Bình Thuận
– Diện tích: 7.812,8 km²
– Dân số: 1.228.482 người (2017)
– Dân tộc: Việt,Chăm,Hoa,Ra Glai,Cơ Ho
– Tỉnh lỵ: Thành phố Phan Thiết
– Các huyện, thị: Tuy Phong, Bắc Bình, Hàm Thuận Bắc, Hàm Thuận Nam, Hàm Tân, Đức Linh, Tánh Linh, Phú Quý.
– Mã vùng: 0252 Biển số xe: 86
Tỉnh Bình Thuận có nhiều “cái nhất” như: Đồi cát đẹp nhất, nhà thờ cá voi lớn nhất (22m), Hải đăng xưa nhất (1897), thanh long nhiều và ngon nhất, tượng Phật dài nhất (49m), bãi đá có nhiều hình và màu sắc nhất (Cổ Thạch), 2 đồi cát đẹp nhất là Đồi cát bay và Đồi Trinh nữ
Tùy theo khách ở khu vực nào mà HDV sắp xếp thứ tự Thuyết minh cho phù hợp:
⇒ Lộ trình 1: Đi qua NÚI TÀ CÚ – Đi theo đường Trần Hưng Đạo, – NHÀ BÀ MỘNG CẦM – DINH VẠN THỦY TÚ – CẦU TRẦN HƯNG ĐẠO – SÔNG CÀ TY – ĐÀI NƯỚC – TRƯỜNG DỤC THANH – BIỂN ĐỒI DƯƠNG – LÀNG NƯỚC MẮM – THÁP CHÀM POSHANƯ – LẦU ÔNG HOÀNG – LÂU ĐÀI RƯỢU VANG – ĐỒI CÁT BAY – HÒN RƠM
⇒ Lộ trình 2: NÚI TÀ CÚ – HÀM THUẬN NAM – HẢI ĐĂNG KÊ GÀ
⇒ Lộ trình 3: BÌNH CHÂU – HỒ CỐC – LAGI – DINH THẦY THIẾM – HẢI ĐĂNG KÊ GÀ – NÚI TÀ CÚ
Trung tâm TP. Phan Thiết.jpg
Trung tâm TP. Phan Thiết (Bình Thuận, Việt Nam) – Ảnh Bùi Thị Đào Nguyên
VĂN HOÁ
Bình Thuận có bề dày lịch sử, văn hoá lâu đời, nhất là văn hoá Chăm pa với nhóm di tích Tháp Po Sah Inư, đền thờ Po Klong Mơhnai và hơn 100 bảo vật hoàng tộc Chăm nguyên gốc quý hiếm được bà Nguyễn Thị Thềm, hậu duệ vua Chăm lưu giữ, trong đó có vương miện, áo bào, hia hài, vòng xuyến của vua và hoàng hậu.
Người Chăm là một trong những người đầu tiên phát hiện ra công dụng của nước khoáng Bình Thuận. Họ đã dùng nước khoáng này chữa bệnh và chế nước thơm rửa tượng thánh. Bằng nước khoáng Bình Thuận, vào thế kỷ 13, người Chăm đã chữa khỏi bệnh phong cho vua Chế Mân của họ. Công chúa Huyền Trân, con gái vua Trần và cũng là hoàng hậu của vua Chế Mân rất ngạc nhiên về sự màu nhiệm, huyền bí của suối nước này nên đã đặt tên suối là Vĩnh Hảo (nghĩa là “đời đời tốt đẹp”). Người Pháp cũng khai thác nước khoáng Vĩnh Hảo từ năm 1920. Đến nay, nước khoáng Vĩnh Hảo đã nổi tiếng trong nước và đang từng bước vươn ra xuất khẩu trên thị trường các nước trong khu vực và thế giới.
DU LỊCH
Ngày 24 tháng 10 năm 1995, hàng vạn người bao gồm các nhà khoa học, khách du lịch trong nước và quốc tế đổ về núi Tà Dôn (huyện Hàm Thuận Bắc) và Mũi Né – Phan Thiết để chiêm ngưỡng và nghiên cứu hiện tượng nhật thực toàn phần cũng đồng thời nhận ra nơi này có nhiều cảnh quan kỳ thú và tiềm năng du lịch phong phú. Đây được coi là mốc thời gian mà Bình Thuận bắt đầu có tên trên bản đồ du lịch Việt Nam.
