BIỂU TƯỢNG NGỰA TRONG VĂN HOÁ CHÂU ÂU VÀ TRUNG CẬN ĐÔNG

Là mẫu gốc căn bản, gắn với cội nguồn của sự sống và của trí tưởng tượng, ngựa đã duy trì nơi
một số nền văn hoá trên thế giới các giá trị của biểu tượng. Nơi một số quốc gia châu Âu và Trung
cận đông, ngựa có một vị trí quan trọng trong thế giới biểu tượng. Bài viết trình bày biểu tượng
ngựa trong các nền văn hoá của một số quốc gia phương Tây và Trung Cận Đông.
Bên cạnh rắn, ngựa là động vật xứng đáng được xếp vào vị trí quan trọng nhất trong hệ biểu tượng
động vật trong các nền văn hoá của các dân tộc trên thế giới. Cũng như rắn, ngựa là loài sinh vật có
mặt nhiều nơi trên trái đất và có mối liên hệ mật thiết với con người, và chỉ đứng sau rắn, ngựa đã
trở thành một siêu biểu tượng. Ngựa mang nhiều đặc tính giống siêu biểu tượng rắn: biểu trưng cho
sự sống, cho vật tổ (totem) của tộc người, cho nước và lửa, cho linh hồn và nhục dục, huỷ diệt và
tái sinh, sự linh hoạt, quyết đoán,… ngoại trừ đặc tính thụ động, đa nghi và phản trắc. Chính nét đặc
trưng sinh học của loài ngựa đã góp phần quyết định ý nghĩa biểu tượng của nó: tốc độ chạy của
ngựa khiến con người liên hệ đến hình ảnh của thời gian; sự hay lui tới các nguồn nước như dòng
sông, con suối khiến ngựa được xem là có tham dự vào bí mật của nước làm phì nhiêu đất, làm
sinh sôi nảy nở sự sống; sự dẻo dai của ngựa biểu trưng cho sức mạnh và khả năng tính dục; sự
trung thành mẫn cán của ngựa biểu trưng cho tình bạn, tính thiện; sự định hướng chuẩn xác trong
đêm tối trong cuộc hành trình khiến ngựa có những mối liên hệ bí mật với bóng tối, với âm giới
nhưng vừa là biểu trưng cho trực giác thông tuệ và cao hơn, ngựa được xem như con vật dẫn dắt
linh hồn, một môn đồ của những bí lễ thần thánh… Là mẫu gốc, gắn với cội nguồn của sự sống và
của trí tưởng tượng, ngựa đã duy trì nơi các nền văn hoá trên thế giới các giá trị của biểu tượng.
Nơi một số quốc gia châu Âu và Trung cận đông, ngựa có một vị trí quan trọng trong thế giới biểu
tượng. Theo thời gian, trí tưởng tượng của con người đã chấp cánh cho ngựa từ một biểu tượng
mang sức mạnh của Âm giới để trở thành một biểu tượng mang sức mạnh của Thiên giới. Xét về
bản chất, quá trình luân chuyển này cho thấy một sự kết tập các mặt đối lập trong một sự hiện hữu
liên tục, tạo nên bản chất của tồn tại: sự sống và sự nối tiếp. Đó chính là ý nghĩa độc đáo của siêu
biểu tượng ngựa.
*
Ngựa là con vật cỡi, là phương tiện vận chuyển gắn với số mệnh con người trước khi trở thành một
biểu tượng. Giữa ngựa và người cỡi có mối liên hệ đặc biệt và tinh tế. Ban ngày, ngựa phóng với
một tốc lực rất lớn gần như mất kiểm soát và chỉ có người cưỡi với đôi mắt tinh tường mới lường
trước được những cơn hoảng sợ của nó và điều khiển nó đến đích. Nhưng về ban đêm, khi người
cỡi mất khả năng nhận biết chính xác phương hướng, lộ trình thì ngựa trở nên tinh tường. Ngựa trở
thành kẻ điều khiển người cưỡi, vượt qua những trở ngại, giúp cả hai đến đích một cách an toàn.
Đó là một “cuộc chơi” hết sức tinh tế. Nếu có sự tương giao, tâm đầu ý hợp giữa ngựa và người thì
cuộc chạy kết thúc thắng lợi. Nếu có sự xung đột, cuộc chạy có thể kết thúc bằng sự điên của con
vật và cái chết.
