NGHI LỄ CỘT CHỈ VÀ CUỐN CHIẾU TRONG HÔN NHÂN CỦA NGƯỜI KHMER



Đối với mỗi con người, hôn nhân bao giờ cũng là nghi lễ quan trọng nhất. Nó đánh dấu một bước ngoặt lớn của đời người. Đó là sự trưởng thành thực sự, bước vào giai đoạn thành gia lập thất, sinh con cái nối dòng nối dõi. Người Khmer cũng vậy, hôn nhân không những rất quan trọng mà còn mang ý nghĩa hết sức thiêng liêng. Xưa kia, người Khmer trong vấn đề hôn nhân thường phải trải qua khoảng hai mươi nghi lễ khác nhau. Nhưng ngày nay do nhiều yếu tố cuộc sống mà bà con đã giảm bớt đi rất nhiều, chỉ còn thực hiện một số nghi lễ mang tính cốt yếu nhất trong văn hóa bản sắc của dân tộc mình. Trong bài viết trước, chúng tôi đã trình bày ý nghĩa biểu tượng con dao và hoa cau. Trong bài viết tiếp theo này xin trình bày ý nghĩa nghi lễ cột chỉ và cuốn chiếu trong hôn nhân của người Khmer.
Sau lễ hỏi là lễ cưới. Vì theo phong tục chế độ mẫu hệ, nên lễ cưới của người Khmer diễn ra bên nhà gái. Xưa kia lễ cưới thường diễn ra trong ba ngày hai đêm. Nhưng hiện nay rút ngắn lại trong hai ngày hai đêm. Những nghi thức rườm rà đã được bỏ đi dần, bà con chỉ giữ lại những nghi lễ chính như lễ đưa chú rể sang nhà gái, lễ ra mắt Neakta, lễ cắt tóc, lễ rắc bông cau, lễ xoay đèn, lễ buộc chỉ tay, lễ lạy ông bà cha mẹ, lễ cuốn chiếu, và lễ nhập phòng…
Nếu như người Kinh, người Hoa trong hôn nhân có nghi thức đeo nhẫn cưới thì người Khmer có nghi thức cột chỉ cho cô dâu chú rể. Lễ cột chỉ tay, là nghi lễ rất vui và trang trọng. Người ta chuẩn bị mâm cơm, gà luộc, trầu cau, thuốc hút, ô đựng nước hương và thố đựng thịt và bánh. Trong nghi thức này, ông Maha quỳ gối khấn trời phật ban phước cho cô dâu chú rể. Trong khi đó, cô dâu chú rể phải ngồi nghiêng xuống, hai tay đặt trên chiếc gối thêu. Xung quanh là họ hàng thân tộc. Trước hết hai người lạy tạ ơn các sư sãi đã ban phúc cho mình, tiếp đến cha mẹ hai bên tiến hành cột chỉ tay cho cô dâu chú rễ bằng sợi chỉ màu hồng với ý nghĩa hạnh phúc và may mắn sẽ đến với đôi vợ chồng trẻ mãi mãi. Sau đó là họ hàng hai bên cùng đến cột chỉ trắng vào tay cô dâu chú rể kèm theo lời chúc và quà mừng. Để giải thích cho nghi lễ này, người Khmer có câu chuyện hết sức thú vị và hàm nghĩa rất sâu sắc.
Theo truyền thuyết về Hoàng tử Pras Thông và Công chúa Neang Neak thì : “ Ngày xưa ở vương quốc nọ có một vị hoàng tử tên là Pras Thông. Chàng là người khôi ngô tuấn tuấn, giỏi cung kiếm và thích đi săn bắn. Có lần chàng đến bờ biển và găp công chúa rắn Neang Neak con vua Thủy Tề cùng lên đây vui chơi. Khi hai người gặp nhau thì tự đem lòng yêu nhau tha thiết. Hoàng tử Pras Thông xin cưới công chúa làm vợ. Neang Neak nói với chàng phải xuống thủy cung gặp vua cha, nếu vua cha không phản đối thì cả hai cùng nên vợ nên chồng. Hoàng tử Pras Thông đồng ý và công chúa yêu cầu chàng nắm vạt áo của mình, xong đưa chàng xuống nước. Vào gặp vua cha nàng tâu rằng : - Con và hoàng tử Pras Thông đã yêu nhau, xin cha bằng lòng tác hợp….Vua Thủy Tề thấy Pras Thông yêu con gái mình thật lòng thì vô cùng ưng ý. Vua bèn ra lệnh cho mở yến tiệc và làm lễ cột chỉ tay cho công chúa và hoàng tử để chúc mừng đôi trai gái hạnh phúc viên mãn. Ở thủy cung một thời gian, hoàng tử Pras Thông xin phép cha vợ được đưa vợ về vương quốc của mình. Khi trở về triều đình ai nấy đều rất vui mừng và cũng mở yến tiệc, làm lễ cột chỉ cho hai người. Từ đó về sau hoàng tử và công chúa sống hạnh phúc với nhau đến trọn đời trọn kiếp”.