Là một tỉnh ven biển, khí hậu quanh năm nắng ấm, nhiều bãi biển sạch đẹp, cảnh quan tự nhiên và thơ mộng, giao thông thuận lợi, Bình Thuận đang là một trong những trung tâm du lịch lớn của Việt Nam.
Bình Thuận đã đầu tư xây dựng các quần thể du lịch – nghỉ mát – thể thao – leo núi – du thuyền – câu cá – đánh gôn – nghỉ dưỡng – chữa bệnh tại khu vực phường Mũi Né (thành phố Phan Thiết), Hàm Tân, Tuy Phong phục vụ du khách. Hiện nay, thành phố Phan Thiết đang có sân golf 18 lỗ: và Sealinks mang tầm vóc quốc tế; các khách sạn lớn, nhiều khu resort cao cấp, hệ thống nhà nghỉ ven biển… sẵn sàng đáp ứng các nhu cầu ăn nghỉ, vui chơi giải trí của du khách và các nhà đầu tư. Bình Thuận còn có nhiều di tích văn hóa – lịch sử, danh làm thắng cảnh hấp dẫn.
NHỮNG CÁI NHẤT
– Tháp nước có kiến trúc đẹp (cao 32m, do Hoàng thân Lào Xuvanuvông thiết kế)
– Có bộ xương cá voi dài nhất ĐÔNG NAM Á (22m) được trưng bày ở dinh Vạn Thủy Tú (Phan Thiết)
– Ngọn hải đăng Kê Gà bằng đá cao nhất (cao 100 m). (Hàm Thuận Nam)
– Tượng Phật trên núi Tà Cú là tượng Phật nằm lớn và dài nhất (49 m). (Hàm Thuận Nam)
– Bãi đá Cổ Thạch nhiều hình hài màu sắc nhất.
– Bình Thuận còn là vùng trồng cây Thanh Long nhiều và ngon nhất, sò điệp nhiều và có giá trị nhất.
– Bình Thuận là địa phương có nhiều cuộc thi, lễ hội dân gian độc đáo nhất như: đua thuyền trên sông Cà Ty (mồng 2 Tết hằng năm), lướt ván – đua thuyền buồm hàng năm (Mũi Né), chinh phục núi Tà Cú, chạy việt dã vượt đồi cát Mũi Né và lễ hội rước đèn Trung thu (Phan Thiết) có quy mô lớn nhất dành cho trẻ em được ghi vào sách Kỉ lục Guinness Việt Nam. Lễ hội Nghinh Ông (Quan Thánh Đế Quân: vào tháng 7 âm lịch vào năm chẳn), Lễ hội cầu ngư, lễ hội Ka-tê (Phan Thiết).
– Khu vực được mệnh danh là “Vương quốc Resort” của cả nước
Bình Thuận là tỉnh duyên hải cực Nam Trung Bộ Việt Nam, nằm trong khu vực chịu ảnh hưởng của địa bàn kinh tế trọng điểm phía Nam. Tỉnh lỵ của Bình Thuận là thành phố Phan Thiết nằm cách Thành phố Hồ Chí Minh 183 km về phía Nam, cách Nha Trang 250 km và cách thủ đô Hà Nội 1.520 km về phía Bắc theo đường Quốc lộ 1A. Bình Thuận có biển dài 192 km kéo dài từ mũi Đá Chẹt giáp Cà Ná thuộc Ninh Thuận đến bãi bồi Bình Châu thuộc địa phận tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu.
Trong sách giáo khoa, Từ điển Bách khoa Việt Nam hay Từ điển Bách khoa quân sự Việt Nam đều xếp Bình Thuận vào vùng Duyên hải Nam Trung Bộ. Tuy nhiên, Tổng cục Thống kê Việt Nam và Website của Bộ Kế hoạch & đầu tư Việt Nam lại xếp 2 tỉnh Ninh Thuận và Bình Thuận vào Đông Nam Bộ. Một phần khác Bộ Kế hoạch & đầu tư Việt Nam lại xếp Bình Thuận và Ninh Thuận vào vùng Duyên hải miền Trung
VỊ TRÍ ĐỊA LÝ
Bình Thuận là tỉnh có dãy đất bắt đầu chuyển hướng từ Nam sang Tây của phần còn lại của Việt Nam trên bản đồ hình chữ S, có tọa độ địa lý từ 10o33’42” đến 11o33’18” vĩ độ Bắc, từ 107o23’41” đến 108o52’18” kinh độ Ðông. Phía Bắc của tỉnh Bình Thuận giáp với tỉnh Lâm Đồng, phía Đông Bắc giáp tỉnh Ninh Thuận, phía Tây giáp tỉnh Đồng Nai, và phía Tây Nam giáp Bà Rịa-Vũng Tàu, ở phía Đông và Nam giáp Biển Đông với đường bờ biển dài 192 km.
