Cầu Trường Tiền - Trần Đức Anh Sơn

Bài 1: TRƯỜNG TIỀN TẠP LỤC

Trần Đức Anh Sơn

Trong hình ảnh có thể có: cầu, ngoài trời và nước

1. Cầu Trường Tiền trong dặm dài lịch sử

Cầu Trường Tiền được khởi công xây dựng từ năm 1897, đến năm 1899 thì hoàn tất. Việc xây dựng cầu bấy giờ do Công ty Eiffel thực hiện với kinh phí 400 triệu đồng đương thời.[1] Sách Đại Nam nhất thống chí (ĐNNTC, bản in đời Duy Tân), ở mục Tân độ thuộc Thừa Thiên Phủ có ghi: “Bến đò Trường Tiền: ở bến đò ngang quan lộ, phía đông nam Kinh Thành Huế. Năm Thành Thái thứ chín (1897) cải tạo cầu sắt”.[2] Mục Kiều lương của sách này lại chép: “Cầu sắt Trường Tiền: ở đông nam Kinh Thành: bờ bắc thuộc về phường Đệ Nhất, tổng Phú Xuân, huyện Hương Trà; bờ phía nam thuộc phường Đệ Bát. Khởi làm năm Thành Thái thứ 9 (1897). Cầu có sáu gian, mỗi gian 66 thước 8 tấc 5 phân, bề ngang 6 thước 2 tấc, trọn bề dài 401 thước 1 tấc đến năm Thành Thái thứ 11 (1899) mới xong: qua ngày 2 tháng Tám năm 16 (1904) bị gió bão sập hết bốn gian, còn lại hai gian, năm thứ 18 (1906) xây sửa lại”.[3] Tuy nhiên, theo Hoàng Việt Giáp tí niên biểu thì đến năm Thành Thái thứ 12 (1900) cầu mới làm xong.[4]
Về thời điểm ra đời của cầu Trường Tiền, vào năm 1987, trên tạp chí SH, đã có một cuộc trao đổi thú vị giữa thi sĩ Quách Tấn và nhà nghiên cứu Hồ Tấn Phan (cùng với con gái ông là Hồ Thị Thu Trang). Ở đây tôi không dám bàn về điều này, chỉ bày tỏ ý kiến của mình rằng, theo nhiều sử sách và tài liệu đương thời để lại thì cầu Trường Tiền chỉ có thể được xây dựng vào năm 1897 thời Thành Thái. Bộ ĐNNTC khởi biên vào dưới triều Tự Đức (1848 - 1883), ghi chép những việc xảy ra từ năm 1865 trở về trước, quyển I, phần Kinh sư, có đoạn: “Trước tới sông Hương có hai bến đò, bến cửa Chính Nam và bến cửa Đông Nam (tức bến Nhà Đồ và bến Thương Bạc). Ba mặt tả hữu và sau thành đào sông Hộ Thành, đều bắc cầu gỗ...”.[5] Điều này góp phần khẳng định trước năm 1865, ở mặt nam Kinh Thành, bên sông Hương chỉ có các bến đò chứ không có chiếc cầu nào.
Sau này, thi sĩ Ưng Bình Thúc Dạ Thị có bài thơ Cầu Trường Tiền hiện thời, trong đó có hai câu:
Trường Tiền bến cũ có đã lâu
Thợ ở bên Tây đến bắc cầu[6]
Hai câu thơ này là một trong những chứng cứ giúp thêm vào việc khẳng định cầu Trường Tiền do Pháp xây dựng, chứ không phải là cầu Trường Tiền có từ triều Lê Thánh Tông (1460 - 1497), như giả thuyết của nhà thơ Quách Tấn. Nhân đây, tôi cũng xin dẫn một giai thoại có liên quan đến việc ra đời cầu Trường Tiền. Vào năm 1898, khi thực dân Pháp tăng thuế để lấy kinh phí xây dựng cầu Trường Tiền, bà Từ Dũ, mẹ vua Tự Đức đã đích thân sang gặp Khâm sứ Trung Kỳ để xin giảm thuế cho dân. Chính phủ bảo hộ Pháp đã không giảm thuế mà trả lời bằng những “câu ca” rất độc đáo:
Ngày xưa vua Việt cầm quyền
Cớ sao không bắc cầu Trường Tiền mà qua
Trách Tây hay đánh thuế ta
Cầu Trường Tiền Tây bắc, Tây không qua một mình[7]
Lúc mới ra đời, cầu được đặt tên là cầu Thành Thái vì được xây dựng dưới triều Thành Thái (1889 - 1907). Năm 1919, cầu được đổi tên là Clémanceau, mang tên vị Thủ tướng nước Pháp đương thời. Năm 1945, sau sự kiện “Nhật hất cẳng Pháp” (9.3.1945), cầu Trường Tiền được đổi tên là cầu Nguyễn Hoàng, tên của vị chúa Nguyễn đầu tiên đến khai phá đất Đàng Trong. Song trong thực tế, người ta hầu như chỉ quen thuộc với tên gọi: cầu Trường Tiền. Tên gọi này nguyên là tên gọi của bến đò Trường Tiền, vì ở đó ngày xưa có sở đúc tiền đồng ở phía tả. Văn phòng Trường Tiền được dời xuống đây kể từ sau khi kinh đô Huế thất thủ, cho đến thời Khải Định mới được dời vào trường Bá Công, tại phường Trung Hậu bên trong Thành Nội. Chữ Trường (場) có nghĩa là xưởng hay địa điểm. Trường Tiền (錢) là xưởng đúc tiền. Chữ Trường này cũng xuất hiện trong một số địa danh khác ở Huế như: Trường Súng, Trường Đồng, Trường Bia... Cầu Trường Tiền đã thành danh và đi vào lịch sử từ cái tên gọi giản dị đó.
Trong hình ảnh có thể có: bầu trời, cầu và ngoài trời

