Hà Tĩnh là một tỉnh ở dải đất miền Trung, nằm trong vùng du lịch Bắc Trung Bộ. Phía Bắc giáp tỉnh
Nghệ An, phía Nam giáp tỉnh Quảng Bình, phía Đông giáp biển Đông, phía Tây giáp Lào. Địa hình
của tỉnh Hà Tĩnh đa dạng, chủ yếu là đồi núi. Đồng bằng chỉ là một dải đất hẹp ở ven biển và xung
quanh các trục đường Quốc lộ. Hà Tĩnh có tới 14 con sông lớn nhỏ và nhiều hồ nước. Với bờ biển
dài 137km, nhiều bãi cát trắng trải dài rất tốt cho phát triển du lịch.
Hà Tĩnh có diện tích 6.053km2, dân số 1.269.013 người (1/4/1999), thủ phủ là thị xã Hà Tĩnh. Là
một tỉnh có dân tộc chủ yếu người Việt, nên mang đậm nét văn hóa thuần Việt. Từ thời vua Hùng
Vương, Hà Tĩnh đã là một trung tâm của nền văn minh Đông Sơn, là đất văn vật nổi tiếng thời Lê –
Nguyễn. Đây là vùng đất “địa linh nhân kiệt”, nơi sản sinh bao nhân tài, danh nhân của nước Việt
như: Đại thi hào Nguyễn Du, nhà thơ – nhà quân sự Nguyễn Công Trứ, Danh y Hải Thượng Lãn
Ông Lê Hữu Trác, nhà sử học nổi tiếng Phan Huy Chú.
Đất Hà Tĩnh lưu giữ được kho tàng văn hóa dân tộc độc đáo và phong phú vào bậc nhất nước ta.
Hàng ngàn câu hát dân ca, hát ví, hát dặm, là những cống hiến đặc sắc của vùng đất này vào kho
tàng văn hóa Việt Nam.
Hà Tĩnh cũng là nơi nổi tiếng trong phong trào Cách mạng Việt Nam với các địa danh nổi tiếng như:
Khu căn cứ Vũ Quang – với Bộ chỉ huy khởi nghĩa chống Pháp đóng và lãnh đạo nghĩa quân chiến
đấu trong suốt 10 năm. Nơi đây các vị lãnh đạo của phong trào Cần Vương như Phan Đình Phùng,
Cao Thắng và các vị lãnh tụ khác bàn kế hoạch tác chiến. Đình Tứ Mỹ- là nơi tổ chức các cuộc đấu
tranh trong phong trào Xô Viết Nghệ Tĩnh 1930-1931, Ngã ba Đồng Lộc – nơi ngã xuống của 10 cô
gái thanh niên xung phong trên cung đường Trường Sơn huyền thoại .
Cho dù đi đâu về đâu người Hà Tĩnh vẫn mang trong mình lời ca ngày nào:
“Đi mô cũng nhớ về Hà Tĩnh
Nhớ núi Hồng Lĩnh, nhớ dòng sông Lam, nhớ biển rộng quê ta”
Ngã Ba Đồng Lộc
“Xã Đồng Lộc có khoảng 630 hộ, ruộng đất canh tác có khoảng 717 mẫu 2 sào. Mà trong cuộc chiến
tranh phá hoại vừa qua đã phải gánh chịu 2057 trận bom, vào ngày 15/8/1968 tới 17 trận bom”
Nằm ở địa phận huyện Can Lộc , Nghệ Tĩnh, Ngã Ba Đồng Lộc là một trong những cửa ngõ quan
trọng để vào đường mòn Hồ Chí Minh, ra tiền tuyến. Chính vì vậy máy bay Mỹ đã điên cuồng trút
xuống nơi đây 42.000 tấn bom, bom tạ, hòng ngăn chặn con đường nối liền hậu phương lớn với tiền
tuyến lớn trong cuộc kháng chiến của nhân dân ta chống đế quốc Mỹ.
Trong chiến công thần kỳ nhằm duy trì sự sống của con dường huyết mạch chạy qua Ngã Ba Đồng
Lộc, có phần đóng góp vẻ vang của 10 cô gái thanh niên xung phong trong tiểu đội 4, đại đội 552,
đội 55. Tuổi đời từ 17-22, các cô đã gan góc đương đầu với bom đạn Mỹ qua 194 ngày đêm. Và
trong một trận chiến đấu vì sự sống của con đường ra tiền tuyến, hồi 16h30 ngày 24/7/1958, 10 cô
gái anh hùng ấy đã hy sinh.
