Như chúng ta đã rõ, những tài liệu đầu tiên về kinh đô cổ xưa Angkor là do Châu Đạt Quan
một đặc sứ Mông Cổ để lại, miêu tả Angkor vào thời kỳ cuối thế kỷ thứ 13, thời kỳ trước
khi bị bỏ phế. Sau đó từ thế kỷ thứ 16 trở đi, Angkor thường được các nhà truyền giáo và
thương nhân tây phương để tâm đến nhưng mãi đến hậu bán thế kỷ thứ 19 mới lôi kéo được
sự chú ý của các nhà khảo cổ và học giả. Sự tường thuật về chuyến du hành của P.
Bouillevaux năm 1856 và bài viết mô tả tỉ mỉ của nhà thiên nhiên học Henri Mouhot sau khi
khám phá Angkor Wat năm 1860 đã mở đường cho nhiều nhà thám hiểm khác như Bastian,
người Đức; Thomson và Kennedy người Anh, rồi đến cuộc viếng thăm chính thức của
Doudart de Lagrée, Francis Garnier và Delaporte, kẻ đã mang về Pháp một số tượng để triển
lãm cho công chúng xem tại cuộc hội chợ đấu xảo ở Paris năm 1878. Đồng thời, nhờ công
giải mã các chữ khắc trên đá của Kern, người Hòa Lan, cùng với Barth và Bergaigne; trong
khi Moura, Aymonier, Pavie, Fournereau và tướng de Beylié đã góp công nhiều trong việc
mang lại nhiều kiến thức quí báu về Angkor.
Năm 1898, Toàn quyền Đông Dương Paul Doumer cho thành lập ÉFEO (École Francais
d’Extrême Orient: Trường Viễn Đông Bác Cổ) dưới sự chỉ đạo của Académie des
Inscriptions et Belles-Lettres, với sứ mệnh khảo cứu về các nước Đông Dương theo tầm
nhìn có tính cách lịch sử, công trình xây dựng và ngôn ngữ, hầu để bảo tồn các di tích khảo
cổ ở Đông Dương và chuẫn bị cho một cuộc kiểm kê các đền đài. Chính do sự dìu dắt của
Louis Finot và Alfred Foucher mà Lunet de Lajonquière, Henri Parmentier, Dufour và
Carpeaux mới khởi sự thăm dò các công trình của Kampuchea một cách có phương pháp.
Tại Angkor, thoạt đầu Jean Commaille, giám đốc đầu tiên của Conservation of Angkor
thuộc ÉFEO đã huy động cho dọn hằng ngàn mét khối đất đá, khởi đầu ở Angkor Wat và
Bayon, kể cả khu Sân Voi. Năm 1919, ông bị kẻ gian giết chỉ để đoạt một số tiền vừa đủ
tuần lương cho vài dân phu. Mộ ông hiện vẫn còn nằm dưới những tàng cây gần đền Bayon.
Henri Marchal kế nhiệm và trong suốt 20 năm ông bỏ công lo củng cố các đền tránh khỏi bị
đổ thêm bằng các trụ xi măng, tuy thiếu mỹ quan nhưng tạm thời cũng khá hữu ích. Ông còn
viết nhiều bài khảo cứu tuy một số giả thuyết của ông không được nghe theo nhưng kết quả
những nghiên cứu của ông đóng góp một nguồn tài liệu vô giá cho các nhà khảo cổ sau này.
Chính vì quá đam mê Angkor mà ông đã dọn đến ở luôn nơi đây vào cuối năm 1947, lúc
ông đã được 71 tuổi, và mất ở đó vào tháng tư năm 1970. George Trouvé thay thế ông năm
1932, ông này bị chết thảm vào năm 1935. Sau đó thì đến Jacques Lagisquet chỉ vỏn vẹn từ
1935 đến 1936. Nhiệm kỳ của Maurice Glaize lâu hơn (1936-1946), vị kiến trúc sư tỉ mỉ này
đã thành tựu được nhiều công trình khôi phục đáng kể, đặc biệt như tháp trung tâm của đền
Bakong, tháp đền Neak Pean và Banteay Samre. Cần phải lưu ý là ông đã hoàn tất trong
điều kiện ngân quỉ quá ít oi của thời gian thế chiến thứ hai. Hai người Pháp cuối cùng là
Jean Laur và đáng ghi nhớ hơn cả là Bernard Philippe Groslier đã biến tổ chức Conservancy
thành một tổ chức bề thế như ngày nay, và tiến hành những công trình quan trọng. Chính tổ
chức này đã khởi sự công việc trùng tu đền Bapuon, một công trình to tát đã bị ÉFEO bỏ dỡ
suốt 20 năm vì chiến tranh và rối ren chính trị ở Kampuchea. Đồng thời mang lại công ích
cho nhân loại còn có Maitre, Aurousseau và Georges Coedès, Finot, Fouchet, ….
