Qua hai bài kỳ trước của loạt bài Quần Thể Khu Đền Angkor, chúng ta có dịp đi thăm và
làm quen với một số đền của quần thể Angkor này như Angkor Wat và Angkor Thom với
ngôi đền kỳ bí Bayon. Chúng ta tưởng cũng nên dừng bước nghỉ ngơi một tí vì đã đi bộ và
leo trèo quá nhiều rồi. Kỳ này chúng ta cùng ngồi lại nhâm nhi bên ly cà phê, hoặc bên tách
trà để tìm hiểu xem Angkor rực rỡ ấy đã bị suy tàn và bị nhân loại lãng quên như thế nào.
Người Thái tấn công Kampuchia và cướp phá Angkor năm 1431, qua năm sau Angkor bị
bỏ phế và từ đó nhân loại quên lãng nó đi đến vài thế kỷ. Khi con người rút đi khỏi những
phố phường, dinh thự, đền đài của Angkor, thực vật đủ các loại bắt đầu xâm thực theo mức
độ của vết dầu loang. Khi còn là một đô thị sinh động, rừng bị tách rời ra khỏi cuộc sống
văn minh ở một khoảng cách đáng kể bây giờ đang tiến đến dần như một đạo quân đang kéo
đến vây hãm thành Angkor. Hằng trung đoàn cây rừng lặng lẽ và theo một nhịp điệu đều
đặn bò sát lại gần hơn và gần hơn, tràn ngập các cánh đồng lúa nay không còn người canh
tác, rồi xâm chiếm thành Angkor Thom - hạ lần lượt hết tiền đồn này đến tiền đồn khác, vây
khu dinh thự nọ, phủ đền đài kia. Rừng đánh bại hết cứ điểm này đến trọng điểm khác
không gặp chút kháng cự cho đến khi toàn thể hoàng cung gác tía, đền thiêng, nhà cửa, phố
chợ, đường xá đều đầu hàng.
Đền Ta Prohm là ngôi đền duy nhất còn được giữ nguyên các cây cổ thụ mọc leo trên mái
đền để nhắc nhở nhân loại khu Angkor đã trong tình trạng tương tự suốt nhiều thế kỷ bị bỏ
hoang phế.
Cây cổ thụ sinh sôi nhanh nơi vùng nhiệt đới nhờ có nắng vàng rực rỡ, nhiều mưa và
ẩm thấp trước khi các cây con, bụi rậm, cỏ dại, hoa rừng điền chỗ vào mọi ngỏ ngách trống
không của đô thị. Phố phường, dinh thự, cung điện với hằng loạt khu nhà bằng gỗ bị mục
nát và đổ sụm qua vài mùa mưa nắng, mặt đường bị xóa mất dần dưới lớp đất bùn của thời
gian, những dấu tích của văn minh nhân loại tồn tại trong suốt sáu thế kỷ bị thời gian với gió
và mưa xóa nhòa khỏi bề mặt trái đất. Sau vài thập niên, còn chăng chỉ là những kiến trúc bề
thế bằng gạch đá là trơ gan cùng tuế nguyệt nhưng rồi cũng bị phủ lấp dưới những tàng lá
rậm rạp của rừng già thâm u. Chúng bị tràn ngập như cơn hồng thủy làm chìm đắm những
thôn làng nơi thôn dã. Sự xâm thực của rừng nơi Dunsinane trong bi ca Mặc Biệt (Macbeth)
của Shakespeare không thô bạo bằng rừng ở Kampuchea xâm lấn Angkor. Hạt giống được
gởi đi theo gió, hoặc do chim muông tha đến rơi vào những khe đá của các miếu đền, len lỏi
tìm đường đâm rễ xuống đất, chúng tăng trưởng nhanh chóng rồi hoặc hất đổ các khối đá
làm đổ sụm ngôi đền như thấy ở Bayon, hoặc ôm phủ lấy tòa kiến trúc như giam hảm tù
nhân như ở Ta Prohm. Cùng với đạo quân cây rừng, có sự xuất hiện đạo quân thú hoang. Ở
những nơi mà con người thường hay quần tụ thì nay là chốn vãng lai của các bầy cầm thú.
