Nhà ở của người Chăm phản ánh rõ tính chất mẫu hệ của gia đình người Chăm. Ngôi nhà tục (thang yơ) được làm trước tiên. Nhà gồm 2 gian 1 chái chạy dài theo hướng đông - tây, với gian phía đông được làm kho thóc, gian và chái phía tây là nơi ở đầu tiên của vợ chồng con gái nhà chủ. Khi người em gái lấy chồng, vợ chồng cô chị sẽ nhường thang yơ cho em và chuyển sang thang mưyâu, được dựng song song với thang yơ. Ngoài ra, trong khuôn viên còn có nhà ngang (thang gan), nơi nghỉ ngơi của cha mẹ và các người con chưa lập gia đình; nhà bếp (thang gin) là nơi nấu nướng của gia đình. Ngoài nhà bếp nằm riêng, ba nhà kia được nối liền nhau bằng một số cửa và hệ thống máng nước giữa các mái tiếp xúc nhau. Vây quanh khuôn viên là một hàng rào cây khô ken dày với một cổng ra vào (thường lùi vào bên trong hàng rào một đoạn) quay về hướng nam hoặc tây nam.
Mặt trước ngôi nhà chính trong khối nhà ở người Chăm
Có thể nói, một trong những di sản văn hóa dân gian đặc sắc nhất của người Chăm ngày hôm nay là những lễ hội truyền thống. Những lễ hội truyền thống này chủ yếu phổ biến và thịnh hành ở người Chăm Nam Trung Bộ (gồm người Chăm Bàlamôn và phần nào đấy gồm cả người Chăm Bàni). Có những lễ hội mang tính định kỳ thường niên như lễ Pơh Mbăng Yang và Rija Nưgar vào tháng Giêng (lịch Chăm), lễ cầu đảo tại các tháp (Yôr Yang) và lễ cầu đảo tại các cửa biển (Plao Pasah) vào tháng 2, lễ Mbăng Kate tưởng nhớ các vị anh hùng và ông bà tổ tiên vào tháng 7, lễ chặn nguồn nước (kap hlâu krong) vào tháng 8, lễ Mbăng Chambur vào tháng 9. Ngoài các lễ hội lớn mang tính cộng đồng, người Chăm còn thực hành một loạt nghi lễ cho cây lúa, như: lễ dựng chòi cày, lễ cúng thần ruộng lúc lúa đẻ nhánh, lễ cúng lúa làm đồng và lễ mừng lúa về nhà. Mỗi khi cần giải hạn hay cầu mong điều gì đó, các gia đình vá các dòng họ còn tổ chức các lễ múa khác nhau, như: lễ múa lớn, lễ múa ngày và lễ múa đêm. Có những lễ hội lớn chỉ được tổ chức mấy năm một lần như lễ chém trâu tế thần ở núi Đá Trắng. Các lễ hội của người Chăm cũng có những nét tương đồng với các lễ hội của các dân tộc khác trên thế giới. Ví dụ, lễ hội Rija Nưgar đầu năm của người Chăm rất gần với tết năm mới của người Khmer, người Lào, người Thái, người Mianma; lễ hội Kate có hình thức và nội dung như các lễ cầu thần của những dân tộc theo đạo Hindu, còn lễ hội Ramuwan của người Chăm (đặc biệt là người Chăm ở An Giang) thì là tháng chay của cả thế giới Hồi giáo. Các lễ hội của người Chăm bao giờ cũng được tổ chức một cách rất bài bản, trật tự, hình thức và luôn có những người hành lễ riêng cho từng loại lễ hội.
