HẢI DƯƠNG

Hải Dương là một tỉnh nổi tiếng về sản xuất nông nghiệp ở trung tâm đồng bằng Bắc bộ với hai
hệ thống sông chính là sông Hồng và sông Thái Bình. Nằm giữa hai thành phố lớn là Hà Nội và
Hải Phòng có đường QL 5 là đường huyết mạch xuyên suốt qua tỉnh. Ngày nay, Hải Dương đang
phát huy thế mạnh của mình để từng bước đi lên công nghiệp hóa, hiện đại hóa, lấy nông nghiệp
làm nền tảng cho sự phát triển. Hải Dương không ngừng đầu tư nâng cấp các trang thiết bị kỹ
thuật để đạt được một ngành nông nghiệp tiên tiến tạo tiền đề vững chắc cho công nghiệp.
Thành phố Hải Dương là thành phố cấp 3 trực thuộc tỉnh Hải Dương được Nhà nước quyết định
thành lập ngày 1/11/1997.
Hải Dương nổi tiếng với các nhà máy như:
- Nhà máy gốm sứ Hải Dương với công suất đạt 11 triệu sản phẩm/năm.
- Nhiệt điện Phả Lại công suất đạt 737.300.000 KWh.
- Xi măng Hoàng Thạch công suất đạt 1,5 triệu tấn/năm.
Nói đến Hải Dương là nói đến các đặc sản nổi tiếng như: Bánh đậu xanh nhãn hiệu Bảo Hiên
Rồng Vàng, bánh cáy (bánh mè gừng), Bánh khảo (bánh in), vải thiều,… Vải thiều là một trong
những đặc sản của miền Bắc nói chung và Hải Dương nói riêng. Vải chính rộ vào tháng 5 âm
lịch.
Với diện tích 1661km2, dân số 1.649.779 người (1/4/1999), Hải Dương là một trong những cái
nôi văn hóa lâu đời của dân tộc Việt Nam. Lịch sử hàng ngàn năm của dân tộc đã để lại cho vùng
đất này một tài sản vô giá về du lịch với trên 50 di tích lịch sử văn hóa. Hải Dương còn là vùng
đất linh địa gắn liền với các tên tuổi như Trần Hưng Đạo, Nguyễn Trãi, Mạc Đĩnh Chi… và là
nơi sinh ra và lớn lên của các đại danh y như Lê Hữu Trác, Hải Thượng Lãn Ông. Chắc chắn
chúng ta không thể quên trong lịch sử Việt Nam có một vụ án mang tên Lệ Chi Viên (vườn vải)
vào năm 1442 có liên quan đến danh nhân văn hóa thế giới Nguyễn Trãi.
Về Hải Dương chúng ta được trở về với những lễ hội truyền thống tiêu biểu của vùng đồng bằng
châu thổ sông Hồng, tiêu biểu như: Lễ hội Côn Sơn, hội đền Kiếp Bạc…
Đồng bằng sông Hồng
Một trong những vựa lúa chính của nước ta hiện nay (chỉ sau đồng bằng sông Cửu Long) với
diện tích trên 1,5 triệu ha, dân số 17,4 triệu (1993) chiếm 21,1% dân số cả nước, nơi đông dân
nhất là Hà Nội 1200 người/km2. Hiện nay đồng bằng sông Hồng đang gặp một vấn nạn lớn, đó
là diện tích chỉ bằng 1/3 so với đồng bằng sông Cửu Long nhưng dân số gấp 3 lần! Không những
thế, do sử dụng hệ thống đê điều để trị thủy nên hàng năm không nhận được sự bồi đắp phù sa
của các dòng sông. Do đó đất đai ngày càng trở nên bạc màu. Vài năm trước đây, miền Nam
luôn luôn phải chi viện gạo cho miền Bắc, nhưng từ năm 1996 trở lại đây, nhờ sự đầu tư phương
thức canh tác mới, đồng bằng sông Hồng không những đủ ăn mà còn góp phần xuất khẩu gạo
cùng đất nước. Năm 1999, nước ta đã xuất khẩu được 3,5 triệu tấn gạo, đứng hàng thứ hai sau
Thailand.
Bánh đậu xanh
Bánh đậu xanh ngày xưa nổi tiếng là bánh đậu Hải Dương. Ngày đó, bánh đậu xanh là thứ bột
khô, nhỏ tơi như phấn, đóng hình vuông, ăn không khéo có khi bị sặc. Nay bánh đậu xanh là thứ
bột ướt, có trộn mỡ, dùng khi uống trà. Bánh đậu xanh ngọt, béo với vị đắng, chát của trà lại rất
hợp gu. Bánh đậu xanh hiện nay có nhiều nơi làm và chất lượng thì thật khó mà phân biệt nổi
đâu là bánh đậu Hải Dương và đâu là bánh Hàng Bạc, Hàng Gai, Hàng Đào, Hàng Đường… và
còn bao nhiêu hàng khác nữa. Mỗi thứ một vẻ, mỗi thứ bánh mang trong nó một bí quyết riêng
của người chủ khai sinh ra nó. Uống xong một hớp trà, thả một miếng bánh vào miệng, một cảm

giác lan tỏa ở trong hương vị của bột đậu nguyên chất tan đều nơi đầu lưỡi là vị ngọt, béo, “ăn
ngẫm nghĩ rồi mới thấy béo, suy xét rồi mới thấy thơm” (Thạch Lam)
Bí quyết làm nên bánh ngon, ăn và nhớ dai là bánh đậu “chính hiệu”, được làm từ đậu xanh
nguyên chất, hương thơm thuần khiết từ sản phẩm của tự nhiên mà không có bất kỳ một thứ
hương liệu công nghiệp nào. Bánh đậu không cần cầu kỳ mà thật giản dị, mộc mạc như nó vốn
sinh ra vậy. Nhưng đã là đồ ăn thức uống đâu dễ trăm người như một. Món ngon chỉ “tính” theo
sở thích của số đông. Chắc chắn còn nhiều nơi khác làm nên thứ bánh ngon bằng hoặc hơn
nhưng tiếng tăm chưa nổi đó thôi.
Trái Vải
Ở Việt Nam cây vải xuất hiện đầu tiên ở vùng biên giới phía Bắc sát Trung Quốc. Quả vải nhiều
nơi còn gọi là quả tu hú, vì mùa trái chín chính là mùa tu hú gọi bạn. Quả vải khi chín có vỏ màu
đỏ nâu, mỏng, mặt ngoài sần sùi, cùi dày, có nhiều nước ngọt (hoặc chua) và hột màu nâu sẫm.
Nổi tiếng trong các giống vải là vải thiều được trồng ở Thanh Hà (Hải Dương), hạt chỉ nhỏ như
cái đầu tăm, thậm chí ăn không tìm ra hột; và ở Lục Ngạn (Bắc Giang). Trái vải có hàm lượng
dinh dưỡng cao, lại thêm mùi thơm thanh khiết, do đó từ lâu vải đã được xem là một trong những
loại quả nhiệt đới ngon nhất và nhiều công dụng khác nữa.
Mùa vải từ tháng 5 đến tháng 7 âm lịch, ở Việt Nam có rất nhiều giống, nhưng ngon và nổi tiếng
nhất vẫn là giống vải thiều trồng ở Thanh Hà (Hải Dương ) và Lục Ngạn (Bắc Giang).
