Trong khoảng thế kỷ thứ 9 đến thế kỷ thứ
13, một loạt các vị vua Khmer thuộc triều
đại Angkor nhờ vào của cải sung túc và
nhân lực dồi dào đã cho xây dựng hàng loạt
những kiến trúc đồ sộ để vinh danh chính
mình lẫn cho cả kinh đô, trong đó đa số
được xây ở quanh vùng Siem Reap, gần
Biển Hồ ở phía bắc đất nước Kampuchia
ngày nay. Ba ngôi đền rực rỡ nhất ở
Angkor là Bayon, Ta Prohm, và Angkor
Wat.
Angkor Wat là một siêu tuyệt tác của nghệ thuật kiến trúc Khmer. Được xây dựng
vào nửa đầu thế kỷ mười hai bởi vua Suryavarman II để vinh danh thần Visnu (cũng được
xem như là chính ông ta, một vua thần. Có thuyết cho là để làm lăng tẩm cho chính ông),
cùng thời với Notre Dame de Paris và thánh đường Chartres của Pháp, cũng như các giáo
đường Ely và Lincoln ở Anh. Nhưng so với chúng, Angkor Wat bề thế và hoành tráng hơn
nhiều. Thật vậy nó được xem như là kiến trúc tôn giáo vĩ đại nhất của nhân loại từ xưa đến
giờ. Nếu muốn cảm nhận được sự đồ sộ của nó không gì bằng nhìn xuống từ trên không.
Lượn vòng quanh trên nó bằng máy bay, người ta nhìn thấy giữa khu rừng già rậm rạp một
khoảng mênh mông với những đền đài chồng chất lên nhau và tỏa ra các hướng, một hào
nước rộng lớn bao bọc chung quanh. Dẫn vào cổng chính là một lối đi rộng rải bằng đá
chạy xuyên qua hào, dọc hai bên là tượng của các thần linh và tượng các quỉ vương đang
ôm kéo thần rắn Naga 9 đầu. Trước kia có đến 54 tượng mỗi bên, nhưng nay đã mất đi gần
hết. Con số 108 từ tổng số tượng hai bên là số thiêng của Ấn giáo. Một hành lang có mái
che chạy dọc theo bốn phía hào, vây lấy khu đền, với lối vào là một tháp đền nằm vươn cao
trên dãy hành lang, nhìn ra lối đi bằng đá. Phía trong là khu sân ngoài rộng lớn rồi tiếp nối
bằng dãy hành lang nhỏ hơn bao bọc khu đền chính bên trong.
Tầm cỡ của khu đền Angkor Wat thật kinh hồn. Các hào nước rộng 190 mét bao
quanh bên ngoài tạo nên một hình vuông vức mà mỗi cạnh dài một cây số rưởi. Những sân
trống bên trong các dãy hành lang rộng đến nỗi có thể chứa được hằng ngàn người. Ngay
đến lớp tường tạo nên dãy hành lang phía trong có chu vi dài hơn nửa dặm và khối đá xây
tường có kích cỡ đồ sộ không những theo chiều dài và rộng mà còn cả theo chiều cao nữa.
Khu đền chính được xây theo hình kim tự tháp, tượng trưng cho núi Meru: trung tâm vũ trụ,
gồm ba nền đá xây chồng lên nhau tượng trưng cho đất, núi và gió, ở nền trên cùng là khu
đền trung tâm gồm năm khối tháp mà tháp đền cao nhất nằm chính giữa cao đến 65 m, có
bảy vòng tượng trưng cho bảy rặng của núi thiêng Meru, vươn lên nỗi bật giữa khu rừng
già bát ngàn chung quanh. Mỗi tháp có hình dáng như một búp sen đang nở rộ. Hình ảnh
này làm Henri Mouhot, người Pháp đầu tiên phát kiến đền Angkor vào năm 1858, phải nín
thở trầm trồ khi bất chợt nhìn thấy ngôi đền qua kẻ lá của khu rừng già.
