Giữa thế kỷ 17 Bình Thuận là một vùng đất còn hoang sơ, nhưng qua những lần theo đàn cá vụ
Nam, ngư dân miền Bắc mới phát hiện đây là một vùng biển giàu hải sản, mưa thuận gió hòa. Đến
cuối thế kỷ 17 đuợc sự khuyến khích của Chúa Nguyễn cư dân người Việt di dân ngày càng đông,
khai phá biến đất hoang sình lầy thành đồng ruộng, xóm làng vạn chài…
Năm 1692, Chúa Nguyễn đặt tên vùng đất mới khai phá là Thuận Phủ, năm 1694 đổi thành Thuận
Thành trấn. Đến năm 1697 phủ Bình Thuận ra đời với địa giới từ nam sông Phan Rang trở vào giáp
với vùng đất Biên Hòa ngày nay gồm 4 đạo: Phan Rang, Phan Thiết, Ma Ly và Phố Hài. Năm Minh
Mạng thứ 13 (1832) thành lập tỉnh Bình Thuận gồm hai phủ: phủ Ninh Thuận và phủ Hàm Thuận.
Ngày 20/10/1898, vua Thành Thái xuống Dụ công bố Phan Thiết thành thị xã cùng lúc với Thanh
Hóa, Vinh Huế, Hội An… Năm 1976 là tỉnh Thuận Hải. Năm 1993, Thuận Hải được tách thành hai
tỉnh Bình Thuận và Ninh Thuận. Tỉnh Bình Thuận có diện tích 7992km2, dân số 1.047.040
(1/4/1999) gồm người Việt, Chăm, Hoa… trong đó người Việt chiếm 93%. Tỉnh có 192km đường bờ
biển, Phú Quý là đảo lớn nhất, diện tích 2300ha. Khí hậu khắc nghiệt nhất Việt Nam, nhiệt độ trung
bình năm 27oC, lượng mưa 800mm/năm.
Tỉnh lỵ là thành phố Phan Thiết và các huyện Tuy Phong, Bắc Bình, Mũi Né, Hàm Thuận Bắc, Hàm
Thuận Nam, Hàm Tân, Đức Linh, Tánh Linh và huyện đảo Phú Quý.
Ngư trường Bình Thuận là một trong những ngư trường lớn với hải sản đánh bắt hàng năm đạt
khoảng 120.000 tấn/năm.
Cảnh Đẹp Phan Thiết
Cảnh quan Phan Thiết thơ mộng, hiền hòa và hấp dẫn. Giữa thành phố, 3 chiếc cầu nằm vắt ngang
sông. Bên tả ngạn có tháp nước được xây dựng khoảng năm 1934-1935 cấu trúc đẹp, cao trên
30m, đường nét hài hòa, gần gũi với tháp chùa đình dân tộc. Bên hữu ngạn, có khu di tích trường
Dục Thanh và Phân viện Bảo Tàng Hồ Chí Minh, với tượng Bác nhìn ra dòng sông cửa biển như
ngày nào Bác đứng lặng bên dòng sông suy nghĩ chuyện nước non. Về phía Đông Bắc, từ tượng
đài chiến thắng, đại lộ Nguyễn Tất Thành thẳng tắp ra Đồi Dương. Hai bên đường, các công sở
được xây dựng bề thế, khang trang. Cạnh đó, sân Golf Phan Thiết trải dài với bãi cỏ đồi cây, hàng
dừa xanh đẹp mắt, được biết sân Golf này được xếp loại tầm cỡ lớn ở Đông Nam Á.
Nhưng đáng thưởng ngoạn nhất là phong cảnh dọc theo bờ biển từ mũi Kê Gà giáp Hàm Thuận
Nam đến Hòn Rơm-Mũi Né, bãi cát viền lấy rừng. Giữa hai màu nước biển và lá cây xen kẻ những
động cát trắng phau, vách đồi đỏ rực thay đổi độ đậm, nhạt theo ánh nắng từng giờ. Khi nước triều
lên, sóng vỗ rì rầm vờn trên ghềnh đá mấp mô những rặng dừa như trườn ra bãi biển. Nói đến cảnh
quan Phan Thiết là mọi người nhớ đến đỉnh đồi Lầu Ông Hoàng lộng gió, đến rặng dừa xanh xứ
Rạng và những đồi cát nổi tiếng của Mũi Né. Lầu Ông Hoàng là một ngôi biệt thự được xây dựng từ
năm 1910, do một Công tước người Pháp tên Montpensier đến Phan Thiết để săn bắn voi, trước
bức tranh tuyệt tác thiên nhiên dành cho vùng biển Phan Thiết, ông đã xin phép xây một biệt thự
trên ngọn đồi làng Ngọc Lâm, Phú Hài, đồng bào Phan Thiết gọi là “Lầu Ông Hoàng”. Biệt thự ấy đã
đổ nát trong chiến tranh vừa qua, nhưng ngày nay vẫn còn được nhắc tới là một nơi từng thu hút
đông đảo du khách gần xa.
Không phải khi người Pháp đến mới phát hiện đây là một vùng phong cảnh hữu tình, một nơi
nghỉ dưỡng lý tưởng mà trước đó nhà thơ yêu nước Nguyễn Thông cũng đã thả hồn mình lâng lâng
theo mây trời, nước biển. Chúng ta hãy đọc một đoạn trong bài ký “Ký ở Ngọc Sơn” khắc trên bia
mộ, nơi an nghỉ của nhà thơ: “Năm Đinh Sửu 1877, tôi làm bố chánh Bình Thuận, thường xuống các
huyện, nhân đi qua thôn Ngọc Lâm, phía Đông Phủ Hàm Thuận lên cao nhìn quanh, thấy sông núi
có tình tôi lấy làm thích, đứng nhìn lâu không chán. Sau lúc tôi trăm tuổi, không biết hồn phách có
nhớ đến núi này nữa không?Điều ấy không thể biết được. Nhưng mà hoa rừng, trăng bể, buồm ngư
phủ cùng những cuộn khói mây thay đổi, hình giao thần chập chờn thì sau này vẫn có thể cống hiến
một cách thích mắt cho những nhà thơ tới đây viếng cảnh”.
Gẫm lại lời nhà thơ yêu nước Nguyễn Thông thì chúng ta đủ rõ cảnh trí từ núi Cố Ngọc Sơn đến các
ngọn đồi Lầu Ông Hoàng đẹp xinh đến thế. Lầu Ông Hoàng đã đổ nát theo chiến tranh (ngày nay
trong phát triển du lịch đã có nhiều ngôi lầu, biệt thự thay thế) nhưng điều may mắn cho Phan Thiết,
cho vùng đất sơn thủy hữu tình này là trên đỉnh đồi cao vẫn còn bảo tồn được hai ngôi tháp Chăm
được xây dựng từ thế kỷ VIII, đã được xếp hạng di tích quốc gia, là tài sản văn hóa quí báu của
nhân dân Bình Thuận và cả nước. Cạnh đó là ngôi chùa tên gọi Bửu Sơn Tự, theo tích kể lại rằng,
lúc Nguyễn Anh lánh nạn Tây Sơn có ghé ẩn thân ở đó, cho nên chùa sau này được Gia Long ban
hiệu là “Ngự Tứ Bửu Sơn Tự”.
Du khách đến Phan Thiết không thể không lên đồi nhìn về hướng nam với cửa biển Phú Hài, bãi
biển Đồi Dương, Thương Chánh, với trung tâm thành phố nhà cửa hiện ẩn dưới những rặng dừa
xanh, quốc lộ vắt qua và dòng sông Quao uốn lượn giữa cánh đồng muối trắng. Còn nhìn về hướng
bắc với ngọn núi Tà Zôn nhú lên giữa ruộng đồng xanh tươi. Xa tít nữa là rặng núi Ông của cuối dãy
Trường Sơn, gợi lên biết bao điều mến yêu quê hương, đất nước. Xuống đồi, du khách tiếp tục
cuộc hành trình về Mũi Né-Hòn Rơm. Con đường mới mở rộng tráng nhựa phẳng lì ẩn mình dưới
những ngọn dừa xanh đưa chúng ta tới một vùng du lịch sinh thái biển với bải tắm sạch sẽ trong
lành, đồi cát trắng phau, nơi những nhà nhiếp ảnh cho ra đời những tác phẩm nghệ thuật nổi tiếng
trong nước và cả trên thế giới.
Cây Thanh Long
Thanh Long có nguồn gốc từ Mexico và Colombia có tên khoa học Hylocereus undatus, Haw họ
Cactaccae. Việt Nam là một trong ít nước tại Đông Nam Á trồng được Thanh Long. Bình Thuận có
diện tích cây Thanh Long khoảng 2000ha, chiếm 50% diện tích cả nước. Đây là loại cây thích hợp
với đất xám bạc màu ở Bình Thuận, đất phèn ở đồng bằng Sông Cửu Long, đất đỏ Long Khánh…
và đặc biệt rất thích hợp với khí hậu nóng và cường độ ánh sáng mạnh. Thanh Long là loại cây có
loại rễ là rễ địa sinh hút chất dinh dưỡng trong đất và rễ khí sinh bám vào thân cây để leo. Cây cho
từ 3 đến 4 đợt cành, đợt cành thứ nhất là mẹ của đợt cành thứ hai, thời gian ra hai đợt cành từ 40-
50 ngày, cây một tuổi có trung bình 30 cành. Hoa thuộc loại lưỡng tính, xuất hiện từ trung tuần
tháng 3 dương lịch đến tháng 10, thời gian từ khi ra nụ đến khi hoa tàn khoảng 10 ngày, sau đó phát
triển thành trái từ 20-25 ngày sau đó sẽ cho thu hoạch. Trái chín trên cây càng lâu thì trái càng ngọt.
Thanh Long trái vụ: Có một người nuôi vịt tình cờ quây màn quanh các cây Thanh Long và gắn đèn
vào ban đêm để trông coi đàn vịt. Không ngờ các cây Thanh Long khu vực có gắn đèn lại cho trái
sớm hơn. Từ sự kiện này, năm 1995 những người trồng Thanh Long đã áp dụng và cho kết quả rất
tốt. Đến tháng 12/1997 đã áp dụng rộng rãi phương thức cho trái trái vụ này.
Truyền thuyết về Thầy Thím
Dinh Thầy Thím thuộc làng Tam Tân cũ, xã Tân Hải, huyện Hàm Tân, tỉnh Bình Thuận. Nằm giữa
vùng rừng hẻo lánh, trên một bãi cát trắng cách biển 2km. Dinh Thầy Thím được xây dựng 1879
vào thời Tự Đức và được tôn tạo nhiều lần 1915-1924-1988. Hàng năm ngày 15/9 âm lịch là ngày lễ
lớn Dinh Thầy Thím. Dinh Thầy Thím được công nhận là Di tích lịch sử văn hóa vào năm 1994.
Tương truyền thầy tên là Tánh, người phủ Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam. Thầy sinh năm 1803, năm
Gia Long thứ ha, nhà nghèo lận đận trong thi cử nên tầm sư học đạo, có phép thuật cao cường.