Vào mùa thu hoạch, vải chín rộ, vải tươi không thể tiêu thụ hết ngay trong thời gian ngắn, do vậy
người ta đã chế biến thành vải khô (lichi nut), vừa bảo quản được lâu và cũng rất hợp khẩu vị với
nhiều người.
Côn Sơn – Đền thờ Danh nhân văn hoá thế giới Nguyễn Trãi
Nguyễn Trãi – một danh nhân văn hóa thế giới. Ông sinh năm 1380, mất 1442 thọ 62 tuổi. Là
một trong những đại danh hào, anh hùng dân tộc, ông đã để lại cho hậu thế bản hùng ca bất hủ
“Bình Ngô Đại Cáo”, một kiệt tác của nền văn học nước ta đã được nhắc nhiều trong sách sử qua
các triều đại “Quốc Âm Thi Tập”.
Côn Sơn thuộc huyện Chí Linh là quê hương tiên tổ xưa của ông đã gắn liền với cuộc đời của vị
anh hùng dân tộc Nguyễn Trãi. Ông là con của cụ Nguyễn Phi Khanh – Hiệu trưởng trường
Quốc Tử Giám, cháu ngoại của Trần Nguyên Đán. Côn Sơn, vùng sông núi nổi tiếng với tiếng
thông reo, tiếng suối róc rách đã lay động hồn thơ của Nguyễn Trãi. Bài thơ bất hủ về Côn Sơn
được ra đời từ đó:
Côn Sơn có suối rì rầm
Ta nghe tiếng suối như cầm bên tai
Côn Sơn có đá rêu phơi
Ta ngồi trên đá như ngồi chiếu êm
Côn Sơn thông mọc ghềnh bên
Tìm nơi bóng mát ta lên ta nằm
Côn Sơn rừng trúc bóng râm
Trong màn xanh ngắt ta ngâm thơ nhàn
Chính tại Côn Sơn này, đã chứng kiến cuộc đổ máu oan nghiệt của dòng họ nhà Nguyễn trong vụ
án Lệ Chi Viên. Vua Lê Thái Tông (1434 – 1442) bị cảm nặng, chết ở Lệ Chi Viên huyện Gia
Định tỉnh Bắc Ninh, nay thuộc huyện Gia Lương tỉnh Bắc Ninh sau khi duyệt binh và về nghỉ tại
đây. Bởi trong chuyến đi này có bà Nguyễn Thị Lộ – vợ của Nguyễn Trãi là Lễ Nghi Học Sĩ nên
bọn gian thần đã buộc tội ông xúi vợ đầu độc vua. Do đó cả gia đình ông bị bắt giải về kinh đô.
Ở trong ngục ông đã làm hai câu thơ tuyệt mệnh:

Trong lao tủi nhục bao nhiêu nỗi
Bệ ngọc khôn thông nữa mảnh tim
Ngày 16/8 âm lịch (19/9/1442), Nguyễn Trãi cùng gia đình bị đưa ra pháp trường chém đầu.
Nhưng cũng may mắn làm sao, trong lúc quân lính triều đình đang bắt giam gia đình Nguyễn
Trãi thì bà vợ thứ ba của ông trong lúc đi chợ làng bên nghe tin thì bỏ trốn, lúc đó bà đang mang
thai. Và cho đến bây giờ hậu duệ của Nguyễn Trãi vẫn còn. Cháu đời thứ 23 hiện nay đang sống
trên đường Nguyễn Trãi, Q.5, TP.HCM. Chưởng cơ Nguyễn Hữu Cảnh được xem là chủ tịch
UBND đầu tiên của thành phố là cháu 10 đời của Nguyễn Trãi. Ít ra còn có Nguyễn Du, Nguyễn
Thiện Thuật là hậu duệ của ông.
Nước ta hiện nay có ba danh nhân văn hoá thế giới đó là Nguyễn Trãi được công nhận vào năm
1980 nhân kỷ niệm 600 năm ngày sinh của ông, Chủ tịch Hồ Chí Minh được công nhận vào năm
1990 nhân kỷ niệm 100 năm ngày sinh của Người. Đại thi hào Nguyễn Du năm 1965 nhân dịp
200 năm ngày sinh.
NGUYỄN TRÃI là con của Nguyễn Phi Khanh và Trần Thị Thái. Thư tịch cổ cho hay, ông sinh
năm 1380 tại làng Nhị Khê (tức làng Ngọc Ôi cũ) huyện Thượng Phúc. Nay đất làng quê ông
thuộc huyện Thường Tín, tỉnh Hà Tây. Những năm cuối đời ông sống tại Côn Sơn, Chí Linh nay
thuộc Hải Dương.
Năm 1400, Nguyễn Trãi đỗ Thái Học Sinh (vì vị này từ năm 1442 gọi là tiến sĩ). Từ đó, ông
cùng cha là Bãng nhãn Nguyễn Phi Khanh làm quan cho triều Hồ. Năm 1407, cuộc kháng chiến
chống quân Minh do nhà Hồ lãnh đạo bị thất bại, Nguyễn Phi Khanh bị bắt về Trung Quốc,
Nguyễn Trãi bị giặc giam lỏng một thời gian.
Nghe tin Lê Lợi chuẩn bị dựng cờ xướng nghĩa, Nguyễn Trãi mau chóng tìm tới Lam Sơn. Ông
là nhà chiến lược quân sự kiệt xuất, nhà chính trị xuất sắc, nhà ngoại giao lỗi lạc. Tên tuổi của
ông gắn chặt với những sự kiện vĩ đại nhất của dân tộc đầu thế kỉ XV.
Khi non nước thái bình, Nguyễn Trãi làm quan cho nhà Lê, trải qua hai đời Hoàng đế là Lê Thái
Tổ (1428 - 1433) và Lê Thái Tông (1433-1442). Ông là nhà đạo đức, nhà văn hoá có tầm vóc vĩ
đại và có ảnh hưởng mạnh mẽ chưa từng thấy. Nguyễn Trãi là tác giả của áng thiên cổ hùng văn
Bình Ngô Đại Cáo và rất nhiều kiệt tác khá. Năm 1442 ông và gia quyến đã bị giết hại bởi sự vu
oan tại Vườn Lệ Chi. Năm 1980, nhân kỉ niệm 600 năm ngày sinh của ông, UNESCO đã trân
trọng ghi tên tuổi của Nguyễn Trãi vào hàng các bậc danh nhân của nhân loại.
Đại Cáo Bình Ngô
“Từng nghe:
Việc nhân nghĩa cốt ở yên dân
Quân điếu phạt trước lo trừ bạo
Như nước Đại Việt ta từ trước
Vốn xưng nền văn hiến đã lâu
Cõi bờ sông núi đã riêng
Phong tục Bắc – Nam cũng khác
Trải Đinh, Lê, Lý, Trần nối đời dựng nước,
Cùng Hán, Đừong, Tống, Nguyên đều chủ một phương.
Tuy mạnh yếu có lúc khác nhau,
Mà hào kiệt không bao giờ thiếu.
