MIỀN TÂY VÀ VĂN HÓA ÓC EO

Năm 1679, hai di thần nhà Minh là Trần Thắng Tài và Dương Ngạn Địch đem binh biển và gia quyến với 3000 người, hơn 50 chiến thuyền di tản về phương nam đến gần kinh đô Thuận Hóa, với lòng mưu cầu phục Minh sau này, đến để xin được chính quyền Việt Nam giúp đỡ. Chúa Nguyễn, Hiền Vương, nghĩ nếu từ chối và đuổi đi, thì đám tàn quân nầy vì cùng đường có thể đánh phá ta, nên tiếp đãi niềm nở, còn khoản đãi, phong chức và cho phép vào phía nam khẩn hoang, lập nghiệp ở Biên Hòa, Cù Lao Phố, và Định Tường – Mỹ Tho Đại phố với lời chỉ dẫn "đó là vùng đất mới của ta.
Điều đáng chú ý là đòan chiến thuyền này được đưa vào Nam có người hướng dẫn thần tình. Chứng tỏ thời chúa Nguyễn vùng đất vùng Đồng Bằng Sông Cửu Long được nghiên cứu kỹ lưỡng tường tận.
Tướng Trần Thắng Tài vâng lệnh Chúa Nguyễn dẫn một đoàn quân với chiến thuyền đi về vùng Biên Hòa để khai phá và định cư lập nghiệp. Phần đất này là căn cứ xuất phát của người Việt đầu tiên xâm nhập bằng đường lối hoà bình vào lảnh thổ Miên. Dần dần người Việt đuổi dân Khmer về miền Tây Nam phần. Người Miên phải bỏ làng mạc và ruộng đất, sống ẩn náu trong các rừng rậm hoặc đầm lầy. Họ mở mang thương mãi và chỉ trong ít lâu biến Cù Lao Phố thành một trung tâm thương mãi trù phú. Đến khi Tây Sơn tiến đánh vào Nam, một phần dân cư ở đây di tản về Bến Nghé sanh sống. Họ chuyên thu mua và bán nông phẩm từ phía Định Tường chở tới. Bến Nghé sau này trở thành Chợ Lớn và hoạt động kinh tế vẫn còn nằm trong tay người Hoa. Trong lúc đó, tướng Dương Ngạn Địch dẫn một đoàn quân kéo về Định Tường định cư lập nghiệp. Cánh nầy chuyên về nông nghiệp. Họ lập ra những nông trại, dần dần mở mang ra thành vùng Đồng Bằng Sông Cửu Long ngày nay. Vào thời đại nây nền kinh tế miền Nam bộ rất phồn thịnh. Vào cuối thế kỹ 16 với sự thông thương buôn bán với những nước Tây phương như Tây ban Nha, Bồ Đào Nha, Pháp, Hòa Lan và Anh Quốc làm đất nước thêm trù phú. Vào thời đại nầy đạo Thiên Chúa giáo cũng bắt đầu gia-nhập vào đời sống tín ngưỡng của người Việt Nam.
Vào năm 1695,Mạc Cửu từ Thái Lan qua, đặt chân ở Hà Tiên, lập ra thương cảng, một thời buôn bán phồn thịnh. Sau nhiều lần bị Xiêm La (Thái Lan) và Chân Lạp (Cao Miên) uy hiếp,Mạc Cửu chấp nhận thuần phục Nhà Nguyễn và được chúa Nguyễn phong chức quan,cai quản phần đất Hà Tiên để về sau này nối liền với Rạch Giá.