Vào một năm quê hương thấy nắng hạn đồng khô cỏ cháy Thầy đã đăng đàn cầu mưa, trời mưa đã
làm xóm làng hồi sinh. Theo truyền thuyết làng của thầy rất nghèo, dân làng ước mơ có một ngôi
đình làng. Vào một đêm mưa to gió lớn, sáng ra mọi người thấy cái Đình Bát Nhị đã thay thế vị trí
ngôi làng Qua La. Quan làng hay tin bắt thầy giải lên công đường. Thầy bị xử án tử, trước khi bị án
tử thầy xin một tấm vải điều, Thầy niệm chú vẽ hình con rồng trên vải, Thầy bảo Thím cùng ngồi
trên tấm vải cùng thầy. Thầy chấm thêm một đôi mắt vào rồng thì tự nhiên rồng bay lên chở Thầy
Thím về phương Nam trước sự kinh hoàng của dân làng. Khi đến Tam Tần, Thím trọ nhà ông Hộ
Hai. Thầy dùng bùa phép, Thím hái thuốc chửa bệnh cho dân làng. Thầy Thím qua đời lúc 77 tuổi.
Theo truyền thuyết Dinh Thầy quay về hướng Đông nhưng qua một đêm thì quay về hướng Nam,
người làng cho là ý Thầy.
Núi Tà Cú (Takou)
Là tên gọi của người Chăm, núi thuộc huyện Hàm Tân có độ cao khoảng 480m so với mực nước
biển. Trên lưng chừng núi có chùa Linh Sơn Trường Thọ Tự, chùa do thiền sư Trần Hữu Đức lập
năm 1872. Vị thiền sư này có công trị bệnh cho mẹ vua Tự Đức là bà Từ Dũ nên vua đã sắc phong
cho chùa là “Linh Sơn Trường Thọ”. Phía sau chùa có tượng Phật Thích Ca nhập niết bàn dài 49m,
cao 10m được xây dựng năm 1962. Đây là tượng Phật lớn nhất Việt Nam. Phía sau tượng Phật
nhập Niết Bàn còn có một hang gọi là Hang Gió, sư Hữu Đức đã trải qua những ngày cuối đời và
viên tịch tại đây. Hàng năm vào rằm tháng giêng ban quản lý núi Tà Cú tổ chức cuộc thi leo núi
hàng năm thu hút rất nhiều các vận động viên trong và ngoài tỉnh tham dự. Vào ngày 24/10/1995, tại
núi Tà Cú ta có thể xem được hiện tượng nhật thực toàn phần là 99%. Từ năm 2002, tỉnh Bình
Thuận đã đầu tư (…) để xây dựng hệ thống cáp treo để phục vụ du khách và khách hành hương có
thể lên đến Chùa mà không mất nhiều thời giờ như hiện nay.
Sư Hữu Đức sinh tại Phú Yên vào đầu thế kỷ XIX. Năm 17 tuổi rời gia đình vượt biển vào Bình
Thuận xuất gia. Sau 13 năm tu đạo, nhà sư một mình đến nơi hoang dã lập chùa ở xứ Bàu Tràm để
suy nghiêm đạo lý. 30 năm sau nhà sư đã có đầy đủ đạo hạnh của một vị cao tăng và đã đứng ra
kêu gọi các thân hữu xây dựng một ngôi chùa lớn. Vị sư lúc này đã 60 tuổi, ngài bỏ hết tất cả để
đến xứ Bàu Siêu. Được ít lâu đệ tử hay tìm đến hầu thầy, ông một lần nữa đến núi Takou, là nơi
hiểm trở chưa có dấu chân người. Ông xây dựng am chùa và trú ẩn tu tập ở đây cho đến lúc mất.
Ông viên tịch năm 78 tuổi.
Cáp treo Tà Cú
Khu du lịch Núi Tà Cú tọa lạc tại thị trấn Thuận Nam, huyện Hàm Thuận Nam, nằm sát quốc lộ 1A,
cách TP. HCM 170km, cách thành phố Phan Thiết 30km, có diện tích rộng hơn 250.000m2. Với hệ
thống cáp treo hiện đại theo những tiêu chuẩn công nghệ mới nhất của Châu Âu sản xuất, du khách
có thể ngồi trên các cabin để thưởng ngoạn cảnh quan thiên nhiên, vượt qua khu rừng nguyên sinh
và tham quan Khu di tích lịch sử văn hoá, thắng cảnh Chùa Núi, gồm nhóm tượng Tam Thế Phật và
tượng Phật nhập niết bàn dài 49m, cao 11m lớn nhất Đông Nam Á trong khí hậu trong lành, mát mẻ
của núi rừng.
Khu du lịch núi Tà Cú có chế độ ưu đãi các dịch vụ như: vé cáp treo, ăn uống cho các công ty, đơn
vị kinh doanh dịch vụ du lịch trong mùa lễ hội Dinh Thầy Thím tại Hàm Tân, Lễ hội Chùa Núi và Vía
Tổ của Chùa Linh Sơn Trường Thọ và Linh Sơn Long Đoàn trong tháng 9 và ngày 4/10 âm lịch.
Gồm các hạng mục:
Khu du lịch dưới núi bao gồm:
Bãi đậu xe rộng rãi với sức chứa 200 xe các loại.
Nhà chờ có xe điện phục vụ khách đến nhà ga cáp dưới.
Quảng trường trung tâm với đài phun nước.
Nhà ga cáp dưới gồm:
Môt hệ thống cáp treo hiện đại được sản xuất năm 2002 tại Châu Âu, với chiều dài tuyến cáp
1600m, độ cao 505m được trang bị từ 25 – 35 cabin đóng mở tự động, có công suất từ 700 – 1000
khách/giờ.
Quảng trường nhà ga, nhà hàng có khu biểu diễn nghệ thuật.
Nhà ga cáp trên: Là công trình kiến trúc tao nhã với nhà hàng trên núi nhìn ra biển Đông.
Đến với khu du lịch núi Tà Cú, du khách còn được dịp tham quan di tích Chùa Núi, gồm một quần
thể: Chùa, Tháp, Tượng Phật và hang động... Đáng lưu ý nhất là “Song Lâm Thị Tịch” với tượng
Phật Thích Ca nhập niết bàn lớn nhất Đông Nam Á, và Tam Thế Phật được xếp hạng Di tích Lịch
sử Văn hoá Quốc gia.
Thành phố Phan Thiết
Cách TP. HCM khoảng 200km, được thành lập vào ngày 20/10/1898, nằm hai bên bờ sông Mường
Mán hay còn gọi là sông Cà Ty (một chỉ lưu của dòng sông Đồng Nai) Phan Thiết được nâng cấp từ
Thị xã lên Thành phố cấp 3 trực thuộc tỉnh vào ngày 25/8/1999 với diện tích 20.586ha. Dân số thành
phố Phan Thiết hiện nay khoảng trên 186.500 người (1/4/1999). Cạnh bờ sông Cà Ty là trường Dục
Thanh (do con trưởng của cụ Nguyễn Thông làm hiệu trưởng, nơi đầu tiên đi đầu trong việc dạy
quốc ngữ và cắt tóc ngắn) nơi người thanh niên Nguyễn Tất Thành đã dừng chân dạy học năm
1910 trước khi vào Sài Gòn và ra đi tìm đường cứu nước (5/6/1911). Một sự kiện được đánh giá rất
quan trọng với sự phát triển của Phan Thiết ngày nay, Hòn Rơm thức dậy, đó là hiện tượng Nhật
Thực toàn phần vào lúc 10h43 ngày 24/10/1995. Chính nhờ dịp này nhiều du khách đã biết đến
Phan Thiết. Đặc sản của vùng đất này: nước mắm, bánh cốm sửa, bánh rế…
Trường Dục Thanh
Trường Dục Thanh nằm tại thành phố Phan Thiết thuộc tỉnh Bình Thuận. Đây là một ngôi trường
không những nổi tiếng ở vùng đất Bình Thuận này mà còn ở khắp cả nước với tính lịch sử mang
tầm quan trọng của nó - là nơi đã dừng chân lâu nhất và là nơi gắn nhiều kỷ niệm với vị cha già kính
yêu - Lãnh tụ Hồ Chí Minh.
Vào những năm 1862 trở đi, sau khi 3 tỉnh Nam Kỳ bị đánh chiếm, một số nhà yêu nước đã ra lập
nghiệp tại vùng Trung bộ này, trong số đó có nhà thơ Nguyễn Thông. Trên đường đi thành lập căn
cứ kháng Pháp, tình cờ ông đã dừng chân tại Phan Thiết làm việc, sau đó ông lâm bệnh và mất tại
đây vào năm 1884 với ý nguyện chưa thành. Vào năm 1908, nối chí ông là hai người con của ông là
Nguyễn Trọng Lôi (tức Ấm Năm) và Nguyễn Quí Anh (tức Ấm Bảy) cùng các học trò của ông đã lập
ra một ngôi trường lấy tên là Trường Dục Thanh dưới sự bảo trợ của Hội Liên Thành. Trường nằm
ẩn mình với những tán xoài cổ thụ, kiến trúc khá đơn sơ, diện tích 120m² nối liền thảo bạc nhà thờ
cụ Nguyễn Thông. Mái lợp ngói âm dương không có tường xây chỉ có những song gỗ xếp chéo hình
thoi. Sân trường rộng rãi có bể non bộ, có bức bình phong, cổng trường nhìn ra con sông Cà Ty.
Trước sân trường có một cây cổ thụ to, gần đó có hồ sen nhỏ. Trường được nhân dân ủng hộ góp
quỹ, hiến ruộng cho trường. Lúc bấy giờ trường được xem là ngôi trường tiến bộ, khắp nơi vang
danh. Trường dạy chữ Quốc ngữ là chính, được nhiều nhà Nho yêu nước quan tâm. Và trường
càng được nổi tiếng hơn là vào năm 1911, người thanh niên yêu nước Nguyễn Tất Thành trên
đường đi tìm con đường cứu nước đã dừng chân nơi này dạy học. Lúc này Người tròn 20 tuổi, một
phần là con của cụ Phó bảng nên Người được nhiều thầy giáo quí trọng và được nhận vào dạy học,
mặc dù điều này ngoài dự định của Người. Nhưng trong chặng dừng chân tại đây người đã biết kết
hợp với việc dạy chữ và việc học làm người thông qua các hình thức như dạy thể dục, đưa học sinh
đi tham quan thắng cảnh, để từ đó đưa thanh thiếu niên thâm nhập cuộc sống của nhân dân, hiểu
được địa thế cũng như hoàn cảnh đất nước. Lúc bấy giờ trường có khoảng 4 lớp với 100 học sinh
đa số nam đông hơn nữ. Trường có xây một căn nhà nhỏ gọi là nhà Ngư để các thầy cùng học sinh
có thể nghỉ ngơi, ăn uống. Nếu như ghé tham quan trường Dục Thanh thì không thể bỏ qua Ngọa
Du Sào. Ngọa Du Sào không rộng lớn lắm dài khoảng 6,5m rộng 4m và cao hơn 2m. Bên trong, trên
bàn làm việc của Bác có một chiếc hộp, bên trong có đựng một chiếc khay khảm xà cừ và 3 chén
nhỏ đó là 3 chén trà “Lục Ẩm” mà Bác thường dùng với các thầy hay gặp gỡ bình văn thơ và bàn
chuyện quốc sự cùng các chiến sĩ yêu nước. Ở đây còn có một góc gác xếp, trước đây là kho sách
của cụ Nguyễn Thông, và còn có một cái yên thư trên gác là loại giá sách của các cụ nhà Nho ngày
trước, một chiếc đi-văng bằng gỗ, Bác đã dành nhiều thời gian ở đây để đọc sách. Ngoài ra, ở phía
sau Ngọa Du Sào có một cây khế do cụ Nguyễn Thông trồng mà từ khi đến đây Bác ngày ngày vẫn
chăm sóc cho cây tươi tốt, luôn đơm hoa kết quả và hiện nay cây đã được 130 tuổi.