Cho nên:
Lưu Cung tham công to mà chịu tai vạ
Triệu Tiết tham việc lớn mà chóng bại vong.
Cửa Hàm Tử bắt sống Toa Đô,

Sông Bạch Đằng giết tươi Ô Mã
Việc xưa xét lại bằng chứng rõ ràng.
Gần đây, nhân họ Hồ chính sự phiền hà,
Để trong nước lòng dân oán hận.
Quân Minh cường bạo, thừa dịp hại dân,
Đảng ngụy gian tà, manh tâm bán nước
Thui dân đen trên lò bạo ngược,
Hãm con đỏ dưới hố tai ương.
Dối trời lừa người, kẻ gian đủ muôn nghìn khóe,
Cậy binh gây hấn, ác chúa gần hai chục năm
Đủ tiều bại hoại nghĩa nhân , chẳng còn trời đất
Hết cách vét vơ thuế má, nhẵn sạch núi đầm
Lên núi đào vàng, xông lam chướng để phân rừng đãi cát
Ra khơi mò ngọc, mặc giao long mà lặn biển giòng dây
Nhiễu dân bẫy đặt bắt hươu đen
Hại vật lưới chăng lùng trả biếc
Tàn hại cả giống côn trùng cây cỏ
Nheo nhóc thay kẻ goá bụa khốn cùng
Hút máu mủ sinh linh, quân tham ác miệng răng nhờn béo
Đủ công trình thổ mộc, chỗ công tư nhà cửa nguy nga
Chốn hương thôn sưu dịch nặng nề
Trong xóm làng cửi canh bỏ phế
Tát cạn nước Đông Hải, không rửa sạch tanh hôi
Chặt hết trúc Nam Sơn, khó ghi đầy tội ác
Thần người đều căm giận
Trời đất chẳng dung tha
Ta đây:
Phát tích đất Lam Sơn
Nương thân nơi hoang dã
Nghĩ khó đội trời cùng quân địch
Thề không chung sống với giặc thù.
Nhứt óc đau lòng, chốc đã mười năm lẻ
Nằm gai nếm mật, há phải một ngày đâu
Vì giận quên ăn, thường nghiền ngẫm những sách thao lược
Nghiệm nay suy trước, xét cùng mọi lẽ hưng vong
Chí ở phục thù, ngày đêm không nhãng.
Đương lúc nghĩa binh mới dấy
Chính khí thế giặc đương hăng.
Ngặt vì:
Nhân tài như lá mùa thu
Tuấn kiệt như sao buổi sớm
Việc bôn tẩu thiếu người sai phái
Nơi trướng màn ít kẻ đỡ đần
Lòng cứu lê dân, chí háo hức mà miền đông muốn ruổi
Xe chờ hiền giả, lòng thiết tha mà bên tả để không
Thế mà:

Mong người tài vẫn như trông biển mịt mù,
Làm điều nhân gấp hơn cứu người chết đuối
Giận hung đồ chưa giết hết
Lo vận nước còn gian truân
Khi Linh Sơn lương cạn mấy tuần
Lúc Khôi Huyện quân không một lữ
Bởi trời muốn thử ta để trao nhiệm vụ
Nên ta càng cố chí để vượt gian nan
Nêu hiệu gậy làm cờ, tụ tập khắp bốn phương dân chúng
Thết quân rượu hoà nước, dưới trên đều một bụng cha con
Lấy ít địch nhiều, thường dùng mai phục,
Lấy yếu chống mạnh, hay đánh bất ngờ
Rút cuộc, lấy đại nghĩa để thắng hung tàn
Đem chí nhân để thay cường bạo
Trận Bồ Đằng như sấm vang chớp giật,
Trận Trà Lân như trúc chẻ tro bay
Sĩ khí đã hăng, quân thanh càng mạnh
Trần Trí, Sơn Thọ nghe tin mà mất vía,
Phương Chính , Lý An nín thở cầu thoát thân
Thừa thắng ruổi dài, Tây Kinh quân ta chiếm lại
Chọn quân tiến đánh, Đông Đô đất cũ thu về
Ninh Kiều máu chảy thành sông, hôi tanh muôn dặm
Tốt Động thây phơi đầy nội, thối để nghìn thu
Tâm phúc giặc, Trần Hiệp phải bêu đầu,
Sâu mọt dân, Lý Lượng cũng bỏ mạng
Vương Thông gỡ rối, mà lửa lại càng bừng
Mã Anh cứu nguy, mà giận càng thêm dữ
Giặc cùng đường kiệt sức, bó tay chờ chết đến nơi
Ta mưu phạt tâm công, không đánh mà ngưởi phải khuất
Vẫn tưởng giặc sẽ thay lòng đổi dạ
Nào ngờ chúng lại gây nghiệt chuốc tai,
Cố chấp kỷ kiến để gieo vạ cho mọi người
Tham công một thời để mua cười cho thiên hạ.
Khiến cho trẻ ranh Tuyên Đức, động binh không ngừng
Lại sai tướng nhát Liễu Thăng, thêm dầu chữa cháy.
Năm Đinh Mùi, tháng chín, Liễu Thăng dẫn quân từ Khâu Ôn tiến sang
Cùng năm ấy, tháng mười, Mộc Thạnh chia đường từ Vân Nam kéo đến
Ta đã phục binh giữ hiểm, đập gãy tiền phong,
Sau lại sai tướng chẹn ngang, tuyệt đường lương thực.
Ngày mười tám tại Chi Lăng, Liễu Thăng thua kế.
Ngày hai mươi tại Mã Yên, Liễu Thăng phơi thây
Ngày hai mươi lăm, bá tước Lương Minh trận hãm phải bỏ mình,
Ngày hai mươi tám, thượng thư Lý Khánh cùng kế phải thắt cổ
Thuận đà ta đưa lưỡi dao tung phá
Bí nước giặc quay mũi giáo đánh nhau
Ta thêm quân bốn mặt vây thành,

Hẹn đến giữa tháng mười giệt giặc
Bèn tuyển những quân hùm gấu,
Lại sai các tướng vuốt nanh
Gươm mài đá, đá núi cũng mòn,
Voi uống nước, nước sông phải cạn
Đánh trận đầu, sạch sanh kình ngạc,
Đánh trận nữa, tan tác chim muông.
Lỗ kiến xoi, đê vỡ phá tung,
Gió mạnh thổi, lá khô trút sạch
Đô đúc Thôi Tụ quỳ gối chịu tội
Thông thư Hoàng Phúc trói tay nộp mình
Lạng Sơn, Lạng Giang thây ngã đầy đường
Xương Giang, Bình Than máu trôi đỏ nước.
Gió mây vì thế phải biến sắc
Trời trăng ảm đạm đến lu mờ
Bị quân ta chẹn ở Lệ Hoa, quân Vân Nam Kinh sợ mà trước đã vỡ mật,
Nghe quân Thăng thua ở Cần Trạm, quân Mộc Thạnh xéo lên nhau chạy để thoát thân
Lãnh Câu máu chảy thắm dòng, nước sông ấp ức
Đan Xá thây chồng thành núi, cỏ nội thẫm hồng
Cứu binh hai đạo tan tành, quay gót chẳng kịp,
Quân giặc các thành khốn đốn, cởi giáp ra hàng,
Tướng giặc bị bắt tù, xin thương hại vẫy đuôi cầu sống.