2. Cầu Trường Tiền trong ký ức dân gian

Hình ảnh thân quen của cầu Trường Tiền đã đi sâu vào ký ức người dân xứ Huế qua nhiều câu ca dao, điệu hò, hay thơ nhạc của những thi sĩ, nhạc sĩ người Huế và người phương xa yêu Huế. Ca dao xứ Huế có câu:
Cầu Trường Tiền sáu vài mười hai nhịp
Em theo không kịp tội lắm anh ơi
Bấy lâu ni mang tiếng chịu lời
Anh có xa em đi nữa, cũng tại ông trời nên xa
Về câu ca dao này, tôi có bài viết nhỏ đăng trên báo Thừa Thiên Huế và trên tạp chí Văn hóa dân gian[8] , để chứng minh rằng thực chất cầu Trường Tiền là “mười hai vài, sáu nhịp” chứ không phải là “sáu vài, mười hai nhịp” như trong câu ca dao trên. Thực ra, nhịp cầu là khái niệm trừu tượng để chỉ một khoảng không gian giữa hai trụ cầu. Còn vài cầu (giới chuyên môn gọi là phiến giàn) là những kết cấu kiến trúc cụ thể, góp phần tạo nên nhịp cầu, ở đây, là những vòm cong hai bên thành cầu. Hiểu đúng như thế chúng ta sẽ thấy cầu Trường Tiền có “mười hai vài, sáu nhịp”.
Câu ca dao trên mượn “chuyện vài”, “chuyện nhịp” cốt để nói “chuyện tình”, là sự cách trở giữa một cặp tình nhân (có thể là một cặp vợ chồng cũng nên) khiến họ không “ăn đời ở kiếp” với nhau chứ không phải dân gian không biết cầu Trường Tiền chỉ có sáu nhịp. Bởi ngoài câu ca dao trên, dân Huế còn có một “mớ” ca dao khác chứng tỏ họ cũng “biết rõ mười mươi” cầu Trường Tiền chỉ có sáu nhịp. Hãy nghe một câu ca dao “tự khoe” của xứ Huế:
Đất Thừa Thiên trai hiền gái lịch
Non xanh nước bích, điện ngọc sông trong
Tháp bảy tầng, Thánh Miếu, Chùa Ông
Chuông khua Diệu Đế, trống rung Tam Tòa
Cầu Trường Tiền sáu nhịp bắc qua
Tả Thanh Long, hữu Bạch Hổ, đợi khúc câu ca thái bình
Hay câu:
Chợ Đông Ba đem ra góc thành
Cầu Trường Tiền sáu nhịp, bến đò Ghềnh bắc ngang
Nhà thơ xứ Huế Ưng Bình Thúc Giạ Thị, khi làm bài thơ thất ngôn bát cú Hương Giang có viết hai câu về cầu Trường Tiền:
Sáu nhịp vòng cung cầu đã bắc
Trăm năm bến cũ dấu còn lưa[9]
Rõ ràng là dân Huế biết cầu Trường Tiền chỉ có sáu nhịp, vậy tại sao họ lại sáng tác ca dao cầu Trường Tiền sáu vài mười hai nhịp?
Xin thưa, họ phải hoán vị số từ để câu ca dao thêm vần, thêm điệu mà thôi. Khổ một nỗi, sau khi hoán vị số từ cho vài và nhịp, câu ca dao trở nên hay và nổi tiếng nên ai cũng thuộc lòng. Để rồi, khi đi “qua cầu ngửa nón trông cầu”, người ta mới giật mình thắc mắc: “mười hai vài, sáu nhịp đã rõ rành rành, sao lại có câu ca dao tréo ngoe như thế?”. Song không biết hỏi ai nên (có lẽ) người ta tự bảo: “Thôi thì mấy vài mấy nhịp cũng được, miễn có lời ru hay cho con chóng ngủ”. Thế là êm!
Nhớ lại khi cầu Trường Tiền mới hoàn thành, dù dân chúng phải gồng mình nộp thuế xây cầu, song khi thấy lợi ích của việc nối đôi bờ sông Hương, Hòa thượng Phúc Hậu, đã viết bài thơ tán thưởng:
Nam Mô Di Phật phước hà sa
Cầu sắt ơn người tạo lập ra
Độ trận chúng sinh khi trái bước
Lỡ đường thiên hạ lúc băng qua
Tài cao sánh với non Kim Phụng
Đức trọng so tày bể Túy Ba
Lồng lộng giữa sông trồng cội phúc
Ngàn năm để tiếng nước Nam ta[10]
Trộm nghĩ, may mà bài thơ ra đời cuối thế kỷ trước chứ nếu được viết vào sau này tôi e rằng nó sẽ không được phổ biến. Cầu thì Tây làm, lại thu từ thuế của dân, vậy mà nhà sư lại viết lời cám ơn Đức Phật và lại cho là “ngàn năm để tiếng nước Nam ta”. Rõ ràng khẩu khí bài thơ ấy rất chi là... hòa thượng (!). Ấy thế mà đúng vô cùng, bởi cái tên cầu Trường Tiền đã chẳng “để tiếng” ở xứ Huế và nước Nam ta từ trước nay đó sao? Tất nhiên là chỉ mới ngót trăm năm thôi. Song tôi nghĩ rằng “tiếng tăm” ấy sẽ sống được nghìn năm hoặc có khi hơn nữa cơ đấy.