Lễ hội Kate: là lễ hội lớn nhất trong năm của người Chăm được tổ chức vào những ngày đầu tháng 7 lịch Chăm (khoảng tháng 10 Dương lịch) để tưởng nhớ các vị vua, nữ thần Po Nugar, các anh hùng dân tộc và ông bà tổ tiên. Lễ được tổ chức tại các lăng tháp và có quy mô lớn. Tối ngày cuối tháng 6, các ông thầy làm lễ tại các nơi giữ đồ lễ của vua để xin phép được đưa lễ phục và các đồ lễ khác lên lăng, tháp. Sáng hôm sau, ngày đầu của tháng 7, là ngày lễ hội tưng bừng đưa lễ phục lên lăng, tháp. Các thầy phải làm lễ xin thần Shiva cho phép mở cửa tháp với vật lễ: rượu, trầu cau và nước pha trầm tắm tượng. Sau đấy là những nghi lễ trang trọng như thay y, tắm tượng, cúng tế...trong lăng, tháp và bên ngoài. Những vật lễ bầy ra trước bàn thờ gồm rượu, trầu cau, nước ngọt, dê, cá và gà. Đặc biệt trong các loại bánh luôn có bánh tét (âm), bánh gan tay (dương), bánh gừng. Sau lễ lớn tại lăng, tháp, đồng bào còn làm lễ cúng ông bà, tổ tiên tại nhà, đi thăm viếng nhau, tổ chức các cuộc chơi, ăn uống... trong ba ngày liền. Trong lễ hội Kate thì đàn Kanhi (một loại đàn kéo dây) được dùng. Đàn Kanhi có hai dây, hình dáng giống đàn nhị của người Việt, chỉ khác bầu cộng hưởng của nó làm bằng mai con rùa vàng.
Lễ rước y trang vào ngày đầu tháng 7
Tết Ramuwan là lễ hội lớn nhất và quan trọng nhất đối với người Chăm theo đạo Hồi. Nhưng do tách khỏi cộng đồng Hồi giáo thế giới từ lâu, nên ở lễ Ramuwan của người Chăm Bàni tại hai tỉnh Ninh Thuận và Bình Thuận, những quy định nghiêm ngặt của đạo Hồi đã giảm đáng kể. Ví dụ, trong tháng chay, chỉ những Po Acar (những người đã gia nhập vào hàng ngũ các tu sĩ) là tập trung tại thánh đường để thực hiện ăn chay cho tất cả cộng đồng; mọi người chỉ tham gia vào các lễ thức trong ba ngày đầu trước khi bước vào tháng chay. Để khởi động cho mùa chay, vào cuối tháng 8 Hồi lịch, người Chăm Bàni tổ chức đi tảo mộ. Với những lễ vật đơn giản như bánh trái, rượu trứng, ấm trà, mọi người trong tộc họ và trong làng đến nghĩa địa từng gia tộc để làm sạch cỏ, làm lễ tẩy uế phần mộ và mời tổ tiên về dự lễ cúng gia tiên. Sau khi tảo mộ về, các gia đình làm bàn thờ để dâng lễ vật cho tổ tiên. Trong ngày cúng gia tiên, mọi người trong gia đình đều ở nhà để họp mặt với tổ tiên và cầu mong được phù hộ độ trì. Chỉ sau khi cúng tổ tiên xong, mới bắt đầu ngày đầu của tháng Ramuwan. Tuy không phải ăn chay, nhưng trong tháng chay, mọi người ngày ngày vẫn mang cơm nước đến thánh đường cho các tu sĩ ăn tối hay đem lễ vật đến dâng lên thánh Allah. Các tu sĩ sẽ đọc kinh, cầu nguyện 30 ngày trong thánh đường. Sáng ngày thứ 30, các tu sĩ chuẩn bị cho lễ đổi gạo, hay còn gọi là bố thí. Gạo là do gia đình tu sĩ và các tín đồ mang tới. Hình thức chia căn cứ vào số lượng người của các gia đình, kể cả người sống và người chết. Chia xong, các gia đình cử người đến mang những thứ đuợc chia về và phân phát cho từng người như là lộc. Đến buổi chiều, các tu sĩ lại bắt đầu đọc kinh, cầu nguyện, chuẩn bị cho thủ tục quan trọng cuối cùng là đưa cây thánh ra ngoài vào sáng hôm sau. Không ai biết cây thánh có từ bao giờ. Chỉ biết được nó là vật truyền từ đời này sang đời khác. Người Chăm Bàni tin rằng lễ đưa cây thánh ra ngoài diễn ra trọn vẹn thì năm đó cả làng sẽ được phước lớn. Sáng ngày thứ 31, tại thánh đường, toàn thể chức sắc, tu sĩ và tín đồ trong cả làng làm lễ kết thúc tháng Ramuwan. Họ đọc kinh cầu an lành cho muôn người. Sau đó mọi người về lại gia đình mình mở đầu cho một năm mới sau tháng chay tịnh.