Qua câu chuyện này cho chúng ta thấy nhiều vấn đề. Thứ nhất, sợi chỉ cột tay cho đôi uyên ương như sợi tơ tình gắn kết đôi vợ chồng, họ sẽ hạnh phúc yêu thương nhau đến răng long đầu bạc. Thứ hai, là gửi thông điệp giáo huấn cho đôi trai gái phải biết xây dựng gia đình hạnh phúc để cha mẹ hai bên được yên lòng. Thứ ba, là biểu hiện lối sống cộng đồng của người Khmer là làng xóm luôn phải quan tâm giúp đỡ lẫn nhau, thể hiện tinh thần đoàn kết, gắn bó tình nghĩa quê hương dòng tộc….Bên cạnh đó truyện còn giải thích phong tục chú rể nắm vạt áo cô dâu khi bước vào phòng tân hôn. Vấn đề này không những lý giải nghi thức mà còn khẳng định vai trò của người phụ nữ trong gia đình. Người chồng phải biết yêu thương, tôn trọng vợ. Vì đàn ông thuộc dương nên phải lo đối ngoại mọi chuyện bên ngoài. Còn đàn bà thuộc âm nên quán xuyến mọi chuyện trong nhà trong cửa. Trong có ấm thì ngoài mới có êm. Đàn ông thành đạt luôn có người vợ sau lưng. Chính vì vậy hơn ai hết, người chồng phải hiểu và làm đúng theo quy luật này…
Trong hình ảnh có thể có: 3 người, mọi người đang ngồi
Sau nghi lễ cột chỉ và rắc hoa cau là nghi lễ cuốn chiếu. Khi cô dâu chú rể bước vào phòng cưới thì ông Maha vừa hát vừa cuốn chiếu. Bài hát với đại ý đây là chiếc chiếu cưới mua về sẽ sinh ra vàng bạc….Khi nghe bài hát này thì cô dâu trở ra xin mua chiếu để đem vào trải trong phòng cưới…Mới nghe qua, thấy nghi thức này có vẻ hết sức lạ lùng. Nhưng thật ra nó rất có ý nghĩa. Truyền thuyết kể rằng : “ Vào thời xa xưa ở vương quốc nọ xảy ra chiến tranh. Nhà vua phái viên võ quan ra biên ải chống giặc. Khi đi qua một làng quê, ông gặp một thiếu nữ rất đẹp nên đem lòng yêu mến. Viên quan ấy đã theo cô gái về tận nhà để xin phép cưới cô làm vợ. Cha mẹ cô gái bằng lòng. Viên quan trao cho cô gái một số lễ vật và hứa sau ba tháng trở về sẽ làm lễ hôn nhân theo nghi thức truyền thống. Nhưng khi dẹp xong giặc trở về vì quá bận công việc nơi triều đình nên viên quan ấy không đến cưới nàng như lời hẹn cũ…Ba năm sau trong làng có chàng trai đến xin hỏi cưới cô gái. Phần nghĩ viên quan kia sẽ không trở lại, phần không muốn con gái mình sống cảnh không chồng, nên cha mẹ cô gái đồng ý. Ngày đám cưới đang diễn ra êm đẹp thì bỗng đâu viên quan ấy lại xuất hiện. Vì quá ghen giận nên ông ta rút kiếm chém chú rể chết, máu tung tóe trên chiếc chiếu cưới, coi như đám cưới tan vỡ…”.
Từ đó về sau khi người Khmer tổ chức đám cưới xong thì có tục cuốn chiếu. Với ý nghĩa là không để những điều xui xẻo hắc ám bám vào trong ngày quan trọng nhất của đời người. Thật ra chiếc chiếu cưới là một vật rất thiêng liêng trong ngày cưới của nhiều dân tộc. Người Việt và người Hoa cũng có phong tục trải chiếu giường tân hôn. Nhà trai cần chọn người phụ nữ tốt vía, có hôn nhân hạnh phúc, con cái đề huề, kinh tế khá giả với ý nghĩa mong đôi uyên ương sẽ sớm có con bồng bế, có cuộc sống gia đình êm ấm, hạnh phúc như người trải chiếu giường cưới. Người này cũng cần hợp tuổi cô dâu, chú rể. Nếu mẹ chồng có đủ điều kiện trên thì bà tự trải chiếu cho con trai và con dâu. Chiếu tân hôn phải có đôi có cặp. Khi trải thì chiếc chiếu thứ nhất trải bình thường, chiếc thứ hai sẽ lật úp xuống cái thứ nhất, hai chiếu trải phải phẳng, kiêng trải lệch. Ý nghĩa là chiếc chiếu trên chiếc giường trăm năm hạnh phúc đó chỉ có hai người mới được nằm. Hai chiếc chiếu úp vào nhau thể hiện sự gắn bó, keo sơn, ăn ở với nhau đến đầu bạc răng long là vậy.
Có thể nói, phong tục và nghi lễ hôn nhân bao giờ cũng là phong tục đẹp. Mỗi nghi thức đều có nội hàm ý nghĩa nhất định. Nhưng qua thời gian cũng như điều kiện môi trường sống mà có sự biến đổi, ảnh hưởng và tinh giảm ít nhiều. Dân tộc Khmer là một dân tộc có bề dày truyền thống văn hóa lâu đời. Mỗi một nghi lễ trong chuỗi nghi lễ vòng đời bao giờ cũng gắn với hai yếu tố đó là tôn giáo và văn hóa dân gian. Trong văn hóa dân gian, đặc biệt là truyền thuyết dân gian luôn góp phần giải thích ý nghĩa nghi lễ truyền thống. Hai vấn đề này luôn bổ sung cho nhau để làm phong phú thêm đời sống tinh thần của người Khmer từ bao đời nay.
ĐÀO THÁI SƠN
ảnh internet