Đại Đạo Tam Kỳ Phổ Độ là gì?

Đại Đạo Tam Kỳ Phổ Độ tức là Phổ Độ nền Đại Đạo lần thứ ba. Nói đến Phổ Độ lần thứ ba tức là đã có Phổ Độ lần thứ nhất và lần thứ hai.
Nhất Kỳ Phổ Độ, vào thời Đức Phục Hy bên Trung Hoa, Đức Ngọc Hoàng Thượng Đế (Ông Trời) hóa thân thành các vị Thánh Nhân sau đây giáng phàm cứu thế:
- Nhân đạo và Thần Đạo: Đức Phục Hy,
- Thánh Đạo: Moses ở Âu Châu,
- Tiên Đạo: Đức Thái Thượng Đạo Quân.
- Phật Đạo: Đức Nhiên Đăng Cổ Phật.
Nhị Kỳ Phổ Độ, trong thời kỳ này Đức Ngọc Hoàng Thượng Đế (Ông Trời) hóa thân thành các vị Thánh Nhân sau đây giáng phàm:
- Nhân Đạo: Đức Khổng Tử ở Trung Hoa,
- Thần Đạo: Đức Khương Thái Công ở Trung Hoa.
- Thánh Đạo: Jesus Christ ở Do Thái
- Tiên Đạo: Đức Lão Tử ở Trung Hoa.
- Phật Đạo: Đức Thích Ca Mâu Ni hay là Sakya Muni ở Ấn Độ.
Tam Kỳ Phổ Độ, kỳ nầy Đức Ngọc Hoàng Thượng Đế (Ông Trời) với chính danh là Cao Đài Tiên Ông Đại Bồ Tát Ma Ha Tát, dùng cơ bút lập đạo gom ngũ chi Đại Đạo (Nhân Đạo, Thần Đạo, Thánh Đạo, Tiên Đạo, Phật Đạo) làm một và không giao quyền giáo chủ cho người phàm nữa. Tại sao? Vì trước kia, năm châu bốn biển thiếu phương tiện giao thông, nhân loại sống lẻ loi, riêng biệt, Đức Thượng Đế phái những vị giáo chủ giáng phàm tại mỗi nơi khác nhau, tùy theo phong tục mở đạo độ đời. Ngày nay, thế giới đại đồng, trình độ văn minh của loài người đã đến chỗ siêu việt, và loài người lại sanh ngịch lẫn nhau vì nhiều mối đạo khác nhau. Vì vậy, chúng sanh cần phải có một tôn giáo duy nhất để thích hợp với hoàn cảnh hiện tại và để cho chúng sanh thấy rằng Mọi tôn giáo đều có cùng một nguyên lý và không còn kỳ thị lẫn nhau, mà phải thương yêu nhau chư anh em cùng một cha. Tôn giáo đó chính là
Đại Đạo Tam Kỳ Phổ Độ hay còn gọi là Đạo Cao Đài. Lễ Khai Đạo của Đạo Cao Đài diễn ra trong ba ngày : 14, 15 và 16 tháng 10 âm lịch của năm Bính Dần (dl 18, 19, 20-11-1926) tại chùa Từ Lâm Tự ở Gò Kén (Tây Ninh)