Giờ đây, cảnh quan đã thay đổi đến kỳ lạ. Dãy An Trác không còn những hố bom sâu hoắm, đỏ nọc
đến nhức mắt mà thay vào đó là bạt ngàn cây thông. Thông từ An Trác kéo dài cả dãy che mát cho
mười cô gái và hàng trăm liệt sĩ khác. Thông làm thay đổi cả khí hậu và môi trường của cái vùng khí
hậu đã khắc nghiệt mà bom Mỹ lại làm cho càng điêu tàn tưởng như không có sinh vật nào sinh sôi
được. Trong những ngày chiến tranh phá hoại ác liệt nhất của giặc Mỹ, người dân Đồng Lộc, Nghệ
Tĩnh thường động viên nhau như vậy.
Bao nhiêu bước chân anh hùng đã qua và ra đi từ ngã ba này. Anh hùng Nguyễn Tri Ân, La Thị
Tám, Đại đội anh hùng 551 Thanh niên xung phong, Tổ máy gặt Nông Xuân Lý, chiến sĩ phá bom
Vương Đình Nhỏ, Anh hùng lái xe Cao Bá Tuyết, Trần Văn Thi, Đại đội xe 806, và ở lại với ngã ba
này chỉ có 10 cô gái. Mười cô gái anh hùng, trong đó có Võ Thị Tần, tổ trưởng lớn tuổi nhất cũng
chưa quá 22 tuổi. Họ đứng đó, quây quần bên nhau trên một sườn đồi, cách ngã ba khoảng vài
trăm mét. “Toàn dân đời đời ghi nhớ những người con chiến đấu dũng cảm đã hy sinh vì sự nghiệp
vinh quang của Tổ quốc”. Dòng chữ đỏ sau hàng tên tuổi của 10 cô gái trên tấm bia ghi sự tích anh
hùng của họ, Di tích lịch sử đã được Bộ Văn hóa Thông tin xếp hạng, cứ long lanh ngời chói. Người
ta đặt cho Ngã ba Đồng Lộc một cái tên thật gợi cảm: “Ngã Ba Đừng Quên”.
Trần Phú
Tổng bí thư đầu tiên của Đảng Cộng Sản Đông Dương, ông sinh ngày 1/5/1904 (có sách chép năm
sinh 1903) tại Đức Phổ, Quảng Ngãi, nguyên quán thôn Tùng Ảnh, xã Việt Yên Hạ, Đức Thọ, Hà
Tĩnh.
Thuở nhỏ ông học ở Đức Phổ (vì thân phụ ông làm Tri huyện tại đó), Huế. Năm 1922, tốt nghiệp
bằng Thành Chung, được bổ về dạy tại trường tiểu học Vinh (Nghệ An). Năm 1925, ông tham gia
lập hội Phục Việt rồi gia nhập Việt Nam Cách Mạng Đảng (sau đổi là Tân Việt). Có lúc ông sang Lào
vận động thành lập chi bộ bên ấy…
Tháng 8/1926, ông sang Trung Quốc liên lạc với Việt Nam Thanh Niên Cách Mạng Đồng Chí Hội.
Tại đây ông được kết nạp vào Cộng Sản Đoàn rồi được lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc phái cử về nước
hoạt động với tư cách là người Cộng sản.
Năm 1927, ông được Đảng cử sang học tại trường Đại học phương Đông Moscow. Lúc này ông có
tên mới là Likivơ và được chỉ định làm bí thư chi bộ ở trường.
Đầu năm 1930 ông về nước, được cử vào Ban chấp hành TW Lâm thời của Đảng. Thời gian này
ông khởi thảo bản Luận cương Chính trị của Đảng Cộng Sản Đông Dương.
Tháng 10/1930, Hội nghị lần thứ nhất của TW Đảng họp ở HongKong, ông được bầu làm Tổng Bí
thư đầu tiên của Đảng Cộng Sản Đông Dương. Sau đó ông về nước hoạt động ở Sài Gòn. Đến
ngày 19/4/1931 ông bị Pháp bắt tại đường Champagne nơi ông đang làm việc. Trong tù ông bị bệnh
nặng và mất ở Bệnh viện Chợ Quán vào ngày 6/9/1931, hưởng dương 27 tuổi.
Núi Hồng Lĩnh
Là ngọn núi biểu trưng cho tỉnh Hà Tĩnh. Đây là một dãy núi dài trên 27km có 99 ngọn tất cả. Không
những thế trên dãy Hồng Lĩnh còn có tới khoảng 100 ngôi đền, miếu, chùa chiền. Có ngôi rất cổ
như chùa Hương Tích hay chùa Chân Tiên nơi vẫn còn lưu chân người và dấu chân ngựa trên tảng
đá: Tiên Giáng Trần. Phong cảnh hùng vĩ nên thơ của Hồng Lĩnh là nơi sinh ra nhà thơ vĩ đại của
Việt Nam: Nguyễn Du.