Lễ tảo mộ trước khi bắt đầu mùa chay
Lễ Rija Praung: là lễ múa lớn nhất, phức tạp nhất và cũng mang tính văn hóa nghệ thuật nhất của người Chăm. Lễ này chỉ diễn ra khi trong tộc họ có người bị bệnh tật. Đây là lễ trả nợ lời hứa cho bề trên (thần linh, tổ tiên) sau khi được phù hộ cho gia tộc yên vui, tai qua nạn khỏi. Lễ Rija Praung diễn ra 4 ngày 4 đêm hay 6 ngày 6 đêm gồm nhiều lễ thức khác nhau. Đầu tiên là lễ dựng nhà lễ bằng gỗ mới chặt trên rừng đem về. Tiếp theo, trong hai ngày hai đêm đầu, diễn ra lễ múa tôn chức vũ sư bên bàn tổ có những vật lễ tượng trưng cho đứa trẻ ra đời, lễ múa đón rước hai chiếc thuyền gỗ... Sang ngày thứ ba là lễ tiễn hai chiếc thuyền ra sông, có tục cúng để cống nạp (chỉ mang tính lễ nghi) hai đứa trẻ (thường là một bé trai và một bé gái khoảng 10 tuổi) cho đoàn thuyền. Trong lễ, hai nhóm đàn ông múa tranh nhau hai chiếc thuyền và hai đứa bé trong nhà lễ, bà vũ sư và thầy vỗ múa lắc lư hai chiếc thuyền. Sau đó, đoàn thuyền lễ được đem tiễn đi trên một dòng sông. Trong suốt cuộc lễ, ông chủ lễ hát từ mười đến mười hai bài tụng ca hay bài ca lịch sử khác nhau.Các nhạc công, vũ sư đệm nhạc và biểu diễn theo tinh thần nội dung bài hát. Bài tụng ca này tiếp nối bài tụng ca kia tạo nên nét phong phú đa dạng, xếp lớp lên nhau, đầy ắp nhịp cuồng vũ sôi nổi cảm xúc của các điệu nhạc, điệu múa. Trong lễ này, hai loại trống được dùng là trống Baranung và trống Ginang. Ngoài ra kèn Saranai cũng được dùng trong lễ này.
- Trống Baranung: là loại trống tròn, bịt da một mặt bằng da dê, thân trống bằng gỗ. Xung quanh thân trống có đục 12 lỗ, mỗi lỗ được giữ chặt bằng mỗi con nem và quấn dây mây xung quanh. Đây là bộ phận tăng giảm âm thanh và nốt nhạc của trống. Trống này được người Chăm xem là biểu trưng cho lồng ngực (tim, phổi, ngũ tạng), là biểu hiện cái tâm con người.
- Trống Ginang: là trống dài hình trụ. Thân trống thường làm bằng gỗ lim khoét rỗng bên trong. Hai mặt trống căng da. Mặt nhỏ căng da dê, mặt này người Chăm gọi là chang (mặt dương) vỗ bằng tay. Còn một mặt lớn căng da trâu, mặt này là mặt chính của trống mà người Chăm gọi là băm (mặt âm) và luôn đánh bằng dùi gỗ. Trống Ginang tượng trưng cho đôi chân con người.
- Kèn Saranai: đây là nhạc cụ thổi bằng hơi. Cấu trúc gồm 3 phần gắn liền nhau: phần chuôi (gali) làm bằng đồng, bên trong có gắn lưỡi gà bằng lá buông dùng để thổi; phần thân (rup) làm bằng gỗ đục rỗng 7 lỗ chính phía trên và 1 lỗ phụ ở phía dưới để điều khiển các nốt nhạc; và bộ thứ ba loa kèn làm bằng gỗ quí, sừng trâu, hoặc ngà voi, rỗng ruột và đây là phần phát âm thanh. Kèn Saranai có 5 nốt âm thanh tượng trưng cho 5 ngũ quan của con người. Theo quan niệm người Chăm về 3 loại nhạc cụ: trống Baranung, trống Ginang, kèn Saranai là tượng trưng cho con người và một vũ trụ thu nhỏ (trời, đất) hoàn chỉnh. Do vậy khi biểu diễn 3 nhạc cụ này không được tách rời nhau mà luôn hòa quyện với nhau, trong đó kèn Saranai là nhạc cụ chủ đạo. Ba nhạc cụ này đã tạo nên linh hồn cho lễ hội Chăm.
ST