Uy thần chẳng giết hại, lấy khoan hồng thể bụng hiếu sinh
Bọn tham chính Phương Chính, nội quan Mã Kỳ được cấp trăm thuyền, đã vượt biển vẫn hồn
kinh phách lạc.
Lũ tổng binh Vương Thông, tham chính Mã Anh được cho mấy nghìn ngựa, đã về nước còn
ngực đập chân run.
Chúng đã sợ chết tham sống mà thực muốn cầu hoà,
Ta lấy toàn quân làm cốt cho dân được yên nghỉ
Chẳng những mưu kế kỳ diệu,
Cũng là chưa thấy xưa nay.
Xã tắc từ đây vang bền,
Giang sơn từ đây đổi mới,
Càn khôn đã bĩ rồi lại thái,
Trời trăng đã mở rồi lại trong.
Để mở nền muôn thuở thái bình,
Để rửa nỗi nghìn thu hổ thẹn
…Ôi ! Một gươm đại định, dẹp phăng giặc giã, dựng nên công oanh liệt ngàn năm
Bốn bề phẳng lặng, sạchhết đục nhơ, tuyên bố mệnh duy tân khắp nước
Xa gần bá cáo,
Ai nấy đều hay”
Nguyễn Thị Lộ
Vợ thứ Nguyễn Trãi, quê ở làng Hải Trào, huyện Ngự Thiên, tỉnh Thái Bình, Bà có tài, có sắc.
Cha mẹ mất sớm, bà ngụ ở Tây Hồ, dệt và buôn chiếu. Tương truyền: Nguyễn Trãi gặp bà tỏ ý
bằng một bài thơ:

Ả ở đâu mà bán chiếu gon?
Hỏi thăm chiếu ấy hết hay còn?
Xuân xanh chừng độ bao nhiêu tuổi,
Đã có chồng chưa ? Được mấy con?
Bà đáp:
Tôi ở Tây Hồ bán chiếu gon
Can chi ông hỏi hết hay còn?
Xuân xanh chừng độ trăng tròn lẻ,
Đã có chồng đâu hỏi mấy con.
Nguyễn Trãi cảm mến cùng bà gá nghĩa trăm năm. Sau bà lại được Lê Thái Tông phong làm Lễ
nghi học sĩ. Khi Nguyễn Trãi lui về ẩn ở Côn Sơn, bà cùng theo về đấy.
Năm Nhâm Tuất 1442, ngày 4/5 âm lịch, xa giá Lê Thái Tông trên đường tuần du ngự đến Côn
Sơn nơi Lệ Chi Viên (vườn trái vải). Rồi xảy ra cái chết đột ngột của Thái Tông khiến cả nhà họ
Nguyễn Trãi mang họa, đưa đấn cái án Tru di thảm khốc. Ngày 16/8 âm lịch năm ấy bà cùng
chung số phận oan nghiệt với chồng.
Chùa Côn Sơn
Côn Sơn cùng với Yên Tử và Quỳnh Lâm (Quảng Ninh) là 3 trung tâm Phật giáo của thời Trần.
Chùa Côn Sơn được xây dựng từ rất lâu đời. Ông ngoại của Nguyễn Trãi là Trần Nguyên Đán đã
từng sống tại đây và đã trồng hai cây sứ mà ngày nay vẫn còn sống, cây sứ này đã được hơn 600
tuổi. Tại Côn sơn này, Vua Trần Nghệ Tông (1373- 1377) đã tu hành cùng với cụ Trần Nguyên
Đán. Vào thời Lê chùa rất rộng, có đến 83 gian nhưng nay đã bị thu hẹp dần. Phía ngoài là vườn
cây trái xum xuê, đẵc biệt là vải rất nhiều.
Vào năm 1962, Bác Hồ đã về thăm Côn Sơn. Dừng chân trước nhà bia, Bác cẩn thận xem xét
từng chữ khắc trên đá như thấu hiểu nỗi lòng của nhà thơ, nhà văn, nhà bác học, nhà chính trị,
nhà quân sự thiên tài Nguyễn Trãi.
Trong chùa, tại chánh điện có tượng phật cao 3m được làm từ thê kỷ 17, bên trái phía dưới có
tượng thầy tu khoác áo Hoàng bào đó là vua Trần Nghệ Tông. Phía sau chùa có đặt tượng thờ
ông Trần Nguyên Đán và bên cạnh có các tượng nhỏ không rõ mặt, được biết đó là tượng của
Nguyễn Trãi và Nguyễn Thị Lộ.
Chùa co Giếng Ngọc nơi mà Nguyễn Trãi thường soi mặt, đọc thơ. Ngoài ra du khách có thể
tham quan “Bàn cờ tiên” trên đỉnh núi cao 200m so với mặt nước biển với 675 bậc tam cấp.
Hàng năm ngày 16/8 âm lịch, kỷ niệm ngày mất của Nguyễn Trãi và rằm tháng 8, tại đây cử
hành trọng thể lễ hội Côn Sơn. Cũng trong lần về thăm Côn Sơn năm ấy (1962), Bác đã khen
tượng phật làm khéo và Người đã căn dặn phải chăm sóc, tu bổ di tích cho đẹp, xứng đáng với
công lao của thiên tài Nguyễn Trãi.
Đạo Phật ở Việt Nam
Ra đời vào thế kỉ thứ 6 trước công nguyên (cách nay hơn 2500 năm) ở một tiểu quốc thuộc Ấn
Độ. Dần dần về sau, đạo Phật lan tỏa nhiều nơi để trở thành một trong 3 tôn giáo lớn của thế giới
(cùng đạo Thiên Chúa và đạo Hồi). Người sáng lập là Thích Ca Mâu Ni (Cakyamouni). Gốc của
đạo Phật là một hệ triết học vô thần, cố tìm tới cốt lõi tận cùng của sự vật, rất đề cao trí tuệ để
giác ngộ mà giải thoát, chú trọng nếp sống trong sáng, coi nhẹ lễ nghi, bác bỏ sự phân biệt đẳng
cấp. Đạo Phật không thừa nhận Brahman (thực tại khách quan tối cao, khỡi nguyên của tinh thần,
cái sản sinh ra thế giới…) Và cả Atman (Bản ngã, cái linh hồn cá thể là tiểu ngả) coi thế giới tự
nó tồn tại, không do ai sinh ra. Mọi vật hữu hình đều theo quy luật: sinh, trụ, dị, diệt, vận động
không ngừng. Đạo Phật coi cuộc sống là bể khổ (Tứ khổ đế: Sinh, lão, bệnh, tử). Gốc của khổ là:
tham, sân, si, ái, ố, hỉ, nộ. Diệt dục là diệt khổ, là chấm dứt luân hồi, tức Niết Bàn - Muốn vậy

phải tu hành theo Bát chính đạo (tám con đường chân chính dẫn tới giác ngộ, giải thoát) xa lánh
trần tục. Đạo Phật chủ trương bình đẳng giữa người và người, đề cao từ bi, nên số phận con
người là do mình tạo nên và phải tự chịu trách nhiệm,không do định trước và thần thánh quyết
định. Sau khi Thích Ca vào Niết Bàn, đạo Phật thành tôn giáo vào thế kỷ II trước công nguyên,
chia thành Đại Thừa và Tiểu Thừa, dần dần, khoảng thế kỷ 8 - 19, đạo phai tàn ở Ấn Độ, nhưng
ngày càng phát triển ở các nước khác trên thế giới.