Binh Thuan in Vietnam.svg
Bình Thuận trên bản đồ VN
BÌNH THUẬN THUỘC VÙNG NÀO
Địa giới của tỉnh Bình Thuận hiện tại bao gồm diện tích của 2 tỉnh cũ: tỉnh Bình Tuy (nửa phía tây nam) và tỉnh Bình Thuận (nửa phía đông bắc). Trước năm 1975, tỉnh Bình Tuy thuộc miền Đông Nam Bộ, và tỉnh Bình Thuận thuộc Nam Trung Bộ. Vì thế, đến khi hai tỉnh cũ này hợp nhất thành tỉnh Bình Thuận ngày nay mới đặt ra vấn đề là tỉnh Bình Thuận hiện tại thuộc khu vực Đông Nam Bộ hay Nam Trung Bộ?
QUAN ĐIỂM THUỘC ĐÔNG NAM BỘ
Tổng cục Thống kê Việt Nam (và một số tài liệu lấy số liệu của Tổng cục Thống kê) xếp Bình Thuận cùng Ninh Thuận vào Đông Nam Bộ. Còn website của Bộ Kế hoạch và đầu tư Việt Nam cũng xếp 2 tỉnh Bình Thuận và Ninh Thuận vào Đông Nam Bộ trong số liệu thống kê vùng Đông Nam Bộ. Bình Thuận thuộc quân khu 7 (quân khu thuộc Đông Nam Bộ mở rộng). Ngoài ra, Bộ Thông tin và Truyền thông cũng xếp Bình Thuận vào Đông Nam Bộ theo tọa độ địa lý các đơn vị hành chính (Bình Thuận có vĩ tuyến cùng Bắc với Đồng Nai, Bình Dương, thấp hơn vĩ tuyến Bắc so với Bình Phước, Tây Ninh, trung tâm tỉnh lỵ là thành phố Phan Thiết nằm cũng vĩ tuyến Bắc so với Thành phố Hồ Chí Minh, thấp hơn đôi chút so với Biên Hòa, Thủ Dầu Một.) Về mặt thông tin và truyền thông, Đài Phát thanh – Truyền hình Bình Thuận thuộc hệ thống các đài truyền hình miền Đông (tức Đông Nam Bộ) nên thường sản xuất các chương trình truyền hình nói về miền Đông (nhất là chương trình Sức sống miền Đông và Kết nối Đông Nam Bộ, được phát sóng chung với Bình Dương, Tây Ninh, Bình Phước, Đồng Nai, Bà Rịa – Vũng Tàu) và phát sóng trao đổi với các tỉnh ở miền Đông. Hơn nữa, Bình Thuận do Trung tâm Truyền hình Việt Nam tại TP. Hồ Chí Minh phụ trách. Về mặt văn hóa, Bình Thuận là một trong 21 tỉnh, thành phía nam có lịch sử đờn ca tài tử rất phát triển mà đờn ca tài tử là dòng nhạc mang đặc trưng của riêng vùng Nam Bộ. Bài hát “HÀNH KHÚC SỨC TRẺ MIỀN ĐÔNG” có những câu hát sau:
Về Bình Dương hôm nay chúng ta cùng nối liền vòng tay. Bình Phước, Tây Ninh, Đồng Nai chiến khu anh dũng. Từ Bình Thuận kiên trung, Bà Rịa – Vũng Tàu biển xanh sóng vỗ. Tuổi xuân miền Đông không quên thành phố mang tên Bác Hồ. Sức trẻ miền Đông ! Vững bước đi lên, tiếp bước cha anh thắp lửa truyền thống. Sức trẻ miền Đông ! Xây dựng quê hương, giữ nước yêu thương xứng danh thế hệ Hồ Chí Minh
Và cũng có nhiều bài hát khác nói về miền Đông mà cũng có nói đến Bình Thuận. Hơn nữa, xổ số Bình Thuận thuộc hội đồng xổ số kiến thiết khu vực miền Nam, Công ty Điện lực Bình Thuận trực thuộc Tổng công ty Điện lực miền Nam.