Kế đến du khách sẽ nhìn thấy một giếng nước mà Bác thường dùng để sinh hoạt và tưới hoa. Có
thể nói chỉ trong vòng một thời gian ngắn 9 tháng ở đây nhưng Bác đã dành hết tình thương yêu,
đoàn kết gắn bó, đùm bọc những học trò của mình như những người thân thương. Bác như một vì
sao sáng soi đường dìu dắt dân tộc Việt Nam đến với niềm hạnh phúc vinh quang.
Có thể nói đây là nơi Bác Hồ dùng để liên hệ giao dịch với các thương quán Liên Thành, các
chuyến tàu bịển. Bác thường chú ý nghe ngóng để tìm cơ hội đi ra nước ngoài tìm chân lý dẫn đến
mục đích giải thoát cho dân tộc mình thoát khỏi ách thống trị của thực dân Pháp. Và ở đây Bác cũng
tìm thấy một niềm vui là được đón Tết Trung Thu và Tết Nguyên Đán cùng gia đình cụ Nguyễn
Thông.
Hiện nay, ngôi nhà đó được tu bổ và trở thành nơi trưng bày đồ lưu niệm về Bác. Và trong những
ngày đầu năm 1990 trường lại hân hạnh đón tiếp đoàn làm phim “Nguyễn Tất Thành - Hồ Chí Minh”
để chào mừng 100 năm sinh nhật Bác.
Rời trường Dục Thanh quí khách sẽ được đưa đến tham quan Bảo tàng Hồ Chí Minh bên cạnh
trường. Đây là công trình kiến trúc mới do nhân dân tỉnh Bình Thuận đứng ra xây dựng để chào
mừng 10 năm giải phóng thị xã, 1985, cũng như đánh dấu sự kiện Bác Hồ kính yêu của chúng ta đã
dừng chân sống và dạy học ở đây.
Mặc dù dạy học ở đây một thời gian ngắn nhưng Bác đã để lại những ấn tượng đẹp cho nhân dân
Phan Thiết nói riêng và dân tộc việt Nam nói chung. Bác luôn là niềm tự hào, hãnh diện của con
cháu nước Việt.
Sông Cà Ty
Mỗi con sông như mỗi con người đều có nguồn gốc cội rễ. Rừng là nới phát tích, phát nguyên, là
nơi quyết định số phận của những con sông. Có nước mới có khe, có khe mới có suối, nhiều con
suối hợp lại thành sông và mọi con sông đều đổ về biển. Cấu trúc hình thể hệ tộc của con sông
ngược lại với cấu trúc hình thể hệ tộc của cây cỏ, của con người. Ngọn nguồn, cội rễ của cây cỏ và
con người nằm trong lòng đất, còn nguồn gốc cội rể của con sông nằm tận trên cao. Như con
người, mỗi con sông đều có riêng những nét đặc thù về dáng dấp, phong cách, tánh nết… Bên cạnh
những nét chung khi đục khi trong, bên bồi bên lở, khi hiền lành thơ mộng, khi phẫn nổ điên cuồng.
Con người gọi nó là CON vì nó đã được nhân cách hóa, phải chăng về hình thể, nó lượn quanh uốn
khúc như một sinh vật và nó cũng tồn tại theo qui luật sanh lão bệnh tử như con người? Như con
người, mỗi con sông đều có họ tên, cũng có bí danh, cũng thường thay đổi họ, chỉ điều khác nhau là
con người tự đặt tên cho những con sông.
Sông Phan Thiết xuất hiện từ năm 1697 (Đinh Sửu), đời Hiển Tông thứ 6, Hiếu Minh Hoàng đế
Nguyễn Phúc Chu (1691-1725). Lúc bấy giờ, do xếp đặt lại việc cai trị một vùng đất mới, triều
Nguyễn đặt phủ Bình Thuận (đơn vị hành chánh), Dinh Bình Thuận (cơ quan hành chánh), trực tiếp
quản lý 4 đạo (tương ứng cấp tỉnh): Phan Rang, Phố Hài, Phan Thiết, Ma Ly. Mỗi đạo đều có quan
văn, quan võ. Trên bản đồ, nó được ghi là sông Cà Ty. Trên con sông có bến Cà Ty là nơi qua lại,
nơi lấy nước, nơi tắm giặt của bà con vùng Phú Hội và Phú Mỹ. Lên miệt trên, nó được ghi là sông
Mường Mán. Đến thượng nguồn, nó là con sông Cái - sông Mẹ, vì nó nơi hội tụ, hợp lưu các con
sông Mán, sông Rao Et, sông Linh…và các con suối Vàng, suối Lèn, suối Thi, suối Ngư, suối Ya-U,
suối Lô Tô, suối Cẩm Hang… nằm trong địa phận các thôn 1, 2, 3 của xã Hàm Cần, thuộc vùng
đồng bào dân tộc Rai và một số ít đồng bào Cơ Ho mà xưa kia gọi là xã Đăng Gia thuộc Tổng Cà
Dòn.
Không ít người dân bản địa phân vân về cái tên của con sông quê hương: Mương Mán hay Mường
Mán? Phan Thiết hay Mang Thít và Cà Ty có phải là tiếng nói của đồng bào Chăm không? Ông
Thiên Sanh Cảnh, nhà nghiên cứu dân tộc học người Chăm (ở Hữu Đức, Ninh Phước, Ninh Thuận)
cho biết xưa kia ngoài này gọi trong đó là: Mula Thích, tức Ruộng Thích. Ông còn cho biết thêm,
theo tiếng Chăm, Prong là lớn, Neh là nhỏ, Mũi Né có thể là Mũi Nhỏ.
Trên Tập san Văn Hóa tháng 4, 5/1969 xuất bản tại Sài Gòn, tác giả bài viết tách con sông ra làm
đôi: sông Cái (sông Phan Thiết) dài 76km, sông Cà Ty dài 5km. Ai cũng hiểu sông Cái, Mương Mán,
Cà Ty, Phan Thiết cũng chỉ là một con sông. Con sông đi qua địa phương nào, đem lại hạnh phúc
ấm no cho bà con, nên bà con lấy quê hươ ng mình đặt tên cho nó để nói lên sự gắn bó tình cảm
giữa con người với dòng sông.
Đọc Đại Nam nhất thống chí, phần tỉnh Bình Thuận, có đoạn ghi rất rõ: “Sông Phan Thiết ở phía tây
huyện Tuy Lý (tên Tuy Lý có từ năm 1854, Tự Đức năm thứ 7, Đông giáp Hòa Đa, Tây giáp Biên
Hòa), nguồn ra từ Động Man (tức nơi ở của đồng bào dân tộc miền núi), chảy về phía đông qua xã
Phú Hội, tục gọi là Sông Bao Lân, chảy về phía Nam 9 dặm đến thôn Phú Tài, có một nhánh từ bến
Bình Tây đến Cầu Minh Lâm chừng 6 dặm mà hợp vào (tức cầu 40, cầu ông Rau, cầu ông Nhiều,
nhánh này từ Bưng Cò Ke, Bưng Kỳ Hòa, Bưng Bà Tùng, Suối Sung…chảy ra). Lại chảy về phía
Nam chừng 3 dặm đến thôn Đức Thắng, rồi hai dặm đổ ra của Phan Thiết (mỗi dặm là: 444,44m)”.
Con sông Bao Lân đã đi vào quên lãng. Bây giờ, có lẽ ta thống nhất gọi con sông quê hương là
sông Cà Ty như trên bản đồ và dù sao cũng cần có một tên riêng. Sông Cà Ty không dài, không
rộng nhưng hiền lành, từ thượng nguồn xuống hạ lưu. Những vườn cây sai trái, những cánh đồng
nặng hạt, những cô gái trắng da tóc dài…đều hưởng ân huệ của con sông quê hương.
Càng về với biển, sông càng mở rộng, thủy triều lên xuống, tàu thuyền tấp nập đông vui. Hạnh phúc
làm sao khi ta được sống ở một quê hương có con sông uốn khúc lượn qua với ba cây cầu đều đầy
vẻ thơ mộng, với bóng thầy giáo Nguyễn Tất Thành hiện lên trên sông lúc ngã về chiều, với dáng
Lầu nước- biểu tượng cho phố biển rực rỡ ánh đèn àmu lúc về đêm. Con sông không biết tự mình
trang điểm. Trên khuôn mặt dịu hiền đôi khi vẫn hiện lên những nét cau có vì những nỗi bất bình ôm
ấp trong lòng sông. Trong đời, nó cũng đã có nhiều lần nỗi giận gây khiếp sợ cho con người. Năm
1952, cầu Phan Thiết sập do những khúc gỗ khai thác bừa bãi bỏ theo dọc con sông bị nước lũ
cuốn trôi với tốc độ khủng khiếp tống bứt chân cầu, lại thêm sóng thần dâng cao chặn đứng dòng
chảy làm thành phố Phan Thiết ba ngày tắm trong biển nước! Năm 1993, do mặt sông bị lấn chiếm,
lòng sông cạn dần do vỏ sò, vỏ hến, rác rến càng nhiều nên khi lũ xuống dòng chảy không có lối
thoát tràn ngập cả phố chợ. Nhưng may thay, cơn giận cũng thoáng qua và dòng sông trở lại hiền
hòa thơ mộng như xưa. Dù muốn hay không, để bảo đảm sự ấm no lâu dài cho nhân dân thành
phố, trong tương lai, chúng ta phải cải tạo dòng sông, quy hoạch lại các khu dân cư, tiến hành nạo
vét, mở rộng cầu cảng…
Tháp nước Phan Thiết
Được xây dựng từ cuối năm 1928 đến 1934 mới hoàn thành do Hoàng thân của Vương Quốc Lào,
nguyên chủ tịch nước Cộng Hòa Nhân Dân Lào Suphanouvong là kỹ sư trưởng khu Công chánh
Nha Trang thiết kế.
Tháp nước có chiều cao từ nền sân lên đỉnh là 32m. Tháp nước có hai phần: phần trên là bầu dài
(bồn nước) hình bát giác, phần dưới là thân đài. Tuy tháp nuớc được xây dựng đã 70 năm, với sự
tàn phá của khí hậu miền biển Phan Thiết và qua các trận bão lũ lịch sử nhưng tháp nước đến nay
chất lượng vẫn còn tốt.
Nghề cá Phan Thiết
Hiện nay, bên cạnh du lịch, ngành kinh tế chủ lực ở Phan Thiết là nghề cá. Hàng năm, lượng hải
sản đánh bắt được và tiêu thụ là rất lớn. Chúng ta có thể thấy các làng chài dọc theo bờ biển Phan
Thiết với hàng trăm con thuyền đánh cá tạo thành một cảnh quan đẹp mắt. Do đó người ta xác định
rằng chẳng những từ trước mà từ nay mãi về sau Phan Thiết luôn gắn với ngành kinh tế biển góp
phần làm giàu cho đất nứơc. Vịnh Phan Thiết nông, tương đối kín gió, hàng năm cây lá mục và
lượng phù sa do hai con sông Mương Mán và sông Quao đổ ra cửa biển Phan Thiết, Phú Hài cung
cấp đều đặn lượng cát lẫn bùn, nhờ đó nước biển thêm chất màu thích hợp cho phù du sinh vật
sinh sôi phát triển làm mồi cho các loại moi ruốc… các loại tôm, cua, ốc, cá tầng đáy cũng như các
loài cá nổi, cá tầng giữa luôn có nguồn thức ăn để ổn định môi trường sinh trưởng.
