệ hoàng và Quý Ly không khác gì Lưu Bị và Khổng Minh. Họ đều có chung một ý tưởng: trung hưng nước nhà dựa trên sức mạnh quân sự rồi sẽ xây dựng một bộ máy tập quyền vững mạnh.
Còn Quý Ly thì không tài như Khổng Minh. Ta đã thấy họ Hồ có những điểm yếu chết người, đó là sự quá khích trong tư tưởng, tính nóng vội trong hành động, thiếu triệt để trong tư duy và hoàn toàn tầm thường trong chỉ đạo quân sự. Dù vậy, Quý Ly lại rất giống Khổng Minh ở chỗ là một bộ óc tổ chức kỳ tài.
Trong thời gian ở chức Thái sư và làm vua nước Đại Ngu sau này, Quý Ly luôn hành động rất nhanh. Ông chờ 6 năm để thanh trừng tôn thất họ Trần, chuẩn bị những cơ sở cho sự thành lập của nhà Hồ như dời đô, thay đổi quan phục, cơ cấu lại bộ máy quan lại từ trung ương tới địa phương, thay đổi tên của các lộ trung ương,v.v.. rồi sau khi nhà Hồ thành lập ông vẫn thường nói: “Ta làm thế nào để có trăm vạn binh chống nhau với giặc Bắc”.
Hàng loạt các chính sách đươc đưa ra nhằm tăng cường vũ trang cho quân đội. Thần cơ pháo và Cổ lâu thuyền, hai phát minh quân sự tiên tiến đương thời được đưa vào sử dụng, hệ thống phòng ngự Đa Bang – Hoàng Giang – Đông Đô được dựng lên với chiến lược “tuyến trung tâm”, lấy Đa Bang làm trọng tâm và Đông Đô làm điểm cuối với đất Thanh - Nghệ làm chỗ dựa. Rõ ràng là Quý Ly đầu tư rất công phu cho chiến dịch vệ quốc của mình. Tuy nhiên, nó có thành công hay không lại là chuyện khác. Bởi căn bản của chiến tranh như tổng thống De Gaulle của Pháp có nói: “Tính chất ngẫu nhiên là đặc thù của hành động trong chiến tranh, nó cản trở rất nhiều khả năng nhận thức của ta”. Như vậy chính điểm yếu thiếu triệt để và kém linh hoạt trong chỉ đạo của Quý Ly đã đẩy ông vào một thất bại mà tiếng vang của nó là thiên thu.
Hay nói một cách khác, lòng người Đại Việt, đặc thù chiến tranh và những thiếu sót của Quý Ly đã đẩy dân tộc ta đến một vết chém ngang trái. Vương hầu nhà Trần thì chống lại Quý Ly, nho sĩ Đại Việt thì cho rằng ông không biết lượng sức; điều đó có nghĩa họ Hồ sẽ phải gánh hết họa ngoại xâm lên đôi vai có tật của mình. Vô tình hay hữu ý, người Việt tự đẩy mình đến bờ vực vong quốc.
Tóm lại, bi kịch của nhà Hồ không phải là bi kịch của Quý Ly mà là bi kịch của toàn dân tộc, đó là thời đại giao thoa giữa những luồng tư tưởng khác nhau, rồi không tìm được điểm chung, họ quay ra chống đối. Có người thì thủ cựu ôm khư khư lấy ánh hào quang xưa, có người thì giữ khí tiết quân tử về vui thú điền viên, chỉ có Quý Ly là ôm lấy dân tộc khi ngoại xâm kéo đến. Một ông vua khiếm khuyết và cô độc. Trước là một câu chuyện buồn vừa độc đáo vừa ngang trái, sau là những bài học để đời.

© Nam Du Võ