QUAN ĐIỂM THUỘC NAM TRUNG BỘ
Phần lớn sách báo, trong đó có các sách giáo khoa, Từ điển Bách khoa Việt Nam, Từ điển Bách khoa quân sự Việt Nam, website chính thức của tỉnh Bình Thuận và người dân địa phương xếp Bình Thuận vào vùng duyên hải Nam (hoặc cực Nam) Trung Bộ. Xét về mặt địa lý, lịch sử văn hóa và con người nếu xếp Bình Thuận vào Đông Nam Bộ sẽ rất vô lý. Về địa lý Bình Thuận có rất nhiều điểm chung với các tỉnh Nam trung bộ khác, ít điểm chung với các tỉnh Đông Nam Bộ như Bình Thuận có chế độ khí hậu mang nét đặc trưng của khí hậu bán khô hạn của vùng cực Nam Trung Bộ, nhiều nắng, gió, mùa mưa Bình Thuận đến trễ hơn vùng Đông Nam Bộ (thực tế từ tháng 8 tháng 9 mới mưa nhiều) không giống các tỉnh Đông Nam Bộ đã mưa nhiều từ tháng 5 (riêng vùng tiếp giáp Đông Nam Bộ và Tây Nguyên có khí hậu giao thoa), địa hình của Bình Thuận theo dạng “đồng bằng chân núi nhỏ hẹp” có thể dễ dàng thấy những dãy núi cao chạy xuyên suốt từ bất kỳ đâu giống như các tỉnh Nam Trung Bộ khác trong khi Đông Nam Bộ đất lượn sóng trên bậc thêm phù sa cổ và bazan chỉ có vài ngọn núi sót cao không quá 1000m, xét về vĩ độ của Bình Thuận khá thấp so với nhiều tỉnh Đông Nam bộ nhưng nếu ghép Bình Thuận vào Đông Nam Bộ thì nhìn vào bản đồ Nam Bộ sẽ có một phần lấn ra phía đông bắc nhìn rất bất hợp lý. Về văn hóa-con người Bình Thuận mang đậm nét của Nam Trung Bộ, giọng nói của người Bình Thuận tuy có phần nhẹ hơn các tỉnh Nam Trung Bộ khác nhưng vẫn mang nét rất đặc trưng của con người vùng biển Nam trung Bộ, hơn nữa Bình Thuận có văn hóa Chăm Pa lâu đời giống như các tỉnh Nam Trung Bộ khác còn Đông Nam Bộ thì không, ngoài ra tổ chức địa phương ở Bình Thuận sử dụng Thôn trong khi các tỉnh Nam Bộ lại dùng Ấp ( Riêng Bình Phước là trường hợp ngoại lệ khi vừa có Thôn vừa có cả Ấp ). Xét về mặt lịch sử Bình Thuận chỉ được xếp vào Nam Kỳ trong thời gian khoảng 1 năm (1883-1884), sau đó lại trả về Trung Kỳ cho tới nay.
Tóm lại chính thức Bình Thuận ngày nay thuộc Nam Trung Bộ (kế thừa từ tỉnh Bình Thuận cũ), tuy nhiên vẫn có thể xem tỉnh này thuộc Đông Nam Bộ mở rộng.
ĐIỀU KIỆN TỰ NHIÊN
Địa hình Bình Thuận chủ yếu là đồi núi thấp, đồng bằng ven biển nhỏ hẹp, địa hình hẹp ngang kéo theo hướng đông bắc – tây nam, phân hoá thành 4 dạng địa hình chính gồm đất cát và cồn cát ven biển chiếm 18,22%, đồng bằng phù sa chiếm 9,43%, vùng đồi gò chiếm 31,65% và vùng núi thấp chiếm 40,7% diện tích đất tự nhiên.
Nằm trong vùng khí hậu nhiệt đới gió mùa cận xích đạo, nhiều nắng, nhiều gió, không có mùa đông và khô hạn nhất cả nước. Khí hậu nơi đây phân hóa thành 2 mùa rõ rệt là mùa mưa và mùa khô. Mùa mưa thường bắt đầu từ tháng 5 đến tháng 10, mùa khô từ tháng 11 đến tháng 4 năm sau. nhưng trên thực tê mùa mưa chỉ tập trung vào 3 tháng 8, 9 và tháng 10, vì vậy mùa khô thực tế thường kéo dài.