Vịnh Phan Thiết lại nằm trên dòng hải lưu nóng lạnh mà thiên nhiên ưu đãi cho bờ biển Việt Nam.
Mùa đông dòng hải lưu đưa luồng nước từ Đông Bắc xuống Tây Nam và mùa hè ngược lại. Chính
dòng hải lưu mùa hè đã quyến rũ những đàn cá từ vịnh Thái Lan đến biển Việt Nam tìm mồi. Trong
quá trình di trú lần theo hướng Đông Bắc đến vịnh Phan Thiết gặp mồi nhiều, biển êm, đàn cá tụ tập
sinh sản. Với nguồn hải sản phong phú, đi đôi với thời tiết thuận lợi ngư dân có thể bám biển quanh
năm với các loại nghề thích hợp. Nếu Bình Thuận là một ngư trường lớn của cả nước thì Phan
Thiết là trung tâm nghề cá của tỉnh. Sản lượng khai thác hải sản hàng năm gần đây của riêng tàu
thuyền Phan Thiết trên 30.000 tấn chiếm trên 30% cả tỉnh.
Phan Thiết còn là một trung tâm tôm giống của phía Nam Trung Bộ và Nam Bộ. Hiện có 61 trại tôm
giống. Tôm giống của Phan Thiết trong những năm qua đã cung cấp cho 250ha nuôi tôm thương
phẩm trong cả tỉnh và còn xuất bán cho khách hàng nhiều tỉnh Nam bộ như: Tiền Giang, Bến Tre,
Kiên Giang, Cà Mau… Năng suất tôm thương phẩm đạt loại cao so với cả nước, bình quân một
tấn/ha/vụ, mỗi năm 2-3 vụ.
Nghề cá Phan Thiết đã và đang là thế mạnh của nền kinh tế địa phương, nay lại được chủ trương
công nghiệp hóa-hiện đại hóa của Đảng hỗ trợ, cùng với ý thức bảo vệ nguồn lợi thủy sản, sự hiểu
biết đầu tư khoa học kỹ thuật ngày càng một nâng cao, nhất định sẽ nhanh chóng trở thành một
trung tâm nghề cá của khu vực với Cảng cá Cồn Chà hiện đại đang xây dựng, có sức đậu cho hàng
trăm tàu công suất 1000 CV, thu hút các đội tàu cả nước ta và nước ngoài đến đây làm ăn để cùng
phát triển.
Đảo Phú Quý
Quần đảo gồm 8 đảo lớn, nhỏ ở ngoài khơi cách TP. Phan Thiết 120km về phía Đông, diện tích tự
nhiên của quần đảo là 32km2. Đảo lớn nhất trong quần đảo có cùng tên là Phú Quý, dài 6,5km,
rộng 3,5km. Trên đảo có 3 ngọn núi: Núi Cấm(108m), núi Cát (85m) và Ong Đụn (41,9m). Đây là
một ngư trường lớn có nhiều hải sản hiếm như: đồi mồi, hải sâm, cá bống sao. Đời sống nhân dân
khá cao nhờ có nghề chế biến hải sản, câu cá mập và bán vây cá. Hiện nay, đảo là một căn cứ tiền
tiêu bảo vệ đất liền, một căn cứ hậu cần tiếp viện cho quần đảo Trường Sa.
Khu Lăng Mộ Nguyễn Thông
Tọa lạc trên đồi Ngọc Lâm, ở sát cạnh chân núi Ngọc Sơn, đây là ngọn núi đẹp nhất trong số 5 ngọn
núi trong khu vực.
Cảnh vật nơi đây vừa yên tĩnh nhưng cũng hết sức sôi động nên thơ, rất lý tưởng cho mọi tâm hồn
thi sĩ và khách lãng du. Một bức tranh thiên nhiên kỳ thú bởi nó hội tụ đầy đủ các yếu tố tự nhiên từ
trời mây, đất nước, rừng núi và biển cả.
Từ khi còn làm Bố Chánh Bình Thuận vào năm 1877, Nguyễn Thông thường công du đến núi Ngọc
Sơn và ông rất say mê cảnh non nước, trời biển, trăng sao… ở chốn này. Vì thế ông quyết định
chọn nơi đây làm chốn yên nghỉ ngàn thu của mình sau khi từ giã cuộc đời. Đọc lại một đoạn ký
khắc ở bia mộ Nguyễn Thông do chính ông thốt lên chúng ta mới thấu hiểu hết vẻ đẹp tiềm ẩn của
cảnh vật nơi đây: “Sau khi ta trăm tuổi rồi, hồn phách còn nhớ đến núi này chăng? Rồi rốt cuộc cũng
về chốn không còn gì chăng? Điều đó không thể biết được. Còn như hoa rừng, trăng biển, buồm
ngư phủ, chòi tiêu phu, vẻ lạ của khói mây thay đôi, hình thù của thuồng luồng chập chờn, sau này
cảnh ấy có thể giúp vào cuộc thưởng thức của tao nhân du khách vậy”. Đã hơn một thế kỷ trôi qua,
cảnh đẹp nơi đây vẫn còn nguyên giá trị và những điều ước ao, trăn trở của Nguyên Thông đã trở
thành hiện thực vì hàng năm có đến hàng vạn lượt khách lãng du đến đây viếng mộ ông, ngoạn
cảnh và thưởng thức cảnh khói mây, hoa lừng, trăng biển…
Khu lăng mộ Nguyễn Thông là một thắng tích quan trọng trong tuyến du lịch dọc bờ biển Đông Bắc
thành phố Phan Thiết. Từ trung tâm thành phố dọc bờ biển đến Mũi Né dài 22km, du khách sẽ say
mê và liên tục ngỡ ngàng trước những tiên cảnh sống động của tạo hóa sinh ra được bàn tay và trí
tuệ của con người vun vén hoàn hảo thêm. Trước mắt và hai bên đường là cảnh sông suối, biển cả
và núi đồi như quyện chặt vào nhau tạo nên một bức tranh sơn thủy thạch ấm áp hương quê vùng
duyên hải. Qua một đoạn hành trình khoảng 6km là đến đồi Ngọc Lâm, Lầu Ông Hoàng hiện ra
sừng sửng khiến ta bồi hồi liên tưởng lại đường lên dốc đá trong câu chuyện tình của thi nhân Hàn
Mặc Tử với nàng Mộng Cầm xinh đẹp thủa trước. Qua khỏi dốc đá Lầu Ong Hoàng là một quần thể
di tích lịch sử - văn hóa danh lam thắng cảnh nổi tiếng liên hoàn nối tiếp từ cổ đến kim. Cổ nhất là
nhóm đền tháp Chăm Pôshanư của vương quốc Chăm Pa một thời vang bóng, đến Bửu Sơn Tự -
ngôi chùa cổ gắn với sự tích Nguyễn Anh từng đến đây trú ẩn khi bị quân Tây Sơn vây hãm. Tiếp
đến là lầu Ong Hoàng, nhà hàng Ngọc Lâm, tháp nước do người Pháp xây dựng hồi đầu thế kỷ XX,
rồi hệ thống lô cốt, đồn bót của Mỹ-Ngụy là chứng tích lịch sử hùng hồn của cuộc kháng chiến
chống Mỹ cứu nước. Qua khỏi Lầu Ong Hoàng 1km là đến thắng cảnh Núi Cố - nơi có khu lăng mộ
Nguyễn Thông.
Đến viếng mộ cụ Nguyễn Thông chúng ta có dịp hồi tưởng về một danh nhân nổi tiếng đã từng có
nhiều đóng góp lớn lao cho xã hội nửa cuối thế kỷ XIX. Đã hơn 100 năm Nguyễn Thông yên nghỉ ở
chốn này, nhưng chắc chắn ông không hề đơn độc vì mỗi năm có đến hàng vạn lượt du khách về
đây thăm viếng và kính cẩn nghiêng mình với một tình cảm nhớ thương và kính trọng. Đó là biểu
hiện của sự đền ơn đáp nghĩa, một đạo lý cao đẹp của người Việt Nam.
Tháp Chàm Pôshanư
Cách trung tâm Phan Thiết khoảng 5km về hướng Đông Bắc trên đường xuống khu du lịch Mũi Né
bạn có thể dễ dàng nhìn thấy cụm tháp đứng sừng sửng trầm mặc trên đỉnh đồi, cạnh Lầu Ông
Hoàng, đó là tháp Pôshanư. Đây là cụm tháp qua bao biến đổi của thời gian và thăng trầm của lịch
sử vẫn còn tồn tại khá nguyên vẹn vẻ nguyên sơ của nó so với một số cụm tháp khác ở Bình
Thuận, như nhóm tháp PoDam (Phú Lạc-Tuy Phong); nhóm tháp Bà Châu Rế (Hàm Phú- Hàm
Thuận Bắc)… Hiện nay, đang có nhiều ý kiến khác nhau về thời gian xây dựng tháp, có ý kiến cho
rằng tháp được xây dựng giữa thế kỷ VIII đến giữa thế kỷ IX, có ý kiến thì cho rằng vào khoảng thế
kỷ XV, ý kiến khác lại cho rằng vào khoảng thế kỷ XVI đến XVIII.
Nhưng dù được xây dựng vào thời gian nào thì tháp cũng là bằng chứng về sự tài hoa trí tuệ mà
bàn tay khéo léo của ông cha thưở trước trong nghệ thuật kiến trúc. Cũng như nhiều cụm tháp khác
rải rác trên dãi đất miền Trung, tháp Poshanư được xây dựng từ gạch đỏ với một loại chất kết dính
đặc biệt mà nhịều giả thiết hiện nay cho rằng đó là nhựa thực vật. Tháp hình vuông, ba tầng, càng
lên phía trên càng nhỏ lại, gồm mặt chính và ba mặt phụ, cửa tháp hình vòm cuốn với nhiều kiểu
thoa văn tinh tế và phong phú thuộc phong cách nghệ thuật cùng với cụm tháp Hòa Lai. Cụm tháp
gồm 3 cái, một tháp lớn và hai tháp nhỏ đều quay mặt về phía Đông, mà theo quan niệm của người
Chăm là hướng của các thần linh. Phía trong, chính giữa tháp người ta đặt bệ thờ Linga – Yoni
bằng đá trơn, biểu tượng của cơ quan sinh dục nam – nữ, vật linh thiêng nhất trong các đền thờ của
những người theo đạo Hindu.
Tháp thờ bà Poshanư, con gái của vua Po Parachanh trị vì vương quốc cổ Champa khoảng vào thế
kỷ XIV. Poshanư là một công chúa có công lớn trong việc tổ chức hướng dẫn nhân dân vùng Tuy
Phong, Bắc Bình, Hàm Thuận Bắc ngày nay sản xuất nông nghiệp, khai phá đất rừng làm rẫy, trồng
lúa nước, trồng bông dệt vải, xây dựng các công trình thủy lợi. Bà cũng là người đã định ra nhiều
quy tắc trong quan hệ, giao tiếp, đối xử tiến bộ trong gia đình và xã hội của triều đình trong thời kỳ
đó. Vì thế, ngày nay đồng bào mỗi khi đến tháp đều cầu xin bà cho sản xuất được mùa, đời sống
ấm no, gia đình yên ổn, hạnh phúc.