Đạo Phật vào đất Việt từ rất sớm, sách Thuỷ Kinh Chú (đời Đường - Trung Quốc) có ghi vào thế
kỷ III trước công nguyên, vua Asoka đã cho dựng một ngôi tháp Phật ở núi Nê Lê ( Đồ Sơn- Hải
Phòng). Sau đó theo con đường thương mại và truyền đạo, vào các thế kỷ đầu công nguyên, đạo
Phật được truyền bá mạnh hơn vào đất Việt, mà một trung tâm lớn là Luy Lâu (Bắc Ninh). Nổi
lên có các nhà sư danh tiếng như: Ma Ha Kỳ Vực, Khang Tăng Hội, Chi Cương Lương, Mâu
Bác, Khâu Đà La… đến đất Việt tu hành và truyền đạo. Đạo Phật được dân Việt tin theo mạnh
mẽ để dần trở thành một hệ tư tưởng bao trùm, góp phần tập hợp lực lượng chống lại sự xâm
lược của người Hán. Vào giữa thế kỷ VI, một người họ Lý đã lấy danh nghĩa của con Phật để
dành chính quyền và làm vua nước Vạn Xuân (Lý Phật Tử - 571). Cũng thời gian này do đạo
Phật dung hội mạnh với tín ngưỡng bản địa, đã làm cơ sở cho Phật phái Vinitaruci hình thành
năm 580. Phật phái này mang tính chất Thiền, Mật, và cả tín ngưỡng dân dã, nó phù hợp lâu dài
với người Việt. Các cao tăng ở thế kỉ XI, góp phần tạo dựng nhà Lý như Vạn Hạnh là thế hệ 12
của phái này, cùng thế hệ còn có Từ Đạo Hạnh và nhiều người khác. Khoảng cuối Bắc thuộc,
đạo Phật đã phát triển rất mạnh, đất Việt là đất lành, nhiều cao tăng Trung Quốc đã sang tu luyện
và truyền đạo. Nổi lên vào năm 820 có Vô Ngôn Thông về tu ở chùa Kiến Sơ (Gia Lâm - Hà
Nội), phái này nhấn mạnh Đốn Ngộ, chủ trương con người có thể trong giây lát đạt được giác
ngộ, coi “tâm địa” là bản nguyên của vạn pháp, phái này truyền thừa theo lối Thoại đầu (bằng
một câu nói hay bài kệ làm thức tỉnh tâm tư thiền giả) và do quá cao siêu nên khó phổ cập trong
dân Việt, mặc dù phái này đã gần với đời sống xã hội hơn các phái Thiền của Trung Hoa rất
nhiều. Đây cũng là giai đoạn Tịnh Độ Tông thâm nhập mạnh vào đất Việt (phái chủ trương niệm
phật để đạt tới “nhất tâm bất loạn” nhằm được vào cực lạc quốc của A Di Đà Phật) và dần dần
được người Việt tin theo mạnh mẽ. Song, tới thời Lý (thế kỷ XI) đạo Phật do tính chất thoát tục
và từ bi hỉ xả, nên không thể tham gia tích cực vào chính trị trong xu thế phát triển mạnh mẽ của
lịch sử, vì thế, Phật phái Thảo Đường ra đời, nhằm dung hoà giữa Phật và Nho. Đây là một thiền
phái của trí thức. Phật phù hợp với thực tế tư tưởng xã hội, Nho đáp ứng yêu cầu trị quốc. Nho
gia được đề cao, thì đạo Nho cũng ngày một mạnh ở tầng lớp này. Điều trớ trêu của lịch sử là
nhà Nho đề cao văn hoá phương Bắc, coi thường truyền thống. Vì vậy, phái Trúc Lâm được hình
thành, nhằm bảo tồn bản sắc văn hoá dân tộc, chống sự nô dịch của văn hoá Trung Hoa… Song
Trúc Lâm không cưỡng lại được xu thế phát triển của Nho giáo và thực tế biến đổi của xã hội.
Nó bị suy thoái vào thế kỷ XV. Tới khoảng giữa thế kỷ XVI, gần như Phật giáo được phục hưng
để dần dần phát triển mạnh ở thế kỷ XVII, nổi lên với hai tông phái đều được du nhập từ phương
Bắc là Lâm Tế và Tào Động. Phái Tào Động chủ yếu phát triển ở Bắc Bộ với Thiền sư nổi tiếng
là Thủy Nguyệt và Chân Nguyên. Phái Lâm Tế với nhà sư Liễu Quán nổi lên ở Đàng Trong. Khi
vào đất Việt thì hai phái này không còn cách xa nhau mấy nữa. Vào cuối thế kỷ XVII, Phật giáo
lại suy, tuy nhiên nó đã ăn sâu vào tâm khảm quần chúng nên không thể bị tan rã. Tới những
năm 30 của thế kỷ XX, Phật giáo lại được chấn hưng, như một tiếng gọi về cội, góp phần chống
văn hoá Tây Phương.
Rõ ràng là đạo Phật du nhập vào Việt, trước đây, thường chỉ nghĩ đến hai con đường, từ biển
phía Nam và từ Trung Hoa phía Bắc, nhưng bằng những cuộc khảo sát thực tế qua các ngôi chùa
ở Bắc Bộ và các sự tích, chúng ta biết chắc chắn có một con đường nữa – Tây Bắc – theo sông

Hồng vào châu thổ Bắc Bộ. Dòng Phật giáo này rất phù hợp với tín ngưỡng dân dã của người
Việt.
Chùa Tháp Việt Nam
Phật giáo vào ta rất sớm, song trong điều kiện kinh tế và văn hoá những thế kỷ đầu Công nguyên
thì giáo đường của Phật giáo mới chỉ là những am miếu mà nhà sư Phương Tăng Hội gọi là
“Miếu Đường” hoặc “Tông Miếu” gợi đến nơi thờ tổ tiên của người Việt. Phật giáo muốn đi sâu
vào trong quần chúng đã hội nhập nhiều thứ thần linh bản địa, do đó chùa tháp trong thời Bắc
thuộc còn phụ thuộc vào tập tục địa phương mà chưa có mẫu hình chuẩn, chỉ được nhắc đến qua
vài ghi chép vắn tắt trong thư tịch.