Nào ngờ, nỗi vui mừng chưa được bao lâu thì cơn bão năm Giáp thìn (1904) kéo tới. Cầu Trường Tiền có sáu nhịp, bão thổi bay mất bốn nhịp. Nước lũ cuốn những vài cầu trôi về tận chợ Đông Ba, lúc này vừa mới chuyển từ bãi đất trước cửa Chính Đông ở mặt đông Kinh Thành ra đây. Cơn bão là một biến cố kinh hoàng, tàn phá nhiều công trình xây dựng trong đó có cầu Trường Tiền. Một tác giả vô danh đã ghi lại diễn biến trận bão bằng một bài thơ:
Năm Thìn, tháng tám bữa mồng hai
Trận gió thình lình nửa buổi mai
Mưa xuống ào ào tuôn rát mặt
Gió khua sàn sạt thổi vang tai
Ngoài sân cây đổ, tàn nghiêng ngửa
Bên chái phên hư, mái rụng rời
Nghe nói Trường Tiền cầu sắt gãy
Nhà tan cửa nát khắp nơi nơi
Riêng đối với cầu Trường Tiền, thi sĩ Mộng Phật Tôn Thất Diệm có những câu thơ cảm tác:
Thương bấy tàu đồng ngoài bể Bắc
Tiếc thay cầu sắt giữa dòng Tây
Đến năm 1906, khi cầu Trường Tiền được sửa chữa, dân Huế lại có câu ca dao:
Chợ Đông Ba đem ra ngoài giại
Cầu Trường Tiền đúc lại xi-moong
Ơi người lỡ hội chồng con
Về đây gá nghĩa vuông tròn với ai
Chợ Đông Ba được thành lập vào đầu triều Gia Long ở ngoài cửa Chính Đông. Chợ trước gọi tên là Đông Hoa (東花). Về sau, vì kiêng húy chữ Hoa (花) là tên của Tá Thiên Nhân hoàng hậu Hồ Thị Hoa, vợ vua Minh Mạng, đã qua đời sau khi sinh hoàng tử Miên Tông (sau này là vua Thiệu Trị) được 13 ngày, nên nhà vua đã hạ chỉ đổi tên tất cả những gì có chữ Hoa sang chữ khác. Chợ Đông Hoa trở thành chợ Đông Ba (東葩), còn người dân Huế gọi hoa là bông cũng từ dạo ấy.
Năm 1839, vua Minh Mạng đổi tên Đông Ba thành Đông Gia (東嘉) nhưng dân chúng vẫn quen gọi là chợ Đông Ba. Năm Thành Thái thứ 11 (1899), chợ được dời ra vị trí hiện giờ. Nơi này vốn là một mỏm đất phía ngoài mặt thành nên được dân Huế gọi là giại. Còn sàn cầu Trường Tiền, nguyên thủy làm bằng gỗ lim, sau được thế thay bằng sàn đúc béton, dân gian vẫn gọi là “xi-moong” để cho thuận với âm “on” trong từ “con” ở cuối dòng thứ ba của câu ca dao.
Câu ca dao này còn có một dị bản, không phải là lời tán tỉnh, thăm dò của chàng đối với nàng, mà là lời trách móc của người vợ với người chồng “không biết điều” với nhạc gia:
Chợ Đông Ba đem ra làm lại
Cầu Trường Tiền đúc lại xi-moong
Đường đi lên đi xuống đã mòn
Anh qua ngõ không ghé thật rể con bạc tình
Dưới triều Duy Tân, chính quyền bảo hộ muốn nhắc nhở người dân (cả Tây lẫn ta) giữ đúng luật đi đường nên đã cho treo ở hai đầu cầu tấm biển có dòng chữ: “Prenez votre droite, marchez au pas” (Đi bên phải, bước chầm chậm). Triều đình An Nam dịch hai câu trên sang chữ Hán và khắc vào biển treo cạnh hai tấm biển chữ Pháp, như sau:
Xa mã quá kiều do hữu chi
Yếu nghi hoãn hoãn vật nghi trì
Nghĩa là:
Xe ngựa qua cầu đi phía phải
Nên đi chầm chậm chớ đi mau[11]
Dịch từ Pháp văn sang Hán văn như thế quả là siêu việt, kém chi câu trả lời bằng ca dao của Khâm sứ Trung Kỳ trước đây cho bà Từ Dũ khi bà xin giảm thuế xây cầu cho dân đã đề cập ở phần đầu bài viết. Còn nhiều câu ca dao liên quan đến cầu Trường Tiền, ví như:
Xa hiên rồi đến dinh thuyền
Hai bên Trường Súng, Trường Tiền cách nhau...
Tuy nhiên, do khuôn khổ bài viết không cho phép dông dài nên tôi tạm ngưng. Xin hẹn sẽ “tạp lục” trong một dịp khác.