May mắn thay, Angkor Wat không
những là khu đền đẹp nhất trong quần thể đền
Angkor mà còn là khu đền còn trong tình trạng
tốt hơn cả. Được xây dựng với sức chịu bền bỉ
và lâu dài, trái với khu đền Banteai Srei nhỏ
nhắn với đường nét thanh tú đầy nữ tính,
Angkor Wat to lớn, rực rỡ, với kiến trúc đầy
nam tính. Angkor Wat là một công trình được
xây dựng ở thời kỳ cực thịnh của nền kiến trúc
Khmer do bàn tay của một dân tộc được trời
ban cho cái thiên tài về ngành này. Kho tàng vĩ
đại nhất của ngôi đền còn là những điêu khắc
tạc trên tường của dãy hành lang ở tầng thấp
nhất. Với bề cao hơn hai mét rưởi và chạy dài liên tục hơn 800 mét trông như một tấm thảm
dệt trên đá, chủ đề vây quanh những tích trong kinh điển Bà La Môn, những chiến công của
vua Suryavarman đệ nhị, người tạo lập ngôi đền này. Nhờ được che chở bởi mái hành lang
còn nguyên vẹn, những đường nét điêu khắc đầy nghệ thuật vẫn còn giữ được tươi mới. Rải
rác khắp nơi còn những bức phù điêu, bức hoành tượng hình những quỉ vương, những chú
khỉ đu đưa trên các cành cây đầy hoa, trận chiến của thần Sita… Nỗi bật hơn cả là hằng
trăm hình tượng của các quỉ thần devatas và các nàng thiên thần apsaras được chạm khắc ở
các hốc tường.
Angkor Wat được xây dựng bởi Suryavarman II (1130-1150), một trong hai vị vua
vĩ đại nhất trong lịch sử Khmer. Vị vua kia là Jayavarman VII, người đã xây dựng đền
Bayon thuộc khu Angkor Thom. Suryavarman II từ Java trở về mang lại thanh bình và
thống nhất cho đất nước Campuchia, ông nhiều lần đem quân đi đánh chiếm Chiêm Thành
và biến một phần xứ này thành một tỉnh của Kampuchia. Theo Đại Việt Sử Ký Toàn Thư
của Ngô Sĩ Liên, quân của vua này cùng quân Chiêm đã từng kéo sang đánh phá Đại Việt ở
vùng Nghệ An thời Lý Thần Tông nhưng không thành công. Nước Kampuchia thời đó được
mở rộng từ phía bắc nước Lào cho đến bán đảo Mã Lai Á, từ Vijaya (Bình Định ngày nay)
đến Miến Điện.
Thời của vua Suryavarman II đánh dấu một thời kỳ rực rỡ hùng mạnh và nhiều ảnh
hưởng so với các triều Angkor khác. Khi ông này mất, loạn lạc dấy lên ở các tỉnh. Bất đồng
giữa các ông hoàng có khuynh hướng liên minh hoặc chống lại Chiêm Thành. Năm 1165
ngai vàng bị kẻ tiếm ngôi tên Tribhuvanadityavarman đoạt mất nhưng 12 năm sau bị giết đi
khi quân Khmer phối hợp với quân Chiêm tấn công bất ngờ qua ngã Biển Hồ và chiếm lấy
Angkor. Biến cố này đúng ra đánh dấu ngày tàn của đô thị Angkor nếu không có sự trở về
của một vị thái tử, kẻ mà sau này lên ngôi lấy danh hiệu là Jayavarman VII. Sau 4 năm
chiến đấu, ông đẩy được quân Chiêm Thành ra khỏi đất nước mình và lên trị vì vào năm
1181 như là một vị vua vĩ đại cuối cùng của triều Angkor. Cần nhắc lại rằng ông là người
xây dựng khu đền Angkor Thom với đền trung tâm Bayon nỗi tiếng, ngoài ra còn có Ta
Prohm (Hollywood lấy ngoại cảnh cho film Tomb Raider do Angelina Jolie đóng), Bateay
Kdei và Preah Khan.
Angkor ngày nay còn lại với trên dưới 100 khu đền nằm rải trên một diện tích chừng
300 cây số vuông chỉ là một phần của những gì vĩ đại hơn như cung điện, lâu các, đền đài
của hoàng gia cũng như của dân chúng, vì được xây dựng bằng gỗ (chỉ thần linh mới được
cư ngụ trong những kiến trúc bằng gạch hoặc bằng đá) nên đã bị cây rừng và mưa gió hủy
hoại sau hằng thế kỷ kể từ khi kinh đô Angkor bị bỏ phế. Đời sống sinh hoạt của cư dân thời
ấy không được biết đến nhiều ngoài 1200 hình chạm khắc được tìm thấy trong vùng miêu tả
nếp sinh hoạt của họ, cũng như hệ thống dẫn thủy nhập điền vĩ đại còn tồn tại ngày nay cho
thấy một nền văn minh cao tuyệt chừng nào thời bấy giờ.
Để cảm nhận được sức huyền bí quyến rũ của Angkor Wat, du khách được khuyên
đừng bỏ sót thời gian lúc hoàng hôn. Lúc ấy khu đền với các tháp đá có màu vàng đỏ. Du
khách cũng có thể thấy được từng đàn dơi từ trong đền bay ra như những làn khói tuôn ra
trong ánh sáng mờ nhạt của buổi xế chiều. Sau khi viếng thăm ai lại không bùi ngùi trước vẻ
diễm lệ của Angkor Wat, một nền văn minh bị lãng quên từ hằng bao thế kỷ.