Bình Thuận có 10 loại đất với 20 tổ đất khác nhau, có kiểu rừng gỗ lá rộng, kiểu rừng rụng lá, kiểu rừng hỗn giao lá kim chiếm ưu thế, kiểu rừng hỗn giao và tre nứa thuần loại. Bên cạnh đó, Bình Thuận có nhiều tích tụ khoáng sản đa dạng về chủng loại như vàng, wolfram, chì, kẽm, nước khoáng và các phi khoáng khác. Trong đó, nước khoáng, sét, đá xây dựng có giá trị thương mại và công nghiệp.
Sông ngòi tại Bình Thuận đều ngắn, lượng nước không điều hòa, mùa mưa thì nước sông chảy mạnh, mùa nắng làm sông bị khô hạn. Tỉnh có sáu sông lớn là sông Lũy, sông Lòng Sông, sông Cái và Sông Cà Ty, sông La Ngà, sông Phan, .
– Sông Lòng Sông phát nguyên từ dãy núi ranh giới hai tỉnh Ninh Thuận-Bình Thuận, chảy theo chiều Bắc-Nam dọc theo ranh giới hai quận Tuy Phong và Phan Lý Chàm. Sông này dài khoảng 40 cây số (từ nguồn ra đến cửa biển).
– Sông Lũy phát nguyên từ cao nguyên Tuyên Đức.Từ nguồn đến ranh giới quận Hòa Đa, sông chảy theo hướng Bắc-Nam, dài 40 cây số; rồi rẽ ra đến biển, sông chảy theo hướng Tây-Đông và dài hơn 20 cây số, lòng sông hẹp, quanh co, vào mùa mưa thường gây lụt lội.
– Sông Cái phát nguồn từ cao nguyên Lâm Đồng chảy qua địa phận Thiện Giáo, rồi chảy theo hướng Bắc-Nam và dài khoảng 40 cây số.
– Sông Cà Ty phát nguồn từ cao nguyên phía Tây và chảy theo hướng Đông-Nam, dài 27 cây số.
LỊCH SỬ
Đất Bình Thuận nguyên thuộc nước Nhật Nam ngày xưa, sau là đất của Chiêm Thành. Vì chiến tranh liên miên nên Chiêm Thành mất dần đất đai.
– Năm 1653, chúa Nguyễn Phúc Tần đánh chiếm đất Phan Lang (sau gọi là Phan Rang), để lại mảnh đất phía Tây cho Chiêm Thành. Năm 1692, chúa Nguyễn Phúc Chu lấy luôn mảnh đất còn lại đặt tên là Thuận Phủ và năm 1694 đặt là Thuận Thành trấn.
– Năm 1697, Lập Bình Thuận phủ gồm 2 huyện An Phước và Hòa Đa. Sau cải thành Bình Thuận Dinh. Đời vua Gia Long vẫn giữ Bình Thuận dinh, đến vua Minh Mạng đổi lại Bình Thuận phủ.
– Năm 1827: Minh Mạng đặt ra hai phủ Ninh Thuận và Hàm Thuận và hai huyện Tuy Phong và Tuy Định. Bình Thuận được đặt thành tỉnh và giao cho quan Tuần phủ Thuận Khánh kiêm nhiệm luôn tỉnh Khánh Hòa.
– Năm 1883: Hòa ước ký với Pháp (ngày 23 tháng 7) sáp nhập Bình Thuận vào Nam Kỳ. Năm 1884: Hòa ước Patenôtre (ngày 6 tháng 6) lại đưa Bình Thuận về Trung Kỳ. Năm 1888, vua Đồng Khánhchuyển phủ Ninh Thuận vào Khánh Hòa.
– Năm 1900, vua Thành Thái đặt huyện Tuy Lý và lấy huyện Tánh Linh trước thuộc Đồng Nai Thượng sáp nhập vào Bình Thuận. Năm 1905: Phủ Di Linh được nhập vào Bình Thuận.
– Năm 1955-1975 chính quyền Việt Nam Cộng hòa chia Bình Thuận làm 8 Quận: Hàm Thuận, Phú Quý, Thiện Giáo, Hải Long, Hải Ninh, Hòa Đa, Tuy Phong và Phan Lý Chàm.
– Năm 1976: Bình Thuận sáp nhập với Bình Tuy và Ninh Thuận thành tỉnh Thuận Hải.
– Ngày 15 tháng 12 năm 1977, thành lập huyện đảo Phú Quý.