Theo truyền thuyết dân tộc Chăm, lịch sử ra đời của Tháp gắn liền với câu chuyện tình đầy hạnh
phúc nhưng cũng rất thương đau giữa công chúa Poshanư và lãnh chúa Po Sahaniempar. Chuyện
kể rằng: Vượt qua bao cấm đoán hà khắc của luật tục tôn giáo Chăm thời bấy giờ, công chúa
Poshanư đã đem lòng yêu thương và quyết định kết tóc se duyên với lãnh chúa Po Sahaniempar,
một ngừơi theo đạo Hồi ở vùng Ma Lâm. Trong những ngày chung sống hạnh phúc, họ đã cùng
nhau xuống vùng Phú Hài (Phan Thiết) vận động nhân dân xây tháp trên đồi Bianneh (Mũi Né).
Thái tử PoDam, em ruột của Poshanư từ lâu đã không muốn chị mình lấy một người chồng ngoại
đạo. Nhân một chuyến hành hương về Ấn Độ của Po Sahaniempar theo luật Hồi giáo, PoDam đã
bày mưu chia rẽ hai người. Chàng Po Sahaniempar sau thời gian hành hương trở về không thấy vợ
ra đón theo lời hẹn ước, cho rằng bà đã phản bội nên từ bỏ ra đi về phía Nam mang theo trong lòng
một mối hận, khi Poshanư tìm đến để nói lời thanh minh, thì ông đã trao gửi trái tim tình yêu cho
nàng Chargo người dân tộc Răglây ở vùng Núi Ông – Tánh Linh.
Những năm tháng cuối đời, bà Poshanư đã sống một mình thanh thản tại Bianneh.
Người Chăm đời sau tạc tượng Bà và thờ trong tháp. Ngày xưa, hàng năm cứ đến mùa Katê, đồng
bào lại tựu về bên tháp thắp hương tưởng niệm và vui chơi, múa hát bên Bà, đón mừng năm mới.
Sau năm 1975 đến nay, Tháp Bà Poshanư được nhiều lần trùng tu bảo tồn với sự đóng góp công
sức và trí tuệ của các chuyên gia trong và ngoài nước và đã được Nhà nước công nhận Di tích lịch
sử văn hóa.
Hiện nay, hằng ngày tháp vẫn mở cửa đón du khách thập phương đến chiêm ngưỡng vẻ đẹp cổ
kính còn nhiều bí ẩn chưa được khám phá mà những nghệ nhân và những người thợ xây dựng
Chămpa đã mang theo vào cõi vĩnh hằng. Họ cũng đến để tưởng nhớ đến bậc tiền bối đã có công
vận động xây dựng tháp, đóng góp vào kho tàng văn hóa Việt Nam một tác phẩm kiến trúc như một
bông hoa đẹp: Bà Poshanư.
Phan Thiết đang biến đổi từng ngày, những tòa nhà cao tầng, những công trình kiến trúc hiện đại đã
đang và sẽ mọc lên. Nhưng cũng như bao công trình kiến trúc lịch sử khác, tháp Bà Poshanư sẽ
vẫn mãi mãi tồn tại, được nâng niu tôn trọng như tình đoàn kết của các dân tộc anh em qua bao thế
hệ đã đóng góp công sức góp phần làm nên một thành phố đầy hương sắc văn hóa của hôm nay và
của cả mai sau.
Lầu Ông Hoàng
Lầu Ông Hoàng là một ngôi biệt thự được xây dựng từ năm 1910, do một công tước người Pháp
tên De Montpensier đến Phan Thiết để sắn bắn voi, trước bức tranh tuyệt tác thiên nhiên dành cho
vùng biển Phan Thiết, ông đã xin phép xây một biệt thự trên ngọn đồi làng Ngọc Lâm, Phú Hài,
đồng bào Phan Thiết gọi là “Lầu Ong Hoàng”. Công trình được xây hình ngũ giác, với các trang thiết
bị đều bằng gỗ, bốn bề lộng gió. Trước 1942 đây là một điểm rất nổi tiếng trong giới trẻ Phan Thiết
đến tham quan thửơng nguyệt. Đây cũng là một trong những địa điểm được mọi người nhắc đến
nhiều trong thơ văn qua chuyện tình của Hàn Mặc Tử và Mộng Cầm, nhưng đối với người dân Phan
Thiết, Lầu Ông Hoàng không chỉ có vậy. Tháng 2/1946, Pháp tái chiếm thị xã Phan Thiết, đưa một
trung đội ra chốt giữ Phú Hài, lúc đầu ở khu nhà trường, dưới chân đồi. Tháng 10/1946, địch chuyển
lên, cải tạo khu nhà nghỉ thành đồn và đóng chết luôn ở đấy.
Lầu Ông Hoàng nằm trên một điểm cao, dễ quan sát thuận lợi về mặt quân sự, án ngữ và phòng thủ
hướng Đông thị xã. Tây và Nam là dốc đứng, cây gai chằng chịt, đá lởm chởm rất khó đi, hướng
Bắc và Đông Bắc thoai thoải dễ tiếp cận. Chỉ có một con đường độc đạo chạy từ hướng Bắc vòng
sang phía Đông mới vào được khu đồn. Phú Hài là vùng trung tâm của xã Tân Dân, dân số khoảng
5000 người, đa phần sống nghề biển, đời sống có khá hơn các vùng khác trong xã. Phú Hài bị địch
chiếm đóng, tổ chức bộ máy tay sai khá chặt chẽ. Nhưng chính quyền kháng chiến ở địc phương
cũng như các đoàn thể cứu quốc vẫn bí mật hoạt động tốt, nhất là phong trào hoạt động thanh niên
rất tích cực. Kẻ địch nắm được nhưng chưa có cơ sở để đánh phá, chúng đang tìm âm mưu thủ
đoạn lừa gạt.
Đêm 16/4/1947 (âm lịch) chúng bí mật phục kích các ngõ đường từ xóm vào đồn, rồi cho lính cải
trang thành bộ đội vệ quốc quân vào báo tin cho đồng chí uỷ viên quân sự xã là bộ đội ông Châu
đánh Lầu Ông Hoàng, đề nghị cho thanh niên ở xóm lên giúp sức thu dọn, mang chiến lợi phẩm.
Phấn khởi, mất cảnh giác đồng chí uỷ viên quân sự nhanh chóng báo tin và tập hợp thanh niên chạy
lên đồn. Vừa chạy ra khỏi xóm thì bị bắn làm 6 người chết, 5 người bị thương. Nhân dân rất căm
phẫn bọn địch, mong bộ đội về đánh đồn trả thù cho đồng bào và càng tích cực ủng hộ kháng chiến.
Theo chủ trương của Tỉnh uỷ Bình Thuận là đẩy mạnh hoạt động nhằm hỗ trợ cho phong trào du
kích chiến tranh phát triển, xây dựng thực lực chính trị của địa phương, để bồi dưỡng và phát triển
đơn vị. Ban chỉ huy Trung đoàn 82 giao nhiệm vụ cho C2 (đại đội Hoàng Hoa Thám) tiêu diệt cho
được Lầu Ông Hoàng, đưa phong trào chiến tranh du kích của địa phương trực tiếp là xã Tân Dân
phát triển lên bước mới. Trả thù cho đồng bào Phú Hài bị địch giết hại ngày 16/4/1947 vừa qua.
Nhận mệnh lệnh chiến đấu của Ban chỉ huy trung đoàn 82 với yêu cầu là “phải đánh thắng”. Ban chỉ
huy đại đội Hoàng Hoa Thám đã cử ngay một bộ phận chuẩn bị chiến trường để tiến hành điều tra,
nghiên cứu nắm địch. Một mặt xét lại tình hình của đơn vị khả năng trang bị, khả năng tác chiến…
Ban chỉ huy đại đội quyết định:
-Tổ chức một lực lượng tinh gọn cải trang sĩ quan binh lính địch, có lực lượng tiếp chiến hỗ trợ, đi
thẳng vào Lầu Ông Hoàng bất ngờ nổ súng tiêu diệt địch. Làm chủ chiến trường bắt tù binh, thu vũ
khí, đánh nhanh thu vũ khí nhanh. Tích cực tận thu chiến lợi phẩm nhất là vũ khí đạn dược để bồi
dưỡng lực lượng ta.
Để bảo đảm cho chiến đấu thắng lợi, Ban chỉ huy đại đội quyết định tổ chức thành 3 bộ phận, trong
đó:
Bộ phận thứ nhất là bộ phận chủ công. Gồm 10 đồng chí được chọn từ các trung đội lên và hai
chiến sĩ quốc tế (Đức, Tây Ban Nha), cải trang sĩ quan Pháp (một quan Ba, một quan Một), số anh
em còn lại đóng lon đội, cai và lính) do đồng chí Ngọc tiểu đội trưởng chỉ huy, đồng chí Ánh chỉ huy
phó. Trang bị 5 tiểu liên và súng trường, có nhiệm vụ làm đơn vị tuần tiểu của địch từ đồn Kim Ngọc
xuống kiểm tra, đi thẳng vào cổng gác phía Tây của đồn đưa thư của cấp trên cho tên đồn trưởng.
Trong lúc đó, anh em nhanh chóng triển khai đội hình, chiếm giữ các mục tiêu quan trọng, sẵn sàng
nổ súng tiêu diệt địch.
Ngày 13/6/1947 Ban chỉ huy trận đánh cho trinh sát bám đồn, bám cơ sở để nắm tình hình diễn biến
của địch và chuẩn bị bảo đảm đường hành quân. 18h ngày 13/6 toàn đơn vị hành quân, 21h đến vị
trí phân quân thứ nhất, còn nhiều thời gian, đồng chí đại đội trưởng cho anh em nghỉ tại chỗ và dặn
dò các bộ phận, động viên quyết tâm chiến đấu.
5h5’ đại đội trưởng cho bộ phận chủ yếu xuất phát đi vào cổng phụ phía Tây. Ban chỉ huy đại đội
theo trinh sát vào vị trí chỉ huy (nhà cơ sở ở xóm). Bộ phận chủ yếu đi đầu là một tổ lính ngụy (cải
trang), đến hai sĩ quan Tây (cải trang) lực lượng còn lại đi sau. Trong đồn lúc này bọn địch cũng đã
thức dậy, đi qua đi lại. 5h10’ bộ phận chủ yếu đến vọng gác.