Từ đặc tính có khả năng thấu thị bóng tối, ngựa thường được liên hệ với bóng tối và cõi âm ty.
Ngựa chiếm một vị trí nổi bật trong các lễ thức xuất thần của các thầy pháp Saman ở thảo nguyên
Trung Á. Nơi đây còn lưu giữ các truyền thuyết văn học với hình ảnh con ngựa cõi âm ty. Con ngựa
này mang những khả năng bí ẩn bổ sung cho những khả năng của con người, nơi con người bị
chặn lại, tức là trước ngưỡng của cái chết. Với con mắt có khả năng chọc thủng màn đêm, ngựa đã
thực hành chức năng dẫn dắt linh hồn con người và nói dùm. Con ngựa gắn với cõi âm ty xuất hiện
trong truyện kể dân gian ở Châu Âu và thường báo trước cái chết hoặc qua hình tượng con ngựa
của thần chết có màu đen. “Ở vùng Arcadie, nữ thần Déméter thường được hình dung có đầu ngựa
và được đồng nhất hoá với một trong những Erinnyes, những nhân vật khủng khiếp thi hành công lý
nơi âm phủ. Nữ thần này đã sinh ra, cùng với Poséidon, một con ngựa khác là Aréion, vật cưỡi của
Héraclès. Những Harpies, quỷ dữ của bão táp, của sự tàn phá và sự chết, cũng được biểu hình như
những sinh linh hỗn tạp: vừa là những phụ nữ - chim vừa là những con ngựa cái”[1]. Những con
ngựa của thần chết đôi khi cũng có màu tái xanh, nhợt nhạt đôi khi bị nhầm là màu trắng, như màu
sắc của tấm vải liệm giống như con ngựa màu nhợt nhạt trong sách Khải huyền, con ngựa trắng báo trước cái chết trong tín ngưỡng Đức và Anh. Đấy cũng là tất cả con ngựa ác có liên quan với
những cơn gió lốc – nước xoáy trong truyện kể dân gian của Pháp và Đức.
Do có khả năng quen biết hai thế giới siêu nghiệm ở dưới đất và trên trời, ngựa còn được hiến tế
khi chủ nhân của nó qua đời nhằm mục đích để dẫn đường linh hồn chủ nhân. Nhiều dân tộc trên
thế giới có tập tục hiến tế ngựa cho người chết. “Tập tục này cũng được xác nhận ở rất nhiều dân
tộc Ấn – Âu, kể cả vùng Địa trung hải cổ đại: trong Iliade, Achille hiến sinh bốn con ngựa cái để lập
đàn thiêu làm lễ tang Patrocle, người bạn không thể chê bai của mình; những con ngựa ấy sẽ dẫn
dắt người quá cố vào vương quốc của Hadès”[1]. Chính khả năng thấu thị hai thế giới âm và
dương, ngựa thường được biểu trưng cho người được khai tâm thụ pháp. Những môn đồ của các
nghi lễ huyền bí thường được cho là đã được thần linh cỡi. Lúc đó, họ được xem là đã hoá ngựa.
Trong thần thoại phương Tây, hình những người hình ngựa bao quanh thần Dionysos, là những
ngựa – người, giống hệt như những nhân mã mà vị thần này chuốc rượu cho say để đánh nhau với
Héraclès. Ở các nước phương Tây, ngựa thuộc cung Nhân Mã. Trong thần thoại, những chiến binh
sau khi hoàn thành sứ mệnh thì sẽ bay lên trời, hoá thân thành những chòm sao. Nhân Mã là một
trong số những chòm sao được thần Zeus hoá từ con ngựa mang tên Pegasus khi nó hoàn thành
sứ mệnh giúp người anh hùng Hy Lạp Bellerophon đánh bại Chimera. Vì vậy, với người Hy Lạp,
hình ảnh con ngựa hết sức thiêng liêng, nó tượng trưng cho cái thiện và việc nghĩa trong đời sống.
Từ con vật biểu trưng cho kẻ dẫn dắt linh hồn người quá cố, ngựa trở thành con vật Thần nhập.
