Hôm nay chúng ta sẽ cùng tìm hiểu đôi nét về mảnh đất Hà Nam nhé cả nhà, mặc dù Hà Nam
không có nhiều địa danh du lịch, nhưng lại là cái nôi sản sinh ra nhiều nhân tài cho nền văn học đất
nước...
Là một người hướng dẫn viên, nắm rõ được các đặc điểm của mỗi vùng đất đi qua là điều cần thiết
đúng không nào? Trên đoạn đường xe lăn bánh, sẽ thú vị hơn rất nhiều nếu hdv có thể giới thiệu
được những đặc trưng về mỗi tỉnh thành chúng ta đi qua.
Dù ít dù nhiều, thông tin chúng ta cung cấp chắc chắn sẽ được du khách ủng hộ và hào hứng đón
nhận đó!
Cùng tham khảo nhé các bạn!
HÀ NAM
Là một tỉnh được tách ra từ tỉnh Nam Hà năm 1991. diện tích 826.660km2 với dân số đến ngày
1/4/1999 là 791.618 người. Tỉnh Hà Nam có 5 huyện và một thành phố là Phủ Lý. Là một tỉnh ở phía
Nam châu thổ sông Hồng, cửa ngõ phía Nam thủ đô Hà Nội. Phía Bắc giáp Hưng Yên và Hà Tây,
phía Đông giáp Thái Bình, phía Tây giáp Hòa Bình, phía Nam và Đông Nam giáp Nam Định và Ninh
Bình.
Địa hình của tỉnh đa dạng bao gồm chủ yếu là vùng đồng bằng chiêm trũng, vùng đồi núi, nửa đồi
núi. Tỉnh có hai con sông lớn chảy qua: sông Đáy, sông Châu Giang. Đất đai của tỉnh phần lớn là
đất phù sa, độ phì nhiêu cao, thuận lợi cho việc phát triển nông nghiệp. Khí hậu nhiệt đới, chia làm
hai mùa: mùa khô từ tháng 11 năm trước đến tháng 4 năm sau, mùa mưa từ tháng 5 đến tháng 10.
Nhiệt độ trung bình năm khoảng 23 độ. Giao thông đường sắt, đường bộ, đường thuỷ đều thuận lợi,
tất cả đều nằm trên trục lộ Bắc Nam.
Hà Nam là một địa phương có truyền thống lâu đời, trong các cuộc kháng chiến chống Pháp, chống
Mỹ, thị xã đã bị san bằng tới 3 lần. Ngày nay thành phố Phủ Lý là trung tâm văn hóa, chính trị, kinh tế của tỉnh. Tỉnh tuy nhỏ nhưng có khá nhiều di tích lịch sử và danh lam thắng cảnh như: chùa Tam Chúc, núi Cấm, Ngũ Động Sơn, chùa Bà Đanh, hang Luồn, động Cấm Khả Phong…
Hà Nam là tỉnh có cội nguồn văn minh lúa nước, có nền văn hóa dân gian khá phong phú. Nền văn
hóa được thể hiện qua các làn điệu hát chèo, hát chầu văn, hầu bóng, ả đào, đặc biệt là làn điệu hát
giậm (vừa hát vừa giậm chân theo lối người chèo thuyền – PTL). Đây cũng là vùng đất có nhiều hội
làng truyền thống, đặc biệt là làng vật võ Liễu Đôi nổi tiếng cả nước. Mỗi khi có hội hè, cả làng quê
lại sống động bởi các loại nhạc cụ độc đáo như nhị, sáo trúc, kèn, trống…
Từ xa xưa, Hà Nam là vùng đất hiếu học. Đây còn là quê hương của nhà thơ trào phúng Nguyễn
Khuyến, của nhà văn nổi tiếng Nam Cao, của vị anh hủng Đinh Công Tráng…
Nguyễn Khuyến (1835 – 1909)
Nhà thơ hiệu Quế Sơn, trước tên Thắng (có sách chép là Tất Thắng), cháu 4 đời của tiến sĩ Nguyễn
Lê đời Hậu Lê, quê ở làng Yên Đỗ, huyện Bình Lục, Hà Nam.