Tên lính gác thấy rõ có quan Ba đến, vội bồng súng chào. Quan Ba phất tay rồi đi thẳng vào đồn, cả
tiểu đội nhanh chóng vào chiếm các vị trí quan trọng. Chỉ huy ta ra lệnh cho tên lính gác vào báo
ngay đồn trưởng có quan Ba đến kiểm tra, cho lính tập hợp, không mang súng. Thấy có quan Tây
đến, tên lính gác lật đật chạy vào báo đồn trưởng. Tên đồn trưởng còn đang ngủ bị kêu dậy, chưa
kịp mặt quân phục, vội bước ra thì thấy có quan Ba trước mặt, hắn vội chào. Quan ba lệnh cho tên
đồn trưởng tập hợp để kiểm tra và đưa cho hắn bức thư. Tên đồn trưởng cho tập hợp lính theo yêu
cầu của ta và hắn mở thư ra xem. Một tình huống bất ngờ xảy ra là khi lực lượng ta tiến vào chiếm
khu nhà lớn thì đồng chí Ánh chạm mặt tên đội An (Đội An là tên lính khố xanh đồn GI (Phan Thiết),
khi ta giành được chính quyền (8/1945) lính khố xanh đầu hàng, một số tên gia nhập lực lượng ta ở
Bình Thuận, trong đó có tên An. Do chịu khổ không được tên An chạy về đầu hàng địch là lính pạt-
ti- dăn ở đồn Lầu Ông Hoàng. Đồng chí Ánh và tên đội An trước ở cùng một đơnvị nên quen biết
nhau). Sau những giây lúng túng đồng chí Ánh trấn lĩnh và bước đến trước mặt tên đội An và khống
chế nó ngay “mày im lặng tao tha chết, mày làm lộ tao sẽ bắn ngay”. Tên đội An bị khống chế chặt
đến giờ nổ súng.
Đứng kề quan Ba và quan Một là đồng chí Ngọc đề phòng bất trắc. Tên đồn trưởng xem thư biết
mình bị lừa toan chống cự liền bị một loạt tiểu liên của quan Một bắn chết ngay tại chỗ. Lúc này là
5h30’. Bọn địch trong đồn kể cả bọn lính đang tập hợp biết bị ta tấn công, bèn chạy về vị trí để
chống cự. Nhưng đã muộn, tất cả các vị trí đều có lực lượng của ta chiếm giữ, quét từng loạt tiểu
liên vào đám lính. Vừa đánh anh em vừa gọi bọn địch đầu hàng. Nhiều tên địch chết ngay tại chỗ,
nhiều tên ngoan cố chạy đến hầm đại liên định dùng hỏa lực này để chống lại, nhưng tổ chiếm giữ
đại liên đã tiêu diệt chúng, một vài tên sống sót xé rào bung chạy về phía biển, trong đó có tên đội
An.
Nghe súng ở đồn nổ, trung đội trưởng Bùi Văn Mỹ lệnh cho trung đội vận động vượt đường chạy
thẳng vào cổng chính phối hợp với bộ phận chủ yếu tiêu diệt bọn địch chống cự. Bọn sống sót thấy
có lực lượng bên ngoài vào đông biết không thể chống cự được đành giơ tay xin hàng. Cuộc chiến
đấu diễn ra trong vòng 15’, ta hoàn toàn làm chủ đồn.
Sau 15’ chiến đấu, ta giết tại chỗ 20 tên, làm bị thương 12 tên, bắt 3 tên, thu 22 súng các loại (một
khẩu đại liên Vicker, 3 khẩu trung liên, 5 khẩu tiểu liên, 16 súng trường), 10 thùng đạn, 11 thùng lựu
đạn, hai máy vô tuyến điện, một máy chụp hình, một ống nhòm và nhiều quân trang quân dụng. Ta
hoàn toàn vô sự.
Trận cải trang tập kích Lầu Ông Hoàng tiêu diệt gọn quân địch, làm chủ chiến trường, bắt tù binh,
thu vũ khí là trận đánh xuất sắc gây được tiếng vang lớn ở Bình Thuận và cả vùng cực Nam Trung
bộ lúc bấy giờ. Sau chiến thắng nhân dân địa phương rất vui mừng phấn khởi, phong trào tòng
quân nhập ngũ, ủng hộ kháng chiến càng sôi nổi, mạnh mẽ.
Mũi Né - Dừa Hàm Tiến - Bãi Đá Ông Địa
Nằm các Phan Thiết 24km về hướng Đông Bắc. Bãi biển Mũi Né nổi tiếng trong lần Nhật thực ngày
24/10/1995, vì ở đây có thể nhìn thấy rõ nhất. Mũi Né nên thơ với một bên là biển xanh biếc, một
bên là cát trắng mịn màng óng ả được điểm xuyến những hàng dừa lơi lả, nhìn xa xa như một tấm
nhung êm với mái tóc thề phiêu lãng. Tấm thảm nhung hay còn được biết đến với tên gọi Rặng dừa
Hàm Tiến này kéo dài gần 10km.
Bãi đá Ông Địa là một thắng cảnh được tạo nên bởi sự phối hợp giữa các ghềnh đá lô nhô với
những làn nước trong xanh tạo nên một bức tranh êm đềm và phóng khoáng. Trải dài bãi biển với
những ngọn sóng sủi bọt rồi vỡ ra quanh những mỏm đá gồ ghề, đen trũi và có những hình thù kỳ
dị.
Mộng Cầm: “Tám mươi tư tuổi vẫn chưa già”(PHẠM XUÂN TUYỂN)
Vào những năm đầu của thế kỷ XX, một cặp vợ chồng son, người nguyên quán tỉnh Quảng Ngãi đã
đùm túm nhau đến thành phố Vinh, tỉnh Nghệ An vì sinh kế. Người chồng là thầy ký Huỳnh Quang
Lâm quê ở huyện Đức Phổ, người vợ là bà Lê Thị Phụng quê ở Thu Xà.
Mùa hạ năm Đinh Tỵ 1917, bà Phụng sinh hạ một bé gái và được chồng đặt tên là Huỳnh Thị Nghệ.
Kể từ năm cha mất (1926), cô bé Nghệ theo mẹ về quê ngoại Thu Xà và sau đó theo cậu lớn Lê
Quang Thuần vào Mũi Né học hộ sinh, rồi về Phan Thiết giúp dì út Lê Ngọc Sương, và cậu út Lê
Quang Lương (tức nhà thơ Bích Khê) trông coi trường Hồng Đức. Thời gian này, vào khoảng năm
1933-1935, cô bé Huỳnh Thị Nghệ ngày nào, nay đã là cô thiếu nữ xuân thì, có bút danh Mộng
Cầm, thích làm thơ đăng báo và được nhà thơ Hàn Mặc Tử (lúc ấy đang phụ trách trang văn
chương của một số báo ở Sài Gòn) gửi thư làm quen. Rồi hai người gặp nhau.
Đã hơn một lần bà Mộng Cầm thổ lộ với tôi, cũng như trước đó, năm 1961, với Giáo sư Đỗ Văn
Côn, tức nhà văn Châu Hải Kỳ, câu chuyện tương tự thế này: “…Tôi kể câu chuyện quen biết trong
mục đích trau luyện văn chương cho cậu tôi nghe. Cậu tôi cho phép viết thư cho Hàn Mặc Tử. Thư
từ đi lại mật thiết trong mấy tháng thì một chiều thứ bảy nọ, vào khoảng tháng tư, năm… Hàn Mặc
Tử ra Phan Thiết. Anh mượn đò đi Mũi Né tìm đến bệnh xá. Tôi đang làm thuốc cho bệnh nhân, ông
phu nhà thuốc vào đưa một danh thiếp … tôi bảo ông phu ra thưa chờ tôi một chút. Tôi làm thuốc
cho người bệnh xong đi ra thì thấy một chàng thanh niên mặc âu phục xoàng xỉnh, đang đứng ở
cửa bệnh xá… Hàn Mặc Tử xin cậu tôi sẵn có đò, cho phép tôi đi Phan Thiết chơi, luôn tiện nhờ giới
thiệu để gặp Bích Khê mà anh hằng mong ước tìm gặp. Cậu tôi bằng lòng. Và tối hôm đó, chúng tôi
xuôi đò về Phan Thiết. Gặp hôm có trăng, nhưng chúng tôi không ngồi trên mui thuyền để ngắm
sông nước mà ngồi trong khoang để nói chuyện. Hàn Mặc Tử không đẹp nhưng nhỏ nhẹ dễ
thương… Đò đến Phan Thiết, tôi đưa Hàn Mặc Tử đến trường Hồng Đức, cậu Bích Khê tôi dạy ở
đây. Ở đó suốt buổi sáng chủ nhật, chiều lại ảnh đáp chuyến tàu suốt trở về Sài Gòn. Sau ngày ấy,
cậu tôi bảo tôi ra dạy ở trường Hồng Đức. Lẽ đó mà Hàn Mặc Tử ra vào thường, thứ bảy nào anh
cũng vào Phan Thiết, chiều chủ nhật lại vào. Một dịp chiều thứ bảy chơi Lầu Ong Hoàng, anh thổ lộ
mối tình với tôi… Tuy vậy chúng tôi vẫn thân mật giao thiệp hai năm như thế”.
…Năm 1936, Hàn Mặc Tử mang bệnh nan y, từ Sài Gòn trở về Quy Nhơn trị bệnh. Còn Mộng Cầm
vâng theo ý mẹ và các cậu lớn trở về Quảng Ngãi lấy chồng. Trước sự thể đau thương này, Mộng
Cầm đã viết lên những vần thơ:
Em đi đường em, anh đường anh
Tình nghĩa đôi ta chẳng trọn lành
Muốn gặp nhau chăng trong giấc mộng
Xuân tình đành gửi nước non xanh.
…
Cả năm chỉ có một lần xuân
Nhưng với lòng em xuân mỗi tuần
Nhà phê bình Trần Thanh Mại, trong sách “ Hàn Mặc Tử – thân thế – thi văn” viết năm 1941 tại An
Cựu – Huế, đã bênh vực cho Mộng Cầm như sau:
“Cái thời kì đàn bà thủ tiết thờ một chồng chưa cưới, bỏ trăm năm vì một lời thề ước, thời kỳ ấy đã
qua, nay chỉ nằm trong pho sách luân lý.
Phương chi, ngoài ra còn có biết bao nhiêu lí do để biện bạch cho sự đi lấy chồng của Mộng Cầm.
Mỗi một chứng bệnh của Hàn Mặc Tử cũng đủ giúp nói nhiều cho nàng rồi”.
Còn Hàn Mặc Tử, nhà thơ đau đớn tột cùng vì bệnh tật lại thêm hận sầu nên có những vần thơ:
Nghệ hỡi Nghệ! Muôn năm sầu thảm
Nhớ thương còn một nắm xương thôi
Thân tàn ma dại đi rồi…
Rầu rầu nước mắt bời bời ruột gan
Dẫu đau đớn vì lời phụ rẩy
Nhưng mà ta không lấy làm điều
Trăm năm vẫn một lòng yêu
Và còn yêu mãi rất nhiều em ơi…
Và nhà thơ mệnh yểu đã “tham lam” muốn phải có người đẹp đến thăm viếng mộ phần. Hàn Mặc
Tử viết trong “Cẩm Châu Duyên”:
…Một mai kia ở bên kia khe nước ngọc
Với sao sương anh nằm chết như trăng
Không tìm thấy nàng tiên mô đến khóc
Đến hôn anh và rửa vết thương tâm…
Và bà Mộng Cầm cũng xót thương thay cho nữ sĩ Mai Đình (mất 26-10-1999), người bạn thơ của dì
Ngọc Sương lại yêu quí Hàn Mặc Tử vô vàn, đến phải ghen với bà qua bài thơ “Phân bì với Mộng
Cầm”:
…Mộng Cầm hỡi! Nàng là tiên rớt xuống
Hay là vì tinh tú giáng trần gian!
Diễm phúc thay sung sướng biết bao vàn
Đầy đủ quá, nàng thương chăng kẻ thiếu?