Nhờ hiệp ước 1907 theo đó Thái Lan chịu trả lại cho Kampuchea các tỉnh bị họ chiếm giữ,
trong đó có Battambang, vùng Angkor, Siem Reap mà công tác khảo cứu và bảo vệ Angkor
mới đạt kết quả tốt đẹp.
Việc khảo cổ khu quần thể Angkor mang lại cho
ÉFEO nhiều lãnh vực để nghiên cứu. Từ khi mới
thành lập, ÉFEO phải nỗ lực dọn cho các khu di
tích sạch hết cây rừng, các nền đài không còn đất
đá ngổn ngang, dựng lại những phiến đá bị đổ
hoặc sắp xếp, phân loại, đánh số theo danh mục.
Sự đổ nát của khu di tích, ngoại trừ một vài trường
hợp, không do bàn tay của ngoại xâm hay bọn
cướp cổ vật mà do thời gian bị bỏ hoang phế hằng
thế kỷ; qua đó cây rừng, độ ẩm cao của vùng nhiệt
đới và mối mọt đã tàn phá không ngừng.
Đền Taprom cũng như nhiều đền khác ở Angkor, dấu tích đổ nát vẫn còn khắp nơi mặc dù trường
Viễn Đông Bác Cổ đã nỗ lực trùng tu từ suốt thế kỷ qua. Ảnh Nguyễn Lộc
Sau khi đã khai quang hết cây, cỏ dại, những phần cấu trúc yếu, dễ đổ sụm được tạm chống
đở để bớt hư hại thêm, các nền có dấu hiệu bị lún được củng cố bằng bê tông bên dưới trước
khi đặt lại phần gạch đá cũ lên trên. Những phần tường bị đổ được xây lại bằng cách tháo gỡ
xuống luôn phần còn đứng vững, từng viên gạch, hoặc khối đá được đánh số kỹ lưỡng. Sau
đó những vật liệu trên được dùng để xây lại theo kiến trúc và kỹ thuật nguyên thủy. Trong
khi thực hiện những công tác tương tự, người ta gặp phải trường hợp nhiều gạch, đá bị vở
nát hay không còn nguyên vẹn để có thể tái dụng, người ta tạm đúc nếu là gạch hay đục đẽo
lại nếu là khối đá lớn, nhưng dùng cùng nguyên liệu gốc, theo đó mỗi vật thay thế còn được
cẩn thận khắc chữ CA, viết tắt từ chữ Conservancy (bảo tồn). Phương pháp trên được gọi là
anastylosis, một phương pháp đã được sử dụng trước đó để phục hồi các di tích đền đài ở
Hy Lạp và Java. Tuy nhiên, phương pháp này không được áp dụng để làm lại các pho
tượng, hình chạm khắc người, thú, các hoa văn trang trí nói chung. Những công trình phục
hồi lớn hơn được chuẫn bị trước với vô số phép đo đạc, đồ họa, chụp hình kỹ lưỡng trước
khi tái tạo để khi hoàn tất vẫn giữ nguyên đường nét nguyên thủy. Phương pháp anastylosis
được đem áp dụng ở Angkor nhờ Henri Marchal, bấy giờ đứng đầu tổ chức Bảo Tồn
Angkor. Trong chuyến khảo cứu ở Java ông nhận thấy anastolysis là phương pháp tuyệt mỹ
mà người Hòa Lan đã áp dụng trước để phục hồi các di tich ở đó. Thấy thích hợp với
Angkor, ông đem du nhập nó vào việc phục chế đền Banteay Srey trước tiên vào thời gian
cuối năm 1931 và được sự tán dương của cả ông Coedès. Nhờ phương pháp này những ngôi
gopura của các đền Prah Palilay và Neak Pean, những hồ tắm của đền Banteay Samre,
Bakong, cổng Chiến Thắng, cổng nam và bắc của Angkor Thom, nhiều di tích của Prah
Khan, cùng những tháp chung quanh và ở trung tâm đền Bayon được phục hồi như nguyên
thủy từ tình trạng đổ nát hoàn toàn.
