Cố nhiên bài này cũng chỉ bàn sơ sơ những vị chủ yếu. Vì hệ thống tượng trong đạo Phật, trộn lẫn cả học thuyết Ấn Độ và Trung Hoa, Việt Nam, mâu thuẫn không ít. Lại có cả khái niệm tam thân, cùng một cụ nhưng hóa thân, pháp thân và ứng thân lại thờ riêng thành các cụ khác nhau (ứng với các trừu tượng hóa hoặc cụ thể hóa khác nhau) ta sẽ bàn sau ở một status khác.
Tam Thế
Ở các chùa lớn, lớp trên cùng có tượng "Tam thế" hay "Thường trụ tam bảo". Khi nào nghe thầy niệm "Nam mô thường trụ tam bảo" chúng ta hãy hướng tâm hoặc nhãn về ba vị này. Vậy Tam thế là các cụ nào? Câu hỏi này khá phức tạp. Đơn giản nhất thì hiểu đó là pháp thân của các vị Phật cai quản Quá khứ, Hiện Tại và Vị Lai. Nhưng cụ thể hơn thì phải ngầy ngà một chút.Phật cai quản Hiện Tại là Thích Ca Mầu Ni hay Cồ Đàm (Gautama). Phật Vị Lai, theo nhiều thuyết là Phật Di Lặc (Matreya). Điều này hơi dễ hiểu lộn xộn, vì ta thường thấy Phật Di Lặc là ông Phật Mập, bụng to, cười tươi, nhưng cụ Vị Lai lại trông na ná như các vị Quá Khứ, Hiện Tại. Theo tôi chúng ta nên hiểu theo hai cách: Thời gian là vô tận nên có nhiều thời kỳ quá khứ và tương lai, mỗi thời kỳ có một vị Phật chủ trì. Vậy là tượng tương lai không chỉ riêng Phật Di Lặc mà tất cả các vị Phật sẽ tới trong tương lai, mà chúng ta mới nhận thức được Phật Di Lặc mà thôi, sau đó là cái gì, chúng ta chưa quan tâm, Phật Pháp cũng không bàn về những câu hỏi vu khoát siêu hình kiểu đó. Nhận thức thứ hai Phật Di Lặc và ông Phật Mập có khác nhau chút xíu. Ông Phật Mập thực ra là Di Lặc Bồ Tát là hóa thân (tạm hiểu là một kiếp) của Phật Di Lặc. Bồ Tát sau khi độ chúng sinh nhiều kiếp mới thành Phật. (Tất nhiên giữa Phật giáo Nguyên Thủy và Đại Thừa Bắc Tông có nhận thức khác nhau. Ta sẽ không sa vào tranh cãi ở đây)
Về cụ Quá Khứ lại càng phức tạp. Theo Phật giáo Nguyên Thủy (Theravada), chúng ta sống trong kỷ nguyên thứ hai. Mỗi kỷ nguyên có nhiều thế đại. Mỗi thế đại có một Phật trị vì, chịu trách nhiệm về loài người mà chúng ta biết. Chúng ta đang ở thế đại thứ tư, do Phật Hiện tại Cồ Đàm (Gautama) hay Thích Ca Mầu Ni cai quản. Trong cùng kỷ nguyên, trước cụ Thích Ca đã có 3 cụ đàn anh. Trước 3 cụ đàn anh là kỷ nguyên khác, đã từng có chẵn 1000 cụ. Chúng ta sẽ không bàn về các vấn đề vu khoát kiểu như trước 1000 cụ này là ai, mỗi cụ trị vì bao lâu, Big Bang xuất hiện lúc nào. Đó không phải là quan tâm của Đạo Phật, hay nói một cách khác Đạo Phật không biết câu trả lời cho những thứ vô ích đó.
Có điều, trong số 1005 cụ, chỉ vài cụ có tên tuổi. Có cụ có tên Hán Việt, có cụ chúng ta chỉ biết tên Ấn Độ. Thiết tưởng cũng nên điểm qua tên vài cụ để tường lãm.