Hổ dữ nay bước trên những lối đi của các vương tôn công tử thường dạo qua, báo rừng nằm
duỗi mình nơi mà các giáo sĩ thường quì cầu nguyện, những con vẹt đuôi dài đang kêu gào
nơi những sương phụ chờ chồng thường ngồi than thở mong ngóng chồng đi chinh chiến từ
xa trở về, những bầy khỉ náo nhiệt chuyền cành trên các khu phố thị nơi trước đây dân
chúng thường tụ tập mua bán.
Mặc dù người Khmer không bao giờ trở lại Angkor Thom hoặc lập làng gần đó trong suốt
400 năm, nhưng kinh đô ấy vẫn còn lưu giữ trong ký ức họ. Thỉnh thoảng khi được hỏi đến
thành phố bị lãng quên này họ kể lại cho những người Âu nghe, và những người này không
bao giờ tin.
Nhiều thế hệ về sau, một số ít dân làng tìm về sinh sống gần nơi vùng phụ cận để đánh bắt
cá bên bờ biển hồ Tonle Sap, hoặc trồng hoa màu dọc theo con sông Siem Reap. Đôi khi
trong khi đi săn bắn hoặc tìm củi, họ kinh sợ khi gặp phải những đền đài kỳ lạ nằm ẩn mình
dưới tàng lá âm u của những cây cổ thụ. Lại có một số tu sĩ phật giáo do nhận thức được
tính chất linh thiêng của khu đền Angkor Wat bèn lập nên một số am miếu nhỏ gần bên để
rồi hằng ngày lại tiếp tục lặng lẽ trong nếp sống tụng niệm. Nhưng họ chỉ là một thiểu số
dân dã mộc mạc, những kẻ tu hành xa lánh thế tục, không biết chi đến văn hóa lịch sử và
khảo cổ. Phát sinh từ họ là những huyền thoại thêu dệt về những khu thánh địa kỳ bí, vĩ đại
mà theo họ đã được dựng lên nơi chốn hoang vu bởi các thần linh.
Khỉ và dơi là hình ảnh quen thuộc mà du khách đến viếng Angkor Wat thường thấy. Vào
buổi xế chiều từng dơi từ trong đền bay ra thành đàn trông như những làn khói
Một số người Bồ hoặc một số người lãng du có biết đến chốn này và truyền miệng về một
đô thị bị chôn vùi trong chốn rừng sâu nhưng ai nghe qua cũng tỏ vẻ hoài nghi, cho đó chỉ là
những nơi tưởng tượng như khi người ta nhắc đến các kho tàng của vua Solomon, hoặc lục
địa Atlantis bị chìm đắm dưới đáy Đại Tây Dương.
Khi người Pháp đi tìm lập thuộc địa trên ba nước Đông Dương, họ bắt đầu chú ý đến những
lời truyền miệng ấy ít nhiều. Thế rồi một buổi sáng của năm 1860, một nhà tự nhiên học
người Pháp tên Henri Mouhot rẽ vào một góc rừng từ một đường mòn của dân tiều phu để
thăm dò và không lâu sau đó qua kẻ lá lùm cây ông nhìn thấy những ngọn tháp xám xịt của
Angkor Wat. Mouhot sững sờ, không tin những gì mình thấy là thật. Sau đó ông viết lại
rằng giữa chốn thâm u cô tịch bỗng khám phá ra Angkor thấy như giữa nước Kampuchia lạc
hậu của thế kỷ 19 tìm thấy lại nền văn minh rực rỡ của dân tộc này có từ hằng bao thế kỷ
trước, như sự chuyển đổi giữa u tối sang ánh sáng.
Các sử gia vẫn chưa chắc chắn vì sao Angkor bỗng nhiên tàn rụi trong khoảng thời gian
giữa hai thế kỷ 13 và 14 nhưng nhiều yếu tố khác nhau có thể đóng góp phần nào cho lời
giải thích:
1. Chương trình xây dựng ồ ạt của vua Jayavarman VII đã làm kiệt quệ tài nguyên của đất
nước Kampuchia, đồng thời các nước chư hầu trước đây, nay đã trở thành quốc gia độc lập
không chịu triều cống hằng năm để làm giàu thêm cho kho tàng của vương quốc Angkor.