Ngựa “từ bỏ tư cách của mình để cho thần linh tối thượng hiển hiện thông qua mình, một chức phận
thụ động được chỉ biểu bằng hai nghĩa song song của từ cưỡi và bị cưỡi. Cũng cần ghi chú rằng
những nhân vật trong thần điện Vaudou – các thần Loa – khi đã cưỡi trên con ngựa thần nhập thì
họ đã không còn tất cả là những ác thần như trước nữa. Nhiều Loa trong số những thần quan trọng
nhất, đã trở thành những Loa trắng, những thần của thiên giới, của ánh sáng. Con ngựa, biểu tượng
âm ty, bằng cách ấy đã đạt được sự định giá tích cực cao nhất; hai cấp độ trên và dưới trở nên
không khác biệt nhờ có kẻ trung gian và thông ngôn, tức là ý nghĩa chúng trở thành ý nghĩa vũ
trụ”[1].
Ý nghĩa biểu trưng cho vũ trụ được thể hiện một cách sinh động trong những nghi thức lên ngôi của
các vua Ailen vào thế kỷ XII. Theo đó, vị vua tương lai phải thực hiện một nghi thức quan trọng là
giao hợp với một con ngựa cái màu trắng. Con ngựa sau đó được hiến tế bằng cách luộc lên. Thịt
được chia cho những người dự lễ. Vị vua tương lai không được ăn thịt mà phải tắm trong nước luộc
ngựa. Sự kiến giải của các học giả phương Tây về nghi lễ này thật thú vị: “Quả thật, sự giao phối
giữa người đàn ông và con ngựa cái hẳn là tái diễn một cuộc hôn phối thiên giới – âm ty; ông vua
tương lai thay thế cho thần linh trên trời làm thụ tinh Đất được biểu trưng bằng con vật. Nhưng,
trong sự thử thách cuối cùng ở nghi lễ này, tức là cuộc tắm trong nước luộc, ông vua thực hành một
sự trở về lòng mẹ thực thụ: cái chảo biểu trưng cho bụng Mẹ - Đất, còn nước dùng thì biểu trưng
cho nước nhau. Từ cuộc tắm thụ pháp điển hình này ông vua tương lai tái sinh và được truyền cho,
như là qua cuộc hoài thia thứ hai, những năng lực tinh tế nhất, bí nhiệm nhất cho Đất – Mẹ mà ông
ta đã đánh thức dưới dạng con ngựa cái. Qua hai thao tác này, ông ta đã từ bỏ thân phận con
người để leo lên cấp bậc thiêng liêng không thể tách rời khỏi vị thế đế vương”[1]. Như vậy, ngựa
không chỉ mang biểu trưng cho Đất – Mẹ, mà còn biểu trưng cho tính dục, sự sinh sôi nảy nở. Nữ
thần Déméter có cái đầu ngựa, biểu trưng cho sự sinh sôi nảy nở, tương truyền đã giao hợp với một
người trần đẹp trai là Jason trên luống cày giữa cánh đồng.
Việc hiến tế ngựa không chỉ có ý nghĩa trong việc dẫn dắt linh hồn người chết đi vào cõi vĩnh hằng
mà còn có ý nghĩa trong việc phù hộ đời sống của con người nơi hạ giới. Ở La Mã, những con ngựa
dùng cho kỵ binh được hiến tế cho thần Mars, vị thần được cho là bảo vệ cộng đồng ấm no và mùa
màng bội thu. Ở Pháp và Đức, vào mùa gặt, con ngựa non nhất trong làng được chăm sóc đặc biệt
bởi người ta tin rằng nó mang trong mình thần hồn của lúa mì, đảm bảo cho một vụ mùa bội thu sắp
tới. Ở Ailen, trong ngày lễ thánh Jean, con ngựa giả đại diện cho tất cả gia súc xuất hiện bên cạnh
những người dân đang nhảy quanh đống than hồng, biểu tượng của mọi sự sung túc dồi dào.