Việc phục hồi khu đền Baphuon thuộc thế kỷ thứ 11 tuy thế lại gặp phải một số khó khăn
bất ngờ. Nguyên hơn 40 năm trước, một kiến trúc kiểu kim tự tháp cao hơn 46 mét gồm
nhiều tầng xây chồng lên nhau bị đổ sụm khiến các nhà khảo cổ phải gỡ xuống hơn phân
nửa ngôi đền để xây lại. Kế hoạch sẽ là tái dựng với sự gia cố bằng bê tông và nguyên liệu
ngày nay được khéo léo che dấu bên trong. Nhưng khi Khmer Đỏ lên chiếm quyền năm
1972, các nhà bảo tồn người Pháp buộc phải bỏ chạy, để lại 300 ngàn khối đá xếp trải dài
trên một khu đất rộng 25 mẫu. Năm 1995, họ trở lại và trực diện với một thử thách đau lòng
là làm sao mà xếp lại ngần ấy đá thành một ngôi đền nguyên thủy một khi tất cả tài liệu ghi
chép và bản thiết kế đều đã bị mất sạch. Hơn 200 chuyên viên phải vất vả tìm cách giải
đoán bài toán đố khó khăn với những vật liệu có sẳn. Pascal Royère, kiến trúc sư trưởng khu
đền Baphuon buồn bã nói: “Không thể làm bừa được, mỗi viên đá có chỗ riêng của nó, mỗi
vị trí thích hợp với từng khối đá riêng. Nếu bạn làm sai chỉ 10 mili mét ở chỗ này, mọi thứ
20 mét bên kia cũng bị lệch theo.”
Năm 1992, Angkor trở thành Di Sản Văn Hóa của thế giới. Kết quả là tiếp sau một hội nghị
liên chính phủ được tổ chức tại Tokyo vào tháng mười hai năm 1993, một Ủy Ban Hợp Tác
Quốc Tế giám sát việc trùng tu Angkor được thành hình do Nhật và Pháp đồng chủ tịch,
cùng một ban bí thư do UNESCO đề cử. Từ đó hằng năm ủy ban nhóm họp nhiều lần, hoặc
phiên khoáng đại hoặc những cuộc họp nhỏ hơn có tính cách kỹ thuật. Nhiều toán chuyên
viên từ nhiều quốc gia tham gia công tác dưới sự giám sát của ủy ban. Toán của Đức chuyên
nghiên cứu và phục hồi hằng trăm tượng nữ vũ công thiên thần Apsaras ở đền Angkor Wat;
Hoa Kỳ trùng tu các đền Preah Khan và Ta Som với quỹ World Monuments Fund của mình;
Trung Quốc phụ trách đền Chao Say Tevoda; Pháp phối hợp với Trường Viễn Đông Bác Cổ
chịu trách nhiệm ở đền Bapuon, khu Sân Voi và khu Sân Vua ‘Cùi’; Indonesia phục chế
những gopuras tại khu hoàng cung ở Angkor Thom; Người Ý với đền Pre Rup và hệ thống
hào nước ở Angkor Wat; Nhật lo phục chế đền Bayon, thư viện Prasat Suor Prat ở Angkor
Wat và đền Banteay Kdei (sau này giao cho trường Sophia University). Người Khmer phụ
trách việc quản lý và bảo vệ khu di tích Angkor.