– Ngày 30 tháng 12 năm 1982, chia huyện Bắc Bình thành 2 huyện: Bắc Bình và Tuy Phong; chia huyện Hàm Thuận thành 2 huyện: Hàm Thuận Bắc và Hàm Thuận Nam; chia huyện Đức Linh thành 2 huyện: Đức Linh và Tánh Linh.
– Đến tháng 4 năm 1992, tỉnh Thuận Hải được chia thành 2 tỉnh mới lấy tên là Ninh Thuận và Bình Thuận theo Quyết định chia tách ghi ngày 26 tháng 12 năm 1991. Khi tách ra, tỉnh Bình Thuận có 9 đơn vị hành chính gồm: thị xã Phan Thiết (tỉnh lị) và 8 huyện: Bắc Bình, Đức Linh, Hàm Tân, Hàm Thuận Bắc, Hàm Thuận Nam, Phú Quý, Tánh Linh, Tuy Phong.
– Ngày 25 tháng 8 năm 1999, chuyển thị xã Phan Thiết thành thành phố Phan Thiết.
– Ngày 5 tháng 9 năm 2005, thành lập thị xã La Gi trên cơ sở một phần diện tích tự nhiên và dân số của huyện Hàm Tân.
HÀNH CHÍNH
Bình Thuận có 1 thành phố, 1 thị xã và 8 Huyện, Trong đó có với 127 đơn vị hành chính cấp xã, gồm có 12 thị trấn, 19 phường và 96 xã:
– Hiện nay tỉnh Bình Thuận có 15 đô thị gồm 1 đô thị loại II là thành phố Phan Thiết (năm 2009), 1 đô thị loại III là thị xã La Gi (năm 2017), 1 đô thị loại IV là thị trấn Phan Rí Cửa (năm 2011) và 12 đô thị loại V là các thị trấn.
KINH TẾ
Theo sự sắp đặt về kinh tế, hiện nay, Bình Thuận là tỉnh thuộc vùng kinh tế Đông Nam Bộ. Phần đất liền của Bình Thuận nằm trong giới hạn 10°35′-11°38′ Bắc và 107°24′-108°53′ Đông.
THỦY SẢN
Nhiều sông suối bắt nguồn từ cao nguyên Di Linh thuộc Lâm Đồng đã chảy qua Bình Thuận để ra biển. Tính chung, các đoạn sông qua Bình Thuận có tổng chiều dài 663 km, trong đó có sông Cà Ty (76 km), sông La Ngà (74 km), sông Quao (63 km), sông Lòng Sông (43 km), sông Phan (40 km), sông Mao (29 km) và sông Luỹ (25 km).
Làng chài Mũi Né: TOP 9 trải nghiệm ẤN TƯỢNG NHẤT 2023
Làng chài ở Mũi Né, Phan Thiết
Bình Thuận có vũng lãnh hải rộng 52 nghìn km² nên Bình Thuận là một trong ba ngư trường lớn của Việt Nam trữ lượng khai thác đánh bắt hải sản đạt 240.000 tấn hải sản các loại, là điều kiện chế biến thủy sản xuất khẩu. Sò điệp là đặc sản của biển Bình Thuận, tập trung ở 4 bãi chính là: La Khế, Hòn Rơm, Hòn Cau và Phan Rí, cho phép đánh bắt 25-30 nghìn tấn/năm.
NÔNG – LÂM NGHIỆP
Tỉnh Bình Thuận có 151.300 hecta đất canh tác nông nghiệp, trong đó có trên 50.000 hecta đất lúa. Sẽ phát triển thêm 100.000 hecta đất sản xuất nông nghiệp.
Chăn nuôi gia súc, gia cầm khá phát triển. Đang đầu tư để hình thành các vùng chuyên canh cây công nghiệp, cây ăn quả với:
– 30.000 hecta thanh long; 9.000 hecta điều; 15.000 hecta bông vải; 20.000 hecta cao su; 2.000 hecta tiêu
Đây là nguồn nguyên liệu dồi dào để phát triển các ngành công nghiệp chế biến từ cây công nghiệp, lương thực, thực phẩm… Với diện tích 400.000 hecta rừng và đất lâm nghiệp, trữ lượng gỗ 25 triệu m³ và thảm cỏ là tiền đề thuận lợi để lập các nhà máy chế biến gỗ và phát triển các trang trại chăn nuôi đại gia súc và lập nhà máy chế biến thịt bò, heo… Trong vài năm trở lại đây, diện tích cây điều bị sụt giảm đáng kể do giá hạt điều bị giảm, cây thanh long và cây cao su liên tục tăng diện tích.