Có nguồn gốc âm giới, ngựa dần dần trở thành con vật của mặt trời và thiên giới, vật cưỡi của thần
linh. Con ngựa là biểu hiệu của thần Apollon với tư cách người lái cỗ xe mặt trời. “Nếu thần Mithra
thăng thiên trên cỗ xe mặt trời, thì nhà tiên tri Elie cũng được đưa lên trời trong cỗ xe lửa do ngựa
kéo. Trong Kinh Thánh cũng nói bóng gió về cỗ xe mặt trời”[1]. Trong truyền thống Vệ Đà, “con

ngựa được hiến sinh biểu tượng cho vũ trụ. Cỗ xe mặt trời trong Rig-Veda được kéo bởi một hoặc
bảy con ngựa. Ngựa tham gia vào biểu tượng song nghĩa của mặt trời và giá trị cũng hai mặt của
nó: đó là một sức mạnh sản sinh khi nó toả sáng, và huỷ diệt, khi nó tối sầm lại trong đêm”[1]. Con
ngựa nơi thiên giới là con ngựa trắng mang vẻ đẹp hoàn hảo nhờ sự ngự trị của tinh thần do người
chủ mang lại. “Nó thường được cưỡi bởi người được gọi là Đấng trung Tín và Chân Thật (Khải
huyền, 19, 11), tức là Chúa Kitô. Theo văn bản sách Khải huyền, những đạo quân thiên thần hộ
tống ngài cũng cỡi những con ngựa chiến màu trắng. Chính vì thế, trong các tiểu phẩm nghệ thuật
ta hay thấy hình các thiên thần cưỡi ngựa”. Ở Ấn Độ, thần Kalki biểu trưng cho tương lai vốn là con
ngựa trắng. Tín đồ Hồi giáo mong đợi đức Mohammad cỡi con ngựa bạch giáng thế một lần nữa. Là
con vật cưỡi của Đức Phật trong cuộc ra đi vĩ đại, ngựa trắng cuối cùng, không có kỵ sĩ, đã trở
thành biểu tượng của bản thân Phật.
*
Ngựa là một trong những mẫu gốc cơ bản mà loài người đã ghi sâu vào trong ký ức của mình, ý
nghĩa biểu tượng của nó, như một học giả phương Tây đã khái quát: “nó bao trùm cả hai cực – thấp
nhất và cao nhất của Vũ trụ, và vì thế là phổ quát thực thụ. Ở hạ giới, ở cõi Âm, chúng ta quả thực
đã thấy con ngựa xuất hiện như một hoá thân hoặc một bằng hữu của ba nguyên tố cấu thành: lửa,
đất, nước và ngọn đèn của chúng là mặt trăng. Nhưng chúng ta cũng đã thấy nó ở thượng giới, ở
cõi trời liên kết ba yếu tố: khí, lửa và nước – hai nguyên tố sau bây giờ lại có ý nghĩa thiên giới – và
ngọn đèn của chúng là mặt trời. Ngựa kéo xe mặt trời, ngựa kéo xe mặt trăng trên mặt tiền tam giác
của đền Parthénon. Con ngựa di chuyển một cách dễ dàng như nhau từ đêm sang ngày, từ cõi chết
sang cõi sống, từ đam mê sang hành động. Như vậy, nó nối kết các mặt đối lập trong một hiện hữu
liên tục. Xét về bản chất, nó là cái hiện hữu: nó là sự sống và sự nối tiếp, vượt lên trên sự đứt đoạn
giữa cuộc sống với cái chết của chúng ta”[1]. Đó chính là ý nghĩa siêu việt của biểu tượng ngựa
trong đời sống tâm linh nhân loại.


Tài liệu tham khảo
1. Jean Chevalier - Alain Gheerbrant, Từ điển biểu tượng văn hoá thế giới, (Phạm Vĩnh Cư, Nguyễn
Xuân Giao, Lưu Huy Khánh, Nguyên Ngọc, Vũ Đình Phòng, Nguyễn Văn Vỹ dịch), Nxb Đà Nẵng,
1997.
2. Tạ Đức, Nguồn gốc và sự phát triển của kiến trúc - biểu tượng và ngôn ngữ Đông Sơn, Hội Dân
tộc học Việt Nam xuất bản, Hà Nội, 1999.
3. Nguyễn Văn Khoả (dịch) (1997), Thần thoại Hy Lạp, Nxb Văn học, Hà Nội.
4. Stephen Oppenheimer, Địa Đàng ở phương Đông (Lịch sử huy hoàng của lục địa Đông Nam Á bị
chìm), bản tiếng Việt của Lê Sỹ Giảng và Hoàng Thị Hà, Nxb Lao động - Trung tâm Ngôn ngữ và
Văn hoá Đông Tây, Hà Nội, 2005.
Nguồn: Tạp chí KH Văn hoá và Du lịch, Số 15 (69), Tháng 1 năm 2014
Phan Mạnh Hùng