Cũng vào triều đại nhà Lê Chiêu Thống, đất Bắc ngự trị bởi chúa Trịnh trong khi miền Nam là đất của Nhà Nguyễn, nên khi Gia Long (Nguyễn Ánh) tẩu quốc, chạy vào Định Tường, Ba Giồng, được dân chúng miền Nam khắp nơi niềm nở đón tiếp và phục vụ nhà vua tận tình. Trịnh Nguyễn phân tranh cũng vào thời đại từ 1627 đến 1772.. Từ khi hoàn toàn chinh phục miền Nam năm 1802, nhà Nguyễn chiêu mộ dân lập ấp đưa về miệt dưới như Ba Xuyên, Cà Mau, Rạch Giá. Trong chương trình lập ấp, tức tổ chức định cư về mặt xã hội, chính quyền nhà Nguyễn kêu gọi những tù phạm nếu hưởng ứng chương trình này họ sẽ được khoan hồng. Nhà Nguyễn theo đuổi mục tiêu chiến lược là mở rộng bờ cõi về phía Nam, thiết lập và củng cố chính quyền miền Nam, tổ chức phòng thủ chống ngoại xâm. Và lãnh thổ Nhà Nguyễn từ đó chạy dài tận mũi Cà Mau….Theo sự suy diễn thì chúa Nguyễn có công to lớn trong việc mở mang bờ cỏi và khai thác vùng đất màu mở và trù phú bị bỏ hoang để trở thành miền Tây trù phú phồn thịnh hơn các nơi khác trên toàn quốc.
Để có một ý niệm khái quát, chúng ta không thể tách rời lịch sử của đất miền Tây ra khỏi lịch sử của nước Phù Nam, của nước Chân Lạp và lịch sử các nước chịu ảnh hưởng của văn hoá Ấn Độ nói chung.
Cũng theo người làm sử thì thành cổ Óc-Eo là một thương cảng sầm uất thời trung đại bị chìm dưới lòng đất, được nhà Khảo cổ tên Francois Malleret tiến hành khai quật vào ngày 10 tháng 2 năm 1944 (xã Vọng Khê, huyện Thoại Sơn cách thành-phố Long Xuyên 30Km về phía tây nam) đã làm "sống lại" một nền văn hóa cổ, đã hình thành và phát triển trên châu thổ sông Cửu Long từ thế kỷ thứ I đến thế kỷ thứ VII sau công nguyên. Nhiều công trình nghiên cứu khoa học dựa vào các kết quả khai quật khảo cổ đã chứng minh văn hóa Óc Eo là sản phẩm vật chất của Vương quốc Phù Nam. Qua những kết quả nghiên cứu, hình thái văn hóa Óc Eo - Phù Nam đã được hình thành khá rõ nét, với một số đặc trưng tiêu biểu như: một số kỹ thuật làm đầm lầy khá cao, thể hiện qua cách giải quyết đất thấp làm nơi cư trú bằng cách cất và nâng cao nhà sàn bằng gỗ, việc thực hiện hệ thống kênh đào tỏa rộng ở nhiều nơi trên đồng bằng châu thổ sông Cửu Long mà dấu vết còn quan sát được bởi nhà khảo cổ. Phần lớn những di tích kiến trúc của Phù Nam là những đền thờ và mộ táng với một loại hình kiến trúc gạch đá hỗn hợp có quy mô lớn bằng kỹ thuật xây nền và tường gạch dày đặc, lối lắp ráp những phiến đá granit lớn, v.v.
Văn hóa Óc Eo có những giao lưu văn hóa rộng lớn với những nền văn minh thời cổ đại như với văn minh Đông Sơn (những hoa văn trang trí và những hiện vật đồng kiểu tương tự như văn minh Đông Sơn); với Ấn Độ (những tượng thờ thuộc Ấn Độ giáo, Phật giáo, đồ trang sức, con dấu, văn tự…); với thế giới Địa Trung Hải và Trung Đông (huy chương La Mã, đồng tiền bằng đồng, tượng đồng, hạt chuỗi La Mã...); và với Trung Hoa (mảnh gương đồng, tượng phật nhỏ). Tỉnh Tiền Giang vào những thế kỷ đầu công nguyên thuộc vương quốc Phù Nam và những vết tích của nền văn hóa này hiện vẫn còn được lưu giữ ở bảo tàng viện vùng nầy.
Kết quả hình ảnh cho văn hóa óc eo
Di tích văn hoá Óc Eo
Theo những khám phá của các nhà khảo cổ học, con người đã có mặt ở vùng đất miền tây Nam Bộ khá lâu đời. Nếu căn cứ theo những di chỉ cư trú và di cốt của con người ở Óc Eo, Ba Thê, Núi Nổi… thì từ cách đây từ 2,000-3,000 năm, con người đã có mặt ở vùng đất còn chứa nhiều nước mặn, sình lầy, cây dại và dã thú này; đồng thời họ cũng để lại nhiều dấu ấn văn hóa khá đặc trưng về vùng miền, mà sinh động và thiết thực nhất là ở vùng tứ giác Long Xuyên và U Minh Thượng. Rất tiếc là các di tích của nền văn minh ấy chỉ cho chúng ta thấy rằng, nền văn minh ấy chỉ hứng khởi lên khoảng vài trăm năm rồi bị chìm lấp trong lòng đất miền Tây, với những hình ảnh hư ảo còn lại của một vương quốc Phù Nam trong sử sách.