* * *
Những hư hại gây ra trong thời kỳ chiến tranh vừa qua tương đối nhỏ vì phe nào cũng tôn
trọng các di tích đền đài. Nhưng vào đầu thập niên 90 việc đánh cắp cổ vật trở thành vấn đề
nghiêm trọng. Thường thường chúng được chuyển qua ngã Thái Lan để bán cho các tay săn
cổ vật Tây Phương. Mãi tới gần đây việc phối hợp để săn bắt kẻ gian và bọn môi giới vẫn
còn ít oi, dân mối giới này hoạt động công khai tại River City ở Bangkok. Chúng đặt hàng
bằng cách trưng hình ảnh cổ vật nào chúng muốn cho bọn gian ở Kampuchea. Chính quyền
Thái và Kampuchea ra tay can thiệp sau khi chúng trở nên quá lộng hành, họ chận bắt được
những xe tải lớn chở những mảng tường thuộc bức tường 20 m của hành lang bọc quanh
đền Banteay Chhmar, các mảng này ghép thành hình điêu khắc Quán Âm Bồ Tát Lokesvara
thiên thủ tuyệt đẹp. Cảnh sát cũng bố ráp vùng River City, tịch thu được nhiều cổ vật của
người Khmer. Sau đó, nếu xác định rõ được chúng thuộc khu đền nào thì sẽ được trả về nơi
xuất xứ, hoặc được đem trưng bày ở một bảo tàng mới tại tỉnh Nakhon Ratchasima, Thái
Lan. Tuy nhiên kẻ gian lắm lúc cũng bị bé cái lầm mà điển hình là bức tượng vua ‘Cùi’ ở
gần đền Bayon. Vào thập niên 50, ông Groslier, giám đốc bảo tồn, chú ý thấy tượng có dấu cưa
ở cổ, có nghĩa là có kẻ đang muốn lấy đầu tượng, ông cho chuyển tượng về viện bảo tàng ở Nam
Vang rồi thay vào đó bằng một tượng khác được rập khuôn y như
bản chính. Một thời gian sau đúng như dự đoán, tượng giả này bị
cắt mất đầu.
Năm 1968, nhiếp ảnh gia Wilbur E. Garrett thuộc tạp chí
National Geographic chụp tấm hình chiếc cầu đá dẫn vào cổng
đền Preah Khan, cũng như ở các nơi khác, hai bên cầu có tượng
các thần đang ôm kéo rắn thiêng Naga. Trong hình cho thấy thời
ấy chỉ một tượng thần bị mất đầu nhưng càng về sau càng nhiều
đầu bị lấy đi. Chúng bị tải đi qua ngã biên giới Thái Lan, hay
Viện Nam? Được các nhà ngoại giao chuyển lậu ra và đem bán ở
Geneva hoặc Dusseldorf? Hay vẫn còn nằm trong nhà kho bọn
buôn cổ vật ở Bangkok? Cũng có thể được đem giấu đi đâu đó
chờ được giá cao thì đem bán.
Tượng vua ‘Cùi’ ở khu Hoàng Cung mặc dù đã được cẩn thận thay thế bằng tượng giả nhưng vẫn
bị cắt mất đầu. Courtesy of Michael Freeman
Ngoài nạn bị mất cắp, khu di tích còn chịu những hư hại do sự thiếu ý thức của một số
người. Tại đền Prasat Kravanh, đền trung tâm vốn được bọc kín, về sau được trỗ trên nóc để
các phù điêu khắc trên đá ở bên trong có thể được nhìn thấy bằng ánh sáng tự nhiên, chỗ trỗ
ấy được che bằng một loại kiếng lọc đặc biệt chặn được tia phóng xạ của mặt trời có thể gây
hại cho các tượng. Kiếng lọc nay đã bị bắn vỡ, có thể từ thời chiến tranh. Ở đền Banteay
Kdei, nhiều khu hành lang bị sụp mái đang chờ được phục hồi theo ưu tiên; ngay gần
khoảng giữa, người ta có thể thấy bồ hóng làm đen cả một mảng tường, được hỏi thì người
bảo vệ đền cho biết trước đây có kẻ nào đó đã đốt lửa cho dơi đang treo mình ngủ dưới mái
rớt xuống để bắt nấu món xúp. Cũng gần đó, có những cột chống đền được làm từ hai phiến
đá lớn chồng lên nhau, các nhà bảo tồn củng cố cho cột khỏi nhào bằng cách gắn thêm
những miếng nẹp đồng vào giữa hai phiến đá. Chúng bị gỡ mất từ lâu! Để làm gì? Dân địa
phương tin rằng đồ đồng lấy từ đền ở Angkor về làm dao găm sẽ có phép thuật linh thiêng.
Vào đầu thập niên 1920, các nhà bảo tồn từng cho bọc hai phiến đá của mỗi cột bằng một
vòng thép lớn; mới thời gian sau này đã bị lấy đi, có lẽ để làm niềng bánh xe bò. Ở một căn
phòng khác, có kẻ nào đó đã vẽ lên một tượng phật lớn bằng sơn đen. Ở ngực trên bị vẽ như
hình xâm của dân Khmer thường xâm trên ngực họ để được che chở khỏi bệnh tật và thương
tích. Kẻ này có lẽ muốn mình cũng được che chở như bức tượng. Nhưng hình cái đồng hồ
được vẽ trên cổ tay tượng thì sao? Vào thời Khmer Đỏ đang thống trị Kampuchea, mọi hình
thức tôn giáo đều bị ngăn cấm, có thể được sự đồng ý của cấp trên, một tên thuộc hạ nào đó
đã có hành động phỉ báng tượng Phật này; nhưng trong thâm tâm y có một sự hy vọng rằng
nếu dâng cho Phật một cái đồng hồ thì rồi đây y cũng sẽ có một cái thật, mà ưa chuộng nhất
là một cái Omega của Thụy Sĩ, dấu hiệu của kẻ có chức có quyền. Y muốn có quyền uy,
…qua phép thuật.