3. Những nỗi thăng trầm

Ngót trăm năm tồn tại, cầu Trường Tiền đã cùng với Huế trải qua bao cơn dâu bể. Chiếc cầu đã bị thiên tai, chiến tranh và thời gian tàn phá nhiều lần. Lần hư hỏng đầu tiên rất nặng nề là do hậu quả cơn bão năm Giáp thìn (1904). Hai năm sau (1906), cầu được tu sửa lại. Bấy giờ sàn cầu được đúc bằng béton nhưng vẫn chưa có hai hành lang bên cầu. Đến năm 1937, cầu Trường Tiền được đại gia trùng tu và mở thêm hai lan can hai bên. Lần tu sửa này chỉ kéo dài ba tháng.
Ngày 20.12.1946, lúc 2 giờ 30, cầu Trường Tiền bị đặt mìn giật sập trước lúc bước vào cuộc kháng chiến chống Pháp ở Huế. Hai năm sau, cầu được tạm thời sửa chữa để đi lại. Đến năm 1953 thì mới được tái thiết như xưa. Mùa xuân năm 1968, một lần nữa cầu Trường Tiền lại bị giật sập trong cuộc chiến Mậu thân. Năm 1969, một vài cầu được nâng lên ở vị trí cũ, còn vài kia do hỏng nặng nên phải triệt giải để thay thế bằng một vài cầu gỗ.[12]
Tháng 5.1991, cầu Trường Tiền được đưa vào tu sửa lần thứ 5. Toàn bộ thiết bị vật tư kỹ thuật để sửa chữa cầu lần này được cung ứng bởi hãng Baudin Chateauneaus của Pháp. Sau năm năm thi công, ngày 19.5.1995, cầu Trường Tiền chính thức thông xe. Vậy là sau bao nỗi thăng trầm và bao năm ngóng đợi, cầu Trường Tiền lại được tái sinh trọn vẹn trong nét duyên xưa đáp ứng lòng mong mỏi của bao lớp người dân Huế và những người yêu Huế.

Tháng 5.1995


Trong hình ảnh có thể có: đêm, ngoài trời và nước

Bài 2: CÓ PHẢI CẦU TRƯỜNG TIỀN “SÁU VÀI, MƯỜI HAI NHỊP”?