Tôi là kẻ thiếu nhiều và thiếu lắm
Đã ra người hành khất bấy lâu nay
Mà người đời toàn ban vị chua cay!…
Trong 10 năm (1990-2000) vì dời đổi chổ ở, vì bệnh già, mà cũng là theo yêu cầu của những người
con gái thương quý mẹ mình, bà Mộng Cầm đã tạm biệt cái quán chè vườn của cô Mộng Đức (con
áp út), số 300 Trần Hưng Đạo, P. Lạc Đạo, Tp. Phan Thiết, và cả nhà vườn cô gái út Mộng Đoan tại
xã Phong Nẫm, Phan Thiết, hiện nay vào ở cái quán đặc sản nổi tiếng mang bảng hiệu Mộng Cầm
của người con gái thứ Mộng Đào ở Xa lộ Nam Sài Gòn, số B18/4A Nguyễn Văn Linh, xã Bình
Hưng, Bình Chánh, TP. Hồ Chí Minh.
Và trong bao đêm trăng sáng, xung quanh là hương thơm tỏa ra từ vườn cây cảnh, bà tự ru mình
trên chiếc võng bên hiên nhà và ngâm nga thơ Hàn Mặc Tử và thơ của mình. Rồi bao giờ cũng vậy,
bà kết thúc bằng 4 câu thơ tự trào, trước khi bỏ vào miệng nhai miếng trầu cau mới như tự thưởng
cho mình:
Tám mươi tư tuổi vẫn chưa già
Thơ vẫn còn duyên, ý đậm đà
Trời đất vẫn còn, ta vẫn trẻ
Đời tuy sóng gió vẫn ngâm nga…
(Mộng Cầm – 2001)
Làng gốm Bắc Bình
Còn gọi là làng gốm Tam Hiệp thuộc huyện Bắc Bình, Bình Thuận. Người ta để đất sét đã nhào ướt
lên một mặt bàn cố định và đi quanh nắn bằng tay cho thành đồ vật như ý muốn, sau đó dùng một
miếng vải ướt nắn miệng vành, nắn kiểu. Kế tiếp dùng một thanh tre mỏng uốn lại để cạo lớp ngoài
thành hoa văn. Cuối cùng đem phơi nắng và đem vào lò nung. Làng gốm Bắc Bình cách trung tâm
Phan Rí không xa.
Cây Điều
Cây Điều có tên khoa học là Anacardium occidentale L. Thuộc họ thực vật. Bộ Rutales. Ở nhiều tỉnh
miền Trung, miền Bắc cây Điều còn được gọi là Cây đào lộn hột. Sở dĩ có cái tên hơi kỳ quặc như
vậy là vì nhìn vẻ ngoài trái điều trông giống trái đào (miền Bắc gọi là quả roi, trong Nam gọi là trái
mận) có hột nằm phía ngoài. Nhưng thực tế cái mà chúng ta thường gọi là trái chỉ là phần cuống
của trái phình to ra, còn trái thực lại chính là hạt điều.
Khoảng vài thế kỷ trước đây cây Điều vốn dĩ chỉ là một loài cây mọc tự nhiên hoang dại ở miền
Đông Bắc Brazil. Cùng nằm trong chi thực vật Anacardium với Điều còn có 20 loài cây khác nữa,
song chỉ độc nhất có cây Điều là cây được sử dụng trong trồng trọt với ý nghĩa là một loại cây ăn
trái. Đa số các loài cây trong chi thực vật này, có tới 17 loài gồm cả Điều, đều có chung quê hương
là Brazil, 3 loài khác thấy mọc ở vùng Amazone thuộc Trung Mỹ. Riêng loài Anacardium encardium
là loài độc nhất trong chi thực vật này không phân bố ở Trung và Nam Mỹ mà lại tìm thấy ở bán đảo
Malaysia của Châu Á.
Từ lâu người dân địa phương miền Đông Bắc Brazil đã biết thu lượm trái và hạt điều để ăn và nó đã
trở thành một khẩu phần quan trọng trong bữa ăn của họ. Tuy nhiên, nguồn thực phẩm này chỉ
được thu hoạch bằng cách hái lượm hạt và trái điều từ những cây mọc hoang dã, vì cho tới thời kỳ
này điều vẫn chưa phải là một loài cây trồng trọt cung cấp lương thực. Vào thế kỷ 16, khi Bồ Đào
Nha và Tây Ban Nha xâm chiếm Nam Mỹ, các thủy thủ của họ đã mang hạt điều ra khỏi quê hương
lãnh thổ của nó đem đến trồng thử tại một số nước thuộc địa ở Trung Mỹ, Đông Phi và Ấn Độ. Vì
vậy, có thể thời điểm này là mốc thời gian chuyển cây điều từ trạng thái hoang dã sang dạng cây
trồng trọt. Tại các nước Đông Phi, chủ yếu là Mozambique, Tanzania và một phần Kenia người Đồ
Bào Nha đã tìm thấy ở những nơi đó các điều kiện sinh thái rất thích hợp cho cây điều phát triển.
Còn ở Châu Á, cũng vào thời điểm giữa những năm của thế kỷ 16, người Tây Ban Nha đã đưa
những hạt giống điều đầu tiên vào trồng ở vùng bờ biển Malaba của Ấn Độ. Từ vùng trồng khởi đầu
này ở Châu Á cây điều đã được di giống lan rộng tới Indonesia và cá nước Đông Nam Á khác cả do
bàn tay con người cũng như do chim, thú tha mang đi.
Suốt mấy trăm năm sau kể từ thời điểm khởi đầu đó cho mãi tới đầu thế kỷ thứ 20 cây điều tuy đã
được trồng nhiều ở Đông Phi, Ấn Độ và các nước Châu Á khác nhưng mục đích chủ yếu vẫn là
nhằm để che phủ đất, chống xói mòn, còn việc sử dụng trái và hạt làm đồ ăn, thức uống chỉ là mục
tiêu kết hợp. Đầu thế kỷ 20 những lô hàng nhân hạt điều đầu tiên được đóng gói, bảo quản trong
thùng thiếc gắn kín nhập khẩu vào Hoa Kỳ, được thị trường nước này ưa chuộng và bán với giá cao
thì các sản phẩm chế biến từ nhân hạt điều mới bắt đầu trở thành hàng hoá buôn bán trên thị
trường thế giới. Nhờ đó cây điều đã thực sự trở thành một cây thực phẩm có giá trị và được đầu tư
nghiên cứu nhằm cải thiện kỹ thuật gây trồng, cải thiện giống để nâng cao năng suất và chất lượng
sản phẩm.
Hiện nay đã có hơn 50 nước thuộc vùng nhiệt đới trên thế giới có gây trồng điều với diện tích lớn
hoặc nhỏ, phân bố trong giới hạn địa lý từ chí tuyến Bắc xuống đến chí tuyến Nam (khoảng 40o) và
thường tập trung ở các vùng đất ven biển.
Trong khoảng 15 năm trở lại đây sản lượng bình quân hạt điều trên thế giới ước chừng trên 400-
500.000 tấn/năm. Từ giữa những năm 70 trở về trước thì vùng trồng điều có diện tích lớn nhất và
sản lượng hạt điều thô xuất khẩu lớn nhất trên thế giới là thuộc các nước Đông Phi như
Mozambique, Tanzania, Kenia, Nigeria chiếm tới 60% thị phần. Sau đó là tới Ấn Độ ở Châu Á và
Brazil ở Châu Mỹ Latinh. Song, bước vào thập niên 80 do những biến động lớn về điều kiện tự
nhiên cũng như xã hội, do vốn đầu tư hạn hẹp nên tình hình sản xuất điều ở các nước Đông Phi bị
sút giảm nghiêm trọng. Sản lượng hạt điều của họ hiện nay so với những năm đạt cao nhất vào
giữa thập kỷ 70 thì chỉ còn khoảng 15%. Trong khi đó ở Châu Mỹ Latinh, Brazil nhờ vào thị trường
Bắc Mỹ tiêu thụ mạnh sản phẩm điều của họ nên đang ra sức mở rộng diện tích cũng như đầu tư
thâm canh nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm. Dự kiến cuối thế kỷ 20 họ sẽ tăng diện tích
trồng điều hiện nay đang khoảng 150.000ha lên xấp xỉ 400.000ha để đạt sản lượng ước khoảng
trên 300.000 tấn/năm. Ở Châu Á, Ấn Độ cũng đang trên đà mở rộng diện tích trồng điều để bù đắp
sự sút giảm lượng hạt thô nhập khẩu từ các nước Đông Phi cho các cơ sở chế biến đã ở thế ổn
định của họ. Đến cuối thế kỷ này diện tích trồng điều của Ấn Độ có thể đạt tới trên 500.000ha và sẽ
đạt sản lượng hạt thô ước khoảng 300.000 tấn/năm. Việt Nam cũng là một nước sản xuất điều phát
triển mạnh, hiện đã vượt qua Inđônêxia vươn lên vị trí thứ 3 trong số các nước vừa có diện tích
trồng điều lớn, vừa có sản lượng cao. Nếu được nhà nước quan tâm thích đáng, đề ra các chính
sách kinh tế-kỹ thuật hợp lý nhằm ổn định và mở rộng vùng nguyên liệu củng cố và nâng cao năng
lực của các cơ sở chế biến trong nước đồng thời giải quyết tốt khâu xuất khẩu thì ngành hàng điều
còn vươn lên mạnh hơn nữa góp phần đáng kể trong hiệu quả của chương trình xoá đói giảm
nghèo và cải thiện môi trường.
Nguồn tiêu thụ sản phẩm nhân hạt điều chủ yếu là các nước phát triển, giàu có. Riêng thị trường
nước Mỹ hàng năm tiêu thụ khoảng 44.000-45.000 tấn nhân hạt điều, chiếm tới trên dưới 65% tổng
lượng nhập khẩu toàn thế giới. Số còn lại là các nước Tây Âu khác và Úc, Nhật Bản.
Tuy thị trường nước Mỹ tiêu thụ sản phẩm nhân hạt điều lớn như vậy song họ đòi hỏi tiêu chuẩn
chất lượng sản phẩm rất nghiêm khắc và chặt chẽ. Có thể nói sản phẩm nhân hạt điều của nước
nào được thị trường Mỹ chấp nhận và ưa chuộng sẽ tạo cơ hội cho nước đó phát triển mạnh ngành
hàng này và thu được một nguồn lợi kinh tế đáng kể. Mấy năm vừa qua, kể từ khi Mỹ bỏ lệnh cấm
vận đối với Việt Nam, sản phẩm nhân hạt điều của nước ta đã có mặt ở thị trường nước này với
lượng nhập khẩu ngày càng gia tăng đáng kể. Hiện nay thị trường Mỹ, Canada, Nhật, Úc, Anh, Italia
và một số nước Đông Nam Á hàng năm tiêu thụ hơn 60% tổng sản phẩm nhân hạt điều của nước
ta. Số còn lại được thị trường Trung Quốc, Đài Loan và Hồng Kông tiêu thụ. Nhờ vậy chúng ta
không còn buột phải bán hạt điều thô giá rẻ cho Ấn Độ để họ chế biến nhân tái xuất và từ đó chúng
ta cũng tăng thêm nguồn thu kim ngạch xuất khẩu mặt hàng này. Đồng thời tạo công ăn việc làm ổn
định cho hơn 50.000 người lao động trong nước, góp phần đáng kể cho việc cải thiện đời sống các
hộ nông dân nghèo trồng điều.