Đức Phật thứ ba trong kỷ nguyên ta đang sống là Kassapa, chúng ta gọi là Ca Diệp Phật. Cụ cai trị thế giới trước khi Phật Thích Ca tiếp nhận. Nhưng cụ thể là thời điểm nào, tôi nghi là không ai trả lời được thỏa đáng. Nếu có đi chăng nữa chắc mâu thuẫn với người khác và với chính mình. Vậy là, khi Thái Tử Tất Đạt Đa lấy vợ, sinh con, rồi bỏ nhà ra đi, ngồi tu dưới gốc Bồ Đề, rồi Đại Giác Ngộ, đều phải có các thời điểm. Các thời điểm đó rơi vào thế đại 3 hay 4? Ý kiến của cụ Ca Diệp thế nào, sao không thấy phát biểu chỉ đạo, bàn giao công tác? Các bạn có thể lên chùa hỏi sư? Nhưng đừng quá tin vào câu trả lời. Sư không biết gì hơn bạn. Nếu có trả lời chắc là một loại thông tục hóa giống trả lời dành cho trẻ con cho vui thôi.
Trước cụ Ca Diệp là Đức Phật thứ hai tên gọi Koganamana (Nếu bạn cố học thuộc, tôi không dám đảm bảo bạn sẽ không lẩn thẩn), tên Việt là Cù Na Hàm Mầu Ni Phật. Đa số chưa nghe tên này bao giờ. Thành thực mà nói, tôi cũng thế. Cụ Cả tên là Kakusandha, tên Việt là Cù Lưu Tôn. Nếu bạn đọc Phong Thần Diễn Nghĩa, bạn sẽ thấy có cụ này tham gia đánh nhau với vua Trụ. Bạn đừng hỏi tôi có thật thế không, tại sao lại thế. Theo tín ngưỡng Trung Quốc, các nhân vật tôn giáo đều trộn hầm bà làng, trong Phong thần còn vài cụ nữa tôi sẽ điểm tên sau.
Trước cụ Cù Lưu Tôn là kỷ nguyên khác có 1000 thế đại. Phật Giáo cũng không biết hết tên các cụ. Có mấy cụ quan trọng sau đây:
Cụ 1000 tên là Vessabhu, chưa có tên Việt. May mà người Thái đã có tên cho cụ này. Tôi phiên theo âm Hán Việt là Tây Đắc Khắc Tát Tư Sơn Phật, tôi xin lấy quyền của người gọi tên đầu tiên, đặt lại là Tây Tư Sơn cho ngắn gọn, dễ nhớ. Cụ 999 là Sikhi, chưa có tên Việt, tôi phiên âm tiếng Việt qua tiếng Thái (Người Thái đã có tên cho cụ này, biết hơn ta) là Triệu Cơ Phật. Cụ 998 tên là Vepassi, cũng chưa có tên Việt. Người Thái cũng biết tên cụ này. Tôi phiên âm Hán Việt tên Thái cho dễ đọc là Tinh Thần Niệu Sắc Phật. Bạn đừng nhìn vào nghĩa Hán Việt tên Cụ Vepassi, vì nó sẽ thử thách sự trang nghiêm của bạn

Ngoài ra còn một số cụ cổ hơn lại có tên Việt (chắc nhờ người Trung Quốc). Cụ Dipankara có tên là Nhiên Đăng (hay thỉnh thoảng chúng ta còn nghe Nhiên Đăng Thượng Cổ Phật, chính là cụ này). Cụ này cũng có đánh nhau trong Phong Thần, hình như đứng về phe Trụ Vương, thua trận chán quá sang phương Tây thành Phật. Nếu bạn nào thích các câu hỏi "khoa học" lẩn thẩn có thể quy thời đại của cụ ra sau thời vua Trụ.