Huyện Hàm Thuận Nam tập trung sản xuất thanh long theo tiêu chuẩn VietGAP
Vườn Thanh Long ở Hàm Thuận Nam
KHOÁNG SẢN
Tỉnh Bình Thuận có nhiều loại khoáng sản với trữ lượng lớn:
– Nước khoáng thiên niên bicarbonat: hơn 10 mỏ trữ lượng cao, chất lượng tốt (trong đó có cả mỏ nước khoáng nóng 700 độ C) có thể khai thác trên 300 triệu lít/năm. Trong đó, 2 mỏ đang được khai thác và kinh doanh đó là Vĩnh Hảo và Đa Kai.
– Cát thủy tinh: 4 mỏ ở Hàm Thuận Bắc, Bắc Bình và Hàm Tân với trữ lượng trên 500 triệu m³, chất lượng đạt tiêu chuẩn để xuất khẩu, phù hợp để sản xuất thủy tinh cao cấp, kính xây dựng, gạch thủy tinh.
– Đá granít: trữ lượng rất lớn, phân bố khắp nơi.
– Sét bentonit: dùng trong công nghiệp hóa chất và khai thác dầu mỏ, trữ lượng khoảng 20 triệu tấn. Quặng Sa khoáng nặng để sản xuất titan, zircon, trữ lượng khoảng một triệu tấn. Tại Vĩnh Hảo có diện tích trên 1.000 ha, sản lượng 150.000 tấn/năm…
– Zircon 4 triệu tấn dẫn đầu cả nước về trữ lượng này.
– Dầu khí đang được xem là thế mạnh kinh tế mới của tỉnh Bình Thuận, với nhiều mỏ dầu có trữ lượng lớn đã được phát hiện cách đất liền 60 km; có 3 mỏ dầu Rạng Đông, Sư Tử Đen và Rubi đang khai thác. Hai mỏ: Sư Tử Trắng và Sư Tử Vàng chuẩn bị khai thác. Chính phủ và các bộ, ngành trung ương đang quan tâm đầu tư phát triển công nghiệp dầu khí tại Bình Thuận để hình thành trung tâm dự trữ dầu mỏ nhằm đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia và xuất khẩu.
DÂN CƯ
Tính đến 2015 dân số của tỉnh đạt 1.266.228 người. 49% dân số sống ở đô thị và 51% dân số sống ở nông thôn.
Dân cư tỉnh phân bô không đồng đều giữa các huyện, thị xã, thành phố. Tập trung đông nhất tại Thành phố Phan Thiết dân số (2015): 272.457 chiếm gần 1/4 dân số toàn tỉnh, tiếp đến là Phan Rí Cửa, Thị xã La Gi. Thưa thớt tại các huyện Bắc Bình, Tánh Linh, Hàm Tân.
Có 34 dân tộc cùng sinh sống ở Bình Thuận, trong đó đông nhất là dân tộc Kinh; tiếp đến là các dân tộc Chăm, Ra Glai, Hoa (tập trung nhiều ở phường Đức Nghĩa – thành phố Phan Thiết), Cơ Ho, Tày, Chơ Ro, Nùng, Mường.
GIAO THÔNG
Bình Thuận nằm trên trục giao thông trọng yếu Bắc – Nam. Bình Thuận có Quốc lộ 1A, Quốc lộ 55, Quốc lộ 28…và các tuyến đường đến các trung tâm huyện, xã, vùng núi và các vùng kinh tế quan trọng khác.
– Đường sắt Bắc – Nam qua tỉnh với chiều dài 190 km và qua 11 ga, quan trọng nhất là ga Bình Thuận. Ga Phan Thiết đã được xây dựng và đưa vào sử dụng từ năm 2012.
– Đường biển: Là một tỉnh duyên hải có vùng biển rộng, bờ biển dài 192 km, có hải đảo và nằm cạnh đường hàng hải quốc tế. Hiện tại, cảng biển Phú Quý đã xây dựng xong, tiếp nhận tàu 10.000 tấn ra vào. Cảng Phan Thiết đang được xây dựng tiếp nhận tàu 2.000 tấn.
– Đường hàng không: Ngày 18/1/2015, khởi công xây dựng sân bay Phan Thiết tại xã Thiện Nghiệp.