2. Vào cuối thế kỷ thứ 13, một tông phái mới của Phật Giáo là Phật Giáo Nguyên Thủy tức
Tiểu Thừa (Hirayana hay Theravada) được du nhập từ Tích Lan. Tông phái này coi Phật
như là một kẻ mẫu mực để noi theo nhưng vẫn xem ngài như một người phàm như tất cả
mọi người. Một tính ngưỡng giản dị đến nổi không tin có một đấng thần linh nào và đặt
trọng tâm vào tín điều giải thoát là do nỗ lực của mỗi cá nhân, do chính mình. Không có
giáo sĩ để sùng bái ngoài một tăng đoàn gồm những người cùng đi tìm một con đường giải
thoát. Tính chất bình đẳng của giáo thuyết này làm suy yếu hẳn hệ thống đẳng cấp của đời
sống xã hội và chính trị Khmer xây dựng theo Bà La Môn giáo (Hinduism). Louis Finot,
nhà khảo cổ học người Pháp, phản ảnh quan điểm này như sau: “Đây là một tôn giáo tiết
kiệm, các nhà sư tự hiến dâng đời mình cho cuộc sống thanh bần, họ sống trong những túp
lều tranh mộc mạc và tài sản chỉ là bộ y bát. Đây là một tôn giáo đầy đạo đức mà nguyên tắc
của nó là tìm một sự thanh thản của tâm hồn và cuộc sống an bình.” Finot tin rằng dân
Khmer vốn đã suy kiệt vì chiến tranh và chịu cảnh nghèo đói do tài nguyên quốc gia đổ vào
việc xây dựng đền đài quá mức cho các hư thần, họ nay hoan hỉ tiếp nhận một tín ngưỡng
mới, cái tín ngưỡng mà tín đồ không cần phải màng chi đến sự đời.
3. Vì phải lo phòng thủ chống những cuộc tấn công cướp phá liên tục của quân Thái khiến
vương quốc phải chịu hao tổn nhân lực trầm trọng, kết quả không đủ người để bảo quản hệ
thống dẫn thủy nhập điền cần thiết cho sản xuất nông nghiệp đủ để nuôi một dân số xấp sỉ
một triệu người.
Theo khảo sát mới nhất từ các hình ảnh thu thập được từ vệ tinh, máy bay thăm dò, và khảo
sát địa chất, một nhóm khoa học gia quốc tế đã đưa tới kết luận rằng diện tích đất quần cư
của Angkor thời cổ đại lớn gấp ba lần diện tích người ta vẫn nghĩ trước đây. Bản đồ mới cho
thấy Angkor bấy giờ rộng đến 3000 km vuông, xấp sỉ diện tích của Los Angeles ngày nay.
Chi tiết của cuộc thăm dò giúp người ta khám phá thêm được 74 di tích miếu đên cùng gần
một ngàn hồ nước nhân tạo khác chưa được biết đến trước đây. Họ còn khám phá được
thêm rằng việc cung cấp nước thời ấy lệ thuộc vào một hệ thống kênh đào duy nhất chạy từ
trung tâm kinh đô Angkor ra xa đến 20 hoặc 25 km. Cái hệ thống mà mãi đến gần đây
người ta vẫn tưởng để làm mỹ quan đô thị và dùng trong các cuộc tế lễ, nhưng nay mới hay
là dùng để cung cấp nước cho các ruộng nương đặc biệt dành để sản xuất lúa gạo hằng
loạt. Để nuôi dưỡng một dân số quá đông có nước để dùng và tưới ruộng trong mùa hè, một
hệ thống dẫn và thoát nước tinh vi đã được thực hiện, trong đó gồm việc chuyển hướng chảy
của dòng sông Siem Reap cho đi qua trung tâm đô thị. Ở dọc các hồ chứa nước cũng như
các kênh, hai bên bờ được củng cố bằng đất nện, nhưng ở các chổ giao nhau, hoặc những
nơi trọng yếu, đá tảng được thay vào. Công trình cực kỳ tinh vi đến nổi dân Khmer có thể
trồng và thu hoạch nhiều vụ lúa mỗi năm chứ không phải một lần vì phải trông vào mùa
mưa để có nước cho ruộng. Ông Saturno phát biểu, “Việc di dời đất để hoàn tất một hệ
thống dẫn thủy quả là một việc quá động trời,” ông tiếp. “Thật là một dấn bước quá táo
bạo!” Việc này đòi hỏi phải có một đội ngũ chuyên viên kỳ cựu về quản trị, phải có đầu óc
của những kỹ sư, chuyên gia thâm hiểu thấu đáo vấn đề, và dĩ nhiên phải có một nguồn
nhân lực lao động vô tận.