Bước vào thời tự chủ, Phật giáo phục vụ đắc lực cho chính quyền trung ương, đến thời Lý thì trở
thành quốc giáo “chỗ nào có người ở tất có chùa thờ Phật” (bia chùa Thiên Phúc) ,trong nước hễ
chỗ nào “có cảnh đẹp núi non thì đều xây dựng chùa chiền” (bia chùa Linh Xứng). Xây dựng ở
nơi thắng cảnh, nên chùa tháp thời Lý phần lớn là những danh lam. Trong chùa thời Lý, tháp
đóng vai trò chính, là cái đền phật giáo đương thời được xây dựng khá nhiều mà nay còn thấy tả
trong thư tịch và để lại phế tích ở các chùa Phật Tích ở Bắc Ninh, Tường Long (Hải Phòng),
Chương Sơn (Nam Định), Long Đội (Hà Nam), đều có bình diện vuông cạnh dài từ 8 đến hơn
19m, phải có chiều cao tương ứng rất lớn, biểu hiện khí thế vươn lên của dân tộc. Riêng tháp Đại
Thắng Tư Thiên ở chùa Báo Thiên thì cả tên tháp và tên chùa đều muốn nêu bật tính chất một đài
chiến thắng, sừng sửng như cột chống trời làm điểm tựa cho kinh kỳ (như thơ văn thời Trần xác
nhận). Những cây tháp ấy phần lớn ở trên những quả núi đột khởi giữa đồng bằng càng tăng
chiều cao và vẻ nguy nga bề thế, nó lại hoà nhập với các dãy nhà và cây cối xung quanh, tạo cả
một tổng thể kiến trúc vừa vươn cao vừa trải rộng, thiêng liêng mà vững chải.
Phong phú hơn tháp là chùa với nhiều dáng vẻ khác nhau. Độc đáo là chùa Một Cột (Hà Nội),
vốn xưa rất đồ sộ, chỉ riêng cây cột đá đã cao 10 trượng (chừng 30m), toàn thể là bông sen kiến
trúc khổng lồ vươn lên giữa hai lần hồ. Một loạt chùa khác được xây dựng ở sườn đồi trườn lên
và trải ngang, hòa vào cảnh đẹp tự nhiên, thường được nhà vua du ngoạn và để lại di bút. Cũng
nhiều chùa ở nơi bình địa, chiếm một diện tích khá rộng, bố cục đăng đối, gần với xóm làng,
khang trang mà ấm cúng.
Sang thời Trần, một số tháp như Phổ Minh (Nam Định) và Bình Sơn (Vĩnh Phúc) vẫn còn khá
nguyên vẹn, phỏng lại mô hình tháp thời Lý song đã thu nhỏ với cạnh chân từ 4m đến 5m và cao
chừng 15 đến 20m, gồm nhiều tầng “mọc” lên trên một đài sen với những hình trang trí dày đặc
như chùa Phổ Minh với cây tháp ở giữa sân trước và các tòa nhà ngang dọc thấp thoáng bên
những cây cổ thụ, cân đối và hài hòa, bề thế, khang trang; lại có loại chùa của dân gian như chùa
Thái Lạc (Hưng Yên), chùa Dâu (Bắc Ninh), chùa Bối Khê (Hà Tây) gọn gàng mà quy mô, còn
khá lớn, riêng tòa điện Phật với khối gần vuông, xây trên nền cao, có các mái xòe nghiêng và các
đao vút cong đã gợi ra bông sen nở rực rỡ. Đã đẹp ở hình khối, các mặt gỗ lại là những điện
trang trí chạm nổi cao, nhiều đề tài về rồng phượng và các tiên nữ ca múa rộn ràng.
Thời Lê sơ chùa bị hạn chế, song sang thời Mạc với sự ổn định trật tự xã hội, sự phát triển cả
kinh tế nông nghiệp và kinh tế hàng hóa, tư tưởng cởi mỡ thì Phật giáo cũng được phục hồi.
Nhiều nơi có sự bảo trợ của quý tộc, nhân dân các làng xã đã sửa chữa và dựng mới nhiều chùa,
theo hình mẫu và quy mô của chùa làng cuối thời Trần, đẹp, ấm cúng và bình dị.
Vào thế kỷ XVII, cuộc chiến tranh Trịnh Nguyễn kéo dài đã làm hao người tốn của, người ta đi
tìm chỗ dựa ở thần quyền, nhiều quý tộc đã xuất tiền để mở mang cảnh chùa. Những ngôi chùa
được dựng ở giai đoạn này hầu hết có quy mô rất lớn, thuộc loại chùa “trăm gian” hay “trăm
cửa”, gồm nhiều nếp nhà vòng trong vòng ngoài theo kiểu “Nội công, ngoại quốc” phát triển cả
về chiều ngang và chiều dọc. Những ngôi chùa này biết lợi dụng và cải tạo môi trường tự nhiên,

gắn bó mật thiết với hồ ao và vườn cây vườn cảnh, các nếp nhà có sự dàn cách và độ cao khác
nhau tạo thành những nhịp điệu kiến trúc khi dồn dập, khi dàn trải, có độ trầm, có điểm vút, lại
luyến lái như một bản nhạc bằng khối hình hoành tráng giữa thiên nhiên.
Đến cuối thế kỷ XVIII, với thời Tây Sơn, Phật giáo lại có bước phát triển mới: một số phường
ấp, dân làng có đủ khả năng dựng mới những cảnh chùa xưa đã bị hoang tàn, trong đó nổi trội
lên chùa Nghi Tàm và chùa Tây Phương. Hai ngôi chùa này – một ở ven Hồ Tây trũng thấp và
một ở đỉnh núi Câu Lậu cao vượt lên, song đều theo một mẫu hình chung của thời đại với mặt
bằng chữ Tam song được quây lại theo chữ Công, các nếp nhà đều chồng diêm với hai tầng mái
và 8 hoa đao, trong đó nếp nhà giữa thu mình ngắn lại để tạo sự lô xô không che khuất cũng
không dàn đều, trong sự hữu hạn bỗng phong phú như vô hạn. Trong chùa nội thất được đóng
kín ngang nhưng lại mở trên, ánh sáng và nhiệt độ tự nó điều hòa để làm nổi bật Phật điện thông
thoáng được trang trí tinh giản mà vui mắt làm chỗ quần tụ của nhiều tượng tròn xuất sắc.
Thời Nguyễn đã tu sửa lại hầu hết chùa cũ, ở Huế xây thêm nhiều chùa mới thường có sự bảo trợ
của triều đình, nhiều nơi ngoài sự đóng góp của dân làng còn có “công đức” của thương nhân.
Phần lớn những ngôi chùa ấy vẫn còn giữ nguyên bóng dáng đến nay, nó không bề thế, không
nổi trội, nhưng dung dị, gần với nhà dân, gắn với vườn cây ao cá để tạo một sự thân quen, ấm
cúng mà vẫn tôn nghiêm.
Kiến trúc Phật giáo là chùa tháp, nó gắn với làng xóm để giữ mối liên hệ mật thiết với dân làng,
cả khi có sự bảo trợ của nhà nước hay của quý tộc, thì nó vẫn là trung tâm văn hóa tôn giáo của
địa phương. Tổng thể kiến trúc ấy dàn ra với môi cảnh, để hòa hợp mà nhân quy mô lên, song
từng đơn nguyên thì không cách biệt với nhà dân, nó “đóng kín” ở nơi thờ nhưng lại “mở” với sự
hòa quyện nội và ngoại thất, con người ở đây lúc nào cũng gần gũi thiên nhiên. Thế giới Phật
giáo với giáo đường chùa tháp đã tạo ở mỗi người một cuộc sống hướng thiện ở giữa “đất Vua –
chùa làng – phong cảnh Bụt”.