Tôi nghĩ rằng, dày vò độc giả với các Phật Quá Khứ như thế cũng tạm đủ. Hy vọng, bạn sẽ thấy nản, đừng làm việc vô nghĩa là đi tìm hiểu về từng cụ, mặc dù cũng có một số truyền thuyết. Như vậy, chúng ta có thể quan niệm, tượng Phật Quá khứ trong chùa là biểu tượng cho tất cả các Phật Quá Khứ. Do đó, hình dáng cụ thể của các cụ thế nào không quan trọng lắm. Điều mà bạn thu hoạch được là nếu ai giải thích Phật Quá Khứ là Phật A Di Đà (tôi đã thấy có người, có nơi giải thích thế) thì bạn biết đó là bốc phét nhảm.
Tìm hiểu dài dòng như thế nhưng chúng ta mới hiểu xong lớp tượng Phật thứ nhất. Tôi sẽ nói về các lớp tiếp theo ở status khác.
Tam Tôn
Bài trước đã nói về Tam Thế, thờ 3 "Pháp thân" của chư Phật Quá Khứ, Hiện Tại, Vị Lai. Không dám hy vọng các bạn nhớ được Nhiên Đăng, Cù Lưu Tôn, Ca Diệp, Cù Na Hàm Mâu Ni, Tây Tư Sơn, Triệu Cơ, Tinh Sắc. Nhưng đoan quyết trong Tam Thế không có A Di Đà.Lớp tượng thứ hai gọi là Tam Tôn. Để hiểu Tam Tôn bạn cần hiểu khái niệm Báo Thân của Đạo Phật. Báo Thân là thể hiện của Phật ở các thế giới Tịnh Độ, Tây Phương Cực Lạc, khi các ngài đã thành Phật ngồi trên Tòa Sen giảng đạo. Pháp Thân mang tính ý thức vũ trụ, chỉ đạo về ý thức hệ, Báo Thân có vẻ giống hành pháp hơn, có ban bệ cấp bậc. Đại khái giống tổ chức nhà nước của ta, là một hệ thống ngành dọc khác, nhưng chịu chỉ đạo của Tam Thế. Tổ chức chặt chẽ cấp bậc thế này không có trong Nam Tông, hay Phật Giáo Nguyên Thủy. Nếu bạn sang Miến Điện sẽ thấy thờ các Phật ở cấp Tam Thế nhiều hơn. Nhưng Tam Tôn là những ai?
Ở chính giữa Tam Tôn là Phật A Di Đà. Hai bên là hai vị Bồ Tát là Quán Thế Âm và Đại Thế Chí. Cụ A Di Đà cũng là một vị vương tử người Ấn Độ, theo Phật đạt được giác ngộ. Là Phật quan trọng nhất của Bắc Tông, Đại Thừa. Khi thầy nói "Nam Mô A Di Đà Phật", "Nam Mô Quán Thế Âm Bồ Tát", "Nam Mô Đại Thế Chí Bồ Tát" bạn nên hướng về Tam Tôn. Phật A Di Đà đại diện cho Từ Bi và Trí tuệ. "Quán Thế Âm Bồ Tát" lắng nghe chúng sinh để cứu khổ cứu nạn. Tôi không biết tại sao khi rảnh các cụ không tổ chức đi diệt các nguồn khổ nạn, tham nhũng, mà lại đợi nó xảy ra rồi mới ngồi nghe thỉnh cầu. Có lẽ đó là tư duy chưa được nhà Phật cho lắm. "Đại Thế Chí Bồ Tát" là đại dũng, đại lực, tư duy, ý chí mạnh mẽ. Cụ này toàn năng mạnh mẽ, nên mới đủ sức diệt tà, khử ác, thông minh mưu mẹo, nhưng cũng bền bỉ, vượt gian khó. Tuy ít nghe nói hơn, nhưng bạn cũng nên niệm cụ này nhiều hơn một chút, nếu đã lên chùa thường xuyên.
Bạn đã biết về Tam Tôn, cố gắng khi niệm để tâm và nhãn hướng về các cụ sẽ có hiệu quả hơn, thay vì nhắm mắt, hay láo liên chẳng tập trung vào đâu hoặc thất thần nhìn lên nóc nhà.