Trần Đức Anh Sơn


Xứ Huế có chiếc cầu Trường Tiền nổi tiếng, từ lâu đã đi vào thơ ca nhạc họa như một nét đẹp biểu trưng của miền đất sông Hương núi Ngự. Ca dao Huế có câu:
Cầu Trường Tiền sáu vài, mười hai nhịp
Em qua không kịp tội lắm anh ơi
Mấy lâu ni mang tiếng chịu lời
Có xa nhau chăng nữa, cũng tại ông trời mà xa
Chẳng rõ câu ca dao ấy ra đời từ bao giờ song không một bà mẹ Huế nào lại không một lần nhắc đến nó qua những khúc hát ru con. Hình ảnh cầu Trường Tiền đã đi vào tiềm thức của bao lớp người Huế như một nét dịu ngọt của quê hương nên câu ca dao trên cũng trở nên bất biến, vĩnh hằng và cũng chẳng ai nghĩ đến chuyện tìm hiểu nó cho kỹ lưỡng. Tôi cũng vậy. Đã bao lần qua lại cầu Trường Tiền và được nghe câu ca dao ấy, nhưng chẳng bao giờ tôi để ý chuyện cầu Trường Tiền có mấy vài? mấy nhịp?
Cho đến một ngày, nhân chuyến du ngoạn với du khách trên sông Hương bằng thuyền rồng du lịch, khi ngang cầu Trường Tiền, một vị khách ngước mắt trông cầu, rồi nảy thắc mắc: “Có phải ‘cầu Trường Tiền sáu vài, mười hai nhịp’ hay không? Nếu thế, thì đâu là vài? đâu là nhịp?”. Một câu hỏi khó, xứng cho tôi phải cất công đi tìm lời giải đáp.
Tìm đọc trong cuốn Ca dao xứ Huế. Bình giải của Ưng Luận, thấy tác giả tuy cố gắng giải vấn nhưng lại bày tỏ băn khoăn: “Cầu Trường Tiền chỉ có sáu vài. Nếu vài đồng nghĩa với nhịp thì cũng chỉ có sáu nhịp. Đây nói mười hai nhịp là muốn nói mỗi vài có hai nhịp cong cong ở hai bên chăng?”.[13] Tôi e không phải như thế.
Cái gọi là vài cầu (hay vì cầu), theo Từ điển tiếng Việt, “là kết cấu nối liền nhịp giữa hai mố cầu và tựa lên các mố đó” [14] , còn nhịp cầu, cũng theo từ điển này là “khoảng cách giữa hai trụ cầu và mố cầu liền nhau”.[15]
Từ điển Việt Pháp do Lê Khả Kế chủ biên[16] , Pháp Việt từ điển của Đào Duy Anh[17] và của Viện KHXH Việt Nam[18] đều dùng chữ travée cho từ mục nhịp cầu và đưa ra các ví dụ: un pont a sept travées (cầu bảy nhịp); pont de quatre travées (cầu bốn nhịp).
Từ điển Anh Việt của Bùi Phụng[19] và Từ điển Anh Việt của Trần Kim Nở[20] đều dùng chữ span hoặc bridge span cho nghĩa nhịp cầu. Span còn có nghĩa là chiều dài, dùng để chỉ khoảng cách: span of a bridge (chiều dài của một vế cầu).[21]
Còn vài/vì cầu thì tôi không tìm được từ mục tương ứng bằng tiếng Anh và tiếng Pháp trong các cuốn từ điển nói trên.