Đền Kiếp Bạc
Đền Kiếp Bạc là một di tích lịch sử, một cảnh đẹp gợi nhớ chiến công hiển hách của tổ tiên ta
đời Trần (thế kỷ XIII). Đền thờ Hưng Đạo Vương Trần Quốc Tuấn, được xây dựng ở hai làng
Vạn Yên (Kiếp) và Dược Sơn (Bạc) nay thuộc xã Hưng Đạo, huyện Chi Linh, tỉnh Hải Hưng.
Đền cách tỉnh lỵ Hải Dương 33km về phía Bắc và cách Phả Lại 4km về phía Nam. Từ Hà Nội
đến thăm đền có thể đi theo hai đường: hoặc đi đường bộ Hà Nội – Bắc Ninh (29km), vào đường
số 18 đến Phả Lại (27km), qua phà, đi theo đường sông Đuống (65km) tới cửa đền. Từ Bắc Ninh
có thể xuống bến Đáp Cầu, theo sông Cầu (khoảng 32km) cũng đến khu di tích.
Đền Kiếp Bạc được dựng trên một vùng núi sông hùng vĩ. Hướng Bắc có dãy núi Vạn Yên và
Bắc Đẩu, một dãy núi vòng cung 9 ngọn. Phía Nam sát Nam Tào – Dược Sơn. Đông giáp Hồ
Dầu huyện Đông Triều. Người xưa chọn đất hai làng Vạn Yên, Dược Sơn dựng đền hẳn vì theo
tương truyền, đất ấy là nơi Trần Quốc Tuấn đóng đồn, trồng thuốc nam chữa bệnh cho quân sĩ.
Trên vường Cổ Dược hiện nay vẫn được nhân dân chăm sóc. Đất ấy cũng là nơi dân và quân nhà
Trần thắng trận, kết thúc cuộc chống xâm lược lần thứ nhất của giặc Nguyên – Mông.
Đời sau, vua Trần Nhân Tông thấy Trần Hưng Đạo có công lớn, cho lập đền thờ ở đây. Đền khởi
công xây dựng khi Hưng Đạo còn sống, lấy làm nơi dưỡng nhàn từ khi ông về nghỉ đến lúc qua
đời. Qua nhiều thế kỷ nắng mưa, bão gió nhiệt đới và chiến tranh, các công trình kiến trúc ở Kiếp
Bạc từ thời Trần và thời Lê đã bị hủy hoại, cây cảnh và rừng gỗ quý không còn. Các công trình
kiến trúc ở khu đền hiện nay được trùng tu, tôn tạo vào cuối thế kỷ XIX, đầu thế kỷ XX. Trong
kháng chiến chống Pháp (1946-1954), bọn giặc đã dỡ chùa Nam Tào, Bắc Đẩu, hành lang và
trung từ Kiếp Bạc để xây đồn bót, chặt phá cây cổ thụ và cướp đi nhiều đồ tế tự quý giá. Đền

hiện nay còn 7 pho tượng đồng: Trần Hưng Đạo, phu nhân, hai con gái, Phạm Ngũ Lão, Yết
Kiêu, Dã Tượng; 4 bài vị thờ 4 con trai cùng một số đồ thờ, hoành phi, câu đối…
Sau ngày miền Bắc hoàn toàn giải phóng (1955), Nhà nước đã xếp hạng bảo vệ Kiếp Bạc và bỏ
nhiều kinh phí cùng với sự đóng góp của nhân dân tu sửa tôn tạo khu di tích như: đắp đê chống
lụt (1972), xây dựng nhà trưng bày, trùng tu trung từ (1979), xây dựng lại hành lang (1984)…
Từ nhiều thế kỷ trước, kỷ niệm ngày mất của Trần Hưng Đạo đã trở thành ngày hội lớn của dân
tộc, trẩy hội đền là niềm vui và tập quán của nhân dân. Hội bắt đầu từ 16 đến 20 tháng 8 âm lịch
hàng năm. Trong những ngày này, hàng vạn người đến dự hội, hàng nghìn con thuyền đậu chật
bến sông. Bên cạnh hội đền là hội chợ và các trò vui dân gian…
Trần Hưng Đạo - Tứ Bất Tử Việt Nam
Trần Quốc Tuấn sinh trong một gia đình quý tộc, nguyên quán ở làng Tức Mạc (Nam Định).
Cha là An Sinh Vương Trần Liễu, anh ruột Trần Thái Tông – ông vua đầu tiên đời Trần. Từ nhỏ
ông đã được rèn luyện và giáo dục toàn diện, sớm có chí lớn và tài văn võ. Ông làm quan trải 4
đời Hoàng đế đầu thời Trần. Trần Hưng Đạo là linh hồn của tất cả các chiến công xuất sắc nhất
của lịch sử nước nhà thế kỷ XIII. Ông được coi như là người đã khai sinh nền khoa học quân sự
Việt Nam ta qua tác phẩm “Binh Thư Yếu Lược”.
Trong cuộc kháng chiến chống Nguyên lần thứ nhất (1258), Trần Hưng Đạo chỉ huy quân thuỷ
bộ chặn giặc ở biên giới. Năm 1283, ông được phong chức Quốc công Tiết chế thống lĩnh toàn
bộ lực lượng quân sự. Là người tổng chỉ huy, ông có cống hiến to lớn trong cuộc kháng chiến
chống Nguyên lần thứ hai (1285) và thứ 3 (1288). Khí phách hiên ngang, khẳng khái của ông
luôn được người đời truyền tụng. Nhắc đến ông, người dân nước Việt nhớ đến lời ông như vẫn
còn đây: “Bệ hạ muốn hàng xin hãy chém đầu thần trước đã”. Câu nói đã được nói với Hoàng đế
Trần Nhân Tông khi quân Nguyên Mông xâm chiếm nước ta lần II năm 1285 khi Hoàng đế ướm
hỏi “Nên hòa hay nên đánh?”.
Gần nửa thế kỷ chỉ huy quân đội, thiên tài quân sự của ông được khẳng định trên hai phương
diện, lý luận và thực tiễn. Ông viết các tác phẩm: Binh thư yếu lược, Vạn Kiếp tổng bí truyền
thư… và Hịch tướng sĩ – một áng thiên cổ hùng văn bất hủ. Lúc đất nước lâm nguy, ông nhận
trách nhiệm về mình, kiên quyết và tự tin, gạt bỏ thù riêng mưu việc lớn, đặt lợi ích quốc gialên
trên lợi ích cá nhân: xóa bỏ hận thù với Trần Quang Khải… Đối với quân sĩ như cha con, nhiều
gia nhân môn khách của ông làm nên sự nghiệp.
Ngày nay người Việt coi ông là một trong Tứ Bất Tử, ông được thờ khắp mọi nơi cùng với Bà
chúa Liễu Hạnh, Thánh Gióng, Chử Đồng Tử.
