Tôi dám đánh cuộc, chưa tới 20% những người niệm câu trên biết nghĩa của câu niệm Phật trên. Và vì vậy, họ cũng không biết đang niệm ai với mục đích gì.
Hầu như mọi người đều nghĩ đến Phật Thích Ca là Thượng Sư, vì vậy khi niệm câu trên đa số đều nghĩ tới Phật tổ Như Lai hay Thích Ca. Thực ra, đây là một câu niệm một ông Phật hoàn toàn khác là Phật A Di Đà. Vậy thì A Di Đà là ai, quan hệ với Phật Thích Ca, Phật Tổ Như Lai thế nào, và tại sao chúng ta lại niệm Phật A Di Đà chứ không niệm Nam Mô Thích Ca Mầu Ni Phật.
Phật A Di Đà (Amithabha) còn gọi là Vô Lượng Quang Phật hay Vô Lượng Thọ Phật. Ông là Phật quan trọng nhất trong Tịnh Độ Tông của phái Đại Thừa. Tịnh Độ còn có thể phiên âm là Tịnh Thổ. Tịnh là thanh tịnh, sạch sẽ, Thổ là miền đất. Tịnh Thổ tiếng Anh dịch là Pure Land, chỉ một vùng đất tương tự như Tây Phương Cực Lạc. Phái Tịnh Độ chủ trương giúp Phật tử vãng sinh về Tịnh Thổ, bằng cách niệm "Nam mô A Di Đà Phật" càng nhiều càng tốt, ngày tối thiểu 10 lần. Phương pháp này có phảng phất tư tưởng Mật Tông, cho rằng câu chữ trong lời niệm chú có linh hồn và được nuôi dưỡng nhờ việc chú. Khi chú sẽ tạo thành "tha lực" giúp người niệm có năng lực vãng sinh về Tịnh Độ.
Phật A Di Đà là hiện thân của Từ Bi và Trí Tuệ. Sinh thời Ngài là một vị vương tên là Thế Nhiêu, quy y theo Phật lấy pháp danh là Pháp Tạng, sau đại ngộ thành Phật với Phật hiệu A Di Đà. Phật A Di Đà thường được thờ chung với hai vị Bồ Tát là Quán Thế Âm và Đại Thế Chí. Trong lời niệm của Đại Thừa cũng có "Nam mô Quán Thế Âm Bồ Tát" và "Nam mô Đại Thế Chí Bồ Tát".
Rất nhiều người nhầm "Quán Thế Âm" thành "Quan Thế Âm". Quán là bao trùm, thông suốt, Thế Âm là âm thanh của thế gian. Ngài lắng nghe mọi âm thanh, tiếng kêu cứu của nhân gian để cứu độ. Đến đời Đường, do kiêng húy của Đường Thái Tông Lý Thế Dân nên gọi là "Quán Âm", có người phiên âm Hán Việt thành "Quan Âm", sau trở thành phổ biến mà quên mất nghĩa. Quán Thế Âm Bồ Tát được đề cao trong Phật giáo Đại Thừa, chỉ các vị tu hành nguyện không cốt thành Phật một mình mà nguyện cứu độ chúng sinh. Đại thừa cho rằng Quán Thế Âm Bồ Tát quan trọng thứ hai sau Phật A Di Đà. Sau này Phật giáo Trung Hoa cho rằng Quán Thế Âm Bồ Tát là Phật Bà và là một trong bốn vị Đại Bồ Tát bên cạnh Đại Thế Chí, Văn Thù và Phổ Hiền. Theo Phong Thần Diễn Nghĩa, Quán Thế Âm là một kiếp của Từ Hàng Đạo Nhân.
Đại Thế Chí Bồ Tát, khi sinh thời là vương tử Ni Ma, con trai thứ hai của Phật A Di Đà. (Trái với nhiều người tin rằng người có sinh hoạt Nam Nữ không thành Phật được. Phật A Di Đà cũng như Phật Thích Ca đều có vợ con.) Đại Thừa cho rằng, khi Quán Thế Âm Bồ Tát thành Phật, sau khi trải qua nhiều kiếp, Đại Thế Chí Bồ Tát sẽ thay thế Ngài, cai quản trong thời vị lai.
Chúng ta niệm Nam mô A Di Đà Phật thiết tưởng cũng nên biết chút ngọn ngành, để cho việc niệm đó có chút ích lợi nào đó.