Tôi tiếp tục tìm đọc những tạp chí kỹ thuật liên quan đến nghề cầu đường và thắc mắc với những kỹ sư cầu cống về khái niệm vài và nhịp. Cuối cùng, tôi cũng thâu thập được đôi chút thông tin về cái gọi là vài cầu và nhịp cầu. Theo đó, vài cầu là một khái niệm cụ thể để gọi tên một cấu kiện kiến trúc, có tác dụng thay đổi moment lực, chuyển từ lực tác động xuống một điểm trên cầu (do người và vật đi qua) thành lực dàn đều trên mặt cầu, tránh sự cộng hưởng lực, nguy hại cho tuổi thọ chiếc cầu; còn nhịp cầu là một khái niệm trừu tượng để chỉ một khoảng không gian giữa hai trụ cầu hoặc giữa một trụ cầu với mố cầu. Như vậy, vài cầu là cấu trúc vật thể góp phần tạo nên nhịp cầu.
Đem những hiểu biết trên soi vào cầu Trường Tiền, mới hay, cầu Trường Tiền thực sự là “mười hai vài, sáu nhịp” chứ không phải là “sáu vài, mười hai nhịp” như ca dao đã ghi nhận. Bởi lẽ, cầu này có năm trụ ở giữa, cùng với hai mố cầu ở hai đầu, chia chiếc cầu ra sáu khoảng không gian bằng nhau (sáu nhịp). Mỗi nhịp cầu có hai chiếc vài duyên dáng, xinh xinh ở hai bên để tạo nên một nét đẹp riêng của cầu Trường Tiền và của Huế, cho dù kiểu kiến trúc cầu Trường Tiền không phải chỉ riêng Huế mới có.
Tuy kiến giải như trên nhưng tôi không có ý cho rằng dân gian đã nhầm lẫn khi sáng tác câu ca dao trên. Dân gian vốn biết rất rõ cầu Trường Tiền chỉ có sáu nhịp nên mới có câu ca dao:
Chợ Đông Ba đem ra góc thành
Cầu Trường Tiền sáu nhịp bến đò Ghềnh bắc ngang
Hay
Cầu Trường Tiền sáu nhịp bắc qua
Tả Thanh Long, hữu Bạch Hổ đợi khúc âu ca thái bình
Theo tôi, vì ca dao là một loại văn vần, nên để thuận tai, để có vần, có điệu, các tác giả dân gian đã đổi từ “mười hai vài, sáu nhịp” sang “sáu vài, mười hai nhịp”. Không chỉ đảo chữ để lấy nhịp, trong một câu ca dao khác, cũng nói về cầu Trường Tiền, còn có hiện tượng ép vần để câu ca dao được hay hơn, dễ nghe hơn:
Chợ Đông Ba đem ra ngoài giại
Cầu Trường Tiền đúc lại xi-moong
Ơi người lỡ hội chồng con
Về đây gá nghĩa vuông tròn với ta
Vì muốn hợp vần “on” với chữ “con” (câu 3) và chữ “tròn” (câu 4), các tác giả dân gian đã phiên âm chữ ciment, tiếng Việt đọc gần như xi-măng thành xi-moong.
Tản mạn đôi dòng về chuyện vài, chuyện nhịp của cầu Trường Tiền, tôi hoàn toàn không có ý muốn sửa chữa câu ca dao trên, mà chỉ nhằm góp phần giải đáp thắc mắc của du khách đến thăm Huế (và của một vài người Huế nữa).
Có chi chưa phải phép, kính mong quý độc giả lượng thứ và chỉ giáo. Tôi luôn sẵn lòng ghi nhận.