Khu lưu niệm Nguyễn Du
Trước mặt làng là dòng sông Lam uốn khúc, phía sau là dãy núi Hồng Lĩnh. Khu lưu niệm Nguyễn
Du được xây dựng trên khoảng đất rộng chừng 20ha có nhà lưu niệm kiến trúc bằng gỗ mít, chạm
trổ khá tinh vi, bên cạnh là nhà khách rộng. Chung quanh Khu lưu niệm trồng nhiều cây lâu năm,
râm mát, đường đi rộng rãi. Trên một khoảng đất còn trồng các thứ cây mà Nguyễn Du đã nói tới
trong truyện Kiều như: mai, mận, đào, liễu, lan huệ. Mộ hiện nay đặt ở một bãi cát vàng cách khu
lưu niệm 3km.
Làng Tiên Điền vốn là vùng đất pha cát do sông Lam bồi đắp nên, từ mấy nghìn năm về trước tổ
tiên của dòng họ Nguyễn Tiên Điền là ở ngoài Bắc và lập nghiệp từ cuối thời Mạc (thế kỷ 16). Trên
mảnh đất ấy đã sản sinh cho đất nước nhiều vị đại khoa, văn thần, võ tướng, mà đỉnh cao nhất là cụ
Nguyễn Nghiễm, thân sinh nhà thơ Nguyễn Du. Thời đó, thân sinh Nguyễn Du làm tể tướng triều Lê
– Trịnh, anh cả là Nguyễn Khản giữ chức thị thư trong phủ chúa. Chính vì cả nhà làm quan nên
Nguyễn Du sinh ở Thăng Long.
Nguyễn Du rời quê hương ra đi năm 1802, từ đấy cho đến lúc mất ông không về quê. Ông mất ở
Phú Xuân, mộ chôn ở cánh đồng Bàu Đá, xã An Ninh, huyện Quảng Điền, tỉnh Thừa Thiên. Bốn
năm sau, con cháu đem hài cốt về Tiên Điền, chôn ngay trong vườn nhà xưa. Năm 1928 mới cải
táng đến xứ Đồng, cách nhà 2km về phía núi Hồng Lĩnh. Hiện nay, trên khu vực nhà xưa của
Nguyễn Du đã được tôn tạo lại rất nhiều. Một mảnh vườn đất cát pha, rộng 3 sào, có cây Đại từ thời
Nguyễn Du tới nay vẫn còn sống.
Tiên Điền là một làng nghèo miền Trung, nhưng rất thanh bạch, thoáng mát và nên thơ. Nhà cửa
xóm làng sạch sẽ, xanh tốt. Dù là một nếp nhà nhỏ cũng có cổng nón giao cành bằng những bụi tre,
bụi chuối rất trang nhã. Người Tiên Điền, già trẻ đều tỏ ra lịch sự và niềm nở với khách phương xa –
nhất là khách đến thăm quê và viếng Nguyễn Du. Họ Nguyễn từ lâu đã biết gìn giữ những di sản
văn hóa của tổ tiên. Bà con ở đây còn giữ được cả gia phả và bản Kiều bằng chữ Nôm chép tay rất
giá trị. Đó là bản Kiều gồm 3.256 câu chữ nhỏ, chép công phu trên khổ sách 11x15. Bản truyện Kiều
này do nghè Nguyễn Mai, cháu ba đời của Nguyễn Du chép giữ. Khi cụ Mai qua đời, ông Lê Liêu
(người nhà cụ Mai) giữ, và năm 1962 đã trao cho cơ quan có trách nhiệm nghiên cứu. Bản Kiều chữ
Nôm này theo các nhà nghiên cứu về Nguyễn Du là bản chính xác nhất, trong đó có phần chú thích
mà chính Nguyễn Du ghi lại trong khi nhàn nhã, để làm sáng tỏ thêm tác phẩm của mình.
Nguyễn Du tên chữ là Tố Như, hiệu là Thanh Hiên sinh ngày 3/1/1766, người làng Tiên Điền, huyện
Nghi Xuân, tỉnh Hà Tĩnh, nhưng ông ra đời ở Thăng Long trong một gia đình đại quý tộc, nhiều đời
làm quan và có nhiều người sáng tác văn học.