Ta phải nhớ rằng, nhiều di vật điêu khắc có giá trị nghệ thuật cao đã bay qua nằm trong các
bảo tàng viện lớn trên thế giới từ lâu. Những gì còn lại được di chuyển đến nơi an toàn vào
cuối thập niên 50 khi nạn ăn cắp cổ vật bắt đầu thịnh hành rầm rộ và vấn đề bảo vệ một khu
di tích quá rộng lớn trở nên ngoài tầm tay. Ngày nay, bộ sưu tập tuyệt đẹp những điêu khắc
của Khmer được lưu giữ tại bảo tàng viện Nam Vang nhưng đa số vẫn còn tàng trữ trong
kho chứa cổ vật bí mật được canh giữ chặt chẽ, hiếm người được phép vào thăm. Du khách
đến viếng Angkor, ngoài những phù điêu trên tường, chỉ thấy những căn phòng trống không
và phần lớn tượng đều bị thay thế bằng tượng làm lại sao theo bản chính. Tuy phó bản
nhưng tinh xảo đến không dễ gì phân biệt được. Điều này nảy ra một nghi vấn có tính cách
đạo đức: Du khách vượt một chặng đường hằng chục ngàn cây số đến tận Angkor để xem
những di tích còn lại từ thế kỷ thứ 12, cuối cùng không được xem đồ thật sao? Nhưng vấn
nạn vẫn là nếu cứ để chúng nằm chơ vơ, rải rác trên một địa bàn rộng mênh mông của
Angkor thì không khác gì mời bọn gian đến lấy đem đi bán. Bất cứ tượng hoặc phù điêu xưa
nào cũng là mục tiêu béo bở của bọn con buôn cổ vật, đặc biệt là đầu tượng. Một khi đã lọt
qua Thái Lan, chúng lập tức tìm đường đưa qua Singapore, Hồng Kông, và đồng thời qua
Nhật, các nước Âu Châu. Cảnh sát quốc tế Interpol cho biết rằng lợi nhuận thu được từ buôn
bán cổ vật đứng thứ nhì chỉ sau buôn lậu bạch phiến. Nhiều ngôi đền ở Kampuchea, có đến
90% số cổ vật bị đánh cắp. Riêng đền Banteay Chhmar gần biên giới Thái Lan, năm 1999,
toàn bộ tường đền đều bị gỡ mất để rồi tái xuất hiện ở bên kia biên giới. Các chuyên gia
khảo cổ đang cố truy tầm dấu vết nhưng chỉ hoài công. Đó là lý do tại sao các chuyên viên
bảo tồn khẳng định rằng các di vật nguyên thủy không nên để khơi khơi giữa trời nước bao
la.
Ngay cả những đồ thật được đem đi cất giữ vẫn chưa được yên: năm 1993, bọn cướp trang
bị súng đại liên bắn gục lính canh khu bảo tồn ở Siem Reap, phía nam Angkor, sau đó dùng
súng phóng lựu phá cửa vào kho mang đi 11 pho tượng trị giá trị giá chừng nửa triệu Mỹ
kim. Olivier de Bernon, cố vấn cho đơn vị bảo tồn thuộc ÉFEO nêu thắc mắc: “Đem di vật
đi cất giữ để rồi phải rước lấy nguy hiểm, làm vậy có hợp pháp không? Theo tôi thì có.
Nhưng không cho ai xem những bảo vật được bảo quản cẩn thận thì là điều không nên. Nên
lập một bảo tàng quốc gia ở Siem Reap để mở cửa cho du khách vào xem.”
Chuyện đem bảo vật đi cất rồi thay vào đó bằng đồ giả thật ra
chẳng mới mẻ gì. De Bernon cho biết tượng Chevaux de Marly
ở Champs Elysée là đồ giả, cái thiệt đang nằm trong viện bảo
tàng Louvre mà mấy ai hay. Ở Ấn Độ, sợ du khách làm hỏng
những bức tranh Phật giáo vẽ trên đá cổ đến 2000 năm trong
các hang ở Ajanta, miền trung tiểu bang Maharashtra, các nhà
khảo cổ muốn đóng cửa luôn không cho công chúng vào xem.