Angkor Wat với cây rừng lấp đầy chung quanh, nơi mà trước đây dân cư quần tụ trên một
vùng có diện tích rộng bằng Los Angeles ngày nay. - Courtesy of wilkipedia.org.
Những phân tích mới nhất về hệ thống dẫn thủy hé rạng cho thấy phần nào nguyên nhân
đưa đến sự sụp đổ của một nền văn minh huy hoàng. Ông Evans, một khoa học gia, trả lời
cuộc phỏng vấn với thông tấn xã AFP trong năm 2007 như sau: “ Chúng tôi tìm thấy nhiều
vết tích cho thấy có sự vở đê, cùng những nỗ lực sửa chữa các hệ thống cầu cống, kinh đập.
Điều đó cho thấy hệ thống dẫn thủy nhiều lúc trở nên ngoài tầm kiểm soát.” Evans còn nói
thêm rằng cuối cùng thì việc bảo quản hệ thống dẫn thủy trở nên ngoài tầm tay, khi mà sau
khi cây rừng bị tàn phá quá nhiều gây nên nạn đất chuồi đổ thẳng xuống các kênh ở mức độ
quá nhanh không đủ nhân lực để nạo vét hoặc ngăn lại kịp, gây nên bế tắc. Nhiều ke bờ hai
bên bị sạt lỡ. Thêm vào đó nạn dân cư quá đông, việc phá rừng bừa bãi, đất màu mỡ trên
mặt bị bào mòn góp phần cho sự đột ngột biến mất của cư dân trên kinh đô này. Ông Evans
tiếp, “Angkor đã bành trướng quá mức, một nền nông nghiệp đã bị khai thác quá mức,
chừng đó cũng đủ góp phần cho những vấn đề môi sinh cực kỳ nghiêm trọng.”
Lý thuyết nào nêu trên cũng có lý lẽ của riêng nó nhưng không có thuyết nào giải thích rõ
Angkor Thom bị vua quan cùng dân chúng bỏ phế mà đi lập kinh đô ở nơi khác như thế nào.
Một giả dụ hợp lý nhất là phải có một biến cố nào đó thật kinh thiên động địa đã xảy đến
với Angkor khiến cả dân Khmer lẫn quân thù của họ là người Thái vì quá sợ hải mà không
còn dám lưu lại sinh sống nữa (Sau thời kỳ Angkor Thom, người Thái chiếm phía tây của
Kampuchia ngày nay gồm luôn Angkor và Battambang đến năm 1915 mới chịu giao trả).
Không rõ nguyên nhân đó là gì mà mọi người đều đồng loạt bỏ cái kinh đô lớn bậc nhất thế
giới thời đó mà đi. Điều đó vẫn chưa ai biết rõ. Cũng chẳng ai biết được người ta kéo nhau
đi bỏ lại Angkor sau lưng trong một ngày, một tháng hay một năm. Không một tài liệu,
chứng tích, hay ngay cả lời khẩu truyền còn lưu lại nhắc nhỡ đến cuộc ra đi vĩ đại ấy. Hơn
một triệu người bồng bế nhau ra đi, không một lời kể lại. Một điều đáng suy ngẫm thay.
Tất cả những bài viết trong loạt bài Quần Thể Đền Angkor đều tham khảo từ những sách
vở, tài liệu ghi rõ dưới đây:
1. Ancient Angkor by Michael Freeman & Claude Jacques
2. Angkor by Malcolm MacDonald
3. The Khmers of Cambodia, the Story of a Mysterious People by I. G. Edmonds
4. A Short History of Cambodia by Martin F. Herz
5. A Guide to the Angkor Monuments by Maurice Glaize
6. Angkor, an Introduction by George Coedès
7. The Art of Southeast Asia by Philip Rawson
8. National Geographic of May 1982, Aug 2000, Oct 1964.
Ngoài ra trong kỳ này, bài cũng được tham khảo thêm từ mạng lưới internet:
9. Was the First Urban Sprawl Medieval City of Angkor? StarTribune.com
10. Vastness of Medieval City of Angkor Is Uncovered. SFGate.com
11. The Ancient Metropolis of Angkor. Planetizen.com
12. Ruins of Giant City Found around Angkor Temples. Spiegel Online
13. Angkor Wat Was a City ahead of Its Time. Los Angeles Times
14. Angkor Wat as Big as Los Angeles. Harekrsna.com