Mùa hạ 1994

*****
Trong hình ảnh có thể có: đêm, ngoài trời và nước
Cầu Trường Tiền vừa được thay hệ thống đèn chiếu sáng mới. Ảnh: Võ Thạnh (vnexpress)
Trong hình ảnh có thể có: cầu, bầu trời, ngoài trời và nước
Cầu Trường Tiền vừa được thay hệ thống đèn chiếu sáng mới. Ảnh: Võ Thạnh (vnexpress)

Chú thích

[1] Phan Thuận An, “Cầu Trường Tiền, một hình ảnh thân quen của Huế”, Phụ trương của SH, Số 12/1985, tr. 16.
[2], [3] Quốc sử quán triều Nguyễn, ĐNNTC (Thừa Thiên phủ), Bản dịch của Tu Trai Nguyễn Tạo, Quyển 2, Tập thượng, Sài Gòn, 1961, tr. 107, tr. 114
[4], [7] Phan Văn Dật, “Khảo sát về một số cổ tích và địa danh Huế qua ca dao”, Mỹ thuật, Tập 1, Trường Cao đẳng Mỹ thuật Huế xuất bản, 1974, tr. 29, tr.33, tr.30, tr.31, tr.16.
[5], [9], [10] , [11] , [12] Quốc sử quán triều Nguyễn, ĐNNTC, Bản dịch của Viện Sử học, Nxb KHXH, tập 1, Hà Nội, 1965, tr. 15.
[6] Hồ Tấn Phan, Hồ Thị Thu Trang, “Cầu Trường Tiền có từ bao giờ?”, SH, Số 6 (27/1987).
[8] Trần Đức Anh Sơn, “Có phải “cầu Trường Tiền sáu vài mười hai nhịp””, Thừa Thiên Huế, Số ngày 5.8.1994, tr. 6 và VHDG, Số 4(48)/1994, tr. 80-81.
[13] Ưng Luận, Ca dao xứ Huế. Bình giải, Tập 1, Sở VHTT Thừa Thiên Huế, tr. 27.
[14], [15] UBKHXHVN, Từ điển tiếng Việt, Nxb KHXH, Hà Nội, 1989, tr. 148, tr. 748.
[16] Lê Khả Kế (Chủ biên), Từ điển Việt Pháp, Nxb KHXH, Hà Nội, 1992, tr. 1009.
[17] Đào Duy Anh, Pháp Việt từ điển, Trường Thi xuất bản, 1957, tr. 1811.
[18] Viện KHXH Việt Nam, Từ điển Pháp Việt, Nxb KHXH, 1993, tr. 2192.
[19] Bùi Phụng, Từ điển Việt Anh, Nxb ĐH&THCN, Hà Nội, 1993, tr. 1081.
[20], [21] Trần Kim Nở, Từ điển Anh Việt, Nxb CTQG, Hà Nội, tr. 1984.