Giám đốc khu bảo tồn là A. C. Grover cho rằng chỉ các nhà
học giả mới được thăm viếng, công chúng xem phó bản tại viện
bảo tàng được rồi.
Tượng nữ thần devata thuộc Ấn Giáo bị kẻ gian đục mất phần mặt
một cách vụng về. Courtesy of Michael Freeman
Dù không được xem đồ thật, du khách qua số tiền họ đổ vào
hằng năm cũng đã đóng góp rất nhiều cho việc bảo tồn và thuê cảnh sát bảo vệ các kho tàng
của Kampuchea. Với đà gia tăng sự quan tâm đến nghệ thuật Khmer khiến sản sinh một nền
kỹ nghệ làm đồ mỹ nghệ phó bản với giá bán rẻ mạt so với hàng thật. “Muốn phân biệt hàng
giả với đồ thật đâu có dễ,” Étienne Clément, trưởng UNESCO ở Căm Bốt phát biểu. Ngày
nay tụi ăn cắp và bọn buôn cổ vật đều có đồng quan điểm như vậy. Conservancy báo cáo
cho biết có nhiều đồ giả ở các đền đã bị đánh cắp. Giới chuyên gia nghệ thuật ở Nam Vang
kháo nhau về chuyện một người Mỹ thấy lương tâm cắn rứt, đã hào hiệp đem gởi trả một
tượng thần thuộc thế kỷ thứ 9 mà ông ta đã mua với giá hàng chục ngàn đô-la. Khi nhận
được món hàng họ biết ngay đây chỉ là phó bản nên gởi trả về khổ chủ mà không lấy tiền
cước phí. Thật chua chát thay, chính sự thiếu hiểu biết của bọn vô lương là chìa khóa cho sự
tồn tại của Angkor.
Năm 1968, có 70.000 người đến viếng Căm Bốt, đặc biệt là Angkor, mà đa số là những
người Mỹ đi theo tours ghé nhiều nơi trên thế giới. Sang đến 1970, con số lên đến 100.000.
Sau đó con số giảm xuống dần và có khi đến gần mức số không trong thời kỳ chiến tranh và
nhất là thời kỳ Pol Pot. Năm 2004 phân nửa số 1,4 triệu người đến Kampuchea ghé đến
Angkor. Sang năm sau con số tăng thêm 34,7 phần trăm. Sự gia tăng du khách đều đặn đã
đưa Siem Reap, một ngôi làng nhỏ trở nên thành phố sầm uất thứ nhì với khách sạn, nhà
hàng và xe cộ sang trọng, đường sá choán ngợp với các biển quảng cáo thương mại. Dân số
từ vài ngàn bùng lên đến 120 ngàn, chưa kể số lượng du khách ngày càng quá đông gây nên
vấn đề năng lượng, nước, đồ phế thải. Khi được hỏi với số lượng đông đảo du khách hằng
ngày đến viếng Angkor có làm hư hao cho khu di tích, một chuyên gia bảo tồn đáp rẳng khu
Angkor lớn gấp đôi diện tích của Paris thì số lượng người chừng đó chưa là vấn đề đáng lo
ngại.
Tất cả những bài viết trong loạt bài Quần Thể Đền Angkor đều tham khảo từ những sách vở,
tài liệu ghi rõ dưới đây:
1. Ancient Angkor by Michael Freeman & Claude Jacques
2. Angkor by Malcolm MacDonald
3. The Khmers of Cambodia, the Story of a Mysterious People by I. G. Edmonds
4. A Short History of Cambodia by Martin F. Herz
5. A Guide to the Angkor Monuments by Maurice Glaize
6. Angkor, an Introduction by George Coedès
7. The Art of Southeast Asia by Philip Rawson
8. National Geographic of May 1982, Aug 2000, Oct 1964.
Ngoài ra trong kỳ này, bài cũng được tham khảo thêm từ mạng lưới internet:
1. In Angkor? Don’t Steal That Statue: It’s a Fake by Michael Buckley. Time.com.
2. Tourism brings hope, worry to Angkor by Ker Munthit. Yahoo News.
3. Rescuing Angkor by Richard Covington. Smithsonian.com.