Tam Thánh
Bài trước đã nói về Tam Tôn là Báo Thân. Dưới Tam Tôn là Tam Thánh hay còn gọi là Hoa Nghiêm Tam Thánh vì theo tinh thần của kinh Hoa Nghiêm.
Tùy chùa, việc chọn Tam Thánh có thể khác nhau. Bắc Tông, Đại Thừa phần lớn chọn Tam Thánh như sau: Giữa là Như Lai (hay Thích Ca Mầu Ni), hai bên là Văn Thù Bồ Tát, cưỡi trâu xanh và Phổ Hiền Bồ Tát, cưỡi voi trắng. Đôi khi các vị này cũng đứng hoặc ngồi trên Tòa Sen. Nhìn chung bộ ba này phổ biến gần như khắp nơi ở Trung Quốc, nơi chuộng màu sắc, đường nét tạo tín ngưỡng sợ sệt.
Ở Việt Nam, về các tỉnh phía Nam càng phổ biến, nhiều chùa có Tam Thánh là Phật Thích Ca và 2 đệ tử của ngài là Ca Diếp, mặt già và A Nan Đà, mặt trẻ. Các vị này thường đứng và có vẻ thân thiện hơn. Một số chùa cổ như Dâu, Keo ở miền Bắc cũng có bộ Tam Thánh này.
Tại sao Phật Thích Ca lại ở dưới Tam Tôn: A Di Đà, Quán Âm và Đại Thế Chí? Về nguyên tắc, Phật phải hơn Bồ Tát chứ. Có thể có người "ngụy biện": trên dưới, trước sau không thành vấn đề. Nói thế là dựa vào văn hóa Tây, ở Á Đông, trên dưới trước sau đi với chính danh, cực kỳ quan trọng.
Mấu chốt là hàng Tam Thánh gắn liền với Hóa Thân. Hóa Thân là Phật, Bồ Tát nhập vào xác phàm để đến với chúng sinh. Hóa Thân cũng ốm đau, đói khát, sinh diệt như chúng sinh, tuy có thể có thần thông như thiên nhãn, thiên nhĩ, thiên thủ. Nói một cách khác, đây là các cán bộ được cử về hạ phóng tại các cơ sở, để thực thi chính sách của các tầng trên. Như vậy, Hóa thân của Phật Thích Ca, tức là thái tử Tất Đạt Đa, thậm chí cả khi ngài đã giác ngộ, cũng thấp hơn Phật A Di Đà và các Bảo thân Bồ Tát như Quán Âm và Đại Thế Chí ở Tịnh Thổ.
Tôn giả Ca Diếp là đệ tử số 1 của Phật, đến giác ngộ bằng trí tuệ. Ngài thông minh đến nỗi, khi Phật Tổ thuyết giảng, cầm một cành hoa giơ lên, ngài đã mỉm cười. Tôi rất thích cụ này, và nếu theo đạo Phật sẽ chọn cụ này làm quan thầy. Tôn giả A Na Đà, giác ngộ bằng đạo hạnh và niềm tin. Nhìn chung những người kém về trí tuệ vẫn có thể giác ngộ, nếu kiên tín, đi đúng đường, giữ đạo hạnh và có người hướng dẫn tốt. Đạo Khổng cũng coi trọng yếu tố đức hạnh cùng với trí tuệ. Chẳng hạn các thầy Tử Cống, Tử Lộ, Tử Hạ đều thông minh, nhiều khi cả gan đấu lý với thầy. Nhưng các thầy như Nhan Uyên, Tăng Sâm đều mạnh về đức hạnh.
Tuy vậy, sau khi Phật mất chính Ca Diếp là người ghi chép, san định lại các lời giảng của ngài và ghi lại các Phật sự. Vì vậy, nói theo đạo Phật không cần trí tuệ là một niềm xuẩn tín. Trí tuệ không phải là đủ để giác ngộ nhưng là cần.