Năm 1864, ông đỗ giải Nguyên, năm 1871 ông đỗ Hoàng giáp lúc 36 tuổi. Vì từ thi Hương, thi Hội,
thi Đình đều đỗ đầu và là người Yên Đỗ (tục gọi làng Và) nên người đời gọi ông là Nghè Và hoặc
Tam Nguyên Yên Đỗ. Ông làm đến Trực Học Sĩ, sung chức Toàn tu ở Quốc sử quán. Ông là người
có lòng yêu nước, khi giặc Pháp hoành hành, triều đình ký hàng ước (1883), ông cáo quan về nhà,
được phong làm Tham tri.
Trước sau ông vẫn giữ một lòng yêu nước, trong sạch, khẳng định thái độ không hợp tác với giặc.
Có lúc chúng cử ông là Tổng đốc Sơn Hưng Tuyên nhưng ông từ chối. Tuy nhiên tránh sự nghi kỵ
của chúng ông vẫn cho con là Nguyễn Hoan ra làm quan, còn ông cũng có lúc ép lòng ngồi dạy học
nơi nhà Hoàng Cao Khải một thời gian ngắn. Ông có bài Tự Trào (Tự giễu mình):
Cũng chẳng giàu mà cũng chẳng sang
Chẳng gầy chẵng béo chỉ làng nhàng
Cờ đường nửa cuộc không còn nước,
Bạc đánh ba quan đã chạy làng.
Há miệng nói ra gàn bát sách
Mềm môi chán mãi tứ cung thang.
Nghĩ mình lại gởm cho mình nhỉ?
Thế cũng bìa xanh, cũng bảng vàng.
Nước mất, ông tự sỉ vả mình bất lực, coi quan chức chẳng ra gì nữa. Qua bài Mẹ Mốc, Lời người vợ
phường chèo, Lời gái góa (Li phụ từ, Ưu phụ từ) càng rõ niềm cay đắng của ông.
Năm 1909, ông mất, thọ 74 tuổi.
Còn lại các tác phẩm như: Quế Sơn Thi Tập (chữ Hán), Yên Đỗ Tam Nguyên Quốc Am Thi Tập.
Trần Hữu Trí
Nhà văn, bút danh Nam Cao, sinh 19/10/1917 tại Đại Hoàng, Cao Đà, Nam Song (Nguồn gốc bút
danh Nam Cao), nay là xã Nhân Hậu, Lý Nhân, Hà Nam.
Trước CMT8, ông dạy học tư, sáng tác văn học, nổi tiếng với các truyện ngắn, tiểu thuyết xã hội.
Năm 1943, ông gia nhập Hội Văn hóa cứu quốc. CMT8 bùng nổ, ông tham gia hoạt động tích cực ở
quê ông. Năm 1946, ông nhập đoàn quân Nam tiến vào miền Nam Trung bộ. Trong kháng chiến
chống Pháp, ông làm công tác tuyên truyền, báo chí và văn nghệ ở Việt Bắc.
Ngày 30/11/1951, ông hy sinh tại bót Hoàng Đan (Miễu Giáp), Gia Viễn, Ninh Bình, trên đường đi
công tác vào vùng địch, hưởng dương 34 tuổi.
Các tác phẩm chính của ông đã xuất bản:
Đôi lứa xưng đôi, tức Chí Phèo, xuất bản từ năm 1941, tái bản nhiều lần.
Sống Mòn (nguyên tựa sách là Chết Mòn, nhà văn Nguyên Hồng đổi là Sống Mòn).
Truyện Biên giới.
Đôi Mắt.
Truyện ngắn Nam Cao, Nam Cao tác phẩm, 2 tập