– Các dự án đường sắt cao tốc Bắc Nam, đường cao tốc Bắc Nam đều đi qua Bình Thuận
XE BUÝT
Hiện đang hoạt động các tuyến:
– Tiến Lợi – Mũi Né – Hòn Rơm
– Tiến Lợi – Ma Lâm – Hàm Trí
– Phan Thiết – Phú Long – Ngã ba Gộp – Lương Sơn – Phan Rí Thành
– Tà Cú – Phan Thiết – Phú Long
– Phan Thiết – Kê Gà – Tân Thành
– Phan Thiết – Mương Mán – Hàm Cần
– La Gi – Tân Hải – Bình Châu (Bà Rịa – Vũng Tàu)
– Bến xe Nam Phan Thiết – Bệnh viện tỉnh – Mũi Né – du lịch Gành
ĐIỆN NĂNG
Có 3 nguồn điện chính:
– Từ nhà máy thủy điện Đại Ninh qua lưới truyền tải 110 KV
– Từ nhà máy thủy điện Hàm Thuận – Đa Mi qua lưới truyền tải 110 KV
– Trạm phát điện diesel 3800 KW
– Đang xây dựng thử nghiệm nhà máy phong điện (năng lượng điện từ sức gió) tại huyện Tuy Phong.
– Nhà máy phong điện tại Phú Quý
Trong đó, cung cấp điện cho khu vực thành phố Phan Thiết có trạm biến áp trung tâm Phan Thiết công suất 50 MVA, và sẽ được nâng cấp mở rộng lên 80-100 MVA. Hệ thống lưới điện tại Thành phố Phan Thiết cũng đang được nâng cấp cải tạo, đáp ứng đủ các nhu cầu khu dân cư và khu công nghiệp Phan Thiết.
WAFORT – CỘNG ĐỒNG DU LỊCH CÓ TRÁCH NHIỆM Tuy Phong và năng lượng điện gió  - WAFORT - CỘNG ĐỒNG DU LỊCH CÓ TRÁCH NHIỆM
Sản xuất điện gió tại Tuy Phong.
CUNG CẤP NƯỚC
Nhà máy nước Phan Thiết có công suất 25.000 m³/ngày đêm, hiện đang nâng cấp, mở rộng hệ thống đường ống bằng nguồn vốn ADB, đảm bảo đáp ứng đủ các nhu cầu sinh hoạt và sản xuất. Tại các huyện đều có trạm cấp nước quy mô nhỏ 500–2000 m³/ngày đêm.
HOANG TƯỞNG VỀ KHO BÁU NÚI TÀU
Những năm gần đây, có lời đồn về kho báu 4.000 tấn vàng do Quân đội Nhật Bản cất giấu hồi cuối Thế chiến thứ hai, tại núi Tàu, xã Phước Thể, huyện Tuy Phong. Từ năm 1993 đến năm 2015 Ủy ban nhân dân tỉnh Bình Thuận đã nhiều lần cấp phép và gia hạn phép cho ông Trần Văn Tiệp (100 tuổi, ngụ TP.Hồ Chí Minh) tìm kiếm kho vàng 4.000 tấn đó, song việc tìm kiếm không có kết quả . Năm 2016 một người khác là ông Nguyễn Văn Đợi (ngụ TP.Hồ Chí Minh) thì khai báo về 3 giếng cổ chứa kho báu ở sát biển và cách núi Tàu chừng 1 km.

 

Tuy nhiên tháng 04 năm 2016 sau khi thẩm tra thì UBND tỉnh khẳng định thông tin kho báu là hoàn toàn không có căn cứ, và yêu cầu không để tình trạng lợi dụng “hoang tin” tiếp diễn. Tính hoang tưởng về kho báu hiện rõ ở chỗ vàng có khối lượng riêng (tỷ trọng) là 19,3 g/cm3 tức 19,3 tấn/m3, khối vàng 4.000 tấn có thể tích hơn 200 m3, to như một căn hộ 5m x 16m x 2,5m. Đào được cái hầm hơn 200 m3 trong núi đá hoa cương rất cứng, rồi dùng hơn 1000 chuyến xe loại 4 tấn để vận chuyển, là một công trường ầm ỹ, để lại rất nhiều dấu vết như đường đi, bãi thải đá, và cửa hầm cũng đủ rộng cho người xe ra vào. Nó đâu đơn giản chỉ là “thuê người dân tộc địa phương chôn giấu” ở khe núi hay vùi ở cái giếng cổ .
Theo Đna Thích