Có một điều đáng lưu ý, trong khi Bắc Tông niệm "Nam Mô Phổ Hiền Bồ Tát" và "Nam Mô Văn Thù Bồ Tát", Nam Tông không niệm "Nam Mô Ca Diếp Tôn Giả" hay "Nam Mô A Nan Đà Tôn giả".
Cửu Long
Lớp cuối trên chánh điện của Chùa thường có thêm Cửu Long là lệ bộ cuối cùng. Cửu Long mô tả Phật Thích Ca lúc sơ sinh, với chín con rồng, chư thần và chư Phật vây quanh.
Về mặt điêu khắc, kiến trúc thì tinh xảo và kỳ công. Về mặt tôn giáo, tôi cho lớp này là thể hiện chính sách của cấp cao phổ biến về cấp xã, không thấy triết lý gì đặc biệt, nhưng có thể có sức hấp dẫn đối với quảng đại quần chúng.
Hai bên Cửu Long có thể có hai vị vua đi hia, đội mũ đế vương, mặt mũi phương phi. Đó là mô tả Việt Nam hóa của hai vị Đế Thích và Phạm Vương.
Đế Thích là thần Indira, phiên âm từ Thích (Chakra) Đế hoàn (Deva). Sang đến Trung Quốc thì Đế Thích trở thành Ngọc Hoàng Thượng Đế. Phạm Vương là Brahma, thần tượng chính trong bộ ba thần tượng trong đạo Hindu. Việc đưa Đế Thích và Phạm Vương là nhân vật của Ấn Độ giáo vào thờ chung thể hiện chính sách mặt trận, liên kết tín đồ ở cấp xã. Ở một số chùa khác, hai bên Cửu Long có thể có Văn Thù và Phổ Hiền.
Như vậy, hệ thống tượng Phật trên chánh điện thể hiện Tam Thế (Pháp thân, chỉ đạo về chính sách), Tam Tôn (Báo thân, thực thi đưa các vong linh về Tịnh Thổ), Tam Thánh (Hóa Thân, hạ phóng xuống giới Ta Bà để độ chúng sinh, triển khai chính sách). Cửu Long thể hiện tính đoàn kết mặt trận.
Tiếp sau đây chúng ta sẽ xem xét các quần thể tượng phụ hơn ngoài hoặc cạnh chính điện.
Về mặt điêu khắc, kiến trúc thì tinh xảo và kỳ công. Về mặt tôn giáo, tôi cho lớp này là thể hiện chính sách của cấp cao phổ biến về cấp xã, không thấy triết lý gì đặc biệt, nhưng có thể có sức hấp dẫn đối với quảng đại quần chúng.
Hai bên Cửu Long có thể có hai vị vua đi hia, đội mũ đế vương, mặt mũi phương phi. Đó là mô tả Việt Nam hóa của hai vị Đế Thích và Phạm Vương.
Đế Thích là thần Indira, phiên âm từ Thích (Chakra) Đế hoàn (Deva). Sang đến Trung Quốc thì Đế Thích trở thành Ngọc Hoàng Thượng Đế. Phạm Vương là Brahma, thần tượng chính trong bộ ba thần tượng trong đạo Hindu. Việc đưa Đế Thích và Phạm Vương là nhân vật của Ấn Độ giáo vào thờ chung thể hiện chính sách mặt trận, liên kết tín đồ ở cấp xã. Ở một số chùa khác, hai bên Cửu Long có thể có Văn Thù và Phổ Hiền.
Như vậy, hệ thống tượng Phật trên chánh điện thể hiện Tam Thế (Pháp thân, chỉ đạo về chính sách), Tam Tôn (Báo thân, thực thi đưa các vong linh về Tịnh Thổ), Tam Thánh (Hóa Thân, hạ phóng xuống giới Ta Bà để độ chúng sinh, triển khai chính sách). Cửu Long thể hiện tính đoàn kết mặt trận.
Tiếp sau đây chúng ta sẽ xem xét các quần thể tượng phụ hơn ngoài hoặc cạnh chính điện.