Chưa tìm thấy tài liệu nào nói đích xác cây điều được di giống tới nước ta từ bao giờ. Có giả thuyết
cho rằng các giáo sĩ Âu Châu khi tới Việt Nam truyền giáo đã mang theo hạt điều vào nước ta; điều
đó có nghĩa là cây điều đã có mặt ở nước ta từ mấy trăm năm nay vào thời kỳ các nước Tây Âu
bành trương thuợc địa ở Châu Á và Châu Phi. Nhưng cũng có tài liệu lại cho rằng một số chủ đồn
điền người Pháp mang hạt điều từ Ấn Độ sang trồng thử tại nước ta chỉ hơn một trăm năm nay. Có
thể tin được rằng vào thời kỳ đầu đó cây điều đã được trồng thử ở nhiều vùng cả nước ta, miền Bắc
cũng như miền Trung và miền Nam. Song do năng lực thích nghi về sinh thái khí hậu nên giống điều
chỉ thấy tồn tại ở Nam bộ và cực Nam Trung Bộ dưới dạng cây vườn phân tán ở các đồn điền cũ
của người Pháp và xung quanh nhà dân.
Suốt trong một thời gian dài do không có thị trường tiêu thụ và do sản lượng không đáng kể nên cây
điều chẳng được mấy ai chú ý tới. Đến khi lực lượng quân sự Mỹ ồ ạt xâm chiếm miền Nam vào
những năm 60 và đầu thập kỷ 70 vừa qua, một số doanh nhân Hoa Kiều ở Chợ Lớn đã tìm thấy
nguồn lợi trong việc chế biến nhân hạt điều cho các tiệm ăn phục vụ binh sĩ Mỹ mới bắt đầu tổ chức
thu mua hạt điều của các hộ nông dân cà đầu tư chút ít cho việc trồng điều qui mô nhỏ. Tính tới đầu
những năm 80, cây điều từ dạng phân tán lẻ tẻ đã được trồng thành vườn nhỏ với tổng diện tích ở
Đông Nam Bộ và duyên hải Nam Trung Bộ lên tới xấp xỉ 1000 ha, đạt sản lượng khoảng 200-300
tấn/năm.
Vào năm 1977-1978, do tìm hiểu được thị trường tiêu thụ nên Sở Ngoại thương TP.HCM đã xuất
được những lô hàng hạt điều thô đầu tiên ra nước ngoài bán với giá cao và tìm thấy ở ngành hàng
nông sản này một thế mạnh trên thị trường quốc tế nên đã mạnh dạn đầu tư xây dựng một nông
trường trồng điều 300ha ở huyện Bến Cát, Bình Dương. Từ đó đã dấy lên một phong trào trồng điều
mạnh mẽ ở nhiều địa phương. Đến nay tổng diện tích trồng điều ở nước ta, tính từ phía Nam đèo
Hải Vân trở vào, mà tập trung chủ yếu là các tỉnh Nam Trung Bộ và Đông Nam Bộ đã lên tới xấp xỉ
250.000ha gồm đủ loại cũ mới, non già, vườn năng suất cao cũng như vườn thoái hóa. Sản lượng
hạt điều thô thu mua được trong hai năm 1996-97, bình quân là 130.000 tấn/năm, dự kiến từ năm
2000 có thể đạt được 200.000 tấn.
Vào những năm 80, phần lớn sản lượng hạt điều của nước ta đều được xuất ra thị trường nước
ngoài. Bước qua thập kỷ 90, và đặc biệt là từ năm 95 trở đi ta đã có hơn 50 cơ sở kinh doanh, chế
biến hạt điều với tổng công suất thiết kế để chế biến đạt tới 150.000 tấn nguyên liệu hạt thô/năm.
Nhờ đó đã thu hút hầu như toàn bộ sản lượng hạt điều thô cho chế biến trong nước, tỷ lệ xuất
nguyên liệu thô hầu như không đáng kể. Chỉ cần duy trì mức phát triển như hiện nay thì sang thế kỷ
21 một số vườn điều mới trồng sẽ bắt đầu cho sản lượng đưa tổng giá trị xuất khẩu mặt hàng này
lên tới 200 triệu USD, tương đương với nửa triệu tấn gạo ngon xuất khẩu.
Như vậy có thể nói rằng trong một thời gian hết sức ngắn chưa đầy 20 năm, cây điều ở nước ta từ
chỗ chưa được mấy người quan tâm đến nay đã trở thành loại cây được gây trồng mạnh mẽ, tạo
công ăn việc làm cho hàng trăm ngàn lao động trong cả khâu gây trồng cũng như chế biến sản
phẩm và cho giá trị kim ngạch xuất khẩu đáng kể. Đồng thời cũng cần chú ý rằng hiện nay mặt hàng
điều của nước ta đã chiếm một vị trí cao cả về tổng lượng sản phẩm cũng như phẩm chất mặt hàng
trên thương trường quốc tế. Song, cũng trong thời gian ngắn đó đã có bao vấn đề khó khăn trở ngại
cả về phương diện khoa học kỹ thuật trong gây trồng và chế biến cũng như về các chính sách kinh
tế về mối quan hệ giữa người sản xuất nguyên liệu với cơ sở chế biến, giữa các đơn vị xuất khẩu
với bạn hàng nước ngoài đã từng lúc từng nơi kìm hãm sự phát triển của mặt hàng này; thậm chí đã
có địa phương người nông dân chặt bỏ vườn điều của mình vì sản phẩm thu hoạch bị ép giá bán rẻ
không đủ bù chi phí sản xuất. Để cây điều phát triển ổn định, xuất khẩu tăng, sản phẩm có phẩm
chất cao thì đã tới lúc Nhà nước có sự quan tâm thích đáng cả về phương diện khoa học kỹ thuật,
chính sách kinh tế, điều chỉnh các mối quan hệ trong nội – ngoại thương, cùng với lúa và cao su,
cây điều được xem như một cây nông – công nghiệp chiến lược của nước ta.
Chùa Hang (Cổ Thạch Tự)
Đầu thế kỷ 19, một vị sư tên Hải Bình từ Phú Yên vào lập chùa ở đây. Cổ Thạch Tự được xây dựng
năm 1835-1836. Đầu tiên chỉ là một thảo am nhỏ vách ván, lợp lá. Đến thời vua Thiệu Trị (1841-
1847) cho xây dựng lại và được giữ gìn cho đến nay. Chùa được xây dựng trên khu đồi núi thấp,
nằm ở độ cao 64m so với mặt nước biển, lợi dụng những hang đá để xây dựng chùa. Chùa có diện
tích 1299m2. Đầu năm 1997 chùa xây dựng thêm nhiều tượng Phật Bà Quan Âm rải rác ven biển
tạo phong cảnh đẹp khi đứng nhìn từ chùa Hang.
Trong những năm chống Mỹ, Cổ Thạch tự là nơi dừng chân của các chiến sĩ cách mạng. Trong
chùa có tháp thờ những anh hùng liệt sĩ. Ngày 24/12/1993, Chùa được Bộ VH-TT công nhận là Di
tích lịch sử Quốc gia.
Suối Vĩnh Hảo
Thuộc xã Vĩnh Hảo, huyện Tuy Phong, cách QL 1A 1km. Nước suối Vĩnh Hảo trước năm 1975 là
một sản phẩm nổi tiếng trên thị trường Đông Nam Á. Dòng suối Vĩnh Hảo được xem là linh thiêng
đối với người Chămpa xưa. Năm 1306 vua Trần Anh Tông gả em gái mình là Công chúa Huyền
Trân cho Chế Mân, vua nước Chămpa. Chế Mân thường đưa nàng đến đây ngắm cảnh và Huyền
Trân đã đặt cho dòng suối này là Vĩnh Hảo, ý muốn nói mối giao hảo giữa Đại Việt và Chămpa
được bền vững muôn đời. Suối Vĩnh Hảo có nhiệt độ 36oC, có các khoáng chất rất có lợi cho sức
khỏe như Na, K, Mg… Năm 1923 người Pháp đem nước thử tại viện Pasteur và năm 1930 suối
Vĩnh Hảo đã được khai thác. Năm 1992 công ty Tribeco đầu tư khai thác với công suất 5 triệu
lít/năm.
Cà Ná
Trong tiếng Chăm có nghĩa là Tiên Sa. Đây là nơi mà gia đình các vua chúa Chămpa thường đến
đây nghỉ ngơi và săn bắt. Hiện nay Cà Ná là một bãi biển khá đẹp, cát trắng và biển trong xanh. Cà
Ná thuộc Bình Thuận và cũng là ranh giới giữa Bình Thuận và Ninh Thuận. Phóng tầm mắt về
hướng biển khoảng 6 km, chúng ta thấy một hòn đảo nổi lên giữa biển như một chiếc hàng không
mẫu hạm, đó chính là Cù Lao Câu, một trong những nơi hiện nay có môi trường sinh thái biển tốt
nhất Việt Nam hiện nay. Năm 1998 đã được UNESCO tài trợ 2 triệu USD để bảo vệ rặng san hô
ngầm từ Cù Lao Câu đến Hòn Mun (Khánh Hòa).
Nghề muối
Hiện nay sản lượng muối của Việt Nam khoảng 680.000 tấn/năm, trong đó có khoảng 355.000 tấn
muối ăn và 275.000 tấn muối công nghiệp, đáp ứng được nhu cầu muối ăn nhưng vẫn phải nhập số
lượng lớn muối công nghiệp. Năm 1996 nước ta phải nhập khẩu 51.922 tấn muối công nghiệp và
năm 1997 nhập khẩu đến 70.000 tấn. Nguyên nhân thiếu hụt muối công nghiệp là do công nghệ sản
xuất thấp kém nên chất lượng muối ăn và muối công nghiệp đều thấp so với tiêu chuẩn quốc tế.
Đầu tư vào nghề muối tuy vất vả và cực nhọc, nhưng tiêu thụ muối còn khó khăn hơn. Thiếu vốn,
thiếu nơi tích trữ và phương tiện vận chuyển, mạng lưới thu mua muối của quốc doanh kém hiệu
quả, khiến cho tư thương ép giá, dìm giá muối…
Chính phủ đã phê duyệt quy hoạch phát triển ngành muối đến năm 2010, dự kiến sản xuất một triệu
tấn muối vào năm 2000 với số vốn đầu tư khoảng 350 tỷ đồng. Trên cơ sở thực tế hiện nay, để cải
tạo 1ha đồng muối sản xuất thủ công cần 18-20 triệu đồng, nhưng nếu đầu tư xây dựng 1ha sản
xuất muối công nghiệp phải cần 80-100 triệu đồng.
Bộ Nông Nghiệp-Phát Triển Nông Thôn tích cực hỗ trợ các hộ gia đình và các HTX làm muối ở phía
Bắc và ở Nam Bộ để cải tạo và xây dựng đồng muối, phát triển sản xuất, cung cấp muối ăn với giá
cả hợp lý. Đồng thời xây dựng mới một số đồng muối lớn ở miền Trung như Quán Thẻ, Phương
Cựu tỉnh Ninh Thuận, Vĩnh Hảo tỉnh Bình Thuận, Bình Dương tỉnh Quảng Ngãi… nhanh chóng nâng
cao năng lực sản xuất muối làm nguyên liệu cho công nghiệp và xuất khẩu.