Công cuộc mở đất phương Nam chỉ thật sự định hình từ những cuộc di dân lớn của người Việt ở đầu TK 17. Chỉ đến khi nhà Nguyễn tiến hành những cuộc di dân theo cách qui mô từ vùng Ngũ Quảng trở vào - Quảng Nam, Quảng Bình, Quảng Trị, Quảng Đức (Thừa Thiên), và Quảng Nghĩa(Quy Nhơn), kết hợp với sự di dân lẻ tẻ sau thất bại của nhà Minh trước triều Mãn Thanh (do Dương Ngạn Địch, Trần Thắng Tài và Mạc Cửu cầm đầu), cùng với việc di dân lẻ tẻ trước TK 15 của những lớp cư dân cổ Khmer đến từ nhiều vùng trên đất nước Campuchia, tràn về theo sông Tiền, sông Hậu để tránh họa diệt tộc của vua chúa Xiêm La, và sự di dân tự nhiên của người Chàm Hồi giáo đến vùng Châu Đốc, kết hợp với quá trình chuyển cư tại chỗ của cộng đồng các tộc người để lập làng lập ruộng, vùng văn hóa mang bản sắc miền Tây Nam Bộ mới thật sự hình thành. Nhờ quá trình sinh sống gần gũi giữa các cộng đồng dân tộc tạo nên những tiếp xúc văn hóa với nhiều đặc trưng khác nhau, làm nên tính chất văn hóa, kinh tế của một vùng đất miền Tây rộng lớn. Đây là một vùng văn hóa trẻ, phong phú, đa dân tộc, đa tôn giáo và đa màu sắc. Song những đặc trưng văn hóa của các tộc người anh em khác vẫn tồn đọng sâu đậm trong nông thôn của nhiều vùng - đặc biệt là những vùng có tính chất khu biệt như Trà Vinh, Sóc Trăng, Bạc Liêu, An Giang, Kiên Giang và Cà Mau.
Kết quả hình ảnh cho văn hóa óc eo
Cổ vật văn hoá Óc Eo
Từ giả thuyết trên chúng ta có thể suy diễn rằng tổ tiên chúng ta là sự kết hợp của những tàn quân Tây Sơn lánh nạn để thoát vua Gia Long đến từ vùng Ngũ Quảng và An Khê (Pleiku) cộng với sự di dân của nhà Minh trước triều Mãn Thanh, sự di dân của người Khmer để tránh sự diệt chủng của vua chúa Xiêm La và người Chàm hồi giáo. Dần dần họ trở thành những nhà nông biết trồng trọt lúa gạo, biết dựng nhà, đóng thuyền, luyện kim, dệt vãi, chế tạo đồng thao, vẽ tranh tạc tượng, suy nghĩ khoa học và cũng có thể sáng tạo được chữ viết. Và cũng do sự tình cờ của lịch sử hơn nghìn năm dài Bắc thuộc và hơn trăm năm lệ thuộc Pháp đã đóng góp nhiều cho nền văn hóa miền Tây…
Để tìm hiểu đặc trưng văn hóa miền Tây, tất nhiên phải quan sát tính cách con người để xem xét. Bởi vì con người là chủ nhân của mọi ngôn ngữ và hành động, tác động sâu sắc đến âm nhạc, văn học, cũng như kiến trúc, những lễ hội và phong tục. Chúng ta thử tìm hiểu những nét đặc sắc của nền văn hóa miền Tây như tết Nguyên Đán, tết Trung Thu, tết Thanh Minh, tục thờ cúng và làm giỗ Ông Bà và tổ tiên, lễ cưới hỏi, lễ cúng trăng với đua ghe Ngo Sóc Trăng, lễ Phật Đản và Vía Bà Châu Đốc, dân ca miền Tây và Chợ nổi Cái Bè, Cái Răng, Ngã Bảy…
Theo Đna Thích