Hịch Tướng Sĩ
Ta thường nghe: Kỷ Tín đem mình chết thay, cứu thoát cho Cao Đế; Do Vu chìa lưng chịu giáo,
che chở cho Chi6u Vương; Dự Nhượng nuốt than báo thù cho chủ; Thân Khoái chặt tay cứu nạn
cho nước; Kính Đức, một chàng tuổi trẻ, thân phò Thái Tông thoát khỏi vòng vây Thế Sung; Cảo
Khanh, một bề tôi xa, miệng mắng Lộc Sơn, không theo mưu kế nghịch tặc. Từ xưa, các bậc
trung thần nghĩa sĩ bỏ mình vì nước, đời nào không có? Giả sử các bậc đó cứ khư khư theo thói
nữ nhi thường tình, thì cũng chết già ở xó cửa, sao có thể lưu danh sử sách, cùng trời đất muôn
đời bất hủ được!
Các ngươi con nhà võ tướng, không hiểu văn nghĩa, nghe những chuyện ấy nửa tin nửa ngờ.
Thôi những chuyện xưa ta không nói đến nữa. Nay ta chỉ kể chuyện Tống, Nguyên mới đây.
Vương Công Kiên là người thế nào? Tì tướng của ông là Nguyễn Văn Lập lại là người thế nào?
Mà giữ thành Điếu Ngư nhỏ như cái đấu, đường đường chống với quân Mông Kha đông đến
hàng trăm vạn, khiến cho nhân dân đời Tống, đến nay còn đội ơn sâu! Cốt Đãi Ngột Lang là
người thế nào? Tì tướng của ông là Xích Tu Tư lại là người thế nào? Mà xông vào chỗ lam

chướng xa xôi nghìn trùng, đánh bạn được quân Nam Chiếu trong vài tuần, khiến cho quân
tướng đời Nguyên đến nay còn lưu tiếng tốt.
Huống chi ta cùng các ngươi, sinh phải thời loạn lạc, lớn gặp buổi gian nan. Ngó thấy sứ giặc đi
lại nghênh ngang ngoài đường, uốn lưỡi cú diều mà sỉ mắng triều đình, đem thân dê chó mà bắt
nạt tể phụ, thác mệnh Hốt Tất Liệt mà đòi ngọc lụa, để thỏa lòng tham khôn cùng; giả hiệu Vân
Nam vương mà thu bạc vàng, để vét của kho có hạn. Chẳng khác nào như đem thịt mà nuôi hổ
đói, sao cho khỏi để tai vạ về sau?
Ta thường tới bữa quên ăn, nửa đêm vỗ gối, ruột đau như cắt, nước mắt đầm đìa, chỉ căm tức
chưa xẻ thịt lột da, nuốt gan uống máu quân thù. Dẫu cho trăm thân này phơi ngoài nội cỏ, nghìn
xác này gói trong da ngựa, ta cũng vui lòng.
Các ngươi ở cùng ta coi giữ binh quyền đã lâu ngày, không có mặc thì ta cho áo, không có ăn thì
ta cho cơm; quan nhỏ thì ta thăng chức, lương ít thì ta cấp bổng; đi thủy thì ta cho thuyền, đi bộ
thì ta cho ngựa; lúc trận mạc xông pha thì cùng nhau sống chết, lúc ở nhà nhàn hạ thì cùng vui
cười. Cách đối đãi so với Vương Công Kiên, Cốt Đãi Ngột Lang ngày trước cũng chẳng kém gì.
Nay các ngươi nhìn chủ nhục mà không biết lo, thấy nước nhục mà không biết thẹn. Làm tướng
triều đình phải hầu quân giặc mà không biết tức; nghe nhạc thái thường để đãi yến ngụy sứ mà
không biết căm. Hoặc lấy việc chọi gà làm vui đùa, hoặc lấy việc đánh bạc làm tiêu khiển; hoặc
vui thú vườn ruộng, hoặc quyến luyến vợ con; hoặc lo làm giàu mà quên việc nước; hoặc ham
săn bắn mà quên việc binh; hoặc thích rượu ngon, hoặc mê tiếng hát. Nếu có giặc Mông Thái
tràn sang thì cựa gà trống không thể áo giáp của giặc, mẹo cờ bạc không thể dùng làm mưu lược
nhà binh; dẫu rằng ruộng lắm vườn nhiều, tấm thân quý nghìn vàng khôn chuộc; vả lại vợ bìu
con ríu, việc quân cơ trăm sự ích chi; tiền của tuy nhiều khôn mua được đầu giặc, chó săn tuy
khoẻ khôn đuổi được quân thù; chén rượu ngon không thể làm cho giặc say chết, tiếng hát hay
không thể làm cho giặc điếc tai. Lúc bấy giò, ta cùng các ngươi sẽ bị bắt, đau xót biết chừng nào!
Chẳng những thái ấp của ta không còn, mà bổng lộc các ngươi cũng mất; chẳng những gia quyến
của ta bị tan, mà vợ con các ngươi cũng khốn; chẳng những xã tắc tổ tông ta bị giày xéo, mà
phần mộ cha mẹ các ngươi cũng bị quật lên; chẳng những thân ta kiếp này chịu nhục, rồi đến
trăm năm sau, tiếng dơ khôn rửa tên xấu còn lưu mà đến gia thanh các ngươi cũng không khỏi
mang tiếng là tướng bại trận. Lúc bấy giờ, dẫu các ngươi muốn vui vẻ phỏng có được không?
Nay ta báo thật các ngươi. Nên nhớ câu “Đặt mồi lửa vào dưới đống củi” là nguy cơ, nên lấy
điều “kiểng canh nông mà thổi rau nguội” làm răn sợ. Huấn luyện quân sĩ, tập dượt cung tên,
khiến cho người người giỏi như Bàng Mông, nhà nhà đều là Hậu Nghệ; có thể bêu được đầu Hốt
Tất Liệt ở cửa khuyết, làm rửa thịt Vân Nam Vương ở Cảo Nhai. Như vậy, chẳng những thái ấp
của ta mãi mãi vững bền, mà bổng lộc các ngươi cũng đời đời hưởng thụ; chẳng những gia quyến
của ta được êm ấm gối chăn, mà vợ con các ngươi cũng được bách niên giai lão; chẳng những
tông miếu của ta sẽ được muôn đời tế lễ, mà tổ tông các ngươi cũng được thờ cúng quanh năm;
chẳng những thân ta kiếp này đắc chí, mà đến các ngươi trăm năm về sau tiếng vẫn lưu truyền;
chẳng những danh hiệu ta không bị mai một mà tên họ các ngươi cũng sử sách lưu thơm. Lúc
bấy giờ, dẫu các ngươi không muốn vui vẻ phỏng có được không?
Nay ta chọn binh pháp các nhà hợp làm một quyển gọi là “Binh thư yếu lược”. Nếu các ngươi
biết chuyên tập sách này, theo lời dạy bảo của ta thì mới phải đạo thần chủ, nhược bằng khinh bỏ
sách này, trái lời dạy bảo của ta, tức là kế nghịch thù.
Vì sao vậy? Giặc với ta là kẻ thù không đội trời chung, các ngươi cứ điềm nhiên không biết rửa
nhục, không lo trừ hung, không dạy quân sĩ, chẳng khác nào quay mũi giáo mà chịu đầu hàng,
giơ tay không mà chịu thua giặc. Nếu vậy, rồi sau đây, sau khi giặc giã dẹp yên muôn đời để
thẹn, há còn mặt mũi nào đứng trong trời đất nữa?

Ta viết ra bài hịch này để các ngươi biết bụng ta.