Cha ông là Nguyễn Nghiễm, từng giữ chức Tể tướng triều Lê. Mẹ ông là bà Trần Thị Tân, vợ thứ 3
của Nguyễn Nghiễm (ông có 8 bà vợ và 21 người con cả trai lẫn gái)
Từ năm ra đời cho đến năm 10 tuổi, Nguyễn Du sống hết sức sung túc. Đến năm 10 tuổi cha mất,
hai năm sau mẹ mất. Bốn anh em cùng mẹ với Nguyễn Du chưa ai tới tuổi trưởng thành nên phải
sống nhờ nhà người anh cả cùng cha khác mẹ là Nguyễn Khản lớn hơn Nguyễn Du 32 tuổi, bấy giờ
là quan lớn trong triều. Nhưng nhà Nguyễn Khản cũng không yên. Nguyễn Khản bị kiêu binh ghét
nên khi ông được chúa Trịnh cử làm Tham Tụng thì họ kéo đến phá tan nhà của ông và toan giết
chết ông. Ông chạy trốn lên Sơn Tây rồi về Hà Tĩnh. Thời gian này Nguyễn Du còn nhỏ tuổi vẫn tiếp
tục đi học. Năm 1783 Nguyễn Du 18 tuổi thi Hương đậu tam trường, sau đó không biết vì lẽ gì
không thấy ông học lên nữa, mà đi nhận một chức quan võ ở Thái Nguyên, kế chân người cha nuôi
của ông vừa mới từ trần.
Khoảng 30 năm cuối thế kỷ 18 nước ta hết sức rối ren. Triều đình Lê - Trịnh có nguy cơ sụp đổ, nên
Lê Chiêu Thống cử người sang cầu viện nhà Thanh. Nhà Thanh nhân cơ hội này đem quân sang
xâm chiếm nước ta. Năm 1789, Nguyễn Huệ trong Nam kéo quân ra Bắc tiêu diệt quân Thanh. Lê
Chiêu Thống cùng với một số quan triều đình bỏ nước chạy theo quân xâm lăng sang Trung Quốc.
Ba anh em cùng mẹ với Nguyễn Du chạy theo Lê Chiêu Thống không kịp, Nguyễn Du bỏ về quê vợ
ơ Thái Bình. Nguyễn Du nơm nớp lo sợ bị nhà Tây Sơn trả thù, nên ông mai danh ẩn tánh. Sau đó
ông về Tiên Điền sống một thời gian dài cho đến năm 1802, Gia Long lật đổ nhà Tây Sơn. Suốt thời
gian dài ở Thái Bình cũng như khi về ở Hà Tĩnh, Nguyễn Du sống long đong vất vả. Nhiều lần ông
phải ăn ở nhà người khác, có lúc bệnh không có thuốc uống. Tập thơ chữ Hán Thanh Hiên Thi Tập
được ông viết trong những năm tháng này. 8/1802, Gia Long có chiếu bổ Nguyễn Du làm tri huyện
Phù Dung rồi thăng tri phủ Thường Tín, Nguyễn Du không muốn làm quan, nhưng nhiều lần triều
đình mời gọi, bất đắc dĩ phải làm quan. Truyện Kiều của ông có thể viết trong thời gian này. Năm
1813, Nguyễn Du được thăng chức học sĩ điện Cần Chánh và được cử làm chánh sứ, cầm đầu một
phái đoàn của ta đi Trung Quốc. Trong thời gian đi sứ, Nguyễn Du đã viết tập Bắc Hành Tạp Lục.
Đây là tập thơ chữ Hán xuất sắc nhất của ông. Năm 1820, Minh Mạng lên ngôi định cử Nguyễn Du
làm chánh sứ đi Trung Quốc một lần nữa, nhưng chưa kịp đi thì ông mất đột ngột 18/9/1820 trong
một trận dịch rất lớn.
Ông đã có công đưa chữ Nôm lên một tầm cao mới với kỹ thuật dùng từ điêu luyện đặc sắc qua
cách dùng các từ điệp, tượng thanh, tượng hình một cách tinh tế hài hoà. Năm 1966, UNESCO
công nhận ông là Danh nhân văn hoá thế giới nhân dịp 200 năm ngày sinh của ông (lúc đó người ta
lầm Nguyễn Du sinh năm 1766)
Lê Hữu Trác
Ông sinh 1720 mất năm 1792, ông người làng Liêu Xá huyện Đường Hào (nay thuộc huyện Mỹ Văn
tỉnh Hưng Yên). Ông còn có tên Lê Hữu Huân, lại là người con thứ 7 của Thượng Thư Tiến sĩ Lê
Hữu Mưu nên đời vẫn thi thoảng gọi ông là Chiêu Bảy. Ông có hiệu là Hải Thượng Lãn Ong và tên
hiệu trở thành tên gọi phổ biến nhất. Ông tuy sinh tại làng Tiên Xá nhưng ông sống chủ yếu tại quê
mẹ là làng Tinh Diệm (nay thuộc huyện Hương Sơn, tỉnh Hà Tĩnh). Suốt đời gần như ông chỉ
chuyên tâm nghiên cứu y học. Ông đã để lại cho đời nhiều trước tác có giá trị, đặc biệt là bộ Hải
Thượng Y Tông Tâm Lĩnh Thượng Kinh Ký (66 quyển). Ông còn là một nhà văn tài hoa, tác phẩm
Thượng Kinh Ký Sự của ông được người đời tán thưởng.